Bùa yêu hay men tình thần bí?

Mùa xuân năm trước người viết đã có dịp kể hầu bạn đọc vài chuyện lạ của những tộc người thiểu số sống giữa đại ngàn Trường Sơn, đấy là câu thần chú của người Rục (tây Quảng Bình) “thổi” cho thôi... đẻ(!) hay chiếc lá a-năng của người Vân Kiều (tây Quảng Trị) chỉ cần lót dưới lưng mỗi lần sinh hoạt vợ chồng là không cần phải dùng tới bao cao su O.K hay uống Choice, Marvelon... làm gì! Thực hư chắc còn chờ khoa học nhưng cuộc đời nào thiếu gì chuyện “bất khả tư nghị”, ngãn xanh mang trong mình nó những bí mật thăm thẳm, thâm u. Không là người sống cùng cây rừng muông thú, bầu bạn rẫy nương không dễ hình dung... Bùa yêu của những người sống giữa đại ngàn mà người viết từng nghe kể trong những đêm thức với bếp lửa nhà sàn, từng gặp trong những ngày đi làm báo trên rẻo cao xin kể cùng bạn đọc...


Từ câu chuyện bà điền chủ người Pháp

Trong những bài báo viết về vùng Khe Sanh thời Pháp người ta vẫn thường nhắc đến một bà chủ đồn điền người Pháp cực kỳ xinh đẹp tên là Cômêrôm, dân trong vùng vẫn thường gọi là bà Rôm . Đồn điền bà Rôm mênh mông trên bazan màu mỡ, giàu có không thua các ông Tây có đồn điền ở đây như Poalăng, Ôlanh, Cuviê... Trong bút ký “Ngọn núi ảo ảnh” nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường có lần nhắc đến bà điền chủ này khi ông bắt gặp giữa hoang tàn Bạch Mã, trong vườn cũ của biệt thự bà Rôm một cây anh đào Đà Lạt. Vợ chồng bà lên Khe Sanh lập đồn điền từ thời khai thác đường 9 Ông “Rôm” sau đó đi làm khâm sứ ở Viên chăn (Lào), lấy vợ Nhật và chia cho bà Rôm một phần tài sản là đồn điền cà phê. Bà sống ở đây dù có biệt thự ở Huế, Bạch Mã, Paris... Nhưng bà chủ đồn điền này còn nổi tiếng vì một chuyện khác:Ông Rôm chồng bà ra đi, ngay sau đó bà đã phải lòng một người Vân Kiều vốn là culi cho đồn điền của bà rồi bà đã cưới làm chồng! Những người sau này kể lại rằng chính bà Rôm đã mắc phải bùa yêu của KaLưi (tên chồng sau của bà Rôm). Ka Lưi không có gì đặc biệt vậy mà bà Rôm say như điếu đổ, suốt ngày giữ rịt bên mình.

Đơn giản là KaLưi có “ngãi Mơn”! Câu chuyện ấy có thể là quá lạ dưới thời thực dân, bởi thoạt nghe cứ như chuyện hoang đường. Nhưng có người giải thích rằng không có chuyện bùa ngải gì cả, chỉ vì bà cần một chàng trai khoẻ mạnh của hoang dã núi rừng để ngày tháng nơi sơn cước không quá dài. Mãi sau này khi chiến sự lan đến Khe Sanh bà mới về nước, đành chia tay Ka Lưi. Câu chuyện về bà Rôm được nhắc lại một cách tình cờ khi trong chuyến lên miền Tây mới đây, tại vùng Lìa (Hướng Hoá) trong chiếc quán đầu bản tôi gặp một chàng trai nói giọng Bắc đẹp giai, có vợ là người trong bản. Th (tên chàng trai) bảo quê anh ở tận Thái Nguyên, theo các bạn vào đây đãi vàng, rổi trở thành rể lúc nào không hay. Vậy mà đã gần 10 năm trôi qua, vợ anh đã sinh cho anh ba mặt con. Nhiều người cũng cho là Th. bị bỏ bùa mê! Tôi tò mò hỏi Th.: Có thật anh bị bùa mê không, Th. Cười: Không biết nữa, mình đã về lại quê, gia đình bảo mình đừng vào nữa, các cụ dạm cho một đám trong làng xinh tươi ra phết nhưng chỉ về ba hôm là ruột gan như lửa đốt quày quả xuôi vào ngay. Nhiều người nói chắc “ăn bùa” rồi, mình thì không thể nào đi xa nhà quá năm ngày. Không hẳn là nhớ vợ con nhưng lạ lắm đi khỏi nhà cứ muốn về, không về là không được. Có điều mình vẫn sống hạnh phúc, vợ rất thương mình, không bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ ra đi...

