Biển Đông: "Nếu lặng im thì đó là sự hèn nhát không chấp nhận được"

Thứ ba 04/09/2012 14:02

(GDVN) - "Khi danh dự buộc con người phải lên tiếng mà ta lại lặng im thì đó là một sự hèn nhát không thể chấp nhận được".



LTS: Khi tình hình biển Đông đang căng thẳng, cả thế giới đang lên án trước những hành động gây hấn leo thang của Trung Quốc tại biển Đông, những người con Việt Nam vẫn một lòng hướng về những mảnh đất tiền tiêu của Tổ quốc.

Từ những lá thư của đồng bào trong nước cho đến những bức tâm thư của những học giả gốc Việt ở nước ngoài gửi về đều thấm đẫm tình cảm yêu thương của mình với Hoàng Sa, Trường Sa nơi đầu sóng ngọn gió. Bức thư của nữ sinh Nguyễn Thị Phương Trinh, lớp 12 Chuyên Văn - Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, tỉnh Nam Định (Giải nhì Quốc gia môn Ngữ văn 2012) là một trong số đó.



Lá thư của nữ sinh Phương Trinh - Lớp 12 chuyên Văn - Trường chuyên Lê Hồng Phong - Nam Định

Anh tôi - Người lính Trường Sa


Anh tôi là lính. Ngày anh nhập ngũ là cái ngày tôi bắt đầu nghĩ về Trường Sa. Không còn đơn giản chỉ là một cái tên lạnh lùng nằm trên bản đồ địa lý của Tổ quốc, Trường Sa là nơi mà anh - khúc ruột trên của mẹ sẽ sống, rèn luyện và thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng của mình, là một miền thương nhớ sẽ đi về trong thâm tâm tôi.

Trước đây, nói đến đất nước mình, tôi thường chỉ nghĩ đến một dải đất cong hình chữ S nằm bên bờ biển Đông xanh thẳm. Cái vùng đất giữa biển khơi kia sao mà xa lạ đến thế. Nhưng giờ đây, Trường Sa có anh. Nhớ anh, yêu mến anh, đọc thư anh rồi tự lúc nào thấy Trường Sa thật gần gũi. Cũng như anh với tôi, dẫu xa xôi, nhưng tình cảm ruột thịt chẳng thể nào chia cắt nổi.



Người lính đảo An Bang
Anh được nghỉ phép và trở về trong sự mong chờ, nhớ nhung của người thân, nhất là lũ trẻ chúng tôi. Đứa nào cũng háo hức bắt anh kể thật nhiều chuyện, xem đi xem lại mấy tấm ảnh về Trường Sa. Trường Sa xinh đẹp nằm giữa mênh mông sóng nước, cuộc sống con người gắn chặt với thuyền, với biển.

Chắc hẳn đứng ở trên biển đảo mà nhìn ra đại dương thì khác hẳn với việc vờn mấy con sóng nhỏ ở bờ biển Sầm Sơn hay Cửa Lò... Đứa nào cũng ước ao một lần được ra đảo. Có đứa còn quyết tâm lớn lên sẽ giống như anh, làm người lính đứng gác ở Trường Sa. Cái tình cảm con trẻ cứ nảy nở tự nhiên và ngây thơ như vậy, nhưng trong sáng và thật đáng yêu. Tình yêu Tổ quốc của tôi bắt đầu từ những điều như thế!

Anh về lần này trông cao lớn hơn hẳn dạo trước. Da ngăm đen, thân thể cường tráng. Anh có vóc dáng của một chàng thanh niên đã kinh qua sự đào tạo của quân đội, đã ăn sâu trong mình vị muối mặn của biển cả, đã nếm trải đủ mọi sóng gió của đại dương. Đến nỗi mà khi anh ở trần, tôi có thể cảm nhận được cái hơi đất, hơi nước Trường Sa toát ra từ người anh nồng nồng, đậm đậm. Chắc rằng anh đã yêu Trường Sa lắm.



Ở các anh, vị muối mặn của biển cả đã ăn sâu vào trong mình, đã nếm trải đủ mọi sóng gió của đại dương.

Anh cũng trầm tĩnh, chững chạc và ít nói hơn. Nhiều khi, tôi có cảm giác anh như là một ngọn núi giữa đại dương trập trùng sóng nước mà vẫn uy nghiêm, sừng sững, lấy sự im lặng để tôn lên vẻ hùng vĩ của mình. Đó phải chăng cũng là tư thế đứng thẳng, ngẩng cao đầu đầy kiêu hãnh và tự hào của anh khi khoác cây súng trên vai canh giữ biển trời Tổ quốc.

Và cũng giống như sự im lặng ngàn đời của núi không phải cách để núi ẩn mình bạc nhược, vẻ trầm tĩnh, ít nói của anh luôn chứa đựng sự kiên nghị, vững vàng. Anh biết cách chọn thời điểm thích hợp để cất tiếng nói. Anh bảo "Khi danh dự buộc con người phải lên tiếng mà ta lại lặng im thì đó là một sự hèn nhát không thể chấp nhận được". Anh tôi – người lính đảo là thế đấy!.

Ngày mai, anh lại lên đường, lại đến với Trường Sa thân yêu. Khoảng trời xanh, vùng biển xanh, miền đất xanh, và cả tuổi trẻ tươi xanh của anh nữa sẽ góp phần vào màu xanh vĩnh cửu của đất nước quang vinh. Đi đi anh, Trường Sa đang vẫy gọi Trường Sa của anh, của em, của chúng ta, của Việt Nam yêu dấu ngàn đời.








Phương Trinh – 12 Văn – THPT chuyên Lê Hồng Phong