Thể nghiệm Kundalini
Phạm Doãn

Kundalini
Kundalini tượng trưng bằng hình ảnh hỏa xà (con rắn lửa). Theo tiếng Phạn, Kundalini có nghĩa là cuộn xoắn (coil). Được biết như xuất phát từ Ấn độ giáo, nhưng có thể kundalini đã được biết đến bởi nhiều tôn giáo khác nữa, dưới những cái tên khác nhau. Thoạt đầu, Kundalini được mô tả không thống nhất, theo nhiều kiểu hệ thống khác nhau, với những kênh (nadis) và luân xa (chakra) khác nhau. Theo thời gian, Kundalini được mô tả thống nhất và rõ ràng hơn với 6 hoặc 7 luân xa nằm chồng lên nhau, theo trục thẳng đứng. Luân xa dưới cùng nằm ở vùng hội âm (perine), đối diện khoảng xương thiêng (sacrum), là chỗ nằm của con rắn lửa Kundalini đang cuộn tròn 3 vòng rưỡi.

Luân xa cao nhất ở tại đỉnh đầu, tượng trưng cho hoa sen nghìn cánh. Khi Kundalini thức dậy, đi lên tới đỉnh đầu, hoa sen này nở và hành giả đắc đạo. Mật tông Phật giáo, hệ truyền thừa từ Naropa đến Milarepa, xử dụng phép luyện luồng hỏa hầu (còn gọi là luyện tummo) như một công phu chính yếu.

Có rất nhiều kĩ thuật để đánh thức Kundalini, do đó có rất nhiều pháp môn khác nhau, cùng dạy về cách tu luyện kundalini. Không ai khuyến khích sự tập luyện Kundalini mà không có người hướng dẫn. Nhưng kiến thức về Kundalini là điều rất cần thiết với tất cả những người tập thiền. Vì có những trường hợp ngồi thiền không phải là để luyện Kundalini, nhưng kundalini vẫn thức dậy và đi lên. Hiện tượng trổi dậy tự phát của Kundalini xảy ra rất nhiều, ngay cả đối với người không thực hành bất cứ một kĩ thuật nào cả. Sang đầu thế kỉ 20, bí mật Kundalini được phổ biến rộng rãi trong giới trí thức và khoa học, rất nhiều seminar về Kundalini đã được tổ chức.

Lão giáo, đạo gia khí công, tu luyện về luồng Hỏa hầu. Đạo gia mô tả luồng Hỏa hầu, xuất phát từ mệnh môn gần rốn, đi theo các kênh dẫn của nó. Hệ thống Hỏa hầu cũng có nhiều phức tạp và sai biệt, không thống nhất theo từng môn phái. Tuy nhiên, luồng hỏa hầu của đạo gia khí công với luồng hỏa xà Kundalini, cũng chính là một thực thể. Tại sao có sự khác biệt về sự mô tả, tại sao có sư khác biệt về những kênh dẫn…Theo tôi, Kundalini hay luồng hỏa hầu, là một thực thể nằm giữa vật chất và tinh thần, vừa khí lực vừa tâm năng, vừa khách quan vừa chủ quan. Cho nên trong suốt lịch sử phát triển, nó được nhân thức một cách rất phong phú đa dạng, và dĩ nhiên có thể là rất khác nhau theo từng kinh nghiệm riêng của hành giả. Chính sức quán tưởng tạo nên hình thái ngọn lửa hỏa xà. Chính sức quán tưởng tạo nên đường đi của Kundalini và các kênh tương ứng.

Tôi cũng đã thấy một khác biệt nữa, trong sự mô tả đường đi của Kundalini , đó là một Video-clip mô tả Kundalini đi lên từ đầu ngón chân bằng hai kênh xoắn ốc, theo cột sống, cuối cùng giao hội ở vùng giữa trán tạo thành con mắt thứ ba.

Thể nghiệm Kundalini

Chưa bao giờ chúng ta được sống trong một thời đại, mà lượng thông tin trao đổi lại nhiều đến như thế. Trong lĩnh vực tâm linh và tôn giáo cũng như vậy. Những điều rất bí mật như Kundalini, đã không còn là bí mật, và nay đã được phổ biến rộng rãi. Đầu thế kỉ 20, Carl Jung đã tổ chức một seminar về Kundalini, việc này coi như đánh dấu cho thế kỷ mà Tây Phương bắt đầu tìm hiểu bí mật Kundalini.

Không chỉ những người tập Kunladini, quán tưởng trực tiếp trên các luân xa và kênh dẫn, mà tất cả những người tập các pháp yoga và thiền định khác, đều có thể có hiện tượng phát động Kundalini ngoài ý muốn. Những kĩ thuật thiền, đặt sự tập trung vào khí lực cơ thể hành giả, dễ gây nên sự trổi dậy của Kundalini. Nếu đặt đối tượng thiền định vào phần tâm, bỏ qua phần khí lực cơ thể, thì ít có ảnh hưởng gì đến Kundalini. Trong một đêm nào đó, với một định lực mạnh mẽ đạt được do luyện tập, người hành Thiền (dù không tập Kundalini) chợt quán tưởng đến cơ thể khí lực của mình, thì đây cũng là một nguyên nhân phát khởi Kundalini. Thiền nhắm mắt thì dễ tập trung vào tâm, bỏ qua phần khí lực của cơ thể. Thiền mở mắt như Mật tông và Đạo gia khí công dễ quán tưởng cơ thể, dễ vận hành các đường khí lực.

Qua nhiều nghiên cứu, giới y học phát hiện ngay cả một người bình thường, cũng có thể rơi vào trường hợp Kundalini trổi dậy bất ngờ. Khi bạn có một ước vọng tâm linh quá lớn, hoặc khi bạn rơi vào một tình trạng đau khổ tuyệt vọng cùng cực, năng lượng Kundalini có thể trổi dậy. Dù rằng, trong trường hợp này, bạn có thể chưa phải là người giác ngộ, nhưng với những thể nghiệm tâm linh mạnh mẽ đầy ấn tượng, chắc chắn bạn sẽ có một chuyển biến lớn trong đời sống tâm linh. Đồng thời với những thể nghiệm tốt, cũng có những tác động xấu, do sự phản kháng hữu thức hay vô thức với những thể nghiệm. Tôi được chia sẽ các trường hợp Kundalini tự nhiên phát khởi ở một vài blog friends. Có ba trường hợp như thế, hai trường hợp là do khát vọng giải thoát, một trường hợp là do đau khổ tuyệt vọng. Vì thế tôi cho rằng, kiến thức về Kundalini với các biểu hiện của nó, thực sự cần thiết cho những ai đang hành Thiền và những người quan tâm đến lãnh vực tâm linh

Tôi tìm thấy một tài liệu của Lee Sannella, M.D, bác sĩ tâm thần, đã liệt kê và phân loại nhiều loại thể nghiệm Kundalini:

Tổng hợp các dấu hiệu và triệu chứng
(Summary of signs and symptoms)

Về mặt vận động:

- Những chuyển động và tư thế bất thường của cơ thể (body movement and unaccustomed postures)
Cơ thể chuyển động tự phát ở nhiều bộ phận, kể cả mắt, tuy nhiên hành giả có thể tự ức chế. Những cử động này có khi nhẹ nhàng êm dịu, có khi là những cơn co giật hoặc rung chuyển. Cơ thể có khi tự động được đưa vào những tư thế hatha-yoga thông dụng, và được giữ ở tư thế ấy rất lâu. Nói chung là rất nhiều loại chuyển động, cũng như tư thế, sai biệt khác nhau theo từng người.

- Những kiểu hô hấp khác thường (abnormal breathing patterns)
Nhóm nghiên cứu đã ghi nhận tất cả các kiểu hô hấp, giống như thấy ở phương pháp pranayana mà các yogis thường tập luyện, nghĩa là các kiểu nhanh, chậm, kéo dài hoặc nín thở. Từ nhân xét này, ta biết rằng không cần phải học các kiểu hô hấp đặc biệt nào đó, mà tự thân khi Kundalini vận hành, nó sẽ điều khiển hơi thở một cách tự động.

- Tình trạng liệt (paralysis)
Khi đi vào định sâu, có khi cơ thể bị liệt, và bị khóa cứng trong tư thế ngồi thiền. Khi ra khỏi định cơ thể được hồi phục. Trong nghiên cứu, có hai trường hợp phụ nữ tiếp tục bị liệt sau khi ra khỏi thiền định, tuy nhiên với thời gian sự liệt này cũng giảm và hết hẳn. Có vẻ như liệt này do hysterie hơn là do tiến trình sinh lý của Kundalini.

Về mặt cảm giác

- Cảm giác cơ thể (body sensations)
Cả ngoài da lẫn bên trong cơ thể đều có những cảm giác như tê, rung, ngứa nhột. Một số người mô tả chính xác cảm giác bị kích thích đến cực khoái (orgasm). Cảm giác thường bắt đầu từ ngón chân, bàn chân, đi lên cẳng chân, đùi, bụng, theo cột sống, lên đỉnh đầu, xuống trước trán, ra vùng mặt, xuống cổ họng, rồi xuống bụng, kết thúc ở đó. Thực ra, cũng có khi dòng năng lượng Kundalini không đi theo thứ tự này. Nếu nó đi theo đúng thứ tự này thì nó được gọi là Vòng Kundalini điển hình.

- Sức nóng hoặc lạnh
Nhiệt lan tryền khắp cơ thể nhưng không theo một kiểu nhất định nào. Có khi chỉ là do cảm nhận chủ quan, có khi là một độ nhiệt thực sự đo được khách quan. Có những nhiệt độ cao tới mức khó giải thích.

