THUẬT UỐNG TRÀ & DƯỠNG SINH


Dẫn nhập

Trong lịch sử nhân loại, có khá nhiều khám phá hoặc phát minh lớn lao bắt nguồn từ sự tình cờ. Truyền thuyết Trung Hoa kể rằng trong một dịp tuần thú, vua Thần Nông (2700 ÂL) tìm ra công hiệu của trà, khi một số lá của cây này rơi vào nồi nước đang nấu. Không mấy chốc, nước trong nồi ngả màu và tỏa mùi thơm. Là một người có đầu óc khoa học, vua Thần Nông nếm thử và nhận thấy nước này có hương vị thần diệu. Từ đó, ngài truyền dạy dân Trung Hoa cách dùng trà. Lại có truyền thuyết cho rằng trong một dịp ngẫu nhiên, vua Thần Nông nhai các lá trà thì nhận thấy chúng có khả năng xoa dịu sự công phạt của nhiều chất độc đang hoành hành trong cơ thể ngài. Những chất độc này đến từ các thảo mộc mọc trong thiên nhiên, do ngài nếm thử nhiều năm tháng trước đây.

Cho đến nay, người Tây phương và Đông phương vẫn còn có sự cách biệt khá lớn lao về sự cảm nhận và cách thưởng thức trà. Đối với nhiều người Tây phương, trà được dùng thuần túy như một thức uống. Đối với người Đông phương, trà không những là một thức uống, mà qua cách uống nó, người ta có dịp di dưỡng tinh thần bất cứ lúc nào trong một ngày. Muốn thấy được tầm mức nghiêm trọng của việc pha trà, ta hãy nghe lời khuyến cáo của một nhà văn Trung Hoa đời Tống: „Có ba điều ân hận trong cuộc đời: Làm hư hại tuổi thanh xuân qua sự giáo dục sai lạc, làm giảm giá trị của tác phẩm nghệ thuật qua những lời khen nhảm, và sự phí phạn trà ngon qua cách pha trà kém cỏi“ (trong Okakura 1964, tr.10).

Chính vì trà có một vai trò quan trọng trong sinh hoạt tinh thần Đông phương, nên qua nhiều thế kỷ,nghệ thuật uống trà đã được nhiều bậc thức giả, cũng như những kẻ uống trà sành điệu nghiên cứu và tán dương. Tuy vậy, một vài biến cố quan trọng về trà có thể kể đến như việc Lục Vũ (Lu Yu) đời Đường để lại cho hậu thế quyển 'Trà Kinh' vào thế kỷ thứ 8. Sau khi tác phẩm này ra đời, việc uống trà được xem trọng như một ngành nghệ thuật, thay vì thuần túy như một thức uống của dân gian. Vào cuối thế kỷ 12, thiền sư Nhật Eisai Zenji viết một luận thuyết cổ vũ việc uống trà gồm hai tập sách mang tựa đề 'Kissa-yojo-ki' (nghĩa: 'Chú Giải về Dược Tính của Trà'). Luận thuyết này đã gây một ảnh hưởng khá lớn lao vào xã hội Nhật trong thời Kamakura (1185-1333). Sau đó ít lâu, Trà đạo dần dà thành hình do kết quả của nhiều thuận duyên và công sức của một số thiền sư Nhật. Okakura, một nhà Đông phương học, viết một tiểu luận Anh ngữ về trà tựa đề 'The Book of Tea' năm 1906.

Cho đến nay, tác phẩm này được in lại rất nhiều lần, qua nhiều ngoại ngữ khác nhau. Tại nước ta, nghệ thuật uống trà thanh tao của người xưa bàng bạc trong một số tác phẩm văn học như 'Vũ Trung Tùy Bút' của Phạm Đình Hổ (1768-1839), 'Vang Bóng Một Thời' của Nguyễn Tuân, và 'Hương Trà' của Đỗ Trọng Huề. Các tác giả cho thấy các nhà Nho, dù có một cuộc sống đơn giản mấy đi chăng nữa, vẫn không thể thiếu trà Tàu trong cuộc sống thường nhật. Trà Tàu giúp các nhà Nho có thêm chất liệu cho cuộc sống tinh thần, bù đắp cho nếp sống thanh đạm:

Họ lịch sự như tiên, phú quý như giời,
Quất con ngựa rong chơi ngoài ngõ liễu.
Ta trồng cỏ đầy vườn, vãi hoa đầy đất,
Gọi hề đồng pha nước trước hiên mai.

(Thơ Hải Văn, trong Nguyễn Tuân 1962, tr.54)

Trong nhiều năm gần đây, có một số công trình nghiên cứu về trà của các khoa học gia, khám phá ra những lợi ích rất bất ngờ về trà. Từ những đặc tính y học của trà, nhiều người bất kể sống trong vùng văn hóa nào, bắt đầu sử dụng trà như một món uống hàng ngày để phòng chống một số ung thư và bệnh tật. Tuy nhiên, thật cần thiết để hiểu thêm nhiều về trà và nghệ thuật uống trà của cổ nhân Đông phương, vì lẽ những kiến thức này có thể giúp chúng ta hiểu rõ những lợi ích tinh thần mà trà có thể đem lại cho người uống. Trong suốt bài viết, từ ngữ 'Đông phương' mà tôi sử dụng gồm Trung Hoa và một số quốc gia từng chịu ảnh hưởng sâu đậm nền văn hóa của nước này như Nhật Bản và Việt Nam. Tôi cũng sẽ trình bày về nguồn gốc, các thành tố cần thiết và cung cách pha trà trong nghệ thuật uống trà, và sau cùng, sự liên hệ giữa trà và nghệ thuật dưỡng sinh của người xưa.

Còn tiếp