NGUỒN GỐC CÂY THẬP TỰ


Đóng đinh hoặc treo tội phạm trên chiếc giá gỗ hình chữ thập cho đến chết là hình phạt tàn khốc thịnh hành tại Trung Đông và châu Âu thời cổ đại. Sau này, cây thập tự trở thành một loại ký hiệu, được lưu truyền rộng rãi.

Người truyền giáo lẫn tín đồ của các giáo phái như Thiên chúa giáo, Chính thống giáo và một số giáo phái khác đều đeo cây thập tự trước ngực. Cây thập tự trở thành dấu hiệu của chủ nghĩa nhân đạo.

Dấu hiệu cây thập tự của Hội chữ thập đỏ quốc tế có liên quan gì tới cây thập tự của tôn giáo hay không? Vấn đề này luôn gây tranh luận. Có người cho rằng dấu hiệu chữ thập đỏ của Hội chữ thập đỏ có nguồn gốc từ chữ thập bằng gỗ thịnh hành từ Trung Đông và châu Âu thời cổ xưa. Có người lại phủ nhận điều đó, cho rằng chữ thập đỏ của Hội chữ thập đỏ không liên quan gì đến công cụ hành hình và cây thập tự của tôn giáo, mà đó chỉ là dấu hiệu biểu thị lòng tôn kính đối với đất nước Thụy Sĩ, được thiết kế theo lá cờ Thụy Sĩ.

Theo tư liệu do báo Văn Trích công bố, dấu hiệu chữ thập của Hội chữ thập đỏ có nguồn gốc từ cây giá gỗ hình chữ thập ở Trung Đông và châu Âu, nơi dùng hình ảnh này trừng phạt đám nô lệ dám phản kháng hoặc chạy trốn. Mọi sự bắt đầu từ sự kiện xử tử chúa Jesus. Sau khi chúa Jesus chết, môn đồ của Chúa tuyên truyền Chúa chết vì tội cứu rỗi nhân thế, nay lên trời và sáng lập ra đạo Cơ đốc giáo. "Cậy thập tự tập trung thể hiện giáo lý chính của Cơ đốc giáo, do đó đương nhiên trở thành dấu hiệu của giáo phái này", báo Văn Trích viết.

Theo Kinh thánh, thượng đế cho Jesus giáng thế truyền đạo, cuối cùng bị đóng đinh chết trên cây thập tự để chuộc tội cho loài người. Ba ngày sau khi chết, Jesus phục sinh lên trời, do đó cây thập tự trở thành tượng trưng chuộc tội và là dấu hiệu của tín ngưỡng trong lòng tín đồ Cơ đốc giáo. Thế kỷ thứ IV, quân sĩ Constantius đại đế (đế quốc La Mã) quy y Cơ đốc giáo, tuyên bố đình chỉ và loại bỏ cách hành hình tàn khốc đóng đinh trên cây thập tự. Từ đó, phương Tây theo Cơ đốc giáo, cây thập tự không còn là công cụ hành hình tàn khốc mà chỉ là dấu hiệu của tôn giáo.

Tờ báo Chữ thập đỏ Trung Quốc lại có bài viết chỉ ra dấu hiệu cây thập tự của Hội chữ thập đỏ không liên quan đến cây thập tự của tôn giáo. Học giả Triệu Dương - chủ nhân bài báo - khẳng định: "Dấu hiệu hồng thập tự hoàn toàn không liên quan gì tới tôn giáo. Điều đó được chứng minh bằng công ước Geneve sửa đổi năm 1949, trong đó quy định: Để biểu thị lòng tôn kính với Thụy Sĩ, lá cờ chữ thập đỏ nền trắng được chuyển thể từ quốc kỳ của liên bang này". Điều này đã chứng tỏ lá cờ chữ thập đỏ không phải bắt nguồn từ cây thập tự tôn giáo.

Đại hội chữ thập đỏ quốc tế năm 1956 quy định rõ nguyên tắc căn bản của Hồng thập tự bao gồm: tính nhân đạo, tính công chính, tính trung lập, tính độc lập, tình nguyện phục vụ, tính thống nhất, tính phổ biến. Trong đó, điều khoản về tính trung lập ghi rõ: Không tham gia chính trị, chủng tộc, tôn giáo hoặc các cuộc tranh luận về hình thái ý thức. Do đó, một số quốc gia theo đạo Hồi không sử dụng chữ thập đỏ được xem là dấu hiệu tổ chức Hồng hội, tránh đụng vào phù hiệu của tôn giáo. Điều này cũng chứng minh dấu hiệu chữ thập đỏ của Hội chữ thập đỏ và cây thập tự của tôn giáo là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.

Trích Nhìn Ra Thế Giới