BÀI HỌC KHAI TÂM
CHO NGƯỜI TÍN ĐỒ CAO ĐÀI
.


Đạt Tường


Bốn mươi bốn năm trước, trong một buổi đàn cơ Đức Lý Giáo Tông muốn kiểm tra thực tế về kết quả giảng dạy, nên Ngài đề nghị một học viên ưu tú của khóa Giáo Sĩ tức là Tu sĩ vừa tốt nghiệp trình bày sơ lược một số vấn đề trong chương trình đã học. Ngài nói:

“Như hiện thời, một việc rất thông thường nhứt của người tín đồ. Đây Bần Đạo cho phép Nội Chánh Vụ hiền đệ chọn một em thanh niên ưu tú nhứt trong hàng học viên Giáo Sĩ ra trước đây thử trình bày sơ lược phần Tu Sĩ ở Lịch trình cho Bần Đạo xem.Bần Đạo cho phép hãy bình tĩnh mà hành sự.

(Đoàn Thiện Tâm: trình bày ………)

Tốt lắm Bần Đạo ngợi khen, đây trò thử kể sơ phần Tổ chức đại cương của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, hãy bình tĩnh mà kể.

(Đoàn Thiện Tâm trình bày ………)

Về Thiên Đạo, Thế Đạo chú trọng ở phần nào trước tiên,

(Đoàn Thiện Tâm bạch ………)

Nghi thức Đại Đàn, Tiểu Đàn có liên quan đến phần Thiên Đạo và Thế Đạo cùng nằm trong tổ chức Đại Đạo ở phần nào.

(Đoàn Thiện Tâm bạch ………)

Thôi được rồi, Bần Đạo cho phép an tọa.

Sở dĩ Bần Đạo phí nhiều thì giờ để có một Tu sĩ trong Cơ Quan trình bày các phần học ở lớp Tu Sĩ đã qua, như thế chỉ tạm gọi là phần học tập có nhiều cố gắng trên đại cương tổng quát. Về lý trong các phần này không được rõ ràng lắm ở phần Thiên Đạo và Thế Đạo.Bần Đạo dạy đây là Bần Đạo muốn điển hình cho tất cả những ai gọi rằng Thiên phong Chức sắc, tín đồ trong Đại Đạo phải tìm hiểu rõ các phần tổ chức của Đại Đạo và các phần hành đạo trong Thiên đạo, Thế đạo. Vì có một đôi khi có kẻ không dám hoài bão ý chí của mình đối với đạo trước một tôn giáo bạn.Về nghi lễ, thí dụ như cách chấp tay. Vì sao đến thời kỳ này lại không giống như hai thời kỳ trước, cũng là thành kỉnh lễ bái. Nếu muốn bảo vệ và hoằng dương chơn lý Đại Đạo của mình hiện có, cần phải hiểu sự cải tổ nghi lễ ấy là vì sao.

Bởi lý do đó nên người tín đồ Đại Đạo không thấu triệt được sự nhiệm mầu của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ và cũng không biết tu để về đâu, Thầy Mẹ ở nơi nào… Thật rất đáng tiếc!” [1](Mỗi người trong chúng ta hiện diện nơi đây, chắc chắc đã thực hiện các động tác bái lạy lên đến số lượng hàng ngàn lần, thậm chí có vị đã từng thực hành đến mấy chục ngàn lần trong cuộc đời theo Thầy tu học hành đạo.

Ai cũng rành rẽ trong từng động tác theo nghi thức lễ bái nhưng nếu có một em đồng nhi hay lễ sĩ thắc mắc “Mỗi động tác trong nghi thức lễ bái có ý nghĩa gì?” thì chắc chắn trong chúng ta không ít người tuy thâm niên đã là tín hữu Cao Đài suốt mấy mươi năm qua nhưng cũng không khỏi lúng túng!)
Vậy giờ đây chúng ta hãy cùng nhau đọc lại, tìm hiểu những nghĩa lý ẩn chứa đàng sau hình thức lễ bái tưởng chừng như đơn sơ ấy.

Thánh Ngôn Hiệp Tuyển có ghi lời Thầy dạy: “Lạy là gì? Là tỏ ra bề ngoài lễ kính trong lòng.” [2] (lòng thành)

Đức Nam Phương Thổ Địa dạy:
“Lạy là tỏ dấu hết lòng tin,
Lạy ấy là dâng đến Ngọc Đình;
Lạy tỏ bề trong rằng: hết dạ,…” [3]

Khi tham dự một buổi cúng ở bất cứ Thánh sở nào thuộc Hội Thánh Tây Ninh, mọi người đều cảm nhận rõ mỗi khi thực hiện động tác bái lạy, các đạo hữu Tây Ninh thực hiện rất khoan thai nhịp nhàng theo tiếng chuông của người điều khiển. Vừa lạy vừa gật và niệm danh của Đức Chí Tôn hay các Đấng Thiêng Liêng. Còn đạo hữu ở một số nơi khác bái lạy khá tự nhiên, chưa được đồng nhịp. Có khi chính người điều khiển lại gỏ chuông quá nhanh làm các đạo hữu lạy mà không kịp niệm danh Thầy! Nếu như vậy là chúng ta đã chưa làm đúng theo một khía cạnh ý nghĩa căn bản của “quyền pháp đạo” là trật tự kỷ luật.

Còn tiếp