Một người Thái sở hữu 200 bức tranh kháng chiến của VN
Cập nhật lúc 14:46, Thứ Tư, 06/10/2010 (GMT+7)
,
– Hơn 200 tác phẩm hội họa thời kháng chiến giai đoạn 1947 – 1967 của các họa sỹ Việt Nam được lưu giữ bởi một người Thái Lan.


Ông Tira (đứng giữa) - người sở hữu hơn 200 bức tranh thời kỳ kháng chiến của các họa sỹ Việt Nam.

Chủ nhân của bộ sưu tập hơn 200 bức tranh quý hiếm này là ông Tira Vanichtheeranont, một nhà sưu tầm mỹ thuật người Thái Lan.


Những tác phẩm hội họa của các họa sỹ Việt Nam giai đoạn từ năm 1947 – 1967 đã được nhà sưu tập người Thái Lan này lưu giữ, trong đó bao gồm các tác phẩm ký họa bút chì, thuốc nước, bút sắt, in khắc gỗ của nhiều họa sỹ có tên tuổi thời kỳ 1947 – 1967, giai đoạn giữa hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.


Ngoài ra, còn nhiều truyện tranh tuyên truyền về cuộc kháng chiến và đấu tranh giai cấp lúc bấy giờ.


Ông Tira Vanichtheeranont đã chọn những tranh vẽ trên giấy, những bức vẽ, ký họa và sổ ghi chép của các họa sĩ - những thứ “rất dễ bị quên lãng hay xem nhẹ trong ngọn lửa nhanh chóng của thị trường” (Nora Taylor), nhưng giá trị của chúng thì không tính được bằng tiền bởi “là ký ức của một thời, một thế hệ” (Nguyễn Quân).




Một vài tác phẩm trong bộ sưu tập của Tira.



Nữ du kích xã Nam Liên - Nam Đàn (Nghệ An).

Theo tiến sĩ Nora A. Taylor, giáo sư môn Lịch sử mỹ thuật Đông Nam Á tại Học viện mỹ thuật Chicago, sưu tập tranh với những bức tranh “quan trọng và vô giá” đó đã tập hợp được một lượng tranh lớn, có hệ thống, đem đến một cái nhìn mạch lạc về một thời kỳ lịch sử đã qua tại Việt Nam mà không một sưu tập tranh nào khác có được, kể cả sưu tập tranh hiện hữu tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ở Hà Nội.


Chân dung nhạc sỹ Văn Cao - tranh màu nước của Bùi Xuân Phái (ảnh trái) và Thiếu nữ bên hoa hệu (bột màu trên giấy của Tô Ngọc Vân).

Hai mươi tám họa sĩ có mặt trong sưu tập này, với những tên tuổi lớn của hội họa Việt Nam xuất thân từ Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương các khóa đầu tiên như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Văn Tỵ, Trần Đình Thọ, Nguyễn Đức Nùng, Nguyễn Sỹ Ngọc, và thế hệ kế tiếp - các khóa cuối cùng của Trường Mỹ thuật Đông Dương với những gương mặt quen thuộc Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Mai Văn Hiến, Phan Kế An, Quang Phòng… rồi đến lớp các họa sĩ Nguyễn Thụ, Vũ Giáng Hương, thế hệ đầu đàn của mỹ thuật kháng chiến.


Nhiều tác giả khác như Đinh Minh, Mai Văn Nam, Phan Thông, Tôn Đức Lượng, thậm chí có người không rõ được tiểu sử như Nguyễn Quang, Nguyễn Dung, Đặng Thạc, Lê Văn Xương, Nguyễn Đức Vượng, Nguyễn Viết Nhân…. cũng có các tác phẩm trong bộ sưu tập tranh của Tira Vanichtheeranont.


Theo họa sỹ Phan Cẩm Thượng, đây là một bộ sưu tập có giá trị lịch sử, bởi trong thời gian kháng chiến, đặc biệt là kháng chiến chống Pháp, các họa sỹ rất ít điều kiện để vẽ nên ký họa là một phần quan trọng ghi lại những hình ảnh kháng chiến.


Tết Trung thu - tranh màu nước của Mai Văn Nam.


• Kiên Trung