CUỘC HỘI NGỘ GIỮA ÔNG HỒ CHÍ MINH VÀ ÔNG NGÔ ĐÌNH DIỆM THÁNG 1/1946

Theo Blog PhamTon

CHỈ CÓ THỂ KẾT LUẬN ĐƯỢC THẾ THÔI CHĂNG…?

Hương Giang
Lời dẫn của Phạm Tôn: Dịp kỷ niệm lần thứ 67 Cách Mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 năm nay, đầu tháng 8/2012, chúng tôi nhận được bài sau đây của bạn Hương Giang. Xin mời quí bạn đọc để thấy rõ hơn lịch sử đã có những bước đi quanh co thế nào?
—o0o—

Kho lưu trữ của Bảo tàng cách mạng Việt Nam Hà Nội, có sáu cuốn sổ tay khổ giấy học trò, ngoài bìa ghi Sổ tiếp khách. Đó là những cuốn sổ ghi hằng ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp những người đã đến gặp Chủ tịch, từ ngày 4/9/1945 đến tháng 3/1946.

Có lẽ còn nhiều cuốn sổ tiếp khách nữa, nhưng Bảo tàng không lưu trữ được, hoặc là mất, thất lạc, hoặc đến thời gian đó … do nhiều lý do mà không tiếp tục ghi.





Qua các Sổ tiếp khách này, người nghiên cứu có thể thấy điểm nổi bật:

1. Hầu như không ngày nào, kể cả vào ngày nghỉ, chủ nhật, Bác Hồ lại không tiếp khách, có ngày tới mười đoàn thể, có ngày 20, 30 vị khách.

2. Khách trong nước có đủ: già, trẻ, trai, gái, đồng bào Phật giáo, Công giáo… các nhà buôn, các điền chủ, các hội tương tế, Hướng đạo, các nhân sĩ, trí thức, nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ…

3. Khách nước ngoài có các vị quan chức Quốc dân đảng Tưởng Giới Thạch, các nhà ngoại giao, nhà báo quốc tế các nước Pháp, Anh, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Thái Lan, Inđônêxia…

Khách đến “yết kiến”, báo cáo, trao đổi, xin chỉ thị… Khách đến đây, không hạn chế là do Bác tự đề nghị, sẵn sàng “vui lòng tiếp đón, một ngày không quá mười đoàn, mỗi đoàn không quá mười người”.

Cuốn sổ đánh dấu số 5, ngày 15/1/1946, bên cạnh tên các vị khách, có dòng chữ “Cụ tiếp Ngô Đình Diệm”.

Sự kiện này, ban đầu, người biết được không nhiều. Đến năm 1990, đoàn cán bộ của Viện Mác – Lênin do GS. Đặng Xuân Kỳ giữ chức Viện trưởng, đến sưu tầm tư liệu để thực hiện Bộ Hồ Chí Minh-biên niên tiểu sử đã phát hiện được. Một thành viên trong đoàn, bấy giờ là P.TS Nguyễn Văn Khoan đã được phép ghi lại, báo cáo xin đưa vào Hồ Chí Minh – biên niên tiểu sử, tập 2, nhưng có nhiều ý kiến tranh luận.

Ít lâu sau, P.TS Nguyễn Văn Khoan có viết bài “giới thiệu” nhưng không báo nào đăng. Phải chờ cho đến năm cuối cùng của thế kỷ XX, sự kiện này mới được phép công bố công khai.

Một số tư liệu nước ngoài cũng có đề cập đến sự kiện này:

1. Đại sứ Ba Lan tại Ủy ban Quốc tế giám sát Hiệp định Giơnevơ năm 1954, kể lại trong hồi ký của mình rằng “cuối năm 1954, trước khi vào Sài Gòn, tôi tới chào Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi tiễn tôi ra cửa, Chủ tịch nói: “Nhờ đại sứ chuyển lời hỏi thăm của tôi tới Ông (chú ý: Chủ tịch không nói Tổng Thống – NV) Ngô Đình Diệm”. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, Chủ tịch nói tiếp: Ông Diệm là người Việt Nam. Là người Việt Nam, ai cũng có lòng yêu nước. Ông ấy yêu nước theo cách của ông” (nguyên văn tiếng Pháp “à sa manière).

2. GS. Lê Xuân Khoa, trong Việt Nam 1945-1975, Nxb Tiên Rồng Hoa Kỳ, 2004, tr. 379, trong chương Sai lầm của Việt Nam cộng sản viết:

“Tháng 9/1945 (sau ngày 23/8/1945 – ngày Phạm Quỳnh bị “xử tử” (sự thật là bị bắt – PT chú) Ngô Đình Diệm bị Việt Minh bắt trên đường từ Sài Gòn ra Huế. Tại Huế, ông được (biết) anh ruột ông là Ngô Đình Khôi và con trai của ông Khôi là Ngô Đình Huân bị Việt Minh hạ sát (cùng với Phạm Quỳnh).

