Bí ẩn bùa yêu ở xứ Mường

Trai gái từ ghét nhau có thể trở nên yêu thương nhau, chỉ với vài câu bùa chú có thể gọi được người cách hàng nghìn cây số trở về nhà… Xưa nay, xứ Mường vẫn đồn đại những câu chuyện nửa thực nửa hư như thế…

Xứ Mường xưa nay vẫn nổi tiếng với những câu chuyện về bùa ngải mà ly kỳ nhất là chuyện làm bùa yêu. Hai vợ chồng sống với nhau có trục trặc cũng đến nhờ thầy hàn gắn hay chẳng hạn trai gái chưa ưng nhau, nhờ thầy làm bùa “mần” vào nắm muối, củ gừng, cái lược là quấn quít không rời. Người đang yêu chết mê chết mệt thầy cũng chỉ cần “mần” là “ai đi đường nấy ngay”. Thậm chí, người ở cách xa hàng nghìn cây số thầy chỉ cần lẩm bẩm vài câu chú là tức tốc trở về…

Có người thì khẳng định như đinh đóng cột là có thật, có kẻ nghe xong thì phán chỉ là chuyện hoang đường, do thêu dệt mà ra… Trải qua nhiều năm, bức màn bí ẩn xung quanh những câu chuyện bùa chú ngày càng phủ dày thêm.


Bàn thờ và những vật dụng làm bùa chú của các thầy người Mường.


Trong buổi chiều nắng gay gắt, nhân chuyến công tác qua Lạc Sơn, Hòa Bình, một huyện vốn nổi tiếng về bùa ngải xứ Mường, chúng tôi tìm đến UBND xã Yên Phú để tìm hiểu về chuyện làm bùa. Vốn chẳng mấy tin vào mấy chuyện ma quái thần thánh nhưng phần để thoả trí tò mò, phần thì cố gắng tìm hiểu phần nào hư thực xung quanh bức màn bí ẩn ấy.

Tiếp chúng tôi, ông Bùi Văn Đức, chủ tịch UBND Xã Yên Phú vừa nhấp ngụm trà vừa cười khề khà nói: “Tôi năm nay cũng hơn 40 tuổi rồi, nhưng thú thật những câu chuyện bùa ngải cũng mới chỉ được nghe ông bà kể lại chứ cũng chả được dịp chứng kiến hư thực ra sao.

Chỉ nghe bà con truyền tai nhau nằm miết trên núi của xóm Thung có ông thầy làm bùa giỏi ghê lắm. Khắp làng xã, thậm chí tỉnh khác cũng tìm về nhờ thầy giúp. Nếu chị muốn tìm hiểu tôi có thể cho người dẫn đi. Nhưng không chắc là ông ấy có tiếp chuyện nhà báo không. Chuyện làm bùa ngải người ta kín tiếng lắm”.

Nói rồi ông Đức quay ra gọi với ra ngoài: “Anh Hải ơi, lại tôi nhờ cái”. Ông Bùi Văn Hải được giới thiệu là Phó chủ tịch, phụ trách văn hóa xã, là người có dáng người mảnh khảnh, tóc muối tiêu, đặc biệt cách nói chuyện rất hóm hỉnh.

Vừa nghe chúng tôi bày tỏ ý định muốn tìm hiểu về chuyện bùa chú, ông đã cười ha hả, vỗ tay đồm độp: “Cái ông Tản trên xóm Thung ấy, cũng là chỗ thông gia với tôi. Cả làng cả xã này người ta vẫn bảo ông ấy là thầy bùa tài nhất. Chả biết phải không nhưng hiện giờ ông ấy đang sống với vợ hai trên đỉnh núi Thung, kém tới hơn 20 tuổi. Người ta bảo là do ông ấy đặt cái quần của mình lên quần của bà ấy rồi bà ta cứ thế theo về đấy…”.

“Chú dẫn chúng cháu lên gặp thầy Tản nhé”, tôi nói chen vào, không giấu vẻ hứng khởi. Ông Hải xua tay: “Đi bộ xa, trời lại nắng thế này leo núi vất lắm, tôi e phóng viên không lên nổi”. Nhưng thấy tôi cứ khăng khăng xin đi ông Hải đành gật đầu đồng ý kèm theo lời dọa đùa: “Đi nửa đường không được đòi xuống nhé. Mà nếu thầy Tản “ưng” cô bỏ bùa bắt cô làm vợ tôi không chịu trách nhiệm đâu nhá”. Tôi gật đầu quả quyết, chưa từng tin có chuyện bùa ngải nhưng thú thật cũng thấy… hơi lo.

Bỏ lại đồ đạc xe cộ, chỉ mang theo cuốn sổ tay, chúng tôi hăm hở bước theo ông Hải diện kiến “cao thủ bùa ngải xứ Mường”.


Chú Móng - "hoa tiêu" của chúng tôi.


Con đường lên núi tìm đến nhà thầy Tản là một dải đất nhỏ quanh co, ôm lấy sườn núi. Trời mới mưa nên đường hãy còn lầy lội lắm. Một bên là núi cao, một bên là vực sâu hun hút, chúng tôi vừa đi vừa phải vịn lấy những tảng đá hai bên đường hay tóm lấy đám cỏ dại, nhấc chân từng bước một sợ bước hụt là đi tong như chơi.

Con đường núi dốc dựng đứng, thi thoảng lại bị đá tảng chèn ngang đường nên quãng đường gần 4 km mà tưởng chừng như vô tận. Có đoạn cây cối rậm rạp đan vào nhau thành những đoạn hang tối mù mịt. Mồ hôi đầm đìa ướt nhẹp cả áo, chúng tôi ai nấy đều thấm mệt, vừa đi vừa thở hổn hển. Chốc chốc, chú Hải lại phải quay lại chờ, nhắc nhở chúng tôi đi cẩn thận.

Rồi chú quay sang tôi trách đùa: “Mới đi có thế đã mệt thế này rồi. Tìm đến nhà thầy Tản đa phần là nữ thôi, tuần nào cũng có 7, 8 người từ khắp nơi đổ về tìm thầy. Có bà 50 tuổi vượt hàng trăm cây số từ Hà Nội lên, béo ục ịch còn phăng phăng tìm đến nhà thầy 4, 5 bận ấy chứ. ”.

Chẳng biết hư thực thế nào, chứ 4, 5 bận vượt quãng đường núi non hiểm trở thế này để xin bùa hàn gắn gia đình thì hẳn những người tìm đến đây phải quyết tâm lắm. Nếu không yêu chồng tha thiết, nếu không cố gắng níu giữ hạnh phúc gia đình thì chẳng thể nào làm được như thế. Rồi những bận leo lên, trèo xuống cả chục cây số, người ta có thời gian nhìn lại câu chuyện của chính mình mà sáng suốt có những cách cư xử thấu đáo nhất, tôi trộm nghĩ, đó là thứ bùa linh thiêng nhất rồi.

Đang đi thì chú Hải dừng lại chỉ tay: “Kia kìa, cái nhà sàn đó đấy. Tới nơi rồi”.

Kỳ 2: Diện kiến "cao thủ bùa yêu xứ Mường"

Lê Trang

Theo Bưu Điện Việt Nam