- Ánh sáng và ảnh tượng bên trong (inner lights and visions)
Dòng lực Kundalini tạo nên, theo Swami Muktananda, rất nhiều loại ánh sáng. Từ ánh sáng đỏ lớn bằng thân người, đến những chấm nhỏ đen trắng, hoặc với kích cỡ hạt đậu màu xanh ngọc. Ngoài ra còn có nhiều loại ánh sáng nữa, thắp sáng nhiều bộ phận của cơ thể, đặc biệt ở vùng đầu và sống lưng. Có người thấy ánh sáng như tự bên trong, trong trường hợp này họ sẽ thấy căn phòng tối tự dưng sáng rực lên. Có những trường hợp gọi là “sáng cực kỳ”, người quan sát bên ngoài nhìn thấy hào quang (halo) phát quanh người “giác ngộ”. Lúc này những chữ dùng ám chỉ người giác ngộ như “illuminated” hoặc “enlightened” không còn mang tính biểu tượng nữa, mà bây giờ phải hiểu theo nghĩa đen.

- Âm thanh
Âm thanh nghe thấy có tính chủ quan. Có đủ loại âm thanh từ giọng nói đến các âm thanh giống như tiếng gió, tiếng nước chảy, tiếng sáo, tiếng sấm, tiếng nhạc…Trường hợp nào cũng có âm thanh nhưng loại âm thanh nào thì tùy thuộc vào từng kĩ thật hoặc tông phái thiền.

- Cảm giác đau
Có nhiều người kể về cảm giác đau ở đầu, mắt, sống lưng và tại nhiều vùng khác của cơ thể. Xuất phát đau thật bất ngờ và hết đau cũng thật

nhanh chóng. Có một người mô tả lại rằng dường như đau xảy ra khi ta cố tình cưỡng lại dòng lực Kundalini (một cách ý thức hay vô thức). Hoặc là đau xảy ra khi Kundalini đi qua những huyệt đạo chưa được khai mở.
Do người thể nghiệm Kundalini tự mô tả và giải thích (interpretive)

- Những cảm xúc bất thường
Xuất hiện cùng với dòng lực Kundalini là những cảm xúc tôt độ như xuất thần (ectasy), an lạc, yên ổn, yêu thương, vui mừng, hiến dâng, hòa điệu với vụ trụ. Nhưng cũng có thể xuất hiện các xúc cảm nghịch lại như sợ hãi, lo lắng, ghét bỏ, mê mờ, lú lẫn. Vào giai đoạn đầu có nhiều cảm xúc mãnh liệt nhưng sau đó ở những giai đoạn sau, cảm xúc bình lặng hơn và thường chỉ chủ yếu còn lại cảm giác yên bình, an lạc, thỏa mãn…

- Sự méo lệch trong quá trình suy nghĩ (distorsions of thought process)
Sự suy nghĩ có thể bị thay đổi như nhanh hơn chậm hơn, hoặc ngưng hẳn. Sự suy nghĩ dường như mất quân bằng. lạ lùng và kì dị như thể ta gần bị điên. Đa số nói là sự thay đổi này chỉ xảy ra ở một giai đoạn nào đó trong suốt diễn tiến của Kundalini.

- Sự tách biệt của Ngã (detachement)
Trong cơn bùng dậy của Kundalini, ta thấy dường như ta là ai đó từ bên ngoài, đang quan sát rất kĩ từng cảm xúc, từng ý nghĩ, từng hành động của ta. Hiện tượng ý thức lạ này rất phổ biến và được gọi là ý thức chứng nhân (witness consciousness). Đạo Sufis gọi là “ngọn lửa tách biệt” Tư duy bộ não vẫn hoạt động bình thường bên cạnh ý thức chứng nhân.

- Hiện tượng phân ly (dissociation)
Khi ngã được tách rời khỏi mọi cảm giác và hành động của bản thân, ta rơi vào ý thức nhân chứng, ta ở ngoài ta quan sát ta. Nếu ta không quá sợ hãi với tình trạng kì cục này thì không sao. Nếu nỗi sợ hãi (từ ý thức hay vô thức) xuất hiện, cấu trúc tâm thần sẽ bị chấn thương, gây ra bệnh hysterie hoặc tâm thần phân liệt (shizophrenia), tức là điên. Rất nhiều người thực hành Kundalini thiếu bản lãnh trong tình trạng ý thức này tự cho mình bây giờ đã là siêu nhân, đấng tiên tri hoặc đấng cứu thế. Tuy nhiên thái độ lệch lạc này có thể dần dần biến mật và tâm trí bình thường lại.

- Nhìn bằng một mắt (single seeing)

Bình thường thị giác ta do sự phối hợp của hai mắt. Có trường hợp dòng lực Kundalini làm cho nhãn cầu bị kéo lộn lên trên và thị giác hai bên bị tập trung lại thành một. Có người thấy thị giác mình trở nên sắc xảo cực kỳ như nhìn đến vô tận. Người ta đã gọi một cách tương trưng tình trạng này là “nhìn bằng một mắt”. Hiện tượng này trùng hợp với thể nghiêm đã mô tả trong Thánh kinh ("The light of the body is the eye; therefore when thine eye is single thy whole body is also full of light" . Luke 11:34).

- Thấy như cơ thể mình lớn raĐây là một kinh nghiệm rất nhiều người cảm nhận, kể cả những người chẳng tập Kundalini bao giờ. Cơ thể dường như nở lớn, vươn vai mà sợ chạm đến trần nhà.

Một số thể nghiệm không thuộc về sinh lý cơ thể (không quan sát đo đạc được):

- Thể nghiệm đi ra ngoài cơ thể (out of body experiences)
Người có thể nghiệm này cảm giác họ đi ra xa ngoài cơ thể vật lý. Cảm giác này khác và không phải là loại cảm giác của sự tưởng tượng sống động. Hiện nay người ta thường xếp loại thể nghiệm này vào loại cảm giác và nhận thức chủ quan (đây là nhận xét riêng của Lee). Tuy nhiên cũng có những hợp cho thấy nó có tính khách quan, dường như người thể nghiêm đi đến nơi xa lạ nào đó bằng cách rút được những thông tin chính xác từ những địa điểm đó.

- Sự giác ngộ và những năng lực tinh thần
Đây mới là mục đích thực sự của các pháp môn tu luyện Kundalini. Sự xuất hiện những nhận thức siêu việt, những hiểu biết trực tiếp, những năng lực đặc biệt, tất cả đều không phải do từ cơ thể, tâm lý hoặc sinh lý của con người bình thường, mà do từ một cơ chế bí mật cao hơn, siêu tự nhiên, nằm ngoài sự giải thích của khoa học.

FOHAT, KUNDALINI, SỨC MẠNH HUYỀN BÍ TRONG CON NGƯỜI

Diễn giả: Đại Đức Geoffrey Hodson
Thông dịch viên: Ông Nguyễn Hữu Kiệt

Thưa chư Huynh đệ,
Đầu đề buổi thuyết pháp hôm nay là “Fohat, Kundalini và con người”. Tôi có nhắc nhở cho chư huynh đệ rằng: đầu đề đó chúng ta chỉ nên học hỏi về mặt lý thuyết mà thôi. Sở dĩ tôi nói về vấn đề nầy không phải tôi khuyến khích chư huynh đệ tập luyện luồng hỏa hậu Kundalini trong con người. Luồng hỏa hậu đó có một sức mạnh nguy hiểm vô cùng, đến nỗi lời giảng dạy từ nghìn xưa về đầu đề đó đều được truyền dạy dưới hình thức tượng trưng mà thôi.

Chiều hôm nay tôi xin đề cập nó qua quan niệm của Ấn Độ Giáo được phổ biến với hình thức nghệ thuật Ấn Độ. Luồng hỏa hậu trong con người chính là tinh hoa của điện lực trong vũ trụ. Sức mạnh đó hiện diện khắp nơi, trong mọi loài cho đến mỗi nguyên tử. Danh từ Tây Tạng gọi nó là FOHAT. Danh từ đó vẫn thường dùng trong kho sách vở về giáo lý Thông Thiên Học mà các bực tiền bối đã viết từ lúc khởi đầu. Sức mạnh thần bí ấy hiện diện trong khắp cơ thể con người, nó tập trung nơi xác thân. Theo như bà Blavatsky đã viết, thì sức mạnh thần bí đó ẩn tàng trong những đốt xương sống cuối cùng của con người; nó cũng ở trong cái phách và tủy xương sống con người. Sức mạnh ẩn tàng trong con người gọi là Kundalini. Danh từ đó có nghĩa là sức mạnh hoạt động đi theo con đường quanh co chẳng khác nào rắn bò.

Tôi cũng đã nói sơ về cách hoạt động của luồng hỏa Kundalini và những con đường của nó đi lên từ chót xương sống đến bộ óc. Sức mạnh luồng hỏa đó là chủ động mọi tình dục và mọi sự hoạt động thần kinh hệ của chúng ta. Luồng hỏa đó hoạt động trong con người bằng hai phương pháp trên.

Trong giai đoạn tiến hóa của nhơn loại tương lai và những cuộc tuần hoàn sắp tới, thì bảy khoanh của luồng hỏa hậu trong con người sẽ đều kích động tất cả. Sự kích động ấy sẽ đem tới cho nhơn loại tất cả những quyền năng của vị Chơn Tiên. Như thế thì trình độ tiến hóa con người có căn cứ vào mỗi khoanh trong luồng hỏa hậu đó được kích động hay chưa. Luồng hỏa Kundalini là một sức mạnh về điện lực có ba chiều khác nhau. Sức mạnh về điện lực đó có ba phương diện khác nhau là điện âm, điện dương và điện không âm không dương. Có một điều lý thú mà ta nhận thấy là của các nhà bác học đời nay đã khám phá ra được cái sức mạnh về điện lực đó ở trong mỗi nguyên tử mà người ta gọi là ba sức mạnh. Sức mạnh thứ nhứt là Proton hay là điện dương, hay là dương điện tử. Sức mạnh thứ nhì gọi là Electron hay là điện âm, hay là âm điện tử. Sức mạnh thứ ba gọi là Neutron hay là điện tử không âm không dương. Như thế thì trong toàn thể vũ trụ đều có hiện diện ba sức mạnh đó.

