Xin lập mục này để sưu tập các Tranh Thờ, đây là 1 dỏng Tranh đặc biệt, 1 nét văn hóa rất hay.

---------------------------------------------------

Tranh thờ làng Sình



Làng Sình tên chữ là Lại Ân có từ trước thế kỷ XVI, nơi đây có nghề in tranh mộc bản dân gian nổi tiếng. Làng Sình ở ngoại vi thành phố Huế, thuộc huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế.


Bản khắc gỗ in tranh
làng Sình.



Những tranh làng Sình
đã hoàn chỉnh.


Nghề tranh dân gian làng Sình vẫn tồn tại và phát triển ở Huế.


“Điểm nhãn” công đoạn cuối cùng để hoàn thành
bức tranh thờ.

Từ lâu, trong tâm thức dân gian xứ Huế từng tồn tại một niềm tin: con người sinh ra có bổn mạng, mỗi năm, mỗi một người đều có những vị thần phù hộ cho sức khoẻ, công việc làm ăn... Do đó, hình thành nhu cầu thờ cúng với những nghi lễ dân gian nhằm tống tiễn những điều xấu xa, đón nhận những điều tốt lành, may mắn. Nghề in tranh mộc bản dân gian làng Sình ra đời nhằm phục vụ nhu cầu trong lễ thức thờ cúng dân gian.

So với tranh Đông Hồ - Bắc Ninh và tranh Hàng Trống - Hà Nội thì tranh làng Sình - Huế đơn giản, nét khắc mộc mạc, màu sắc mang vẻ thô ráp ...

Giấy in tranh là giấy mộc, lấy màu cơ bản đỏ, xanh, vàng và đen tự nhiên từ cây cỏ núi rừng, sò điệp ở vùng đầm phá và ven biển. Bản khắc từ gỗ mít dẻo, bền, dễ khắc, không bị mọt, có thể tàng trữ lâu năm. Nghệ nhân khắc gỗ in nét tranh xong sau đó dùng bút lông chấm màu tô lên từng mảng đậm nhạt, tuỳ theo nội dung, đường nét, loại tranh. Tranh là kết quả của một quy trình công nghệ cổ truyền gồm nhiều công đoạn: từ khắc ván in, pha chế màu, in nét, tô màu.

Tranh làng Sình có khoảng 50 đề tài khác nhau:

- Tranh Bà: dùng cho việc thờ phụng bổn mạng của người phụ nữ chủ chốt trong gia đình. Bức tranh này là hiện thân của thần Cửu Thiên Huyền Nữ, hàng năm tôn trí vào cuối tháng Chạp, chuẩn bị đón tết Nguyên Đán, thờ phụng tại gian Bà, đúng một năm sau thì đốt đi, thay vào bức tranh mới.

- Tranh Táo Quân: dùng vào dịp cúng ông Táo ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm, cúng xong thì đốt đi.

- Tranh Lục Súc (heo, trâu): dùng vào dịp Tết, cúng xong treo tại chuồng heo hoặc chuồng trâu cho đến lúc mục nát, cúng cho gia súc khoẻ mạnh, sinh sôi...

- Tranh con ảnh: gồm tranh vẽ hình đàn ông, đàn bà, bé trai, bé gái. Tranh được dùng vào dịp cúng giải sao, giải hạn đầu năm, mỗi con ảnh thay thế cho một người trong gia đình, cúng xong đốt đi.

Ngày nay, dòng tranh dân gian này vẫn tồn tại và phát triển ở Huế, đề tài cũng được bổ sung với các mảng về thiên nhiên, nhà cửa, phố phường và sinh hoạt đời thường. Trải qua bao đời mang tín ngưỡng phồn thực, tranh làng Sình đã góp phần phản ánh giá trị văn hoá tinh thần dân tộc hướng về cuộc sống thanh bình, ấm no, hạnh phúc.

Bài: Huỳnh Kết - Ảnh: Hữu Bảo, Vĩnh Hưng