TÍN NGƯỠNG TÂM LINH NGƯỜI CHĂM
Văn hóa Đông Sơn ở miên Bắc, văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung và văn hóa Óc eo ở miền Nam tạo thành tam giác văn hóa xây dựng nên văn hóa Việt ngay nay. Do vậy trong văn hóa tâm linh Việt hiện tại không thể không có những giá trị của các nền văn hóa đó. Với văn hóa Đông Sơn ở miền Bắc Việt nam và Óc eo chúng ta có khá nhiều tư liệu để bàn tới nhưng với văn hóa Sa Huỳnh với đại diện là vương quốc Champa đã không còn tồn tại thì hầu như rất ít tư liệu.
Vừa rồi tôi được biết Chính Phủ có một chương trình lớn sưu tập và dịch thuật các sách cổ của người Chăm nhưng hỏi hết người này đến người khác mà vẫn chưa có được bản nào. (Cầu mong họ vẫn tìm được ít sách giá trị trước khi chúng mục nát).
Để có thêm thông tin tập trung vào văn hóa Tâm linh của người Chăm, tôi mạo muội mở ra topic này để các bạn cùng chia sẻ sự hiểu biết.
Để mở đầu tôi xin post nội dung một nghiên cứu của ông Trương Tiến Hưng, trong nội dung bài có một số ý kiến của cá nhân tôi được để trong ngoặc [ ]. Do hiểu biết có hạn nên nếu có gì sai sót mong các huynh tỷ chỉ giáo và mong mọi người hưởng ứng topic này


Sưu tầm - (theo Trương Tiến Hưng - Giảng viên, Trường Chính trị tỉnh Ninh Thuận.)

Đôi nét về ảnh hưởng của tín ngưỡng, tôn giáo đối với Luật tục của người Chăm ở Ninh Thuận
Người Chăm là một trong số 54 dân tộc anh em cùng sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam với số dân khoảng 132.800 người sống rải rác khắp các tỉnh từ dọc ven biển miền Trung từ Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận đến các tỉnh Nam Bộ như: Bình Phước, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, An Giang và Tây Ninh.
Trong số đó, người Chăm ở Ninh Thuận có số dân đông nhất vào khoảng trên 58.700 người chiếm gần 50% trong tổng số người Chăm ở Việt Nam.
"Theo nhiều nguồn sử liệu, người Chăm là một dân tộc có một quá trình hình thành và phát triển lâu đời. Với sự phát hiện bi kí Võ Cạnh (Khánh Hòa), một tấm bia khắc bằng chữ Phạn (Sanskrit) có niên đại khoảng cuối thế kỉ II sau Công nguyên cho biết một vị vua tên là Sri-Mara đã sáng lập ra vương triều Champa. Trên cơ sở đó, các nhà khoa học đã đi đến nhận định: Vương quốc Champa đã xuất hiện trong lịch sử Việt Nam vào thế kỉ II sau Công nguyên"(1).
Trải qua hàng chục thế kỉ tồn tại và phát triển, lịch sử vương quốc Champa đã hình thành bốn trung tâm lớn là vùng Amavati ở phía Bắc (từ vùng Bình Trị Thiên đến Quảng Nam, Đà Nẵng), vùng Vijaya (phạm vi tỉnh Bình Định), vùng Khâuthara (thuộc tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa) và vùng Pânduranga (thuộc tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận ngày nay). Trên mỗi vùng đất sinh sống, người Chăm đã để lại nhiều dấu ấn văn hóa với hệ thống các đền tháp, lăng tẩm, bi kí, làng mạc, lễ nghi tôn giáo tín ngưỡng tạo thành bản sắc văn hóa riêng của một dân tộc qua một thời kì phát triển rực rỡ.
Vùng đất Ninh Thuận, thông qua sử sách, di tích còn lại cho thấy người Chăm đã có lịch sử sinh sống lâu đời. Vào thời kì vương triều Lâm ấp của vương quốc Champa cổ, vùng đất Ninh Thuận có tên Pânduranga là một quốc gia độc lập với tên gọi là vương quốc Tây Đồ Di bị phụ thuộc vào Champa. Vào thời kì Hoàn Vương, xứ Pânduranga hợp nhất vào Lâm ấp và suốt một thế kỉ sau đó, là giai đoạn khá quan trọng trong lịch sử vương quốc Champa. Đó chính là thời kì bá quyền của miền Nam Champa (tức vùng Pânduranga), khi mà vương quốc Champa được củng cố, phát triển và do các vị vua chúa có nguồn gốc từ vùng đất Pânduranga trị vì.
