Chào các bạn mình rất tâm niệm với bài viết này ,xin chia sẻ cùng các bạn ...
ĐẠO SƯ DUY TUỆ

Thưa tất cả quý vị, hôm nay Chủ nhật quý vị về sinh hoạt tại Tịnh xá Ngọc Thành để nghe nói về Phật Pháp, điều này rất quý. Không biết Tịnh xá Ngọc Thành hữu duyên thế nào mà lần thứ hai chúng tôi nói chuyện trước Hội chúng tại đây lại đề cập đến Pháp nhiệm mầu, Bảo Pháp thông thường chỉ dành để nói trước những bậc tu hành đã công phu gian khổ. Quả thật không biết do nhân duyên gì mà chúng tôi nhận thấy rằng hễ đến nơi đây là lại nói chuyện về Pháp thâm diệu. Chúng tôi không rõ chư vị sẽ lĩnh hội nội dung buổi nói chuyện tới đâu, nhưng vì việc nói về Pháp là hoàn toàn do những nhân duyên hữu hình lẫn vô hình tác động vào, cho nên chúng tôi không thể cũng như không có quyền cưỡng chống lại. Do đó xin chư vị cố gắng theo dõi để có thể nắm vững được những điều chúng tôi trình bày.
Chúng ta biết rõ một điều là cuộc sống vốn đầy dẫy khổ đau, bản thân mỗi người sống trên đời đều chịu nhiều đau khổ. Thế nhưng vấn đề nan giải là hầu hết chúng ta lại không thể diệt được nó, mặc dù đa số chư vị có lẽ đều từng đi nghe thuyết giảng nhiều lần, đã được học giáo lý Tứ Diệu Đế, biết qua 37 Phẩm trợ đạo cũng như đọc cả kinh Pháp Hoa.
Hôm nay chúng tôi xin trình bày về bí quyết diệt khổ đau, xin quý vị lắng nghe và suy nghĩ thật thấu đáo.
Bắt nguồn từ khổ đau của chúng sanh mà Đức Phật đã tự nguyện từ bỏ cuộc sống vinh hoa phú quý để đi tìm phương cách mở Thánh trí cứu chúng sanh thoát vòng đau khổ. Cuối cùng Ngài khám phá ra trạng thái tâm vô nhiễm quý báu có sẵn trong chính bản thân mình cũng như trong mỗi chúng sanh. Sau đó Ngài đem chứng ngộ ấy truyền bá để giúp cho chúng sanh giải quyết nỗi khổ đau.
Tuy nhiên trải qua mấy ngàn năm, kinh kệ hiện nay đã có quá nhiều, từ kinh Nguyên Thủy đến kinh Đại Thừa rồi kinh Mật Tông. Tất nhiên nội dung kinh nào cũng đề cập đến nguyên nhân của khổ đau và đề ra phương cách giúp chúng sanh tiêu diệt đau khổ, nhưng do số lượng sách kinh quá nhiều nên khó có ai đọc được hết. Ngoài ra một số sách kinh có phần khó hiểu nên ít người ứng dụng có hiệu quả.
Đã sinh ra đời liệu có ai thoát khỏi khổ đau? Hay có người nào chẳng hề phải lo lắng gì? Hoặc giả không buồn phiền gì cả? Câu trả lời là có, đó chính là các cháu thiếu nhi. Chỉ có thiếu nhi mới không khổ đau, chẳng ưu tư lo lắng hay buồn phiền điều gì. Trẻ thơ thường không có gì phải đau khổ cả, mới khóc đó rồi lại cười ngay và vui vẻ như không có chuyện gì xảy ra. Đến khi bước sang độ tuổi thiếu niên mới bắt đầu có vấn đề. Tất cả mọi rắc rối nảy sinh từ lúc chúng ta biết suy tư và từ đó dẫn tới đau khổ chỉ là một bước!
Việc tìm ra phương cách để giải quyết khổ đau thật không hề đơn giản. Quả là vô cùng khó khăn. Giả sử chúng ta cố gắng tìm cách làm theo toàn bộ những lời Phật đã dạy thì rõ ràng không dễ, bởi vì đời người vốn vô cùng ngắn ngủi cho nên không biết phải ứng dụng ra sao cho mau có kết quả? Thật khó vô vàn!
Riêng chúng tôi cảm nhận rằng hình như Trời Phật cho mình đầu thai lại trong kiếp này, kinh qua biết bao gian nan khổ cực, đổ bao nhiêu nước mắt, trải qua nhiều lần vào sinh ra tử rồi mới có được hạnh phúc nhờ đến với Giáo Pháp của Phật. Đôi khi tôi nghĩ rằng có lẽ định mệnh của mình là sinh ra đời để gánh chịu thử thách, chết đi sống lại nhiều lần, nhờ vậy tích lũy được một ít kinh nghiệm bản thân để giờ đây có thể chia sẻ với quý vị hầu tìm ra giải pháp nhằm diệt nỗi khổ đau.
Khổ đau trên đời quả là thiên hình vạn trạng. Không tiền thì rầu rĩ vì túng thiếu, có tiền lại khổ với đồng tiền. Độc thân có nỗi niềm của cảnh đơn chiếc mà có chồng có vợ lại nặng gánh gia đình. Chưa có con thì thấp thỏm trông chờ nhưng có con rồi lại nếm mùi khổ ải vì con. Khi trẻ có những âu lo của tuổi thanh xuân, đến tuổi trung niên càng phải lo lắng trăm chiều, bước vào buổi hoàng hôn của cuộc đời lại chịu những nỗi bất hạnh của tuổi già. Chưa có ruộng đất cảm thấy thiếu thốn mà tậu được rồi bắt đầu cực khổ với đất đai, chưa có hàng quán thì băn khoăn tính toán nhưng mở quán xong lại vất vả sớm hôm. Có người nghe nói tu là cội phúc nên thí phát quy y, chừng đi tu rồi mới biết tu tập cũng có nỗi khổ riêng.
Nói chung cuộc sống hầu như chỉ toàn đau khổ, tất cả mọi hoàn cảnh đều đưa đến những nỗi khổ cho con người, quý vị có nhận thấy như thế không? Nhìn đâu đâu cũng chỉ toàn đau khổ không thôi. Suy nghĩ tới lui, đêm nằm thao thức quả thật không biết phải giải quyết vấn đề này ra sao?
Riêng chúng tôi có lẽ Trời Phật sinh ra để chứng nghiệm nỗi khổ đau cho nên cả cuộc đời thấm đẫm nước mắt. Do đã chịu nhiều đau khổ trong cuộc sống nên chúng tôi mới mong muốn đi tìm những phương cách nhằm giải quyết nó. Sau khi suy tư trăn trở rất nhiều, cuối cùng chúng tôi quyết tâm từ bỏ tất cả để đi tìm con đường giải quyết khổ đau. Chúng tôi có được phước duyên sống cuộc đời cô độc một thân một mình, nhờ vậy mà có nhiều thì giờ để quán xét lại toàn bộ những khổ đau không chỉ của riêng mình mà kể cả nỗi khổ đau của mọi người.
Chúng tôi đã thử tìm hiểu các cách giải quyết đau khổ của nhiều tôn giáo khác nhau như đạo Thiên Chúa, Tin Lành, Hồi giáo, ấn Độ giáo, Lão Giáo và Phật Giáo. Và chúng tôi đã may mắn tìm ra được lời giải đáp, giờ đây tôi có thể khẳng định điều này một cách chắc chắn.
Hiện nay chúng tôi chỉ còn chịu một nỗi khổ cuối cùng đó là bệnh tật và già yếu. Ngoài ra không điều gì có thể làm cho chúng tôi đau khổ nữa cả. Con người khi lâm bệnh là phải chịu đau khổ, dù chỉ đau đầu, đau bụng, hay đau bất cứ nơi nào trong tứ chi. Bây giờ nỗi khổ cuối cùng của chúng tôi là phải chiến đấu với cái đau của tấm thân tứ đại. Hôm nào ăn ớt nhiều liền bị táo bón, bữa khác không có gì lót dạ phải ăn đồ thiu lại bị tiêu chảy, từ đó nảy sinh ra đủ chuyện rắc rối khác. Do vậy cái khó bây giờ là đối phó với cái khổ của tứ đại. Bữa nào bỏ tập thể dục người cảm thấy lừ đừ ngay, hễ lười biếng dậy trễ một chút là uể oải! Nói chung tuy không điều gì có thể khiến cho mình âu lo nữa nhưng vẫn vướng phải rắc rối cuối cùng là cái khổ của tứ đại. Cho nên vấn đề hiện nay của chúng tôi là tìm phương cách giải quyết cho xong nỗi khổ cuối cùng này tuy rằng cũng không phải dễ dàng.
Cuộc đời của chúng ta quả là tràn đầy nước mắt, nhưng nói chung những cái khổ lớn lao nhất đều thuộc về tinh thần nhiều hơn là thể xác. Nếu tìm đến các loại kinh điển của tôn giáo, kể cả đạo Phật, để giải quyết khổ đau thì chúng ta sẽ thấy quá tràng giang đại hải. Những phương pháp mà các kinh sách ghi lại quá nhiều và nếu không khó hiểu thì cũng khó áp dụng. Trong khi đó cuộc đời vốn ngắn ngủi, đa số chúng ta đều quay cuồng theo nhịp sống hối hả, mặc dù không ai có thể biết được khi nào và bao giờ mình sẽ lìa đời.
