Gần đây, dư luận xã hội nhiều nơi xôn xao về các “dị nhân” tự cho mình có khả năng đặc biệt “ngăn mưa, đuổi bão” hay “phóng chưởng chữa bệnh”. Liên hiệp Khoa học UIA là nơi đã tiến hành khảo nghiệm một số “dị nhân” kiểu này.
Người đầu tiên chúng tôi gặp để thực hiện loạt bài này là TS Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ - Tin học ứng dụng UIA. Ông Khanh cho biết: “Liên hiệp UIA là cơ quan tập hợp được khá nhiều chuyên gia thuộc các lĩnh vực khác nhau, cùng hợp tác trên tinh thần khoa học và thiện tâm. Hội đồng khoa học UIA từ nhiều năm nay đã kết hợp với Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an, Trung tâm Bảo trợ văn hóa kỹ thuật truyền thống (RCTCT) đi sâu nghiên cứu khảo sát, trắc nghiệm một số hiện tượng kỳ lạ đã và đang xảy ra trong tự nhiên và đời sống xã hội. Nhiều kết quả nghiên cứu của 3 cơ quan nói trên đã được các bộ, ban ngành nhà nước đánh giá cao. Một số khả năng đặc biệt của con người được UIA tổ chức ứng dụng phục vụ cho lợi ích cộng đồng. Có hiện tượng kỳ lạ của tự nhiên được giải thích dưới góc độ của khoa học. Đồng thời cũng có hiện tượng mang màu sắc mê tín nhằm mục đích trục lợi bất chính cũng được UIA phanh phui”.

Nhiều lắm những “dị nhân”... hoang tưởng

Những ngày gần đây, sau khi TP Hà Nội đề xuất không tiến hành dự án “bắn mây ngăn mưa” vào dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (tốn kém vài chục triệu USD), đã có một số “dị nhân” cho mình có tài “hô phong hoán vũ” công bố trên một số trang mạng điện tử rằng họ sẵn sàng đứng ra lãnh trách nhiệm “ngăn mưa, đuổi bão” bằng khả năng đặc biệt của mình. Trao đổi về chuyện các “dị nhân” này, TS Vũ Thế Khanh cho biết, không phải đợi đến dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội thì họ mới xuất hiện. Trong thời gian trước đây, Liên hiệp Khoa học UIA đã từng phải đón tiếp khá nhiều “dị nhân” đến đây để đòi thuyết trình những ý tưởng mới rất “cao siêu”, với sự ngộ nhận đến hoang tưởng rằng họ là người có khả năng rất đặc biệt vượt lên tầm hiểu biết của thời đại.

“Liên hiệp Khoa học UIA chúng tôi trong nhiều năm qua đã từng tiếp xúc với cả trăm ông thần kinh hoang tưởng như vậy. Có ông đến đây bảo có khả năng dùng năng lượng cảm xạ chữa bệnh tiểu đường trong vòng một tuần. Lại có ông đến tuyên bố như đinh đóng cột rằng, có khả năng dùng con lắc cảm xạ để làm sạch nước Hồ Tây. Ghê gớm nhất là chuyện một “dị nhân” đến đây khẳng định chuyện ông ta có thể “ngăn mưa dẹp bão” theo kiểu “xoay” bão từ hướng này sang hướng khác và từ vùng biển nước ta có thể “đuổi thẳng cổ” bão tố sang vùng biển nước khác. Chưa hết, lại có ông cứ khăng khăng cho rằng mình có biệt tài biến các cơn bão mạnh thành áp thấp nhiệt đới”, ông Khanh nói.

Buổi thực nghiệm kỳ lạ

Trong số những ca thực nghiệm để phân định đúng sai của UIA đối với các “dị nhân”, TS Khanh kể lại chuyện một “dị nhân” đòi gặp đích danh Tổng giám đốc UIA để thuyết trình khả năng “phóng chưởng chữa bệnh” và đòi UIA tiến hành khảo nghiệm tài năng xuất chúng của mình. Ông Khanh cho biết: có một dạo, dư luận cả nước xôn xao về hiện tượng “dị nhân” Đ.H.T quê ở Quảng Nam có khả năng “phóng chưởng cách không” (phóng chưởng qua không gian) đánh ngất đối tượng ở xa hàng chục mét, rồi muốn người ngất đó tỉnh dậy, anh ta cũng chỉ cần tung ra một chưởng nữa. Có người coi Đ.H.T như một nhà yoga kiệt xuất, hoặc một nhà khí công lỗi lạc khi anh ta dùng “năng lượng đặc biệt” của mình trong việc chữa bệnh. Với sự đồn đại đó, người từ các địa phương đổ về nhà anh ta chờ chữa bệnh khá đông. Không thèm ẩn dật, để khẳng định tài năng của mình, “dị nhân” Đ.H.T đã tìm đến Liên hiệp UIA, đề nghị cho anh ta làm thực nghiệm để chứng minh tài năng của anh ta là có thật.