Thời kì vương triều Indrapura, Pânduranga chỉ là một châu của vương quốc Champa song luôn có xu hướng tách ra độc lập. Đây cũng là thời kì mà vương quốc Champa có những vị vua anh minh có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - chính trị - văn hóa của đất nước như vua Poklong - Girai mà cho tới nay còn tháp kỉ niệm ghi công đức của ông tức tháp Poklong-Girai ở Tháp Chàm - Ninh Thuận hiện nay.
I. Tín ngưỡng của người Chăm và ảnh hưởng của nó đối với hệ thống luật tục của người Chăm ở Ninh Thuận
Tín ngưỡng của người Chăm rất phong phú và đa dạng, là bộ phận cấu thành của nền văn hóa Chăm, chi phối sâu sắc tới đời sống cộng đồng của người Chăm và hệ thống luật tục của người Chăm. Đó là hình thức tín ngưỡng sơ khai nguyên thủy với tục thờ núi, thờ các loài cây và thờ biển trong các dòng họ Chăm.
Đó là hình thức tín ngưỡng liên quan tới sản xuất nông nghiệp với các lễ cúng thần lúa, lễ xuống cày, lễ đắp đập khai mương... Đó là hình thức tín ngưỡng liên quan tới vòng đời người với hệ thống các tục lệ về các lễ trong đám cưới, đám tang, lễ nhập Kút, nhập Ghôl và các hình thức tín ngưỡng liên quan tới thờ cúng tổ tiên. Bên cạnh các lễ nghi tín ngưỡng đó, người Chăm còn thờ các vị thần núi, thần sông, thần sấm sét... Tất cả những lễ nghi tín ngưỡng đó tuy một số nội dung không còn phù hợp với cuộc sống hiện nay song từ lâu nó đã là một bộ phận đời sống tâm linh và trở thành hạt nhân cơ bản hình thành nên diện mạo tôn giáo người Chăm.
Với sự phong phú và đa dạng về lễ nghi tín ngưỡng như thế nên trong cộng đồng người Chăm ở Ninh Thuận đã hình thành một tầng lớp thầy cúng dân gian, các thầy pháp để làm lễ cúng hay trừ đuổi tà ma kèm theo đó là một hệ thống các hủ tục lạc hậu tuy đã bị hạn chế rất nhiều song vẫn còn tồn tại dai dẳng trong cộng đồng làm ảnh hưởng không nhỏ tới việc xây dựng đời sống mới trong cộng đồng.
Sự phong phú đa dạng của hệ thống tín ngưỡng đã ảnh hưởng và tác động lớn tới hệ thống luật tục của người Chăm ở Ninh Thuận. Điều đó được thể hiện ở những nội dung sau:
Trước hết, với quan niệm tồn tại hệ thống thần linh phong phú đa dạng với tục thờ nhiều thần để phù hộ cho đời sống cộng đồng nên người Chăm ở Ninh Thuận quan niệm làng Chăm không chỉ là nơi sinh sống của cư dân mà còn là nơi trú ngụ của thần linh. Vì thế làng Chăm phải là vùng đất tinh khiết, không bị uế tạp. Để cho vùng đất làng Chăm luôn được tinh khiết, luật tục người Chăm đã có những quy định chặt chẽ về các điều kiêng cữ như kiêng không đem xác chết bất kì của ai ngoài đường về làng , trai gái không được làm tình trong khuôn viên nhà người khác [Không biết 2 tục này người Việt có trước hay người Chăm có trước?], trong tháng lễ Ramưwan không được sát sinh, v.v... Vi phạm các điều luật tục quy định trên sẽ bị làng xử phạt và phải làm "lễ tẩy uế".