Trên những nẻo đường xuôi ngược ở miền Tây có thể gặp khá nhiều chuyện như thế. Chị X., một cô gái khá xinh đẹp ở làng tôi thường theo xe đò buôn chuyến theo đường 14 vô tận A Lưới, chừng đâu hơn hai năm thì theo một người đàn ông đã có vợ con người Tà Ôi rồi ở luôn trên ấy. Thi thoảng vợ chồng lại đưa nhau về thăm bố mẹ, nhìn chàng rể không biết so với bố vợ ai trẻ hơn ai. Dân làng lại kháo nhau: Cái X. mắc “ngãi Mơn” rồi. Bố mẹ chị nghe vậy thì cũng đành vậy, không dám khuyên can gì con bởi cứ như người ta bảo dính ngãi Mơn rồi thì vô phương biến cải! Mãi sau này đi A Lưới công tác, tôi gặp chị ở đấy, ông chồng chị nghe đâu có thêm một cô gái khác cũng là dân dưới Huế lên buôn bán. Chị bảo cũng muốn về quê nhưng không về được, “cái hồn bị bắt mất rồi”! Không lẽ lại có một thứ bùa mê huyền bí đến thế? Nó từ đâu ra? Có phải cái từ “ngãi Mơn” là nói trại ra bởi từ ngãi Miên (Campuchia)? Thực hư thế nào về một thứ thuốc mê tình ái như thế?

Và sự thật về cây thuốc “bùa yêu”

Tôi đem những chuyện đã nghe đã thấy ấy hỏi già Chứt ở bản Xi, trong một đêm nằm với già bên bếp lửa nhà sàn. Ban đầu già chỉ cười, đưa tay vò mái tóc bạc quăn tít, rồi bảo: “Mày có cái vợ cái con rồi, hỏi mần chi, muốn bắt hồn cái đứa con gái nào à? Không được đâu!”. Nhưng đêm khuya lạnh, chừng như hơi lạnh và men rượu sắn của miền cao khiến những điều không thể nói cũng không thể giấu. Đôi mắt thâm u chỉ thấy ánh lửa nhảy nhót trong mắt, giọng già Chứt trầm xuống: “Già đã từng thấy nó rồi, cái cây bùa yêu ấy nó chỉ có ba lá, từa tựa cây củ riềng, nhưng dù cây lớn hay cây bé cũng chỉ mọc đúng ba lá”. Một điều kỳ lạ là cây không mọc trên đất mà mọc trong các hốc cây ruỗng mục. Cây cho một thứ củ có mùi hương rất đặc biệt, không ngào ngạt hay nồng nàn, thơm nhẹ đến mức ngỡ như không có mùi thơm. Nhưng nếu ngửi mùi của nó thì không thể nào cưỡng lại được. Người cứ như mê muội trong cái cảm giác được làm thân, được gần gụi. Không phải dễ dàng gặp nó dù có thuộc hết cây rừng. Mà có gặp không phải ai cũng có thể nhận biết được nó. Già Chứt bảo, đấy là cây thuốc bí truyền, thường trong gia đình chỉ có một người biết được, rồi sau đó chọn trong số con cái của mình một người tin cẩn nhất để bày lại. Mục đích ban đầu của bùa yêu là để bảo vệ hạnh phúc gia đình trong những lúc cấp thiết, ví như một trong hai người vợ hoặc chồng có ý định bỏ đi, gia đình có nguy cơ tan vỡ, nếu có bùa yêu có thể dùng níu kéo lại.