Ngay khi còn sống chúng ta cũng chẳng có quyền lực gì đối với xác thân. Chẳng hạn như giờ phút này mọi người đều đang thở nhưng không ai có quyền hạn gì đối với việc này, không thể bắt mình đừng thở cũng như không có quyền ra lệnh cho nó phải thở. Tuyệt đối không ai có cái quyền đó. Chúng ta hãy suy nghĩ kỹ xem có đúng thế không? Thật sự chúng ta không có quyền gì trong việc thở cả. Hễ sống là tự nhiên chúng ta thở, đến lúc hơi thở không còn thì tứ đại bất động hoàn toàn chứ mình không có quyền gì hết. Vì vậy chúng ta cố gắng tu tập không phải để có được cái quyền điều khiển xác thân hay chủ động trong việc thở, điều ấy không bao giờ có được. Chúng ta không đi tu để có thể muốn thở khi nào thì thở, hoặc không muốn thì không thở.
Do vậy chúng ta tìm đến với kinh Phật là chỉ cốt tìm ra giải pháp để giải quyết nỗi khổ đau. Những lời thuyết giảng của Đức Phật được các đệ tử ghi lại và lưu truyền cho đến nay có khả năng giải quyết khổ đau mà trước nhất là về mặt tinh thần, ý thức và kế đến là phương cách giải quyết khổ đau cho tứ đại của con người.
Một điều chúng ta nên nhớ trạng thái Phật chính là tâm của ta đây chứ không phải ai khác. Tất cả quý vị đều là Phật và ngoài ra không có Phật nào khác. Do đó chúng ta phải trân trọng và giữ gìn thân thể mình. Hãy thử quan sát một người gầy ốm, bệnh hoạn, dù vì bất cứ lý do gì nhưng hình ảnh một người kéo lê tấm thân tàn tạ quả là bi đát. Một người lâm vào tình trạng ốm đau bệnh tật thì không thể nghĩ bàn gì được nữa mà chỉ có mỗi một việc là chờ chết, cuộc đời chìm đắm trong đau khổ, lo âu, kiệt sức và không một chút bình yên.
Vì thế theo kinh nghiệm của chúng tôi thì điều đầu tiên là phải giữ gìn sức khỏe, lo cho thể chất bên ngoài tức là xác thân phải khỏe mạnh. Nói gì thì nói, hễ thân không mạnh khỏe là không ổn. Đôi khi không phải chúng ta không có đủ điều kiện để lo cho thân mình mà chẳng qua vì lười biếng hoặc nhận thức chưa đầy đủ mà không chú tâm chăm sóc bản thân theo đúng phương pháp khoa học. Chẳng hạn chúng ta đau ốm nhưng lại lười uống thuốc, hoặc bình thường có khi làm biếng ăn hay chỉ ăn đại khái. Không phải chúng ta thiếu tiền mà là thiếu ý chí, không siêng năng và thiếu hiểu biết. Chúng ta ăn uống bừa bãi, ngủ nghê qua loa, không năng tập thể dục … tất cả những điều đó là do lỗi của mình chứ không thể nói rằng do mình thiếu điều kiện.
Ngoài ra nếu tình cờ đọc được đoạn kinh Phật thuyết giảng rằng thân xác là bất tịnh, là không quan trọng, là vô thường … thì chúng ta càng thấy an tâm, bởi vì mình đang lười biếng mà nghe kinh sách đề cập về việc không cần tôn trọng xác thân thì thích lắm. Tuy nhiên lời Phật không bao giờ cố định, tùy theo vấn đề đặt ra mà Phật giảng thế thôi chứ hoàn toàn không phải Phật có ý cho rằng xác thân này là không quan trọng.
Cho nên trước tiên chúng ta phải chú ý chăm sóc thân mình. Bản thân chúng tôi xưa nay chưa bao giờ vướng vào rượu chè hay bia bọt, cà phê, riêng thuốc lá thì thời sinh viên chúng tôi hút khá nhiều nhưng sau đó đã bỏ hẳn. Thế rồi từ ngày thấy được ánh đạo cũng là lúc chúng tôi cảm thấy quí trọng bản thân, yêu thương thân mình vô cùng. Chúng ta không nên cho rằng tình cảm này là cá nhân chủ nghĩa như hầu hết mọi người vẫn thường hay nhầm lẫn như thế. Sự thật nếu không yêu chính mình thì làm sao có thể yêu được ai khác, làm sao yêu được ông Phật nơi mình? Muốn giúp người thì trước hết mình phải có đủ điều kiện như sức khỏe, trí tuệ, tấm lòng, tiền của… Vì vậy khi đã có sự thay đổi đặc biệt trong chính con người mình thì chúng tôi cũng hết sức chú trọng đến bản thân, tất cả mọi điều từ làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi đều phải điều chỉnh. Nói cách khác chúng tôi phải tự “thiết kế” lại toàn bộ mọi sinh hoạt cốt để bảo vệ thân mình được giờ phút nào hay giờ phút đó. Hễ điều gì ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe thì dứt khoát không làm, điều này trở thành một thứ kỷ luật sắt mà chúng tôi không cho phép mình vi phạm.
Quý vị thường nghe nói về giới định tuệ, đồng thời chắc hẳn quý vị cũng có lưu ý chúng tôi ít khi đề cập đến điều này. Thông thường mọi người vẫn nghĩ rằng giới định tuệ chỉ dành riêng cho các bậc tu hành thậm thâm chứ không phải dành cho người bình thường. Sự thật không phải như thế. Nếu chúng ta biết quý trọng xác thân, đừng ăn uống bừa bãi, không ngủ sai giấc, chẳng làm bất kỳ điều gì ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của mình và luôn hướng tâm về con đường đạo đức thì đó chính là giới, là định và đó cũng là tuệ.
Ngược lại nếu người nào cứ một mực cho rằng mình theo giới định tuệ mà lại xao lãng việc chăm sóc bản thân, mặc cho bệnh tật hoành hành khiến người xanh xao vàng vọt và không giữ gìn đạo đức trong cuộc sống hàng ngày thì dứt khoát là không theo đúng giới định tuệ. Không thể nào gọi như thế là giới định tuệ được.
Ngay cả một người dù ăn chay niệm Phật, dù cho không quan hệ lăng nhăng, luôn giữ gìn đạo đức tốt, nhưng như thế vẫn chưa phải là giới định tuệ. Giới định tuệ sao được khi mà xác thân mình bèo nhèo xơ xác, khi mình không siêng năng thực hành các nghĩa vụ đối với cộng đồng? Vì vậy điều trước tiên là phải yêu chính mình bằng cách chú trọng chăm sóc bản thân thật chu đáo.
Một điều cần lưu ý là yêu thân mình không có nghĩa phải ăn uống thật nhiều hay ăn toàn chất bổ béo, như thế cũng không đúng. Chúng ta cứ quan sát các vị nay đã ngoài 80 vẫn khoẻ mạnh, mặc dù nhiều người trong thế hệ ấy trãi qua tù đày, có người 5 năm, 10 năm, thậm chí 20 năm, chịu đựng cực khổ gian nan và không hề được ăn sung mặc sướng.
Trên đây chúng tôi vừa đề cập đến phần thể chất. Riêng về mặt tinh thần, đây mới chính là điểm then chốt và chính nó giải quyết hết tất cả mọi việc. Chúng tôi cố gắng trình bày vấn đề phức tạp này một cách đơn giản nhất để quý vị dễ hiểu. Đây là điều hết sức cốt lõi, xuất phát từ đó mà chúng ta quí trọng thân xác mình, kính yêu cha mẹ, thương thầy, mến bạn, yêu xã hội nhân quần, yêu Phật, yêu tất cả các vị Bồ Tát. Và cũng từ chỗ này chúng ta sẽ giải quyết được mọi đau khổ trong cuộc sống.
Tất cả chúng ta có mặt ở đây đều đã được đọc qua kinh Pháp Hoa ít nhất là một lần, trong đó chắc hẳn mọi người vẫn còn nhớ đến phẩm “Hiện Bảo Tháp”: lúc Đức Phật Thích Ca đang giảng kinh Diệu Pháp Liên Hoa thì bỗng nhiên tháp Thất Bảo từ lòng đất vọt lên treo lơ lửng rồi bên trong có tiếng nói: “Hay thay, hay thay”. Bảo tháp ấy chính là tấm thân tứ đại của mỗi người chúng ta, còn tiếng nói “Hay thay, hay thay” là tâm Phật bên trong chúng ta mà Phật Đa Bảo là biểu tượng.
Chỉ khi nào chúng ta nhận ra được Phật Đa Bảo ở bên trong chính mình thì mọi việc mới giải quyết được rốt ráo. Đó chính là bí quyết độc nhất để diệt đau khổ. Ngày nào nhận ra được ông Phật Đa Bảo trong thân của mình quý vị sẽ giải quyết được hết, nhận ra Phật Đa Bảo thì cuộc đời hết khổ.
Do đó chỉ cần cầu nguyện cho ta nhận ra Phật Đa Bảo, chứ còn cầu Thần nào cũng không hết khổ, vì chính các vị ấy lúc sống cũng như khi chết thành Thần vẫn luôn luôn khổ.
Quý vị đã nhìn thấy trong kinh sách vẽ hình Atula, rồi tới Trời, Thánh Thanh văn , Bích Chi Phật, Bồ tát và tới Phật vây chung quanh hình vòng tròn có vẽ chữ tâm ngay chính giữa, đó chính là thập giới (mười giới) từ ngạ quỷ súc sanh cho đến Phật. Từ một chữ tâm mà thành ra mười cảnh giới căn bản. Như vậy chúng ta thấy rõ một điều trong tâm của mình không thiếu điều gì, từ ma quỷ cho đến Phật. Tâm Phật là cao quí nhất.