Tương tự như thế, người Chăm quan niệm rằng nghĩa địa của dòng họ (Kút của người Chăm Bàlamôn và Ghôl của người Chăm Bàni) là nơi trú ngụ linh hồn ông bà tổ tiên và những người đã chết trong dòng họ. Đó là nơi rất linh thiêng và quan trọng trong đời sống tâm linh, là nơi ông bà tổ tiên hóa thần và có quyền năng siêu hình để che chở và ban phát lộc, giải trừ nghiệp chướng cho con cháu trong dòng tộc vì vậy vùng đất này phải giữ trong sạch. Những người khi còn sống mà đã bị "ô uế" do phạm tội ngoại tình, do chửa hoang và cả đối với những đứa con không có cha, những người bị dị tật, theo Luật tục Chăm quy định khi họ chết không được nhập vào nghĩa địa của dòng họ.
Thứ hai, người Chăm tin rằng con người có linh hồn, khi chết linh hồn được lên Thiên Đàng và về với người thân trong các gia đình vào các dịp lễ tết. Họ tin rằng linh hồn tổ tiên ông bà luôn phù hộ cho con cháu khoẻ mạnh, gia đình hòa thuận yên vui. Vì thế, trong hệ thống luật tục của người Chăm có những điều luật quy định con cái nhất là con gái út phải có nghĩa vụ thờ cúng ông bà tổ tiên, phải lo đầy đủ các nghi lễ cho cha mẹ như đám tang, đám nhập kút, nhập ghôl khi cha mẹ mất đi và chỉ khi đó mới trả được công lao sinh thành dưỡng dục của cha mẹ.
Thứ ba, là dân tộc có truyền thống làm lúa nước lâu đời nên hệ thống tín ngưỡng nông nghiệp tồn tại khá đậm nét trong đời sống tâm linh của người Chăm. Đó là một loạt các tín ngưỡng phồn thực, các nghi lễ cầu mưa, lễ khai mương đắp đập, tạ thủy, lễ chặn đầu nguồn nước, tục thờ hồn lúa, v.v...
Với hệ thống tín ngưỡng xuất phát từ cơ sở kinh tế đó người Chăm ở Ninh Thuận đã có hệ thống luật tục khá chi tiết quy định về thủ tục được phép khai khoang, về bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ nguồn nước, đập nước, xác định về quyền sở hữu vùng đất và xác định quyền và nghĩa vụ của các thành viên trong cộng đồng trong việc bảo vệ và quản lí nguồn nước, cụ thể như: mọi thành viên trong làng đều phải có trách nhiệm trông coi bảo quản và không được vi phạm tới điều kiêng cữ liên quan tới đập nước; phải tham gia nạo vét kênh mương; phải đóng góp phí tổn cúng tế đập nước; cấm tháo trộm, ăn cắp nước; cấm khai thác rừng đầu nguồn,v.v...
Thứ tư, do quan niệm chỉ những người cùng dân tộc, cùng chung tín ngưỡng và tục thờ thần khi kết hôn với nhau mới bảo đảm tính thuần khiết nòi giống nên luật tục người Chăm quy định chỉ những người cùng dân tộc mới được kết hôn với nhau. Nếu trái quy định đó thì họ sẽ trở thành người "uế tạp" và bị cộng đồng lên án.
II. Tôn giáo của người Chăm ở Ninh Thuận và ảnh hưởng của nó tới hệ thống luật tục của người Chăm ở Ninh Thuận
2.1. Tôn giáo của người Chăm ở Ninh Thuận
Trong suốt gần 6 thế kỉ của vương triều Lâm ấp, đất nước Champa cổ đã chịu ảnh hưởng rất lớn của nền văn hóa ấn Độ và ấn Độ giáo bao gồm Bàlamôn giáo và Hindu giáo [Tôi cho rằng tác giả nhầm lẫn, Bàlamôn là giai cấp cao nhất trong Hindu giáo]. Song chỉ có Bàlamôn giáo trở thành tôn giáo đóng vai trò quan trọng và chi phối mạnh mẽ tới đời sống xã hội của người Chăm.