Sáu tháng sau (Lê Xuân Khoa nhầm: Ngô Đình Diệm gặp Bác vào tháng 1/1946), Hồ Chí Minh hạ lệnh đưa ông Diệm về Hà Nội với mục đích mời ông Diệm tham gia chính phủ liên hiệp. Stanley Karnow (tác giả sách Lịch sử Việt Nam (Viet Nam a history – New York, 1991 – NV) ghi lại câu chuyện này theo lời kể của ông Diệm.

“Ông Diệm: Ông muốn tôi làm gì?

Ông Hồ: Tôi muốn ông làm chuyện ông vẫn muốn tôi làm, tức là hợp tác để tranh đấu cho đất nước được độc lập. Chúng ta cùng theo đuổi một mục đích, chúng ta cần phải làm việc với nhau.

Ông Diệm: Ông có tội… ông đã bắt giam tôi.

Ông Hồ: Tôi xin lỗi về chuyện đáng tiếc đó. Khi dân chúng bị ức hiếp nổi dậy, lỗi lầm không thể tránh được và chuyện bi thảm xảy ra. Nhưng tôi vẫn luôn luôn tin rằng, hạnh phúc của nhân dân vượt lên trên những lỗi lầm đó. Ông có những điều oán hận chúng tôi, ta hãy nên quên đi.

Ông Diệm: Ông muốn tôi quên những người của ông đã giết chết anh tôi sao?

Ông Hồ: Tôi không biết gì về chuyện đó. Tôi không dính dấp gì đến cái chết của anh ông. Tôi cũng buồn phiền như ông về những chuyện quá đáng ấy. Làm sao tôi có thể làm một chuyện như thế khi tôi cho mời ông đến đây? Không những thế, … tôi muốn mời ông giữ một chức vụ quan trọng trong chính phủ.

Ông Diệm: Anh tôi và cháu trai tôi chỉ là hai người bị giết… Sao mà ông dám mời tôi làm việc với ông?

Ông Hồ: Đầu óc ông chỉ nghĩ đến chuyện đã qua, ông hãy nghĩ tới tương lai, chuyện giáo dục, chuyện cải thiện mức sống nhân dân.

Ông Diệm: Tôi làm việc vì lợi ích của quốc gia nhưng không chịu áp lực. Tôi là một người tự do. Tôi sẽ luôn luôn là người tự do. Ông nhìn… tôi coi. Tôi có phải hạng người sợ áp bức hay sợ chết không?

Ông Hồ: Ông là một người tự do.

Và sau đó, Chính phủ Hồ Chí Minh đã trả tự do cho Ngô Đình Diệm.”

3. Ngày 7/5/2012, ông Ngô Trần Đức, một nhà nghiên cứu Việt Nam đã viết bài Cụ Hồ, con người và phong cách, tải lên mạng internet. Bài được in ra trên trang A4, dày tới 25 trang, trang 16 ông Ngô Trần Đức viết: “Cùng thời gian đó, vào cuối năm 1945, Ngô Bình Diệm bị quân dân ta bắt ở Nam Trung Bộ, giải ra Hà Nội. Biết việc này, với tư cách Chủ tịch Chính phủ… ngày 15/1/1946, Cụ tiếp riêng Ngô Đình Diệm tại Bắc Bộ phủ, thuyết phục ông Diệm đi với nhân dân, tham gia vào việc nước. Nhưng ông Diệm từ chối, tuyên bố “sẽ vẫn tiếp tục chống Pháp nhưng không thể đi với Việt Minh”. Nhiều cán bộ giúp việc quanh cụ, không đồng tình, cho rằng ông Diệm là người thân Nhật, rất nguy hiểm, Cụ Hồ nói: Nếu ông ta thân Nhật thì Nhật đã tan tành rồi, còn chỗ nào mà thân nữa. Còn ông ta nói vẫn còn chống Pháp, nhưng không đi với Việt Minh, thì cứ thả ông ra, để ông ấy chống Pháp theo kiểu của ông ấy!”

