GIÁO HỘI CHÍNH THỐNG GIÁO ĐÔNG PHƯƠNG


Chính Thống giáo Đông phương (còn được gọi là Chính Thống giáo Hi Lạp và Chính Thống giáo Nga) là một truyền thống Kitô giáo đại diện đa số trong Kitô giáo Đông phương. Chính Thống giáo truy nguyên nguồn gốc của họ về - và tuyên bố là sự tiếp nối duy nhất của - giáo hội Kitô giáo nguyên thuỷ, xem chính mình như Giáo hội Duy nhất, Thánh thiện, Công giáo và Tông truyền. Trong thiên niên kỉ đầu của Kitô giáo, Chính Thống giáo Đông phương và Công giáo Rôma cùng là một giáo hội, mặc dù có một số khác biệt giữa đông phương và tây phương. Vào thế kỉ thứ 11, các khác biệt này dẫn đến cuộc Đại li giáo năm 1054, phân chia Công giáo Rôma khỏi Chính Thống giáo Đông phương.
Chính Thống giáo Đông phương tuyên bố có tính tông truyền không bị gián đoạn với các tông đồ, và việc truyền chức được tiến hành thông qua việc đặt tay. Tất cả các giám mục trong Chính Thống giáo Đông phương đều ngang nhau, không có người lãnh đạo duy nhất cho giáo hội; tuy nhiên, thượng phụ Constantinople được xem là người "đầu tiên trong những người ngang nhau" và giữ cùng vị trí với các giáo hoàng trước cuộc Đại li giáo.

Thế kỷ mười một đánh dấu giây phút buồn thảm nhất của lịch sử Giáo Hội, là sự tách biệt giữa Giáo Hội Phương Ðông và Giáo Hội Phương Tây vào năm 1054. Sự chia cách này chắc chắn đã đi ngược lại ý muốn của Thiên Chúa, là người đã sai Ðức Giêsu hình thành một dân tộc, một giáo hội. Vào thời điểm này, Kitô Giáo bị chia cắt làm hai: Giáo Hội Công Giáo - công nhận đức giáo hoàng như vị thủ lãnh ở thế gian -- và Giáo Hội Chính Thống Giáo - do các thượng phụ lãnh đạo, tỉ như đức thượng phụ của Constantinople.

Ðiều gì đã gây nên cuộc ly giáo này? Các biến cố bề ngoài xảy ra ngay lúc đó chỉ là triệu chứng của các khó khăn đã âm ỉ trong nhiều thế kỷ. Hầu hết các sử gia đều cho rằng sự phân cách Ðông và Tây về cả hai phương diện, giáo hội (quyền tối thượng của đức giáo hoàng) và thần học (về vấn đề filioque). Trong các cuộc đối thoại đại kết ngày nay, vẫn còn hai trở ngại chính cho sự hợp nhất. Về quyền tối thượng của đức giáo hoàng, vấn đề được đặt ra là đức giáo hoàng có quyền cai quản và dạy bảo toàn thể Giáo Hội hay không. Tây Phương tin rằng đức giáo hoàng có thẩm quyền đó; Ðông Phương tin rằng mọi thượng phụ, kể cả vị giám mục Rôma, đều có quyền bằng nhau.

Năm 1054, đức thượng phụ Constantinople, Micae Caerularius, chỉ trích một vài thông lệ của Giáo Hội Phương Tây, và xưng hô với đức giáo hoàng như một người anh em thay vì coi là vị cha chung, và đức thượng phụ từ chối không chịu tiếp đón các đại diện của đức giáo hoàng khi họ đến Constantinople trong ba tháng. Sau cùng, các vị đại diện đã để lại trên bàn thờ trong giáo đường của đức thượng phụ một Chỉ Dụ Tuyệt Thông và từ giã Constantinople sau khi "phủi bụi dưới chân các ngài." Vài ngày sau, Ðức Micae Caerularius phản ứng lại bằng cách ra vạ tuyệt thông các đại diện và đức giáo hoàng.

Vạ tuyệt thông đôi bên này được duy trì mãi cho đến năm 1965, khi Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI gặp gỡ Ðức Thượng Phụ Athenagoras trong vòng tay thân ái và cả hai đã cùng hủy bỏ vạ tuyệt thông ấy. Nhờ ơn Chúa, công việc tái hợp Chính Thống Giáo và Công Giáo Rôma hiện đang được tiến hành cách tốt đẹp.

Bất kể những tì tích của Giáo Hội, phúc âm của Ðức Giêsu Kitô tiếp tục được loan truyền. Trong thế kỷ mười một, Ðan Mạch và Na Uy theo Kitô Giáo, sau đó không lâu là Thụy Ðiển (1164). Nước Nga tiếp đón các nhà thừa sai từ Ðông Phương và cả Tây Phương, cho đến khi thái tử Nga quyết định rửa tội theo Giáo Hội Byzantine, mà sau đó trở thành Giáo Hội Chính Thống Nga với vị thượng phụ ở Moscow.

NGUỒN VIETLYSO