Vai trò đó lúc thịnh lúc suy trong các vương triều sau, song vị trí chính thống của Bàlamôn giáo vẫn tiếp tục duy trì tới những đời vua cuối cùng của vương triều Indrapura (1471). Trải qua hàng chục thế kỉ, sự tác động của Bàlamôn giáo đã có những ảnh hưởng sâu đậm và toàn diện trong đời sống người Chăm song khi du nhập vào một cộng đồng có bề dày lịch sử như thế, Bàlamôn giáo không còn giữ được những đặc điểm nguyên thủy của nó mà đã được "Chăm hóa" cho phù hợp với điều kiện tự nhiên và nhu cầu tín ngưỡng của người Chăm. Người Chăm ở Ninh Thuận theo đạo Bàlamôn thờ đa thần mà chủ yếu là thờ Bramaha và Siva. [Hindu giáo vẫn đa thần tới giờ].
Về sau họ còn tôn thờ các vị anh hùng văn hóa dân tộc mình như Poklong-Girai là một ví dụ. Người Chăm theo đạo Bàlamôn ở Ninh Thuận có khoảng 34.600 người chiếm khoảng 58,9%. Sống ở 15 làng (Paley), thờ cúng ở 3 đền, tháp là đền Ponưgar, tháp Poklong-Girai và tháp Po Rome. Trong ăn uống, họ kiêng thịt bò, khi chết họ hỏa táng. Ăn tết Katê hàng năm vào tháng 7 Chăm lịch (khoảng tháng 9 âm lịch).
Phật giáo cũng đã từng du nhập vào cộng đồng người Chăm ở Ninh Thuận từ thế kỉ II - III sau Công nguyên. Vào thời vương triều Hoàn Vương (thế kỉ VIII-IX), Phật giáo đã trở thành quốc giáo, thực sự chiếm ưu thế tuyệt đối trong vương quyền và chi phối hầu hết các lĩnh vực hoạt động xã hội của vương quốc Champa. Trong đó có vua Indravarman II là vị vua Chăm rất sùng bái đạo Phật và đã cho xây tu viện Đồng Dương vào năm 875 là trung tâm Phật giáo lớn nhất trong các vương triều Champa và đồng thời cũng là tu viện quan trọng của Phật giáo Đại thừa ở Đông Nam á vào thế kỉ IX - X.
Song Phật giáo với triết lí khổ hạnh cao siêu đã không phù hợp với nhu cầu đời sống tâm linh cũng như đời sống vật chất của cộng đồng người Chăm nói chung và người Chăm Ninh Thuận nói riêng nên nó dần suy yếu, nhường chỗ cho Bàlamôn giáo đã có từ trước và Islam giáo ở những giai đoạn sau này. [Vào khoảng thế kỷ 15 bản thân Phật giáo tại Ấn độ bị đạo Hindu đồng hóa và cho rằng đạo Phật là một nhánh của Hindu giáo – Có thể ở Chămpa cũng cũng vậy]
Islam giáo là tôn giáo có số lượng tín đồ đông nhất thế giới, song ở Việt Nam nó không phải là tôn giáo lớn và các tín đồ chủ yếu là người Chăm. Đạo Islam được truyền bá vào người Chăm khoảng từ thế kỉ XIII-XV bằng con đường hòa bình cùng sự suy yếu đi tới tan rã của quốc gia Chiêm Thành và sự suy giảm dần của đạo Bàlamôn.
Cũng giống như đạo Bàlamôn, khi du nhập vào cộng đồng người Chăm, đạo Islam cũng bị biến đổi, tiếp thu tín ngưỡng cố truyền của người Chăm và Bàlamôn giáo để Islam giáo trở thành một tôn giáo của người Chăm Ninh Thuận với những nét riêng biệt khác hẳn Islam giáo chính thống. Người Chăm Ninh Thuận gọi đó là đạo Bàni. Cụ thể như Islam giáo chính thống quy định năm cốt đạo trong đó cốt đạo thứ ba quy định trong tháng ăn chay Ramưwan (tháng 9 lịch Islam) ban ngày phải nhịn ăn chờ đến đêm mới được ăn (trừ trẻ nhỏ, người già, người ốm) song đối với người Chăm Bàni giáo ở Ninh Thuận trong tháng ăn chay Ramưwan chỉ những người có chức sắc trong tôn giáo mới ăn chay, còn lại vẫn ăn uống bình thường.