Thời Pháp hôm nay đề cập đến điều bí quyết nhằm giải quyết khổ đau nên chúng tôi muốn nhắc nhở quý vị lưu ý đến thế giới bên trong để phân biệt rõ lúc nào quỷ trong người mình nổi lên, khi nào ma trong tâm mình nổi lên và trường hợp nào Atula (tức là sự sân si, tánh hơn thua) nổi lên. Nhờ vậy chúng ta ý thức được lúc nào mình sống đúng với bản tính con người, khi nào sống bằng tâm của Trời, bằng cái tâm Bồ Tát, hoặc trường hợp nào sống bằng tâm Phật của mình?
Mỗi khi ăn chúng ta nên nhớ chỉ cần vừa đủ no, khi đã no rồi dù thức ăn có ngon đến mấy cũng không nên ăn nữa, đó chính là cái ăn của người. Nếu đã no rồi mà còn thòm thèm muốn ăn thêm thì đó là cái ăn của quỷ. Quỷ vốn tham lam nên cứ đòi hỏi hoài, lúc nào cũng thèm ăn và không bao giờ thấy đủ.
Điều quan trọng là chúng ta cố gắng nhận ra được ông Phật bên trong mình. Hễ khi nào nhận ra Phật trong ta thì quý vị sẽ làm chủ được chín cảnh giới còn lại. Lúc đó nếu cần đóng vai ngạ quỷ để giáo dục ai đó ta có thể đóng vai ngạ quỷ, cần đóng vai súc sanh để giáo dục người nào chúng ta cũng sẵn sàng đóng vai súc sanh. Khi cần đóng vai người, cần đóng vai Trời, đóng vai Atula hay đóng các vai Bồ Tát để độ cho ai thì chúng ta cũng dễ dàng sắm các vai đóự. Tuy nhiên điều này chúng ta chỉ làm được sau khi đã nhận ra ông Phật trong người mình.
Thế nhưng Phật là gì? Trong mỗi chúng ta đều có một vị Phật ngự trị, không ai là không có. Đặc điểm của Phật là gì? Đặc điểm trước nhất của Phật là không có ý tưởng gì cả, không suy nghĩ, không tính toán, không buồn không vui, không giận hờn cũng không hơn thua với ai. Một đặc điểm nữa là điều gì Phật cũng biết, hễ lửa tới thì biết lửa, nước tới biết nước, canh tới biết canh, cơm tới biết cơm … Và tuy biết hết nhưng Phật không hề bày tỏ ý kiến, không mang cái tâm phân biệt, không hơn thua với ai mà luôn sáng suốt và rất tỉnh táo, tùy duyên mà xử sự.
Quý vị có bao giờ ngắm nhìn một con mèo đang ngủ hay chưa? Nó nằm ngủ rất bình yên, tuyệt đối không suy nghĩ gì cả. Thế nhưng chỉ cần một con chuột chạy ngang hay con gián ở đâu bò tới thì tự nhiên nó mở mắt ngay. Rõ ràng khi nằm ngủ con mèo cho ta thấy một hình ảnh hiền hòa, nhẹ nhàng, không suy tư lo nghĩ, thế nhưng chỉ một tiếng động thật nhỏ trong nhà lập tức nó mở mắt ra liền.
Cả con chó cũng vậy, chúng ta thử quan sát con chó nuôi trong nhà. Nó đang nằm im nhắm mắt trông thật hiền lành thanh thản, nhưng hễ có một động tĩnh gì thì mắt nó mở to, tai vểnh lên nghe ngóng, mũi phập phồng đánh hơi liền. Đó chính là phản ứng trực giác, phản ứng tuỳ duyên.
Cả mèo lẫn chó đều không nằm đó mà suy nghĩ hay ao ước có con chuột hoặc con gián chạy qua. Nếu nó mong đợi có con chuột chạy qua để chụp mà chờ hoài không thấy ắt nó sẽ phải cau mày! Nhờ không ước mơ nên nó mới có thể bình thản như vậy, hễ chuột hay gián đi ngang là tự động nó chụp, nghĩa là ứng xử theo trực giác.
ứng xử của Phật là trực giác. Tâm Phật hết sức bình yên, vô cùng tĩnh lặng và chỉ ứng xử theo trực giác. Khi cần giải quyết điều gì là có cách giải quyết liền, khi cần hành động sẽ hành động, bình thường thì khép mắt nhưng cần thiết là mở ngay, rất an nhiên tự tại chứ không suy tư tính toán.
Cho nên đặc điểm của Phật là không buồn không vui, không giận không hờn, không ghen ghét đố kỵ, không bực bội khó chịu, không vướng bận tất cả những điều phiền toái. Hễ mình mặt sưng mày sỉa tức là ông Atula nổi dậy, để cho trí tưởng tượng tha hồ bay bổng đó là ma nổi dậy, khi mình thèm khát mọi thứ đó là quỷ nổi dậy, hoặc mình muốn hơn thua với ai bằng lời lẽ và hành động có nghĩa là súc sanh nổi dậy.
Còn nếu ta có lòng nhân, biết thương xót mọi người và sống một cách hiền hòa thì đó là tính người nổi dậy. Vừa hiền hoà vừa có tầm nhìn xa trông rộng là tính của Trời nổi dậy, còn nếu mình không ham muốn điều gì cả ngoài việc thực hành thiền định cho tâm được an ổn thì đó là Thanh văn Duyên giác nổi dậy. Thấy chúng sanh khổ não hay cần đến sự giúp đỡ mà mình sẵn lòng xả thân cứu giúp là tính Bồ Tát nổi dậy. Và cuối cùng khi trong ta nảy sinh một tình cảm, một tình yêu trổi dậy mà không đòi hỏi bất cứ một sự đền đáp nào thì đó là tính Phật nổi dậy.
Thông thường khi chúng ta yêu ai thì phần nhiều tình cảm này ít khi nào hoàn toàn vô tư và bất vụ lợi. Người đời yêu ai đều muốn bày tỏ cho người ấy biết là mình yêu họ và chờ đợi đối tượng đáp trả, ít nhất cũng đáp lại bằng cử chỉ âu yếm. Do đó hễ mỗi khi thương ai chúng ta thích phơi bày ra ngay:
- Tao thương mày, mày không thấy sao?
- Anh thương em lắm, em có biết không?
- Tôi thương ông đến thế mà ông không biết hay sao?
Có nghĩa là ta thường đòi hỏi đối tượng mà ta thương cũng phải biết điều đó. Biết để làm gì? Để đáp ứng trở lại. Lối yêu đó gọi là tình yêu sở hữu của chúng sanh, nghĩa là yêu có điều kiện. Cách yêu này cũng chỉ đắp đổi mà thôi, nó do nhân duyên tạo ra rồi với thời gian sẽ đến lúc không còn hoặc biến hóa đi. Loại tình yêu ấy có mặt trái của nó nên chúng ta phải dè chừng!
Tình yêu sở hữu đó không phải là tình yêu của Đức Phật. Đức Phật thường nói rằng điều quan trọng nhất là từ bi tức là tình yêu lớn lao không điều kiện và không do duyên sinh. Tình yêu của Đức Phật là tình yêu của tự do, một thứ tự do tuyệt đối, chúng ta đừng nên quên điều này. Tình yêu của Phật, lòng từ bi của Phật luôn tràn đầy để an ủi chúng sanh, cũng như tình thương của Quán Thế Âm Bồ Tát phát ra phủ lên chúng sanh chẳng khác gì một nguồn suối không bao giờ cạn và không kèm theo điều kiện nào. Tình yêu vĩnh hằng của chư Phật như suối nguồn tuôn chảy phù hộ độ trì cho toàn bộ chúng sanh mà không thu về bất cứ thứ gì. Cho nên tình yêu của Đức Phật là tình yêu tự do tuyệt đối. Nó từ cõi tự do mà ra và lan toả tự do khắp các cảnh giới.
Hầu hết quý vị có mặt ở đây đều đã khá lớn tuổi, chắc hẳn ai cũng đã từng yêu ít nhất là một lần trong đời, có khi già rồi cũng vẫn còn yêu. Chúng ta thử nhớ lại xem có phải đôi lúc mình cảm thấy rằng tự do có khi còn cao hơn và quý hơn cả tình yêu do các điều kiện thuận tiện mà nảy sinh, phải thế không?
Có những lúc quả thật tự do còn quý hơn thứ tình yêu ấy. Vì vậy một khi chúng ta phát tâm thương ai mà không xuất phát từ sự tự do tuyệt đối của “Phật tánh” thì không phải là tình thương của Phật trong chúng ta. Đó có thể là tình thương của ma, tình thương của quỷ, tình thương của Atula hoặc có thể là tình thương của con người bình thường chứ không phải tình thương mang tính Phật. Thế nên đừng nghĩ rằng hễ đem lòng thương ai là ta muốn làm trời làm đất gì thì làm, tuyệt đối không được như thế. Ta nên hết sức lưu ý điều này. Thông thường hễ ghét ai mình ý thức được ngay đó là cái tâm sân hận, cái tâm Atula phóng ra và ta không mong đợi sự đáp trả. Nhưng ngược lại một khi cái tâm thương phóng ra thì mình lại thích rêu rao ồn ào là mình thương người ta mà người ấy không đếm xỉa gì tới mình.