Trước khi luồng hỏa Kundalini được kích động dậy lên thì trong trạng thái tiềm tàng của nó có đủ ba luồng điện thuộc về ba hạng đó. Trong khi luồng hỏa Kundalini được kích động quá trớn thì ba sức mạnh ấy cũng bị kích động theo. Phương pháp thứ nhứt làm kích động luồng hỏa Kundalini là dùng một thần lực thuộc về ý chí (atma) từ cõi trên giáng xuống xuyên qua tủy xương sống để kích động luồng hỏa hậu nằm dưới xương mông. Trong khi đó thì ba điện lực âm, dương và không âm không dương trong xương mông con người đều bị kích thích và chúng nó dậy lên. Như tôi đã nói kỳ trước, sức mạnh đó dậy lên theo đường giữa tủy xương sống. Luồng điện dương bên Ấn Độ gọi là Pingala. Đường điện dương gọi là Pingala đó đi lên bộ óc thì liên lạc với bộ hạch mũi (corps pituitaire). Đường khác thuộc về luồng điện âm thì đi theo con đường đối lập với con đường Pingala. Đường thuộc về điện âm đó gọi là Ida. Do đó hai đường âm và dương gặp nhau khi đi lên bộ óc, thì luồng điện âm kích động bộ óc: đường đó chứa điện âm để lên bộ óc. Giữa hai đường đó có một đường đi thẳng mà người ta gọi là Sushumna. Do đó luồng điện không âm không dương của hỏa hậu đi thẳng một mạch tới bộ óc.

Có một chuyện thần thoại bên Tây phương có lẽ chư huynh đệ cũng đã biết; nó diễn tả sự kích động luồng hỏa hậu và sự đi lên của nó. Những chuyện thần thoại đó đến với chúng ta giữa thế hệ nầy do nơi khoa Pháp môn huyền bí cổ truyền. Những sự bí mật của trời đất tiết lộ cho chúng ta bằng những tượng trưng để tránh cho những bực sơ cơ khỏi lạm dụng sức mạnh huyền bí để mưu cầu sự ích lợi riêng cho mình.

Đây là một câu chuyện cổ kích động luồng hỏa hậu Kundalini. Tựa chuyện đó là “Chuyện một người đẹp đang ngủ”. Chuyện một nàng công chúa tuyệt sắc sống chung với vua và hoàng hậu nơi một lâu đài xinh đẹp.
Một khi kia người phù thủy nổi giận và muốn trả thù nàng công chúa bằng cách làm cho tất cả gia quyến nàng và tôi tớ đều bị đắm chìm trong giấc ngủ mơ màng kéo dài đến 100 năm, nhưng xác thân họ không thay đổi.

Trải qua thời gian ấy thì lâu đài, cung điện bị rễ cây và cây rừng lan rộng bao trùm mất. Ngày nọ có một vị hoàng tử đẹp trai đến cung điện, bước vào cửa chánh lần đến các phòng thấy mọi người đang ngủ mê. Đến phòng công chúa vị hoàng tử thấy công chúa tuyệt đẹp đang ngủ: chàng đâm ra si tình bèn cúi xuống đặt cái hôn trên má nàng công chúa. Kết quả của sự hôn đó rất thần tình là làm cho mọi người trong cung thức dậy. Sau cùng nàng công chúa kết hôn với vị hoàng tử đẹp trai và sống một cuộc đời hạnh phúc tới già.

Đó là câu chuyện thần thoại diễn tả cả một lịch trình tiến hóa con người. Nó cho ta biết rằng: tâm thức siêu linh con người ngủ mê trước khi được đánh thức. Nó chỉ cho chúng ta biết bằng cách nào phàm nhơn con người, trong khi đang mê mang vật chất, mà nhờ ảnh hưởng của chơn nhơn, của tánh chất thiêng liêng mới kích động trở lên.

Sau cùng phàm nhơn và chơn nhơn đều hợp nhứt. Nàng công chúa tượng trưng phàm nhơn đang ngủ. Hoàng tử đẹp trai tượng trưng chơn nhơn. Hai cái gặp nhau và sau cùng đi đến chỗ hợp nhứt. Ngoài ra người ta còn hiểu một cách thâm sâu hơn câu chuyện đó. Nàng công chúa đang ngủ trong lâu đài là luồng hỏa Kundalini đang ngủ trong xác thể con người chờ khi thức tỉnh. Hoàng tử tức là atma, tức là ý chí. Khi atma từ cõi trên giáng xuống để kích động Kundalini trong xương sống và bằng sức mạnh thần bí nó đụng luồng hỏa Kundalini, thì luồng hỏa Kundalini thức động lên, và đến đỉnh đầu, thì khi đó con người có tâm thức siêu việt thiêng liêng để có thể hợp nhứt với Thượng Đế.

Câu chuyện thần thoại đó do các vị Chơn sư đời xưa muốn giấu sự bí mật của Thiên cơ để loài người khỏi lạm dụng sức mạnh thần bí và cũng để loài ngưới có dịp đem ra dùng trong thế hệ tương lai.

Hình thức tượng trưng mà người ta dùng để chỉ Kundalini, là con rắn hay con rồng mà bên phương Đông người ta hiểu bằng ba ý nghĩa sau đây:

1.- FOHAT là sức mạnh sáng tạo trong vũ trụ;

2.- Tánh chất thiêng liêng Thượng Đế trong hình thức minh triết; con rắn hay rồng tượng trưng sự minh triết. Sở dĩ dùng hai con vật đó chỉ sự minh triết là vì hai con vật đó bò sát đất để len lỏi chui vào vật khác. Sức mạnh sáng tạo vũ trụ là sức mạnh sáng tạo con người.

3.- Con rắn cũng tượng trưng những bực Chơn Tiên đắc đạo theo danh từ Naga bên Ấn Độ Giáo. Tóm lại, rắn hay rồng là hình thức tượng trưng cho những bực Chơn Tiên đã hoàn toàn giải thoát. Rắn cũng tượng trưng cho sự luân hồi chuyển kiếp con người. Mỗi khi rắn đổi lớp, thì nó bỏ lớp da cũ để khoác lớp da mới. Con người cũng vậy: sau khi chết, thì con ngươi bỏ xác phàm, rồi đi đầu thai trở lại mang lấy xác mới. Như thế rắn là hình thức tượng trưng để diễn tả sự luân hồi hay chuyển kiếp.

KUNDALINI (HỎA TAM MUỘI)…
Trích từ "Tam Giáo Đồng Nguyên: Ki Tô Giáo, Ấn Giáo và Phật Giáo"
Tác giả: Vạn Sơn


Kundalini (Hỏa Tam Muội)
Rắn là biểu tượng của nhất thể. Nó trườn như thể nước cuốn; lưỡi nó thụt ra, thụt vào như thể lửa phụt. Vì bao gồm cả hai yếu tố tương phản cùng một lúc – nước và lửa - nên rắn được mọi truyền thống tâm linh dùng làm biểu tượng cho sự thiêng liêng, sự siêu việt, nơi mà mọi đối kháng đã biến mất, nơi mà mọi cặp đối đã hòa tan vào nhau, nơi mà vạn thù đã quy về một, nơi mà nhị nguyên đối đãi không thể vươn tới được. Ki Tô giáo đã đồng hóa sự đóng đanh của Chúa Giê-Su với con rắn đồng xưa kia, khi dân Do Thái lang thang trong sa mạc Ai Cập, và nếu người nào bị rắn độc cắn mà nhìn lên con rắn đồng treo trên đỉnh núi thì sẽ không bị chết.

Thánh Gio-An viết, “Cũng như khi xưa Mai-Sen treo con rắn trên núi, Chúa Giê-Su cũng sẽ bị treo lên, để nếu ai tin vào Người thì sẽ không bị chết mà được sự sống đời đời.” (John 3:14-15).

Các bộ kinh Đại Thừa Phật Giáo được trao cho rắn (Nagar) canh giữ và phải chờ đến ngài Long Thọ mới tìm lại được và truyền ra. Khi Đức Phật nhập định bốn mươi chín ngày trước khi thành đạo, Ngài được một con rắn hổ mang bảy đầu muchalinda bảo vệ.

Ở Ấn Độ Giáo, sức mạnh đưa đến sự giác ngộ gọi là Kundalini – sức mạnh của rắn. Kundalini gồm có bảy mươi hai ngàn kinh mạch - mà ba mạch chính là Sushumma, Ida và Pingala. Ba kinh mạch này và bảy luân xachính nằm dọc theo cột xương sống. Ida và Pingala tách rời Sushumma từ luân xa thứ nhất, rồi lại gặp nhau và kết thúc tại luân xa thứ sáu. Luân xa thứ bảy chỉ có Sushumma, và được tượng trưng bằng một bông huệ một ngày cánh. Bông huệ ngày cánh ấy còn được gọi là thành phố của Brahman (Brahman-pura).

