Đám tang tiền tỷ
Thứ Hai, 08/11/2010 --- cập nhật 09:02 GMT+7




Dịch vụ đám tang tiền tỷ dành cho những nhà đại gia. Kiểu đám tang này được nhà cung ứng dịch vụ tổ chức theo kịch bản hẳn hoi…

Theo lời rao trên một website chuyên rao vặt, tôi gọi điện thoại và được hướng dẫn đến một trại hòm ở Gò Vấp. Đúng như lời rao trên mạng rằng, thân nhân người chết muốn tổ chức tang lễ sao cho thật ý nghĩa, thật long trọng, con cháu nở mặt nở mày và lễ nghi không thua kém gì các bậc vua chúa, hoàng hậu ngày xưa... Ông Nh. chủ cơ sở dịch vụ mai táng V.Ph. trên đường Quang Trung đưa cho tôi xem một kịch bản tổ chức tang lễ cho cha của ông “trùm” kinh doanh vàng bạc ở quận 5 vùa qua đời. Ông Nh. cho biết, tổng chi phí lo ma chay trọn gói trong năm ngày cho đám tang này tròn trèm 1 tỷ đồng. “Kịch bản được chúng tôi thiết kế bảo đảm không “đụng hàng” với bất kỳ tang lễ nào. Lễ tang sẽ được tổ chức theo đúng nghi thức của một bậc quân vương vừa... băng hà theo đặt hàng của thân chủ” - ông Nh. tự hào khoe.
Tôi xem kỹ kịch bản được thiết kế công phu cho một dịch vụ ma chay cao cấp, thể hiện đẳng cấp chuyên nghiệp. Trong đó đưa ra các chi tiết về kinh phí lẫn quy trình, thời gian tổ chức cho từng công đoạn: cỗ áo quan được thiết kế theo mẫu đặc biệt bằng gỗ cẩm lai: 200 triệu đồng, phần mộ huyệt ở nghĩa trang công viên tại Bình Dương: 290 triệu đồng; chi phí trang điểm, ướp xác cho người quá cố: 30 triệu đồng; chi phí dựng rạp, phông màn: 50 triệu đồng…, chi phí khóc mướn: 20 triệu đồng. Chỉ riêng phần nghi lễ, nhạc cung đình… trong năm ngày theo “phong cách” hoàng đế đã là 230 triệu đồng.



Một nhóm thầy tụng tại đám tang



Ông Nh. lý giải đây là phần quan trọng nhất của toàn bộ tang lễ vì cách bài trí từ cỗ áo quan, trang trí rạp, đội lễ tân đón và tiễn khách hơn 20 người, nghi thức cúng lễ đúng theo lễ nghi của các vua triều Nguyễn mà cơ sở đã nghiên cứu rất nhiều sách vở, tư liệu… mới thiết kế được. Đặc biệt, phần âm nhạc, ngoài ban nhạc Tây, nhạc Tàu sẽ có đội nhạc cung đình, ca Huế. Cơ sở có riêng một đội ca múa tám người được tập luyện công phu, chuyên phục vụ những lễ tang theo nghi thức dành cho các bậc vương gia theo đề nghị của tang chủ. “Nhưng tôi cũng nói “nhỏ” nghe việc này, dịch vụ thầy tụng hiện nay cũng rối, nhưng gia chủ thường thì tang gia bối rối không để ý. Nếu trả tiền nhiều thì nhóm thầy tụng làm việc thời gian dài hơn, còn ít họ tụng ít” – ông Nh. tiết lộ.
Với những kiểu tổ chức dịch vụ ma chay theo yêu cầu, cơ sở mai táng V.P của ông Nh. đã hốt bạc khi ông cùng các cộng sự đã tổ chức trên 40 hợp đồng tổ chức lễ tang cao cấp theo đơn đặt hàng. Mỗi hợp đồng dịch vụ lo trọn gói có giá thấp nhất từ 300 triệu đồng và cao nhất là 1,1 tỷ đồng/đám. Theo ông Nh., ngoài những kịch bản chung, có sẵn của cơ sở thì giá “mềm” hơn, hầu hết các tang chủ là dân “đại gia” đều muốn đặt kịch bản riêng cho đám tang. Có người muốn tổ chức đám tang cho vợ của mình theo “phong cách” một nữ nghệ sĩ có tiếng vừa qua đời, nên ban tổ chức phải mời cho bằng được một vài ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng đến dự. Lại có người muốn tổ chức đám tang cho người cha quá cố theo phong cách Ả Rập huyền bí thì nhất định phải có tiết mục múa Ả Rập cùng những điệu nhạc, cách bài trí đám tang đúng như xứ 1.001 đêm…



