Bản số 01
ĐỊA MẪU CHÂN KINH

Xuân Mậu Tuất – 1958

GIỚI THIỆU

Kinh Địa Mẫu do Phật Mẫu đã giáng xuống nhiều lần với nhiều danh hiệu khác nhau: Phật Mẫu, Mẹ Địa Mẫu, Mẹ Dao Trì, Mẹ Thiên Nhiên, Phật Địa Mẫu Hoàng. Ngài giáng xuống Việt Nam và Trung Quốc tại nhiều nơi như: Ba Vì - Hà Tây, Tây Phương - Vĩnh Phúc, Tiên Kiều - Sơn Tây, Tam Thanh - Lạng Sơn, Đình Ứng - Hà Nội, Chùa Trầm…

Bản kinh dưới đây là bản kinh gốc lưu truyền ở Miền Bắc, xuất xứ từ Trung Quốc, nên không có phần thơ lục bát mà chỉ có lời kinh là phần in đậm, có hai phần: Chân kinh (182 câu) và Diệu kinh (118 câu). Dưới mỗi câu là phần giải nghĩa kinh.

Ngoài bản kinh này còn có 3 bản kinh Địa Mẫu khác:

+ Một bản sưu tầm tại Đền Địa Mẫu tại gần Chùa Cổ Thạch, xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, thể thơ tiếng Việt, không hoàn toàn theo bản kinh xuất xứ Trung Quốc, lưu truyền ở Miền Trung;

+ Bản thứ 2 do dịch giả Lê Công Đồng soạn, lưu truyền ở Miền Nam, cũng thể thơ tiếng Việt, diễn tả kinh trên nền tảng bản kinh xuất xứ Trung Quốc, có phần Lạy Địa Mẫu, Bát Nhã Ba La Mật Tâm Kinh, Vãng Sanh Thần Chú, Xưng Tán, Sám, Sám Địa Mẫu, Đưa Điển Mẹ Hồi Cung, Hồi Hướng, Tam Qui, Bài Kệ…

+ Bản thứ 3 là Địa Mẫu Minh Tâm Chân Kinh do Đức Đồng Bi Tôn Phật tuyên kinh, bản này xuất xứ cùng với các bản kinh Chùa Tiên Kiều, kinh Chùa Tuyết được lưu truyền ở Miền Bắc.

Mây điều cần biết

Chúng ta nên hiểu rằng Kinh Địa Mẫu do Phật Mẫu giáng kinh vẫn là Kinh Phật. Chúng ta thấy trong phần Xưng Tán có câu “Chúng Thích tử kiền thiền xưng tán” và trong phần Lạy Địa Mẫu có câu ”Nam mô con kính lạy Địa Mẫu xin Mẹ ban ân lành cho Việt Nam Phật giáo thịnh hành…”.

Qua nghiên cứu các bản kinh Mẫu, chúng tôi cho rằng câu trên nên viết là ”Chúng xích tử kiền thiền xưng tán”. “Xích tử” là “con đỏ” mới đúng, vì đối với Mẫu chúng ta là con đỏ của Ngài. Trong kinh Chùa Tuyết, kinh Chùa Tiên đều dùng từ “xích tử”. Có thể khi lưu truyền trong dân gian lâu ngày do in sai hoặc cố ý của dịch giả.

Chúng ta tụng kinh Địa Mẫu là ta qui về gốc của Đại Đạo – Vũ Trụ Đại Đạo. Đại Đạo đã xuất hiện từ thời khai Thiên lập Địa, do sự biến đổi của Vũ trụ nhiều lần, các lần trước mất đi, do tình hình xã hội biến đổi, do sự phát triển của ngôn ngữ và chữ viết nên Kinh giáng ở nhiều nơi, nhiều lần (như chúng ta thấy có bản kinh ở Trung Quốc và ở Việt Nam). Chính vì lý do đó mà một số lần giáng Kinh cách nay vài trăm năm còn lưu truyền đến ngày nay.

Khi tụng Kinh Địa Mẫu chúng ta có thể dùng một trong bốn bản kinh giới thiệu sau đây đều được, hoặc ngày này ta tụng bản này, ngày khác tụng bản khác cũng không sai mục đích.