Bí mật Kundalini được các truyền thống tâm linh của nhiều nền văn minh biết đến. Chúng ta sẽ lướt qua một số hệ thống kundalini của các truyền thống tâm linh trên thế giới, để cuối cùng rồi ngừng lại tại Ấn Độ vì tại đó kundalini đã được khai triển thành một hệ thống đồ sộ, đến nỗi mọi pháp môn của Ấn – kể cả Phật Giáo - đều xoay quanh đó. Hiểu rõ Kundalini là nắm được chìa khoá để hiểu được những đỉnh cao chung của Ki Tô giáo, Phật Giáo và Ấn Độ Giáo. Kundalini cũng là một phương pháp mà đông phương sử dụng để tìm chân lý, giải thoát, khác hẳn với phương pháp luận của tây phương. Chúng ta cũng sẽ bàn qua những khám phá mới nhất của cơ thể học liên quan đến kundalini. Sau đó chúng ta sẽ đề cập đến quan niệm của chủ nghĩa Hậu Hiện Đại chủ trương rằng trí thức của con người không thể tìm đến chân lý được. Điều đó đưa chúng ta đến kết luận rằng tôn giáo là con đường duy nhất đưa chúng ta về chân lý, giải thoát.

Kundalini Của Các Nền Văn Minh Summer Lagash thuộc về vùng văn hoá Mesopotamia, Iraq ngày nay. Khoảng năm 2000 trước tây lịch, Lagash nằm dưới quyền cai trị của vua Gudea. Di tích duy nhất còn lại của vua Gudea là một chén thánh dùng để tế lễ. Chén thánh ấy có khắc hai con chim sư tử (cherubim) đứng gác trước cửa thánh đường của thần rắn NingishzIda. Cửa của thánh đường có hai con rắn xoắn lại nhau theo vị trí của bảy luân xa.

Hy Lạp
Người Hy Lạp để lại cho chúng ta một y hiệu (Caduceus) của thần Hermes, vị thần hướng dẫn nhân loại tìm đến minh triết và sự sống. Y hiệu này có hai con rắn xoắn nhau tại năm đốt của cây gậy Sushumma, và chúng gặp lại nhau ngay dưới hai cánh chim. Hai cánh chim này chính là luân xa thứ sáu, Ajña. Người Ấn gọi chỗ mà hai con rắn gặp nhau trên cây gậy Sushumma là Triveni.

Ai Cập
Người Ai Cập cổ xưa tin rằng khi một người chết, trái tim của người ấy bị đem lên cân. Nếu trái tim người nào nặng hơn cái lông, tượng trưng cho nữ thần Maat, người ấy sẽ bị con thú đứng bên trái cái cân ăn thịt. Điểm đặc biệt là cán của cân ấy có bảy đốt. Điểm đặc biệt thứ hai là mỏ của con thú ấy cắn vào cán cân, ngay giữa đốt thứ ba và thứ tư; mỏ của nó lại nằm ngang tầm với ghế ngồi của thần Thoth, tượng trưng bằng con khỉ đang cầm cân nảy mực. Bảy đốt của cán cân trùng với với bảy luân xa. Ý nghĩa của việc cân người chết là nếu người nào không vươn lên đến luân xa thứ tư thì sẽ bị loại bỏ. Từ đó ta hiểu ý nghĩa của tích Đức Phật sinh ra từ nách của hoàng hậu Maya. Ngài được sinh ra từ luân xa thứ tư. Chưa biết được luân xa thứ tư thì vẫn chưa hơn cầm thú.

Trung Quốc
Thư viện Guimet tại Paris có tượng con rắn đồng thời nhà Chu bên Trung Quốc, khoảng 1027-256 trước tây lịch. Con rắn đồng ấy cuộn tròn lại ba vòng rưỡi. Đó chính là con rắn kundalini nằm bất động tại luân xa thứ nhất.

Huyền học Ki Tô Giáo
Ki Tô Giáo cũng biết về bí mật của Kundalini nhưng không hề được nói đến. Chúa Giê-Su bị đóng đanh trên đồi Golgotha giữa hai tên trộm. Chúa ở giữa tượng trưng cho Sushumma; tên trộm bên tay phải là Pingala, và tên bên trái là Ida. Ý nghĩa này được xác nhận trong mộc bản của Albrecht Durer, gọi là Thập Tự Lớn. Thánh giá của Chúa ở giữa cao hơn hẳn của hai tên trộm, cũng như Sushumma cao hơn Ida và Pingala. Phía trên bên trái, tức là bên phải của Chúa, có cái đĩa mặt trời (Pingala), và bên tay phải là đĩa mặt trăng (Ida).

Điêu khắc phẩm “Tay Phải Của Thiên Chúa” tại Monasterboice có hai con rắn cuốn lại nhau, vòng qua ba đầu người, một con hướng lên trời, một con hướng xuống đất. Bên trên hai con rắn là một bàn tay phải ở giữa một vương miện. Hai con rắn đó là Ida và Pingala. Ba đầu người là ba luân xa bốn, năm và sáu. Bàn tay và vương miện chính là luân xa thứ bảy.

Da Đỏ Navaho
Người Da Đỏ Navaho ở Mỹ có bức tranh Cây Bắp Lớn. Cây Bắp ấy có một rễ, năm lá, và một hoa trên đỉnh. Cái hoa đó lại bị sét đánh. Lưỡi tầm sét đó xuyên qua cái hoa, xẹt vào chiếc lá ở ngay giữa trung tâm. Cây Bắp Lớn này chính là Sushumma và bảy luân xa. Thân của cây là kinh mạch Sushumma. Rễ là luân xa thứ nhất. Năm cái lá tương ứng với năm luân xa, từ thứ hai đến thứ sáu. Hoa trên đỉnh là bông sen một ngàn cánh của luân xa thứ bảy. Lưỡi tầm sét đánh trúng luân xa thứ tư, trùng với cái mỏ của con vật trong thần thoại Ai Cập cắn giữa đốt thứ ba và thứ tư.

Việt Nam.
Chùa Một Cột được xây trên một cột trụ đá độc nhất giữa một hồ sen. Trên đỉnh cột là một bông sen ngàn cánh. Trên bông sen đó là một tòa nhà đỏ tía, và bên trong có tượng Phật mình vàng. Theo học giả Nguyên Thái Nguyễn Văn Thắng, chùa được xây theo cơ cấu của Việt Dịch (Nguyên Thái Nguyễn Văn Thắng, Chùa Một Cột Qua Lăng Kính Việt Dịch, www.quangduc.com/vietnam/52chuamotcot-bis.html). Giáo sư Nguyễn Đăng Thục, trong cuốn Lịch Sử Tư tưởng Việt Nam, lại cho rằng Chùa Một Cột là một kiến trúc chịu ảnh hưởng của Ấn Độ giáo. Khi quân binh nhà L‎ý đánh chiếm Chiêm Thành, tại đó họ học được một số những ý tưởng tôn giáo của Ấn Độ Giáo. Chùa Một Cột là một trong những kết quả của sự tiếp thu văn hoá ấy. Theo đó thì đầm sen tượng trưng cho yoni (bộ phận sinh dục nữ), mà cột trụ tượng trưng lingram (bộ phận sinh dục nam). Nếu đúng như thế thì Phật Giáo đời L‎ý quả là táo bạo. Một thánh tích tôn giáo có một không hai của dân tộc mà Phật Giáo đời L‎ý lại thiết kế theo những ý tưởng “phàm tục” ấy. Hơn nữa hai đời L‎ý, Trần được coi là thời kỳ cực thịnh của Phật Giáo Việt Nam.

Nhưng nếu được nhìn qua lăng kính của kundalini, Chùa Một Cột lại có một ý nghĩa rất là độc đáo. Cột trụ chính là Sushumma. Hồ sen bên dưới là luân xa thứ nhất. Bông sen ngàn cánh trên đỉnh cột là luân xa thứ bảy. Theo đó thì Chùa Một Cột là một bảng chỉ đường dẫn về chân lý, giác ngộ, giải thoát mà các thánh tăng đời L‎ý đã để lại cho chúng ta. Chùa Một Cột là một bằng chứng rất cụ thể là các ngài đã hiểu rõ tận nền tảng những chân lý uyên áo nhất của cả Phật Giáo và Ấn Độ Giáo.

Kundalini.
Tantra (Mật tông) quan niệm rằng toàn thể vũ trụ này chỉ là sự thể hiện của tâm thức. Mọi thể hiện đều có hai phần, dương và âm, mà không phần nào tồn tại mà thiếu phần kia.

Đặc tính phần dương ấy, gọi là Shiva, là tĩnh. Shiva được đồng hóa với phần tâm thức chưa được hiển lộ. Phần âm, gọi là Shakti, thì biến đổi, mạnh mẽ và sáng tạo. Shakti là mẹ của muôn vật vì từ đó mà vạn vật phát sinh.

Tantra cho rằng con người là một tiểu vũ trụ. Những gì thấy được trong vũ trụ có thể tìm thấy bên trong mỗi người. Vì vậy con người và vũ trụ đều tuân theo cùng một số quy luật. Shakti thị hiện trong mỗi người là kundalini. Kundalini nghĩa đen là năng lượng bị cuộn lại. Năng lượng tiềm tàng này nằm bất động tại đốt cuối cùng của xương sống. Tantra và Đạo gia chủ trương rằng năng lượng này cần phải đánh thức để nó đi lên, qua các luân xa nằm dọc theo xương sống. Khi lên đến luân xa thứ bảy tại đỉnh đầu, nó sẽ kết hợp với Shiva. Khi hai đối cực ấy, Shiva và Shakti, hợp nhất với nhau, hành giả sẽ tìm được giải thoát hoàn toàn vì đã trở nên một với vũ trụ; người ấy không còn tách biệt nữa. Người ấy đã siêu việt lên trên mọi cặp nhị nguyên: nam-nữ, Shiva-Shakti.

