Giả thuyết về lăng Quang Trung ở thành Phượng Hoàng
23/09/2010 0648
- Có nhiều khả năng trước khi mất, Quang Trung đã di chúc lại về việc đưa thi hài của mình về Nghệ An mà cụ thể là gần Phượng Hoàng Trung Đô, kinh đô mới mà ông đã chọn và lúc nào cũng tha thiết được chuyển đô về đó.

Những giả thuyết chưa thuyết phục

Chúng ta biết rằng, trước khi từ trần, Quang Trung có cho gọi Trần Quang Diệu, lúc này đang làm Trấn thủ Nghệ An về Phú Xuân để dặn dò: "Bọn ngươi nên giúp rập Thái tử sớm thiên đến Vĩnh Đô để khống chế thiên hạ. Không thế thì quân của Gia Định lại, bọn ngươi chết không có chỗ chôn đâu" (theo Đại Nam chính biên liệt truyện, sơ tập, quyển 30).

Trong hình dung của Quang Trung (trước khi mất) thì Phú Xuân sẽ là cựu đô, trong ngày một ngày hai, kinh đô mới sẽ là Trung Đô. Có lẽ nào Quang Trung không thấy trước, sau khi cả triều đình thiên đô ra Nghệ An sẽ để lại ngôi lăng của mình trơ trọi ở Phú Xuân không người chăm sóc?

Chúng ta lâu nay cứ cả tin vào mấy dòng ghi chép rất chung chung (vì không biết cụ thể) về việc an táng Quang Trung của các sử gia nhà Nguyễn: "táng ở phía nam sông Hương" rồi chỉ đi tìm theo hướng đó. Những giả thuyết về cung điện Đan Dương của Nguyễn Đắc Xuân, lăng Ba Vành của Trần Viết Điền, rồi núi Kim Phụng, núi Ngọc Trản... nhưng xem ra tất cả đều chưa đủ sức thuyết phục.

Giả thuyết là lăng Quang Trung ở Bình Thuận cũng khó có thể chấp nhận. Vì trước khi Quang Trung mất, vùng Bình Khang, Bình Thuận đang là đất tranh chấp, đến khi Quang Trung mất thì đã về tay Gia Long rồi, làm sao có thể táng Quang Trung ở đó được? Vả lại từ Phú Xuân vào Bình Thuận phải qua Quy Nhơn, vùng đất của Thái Đức Hoàng Đế cai quản. Mà lúc này triều đình Quang Toản và triều đình Nguyễn Nhạc đang mâu thuẫn làm sao mà đi qua đó được (Nguyễn Nhạc ra Phú Xuân dự đám tang Quang Trung và bị chặn lại ở địa đầu Quảng Ngãi).

Hướng tìm mới?

Gần đây, một số người có khả năng đặc biệt khẳng định thi hài Quang Trung ở dưới một hang sâu ở núi Mũi Rồng. Thậm chí có người còn nhìn thấy "vua đang nằm giữa một cung điện dưới độ sâu 17,2m!".

Tuy chưa có căn cứ nhưng cũng có tính chất gợi mở cho những hướng tìm tòi nghiên cứu sau này. Hang đá ở Mũi Rồng có liên quan gì đến đền Rồng và đền Rồng có liên quan gì đến Lầu Rồng ba tầng của Phượng Hoàng Trung Đô xưa, những câu hỏi đang rất cần lời giải. Và liệu những di tích về Quang Trung ở Phượng Hoàng Trung Đô có liên quan gì đến bốn cặp câu đối khóc vua Quang Trung được phát hiện vào năm 1998 ở Nghệ An:




Bản đồ Phượng Hoàng Trung Đô do Phan Duy Kha biên vẽ lại từ ảnh hàng không.


- Vâng mệnh trời, giúp nước Việt da vàng, công tích chói ngời, sấm giăng chớp giật, trong giờ phút mong manh thấy rõ uy lực của đấng anh hùng.

Nương mây trắng đến chốn quê vua, trong chơi vơi, từ ngõ hẻm đến hang cùng , không hề kêu gọi mà ai nấy đều mến mộ.

- Quá đỗi rối ren! Công cuộc phòng vệ đất nước mới vừa xong, thì bỗng chốc vị thần đã về cõi mặt trời mặt trăng, ánh sáng gom tụ nơi đền đài, từ bấy giấc mộng ngàn năm quanh quẩn đâu đây.

Chao ôi buồn thảm! Cái râu rồng không bao giờ quay lại, tuy vậy ơn cứu vớt sinh linh còn đó, mưu đồ xây dựng lại đất nước thịnh trị lâu dài thì không thể nữa rồi.

(Trích văn bản chữ Hán Tây triều Quang Trung quân án giá do Nguyễn Nhân Lục phát hiện, Vũ Ngọc Liễn dịch).

Nếu không ở nơi có lăng mộ đền đài Quang Trung sao có những câu đối cảm động như thế.

Muốn trả lời được những điều nghi vấn đó, cần phải đầu tư nghiên cứu khảo sát công phu. Và Nghệ An, Phượng Hoàng Trung Đô hứa hẹn sẽ đem lại nhiều điều mới mẻ, hấp dẫn.

Phan Duy Kha