Bộ sưu tập áo cung đình Việt Nam của Trịnh Bách
16:31' 16/07/2005 (GMT+7)

(NetCodo) Tham gia Festival chuyên đề Huế 2005, nhà nghiên cứu Trịnh Bách đã đem đến cho công chúng bộ sưu tập áo cung đình Việt Nam rất độc đáo. Theo Trịnh Bách, anh bắt đầu nghĩ đến chuyện hình thành bộ sưu tập này từ nhiều năm trước. Năm 1995, anh bắt đầu tìm thợ và tổ chức tập luyện tay thợ đến năm 2000 mới bắt đầu cho thêu. Cũng thêm 5 năm nữa, bộ sưu tập mới được thêu thùa nên hình hài như hiện nay.

Chị Nguyễn Thị Hạnh, Chủ nhiệm HTX dệt La Khê (Hà Đông, Hà Tây) cho biết, anh Trịnh Bách đã tìm đến với các nghệ nhân dệt vải của chọ khá nhiều lần để tìm đặt những loại tơ tằm, nhiễu ưng ý cho bộ sưu tập của mình. Những người thợ của La Khê đã cung cấp cho anh Trịnh Bách một số nhiễu, loại sa nam để thêu áo hoàng tử, các loại sa ô, sa văn…để làm mũ…

10 chiếc áo trong bộ sưu tập này đã khiến nhiều người thích thú. Ví dụ nhiều người đã nhận ra trang phục múa Lục cúng hoa đăng trong bộ sưu tập này khác xa, chuẩn mực hơn rất nhiều so với những gì đang được thấy biểu diễn.

Anh Trịnh Bách bật mí: Sở dĩ những chiếc áo trông có vẻ cũ là bởi ngày xưa, trước khi thêu áo, những người thợ cũng đã tìm cách làm cho màu nó dịu đi bằng cách ủ bằng các thứ nước trà hoặc nước lá rau…Những chiếc áo thêu xong, không bao giờ giặt mà chỉ phơi phong và đem cất trong rương.

Còn rất nhiều những câu chuyện thú vị liên quan đến những chiếc áo cung đình xưa. Dưới đây xin giới thiệu 10 mẫu áo trong bộ sưu tập của Trịnh Bách được trưng bày trong Không gian Hai Bà Trưng-Huế:


Áo dài Sakep Phi-Hậu (xuân -hạ). Lớp ngoài được may bằng vải sa nõn tơ tằm, lớp trong bằng vải nhiễu tơ tằm, áo thêu đoàn phượng. Chiếc áo này được phỏng theo áo dài sakép của hoàng hậu Nam Phương



Áo mãng lan hoàng tử. Lớp ngoài được may bằng vải Đoạn bát ti tơ tằm. Áo thêu rồng 4 móng. Chiếc áo này được phỏng theo chiếc áo của hoàng tử Chánh Mông (sau tức là hoàng đế Đồng Khánh)



Áo long bào Hoàng thái tử. Lớp ngoài được may bằng vải Đoạn bát ti tơ tằm. Lớp trong bằng vải quang tố. Áo thêu rồng 5 mống. Chiếc áo này được mô phỏng theo chiếc áo của vua Đồng Khánh




Áo hoàng bào hoàng hậu (Thu- Đông). Lớp ngoài được may bằng vải Đoạn bát ti tơ tằm. Lớp trong bằng vải quang tố. Áo thêu phụng. Chiếc áo này được phỏng theo chiếc áo bào của hoàng hậu Nam Phương trong ngày cưới



Áo Đoàn Loan Nhật Bình công chúa (thu-đông) Lớp ngoài được may bằng vải quế tơ tằm. Chiếc áo này được mô phỏng theo chiếc áo mệnh phụ của công chúa Mỹ Lương




Áo dài sa kép công chúa (xuân- hạ). Lớp ngoài được may bằng sa nõn tơ tằm. Chiếc áo này được phỏng theo chiếc áo sa kép của công chúa Mỹ Lương



Áo sa kép hoàng thái tử. Lớp ngoài được may bằng sa nam tơ tằm, lớp lót bằng vải the. Áo thêu viền long ngũ trảo, tản vân. Chiếc áo này được phỏng theo chiếc áo của hoàng thái tử Trường Khánh Công Miên Tông (sau nay là Hoàng đế Thiệu Trị




Áo mệnh phụ Hoàng thái hậu.Lớp ngoài được may bằng vải Đoạn bát ti tơ tằm. Lớp trong bằng vân hạc đỉnh tơ tằm. Áo thêu Đoạn phương nhật bình. Chiếc áo này được mô phỏng theo áo mệnh phụ của bà Từ cung Hoàng thái hậu



Áo mãng bào Hoàng thái tử. Lớp ngoài được may bằng vải Đoạn bát ti tơ tằm, lớp trong bằng vải xuyến dọc tơ tằm. Áo thêu rồng 4 móng. Chiếc áo này được mô phỏng theo chiếc áo của Hoàng từ Chánh Mông (sau là hoàng đế Đồng Khánh)



Áo dài sa kép Hoàng phi (xuân-hạ). Lớp ngoài được may bằng vải sa nõn tơ tằm, lớp trong bằng vải nhiễu tơ tằm. Chiếc áo này của bà Thánh Cung Hoàng Thái hậu khi còn ở bậc phi



Sông Hương- Hoàng Đình