Chúng ta phải tự chủ đừng để cho bị nhầm lẫn vì tình thương đó không phải là tình thương của Phật. Mỗi người chúng ta đều có ông Phật bên trong, khi ta sẵn sàng làm mọi điều để giúp đỡ người khác mà không đưa ra bất kỳ điều kiện gì, không hề mong muốn được đáp trả, không cần cho họ biết rằng mình thương yêu họ, lúc bấy giờ chúng ta mới xác định rằng đó chính là tình thương của ông Phật trong mình tuôn ra.
Tóm lại, quý vị phải luôn ý thức rằng tâm chúng ta có nhiều trạng thái, mỗi trạng thái thể hiện cho một thế giới mà kinh Phật ghi rằng từ ngạ quỷ cho đến Phật. Do vậy tất nhiên chúng ta cũng có tâm Quán Thế Âm Bồ Tát, duy có điều chúng ta ít khi sống được với tâm này. Chúng ta cũng có cả trí tuệ của Ngài Văn Thù. Trí tuệ Văn thù là gì? Đó chính là tên dùng để định danh cho trí tuệ giải thoát. Thế nào là trí tuệ giải thoát? Đây là một ví dụ cụ thể: chúng ta được mời uống một ly trà hết sức thơm ngon. Loại trà này vô cùng quí hiếm nên rất đắt tiền, giá đến 500 đô la một ly! Biết vậy nhưng người có trí tuệ giải thoát sẽ vẫn thản nhiên như thường, không vì lý do ly trà quá đắt giá mà dính chặt mắt vào nó, từ rày về sau chỉ uống loại trà này chứ không thể dùng thứ nào khác được. Vậy trí tuệ giải thoát là sự hiểu biết mang lại cách ứng xử không bị ngoại cảnh chi phối.
Một thí dụ khác. Hai vợ chồng già muốn sống với nhau bằng trí tuệ giải thoát thì phải làm sao? Họ hiểu rõ rằng thời gian chung sống không còn nhiều, giờ đây ngồi cạnh nhau cũng tựa như hai cây nước đá đang lần lần tan chảy, cho đến lúc nào đó sẽ biến mất khỏi cuộc đời. Tuy ngồi bên nhau nhưng chỉ chờ ngày vĩnh biệt nhau thôi chứ đâu có cách gì níu kéo được nữa? ý thức rằng mọi việc không thể nào trường tồn nên họ phải liệu cách xử sự thế nào để đừng gây những phiền phức cho nhau, không chấp nê chuyện này chuyện khác. Chính sự hiểu biết và cách ứng xử đó gọi là trí tuệ giải thoát. Rõ ràng ta thấy rằng trí tuệ giải thoát cũng khá đơn giản. Trí tuệ giải thoát của Văn Thù Sư Lợi hay còn gọi là của Phật, tất cả chúng ta đều có sẵn trong tâm rồi.
Cho nên chúng ta hãy luôn cảnh giác với tất cả các cảnh giới trong tâm và đặc biệt là cố gắng tìm đến trạng thái tâm Phật. Chúng ta cố hết sức duy trì trạng thái tâm Phật này, hễ tham-sân-si xuất hiện chúng ta liền ý thức ngay rằng đó không phải là tâm Phật của ta. Nếu kiên nhẫn tập hoài thì trạng thái tâm Phật trong người chúng ta sẽ hiện ra và ngày càng phát triển.
Sau khi chúng tôi trình bày thời Pháp này với quý vị thì Phật trong tâm của mỗi người đã bắt đầu được khơi gợi rồi. Nếu tâm của quý vị hoàn toàn trống rỗng, giống y như con trẻ, sau khi chúng tôi gieo mầm tâm Phật vào thì hạt mầm ấy sẽ bắt đầu nảy nở kể từ nay. Quý vị hãy luôn nhớ đến nó, nhờ đến cái tâm Phật này giúp cho ta được hạnh phúc. Mang tâm trẻ thơ nhưng lại biết chủ động sắp đặt đời mình thì thật là phước báu.
Đức Phật Thích Ca truyền đạo đã hơn 2500 năm qua, kể từ đó đến nay hàng bao nhiêu triệu chư Tăng Ni tại các nước trên thế giới (chưa kể các vị Cư Sĩ) chỉ làm mỗi một việc trong đời là tụng kinh, thế mà hầu như họ không bao giờ phải chịu đói khổ. Trong khi đó biết bao nhiêu tiến sĩ, luật sư, bác sĩ, bao nhiêu nhà tỉ phú học ngày học đêm, tốt nghiệp xong ra đời làm việc cật lực, đối phó với đủ thứ bất trắc nhưng rồi cũng khó tránh khỏi mất mát, hiếm ai mà không vấp phải thất bại. Trong khi đó các vị tu sĩ cả đời chỉ làm mỗi một việc tụng kinh gõ mõ, niệm Nam Mô A Di Đà Phật, vốn liếng chỉ cần xâu chuỗi hạt, cái chuông, cái mõ. Ngoài ra chẳng cần gì thêm, kể cả học vấn cũng không đòi hỏi phải có trình độ cao mà lại không bị rủi ro đe dọa. Sở dĩ chúng tôi đặt vấn đề này ra là cốt để chỉ rõ cho quý vị thấy ơn phước của Phật to tát như thế nào, để nhận ra cái tâm Phật trong chúng ta phước đức lớn lao ra sao. Do vậy hãy bám vào kho báu ấy cho bớt khổ đau.
Nói cho cùng thì trong đời sống, ba vấn đề ăn, mặc và nhà ở chính là nguyện ước cao nhất của con người chứ chẳng phải là gì khác. Có một câu chuyện vui như sau: một ông nọ sáng nào cũng đến chùa cầu nguyện. Chẳng biết ông ta cầu xin điều gì mà lui tới nhà chùa trong suốt hai năm, vẻ mặt lúc nào cũng căng thẳng. Người hàng xóm lấy làm thắc mắc nên tìm cách rình nghe nhưng vì ông ta cầu nguyện nhỏ quá nên không nghe thấy được. Cho đến một hôm không ngăn được tò mò người hàng xóm quyết định chặn đường gặng hỏi. Ông này bèn trả lời rằng: “Tôi chẳng đòi hỏi điều chi to tát, chỉ cầu Phật từ bi giúp cho tôi đủ cơm ăn áo mặc và chỗ ở. Những người khác cầu xin được thành triệu phú, tỉ phú, cầu đủ mọi thứ trên đời, riêng tôi chỉ ước mong đơn giản vậy thôi mà suốt mấy năm nay vẫn chưa được!”
Người hàng xóm nghe xong bèn vỗ vai ông này mà bảo rằng:
- Trời ơi, ông cầu xin như thế mà lại cho rằng đơn giản hay sao: đó chính là cảnh giới cao sang của Phật đấy!
Quả vậy, chúng ta thử nghĩ xem, sống ở đời mà không phải lo cơm ăn, áo mặc và nhà ở thì đúng là cảnh giới của Phật rồi! Hễ muốn ăn thì có sẵn thức ăn, cần mặc đã có sẵn áo quần, cần chỗ ở có nhà để ở, đó chính là cảnh giới của Phật rồi.
Chúng ta cần gì hơn nữa ngoài đủ ăn, đủ mặc và đủ ở, tức là mọi nhu cầu thiết yếu đều được đáp ứng đầy đủ? Không lo ăn, không lo mặc, không lo ở mà vẫn có ăn, có mặc, có ở mà khỏi phải lo lắng gì hết, đó chính là cảnh giới Phật.
Phật từng nói thế này:
- Các vị Tỳ Kheo, các vị đệ tử chân thành chân chính của ta! Những kẻ ngoại đạo còn biết lợi dụng tên tuổi ta, biết khoác màu áo vàng giả làm đệ tử của ta để được đủ ăn đủ mặc và nuôi sống vợ con, huống chi các ông là đệ tử thật của ta, các ông đâu phải sợ đói.
Rõ ràng chúng ta thấy hàng triệu triệu tu sĩ trên thế gian, không chỉ của đạo Phật mà cả các đạo khác, không người nào thiếu ăn, không có ai thiếu mặc, mà cũng không thiếu nhà ở. Ngược lại là đàng khác, nhà của họ rộng mênh mông ở không hết, lại còn có sân trước sân sau để đi bách bộ tới lui cho khỏe.
Đây chính là một điều hết sức lạ kỳ và vô cùng bí mật không thể giải thích mà chúng tôi coi là một sự mầu nhiệm của chư Phật. Tội lỗi bao nhiêu không biết, chỉ cần khoác áo cà sa, niệm Nam mô A Di Đà Phật là cuộc đời thay đổi được an nhàn rồi.
Trong kinh A Di Đà, Đức A Di Đà có dạy rằng: “Không dễ gì được vãng sanh trên cảnh giới A Di Đà, mà phải niệm danh hiệu A Di Đà Phật đến nhất tâm bất loạn mới được”. Nhưng riêng tôi lại nghĩ khác, có khi chưa niệm đến nhất tâm bất loạn, thỉnh thoảng cũng có thể phạm vài khuyết điểm nhưng miễn giữ được tâm quy y Phật thì không cần phải lo ăn lo mặc lo ở. Thế thì có mầu nhiệm hay không? Phước đức của Phật thật lớn lao biết chừng nào!
Đó là chúng tôi nói về Đức Phật của quá khứ. Trong khi đó chúng ta cũng có một vị Phật ở ngay trong tâm mà lại không biết khai thác phước đức của vị Phật này, không biết quy y Phật nơi chính mình thì quả thật là phí hoài. Đây chính là một bí pháp chúng tôi bày cho quý vị nhằm khai thác công đức của Phật để sống cuộc đời thoải mái không cần phải toan tính nhiều. Tất nhiên việc học tập là tốt, mục đích của sự học là để có kiến thức hầu giúp ích cho đời. Nhưng nếu chỉ cần có đủ cơm ăn áo mặc bình thường, không phải lo lắng vất vả nhiều thì chỉ cần khơi công đức của Phật bên trong và dựa vào công đức của Phật bên ngoài là có thể sống yên ổn rồi.
