TP - Gần đây, TS Vũ Văn Bằng liên tiếp nhận được đơn đặt hàng của các đơn vị, cơ quan nhà nước yêu cầu thăm dò nước và các kiến tạo ngầm theo cách hầu như không khác gì công việc của thầy địa lý năm xưa và câu chuyện về ông sẽ còn được kể dài dài.

Một địa điểm khô hạn ở khu kinh tế Hòn La, tỉnh Quảng Bình tìm thấy nước nhờ thầy địa lý Vũ Văn Bằng (đứng giữa, đeo thiết bị) . Ảnh: QD


Từ năm 2002 đến nay, nhiều người bắt đầu biết đến một nhà khoa học địa chất chuyển sang làm cái việc bị quy cho là dị đoan, thầy địa lý. Học, kiếm tiền ở Ba Lan về, có chút vốn, thay vì đi theo đồng nghiệp vác những máy hiện đại nhất khoan thăm dò nước ngầm, ông đã có cách làm khác.
Vào nghề thầy địa lý muộn (cụm từ mà không bao giờ ông muốn dùng), ông gặp muôn vàn khó khăn khi hầu như không ai ủng hộ. Nhưng những gì ông làm được trong vòng tám năm qua thì ngay cả những người phản đối ông nhất bây giờ cũng bắt đầu hạ giọng.
Điều quan trọng nhất là, kinh nghiệm bản thân ông cho phép người ta bắt đầu nghĩ đến triển vọng có thể lý giải một cách khoa học bí quyết của thầy địa lý. Hơn thế, người ta cũng bắt đầu nghĩ đến việc phối hợp kỹ năng của thầy địa lý với các phương pháp hiện đại để nâng cao hiệu quả dò tìm.
Tạp chí Cơ học Đại chúng (Popular Mechanics) mới đây xếp thuật tìm nước bằng que thăm dò là một trong những tranh cãi dai dẳng nhất thế giới. Không ít ý kiến cho đây là trò lừa khi người ta chỉ dùng một con lắc hay một đôi đũa hay một khung dây để tìm nước. Có hẳn những tổ chức quốc tế chuyên tâm vào sự nghiệp bóc mẽ bằng được cái gọi là trò lừa đảo này.
Có thể kể đến Ủy ban Nghiên cứu Khoa học về Các tuyên bố huyền bí (CSICOP), địa chỉ trên internet là http://www.csicop.org/si. Một tổ chức đáng gờm khác là Hiệp hội Giáo dục James Randi (JREF). Tổ chức có địa chỉ mạng http://www.randi.org này thậm chí thách ai chứng minh những thầy địa lý kia thực sự tìm được nước sẽ thưởng cả triệu USD.

Kiểm chứng ma thuật
Một ngày giữa tháng 10 năm nay, khi miền Bắc bắt đầu vào mùa khô, TS Trương Thành Công, Giám đốc Sở Khoa học&Công nghệ Bà Rịa-Vũng Tàu, xác nhận với Tiền Phong rằng, đích thân ông làm chủ tịch hội đồng, gồm bảy thành viên khó tính, nghiệm thu một đề tài kỳ dị và lần đầu tiên xuất hiện trong nghề quản lý của ông. Đấy là kiểm chứng ma thuật của thầy địa lý Vũ Văn Bằng.

Bất chấp các tranh cãi chưa ngã ngũ, không ít tổ chức khoa học trên thế giới chuyển sang xem xét câu chuyện thầy địa lý một cách nghiêm túc. Có thể kể đến dự án của Viện nghiên cứu Deutsche Gesellschaft fur Technische Zusammenarbeit (Đức).
Dự án hy vọng sẽ tìm ra phương cách thăm dò nước rẻ tiền và hiệu quả hơn cho các vùng khô hạn ở các nước thế giới thứ ba. Trên 2.000 địa điểm tại Sri Lanka, Zaire, Kenya, Namibia và Yemen được thử nghiệm ròng rã 10 năm trời. Không phải mũi khoan nào cũng trúng nhưng tỷ lệ thành công cao một cách ngạc nhiên. Tại Sri Lanka, chẳng hạn, người ta khoan 961 lỗ và đạt tỷ lệ thành công 96 %.


Mục tiêu chính của đề tài trị giá 400 triệu đồng kéo dài một năm, từ giữa năm 2008 đến giữa năm 2009 do Sở KH&CN Bà Rịa - Vũng Tàu đặt hàng, là thăm dò mỏ nước ngầm tại một trong những xã khan hiếm nước nhất của tỉnh.
Bà Rịa - Vũng Tàu đang tiến lên công nghiệp hóa song cũng đang đứng ở ngưỡng nguy cơ đình đốn do nguồn nước ngày càng thiếu. Các số liệu thống kê của ba trạm khí tượng Xuyên Mộc, Bà Rịa, và Vũng Tàu suốt 30 năm qua cho thấy, Bà Rịa - Vũng Tàu đã chuyển sang trạng thái bán khô hạn. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 sang năm, nhất là vào tháng ba, vùng này thiếu nước trầm trọng.
Các phương tiện hiện đại, các chương trình nước sạch quốc gia đều đã vào cuộc nhưng bức tranh trên vẫn không sáng thêm. TS Công quyết định làm một cú thử chưa từng có, đem gần nửa tỷ đồng của nhà nước để thử công nghệ huyền bí.
Ông yêu cầu thầy địa lý Vũ Văn Bằng phải tìm bằng được nước ngầm ở một trong hai huyện khan hiếm nước nhất là Xuyên Mộc và Châu Đức. Cuối cùng, Sở KH&CN chỉ một điểm ở xã Suối Rao, nơi được mệnh danh là chó ăn đá gà ăn sỏi của huyện Châu Đức.
Nơi đây, các đoàn địa chất về thăm dò và quan sát địa hình đều kết luận không có nước. Nhóm thợ khoan cũng khẳng định như vậy. Câu đầu tiên mà anh Phạm Văn Truyền, đội trưởng đội khoan, nhận nhiệm vụ là “không có nước đâu”.