Ngoài bảy luân xa còn có ba đường kinh mạch Sushumma, Ida và Pingala Luân xa
Luân xa là những trung tâm năng lượng nằm dọc theo xương sống. Những luân xa này không thuộc về cơ thể vật lý, mà thuộc về cơ thể tinh tế (subtle body). Những trung tâm năng lượng này ảnh hưởng đến đời sống tâm linh của mỗi người. Chúng thường được hình dung bằng những hoa sen. Khi bị khích động, Kundalini sẽ bắt đầu đi lên như thể một con rắn lửa. Khi Kundalini qua mỗi luân xa, hoa sen ấy sẽ mở ra để đón nhận năng lượng từ Kundalini. Mỗi luân xa tương ứng với một thành phần của thế giới. Muladhara tượng trưng đất; Svadisthana, nước; Maripura, hơi; Anahata, không khí; Vishudha, không gian. Khi Kundalini lên đến luân xa thứ sáu, Ajna, trung tâm của mệnh lệnh, một sự thay đổi nền tảng sẽ xảy ra.

Luân xa thứ nhất- Muladhara
Luân xa thứ nhất, Muladhara, là luân xa cơ bản nhất. Mul nghĩa là là gốc. Muladhara nằm tại đốt cuối cùng của xương sống. Muladhara có hình hoa sen có bốn cánh. Trên mỗi cánh hoa là một mẫu tự chữ Phạn: va, sa, sa, sa. Bốn cánh hoa này tương ứng với bốn trạng thái vui sướng, khoái cảm tự nhiên, thoả mãn khi thoát khỏi được đam mê, và phúc lạc trong thiền định.

Những đặc tính này là những phúc lạc do sự nhận ra sự thiêng liêng của cơ thể. Vì vậy một người thực sự thánh thiện sẽ không từ chối thể xác, mà dùng nó như một phương tiện để đạt đến những trạng thái cao hơn.

Màu nổi bật nhất của Muladhara là vàng, màu của đất. Giữa hoa sen là một hình vuông, và giữa hình vuông là một tam giác, tượng trưng bộ phận sinh dục nữ (Yoni). Bên trong tam giác là một dương vật màu đỏ (Svayamblu-linga). Cuốn quanh linga ba vòng rưỡi là con rắn Kundalini chưa được kích động. Ý nghĩa của Yoni và Linga tại luân xa thứ nhất là trong mọi vật, mọi loài đều có cả hai yếu tố âm và dương.

Kiên nhẫn và tham lam là đặc tính của Muladhara. Khát sống là đặc điểm của nó. Vơ vét và dành dụm là hoạt động của nó.

Muladhara còn được gọi là luân xa Brahma. Brahma là vị thần dựng lên vũ trụ, tượng trưng sự sáng tạo. Vì vậy luân xa này chứa hạt giống sáng tạo. Năng lượng kundalini tồn trữ trong bộ phận sinh dục có thể được biến hoá để trở thành các hình thức sáng tạo khác như âm nhạc, thi ca, hội họa… Khi luân xa này được khích động, nó sẽ đưa lại sức khoẻ, hạnh phúc, và tránh được căng thẳng trong các mối quan hệ.

Năng lượng Kundalini hiện diện trong mọi sinh vật. Khi năng lượng tiềm tàng này được khích động, nó sẽ chạy lên qua các luân xa bên trên, và ngừng lại tại luân xa thứ bảy trên đỉnh đầu. Tại đó nó sẽ hội nhập với đối cực của nó – tâm thức tối thượng (Paramashiva), và giúp cho thiền nhân được giải thoát hoàn toàn.

Luân xa này là trung tâm của đời sống vật chất. Tại đó tâm thức thiêng liêng được thể hiện qua vật chất. Nó là nền tảng cho cuộc sống con người trong thế giới vật chất. Và nếu bị cản trở, người đó sẽ cảm thấy bị bật gốc trong cả hai mặt tâm linh lẫn vật chất.

Năng lượng dục nằm tại luân xa này. Vì dục đã bị mọi xã hội ngăn cấm nên năng lượng bị bế tắc tại ba nơi: miệng, hậu môn và bộ phận sinh dục.

Mật tông nói rằng năng lượng phải được khai thông tại ba nơi này. Cho nên phần lớn các phương pháp của Mật tông đều xoay quanh luân xa này. Những phương pháp la hét, cười to, khóc… là để giúp khai thông năng lượng tại miệng. Khai thông năng lượng tại hậu môn thì có các phép thở như pramayam, bastrika - thở thật nhanh, thật mạnh. Khai thông tại bộ phận sinh dục thì phải bỏ mọi mặc cảm tội lỗi về dục.

Khi năng lượng không bị tắc ngẽn tại muladhara, nó sẽ bắt đầu di chuyển lên các luân xa bên trên.
Luân xa thứ hai- Svadisthana

Luân xa thứ hai – Svadisthana - nằm tại đan điền. Đặc tính của mỗi người tùy thuộc luân xa này. Luân xa này được biểu thị bằng một hoa sen sáu cánh; trên sáu cánh đó là sáu mẫu tự chữ Phạn: ba, bha, ma, ya, ra, la. Luân xa này thuộc về nước, tượng trưng bằng trăng lưỡi liềm. Liên hệ quan trọng giữa nước và mặt trăng được biểu thị bằng trăng lưỡi liềm bên trong vòng tròn nước màu trắng. Những khía cạnh khác nhau của luân xa này là sinh sản, gia đình và mơ mộng. Yếu tố đất của luân xa thứ nhất được thu hút bởi luân xa thứ hai này. Mơ mộng sẽ phát khởi khi liên hệ gia đình và người thân bắt đầu. Ước muốn được sáng tạo khởi đầu từ luân xa thứ hai.

Người có luân xa này hoạt động bình thường sẽ không còn những ý tưởng xấu xa.

Luân xa thứ hai là trung tâm của thần chết. Hai luân xa thứ nhất và thứ hai của hầu hết mọi người đều đã bị hư hại bởi vì họ sợ chết và sợ dục. Chẳng ai muốn nói đến cái chết, như thể nó không có mặt.

Tantra giúp ta đi thẳng vào dục và đối mặt trực tiếp với cái chết. Đệ tử của Mật tông thường thiền quán tại chỗ thiêu xác người để quan sát cái chết, và họ được hướng dẫn để dùng dục làm bàn đạp để nhảy vào thiền định. Một khi đã chấp nhận cái chết, bạn sẽ không sợ hãi gì nữa. Một khi dục không bị kết án, bạn sẽ không bị nó ám ảnh nữa.

Cả hai trung tâm nền tảng này đã bị xã hội, luân lý làm què quặt. Một khi năng lượng được điều hoà tại hai trung tâm này, nó sẽ di chuyển lên các luân xa cao hơn một cách dễ dàng.
Luân xa thứ ba – Manipura

Luân xa thứ ba nằm gần rốn. Một tam giác màu đỏ, hướng xuống nằm giữa một vòng tròn mười cánh. Manipura là trọng tâm của nhiệt trong cơ thể bởi vì luân xa này là sức mạnh của sự sống. Manipura có chuyển động đi lên như thể ngọn lửa thiêu đốt tất cả. Háo danh, tham sống, và quyền lực là những động cơ của Manipura.

Luân xa thứ ba là trung tâm của cảm xúc, tình cảm. Luân xa thứ ba không hoạt động bình thường bởi vì cảm xúc luôn luôn bị trấn áp, đè nén. Manipura nghĩa là hạt minh châu. Đời đáng sống bởi vì con người có tình cảm, biết cười, biết khóc, có phút hạnh phúc, có giờ đau thương. Cho nên luân xa này được gọi là kim cương, luân xa kim cương.

Chỉ có con người mới có được hạt kim cương vô giá này. Con vật chẳng biết cười, cũng chẳng biết khóc. Nước mắt chỉ có với con người. Người hơn con vật chỉ vì những giọt nước mắt, những tiếng cười rộn rã. Con vật chỉ tồn tại ở hai luân xa muladhara và svadhisthan. Chúng sinh ra rồi chết đi. Khoảng thời gian giữa sinh và tử chẳng có gì đặc biệt cả. Nếu bạn cũng chỉ sinh ra rồi chết đi, bạn cũng chẳng khác gì con vật mấy. Mà đó là tình cảnh của đại đa số nhân loại. Họ chỉ xoay quanh hai luân xa này.

Chúng ta đã được huấn luyện để đè nén tình cảm. Chúng ta đã được dạy để che dấu cảm xúc. Chúng ta phải lạnh lùng. Không được cười. Không được khóc. Không được để lộ vẻ ‎yếu đuối. Vì vậy chúng ta đã trở nên giả dối.

Nhiều kỹ thuật của Mật tông được dùng để làm thư giãn trung tâm này. Cảm xúc phải được biểu lộ, phải được thảnh thơi.

Muladhara, Svadhisthana và Manipura là ba bậc thang quan trọng của cái thang có bảy bậc.
Luân xa thứ tư – Anahata

Luân xa thứ tư, Anahata, nằm tại trái tim. Anahata được biểu thị bằng hoa sen mười hai cánh. Chính giữa là hai tam giác. Tam giác hướng lên, tượng trưng Shiva, phần dương của kundalini. Tam giác hướng xuống là Shakti, phần âm của kundalini. Hai lực Shiva và Shakti tìm được quân bình tại Anahata. Do đó những lo lắng về vật chất, danh tiếng, khoái lạc…. không còn phải bận tâm nữa.