Không cần thiết phải suy nghĩ xa xôi, cũng đừng ngượng ngùng khi thấy mình sống dựa dẫm, đừng nên tự ái, đừng có suy tư nhiều. Hễ cứ suy nghĩ linh tinh thì lập tức sẽ nảy sinh đủ điều rắc rối. Cho nên suy nghĩ có nghĩa là ma, đồng nghĩa với ma, bởi nghĩ ngợi một hồi là sinh ra đủ chuyện lôi thôi. Chẳng hạn như một người đang sống trong chùa bình yên, ra vô thoải mái, tuy chưa phải hoàn toàn toại nguyện nhưng nói chung cũng là một cuộc đời yên ổn. Thế rồi bỗng dưng một lúc nào đó anh ta lại bắt đầu suy nghĩ, thấy rằng cứ ở không ăn của chùa như thế này thật mang tội! Chỉ cần một ý nghĩ ban đầu như thế thôi là mở màn cho biết bao nhiêu ý nghĩ tiêu cực, cuối cùng anh lâm vào cảnh rối loạn của ma! Ma dẫn anh đi vào chỗ khác, đốc thúc anh bỏ chùa chiền, bỏ tu tập để đi học nghề rồi mở tiệm kinh doanh. Từ đó anh bắt đầu va chạm với đời, bị vùi dập, khi lên khi xuống nhưng tựu trung cũng không đạt được điều gì to tát. Mọi cái đều xuất phát từ lòng tự ái mà ra! Đáng lẽ phải suy nghĩ rằng ta có miếng ăn này, được chỗ ở này, không phải bận tâm về việc ăn-mặc-ở thì âu cũng là phước đức của chư Phật. Thế thì ta ráng làm việc tốt cho chúng sanh, cho thế gian để đền ơn chư Phật và cảm tạ chúng sanh. Nghĩ được như thế thì tốt cho mình mà chúng sanh cũng được nhờ. Còn nếu suy nghĩ ngược lại, vì một chút tự ái thôi là cuộc đời bầm dập.
Còn đối với những người không phải là tu sĩ, chưa nương náu cửa Phật cũng đừng nên băn khoăn, bởi thân quý vị là chùa, nhà quý vị chính là chùa, chỗ quý vị ngồi cũng là chùa. Luôn luôn cung kính nghĩ tới ông Phật của mình thì lúc nào cũng như đang ở trong chùa. Nếu lúc nào cũng nghĩ tới ông Phật của mình, trừ những nhu cầu lớn lao không kể, chứ còn đơn giản như chuyện cơm ăn áo mặc sẽ tự nhiên có, không việc gì phải lo. Điều này không thể đem lý lẽ ra mà biện giải được nhưng chúng tôi đảm bảo rằng đó là hiện thực chắc chắn sẽ đến với quý vị.
Cuộc sống của chúng ta trở nên phức tạp chẳng qua là vì khi đã có được chiếc xe Honda Dream rồi quý vị lại ao ước mua xe hơi. Có xe hơi xong liền bắt đầu mơ tưởng tậu biệt thự, cứ thế mà cuộc sống ngày càng trở nên phức tạp. Một khi đã có đủ cơm ăn, áo mặc, nhà ở mà không cần phải lo nghĩ gì nhưng quý vị vẫn không thấy đó là cảnh giới của Phật, lại phóng tâm đi kiếm thêm tức là sa vào thế giới của ma, của quỷ, của Atula, là bắt đầu lao vào vòng đau khổ.
Khi đã ở trong miền cực lạc của nước Phật A Di Đà, mỗi khi đói quá mình nghĩ tới cơm thì sẽ có đủ thứ thức ăn, nhưng khi ăn đủ no rồi tự nhiên tất cả sẽ biến mất, dù có nghĩ đến cơm cũng sẽ không có cơm cho ta nữa. Hoặc ta đang thiếu mặc, suy nghĩ đến áo quần thì tự nhiên sẽ có đủ, có rồi mà muốn kiếm thêm một bộ nữa cũng chẳng có đâu. Vì vậy chúng ta đừngù nghĩ rằng ở cõi đó muốn có bao nhiêu cũng được rồi ráng sức chạy đi tìm kiếm, không phải như vậy. Cõi A Di Đà là vừa đủ xài và đủ xài chính là A Di Đà. Sở dĩ chúng ta không vào được cõi A Di Đà là vì không chấp nhận cái vừa đủ, hễ vừa có đủ lại bắt đầu ao ước đến những cái khác, mong muốn có thêm nhiều nữa và tính đến chuyện tìm kiếm thêm. Chính do nghĩ chuyện kiếm thêm nên mới nảy sinh rắc rối. Vậy việc kiếm thêm đó không phải là chuyện của ông Phật mà là của con ma trong mình, của Atula, của ngạ quỷ của mình, chuyện đó là của súc sanh mình chứ không phải của ông Phật mình.
Nếu từ đây về sau chúng ta tập sống theo trạng thái Phật của tâm mình thì tự nhiên tâm mình là Phật. Hễ sống được với tâm Phật rồi thì thân cũng sẽ là thân Phật. Có người ngại rằng hễ đề cập tới Phật, tới tôn giáo e nảy sinh chuyện rắc rối, nhưng thật ra chúng ta không có điều gì phải sợ cả. Chúng tôi phơi bày tất cả những điều này vì tấm lòng đối với chúng sanh chứ không nghĩ rằng cần phải giữ kín bí quyết này để hưởng thụ riêng mình. Chúng tôi đề nghị giờ đây quý vị cứ theo cách ấy mà sống thì sẽ được sung sướng, xin hãy cứ thử nghiệm một lần cho biết. Một khi quý vị luôn chú tâm nghĩ đến ông Phật của mình thì mỗi khi có điều gì lo âu băn khoăn, quý vị sẽ nhớ rằng nỗi lo ấy không phải của ông Phật, cái lo đó là do tính người chứ không phải là tính Phật của mình. Cái lo đến với ta chỉ vì ta chưa đủ lòng tin mà giao cho Phật trong ta ứng phó, do vậy chúng ta hãy cầu nguyện Phật trong và Phật ngoài cố gắng giải quyết cho ta. Mình cứ thành tâm khẩn cầu vậy thôi, tự nhiên các ngài sẽ có cách giải quyết.
Có những người tự cho mình giỏi, mình hiểu biết nhiều nên viết sách bàn luận Phật nghĩ thế này, Phật nghĩ thế kia, Phật nghĩ thế nọ… rối tung cả lên. Theo chúng tôi những quyển sách chuyên chú trọng lý giải về Phật hoàn toàn không đáng tin cậy. Liệu ai dám nói chắc rằng Phật nghĩ sao mà lý giải? Chúng tôi đề nghị một phương cách như thế này: mỗi người chúng ta hãy tự suy nghĩ về bản thân xem thử liệu có lý giải nổi cuộc đời của mình hay không? Chúng ta sống qua một quãng đời khá dài, có ăn có học, có trí tuệ, tài giỏi, nhiều năm lăn lộn với đời, đã làm việc cật lực từ khi còn trẻ cho tới nay đã hai thứ tóc trên đầu. Quý vị hãy thử lý giải cuộc đời đã qua của mình xem sao? Chúng tôi tin rằng không ai trong chúng ta lý giải nổi! Thế thì nếu đã không lý giải được cuộc đời phàm tục thì làm sao lý giải được công đức Phật của mình?
Một sự việc đơn giản thôi, ai có thể lý giải được tại sao hàng triệu Tăng Ni chỉ cần tụng kinh gõ mõ mà có thể sống ung dung không cần phải lo chuyện cơm ăn áo mặc? Và hàng triệu tu sỹ các tôn giáo khác trên thế giới cũng vậy. Không ai có thể lý giải được! Cho nên Phật mới nói thế này: “Phật là bất khả tư nghì”. Đồng thời Phật nhấn mạnh: “Chúng sanh cũng bất khả tư nghì”. Nếu nắm rõ được ý của câu này thì tức khắc chúng ta là Phật liền, tuy đơn giản nhưng mà khó đấy vì nhiều người chưa sống được với niềm tin mà chỉ dựa vào tri thức và suy nghĩ chủ quan. Hễ ai nói rằng có thể lý giải được cuộc đời của mình thì vẫn là người vô trí. Nhưng chúng tôi dám đoan chắc rằng không ai lý giải được đâu. Mới ngày nào cậu bé này còn đi chăn bò, ngày hôm nay trở thành kỹ sư rồi sau đó làm lãnh tụ, làm sao lý giải được những sự việc ấy?
Việc này chúng tôi có kinh nghiệm cá nhân rất rõ: bỗng nhiên do cơ duyên mà chúng tôi trở thành thầy tu rồi đi nói chuyện Đạo suốt ngày. Tôi không biết lý do gì và không sao lý giải được. Nhiều người cũng đặt câu hỏi tại sao chúng tôi đi tu? Ai muốn lý giải ra sao thì tùy, riêng tôi không thể nào hiểu được, không thể lý giải được tại sao tôi đi tu, tại sao tôi trở thành một vị tu sĩ, tại sao tôi đi nói chuyện Phật Pháp? Tôi không lý giải được. Chẳng qua là cuộc đời đưa đẩy, tôi thấy vậy thì biết vậy thôi. Tôi cũng không biết trước ngày mai mình còn làm công việc này nữa hay không? Không biết ngày mai tôi còn ăn chay nữa không, ngày mai tôi còn nói Pháp được nữa không? Tôi không biết! Ngày mai tôi có còn là một tu sĩ xuất gia nữa không tôi cũng không biết, làm sao tôi biết được, không thể biết được!