Ông Ngô Trần Đức viết tiếp: “Cuộc tiếp kiến đã để lại cho ông Diệm một ấn tượng sâu sắc. Có lẽ vì vậy mà con người chống cộng cực đoan này chưa một lần nào thất lễ với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau này, trong một cuộc trò chuyện thân mật với anh Hai Nhạ (cán bộ tình báo của Việt Nam) tại dinh Gia Long, ông Diệm vẫn nhớ lại hình ảnh mảnh dẻ, giản dị, phong sương của Cụ Hồ trong buổi tiếp. Cụ mặc quần “soóc”, chân đi dép cao su trắng với điếu thuốc lá trên môi, lời nói và cử chỉ rất mực lịch thiệp. Ông Diệm có thể thốt ra với Vũ Ngọc Nhạ một câu: “Cụ Hồ là bậc đại nghĩa, còn qua là người tiểu khí. Nhưng nếu qua nhận lời cộng tác với Cụ Hồ thì qua biết ăn nói thế nào với dòng họ Ngô về cái chết của anh qua và cháu qua bởi tay Việt Minh”. Câu chuyện này là do ông Trần Quốc Hương, tức Mười Hương, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, người trực tiếp chỉ đạo mạng tình báo chiến lược ở miền Nam thời chống Mỹ, trong đó có Vũ Ngọc Nhạ, nói với ông Ngô Trần Đức, đầu năm 2004.

Qua một số tư liệu trên, bạn đọc có thể tìm ra được nhiều “kết luận”, ví dụ:
- Gia đình Phạm Quỳnh đã “đại khí” mà không “tiểu khí” như Ngô Đình Diệm. Dù ông, cha… là Phạm Quỳnh bị “xử lý” nhưng con, cháu vẫn đi theo Việt Minh, theo Cụ Hồ, góp phần xuất sắc vào sự nghiệp giải phóng và phát triển đất nước.
- Cụ Hồ “không biết gì về chuyện” bắt và bắn Ngô Đình Khôi, Ngô Đình Huân, Phạm Quỳnh và Cụ rất “buồn phiền” về những chuyện quá bi thảm ấy.

- Với Ngô Đình Diệm, Cụ Hồ còn có ý định “mời ông Diệm giữ chức vụ quan trọng trong chính phủ” (như giáo dục, cải thiện mức sống nhân dân…) mặc dù ông Diệm “thân Nhật”, nhưng “chống Pháp”, dù đã làm đến Thượng Thư – như Phạm Quỳnh dưới triều Bảo Đại + thực dân Pháp như Phạm Quỳnh – nhưng chống Pháp như Phạm Quỳnh.
Phạm Quỳnh còn “hơn điểm” ở chỗ không thân Nhật mà chống Nhật, có thể nếu không bị “xử lý” cũng được mời “giữ một chức vụ quan trọng trong chính phủ Cụ Hồ?”
“Thật là không may cho Thượng Chi – Phạm Quỳnh, không may cho gia đình Cụ Phạm” (lời của Cụ Hồ) và cả dòng họ Phạm.
Chỉ có thể kết luận được thế thôi chăng…?
H.G.
*
* *
Từ điển Bách khoa Việt Nam (tập 3) của nhà xuất bản Từ điển Bác khoa Hà Nội, 2003, trang 127-128 viết:
Ngô Đình Diệm (1901-63), tổng thống của Chính quyền Sài Gòn (1955-63). Quê: làng Đại Phong, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Xuất thân từ một gia đình quan lại cao cấp triều Nguyễn, theo đạo Thiên Chúa. Tốt nghiệp Trường Hậu bổ (1920), làm quan ở các tỉnh Miền Trung (Thừa Thiên, Quảng Trị, Ninh Thuận, Bình Thuận). Thượng thư Bộ Lại trong triều đình Bảo Đại (1933), đại thần Việt Cơ mật. Vì tranh chấp với Phạm Quỳnh nên đã từ chức thượng thư Bộ Lại (1934), gia nhập phe Cường Để. Không được Nhật chọn làm thủ tướng của chính phủ thân Nhật. Sau Cách mạng tháng Tám, bị lực lượng cách mạng bắt giữ; được phóng thích, về sống ẩn dật với Ngô Đình Nhu ở Đà Lạt. Sang Mĩ (1950), được đào tạo ở các chủng viện, ở Đại học Michigân (Michigan). Do áp lực của Mĩ, Ngô Đình Diệm được Bảo Đại đưa lên làm thủ tướng (7/1954) thay cho Bửu Lộc. Năm 1955, thực hiện cuộc “trưng cầu dân ý” giả hiệu để lật đổ Bảo Đại. Ngô Đình Diệm lên làm tổng thống của Chính quyền Sài Gòn, ráo riết thực hiện mưu đồ chia rẽ lâu dài đất nước, chống phá cách mạng, thực hiện âm mưu của Mĩ biến Miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, ngăn chặn ảnh hưởng của cách mạng Việt Nam sang Đông Nam Á, làm bàn đạp tiến công Miền Bắc Việt Nam. Tuy vậy, Ngô Đình Diệm vẫn không đáp ứng được yêu cầu thực thi chính sách thực dân mới của Mĩ nên Mĩ đã đưa một số tay sai mới làm cuộc đảo chính (1.11.1963) giết chết anh em Diệm, Nhu.