Sau khi nhận được yêu cầu này, TS Vũ Thế Khanh và Hội đồng khoa học UIA quyết định tổ chức hội đồng kiểm định với sự tham gia của 3 cơ quan là UIA, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an, RCTCT. Tại buổi khảo nghiệm, mọi người được tiếp xúc với “dị nhân” Đ.H.T cùng hơn chục đệ tử nam, nữ từ Quảng Nam ra Hà Nội. Đến văn phòng của UIA, “dị nhân” Đ.H.T đề nghị UIA lập hội đồng kiểm tra 3 khả năng đặc biệt của anh ta, gồm: “Có khả năng đảo mắt rất nhanh, có lưỡi dài có thể liếm chạm mũi, và “phóng chưởng cách không” đánh ngất đối tượng đứng xa hàng chục mét và dùng chưởng lực để chữa bệnh”.

Sau khi xem xét các đề nghị của “dị nhân” Đ.H.T, ông Khanh và Hội đồng khoa học UIA cho rằng: “Về khả năng đảo mắt nhanh của ĐHT thì không cần phải khảo nghiệm, bởi đây chỉ là bài tập luyện mắt và đối với những người tập khí công, yoga thì đó chỉ là bài tập khởi động, nhiều người làm được như vậy, thậm chí họ đảo mắt còn nhanh hơn cả “dị nhân” Đ.H.T. Về chuyện “lưỡi dài liếm đến tận mũi” cũng không cần khảo nghiệm, bởi vì đó là do cấu tạo cơ thể của Đ.H.T hơi khác thường. Về khả năng “phóng chưởng cách không” - làm ngất đối phương, là điều cần kiểm nghiệm. Về khả năng “dùng chưởng lực để chữa bệnh”, điều này chỉ được tiến hành nếu cuộc khảo nghiệm về khả năng “phóng chưởng cách không” đánh ngất đối tượng thành công.

Buổi thực nghiệm được tiến hành, các cán bộ công an tham gia được yêu cầu mặc thường phục để tránh sự phân tâm cho người được thực nghiệm.

Kết luận chính thức của Hội đồng khoa học UIA sau buổi thực nghiệm như sau: “Tại địa điểm của Liên hiệp UIA (số 1 Đông Tác, Kim Liên, Hà Nội), trong trạng thái sức khỏe bình thường, tâm lý thoải mái, tự nguyện, “dị nhân” Đ.H.T đã phóng chưởng vào 5 người (ở các lứa tuổi khác nhau, giới tính khác nhau, ở các tư thế khác nhau: đằng sau, đằng trước, nhắm mắt, mở mắt) ở khoảng cách xa hàng chục mét, nhưng kết quả... không có người nào bị ngất. Trong khi kiểm định, có một người nữ (vốn là thành viên trong đoàn đi theo Đ.H.T) tham gia khảo nghiệm có bị ngất. Tuy nhiên, có một số chi tiết nhạy cảm về người nữ này: khi Đ.H.T phóng chưởng thì đối tượng nữ không bị ngất, nhưng khi Đ.H.T dừng chưởng nghỉ lấy hơi, chỉ nghe thấy câu nói "phóng chưởng đi" là cô ta từ từ ngã ra sàn và ngất lịm luôn tức khắc. Khi Hội đồng kiểm định ra hiệu cho Đ.H.T lại tiếp tục phóng chưởng cho đối tượng tỉnh lại, Đ.H.T phóng chưởng liên tục mà cô ta vẫn chưa chịu tỉnh dậy. Đến lúc Đ.H.T không phóng chưởng nữa, nhưng chỉ nghe thấy câu nói “phóng chưởng cho cô ta tỉnh dậy" của một thành viên khác là đối tượng nữ lại từ từ mở mắt, tỉnh dậy. Điều quan trọng là Hội đồng kiểm định yêu cầu đối tượng nữ tham gia quá trình thử nghiệm phải nhắm mắt, nên người đó không biết lúc nào Đ.H.T phóng chưởng, lúc nào không phóng chưởng. Do vậy việc "ngất đi" hay "tỉnh lại" của đối tượng này không ăn khớp với thời điểm dị nhân “phóng chưởng”, do vậy Hội đồng kiểm định nhận xét chưa đủ cơ sở để chứng minh cho khả năng đặc biệt của Đ.H.T”.

“Vì “dị nhân” Đ.H.T không phóng chưởng làm ngất 5 người do Hội đồng kiểm định cử ra, nên Hội đồng khoa học UIA không tiếp tục kiểm định "khả năng dùng chưởng lực để chữa bệnh" của Đ.H.T. Với kết quả thực nghiệm này, UIA đã không công nhận khả năng đặc biệt và khả năng chữa bệnh của “dị nhân” Đ.H.T”, ông Khanh cho biết.

Nguyễn Việt Chiến
http://www.thanhnien.com.vn/News/Pag...923002756.aspx