Nói như vậy để quý vị thấy rằng quý vị phóng tâm ra cũng vô ích, phóng tâm ra chỉ chuốc lấy sầu não thôi chứ không mang lại niềm vui gì. Cho nên vị Phật trong tâm mình không tính toán chi hết. Tuy nhiên cũng do chúng ta quen suy nghĩ rồi nên thoạt đầu dễ cho rằng điều này không hợp lý. Chỉ đến khi nào tập sống được như vậy quý vị sẽ thấy rằng có một sự hợp lý rất mầu nhiệm, một sự hợp lý hết sức đặc biệt mà người đời không thể giải thích được. Cái hợp lý đó quý vị tự biết lấy và chúng tôi đảm bảo rằng người nào tập được như thế thì sẽ chiêm nghiệm được rằng đây là một điều rất khoa học và hợp lý, hoàn toàn hợp lý. Khoa học là gì? Là điều mình biết được. Còn cái mình chưa biết thì gọi là chưa biết chứ chẳng phải là không khoa học.
Một khi quý vị tập sống theo như những điều chúng tôi vừa trình bày, quý vị sẽ biết một điều mà không ai có thể dùng lời lẽ để diễn tả, cái chuyện không ghi ra được trên giấy cũng như không thể giải thích bằng lời, giống như một người câm tuy biết hết mọi việc nhưng không nói ra được. Dù công nhận rằng điều này hết sức khoa học, hết sức hợp lý nhưng ta không thể diễn tả được.
Do đó ở đây chúng tôi trình bày những phương pháp giúp quý vị đạt tới một cảnh sống, một phương cách sống mà không cần biện giải nhiều. Hãy mua cuốn kinh “Nhựt tụng” về, tự đóng vai một tu sĩ trong chùa, biến nhà mình thành cái chùa rồi bắt đầu tụng niệm. Chúng ta cứ thành tâm tụng niệm, có hết cơm hết gạo cũng cứ tụng. Điều quan trọng là phải có đức tin, hết gạo cứ tụng, vừa tụng kinh vừa đặt lòng tin vào đó, thế rồi sẽ có gạo. Nếu yêu cầu giải thích thì chúng tôi không sao giải thích được. Chỉ khi nào “ngộ” được quý vị mới thấy điều đó quả thật là khoa học và hết sức lô gích. Nhưng lô gích của khoa học này là của cảnh giới mầu nhiệm mà suy nghĩ hay lý lẽ không can thiệp vào được. Nó có cái luật riêng của nó, tri thức và lý trí của chúng ta không can thiệp vào được.
Trong tâm ta có sẵn cảnh giới Phật, nếu quý vị năng tu tập để lúc nào cũng nhận ra được ông Phật của mình, nhận ra trạng thái Phật trong tâm thì quý vị sẽ đi vào một cảnh giới đặc biệt ở đó chỉ có chính mình tự biết lấy mình.
Cảnh giới đó ở ngay bên ta, chung quanh ta, do chưa có nhân duyên nên ta chưa vào được mà thôi. Quý vị cứ chú ý tập thì sẽ vào được cái thế giới vô ưu, không lo ăn, không lo mặc, không lo nhà ở. Hễ sa vào suy nghĩ, buồn giận hay lo âu nhiều quá thì mình ý thức ngay rằng cái này không phải Phật. Khi nổi giận mình biết rằng đó không phải là Phật. Gặp những cảnh ngộ như vậy chúng tôi thường đùa rằng đó là lúc ông Phật của mình bị siết cổ nên phải lè lưỡi ra, Phật của mình lâm vào tình cảnh khó khăn rồi. Hễ buồn quá nghĩa là ông Phật của mình bị khó khăn, hễ tính toán quá là ông Phật đang gặp khó khăn. Mà quý vị phải nhớ rằng mình tính không bằng Phật tính. Phật có cách tính riêng mà mình không hiểu được, cho nên phải tin vào Phật tính, tin vào phước đức của Phật.
Ngoài ra quý vị cũng đừng vội than rằng cứ tới lui nơi cảnh chùa hoài mà cuối cùng vẫn chẳng giải quyết được chuyện gì! Chúng tôi tin chắc hễ cứ lui tới cảnh chùa hoài cuộc đời quý vị sẽ có thay đổi, chẳng qua là ta không để ý thôi chứ thật sự là có thay đổi. Điều này quả thật rất mầu nhiệm. Chỉ cần quý vị ra vô chùa nhiều lần - thậm chí chẳng cần phải nghe thuyết giảng gì cả - tự nhiên sẽ có thay đổi. Mà cực chẳng đã lắm mới nên dùng đến lời nói, chứ nói cũng không hay, không tốt. Cứ làm thinh mà nhận biết rồi tự thay đổi thì tốt hơn. Nói càng nhiều càng dở, chẳng có gì hay ho cả đâu. Nếu mình tin tuyệt đối vào công đức của Phật, tin vào phúc đức của Phật thì tự nhiên sẽ thay đổi. Còn người nào chỉ tin vào sự hiểu biết của mình, tin vào nhận định của mình mà không tin vào bản chất của tâm thì luôn luôn gặp khó khăn, lúc nào cũng không hài lòng và do đó đánh mất hạnh phúc.
Chúng ta cứ tin vào cảnh giới của Phật nơi lý trí không thể phân tích thì chúng ta sẽ có hạnh phúc. Còn nếu chúng ta cứ tin vào suy nghĩ và tính toán của mình, tin vào sự hiểu biết của mình thì dễ cảm thấy không vừa ý người này, không bằng lòng người kia và suốt đời sẽ khổ sở. Nhận biết nhưng đừng thắc mắc gì cả thì hay hơn, tự nhiên cuộc đời mình sẽ thay đổi.
Tóm lại bí quyết duy nhất là cứ tin vào phước đức của Phật, tin ở tha lực tức là Phật của quá khứ, tin vào chư Phật trong các cõi và tin vào phước đức của Phật ở trong chính chúng ta. Nếu chúng ta đã có được niềm tin với Phật bên ngoài thì Phật ở bên trong cũng sẽ xuất hiện.
Và một khi chúng ta chú tâm tới Phật bên trong tự nhiên Phật trong tâm sẽ kêu lên “Hay thay, hay thay”, giống y như trong phẩm Hiện Bảo Tháp, khi cái tháp ở dưới đất bay vọt ra thì ông Đa Bảo thốt lên rằng: “Hay thay, hay thay”. Hễ quý vị để ý tới ông Phật của chúng ta thì sẽ nghe được âm thanh rất vi diệu ở sâu tận đáy lòng phát lên: “Hay thay, hay thay”. Chúng ta cố hết sức tập trung rồi sẽ nghe thấy tiếng nói “Hay thay, hay thay”.
Suốt bốn năm ngày đầu quý vị có thể không nghe thấy gì, nhưng khoảng mươi bữa sau sẽ bắt đầu nghe văng vẳng tuy chưa rõ ràng. Rồi quý vị lắng nghe mãi, tu tập hoài thì tự nhiên âm thanh “Hay thay, hay thay” đó xuất phát tận trong sâu thẳm lòng mình và ngày càng lớn hơn. Đến khi nghe rõ rồi thì quý vị biết rằng đã đến lúc sống được cuộc đời giàu sang phú quý không ai sánh nổi. Mọi việc chỉ đơn giản như vậy.
Cố gắng nghe tiếng nói “Hay thay, hay thay” của ông Phật Đa Bảo, chúng ta sẽ thấy có sự mầu nhiệm. Khi đã nghe được rõ ràng rồi, lúc bấy giờ quý vị bắt đầu sống cuộc đời an nhiên tự tại như Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, cần thị hiện điều gì thì thị hiện, không bị chướng ngại gì nữa.
Toàn bộ bí quyết để diệt mọi khổ đau của cuộc đời này là làm sao lắng nghe được âm thanh “Hay thay, hay thay” của ông Phật ở trong tâm chúng ta.
Chúng ta phải nương nhờ niềm tin đối với chư Phật mười phương và Đức Phật Thích Ca thì sẽ nhận ra được âm thanh của Phật Đa Bảo. “Hay thay, hay thay” là một mật chú và là âm thanh hoàn hảo của Phật trong chúng ta.
Tại sao chúng tôi dám đoan chắc “Hay thay” là một âm thanh hoàn hảo? Vì dù ai có muốn giải thích thế nào cũng không giải thích được, muốn viết ra không viết được, muốn thuyết giảng không thuyết giảng được. Muốn sờ mó cũng không được, muốn nhìn thấy bằng mắt cũng không được, muốn chia sẻ với người khác cũng không chia sẻ được!
Thế thì chỉ còn một cách là “Hay thay, hay thay”. Không làm gì được nên chỉ có thể ngửa mặt lên trời, giơ hai tay ra và giậm chân vui sướng thốt lên “Hay thay, hay thay”. Một khi không còn phải lo cơm ăn, không lo áo mặc, không lo nhà ở thì phải hoan hỉ thốt lên rằng: “Hay thay, hay thay”.