Tuy thế vẫn có một nhóm người Chăm ở Ninh Thuận do tác động của yếu tố lịch sử và điều kiện khách quan vẫn giữ được những yếu tố của Islam giáo chính thống tạo thành một cộng đồng riêng gọi là Chăm Islam. Người Chăm Bàni ở Ninh Thuận hiện nay có khoảng 21.700 người chiếm khoảng 37,09%, người Chăm Islam có khoảng 1.700 người chiếm khoảng 3%. Người Chăm Bàni ở Ninh Thuận vẫn thờ thánh Allah nhưng bên cạnh đó họ còn thờ các vị thần của người Chăm Bàlamôn và trở thành một nét đặc sắc riêng của Islam giáo ở người Chăm Ninh Thuận. [Cái này rất đặc biệt đối với tôn chỉ Độc Thần của đạo Islam]
Trong xã hội dân tộc Chăm ở Ninh Thuận, tôn giáo đóng một vai trò quan trọng và chi phối hầu hết các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội trong cộng đồng. Tôn giáo đã trở thành tiêu chuẩn phân biệt các nhóm người Chăm, quy định các sinh hoạt tinh thần của họ. Trong xã hội đó cũng chính tôn giáo là nguồn gốc phân hóa xã hội thành các đẳng cấp theo chế độ đẳng cấp Bàlamôn, trong đó đứng đầu là đẳng cấp tăng lữ.
Chế độ đẳng cấp đó đã ảnh hưởng đến Islam giáo ở người Chăm Ninh Thuận làm xuất hiện tầng lớp tu sĩ Chăm Bàni và đây là hiện tượng độc đáo của tôn giáo này. "Tầng lớp tu sĩ đã trở thành tầng lớp lãnh đạo, tầng lớp trí thức trong xã hội dân tộc Chăm và họ đã giành được những đặc quyền đặc lợi bởi địa vị xã hội của mình. Họ rất được mọi người trong xã hội kính trọng vì họ có nhiệm vụ và khả năng giao tiếp với thế giới thần linh"(2). Sự phân biệt đẳng cấp còn thể hiện dưới các hình thức tang lễ trong nhóm Chăm Bàlamôn. Đó là sự phân biệt dòng chôn, dòng thiêu và dòng tu sĩ. Dòng tu sĩ là dòng cao quý nhất, dòng thiêu còn phân ra thành dòng thiêu hai thầy và dòng thiêu bốn thầy (tức hai thầy hay bốn thầy làm nghi thức tang lễ). Dòng chôn là dòng thấp kém nhất, khi chết không được thiêu và không được nhập Kút (nghĩa địa của dòng họ).
Vì theo hai hệ thống tôn giáo khác nhau, trong lịch sử cũng có những xung đột, tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau, song cộng đồng người Chăm ở Ninh Thuận đã biết vận dụng quan niệm lưỡng hợp để dung hòa hai tôn giáo và hiện nay giữa người Chăm Bàlamôn và Chăm Bàni vẫn có quan hệ khăng khít trên cơ sở cùng một cộng đồng dân tộc có chung tiếng nói, chữ viết và những phong tục tập quán tín ngưỡng bản địa có từ ngàn xưa để tạo nên một nét đặc sắc trong lịch sử người Chăm ở Ninh Thuận, đó là không có sự kì thị tôn giáo mà ngược lại bao trùm lên toàn bộ lịch sử Champa là sự hỗn dung tôn giáo và "người dân Champa tiếp nhận tất cả: đức hiến sinh, từ bi của Phật giáo, tình thương của Vishna giáo và cả quyền lực của Siva giáo"(3) và sau cùng họ tiếp nhận luôn cả Thánh Allah của Islam giáo nữa.

