TINH THẦN KHIÊM NHƯỜNG BÉ NHỎ


Chúa Giêsu đã dạy chúng ta : “ Ai muốn làm lớn , hãy là người phục vụ, …người làm đẩu phải làm đầy tớ anh em.. Con người đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ giá chuộc muôn người ” ( Mc 10, 35-45 )

Phải chăng tinh thần đơn sơ khiêm tốn, phục vụ yêu thương luôn luôn hợp với mọi thời đại và đem lại những hiệu qủa rất tốt sinh ích lợi cho nhiều các linh hồn cho việc rao giảng Tin Mừng Nước Trời ?

Qủa thực, Chúa Giêsu chọn con đường đem lại ơn cứu độ cho nhân loại chúng ta bằng con đường khiêm hạ, Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa đã từ bỏ ngai trời để nhập thể ở với loài người chúng ta “ phận là một vì Thiên Chúa nhưng Ngài không nghĩ phải cho mình được đồng hàng cùng Thiên Chúa; trái lại Ngài đã huỷ mình đi, lãnh phận tôi đòi…tự hạ mình làm một người vâng phục cho đến chết…( Pl 2, 6-8 )

Chúng ta nên hiểu khiêm nhường tự hạ ý nghĩa thế nào ? Tự hạ khiêm nhường không có nghĩa là vong thân đánh mất chính mình, Chúa Giêsu vẫn là Chúa của mọi người, là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Ngài chiếm chỗ rốt hết bằng nhập thể, ngồi chung cùng bàn ăn uống với bọn bất lương, kẻ giết người. Ngài tự hạ vâng phục thánh ý Cha một tình yêu tuyệt đối với Chúa Cha và nâhn loại chúng ta.

Tự hạ khiêm nhường không có nghĩa là chịu luỵ ‘ chịu vậy ”một cách bệnh hoạn, cam chịu vì sợ hãi người khác ghét mình, nhưng tự hạ khương nhường của Chúa Giêsu là tự nguyện hy sinh vâng phục và yêu thương như tình yêu cha mẹ phục vụ yêu thương không quản ngại hy sinh cho con cháu.

Chúa Giêsu nêu gương cho chúng ta sự hiền lành và khiêm nhường đích thực trong lòng, sống nội tâm chân thực, không sống phô trương giả dối bề ngoài. Chúa Giêsu dạy chúng ta cách yêu thương phục vụ hết mọi người, không trừ một ai, Người đến phá đổ bức tường ngăn cách giữ người với người, giữa các quốc gia với quốc gia , giữa các dân tộc với dân tộc…để từ nay “ không còn phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do ” ( Gal 3, 28 ) Người tiếp nhận hết mọi người cô thế , cô thân, cô độc…, những người bị loại ra khỏi xã hội, những tội phạm thời đại như sì ke , ma tuý…Ngài bênh vực cho những người thấp cổ bé miệng , giải thoát chữa lành bệnh tật hồn xác.

Chúa Giêsu tự nguyện khiêm nhường đón nhận cái chết trên thập tự giá vâng theo ý Cha, đem ơn cứu độ cho nhân loại, Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại chúng ta “ qúa chừng qúa đỗi” , Ngài ban con Một Ngài (x Ga 3,16 ); Ngài đã không tha chính con của Ngài, nhưng đã phó nộp Con Ngài cho chúng ta hết thảy ( xRm 8, 32 ), để từ nay ai tin sống theo giáo huấn của Người sẽ được sống muôn đời, Người cũng mời gọi mỗi người chúng ta hãy nên giống Người, biết từ bỏ chính mình vác thập giá đời mình, để sống khiêm tốn, yêu thương và phục vụ tha nhân đem ơn cứu độ và sự bình an của Chúa đến cho mọi người.

Chúa Giêsu đến không để thay đổi cơ cấu xã hội đương thời, nhưng đến chỉ cho họ đường giải thoát khỏi những ích kỷ, khỏi những ham muốn ghen tuông hằn thù, đố kỵ nhau... Đó là con đường yêu thương khiêm tốn bé nhỏ đem đến sự sống khác hẳn con đường kiêu căng của satan đưa đến sự chết muôn đời.
Khi thiết lập bàn Tiệc Thánh Thể, Chúa Giêsu yêu thương mời gọi tất cả nhân loại hãy đến mà ăn uống để được sống dồi dào. Dù chúng ta bất xứng, chẳng có công trạng gì trước thánh nhan Chúa, nhưng chúng ta vẫn được Chúa yêu thương, và mãi mãi được yêu thương, yêu thương đến cùng, Người đã trở thành tấm bánh thần lương nuôi nhân thế đời này và đời sau “ Ai ăn được sống muôn đời “ (x Ga 6 )

Công Đồng Vatiacan II khuyên các tín hữu : “ Theo Chúa Kitô khó nghèo, họ không tuyệt vọng, cũng không kiêu căng khi dư dật. Bắt chước Chúa Kitô khiêm hạ, họ không háo danh, nhưng chuyên lo làm đẹp lòng Thiên Chúa hơn làm đẹp lòng người ta ”

Chúa đồng hoá với những người bé nhỏ nghèo nàn “ làm cho một người bé nhỏ là làm cho chính Thầy ” Chúa thường tỏ mình ra cho những người mọn hèn : Như chị Faustina, Matta robin, Têresa HĐGS, Têresa Callcutta….
Khiêm nhường tự hạ, nhỏ bé đơn sơ tín thác chính là nền tảng mọi nhân đức. Ngược lại; kiêu căng tự tôn tự ái là đầu mối của mọi tội ác.

Thực vậy ! Đối với Thiên Chúa : Chúng ta là thụ tạo phải thờ phương Ngài, lệ thuộc vào ngài như trẻ thơ nép mình trong sự chở che của cha mẹ.
Đối với anh em : Mọi người đều là anh em con một là Cha trên trời, nên bổn phận chúng ta phải yêu thương và phục vụ nhau, giúp nhau nên thánh.
Đối với chính mình : Chúng ta luôn ý thức là phận tôi tớ thấp hèn, không kiêu căng ngạo mạn, luôn biết hạ mình sám hối trở về với Ngài.

Noi gương Chúa Giêsu chúng ta sống tinh thần yêu thương phục vụ như Chúa. Bác ái bắt đầu ngay từ trong gia đình , trong hội đoàn, trong xứ đạo của chúng ta.
Đây cũng là phương thế truyền giáo khắp mọi nơi mọi chốn trên trái đất này, niềm vinh dự mỗi người chúng ta được cộng tác với công trình cứu độ của Thiên Chúa trong tình hiệp thông bác ái. Thánh Phaolô rất hãnh diện : “ Tôi không xấu hổ vì Tin Mừng ( x.CVTĐ 6… ), vì “ nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó cho tôi “ ( 1 Cr 9, 16-17 ).

Nguyện xin Chúa Giêsu Thánh Thể và Mẹ Maria ban cho chúng con có một trái tim giống Chúa giống Mẹ : Hiền từ, khiêm tốn, trong sạch, công bình, bác ái yêu thương để chúng con đạt hạnh phúc Nước trời . Amen.

Lm. Khuất Dũng sss