“Hay thay, hay thay” là một mật âm nói lên điều vi diệu trong cõi sâu lắng của chúng ta mà không thể giải thích được bằng hình ảnh, không có tên gọi, không có lời nói, không có chữ viết, không có hình dạng, không màu sắc, không mùi vị, không rõ lớn nhỏ ra sao, không biết diễn tả thế nào nên đành phải nói: “Hay thay, hay thay”. Do đó quý vị hãy luôn nhớ ông Phật Đa Bảo của chúng ta lên tiếng rằng: “Hay thay, hay thay”, chỉ cần biết như thế thôi.
Đó chính là Phật âm vi diệu. Bữa nào chưa có cơm ăn cứ kêu “Hay thay, hay thay” rồi cơm sẽ tự đến, không việc gì phải lo. Cũng đừng lo thiếu mặc, thiếu quần thiếu áo, cứ tin tưởng vào “Hay thay, hay thay”, mặc kệ mọi thứ. Thiếu cũng “Hay thay” mà đủ cũng “Hay thay”.
Quả thật Đức Phật Thích Ca tài tình đến thế, không có gì cả Ngài cũng vẫn “Hay thay”. Chắc hẳn chúng ta còn nhớ câu chuyện Đức Phật Thích Ca bị mấy người ngoại đạo bày ra chuyện cúng dường. Họ cung thỉnh Phật cùng 500 Tỳ Kheo để tiến hành lễ cúng dường ba tháng hạ, nhưng sau đó lại không cung cấp thực phẩm cho những chư tăng này. Cuối cùng Đức Phật phải cho các Tỳ Kheo ăn lúa ngựa, họ không quen ăn món này nên tỏ ra rất khó chịu. Đức Phật bèn cho gọi Ngài A Nan tới và đưa một hột lúa bảo ăn thử. Ngài A Nan lột vỏ lúa ra ăn, Đức Phật bèn hỏi: “Ông nhận thấy sao?”. Ngài A Nan trả lời: “Con sinh trưởng trong triều đình, từ nhỏ được ăn đủ thứ cao lương mỹ vị nhưng chưa hề thấy món nào ngon đến thế này, quyền quý cao sang như thế này”. Thế là Đức Thích Ca bèn thốt lên: “Hay thay, hay thay”.
Quý vị thấy đó, điều gì đối với Phật cũng là “Hay thay”. Ăn lúa ngựa cũng “Hay thay”, nhận cúng dường nhiều hay ít cũng “Hay thay”, chỉ có mỗi một tiếng là: “Hay thay, hay thay”.
Vậy thì nếu chẳng may vị nào không đủ tiền nuôi con ăn học thì cũng cứ “Hay thay”, mà nuôi con ăn học tới nơi tới chốn cũng “Hay thay”. Đang thiếu thốn cùng cực cũng “Hay thay”, khổ sở quá cũng “Hay thay”, ai làm buồn lòng cũng “Hay thay, hay thay”, mà ai đem tiền tới cho cũng “Hay thay”. Hễ cứ “Hay thay” tức thì ông Phật trong tâm sẽ xuất hiện. Cứ đọc câu chú “Hay thay” lập tức sẽ gặp Phật.
Những lúc quá đau khổ đừng nên kêu: “Trời ơi”, bởi vì đang buồn mà mở miệng than thở sẽ càng thêm khổ! Gặp lúc mọi việc thuận lợi, được ai đem cho tiền bạc hoặc bỗng nhiên được trúng số, đừng nên vui mừng quá đến độ không kiềm chế được mà nhảy cẫng lên trời, không biết bay cũng ráng bay lên, coi chừng sẽ bị té gãy tay gãy chân.
Cả hai thái độ trên đều không đúng. Dù túng thiếu, dù đau khổ hay đắc thế cũng vẫn cứ bình thản. Gặp lúc đang đói bụng, trong nhà không còn gì ăn ngoài một trái khế chua. Khi cắn miếng khế chua chúng ta đừng nên nhăn mặt mà bình thản nói rằng “Hay thay, hay thay”. Hay khi chúng ta đến vùng núi được người dân tộc mời món “mắm bồ hóc” hết sức hôi thối đối với ta nhưng lại hợp khẩu vị của họ, dân địa phương nhiệt tình mời ăn và hỏi: “Ông ăn thấy ngon không?”. Mình nuốt không nổi chỉ muốn ói ra nhưng vẫn nói: “Hay thay, hay thay”. Được như vậy kết quả sẽ rất tốt, bởi khi mình cho rằng “Hay thay, hay thay” thì cảm được lòng người ta khiến họ quý trọng mình. Ngược lại nếu tỏ vẻ ghê tởm hay có thái độ không lịch sự không chừng bị nguy hiểm đến tính mạng.
Nếu điều rủi ro xảy đến ta hãy cứ “Hay thay, hay thay” mà chấp nhận, đắng cay đó sẽ trở thành “Hay thay, hay thay”. Rồi những ngọt bùi đến với mình cũng cứ “Hay thay, hay thay”, nghĩa là không hề phân biệt gì cả. Cái tâm của ta lúc bấy giờ là tâm Phật và cũng tựa như mặt đất: thỏi vàng rớt xuống cũng “Hay thay” mà con bò thải phân xuống đất vẫn “Hay thay”, thế thôi. Không có việc con bò đi qua ỉa xuống đường mà đất vùng vẫy phản ứng, rồi người ta đi ngang đánh rơi thỏi vàng thì đất mừng rơn, hoàn toàn không có điều đó.
Rõ ràng quý vị thấy rằng tập sống được với cái tâm Phật của mình thì rất hay. Đặc biệt là các cụ già, con cháu sơ suất làm điều gì khiến mình buồn quá thì cũng cứ “Hay thay, hay thay” chứ không nên tức giận, đừng để cho lòng phiền não. Tập riết rồi sẽ quen, khi đó tự nhiên sẽ xuất hiện một uy lực trong người, đó là cái lực Phật có tác dụng xoa dịu hết những người chung quanh rồi tự nhiên mọi việc sẽ thay đổi.
Lỡ con cháu có hư đốn cũng “Hay thay”, cái lực Phật của mình phát ra tự nhiên sẽ gia trì cho con cháu, nhờ vậy chúng trở nên tốt hơn. Con cháu vốn là núm ruột của mình, sao mình không thương, không nóng ruột? Nhưng bây giờ ta dùng trí não, dùng kinh nghiệm của mình để dạy dỗ chúng mà không có kết quả thì thôi đành mượn cái âm “Hay thay”, mượn phước đức của Phật để gia trì tự nhiên mọi việc sẽ được cải thiện. Ngay như chúng tôi tuy nhìn thấy rõ nhiều tu sĩ hư đốn nhưng vẫn cứ “Hay thay”, không đem lòng đố kỵ gì hết.
Quý vị có đặt lòng tin vào công đức của Phật không? Xin hãy cứ tin đi. Chúng tôi đề nghị tất cả chúng ta đổ xô nhau tin vào công đức của Phật để mà sống yên ổn trong đời. Quý vị cố gắng tập quen sống như vậy sẽ thấy hay lạ lùng. Chúng tôi chỉ biết công nhận điều này là hay chứ cũng không biết diễn tả ra sao nữa, chỉ biết nói chữ “hay thay” mà thôi.
Chúng ta cứ tin tưởng dựa vào phước đức của Đức Phật Thích Ca, của chư Phật và của các bậc giác ngộ như ngài Lục Tổ Huệ Năng, Bồ Đề Đạt Ma hay Trần Nhân Tông … Ai đã giác ngộ cũng đồng đẳng với chư Phật, cho nên mình cứ ngưỡng vọng về các ngài thì sẽ phát sinh mầu nhiệm và cái lực Phật mầu nhiệm trong người mình tự nhiên phát ra.
Trong Kinh A Di Đà có đề cập đến vô lượng quang, vô lượng thọ, vô lượng công đức, mà vô lượng quang chính là ánh sáng của ông Phật trong mình. Hễ mình “Hay thay” ánh sáng sẽ tỏa đều, mình mà nhăn nhó là ánh sáng tắt liền. Mình phấn khởi, mình cười to quá ánh sáng cũng tắt. Chỉ khi nào ta bình thản, mắt sáng, miệng nói “Hay thay” thì ánh sáng mới phát ra và vô lượng quang tỏa đi tất cả các cảnh giới.
Còn vô lượng thọ là gì? Là lúc ấy mình sống trong trạng thái không có tuổi, không biết mình thuộc dòng họ nào, không còn nhớ mình là nam hay nữ, giàu hay nghèo, không phân biệt thời gian và không gian. Hễ nhớ không gian, nhớ thời gian tức là có tuổi, mà vô lượng thọ lại không có tuổi gì hết.
Khi vô lượng quang phóng ra thì vô lượng thọ tiếp nối và vô lượng công đức đi theo. Cho nên vô lượng quang, vô lượng thọ, vô lượng công đức là một khối thống nhất. Điều này quả thật rất vi diệu. Bây giờ chúng ta thôi đừng nghĩ tới việc đi vay ngân hàng mà nên tính chuyện vay công đức của chư Phật thì tốt hơn, lỡ vay mà không trả cũng chẳng sao. Vô lượng quang, vô lượng thọ, vô lượng công đức rất sâu sắc và không thể nghĩ bàn được. Chúng ta chỉ cần nhớ chữ “Hay thay” để cho Phật trong người chúng ta xuất hiện thì lập tức sẽ có vô lượng quang, vô lượng thọ, vô lượng công đức liền.