2.2. ảnh hưởng của tôn giáo tới hệ thống luật tục của người Chăm ở Ninh Thuận
Trước hết, tuy có sự tồn tại của 3 hệ thống tôn giáo, song thực sự trong lịch sử của người Chăm ở Ninh Thuận chỉ có sự tác động của hai hệ thống tôn giáo là Bàlamôn giáo và Bàni giáo. Giữa hai cộng đồng tôn giáo này tuy có mâu thuẫn song không đối lập và tách rời nhau mà luôn có quan hệ chặt chẽ với nhau. Hiện tượng đó bắt nguồn từ triết lí sâu xa của người Chăm là: Chăm Bàlamôn có cốt lõi là đàn ông song hình thức biểu hiện bên ngoài là đàn bà còn Chăm Bàni cốt lõi là đàn bà song hình thức bên ngoài là đàn ông. Đó chính là triết lí âm dương, phản ánh tư duy lưỡng nguyên âm dương đối ngẫu song không tách rời, đối lập mà luôn gắn bó chặt chẽ, trong âm có dương trong dương có âm, có nam có nữ hội nhập chuyển hóa lẫn nhau mà không tách rời tạo nên thế âm dương nhất thể mà thống nhất với nhau trong một cộng đồng, nương tựa nhau để tồn tại một cách vững chắc.
Vì thế trong cộng đồng người Chăm ở Ninh Thuận luôn tồn tại một hội đồng tôn giáo chung bên cạnh hội đồng tôn giáo của từng làng. Do vậy, trong cộng đồng Chăm tồn tại một hệ thống luật tục chung cho cả cộng đồng không phân biệt người Chăm Bàlamôn hay Chăm Bàni quy định về cúng tế, kiêng cữ và nghĩa vụ trách nhiệm của cả tu sĩ Bàlamôn và tu sĩ Bàni. Đây là hiện tượng khá độc đáo của người Chăm ở Ninh Thuận.
Thứ hai, với hệ thống tôn giáo đã hình thành, phát triển lâu đời trong cộng đồng Chăm, nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo của người dân trong cộng đồng người Chăm đã hình thành một tầng lớp tu sĩ dần trở thành tầng lớp trí thức, tầng lớp trên trong xã hội được mọi người kính trọng.
Họ được coi là "vị tinh thần tối cao" có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của dân tộc Chăm, là chỗ dựa tinh thần cho cả cộng đồng. Để lựa chọn và bảo vệ tu sĩ, luật tục Chăm quy định cụ thể việc bầu chọn các chức sắc tu sĩ và quy định cả quyền và nghĩa vụ của cộng đồng đối với tu sĩ.
Thứ ba, tuy có sự thống nhất, song vì là 2 tôn giáo khác nhau và để bảo vệ, duy trì và phát triển tôn giáo của mình nên mỗi tôn giáo đều có những quy định khắt khe mà dấu ấn đó in đậm trong hệ thống luật tục của người Chăm trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình. Đó là hai người khác tôn giáo không được quyền kết hôn với nhau. Quy định đó nhằm bảo vệ sự thuần khiết tôn giáo, nhất là việc con trai không được lấy vợ khác tôn giáo vì người Chăm theo chế độ mẫu hệ.
Đây là luật tục chịu ảnh hưởng, chi phối bởi tôn giáo, tuy ngày nay nó không phù hợp với nguyên tắc hôn nhân tự nguyện tiến bộ, và mặc dù mức độ khắt khe không còn như trước, song nó đã tồn tại bao đời nay và còn ảnh hưởng nặng nề trong cộng đồng người Chăm ở Ninh Thuận.
Tóm lại, người Chăm ở Ninh Thuận đã có lịch sử phát triển lâu đời với một truyền thống văn hóa dân tộc, hệ thống tín ngưỡng tôn giáo riêng rất phong phú và đa dạng. Chính hệ thống tín ngưỡng tôn giáo phong phú và đa dạng đó đã có những ảnh hưởng sâu sắc không chỉ trong quá trình hình thành và phát triển hệ thống luật tục của người Chăm mà còn ảnh hưởng tới cả nội dung, hình thức và cơ chế điều chỉnh của hệ thống luật tục đó.
Việc tìm hiểu những ảnh hưởng của tín ngưỡng tôn giáo đối với hệ thống luật tục của người Chăm không chỉ có tác dụng tìm hiểu bản chất của hệ thống luật tục mà còn góp phần vận dụng hệ thống luật tục đó trong hoạt động quản lí nhà nước của chính quyền cơ sở nhằm góp phần xây dựng nông thôn vùng đồng bào dân tộc Chăm ở Ninh Thuận trở thành vùng nông thôn mới hiện đại - dân chủ - văn minh, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở nước ta hiện nay.