Tại luân xa thứ tư Shakti xuất hiện lần đầu tiên như một nữ thần tuyệt đẹp. Bà ngồi theo thế kiết già bên trong một tam giác hướng lên trên. Ý nghĩa của những biểu tượng đó là Shakti sẽ đi lên những luân xa bên trên và dẫn hành giả đến những cảnh giới cao hơn. Tại luân xa thứ tư Shakti không còn là một năng lượng huỷ diệt nữa, như ở luân xa thứ nhất. Tại luân xa thứ nhất, Shakti nằm co chung quanh dương vật, nhưng tại đây Shakti đứng độc lập, và biểu hiện âm thanh thiêng liêng AUM. AUM là gốc của mọi âm thanh.

Anahata, luân xa thứ tư, nghĩa là cái âm thanh không phải do hai vật cọ vào nhau mà thành. Thiền tông gọi là “tiếng vỗ của một bàn tay” – âm thanh nguyên thủy (unstruck sound). Luân xa thứ tư nằm ở giữa, ba luân xa bên dưới, và ba bên trên. Trái tim là lối thông từ dưới lên trên, hoặc từ trên xuống dưới. Trái tim chẳng khác gì ngã tư đường.

Nhưng trái tim đã bị lãng quên. Chúng ta đã được dạy phải sống bằng lý trí mà bỏ quên con tim bởi vì con tim rất nguy hiểm. Trái tim là trung tâm của âm thanh không lời (soundless sound). Nó không phải là trung tâm của ngôn ngữ, bởi vì ngôn ngữ là do thanh quản đập vào nhau mà thành. Đó là âm thanh do hai vật cọ vào nhau mà có. Đó là hai bàn tay vỗ. Mà trái tim là một bàn tay vỗ. Trái tim chẳng có lời.

Chúng ta đã sống như thể chẳng có con tim. Và con tim là chỗ tình yêu phát khởi. Mà tình yêu không phải tình cảm. Ta vẫn thường lầm lẫn tình cảm với tình yêu. Nay ta yêu người này, mai ta yêu người khác. Đó là tình cảm, không phải tình yêu.

Luân xa thứ tư, anahata, vô cùng quan trọng bởi vì qua con tim mà bạn tìm được sự liên hệ với mẹ. Bạn liên hệ với mẹ qua con tim, không phải qua khối óc. Trên đỉnh yêu đương bạn liên hệ với người yêu qua con tim, không phải cái đầu. Điều đó cũng xảy ra trong thiền quán, khi cầu nguyện: bạn liên hệ với cái toàn thể qua con tim – tim với tim, tâm truyền tâm.

Con tim là cái trung tâm ở đó âm thanh không lời phát khởi. Nếu thư giãn trong con tim mình, bạn sẽ nghe được tiếng Omkar, AUM. Đó là một khám phá quan trọng. Những người đi sâu vào con tim mình sẽ liên tục nghe được âm thanh ấy từ bên trong bản thể của họ.

Tình yêu là lối dẫn vào luân xa thứ tư...
Luân xa thứ năm – Visuddha.

Visuddha được biểu thị bằng trăng lưỡi liềm màu bạc bên trong một hình tròn. Hình tròn ấy lại nằm bên trong một hoa sen mười sáu cánh. Trăng lưỡi liềm tượng trưng nada, âm thanh thuần khiết của vũ trụ. Sự thuần khiết là khía cạnh nổi bật của luân xa này. Khi Visuddha hoạt động, thiên lý nhãn sẽ mở ra, hành giả có thể truyền đạt mà không dùng đến lời. Tại luân xa thứ năm, tất cả những yếu tố thuộc về các luân xa bên dưới như đất, nước, gió lửa đã hợp nhất và trở nên thuần khiết.

Visuddha nghĩa là trong sạch, thuần khiết. Sau khi tình yêu đã phát khở,i sự trong sạch, hồn nhiên sẽ đến. Thiếu tình yêu thì không thể có sự thuần khiết. Ngọai trừ tình yêu, không có gì có thể lọc sạch tất cả được. Người xấu xa nhất được yêu sẽ trở thành đẹp. Tình yêu là nước cam lồ. Nó rửa sạch mọi chất độc.

Luân xa thứ năm nằm tại cuống họng, chủ về ngôn ngữ. Bạn chỉ nói khi luân xa thứ năm đã hoạt động. Nghĩa là bạn chỉ nói vì tình yêu. Nếu không có tình yêu thì đừng nói. Nếu đã đi qua con tim, và nếu đã nghe được tiếng nói của chân lý ở đó thì bạn hãy nói.

Khi visuddha hoạt động, lời nói của bạn sẽ có sức mạnh. Những gì bạn nói đều trở thành thi ca. Những gì bạn nói là một niềm vui vô tận.

Luân xa thứ sáu – Ajna.

Ajna nghĩa là mệnh lệnh. Ajna nằm giữa hai chân mày. Khi luân xa thứ sáu hoạt động, bạn biết được cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Vì hai đường kinh mạch Ida và Pingala chấm dứt tại đây, hành giả không còn bị lệ thuộc vào thời gian nữa. Tâm thức của người ấy không còn bị kẹt trong nhị nguyên. Vì hai năng lượng âm và dương đã kết hợp làm một. Trạng thái này Chúa Giê-Su gọi là hoạn quan của Nước Trời. Người Ấn gọi là Ardhanarishvara, nữa nam, nữa nữ, Shiva-Shakti; họ coi Shiva là vi thần tuyệt hảo nhất, vĩ đại nhất Mahadeva bởi vì Ngài bao gồm của nam lẫn nữ, không còn nhị nguyên đối kháng nữa.

Khi luân xa thứ sáu hoạt động, bạn trở thành ông chủ. Trước đó bạn chỉ là một tên nô lệ. Với luân xa thứ sáu, bất cứ bạn nói gì, muốn gì đều xảy ra. Bạn có ý‎ chí khi luân xa thứ sáu hoạt động. Trước đó thì ‎‎ý chí không hiện hữu. Đó là một nghịch lý nhưng có lý do.

Khi luân xa thứ tư hoạt động, cái tôi của bạn biến mất. Và qua luân xa thứ năm mọi cặn bã đã biến mất. Lúc đó bạn có‎ ý chí nhưng bạn sẽ không làm hại ai cả. Thật ra, đó không phải là ‎ý chí của bạn, mà là ý chí của đại hồn, bởi vì cái tôi của bạn đã biến mất với luân xa thứ tư, và bạn trở nên thanh tịnh với luân xa thứ năm. Bạn đã trở thành một sứ giả, một phương tiện. Bây giờ bạn có ý chí vì bạn không còn nữa - ý chí của đại hồn chính là ý chí của bạn.

Luân xa thứ sáu là ranh giới cuối cùng của thế giới hiện tượng. Bên ngoài đó là luân xa thứ bảy. Đó là một thế giới khác hẳn, thế giới của siêu việt.

Luân xa thứ bảy – Sahasrara

Sahasrara là luân xa thứ bảy. Sahasrara nghĩa là hoa sen một ngàn cánh. Ngàn cánh là biểu tượng của vô hạn, lớp này nối tiếp lớp kia, trùng trùng điệp điệp, không bao giờ hết.

Sahasrara nằm bên trên đỉnh đầu, và được gọi bằng nhiều tên khác nhau: Niết Bàn, Thượng Đế tối cao (Parabrahma), Tâm thức Bồ Đề (Bodhini), bánh xe phúc lạc vĩ đại của tự tánh tuyệt đối. Lão Giáo gọi luân xa này là Bá Hội, là Núi Côn Luân. Bá Hội là nơi hội tụ của tất cả. Côn Luân là đỉnh núi cao nhất của thiên đình.

Sahasrara cũng được gọi là Brahm-randha. Đó là chỗ Shakti gặp gỡ Shiva. Khi Shakti hợp nhất với Shiva, hành giả sẽ nhận ra sự trường sinh bất tử của mình. Đó là trạng thái của tâm thức gọi là asama-prajnata-samadhi (đại định). Ở trạng thái này tâm trí hoàn toàn ngưng bặt; người biết và cái được biết đã trở nên một, chẳng có gì phải biết nữa. Khi kundalini lên đến Sahasrara, cái ảo tưởng về tiểu ngã hoàn toàn tan biến. Đó là cái mà Đức Phật gọi là vô ngã (anatta), và người Ấn gọi là Brahman.

Asama-prajnata-samadhi là phúc lạc tột đỉnh. Tại luân xa thứ sáu hành giả kinh nghiệm được trạng thái ngây ngất, nhưng tâm trí vẫn còn hoạt động, và hình tướng vẫn hiện ra trong tâm trí. Tại Sahasrara năng lượng lên đến điểm cao nhất. Ở đó tâm trí tan biến vào chân không (shunya); mọi cảm giác, xúc cảm và ham muốn, vốn là những hoạt động của tâm trí, đều tan biến hết.

Sahasrara là nơi dẫn đến những chiều kích tâm linh siêu việt bên trên thực tại bình thường của thế giới này. Khi Sahasrara hoạt động, một tâm thức mới tự bên trong phát khởi, do sự hợp nhất của Shiva và Shakti. Người Ấn gọi tâm thức đó là Trí Huệ Bát Nhã (Prajna). Phật Giáo gọi là Trí Huệ Bát Nhã Ba La Mật Đa (Prajnaparamita). Đó là một loại trí huệ không tùy thuộc vào bộ óc. Cho nên chỉ khi kundalini lên đến Sahasrara ta mới biết chân lý thực sự là gì. Khi năng lượng kundalini lên đến luân xa thứ bảy, sự phân biệt giữa tiểu ngã và đại ngã không còn nữa. Người ấy đã trở thành một với Đại Hồn (Brahman). Atman chính là Brahman.