Hoá ra bùa yêu hay “ngãi Mơn” không chỉ riêng vùng nào có. Một người bạn tôi ở Gia Lai cho hay người Jrai có một cây gọi là Pơgang huch (tiếng Jrai “pơgang” nghĩa là thuốc, “huch” nghĩa là mê) và cho biết cây này có nguồn gốc từ Campuchia, cây pơgang huch có thể trồng được nhưng rất khó. Với người Jrai, pơ gang huch chỉ duy nhất người đàn bà chủ gia đình được giữ, được biết (bởi theo chế độ mẫu hệ). Người mẹ ấy chỉ truyền lại cho đứa con gái mình yêu thương tin cẩn nhất trước khi chết. Đôi khi cả một vùng rộng lớn chỉ có một đôi người có loại bùa yêu này. Họ cũng chỉ dùng trong trường hợp thật cần thiết, chuyện bỏ bùa mê là điều hi hữu và không phải ai cũng thực hiện được. Thế nhưng theo người bạn của tôi, mặc dù trên nguyên tắc pơ gang huch do phụ nữ nắm giữ song về sau nhiều đàn ông vẫn có được nó. Tại xã Iadom (Đức Cơ-Gia Lai) có cô gái tên K’ Lep rất đẹp, đẹp đến mức người ta cho cô là ma lai. Cô lấy chồng là một anh bộ đội biên phòng, chồng cô hy sinh trong một trận đánh với bọn xâm lấn biên giới. Cô lúc này đã có một người con nhưng vẫn có nhiều thanh niên chưa vợ muốn được cô bắt làm chồng. Tuy nhiên cô không muốn lấy ai nữa cả. Vậy mà một năm sau cô đồng ý lấy Rin, một thanh niên không thể nào bằng được với những người đã đến với cô trước đó. Từ lâu trong bản đều xầm xì là Rin có... pơgang huch!

Trong tình sử Tristan và Iseut có nói đến thứ rượu thiêng mà khi uống vào đôi lứa sẽ không thể nào chia lìa nhau được. Chuyện về những thứ thuốc “bùa yêu” có thể chỉ là một giấc mơ của những kẻ đang yêu muốn trợ vi bởi một ngoại lực nào đó. Có người đi lễ chùa chiền cầu nguyện, mong thánh thần xui cho người ta đoái trông, có kẻ đi kiếm tìm danh vọng để nuôi hy vọng, không được như ngày xưa khi quan tân khoa về làng võng anh đi trước võng nàng theo sau thì... có ngàn lẻ một cách để đến được với nhau. Triệu triệu lứa đôi trên thế gian này đã yêu nhau, sinh con đẻ cái, hạnh phúc đến răng long đầu bạc mà đâu cần đến bùa yêu, đến pơgang huch, vậy thì bùa yêu có thật không? Chắc chắn có thật! Nhưng không phải ở nơi cây củ bí ẩn trong đại ngàn thẳm sâu huyền bí, ăn lá mục giữa hốc cây mà sống như già Chứt đã kể cho tôi nghe trong đêm rừng mưa lạnh hôm nào. Bùa yêu ấy ai cũng có, đấy là điều mà Trịnh Công Sơn từng nhắn nhủ với mọi người: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng... Tấm lòng - đấy chính là bùa yêu của nhân gian giúp người ta chinh phục tất cả, những quyền lực hay nhan sắc rồi cũng phù du trần thế, hãy yêu bằng một tấm lòng thì không bao giờ bị... thất tình.

Lê Cát Nhẫn