BỒ TÁT PHỔ HIỀN


Nam mô Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát

1 )- Phổ Hiền là Bồ Tát nào?
Trong các buổi lễ tại các chùa, ở phần cuối có xướng lễ các vị Phật và các vị Bồ Tát trong đó có Bồ Tát Phổ Hiền. Ngài thường được thờ cùng Bồ Tát Văn Thù, hai bên đức Phật Thích Ca. Bồ Tát Phổ Hiền tượng trưng cho tu tập thiền định là điều có thể giải thích được khi chúng sinh chưa thành Phật, có thể nhận biết được; khác với
cảnh giới trí huệ giải thoát của Bồ Tát Văn Thù không thể nghĩ bàn được.

2 )- Đặc điểm của Bồ Tát Phổ Hiền:
Các hình hoặc tượng Bồ Tát Phổ Hiền ngồi trên lưng voi trắng nằm có sáu ngà. Voi trắng tượng trưng cho trí tuệ vượt chướng ngại, sáu ngà tượng trưng cho sáu giác quan của mỗi người là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Đầu voi đội hoa sen, cổ voi đeo nhạc. Đầu Bồ Tát Phổ Hiền có ngọc Như ý, tượng trưng được toại nguyện. Tay phải cầm cuốn Kinh, tay trái bắt ấn giáo hóa chúng sinh. Chân trái để trên đài hoa sen, tương trưng chuẩn bị thành Phật trong mai sau. (Có hình tượng Ngài ngồi kết già trên lưng voi đứng, hai tay chắp bắt ấn kim cương hiệp chưởng trước ngực: Ngón cái và bàn tay của tay nọ nắm xéo tay kia, tất cả các ngón để thẳng, hai lòng bàn tay úp xéo vào nhau, ngón cái tay nọ nắm ngang mu bàn tay kia, tượng trưng tín tâm bất động vững chắc như kim cương).

3 )- Lược sự tích Bồ Tát Phổ Hiền:
Khi Bồ Tát còn chưa học đạo, một kiếp Ngài là con thứ tư của vua Chuyển Luân Thánh Vương Vô tránh Niệm tên là Năng Đà Nô. Nhờ Vua cha khuyên các Vương tử cúng dàng Phật Bảo Tạng và chúng Tăng, nên Hoàng tử Năng Đà Nô rất hoan hỉ làm việc bố thí ấy. Hoàng tử lại được đại thần Bảo Hải giải thích về việc lợi ích của việc bố thí, và lợi ích của việc cầu phước không thể so sánh được với việc cầu đức thành đạo to lớn vô cùng.
Hoàng tử Năng Đà Nô nghe như vậy, liền đến chỗ đức Phật Bảo Tạng vái rồi nói: “Thưa đức Thế Tôn, tôi hoan hỉ cúng dàng Ngài và chúng Tăng với lòng cung kính, công đức ấy, tôi xin hồi hướng cầu đạo vô thượng. Tôi nguyện phát Bồ Đề tâm, tu Bồ Tát đạo, mà giáo hóa chúng sinh. Tôi nguyện tu hành để thành Phật đạo, được
cõi trang nghiêm thanh tịnh, những sự tốt đẹp và giáo hóa chúng sinh đều giống như thế giới “Thanh Tịnh Vô Cấu Bảo Chỉ” của hoàng huynh Vương Chúng, anh tôi, mà Ngài đã thụ ký. Thưa đức Thế Tôn, nếu được như thế, tôi mới chịu thành Phật”.
Đức Phật Bảo Tạng nghe hoàng tử phát nguyện như vậy, liền thọ ký rằng: “Hay thay! Hay thay! Ông phát nguyên rộng lớn, muốn độ hết thảy chúng sanh thành Phật đạo. Vậy trong khi tu hành Bồ Tát đạo, ông phải dùng trí kim cương mà phá trừ phiền não của chúng sanh. Vì vậy ta đặt hiệu cho ông là Kim Cương Trí Quang Minh Công Đức, trải qua vô lượng kiếp làm Phật sự. Rồi sẽ đến thế giới Bất Huyến ở phương Đông mà thành Phật hiệu Phổ Hiền Như Lai. Tất cả sự thệ nguyện của ông được vẹn toàn”.
Khi ấy, tự nhiên giữa hư không vô số Thiên tử từ các tầng trời đến rải hoa khen ngợi.
Hoàng tử Năng Đà Nô nói: “Thưa đức Thế Tôn, Nếu thệ nguyện của tôi sẽ thành tựu, nay xin kính lễ Ngài và chư Phật mười phương mà làm sao có mùi hương thơm bay tràn các cõi, khiến mọi loài ngửi được đều an vui”.
Hoàng tử thưa rồi, đương cúi đầu thi lễ, tự nhiên có mùi hương thơm đặc biệt khác thường tỏa khắp cùng, mọi loài ngửi được đều khoan khoái dứt hết phiền não.
Hoàng tử Năng Đà Nô sau khi mạng chung ở kiếp ấy, tái sinh nhiều đời nhiều kiếp, khi ở cõi người, khi ở cõi trời, thường nhớ tu hành và giữ bản nguyện tinh tấn tu hành, cứu giúp chúng sinh. Hiện nay Ngài đã là bậc Đẳng Giác Bồ Tát.
Trong Kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Hiền, Bồ Tát Phổ Hiền hứa với đức Phật Thích Ca rằng sau khi Phật nhập Niết Bàn rồi, Ngài sẽ bảo hộ và giúp đỡ những người trì tụng Kinh Pháp Hoa, và Ngài nói Chú để bảo hộ., .