Nadis
Bên cạnh bảy luân xa là những kinh mạch tinh tế gọi là nadis. Nadis là chữ Phạn, có gốc từ chữ nad, nghĩa là “trôi, chảy”, “chuyển động”, “rung động”. Theo nghĩa đó thì Nadi tuôn chảy như nước, tìm nơi có ít trở ngại nhất và nuôi dưỡng mọi thứ trên đường nó đi qua. Theo bộ kinh Shiva Samhita, có tất cả 72000 kinh mạch, trong số đó có mười bốn mạch chính, mà ba mạch được coi là quan trọng nhất là Ida, Pingala và Sushumma.

Sushumma
Sushumma là đường kinh mà Shakti di chuyển từ luân xa thứ nhất đến luân xa thứ bảy để đạt đến siêu tâm thức. Sushumma là con đường dẫn đến giác ngộ, khi Shakti và Shiva gặp nhau.

Sushumma nằm dọc theo cột xương sống, bắt đầu từ luân xa thứ nhất và chấm dứt tại luân xa thứ bảy. Xương sống được gọi là Meru-Danda. Đó là cái trục của cơ thể, cũng như núi Meru (Tu-Di) là trục của vũ trụ. Cả Phật Giáo lẫn Ấn Độ giáo đều coi núi Meru là trọng tâm của vũ trụ. Phạm Thiên (Brahma) và các thần thánh của hai tôn giáo ấy đều ngự trị tại đó. Vì con người là một tiểu vũ trụ, những gì hiện hữu bên ngoài đều có cả bên trong, kể cả hai năng lượng Shakti và Shiva. Chỗ mà Shakti và Shiva hợp nhất là luân xa thứ bảy nằm trên đỉnh núi Meru. Núi Meru ấy Đạo Gia gọi là núi Côn Luân.

Pingala.
Pingala là mạch bên phải. Pingala có sắc đỏ, dương, thuộc về mặt trời, và có liên hệ với sông Yuma. Pingala bắt đầu từ luân xa thứ nhất, theo phía bên phải của Sushumma. Khi qua mỗi luân xa Pingala đổi bên với Ida. Pingala gặp lại Ida và Sushumma tại luân xa thứ sáu. Từ đó nó vòng qua nữa óc bên trái rồi rồi chấm dứt tại mũi bên phải. Pingala ảnh hưởng đến những hoạt động của tâm trí như lý luận, phân tích, khách quan, chi tiết. Khoa học, triết học nghiêng về Pingala.

Ida
Ida là mạch bên trái. Ida màu trắng, âm, thuộc về mặt trăng, và liên hệ với sông Hằng (Ganges). Ida bắt đầu từ luân xa thứ nhất từ bên phải của Sushumma. Mỗi lần qua một luân xa Ida thay đổi bên với Pingala. Ida gặp lại Pingala và Sushumma tại luân xa thứ sáu. Từ đó nó vòng qua nữa óc bên phải rồi rồi chấm dứt tại mũi bên trái. Ida ảnh hưởng đến cảm xúc và tình cảm của con người. Nói theo cơ thể học, Ida kiểm soát các hoạt động của tâm trí như trực giác, tổng hợp, chủ quan. Thi ca, nghệ thuật,... thuộc về Ida.

Sự tác động giữa Pingala và Ida tương ứng với sự chênh lệch giữa tổng hợp và phân tích, giữa trực giác và lý luận. Tìm được sự quân bình giữa Pingala và Ida là trọng tâm của mọi trường phái Yoga và Mật tông. Các pháp môn này đều nhấn mạnh rằng nếu sự quân bình lệch qua Pingala hay Ida thì Sushumma sẽ bị đóng lại, và năng lượng kundalini sẽ không được kích thích để đi lên các luân xa bên trên. Và như vậy thì Shakti và Shiva sẽ không kết hợp với nhau được. Điều này khác hẳn các phương pháp của tây phương nghiêng hẳn về lý luận, phân tích – nghĩa là Pingala nắm phần chủ động.

Ida và Pingala gặp nhau tại hai luân xa thứ nhất và thứ sáu nên tại đó không có nhị nguyên. Vì xuyên qua óc trước khi kết thúc tại luân xa thứ sáu, những khám phá mới nhất của cơ thể học về óc có thể được dùng để làm sáng tỏ hơn về Ida và Pingala.

Kundalini và Cơ Thể Học

Óc của mỗi người gồm có hai nửa. Hầu hết các bộ phận của cơ thể được nói với óc qua một hệ thống giây thần kinh. Những sợi này được nối với óc hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp qua cột xương sống. Những sợi từ bên phải xương sống được nói với nửa óc bên trái, và những sợi từ bên trái của xương sống lạ được nói với nửa bên phải. Nghĩa là nửa óc bên trái nhận được tín hiệu thần kinh từ bên phải của cơ thể, và nửa bên phải kiểm soát nửa người bên trái. Như vậy, đối với những người thuận tay phải, những hoạt động của họ được óc bên trái điều động. Nửa bên trái cũng kiểm soát sự sử dụng ngôn ngữ, khi nói và khi nghe người khác. Điều đó có nghĩa là phần lớn nhân loại đều có nửa bên trái mạnh hơn bên phải.

Như vậy là óc có hai phần, nhưng chúng ta ít khi để ý đến cơ chế có hai phần này của óc. Lý do hai hai nửa của óc hợp tác với nhau rất chặt chẽ. Hai bên có nhiều thần kinh nối liền, đặc biệt là cơ quan corpus callosum. Nhờ đó mà bên óc này biết được chuyện gì xảy ra ở phía bên kia. Đôi khi có người cơ quan corpus callosum bị cắt đứt; họ hoạt động như thể có hai bộ óc hoàn toàn độc lập với nhau.

Các nhà khoa học nói rằng nửa óc bên phải có khả năng tổng hợp, thiên về trực giác, nghệ thuật, thơ mộng, dễ tiếp thu, giầu tưởng tượng; ngược lại, óc bên trái thiên về luận lý, lý lẽ, khoa học và ngôn ngữ. Trong thần thoại Hy Lạp, Appolonysus là vị thần của lý luận, phân tích. Ngược lại Dionysus là thần của bản năng, trực giác, nghệ thuật, thi ca.

Roland Barthes
Trong cuốn Cái Chết Của Tác Giả (The Death of the Author), Roland Barthes phủ nhận địa vị của tác giả. Barthes cho rằng tác giả là một phần của cuốn sách nên không phải là thẩm quyền tối hậu để quyết định ý nghĩa của cuốn sách đó; ông ta là một phần của một chuỗi dài vô tận của những ý nghĩa khác nhau. Điều đó có nghĩa là không thể có ý nghĩa tối hậu, hoặc là ý nghĩa nào cũng có giá trị như nhau. Barthes nói rằng phủ nhận địa vị của tác giả là phủ nhận địa vị của Thượng Đế, của lý trí, của khoa học, của luật pháp… nghĩa là phủ nhận tất cả. Chẳng có một hệ thống cố định nào cho Thượng Đế, cho lý tính, bởi vì tất cả đã bị tiêu huỷ.

Barthes cho rằng phủ nhận thẩm quyền của tác giả là phủ nhận thẩm quyền của nhà phê bình và các giáo sư văn chương. Vì thế Barthes nói rằng ý nghĩa do người đọc quyết định, không phải do tác giả. Điều đó nghĩa là chẳng có một ý nghĩa duy nhất, tối hậu nào cả. Thế thì nghiền ngẫm thánh thư để tìm ra ý nghĩa của thánh nhân đời trước chỉ là việc làm vô ích. Điều này Trang Tử hoàn toàn đồng ‎ý vì thánh thư chỉ là cặn bã của người xưa (cổ nhân tao phách)

Foucault
Foucault trong cuốn Sự Thật Và Quyền Năng (Truth and Power) tuyên bố cái chết của thuyết anh hùng tạo thời thế. Foucault nói rằng chúng ta phải bỏ hẳn cái ảo tưởng là một nhân vật cái thế anh hùng, một vĩ nhân có thể mở ra thời kỳ mới cho cái xã hội mà ông ta đang sống. Những lãnh tụ như Ceasars, Washington.. đã mở ra những trang sử mới cho đất nước họ. Foucault bác bỏ ý tưởng ấy. Ông ta cho rằng lịch sử tạo ra anh hùng, không phải anh hùng tự nhiên lịch sử. Mỹ tạo ra Washington, không phải Washington dựng lên Mỹ.

Áp dụng ý tưởng này vào thi ca và nghệ thuật, Foucault nói rằng thi sĩ cũng cũng không thể sáng tác được những vần thơ mà không bị ô nhiễm bởi những điều kiện chính trị và xã hội nơi ông ta sống. Những tên tuổi lẫy lừng như Nguyễn Du, Shakespere, Homer… cũng không thể thoát khỏi những ràng buộc của hoàn cảnh xã hội đương thời. Đó là ý tưởng nồng cốt của trường phái Tân Sử Quan (New Historicsm), một trường phái chịu ảnh hưởng Nietzsche, Marx và Foucault.

Tân Sử Quan cho rằng thi sĩ là người cuối cùng có thể biết rõ được ý nghĩa của những bài thơ của ông ta, bởi vì cả ông ta lẫn những bài thơ đó đều là những sản phẩm của xã hội nơi ông ta đang sống. Nói cách khác, ông ta cố tạo ra một ấn tượng rằng ông ta không có gì để che dấu trong những bài thơ đó. Nhưng Tân Sử Quan sẽ cố đục thủng bức màn huyền bí để tìm ra những yếu tố chính trị, xã hội.. mà thi sĩ đã gạt ra ngoài những bài thơ đó.

