TANG MA THEO TỤC LỆ CỔ TRUYỀN

Tang là sự đau buồn khi có người thân mới chết, là lễ chôn cất người chết (an táng, mai táng), là dấu hiệu (áo, mũ, khăn...) để tỏ lòng thương tiếc người chết. Tang chế là phép tắc quy định việc đưa đám và để tang.

Tang lễ (lễ tang) là nghi lễ chôn cất người chết. Từ đó có những từ: tang phục, tang sự, tang gia, tang chủ, đám tang, để tang, bịt khăn tang, đeo băng tang, mãn tang, xả tang, tống tang, hộ tang ...

Ma (ma chay) là lễ chôn cất và cúng người chết theo tục lệ cổ truyền. Đám ma còn gọi là đám tang.

Như vậy tang ma có nghĩa là lễ chôn cất cúng kính, cùng những quy định về việc để tang và đưa đám người thân mới chết.

Khi có tang ma, người ta đem tiền hay đồ lễ đến viếng để tỏ lòng thương tiếc người chết và thăm hỏi chia buồn cùng tang quyến, gọi là phúng viếng hay phúng điếu. Điếu ca là bài thơ tỏ lòng thương tiếc người chết.

Điếu văn là bài văn tỏ lòng thương tiếc người chết đọc khi làm lễ tang. Con người sinh ra, lớn lên, học hành, thi cử, dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cái, tạo lập công danh sự nghiệp, dù có hiển hách đến đâu, cuối cùng cũng theo quy luật sinh lão bệnh tử trở về cát bụi, để lại bao niềm tiếc thương vô hạn cho người ở lại. Tục lệ tang ma của người xưa nhầm thể hiện một phần nào sự tiếc thương vô hạn đó, bởi lẽ:

- Con người có tổ có tông
Như cây có cội như sông có nguồn

- Chim xa rừng còn thương cây nhớ cội
Người xa người tội lắm người ơi

Cũng giống như tục lệ cưới gả, tục lệ tang ma của người Việt xưa ảnh hưởng sâu đậm văn hóa Tàu, nhưng vẫn giữ được nét đặc thù văn hóa Việt Nam.