Chỉ đâu gần như trúng đấy
Sau một hồi cầm cái khung dây nối với một thiết bị không giống ai, thầy địa lý Vũ Văn Bằng chỉ xuống một điểm: “Chỗ này có nước”.
Để kiểm chứng độ chính xác của phương pháp mà cho đến giờ nhiều người vẫn phủ nhận, các nhà khoa học cho dùng một biện pháp hiện đại để đối chứng. Một tổ hợp máy thăm dò địa vật lý điện và từ được huy động. Các thiết bị không có phản ứng gì với cái gọi là từ trường của dòng chảy ngầm, tức là không đo được, không xác định được là có nước ngầm ở đó hay không.
Khoan hay không? Có ý kiến đề nghị dừng vì rất tốn kém. Mỗi mũi khoan với thời giá hiện tại là một triệu đồng cho một mét. Nếu không có thì sao?
Trong khi ấy, thầy Bằng đọc vanh vách các con số định lượng, chiều sâu gặp mạch nước là từ 60m trở đi. Chiều sâu hết mạch nước tối đa là 75 m. Lưu lượng nước dự kiến là trên 5m3/h.
Khoan đến độ sâu 6,5m, bắt đầu gặp ngay tầng đá gốc, cái tầng mà dân địa chất và khoan thăm dò đều thống nhất là kịch kim, không thể làm gì được nữa. “Dừng thôi”, anh Truyền, đội trưởng đội khoan đề nghị. Chủ dự án đầu tư liếc nhìn các bên chứng kiến, ai nấy không giấu nổi sự ngao ngán. Nhưng tên đã bắn, không lẽ dừng giữa chừng? Mọi người quyết định khoan tiếp.
Đến độ sâu 63m, lỗ khoan đang khô khốc bỗng nhiên sùi lên một dòng nước đục ngầu lên mặt đất. Ai nấy vã mồ hôi. Khoan tiếp đến độ sâu 71m, một dòng chảy liên tục với lưu lượng 7m3/h, lớn hơn dự kiến.

Cái máy bí ẩn hay tiềm năng cá nhân ?
Máy đo của thầy Bằng có một phần không khác gì đồ nghề của thầy địa lý. Đấy là cái khung dây bằng kim loại. Khác chăng là khung dây ấy được nối với một thiết bị nom cực kỳ đơn giản, không hề có bất cứ đồng hồ đo nào.

Thầy “địa lý” Bằng trong một lần thực nghiệm trên đường Pháp Vân - Cầu Giẽ . Ảnh: Phạm Yên


Từ bộ khung dây và cái máy đơn sơ ấy, thầy Bằng đã thi thố với các thiết bị đo hiện đại nhất của các nhà địa chất ở Việt Nam tại một địa điểm gần thị trấn Văn Điển, Hà Nội.
Người viết bài này trực tiếp chứng kiến cuộc thử nghiệm với sự có mặt của 4 chuyên gia địa chất kỳ cựu. Các thiết bị đo hiện đại với đồng hồ điện tử hiện số hầu như không ghi nhận được bất cứ sự chuyển động nào của dòng nước ngầm mô phỏng, trong khi cái khung dây huyền bí nối với cái máy kia lại xoay.
Từ năm 2002 đến nay, thầy Bằng đặt dấu ấn của mình tại 29 tỉnh thành và các đảo Bạch Long Vĩ, Cát Bà, Côn Đảo. Tại những nơi đó, ông đã thăm dò và khoan 101 lỗ. Kết quả, 98 lỗ có nước, tỷ lệ thành công đạt 97,1%.
Gần đây nhất, tại tỉnh Quảng Bình, 45 mũi khoan được thực hiện thì 44 mũi tìm thấy nước, tỷ lệ thành công đạt 97,8%.
Liệu đấy có phải là một phương pháp khoa học, thậm chí, một phát minh, hay đơn thuần chỉ là năng lực siêu phàm của một cá nhân?
Hy vọng sẽ có dịp trở lại cùng bạn đọc để trả lời các câu hỏi trên. Còn hiện tại, thầy địa lý Vũ Văn Bằng là người thường xuyên được TS Lê Văn Căn, Giám đốc Trung tâm Quốc gia Nước sạch & Vệ sinh Môi trường Nông thôn của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, tham vấn.
Phương pháp của TS Bằng ngày càng chứng tỏ được khả năng giảm chi phí và tăng tính hiệu quả cho các hoạt động thăm dò không chỉ với nước ngầm. Điều thú vị nữa, bị thuyết phục bởi câu “thực tiễn là tiêu chuẩn chân lý”, một nữ chánh án cấp quận ở Hà Nội ngay sau khi nghỉ hưu đã quyết định dấn thân vào cái nghề của thầy Bằng mà xưa kia chị vốn dị ứng.
Quốc Dũng
www.tienphong.vn