Stanley Fish
Stanley Fish là một trong những tên tuổi quan trọng nhất của Hậu Hiện Đại. Thuyết Độc Giả Đáp Ứng (Reader Response) của ông phá huỷ cái tin tưởng rằng mỗi bản văn đều có mặt ý nghĩa tối hậu mà một nhà phê bình được huấn luyện có thể tìm ra. Fish nói rằng chẳng có một ý nghĩa thông thường, cũng chẳng có ý nghĩa bác học để hiểu một bài viết. Vì vậy Fish phủ nhận ý tưởng chủ quan phổ thông của Kant cho rằng cái gì đúng với một người thì sẽ đúng với mọi người.

Fish nói rằng ý nghĩa mà ta tìm được trong một bản văn là kết quả của những giải thiết của ta. Cho nên ý nghĩa của nó tùy thuộc mỗi cộng đồng giải thích (interpretive community). Nghĩa là ý nghĩa đó thay đổi theo mỗi cộng đồng, mỗi điều kiện văn hoá. Với một nhóm người này, nó có một ý nghĩa rõ rệt nào đó, nhưng lại có ý nghĩa khác đối với nhóm người khác.

Tóm lại, các triết gia của chủ nghĩa Hậu Hiện Đại đã chứng minh được rằng ngôn ngữ không phải là phương tiện hữu hiệu để truyền đạt tư tưởng, và chân lý không thể tìm trong thánh thư. Điều này cách đây không lâu đã được Wittgenstein nghiên cứu một cách chi tiết và có hệ thống trong tập sách nổi tiếng Philosophical Investigations.

Chủ trương hiện nay của Hậu Hiện Đại thật ra chẳng có gì mới lạ đối với đông phương. Giới hạn của tâm trí của con người đã được Trang Tử và Long Thọ bàn từ nhiều ngàn năm trước.

Vậy thì phải tìm chân lý bằng cách nào?

Tu theo cách khổ hạnh nhưng cũng học hỏi, cũng thờ phượng, cũng hiến dâng vậy.
Kriya Yoga có vài chỗ giống như Hatha Yoga. Nó cũng dùng phương pháp luyện tập thể dục làm căn bản, nó nhắm vào sự làm chủ giác quan, nhờ thế mới điều khiển sự hô hấp dễ dàng. Người ta biết rằng nhịp thở tùy thuộc những trạng thái của Tâm Thức. Lúc giận hờn, sợ sệt, vui mừng, nhứt là lúc dục tình sôi nổi thì thân mình run rẩy, hơi thở hổn hển mau lẹ. Nếu lúc đó định trí thì hơi thở chậm đi, thân mình trở lại yên tịnh như trước.
Trong quyển Autobiographie d’un Yogi của tu sĩ Paramhansa Yogananda, Cử nhân Văn khoa, huynh Nguyễn hữu Kiệt dịch ra để tên là Xứ Phật Huyền Bí nơi trương 174 - 175 có một đoạn nói về Pháp môn Kriya Yoga như sau :
“Người Yogi dùng tư tưởng dẫn luồng sinh lực đi theo một đường vòng xuyên qua sáu bí huyệt của tủy xương sống (từ bí huyệt trên đỉnh đầu xuống các bí huyệt ở cuống họng, ở tim, ở rún, ở lá lách và xương mông) rồi đi ngược trở lên để khép một vòng tròn tương đương với mười hai cung Hoàng Ðạo, tượng trưng vũ trụ trong con người (Tiểu Thiên Ðịa). Một lần công phu chừng nửa phút đồng hồ vòng quanh xương sống theo pháp môn Kirya Yoga giúp cho con người thực hiện một sự tiến bộ bằng một năm tiến hóa thông thường.
Một lần phép công phu Kriya Yoga thực hiện trong vòng một ngày đem đến cho người Yogi một sự tiến hóa tâm linh tương đương với một ngàn năm tiến hóa tự nhiên và công phu của một năm tu luyện sẽ đưa đến kết quả bằng 365.000 năm. Như thế, pháp môn Kriya Yoga giúp cho hành giả thực hiện trong ba năm tu luyện công phu, một sự tiến bộ vượt bực mà theo đà tiến hóa tự nhiên, nó phải cần đến 10.000 thế kỷ. Tuy nhiên muốn theo con đường tắt của pháp môn Kriya Yoga, chỉ có những người Yogi đã được huấn luyện thuần thục dưới sự chỉ dẫn của các vị Chơn Sư, nhờ đó họ chuẩn bị thể xác lẫn tinh thần đến mức tuyệt đỉnh, khả dĩ tiếp nhận cái quyền năng phát triển bằng sự công phu tu luyện thường xuyên”.
Kriya Yoga tăng tuổi thọ và mở rộng tâm thức, nó kiểm soát trực tiếp tinh thần nhờ sanh lực. So sánh với con đường chậm chạp và không chắc chắn của Thần học (Théologie) thì Kriya Yoga giống như chiếc máy bay với cổ xe ngựa đời xưa.
Ðọc đoạn trên đây, chắc chắn tất cả bạn Ðạo đều muốn theo pháp môn Kriya Yoga. Nhưng quí bạn hãy đọc đoạn chót và suy nghĩ kỹ lưỡng mấy câu sau đây :
“Chỉ có những người Yogi thuần thục đã được huấn luyện dưới sự chỉ dẫn của các vị Chơn Sư”.
Vậy thì trước khi thực hành pháp môn Kriya Yoga chúng ta phải tự hỏi chúng ta đã thành những vị Yogi chính tông chưa ? Ðược Chơn Sư huấn luyện chưa ? Nếu chưa thì đừng tập. Phương pháp nầy sẽ làm cho luồng Hỏa Hầu đi như tôi đã nói trước đây : Luồng Hỏa vô trong và đi xuống thì cũng bị tai hại, mà nó đi lên cũng bị tai hại nếu lòng còn mơ tưởng nguyệt hoa.
Ðiều hay hơn hết là phải lo :
- Lánh dữ,
- Làm lành,
- Rửa lòng trong sạch đặng phụng sự như lời Phật dạy, khỏi sợ những sự nguy hiểm nào cả.
Một lẽ nữa, Paramhansa Yogananda tu theo pháp môn Kriya Yoga đã lâu rồi mà chưa đắc đạo thành chánh quả làm một vị Siêu Phàm A Sơ Ca (Aseka). Bao nhiêu đây cũng đủ để thấy dầu ly gia cắt ái như huynh Yogananda cũng không phải dễ mà thực hiện cho đúng pháp môn Kriya Yoga đâu.


Luân Xa và Kshetram

Chúng ta cần biết một số điểm về thân thể tế vi trước khi tập luyện môn Mật Tông Yoga Kriya. Những hiểu biết này liên quan đến vị trí tương đối của các luân xa và các huyệt vị quan trọng khác. Điểm quan trọng cần lưu ý là các truyền thống tâm linh khác nhau đã cung cấp những kiến giải hoàn toàn không tương đồng về cấu tạo của thân xác tế vi bao gồm những luân xa và hệ thống điển mạch. Mỗi một truyền thống, kể cả Ấn Độ giáo, Phật Giáo và Đạo giáo đều đã đề cập đến thân xác tế vi trong các kinh sách cổ xưa của họ, nhưng lại không thống nhất về số lượng và tính chất của các luân xa. Hệ thống Mật Tông Đông Ấn Độ thường nhấn mạnh rằng chỉ có bảy luân xa, trong khi Phật tử chỉ nói đến năm luân xa mà thôi. Lar Short và Thomas Mann đã thảo luận về sự sai khác này và đồng thời đưa ra lời giải thích có thể chấp nhận được, trong tập sách "The Body of Light", rằng đừng để các con số biến thành chướng ngại vật. Chúng ta tập với bất kỳ hệ thống nào trong các hệ thống tâm linh vừa nêu, nhưng hãy để cho các chứng nghiệm đích thực của riêng, là đuốc soi đường bằng cách điều nhịp với con người sâu thẳm bên trong của chúng ta. Luân xa, Kshetram là điểm trên cơ thể con người, tiếp nhận năng lượng từ vũ trụ nếu được khai mở.
Bạn hãy dành chút thời giờ để nhận biết vị trí và danh từ của các luân xa (Chakras), luân xa đối diện (Kshetram) và luân xa trên xoáy tóc (Bindu), tất cả đều là các điểm tập trung năng lượng. Các luân xa gồm có:
- Luân xa 1 (Muladhara) nằm tại vùng hội âm, điểm ở giữa hậu môn và bộ sinh dục của đàn ông. Nơi người phụ nữ nó nằm bên trong âm đạo.
- Luân xa 2 (Swadhistana) nằm cuối xương cùng của cột sống. Luân xa 2 đối diện (Kshetram) nằm dưới rốn độ 4 ngón tay.
- Luân xa 3 (Manipura) nằm trên cột sống đối diện với rún và luân xa 3 đối diện (Kshetram) nằm tại rún.
- Luân xa 4 (Anahata) nằm trên cột sống đối diện với ức trước ngực và luân xa 4 đối diện (Kshetram) nằm tại ức.
- Luân xa 5 (Vishuddi) nằm trên cục xương lớn ở cổ trên cột sống và luân xa 5 đối diện (Kshetram) nằm ở cổ họng.
- Luân xa 6 ( Ajna) nằm giữa 2 lông mày.
- Luân xa 7 (Swadhistana) giữa đỉnh đầu, tức là cái thóp của xương sọ.
- Luân xa Bidhu nằm trên xoáy tóc đỉnh đầu, nơi mà các vị sư phải cạo nhẵn để chừa khoảng trố trảiv với mục đích thu được sự kích thích ngoại lệ trong lúc thiền quán.
- Ngoài ra còn có một luân xa rất đặc biệt quan trọng là luân xa thánh thai nằm giữa luân xa 6 và 7.