ĐỨC CHUẨN ĐỀ BỒ TÁT

1 )- Đức Chuẩn Đề là ai?
Có một số chùa thờ đức Chuẩn Đề. Đức Chuẩn Đề là Thất Câu Chi, Ngài thường thuyết Kinh Đà La Ni. (Đà La Ni là Tổng trì, có nghĩa là nhiếp thụ tất cả, một câu Kinh ngắn mang sức mạnh siêu nhiên. Có thể là trạng thái tâm thức để khi hành giả niệm đến có thể đạt được). Ý nguyện cho tất cả thế gian, xuất thế gian đều thành tựu sự nghiệp tu tập.
Vì lòng từ bi của Ngài đối với chúng sinh như mẹ thương con, nên gọi là Phật mẫu.
Đức Chuẩn Đề là vị đại Bồ Tát ở cõi trang nghiêm, không ở cõi Ta Bà. Giáo pháp của Ngài rất bí mật, nhờ đức Phật Thích Ca nói ra hình tướng và chỗ lý nhiệm mầu của Ngài, nên người sau mới biết mà họa hình tạc tượng thờ vậy.

2 )- Đặc điểm của Đức Chuẩn Đề:
Đức Chuẩn Đề ngồi kết già trên bệ hoa sen có hai Long vương chầu, Ngài thân sắc vàng điển quang trắng, cổ đeo chuỗi Anh lạc, trước ngực có chữ “vạn”, đầu đội mũ Hoa quang, trên mũ có hình 5 vi Phật. Ngài có con mắt thứ ba ở chính giữa trán. Ngài có mỗi bên 9 tay, vị chi có 18 tay hết thảy như sau:
Phiá trước 6 tay:
- Hai tay trên: Tay phải cầm gươm, tay trái cầm hoa sen đều dơ cao ngang đầu.
- Hai tay giữa: Hai bắt ấn tối thượng Bồ Đề trước ngực: Hai lòng bàn tay sát nhau, các ngón tay nọ nắm mu bàn tay kia, hai ngón trỏ duỗi thẳng lên song song và chạm nhau, hai ngón cái cũng vậy.


Nam mô Chuẩn Đề Vương Bồ Tát

- Hai tay dưới: Tay phải lần xâu chuỗi dài, tay trái cầm cuốn Kinh Bát Nhã.
Phiá sau 12 tay đều dang ra hai bên:
- Hai tay trên hết: Tay phải các ngón song song thẳng đứng dơ cao hơn đầu biểu tượng “không sợ” (Vô uý), tay trái cầm cán phướn dơ cao hơn đầu, lá phướn.
- Hai tay thứ hai: Tay phải cầm xâu chuỗi Ma Ni , tay trái cầm bình nước cam lộ.
- Hai tay thứ ba: Tay phải cầm qủa Ca na, tay trái cầm dây Kim cương.
- Hai tay thứ tư: Tay phải cầm búa riù, tay trái cầm bánh xe luân hồi.
- Hai tay thứ năm: Tay phải cầm thiết câu, tay trái cầm cái loa.
- Hai tay thứ sáu: Tay phải cầm chày kim cương, tay trái cầm bình như ý.

3 )- Tôn chỉ của Đức Chuẩn Đề:
Đức Chuẩn Đề nói rằng: “Chân như thật tướng hay tánh chân thường của hết thảy chúng sanh xưa nay đều sẵn có trong bản giác như chư Phật, nên trong đó gồm đủ các đức dụng khắp cõi Hà sa. Nhưng vì nhiều người chẳng tin lời của Phật, hủy báng chính pháp, tự làm tổn hại mình, nên phải trầm luân đọa lạc, dẫu cho nghìn vị Phật ra đời cũng không thể cứu được người ấy”.
Ngài thấy vậy, nên sinh lòng từ mẫn, lập phương tiện pháp môn, điều phục các trần cấu cho người nhập đạo để dứt vọng về chân.
Nếu ai theo Ngài, hai việc chính phải làm là:
1- Quán tưởng hình hoặc tượng Ngài (Đã diễn tả ở trên).
2- Trì Chú Đà La Ni của Ngài, bài Chú:
“Khể thủ quy y tô tất đế, đầu diện đỉnh lễ thất câu chi, ngã kim xưng tán đại chuẩn đề, duy nguyện từ bi thùy gia hộ. Nam mô tát đá nẫm, tam diểu tam bồ đà, câu chi nẫm, đát điệt tha, án chiết lệ chủ lệ chuẩn đề sa ba ha”.
Trì Chú cho tới 90 vạn lần, dẫu cho tội từ vô lượng kiếp về thập ác, ngũ nghịch, đều tiêu diệt hết. Những ai muốn khỏi khổ não mau đến đạo vô thượng, phải quán tưởng chân dung đức Chuẩn Đề, trì Chú, thân tâm khế hợp, hễ có cảm thì có ứng, sinh tử nào mà chẳng khỏi, Niết Bàn nào mà chẳng được., .