Còn hễ mình không nhớ tới điều đó, mình buồn rầu nghĩ rằng giờ đây mình đã già rồi mà chưa làm được điều gì, cảm thấy cuộc đời sao toàn đau khổ, con mình còn dại, chồng mình có điểm không hayù, rồi bà con dòng họ nảy sinh đủ thứ chuyện rắc rối, thế là vô lượng quang bèn tắt ngấm. Quý vị nên nhớ khi vô lượng quang chiếu ra thì tất cả các cảnh giới trong các cõi đều là cõi Phật. Trong kinh Pháp Hoa cũng như kinh A Di Đà, Đức Phật đều nói rằng: “Phương Đông có Phật A Súc, phương Nam cũng có Phật, rồi phương Tây, phương Bắc, phương trên phương dưới đều có Phật”. Khi vô lượng quang phát ra chỗ nào cũng có Phật hết. Khi vô lượng quang không phát, ta cảm thấy mình già, mình nghèo, mình giàu, mình xấu, mình đẹp, đủ thứ việc phức tạp và toàn là những chuyện không thuộc cảnh giới của Phật.
Nơi cảnh giới của Phật đất bằng phẳng, nước trong mát, ngọt ngào, không khí trong lành, nghe tiếng chim hót, tiếng gió thổi thông reo cũng tựa như nghe diễn nói Phật Pháp, tức là một âm thanh phát ra mà gợi được cái sâu lắng nhất trong lòng người. Vì vậy quý vị không cần mơ tưởng đến cảnh Tây phương chẳng biết ở phương trời xa xôi nào mà chỉ cần đến Đà Lạt và đứng yên dưới gốc thông. Quý vị đừng suy nghĩ gì hết mà hãy để tâm hồn lắng lại và đồng cảm với cây thông. Khi hết sức thành tâm lắng nghe tiếng thông reo, quý vị sẽ nhận biết cái âm thanh sâu lắng tận đáy lòng của mình phát ra: tiếng thông reo đó chính là tiếng Pháp được diễn.
Phật Pháp dạy chúng ta 37 phẩm trợ đạo, rồi Tứ diệu đế, tất cả những gì Đức Phật đem ra giảng đều nhằm một mục đích để cho cái tâm lăng xăng của chúng ta lắng xuống và cái tâm tịch lặng bên trong mở ra. Vậy thì khi đứng dưới gốc thông ở Đà Lạt chúng ta đừng lo chuyện nợ nần, đừng nghĩ đến vợ chồng con cái, đừng quan tâm tới công danh sự nghiệp, kể cả đừng nghĩ tới chuyện tu hành. Ta chỉ tập trung nghe tiếng thông reo thôi, tự nhiên tất cả mọi cái tâm lăng xăng sẽ biến mất và âm thanh của Phật hiện ra liền. Do đó tiếng thông reo cũng chính là tiếng diễn nói Chánh Pháp.
Vậy thì tất cả các âm thanh đều là Pháp hết, nhưng ta không nghe được bởi vì lòng ta ngổn ngang trăm mối tơ vò. Không phải chờ chim se sẻ kêu: “Tứ diệu đế, Tứ diệu đế” mới là giảng pháp. Ta nói “Tứ diệu đế, Tứ diệu đế” là cốt để cho tâm lăng xăng mất đi. Nếu chúng ta không để tâm trí lo âu sầu não mà tập trung nghe con chim se sẻ kêu từng tiếng, từng tiếng, ta chú ý lắng nghe rồi để cho âm thanh bên trong phát ra, hòa nhập được với tiếng hót bên ngoài thì chẳng khác gì con chim se sẻ đang nói “Tứ diệu đế”. Cho nên chúng ta đừng có chấp việc nó đang nói điều gì, nội dung ra sao. Bất cứ một loại âm thanh gì mà nếu tâm chúng ta không lăng xăng, tâm chúng ta lắng đọng để nghe một cách vô tư thì âm thanh vi diệu bên trong cũng sẽ phát ra: đó chính là diễn nói Chánh Pháp.
Chúng tôi cũng cho rằng lắng nghe chim hót thông reo có khi còn quý hơn nghe con người nói chuyện. Mười người nghe chim hót thì hết chín người hạnh phúc, chứ còn mười người nghe lời nói, nghe thuyết giảng thì hết chín người đi đến ngạo mạn hoặc chán ngán, bực mình, sự thật là như thế. Chúng ta mặc sức tỏ ra ngạo mạn, mặc dù đêm về ôm gối khóc ròng vì không sao giải quyết được nỗi đau khổ trong nội tâm của chúng ta, nhưng bước ra ngoài lại đóng vai một con người hạnh phúc, hoặc có chăng cũng chỉ là niềm vui tạm.
Chúng tôi xin nhắc lại trong chúng ta có một cõi giới cực kỳ thanh tịnh, cõi giới ấy có vô lượng quang, vô lượng thọ và vô lượng công đức.
Vô lượng thọ ở đây không phải là sống lâu mà hàm chỉ cái tâm thức không phân biệt về thời gian và nơi chốn, dòng họ này dòng họ khác, không phân biệt mọi chuyện mà chỉ là một tâm thức hoàn toàn rỗng không, chỉ thuần về bản chất và khả năng nhận biết thôi.
Chẳng hạn như giờ đây bản thân tôi đang sống trong vô lượng thọ. Hôm nay ngày mấy tôi không biết, vì thông thường chúng tôi không phân biệt ngày tháng mà cũng không quan tâm tới nơi chốn, dù đang ở tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội hay là hải ngoại, đang ở trên núi hay ở dưới biển cũng không để ý tới. Đó chính là vô lượng thọ rồi. Nhưng hễ mình nghĩ tới việc đang ở tại thành phố này, thành phố kia, đây là người này, đây là người kia tự nhiên mọi sự rối bời hết trong đầu óc, bao nhiêu chuyện phải suy nghĩ, rồi mình cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu đủ thứ hết. Cho nên điều này chúng ta có thể tập được, bản thân tôi đã tập sống được trong vô lượng thọ nên chia sẻ kinh nghiệm này với quý vị.
Còn vô lượng công đức là gì? Là tâm của mình lúc nào cũng bình yên. Chẳng hạn như hiện nay chúng tôi sống cuộc đời tu hành nhưng cũng ăn cơm tháng giống y như thời còn là sinh viên. Trưa chiều có người đem cà-mèn cơm tới, bữa nào có là ăn, không có thì thôi và lúc nào cũng cảm thấy vui vẻ thoải mái. Trong khi đó trước đây tôi có tiền muôn bạc vạn, lên xe xuống ngựa, kẻ đưa người đón, kẻ hầu người hạ, riêng tôi có đến hơn mười người phục dịch lo cho đủ thứ việc. Thế nhưng cuộc đời ấy không có được công đức gì cả, tuyệt đối không hưởng được bình yên. Chung quanh tôi lúc bấy giờ phần nhiều là những người nịnh bợ, cốt kiếm được ít tiền rồi đi, vì vậy trong lòng tôi không có được sự yên tĩnh.
Vô lượng công đức là lúc nào cũng thấy bình yên và cái yên tĩnh của mình tạo ra một làn sóng êm dịu cho những người chung quanh. Chính vì vậy giờ đây chúng tôi cảm nhận rằng nơi nào mình đi qua, chỗ đó có được sự bình yên. Chẳng hạn như lúc này chúng tôi đang trao đổi với quý vị, quý vị nghe âm thanh từ chúng tôi phát ra và nhìn thấy vẻ ngoài của chúng tôi. Bên cạnh âm thanh và tướng mạo bên ngoài lại có một lực bí mật đi vào bên trong quý vị, làm cho tâm quý vị tựa như được tắm mát. Chúng tôi tin rằng chắc chắn quý vị sẽ cảm nhận một sự mát mẻ chứ chẳng phải là không, đó chính là cái luồng Phật lực mạnh mẽ mà không ai thấy được. Vậy thì xin quý vị hãy cố gắng tập thêm, khi về nhà lấy xâu chuỗi tập niệm A Di Đà để kéo dài trạng thái mát mẻ ngày hôm nay.
Quý vị nhớ lưu ý chúng ta có vô lượng quang, vô lượng thọ và vô lượng công đức. Chúng ta hãy dựa vào vô lượng quang, vô lượng thọ, vô lượng công đức của chính chúng ta, nhưng chúng ta phải nhờ chư Phật mười phương, nhờ những bậc thầy giác ngộ giúp cho chúng ta. Giống như trong phẩm Hiện Bảo Tháp của kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Phật Đa Bảo kêu “Hay thay” nhưng mà ta chưa thấy, phải nhờ đến Phật Thích Ca mở cửa tháp. Lúc bấy giờ cửa tháp mở kêu “rét” một tiếng và Phật Đa Bảo hiện ra, cũng có nghĩa là quý vị nghĩ đến ông Phật Đa Bảo của mình. Tiếng “rét” ấy tượng trưng cho điều gì? Đó chính là tiếng đổ vỡ của những thèm khát, là nỗi niềm giận hờn đã đổ vỡ, sự ganh ghét đổ vỡ, lòng đố kỵ đổ vỡ…
Chúng tôi hy vọng nội dung buổi nói chuyện hôm nay tạm đủ cho quý vị Phật tử suy ngẫm trong dịp cuối tuần. Người nào lắng nghe mà thấy lòng phấn khởi nhẹ nhàng thì biết rằng đang trên đường về cõi Phật nơi tâm mình.
Cầu nguyện cho quý vị và những người có nhân duyên với quý vị luôn được chư vị Giác Ngộ thương tưởng.
Chúng ta cùng hồi hướng công đức sáng nay cho tất cả chúng sanh được khai mở tâm trí.
Cầu nguyện cho mọi người đều được an lạc.
Trung tâm Dịch vụ Hồi ký ghi lại