Style sang trọng, mang phong cách Hàn Quốc tại một đám tang nghệ sĩ nổi tiếng



Song, để tổ chức hình thức đám tang đặc biệt như vậy, ông Hoàng, chủ cơ sở mai táng Huy Hoàng (đường xuyên Á, huyện Củ Chi) cho biết, hiện có khá nhiều “cò” mai táng mượn danh nghĩa các cơ sở dịch vụ mai táng xuất hiện trong lúc tang gia bối rối và bày trò kiếm tiền.

Các “cò” dịch vụ này lợi dụng sự mê tín, nhẹ dạ và muốn chứng tỏ “đẳng cấp” của tang chủ để “vẽ hươu vẽ vượn” thêm nhiều dịch vụ trong đám tang. Nhận tiền chủ nhà rồi... biến mất. Sau khi chôn cất người quá cố, thanh toán tiền với chủ trại hòm, một số tang chủ mới hoảng hốt vì những khoản tiền phát sinh quá lớn mà không hề có trong hợp đồng và cũng không hề được thực hiện. Ở công nghệ đám tang tiền tỷ, nhiều hàng độc đã được thân nhân người chết yêu cầu các nhà cung ứng dịch vụ phải đáp ứng. Theo đó, từ việc săn hòm tiền tỷ đến dịch vụ chết được tổ chức theo nghi thức băng hà của vua chúa ngày xưa.

Trong khi đám tang tiền tỷ được tổ chức thì những đám tang nhà nghèo cho những công nhân tham gia làm cầu Cần Thơ bị tai nạn trong vụ sập cầu này ở xã Mỹ Hòa (huyện Bình Minh, Vĩnh Long), tạo sự thương tâm cho những ai chứng kiến.


Vụ sập cầu Cần Thơ giờ vẫn còn là nổi đau của những gia đình có thân nhân tử nạn

Thảm nhất là nhà anh Nguyễn Văn Tâm. Đám tang anh không có lấy một tấm ảnh thờ, phải dùng chiếc thẻ công nhân thay thế. Khi anh chết, cậu con trai 15 tuổi Nguyễn Văn Sự không có nổi 10.000 đồng trong túi. Quan tài anh đặt giữa căn nhà đất trống hoác, bên cạnh là chiếc phản gỗ cũ kỹ, hình như là tài sản duy nhất trong nhà. Còn đám tang anh Lê Văn Tươi, chiếc chái che bằng hai mảnh ni lông phủ trên những thanh gỗ mỏng manh không đủ chỗ cho quan khách. Trời mưa tầm tã, chiếc chái đổ sụp xuống đầu khách viếng tang. Trong nhà nức nở khóc than, bên ngoài nhốn nháo đỡ chái nhà che mưa. Chị Trúc vợ anh giải thích: “Ở đây từ sớm đến 9 giờ nước ngập hết, chỉ còn mỗi cái nền nhà. Chiều nước lại ngập tiếp. Nếu trưa nay không chôn kịp, đổ cát đá chèn quan tài lại thì có khi quan tài vừa chôn xong lại trồi lên”. Còn đám tang nhà ông Lưu Văn Khâm “sang trọng” hơn khi 2 đứa con trai xấu số của ông có thêm nghi thức tụng kinh giải nạn của ni sư Diệu Vân ở am gần nhà. Dù vậy, hai anh em vẫn phải nằm chung một huyệt, để “đỡ chi phí đào huyệt, đổ bê tông chèn quan tài” - anh thợ đào huyệt cho hay…


Theo 24h.com.vn