Vị cứu tinh của người bị rắn độc cắn


Ở xứ Nghệ, nhiều người biết đến ông Lê Văn Tần với biệt tài chữa khỏi nhiều ca bị rắn cắn nặng, tưởng đã phải đi làm bạn với Diêm Vương.

Trong ngôi nhà nhỏ nằm dưới chân núi ở xã Thanh Long, huyện Thanh Chương (Nghệ An), ông Lê Văn Tần thong thả kể chuyện, chữa bệnh với phong thái đĩnh đạc, đôi mắt sáng hiền từ.



Ông Tần đang bốc thuốc cho người bị rắn cắn. Ảnh: Nguyên Khoa.

Những năm tháng chiến đấu ở chiến trường Campuchia, ông Tần "lọt vào mắt xanh" một đạo sĩ lúc đó đã 106 tuổi nhưng còn vạm vỡ và được nhân dân trong vùng nể phục bởi biệt tài bắt rắn cũng như chữa rắn độc cắn. Được vị đạo sĩ truyền nghề, ông Tần trở về quê hương để hành nghĩa giúp người.

Thập kỷ 1990, phong trào bắt rắn để bán ở xứ Nghệ cũng như khắp miền Trung bắt đầu rộ lên. Người bị rắn cắn cũng nhiều và không ít đã bỏ mạng vì rắn độc. Đó cũng là thời kỳ ông Tần bắt đầu áp dụng bài thuốc của mình.

Trường hợp đầu tiên được ông cứu chữa là một thanh niên trong xã bị rắn cạp nia cắn, bệnh viện trả về, mắt đã cứng, miệng đen lại. Nhưng kỳ diệu thay, khi đổ thuốc của ông vào thì sau gần một tuần, anh này đã khỏi hẳn. Từ đó nhân dân trong vùng biết đến ông nhiều hơn. Những nạn nhân bị rắn độc cắn từ khắp các nơi trong huyện Thanh Chương, Đô Lương, Yên Thành, Nam Đàn, và một số huyện của Hà Tĩnh… trong cơn tuyệt vọng đều đã tìm đến ông và khỏi bệnh hoàn toàn.

Hơn 20 năm cứu người, đến nay ông Tần cũng không nhớ nổi số bệnh nhân đã qua cơn tử thần nhờ bàn tay mình, nhưng ông chắc chắn con số ấy phải lên đến hàng nghìn.




Cháu Nam ở Quỳnh Thạch, Quỳnh Lưu (Nghệ An) thoát chết nhờ uống thuốc của ông Tần. Ảnh: Nguyên Khoa.

Kể về những bệnh nhân, ánh mắt ông đăm chiêu và không dấu nổi niềm tự hào, thoáng chút ớn lạnh và lo sợ khi nghĩ đến những trường hợp quá nặng. Ông vẫn nhớ như in những trường hợp bệnh nhân được đưa đến trong tình trạng hấp hối, miệng đã cứng, co giật, chỉ cần chậm 3 đến 5 phút nữa là bó tay, như anh Tùng ở Đô Lương, chị Nga ở Can Lộc (Hà Tĩnh), cháu Được ở xã Thanh Tùng, hay bé Nam ở xã Quỳnh Thạch huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đi bắt cua bị rắn cạp nia cắn… Họ đều đã qua khỏi cơn nguy kịch một cách đáng kinh ngạc.

Một trường hợp khác là chị Hà Thị Đào ở cùng xã với ông Tần. Trong một lần đi hái củi, chị bị rắn hổ chúa cắn vào đầu gối, 30 phút sau, nọc độc phát tác, bụng đã sưng, nôn ọe, đồng tử bắt đầu giãn,… Không kể đêm tối, ông Tần mang thuốc đến cho chị uống và gần một giờ sau thì chị tỉnh hẳn, uống thuốc tiếp 10 ngày nữa thì khỏe hoàn toàn.

Hay như trường hợp một người đàn ông 45 tuổi ở xã Thành Sơn (huyện Anh Sơn) bị rắn cạp nia cắn vào tay, mặc dù được người nhà đưa ra Hà Nội cấp cứu nhưng nhiều bệnh viện đều bó tay vì nọc độc đã phát tác. Bước đường cùng, người nhà nạn nhân tìm đến ông Tần. Sau 3 thang thuốc, chất độc được giải phóng và người đàn ông được cứu sống.

Ông Tần cho biết, từ đầu năm đến nay, đã có khoảng 50 người bị rắn độc cắn, khi uống thuốc của ông đã qua khỏi hoàn, chưa có ai tử vong. Những trường hợp gần đây nhất được nhiều người nhắc đến là chị Nguyễn Thị Thảo - xóm 6 xã Thanh Long bị rắn hổ mang cắn ở bàn chân, khỏi bệnh sau 3 ngày điều trị; Nguyễn Văn Sơn ở cùng xã khi đi bắt rắn bị rắn hổ chúa cắn ở tay, sau 10 ngày nỗ lực, mặc dù bàn tay bị thối nhưng mạng sống được cứu.

Biệt tài chữa rắn cắn của ông Tần đã được nhiều nhà khoa học ghi nhận. Năm 1991, một nạn nhân quê Nghệ An đi làm ăn ở miền Nam bị rắn độc cắn, các chuyên gia hàng đầu về độc tố ở Bệnh viện Chợ Rẫy đã bó tay, người nhà của nạn nhân đã nghĩ đến phương án xấu nhất. Nhưng may mắn thay, một người bạn của nạn nhân đã liên hệ với ông Tần để gửi thuốc vào TP HCM, 3 ngày sau khi uống thuốc, bệnh nhân bị rắn cắn tỉnh táo, uống tiếp một tuần thì xuất viện. Bất ngờ với sự công hiệu của phương thuốc bí truyền đó, Phó tiến sĩ Trương Văn Việt - khi đó là giám đốc Bệnh viện chợ Rẫy - đã viết thư mời ông vào TP HCM để cộng tác nhằm tìm ra một loại thuốc chữa rắn cắn hiệu quả. Nhưng vì lý do sức khỏe nên các con đã không để ông đi.

Cũng trong năm đó, bác sĩ Nguyễn Hương Củng, Vụ trưởng vụ y học cổ truyền Bộ Y tế đã viết thư cho ông Tần và mong muốn ông ra Hà Nội để hợp tác với Bộ, nhằm bào chế một loại thuốc chữa rắn cắn hiệu quả, nhưng cũng vì lý do này mà gia đình đành phải lỗi hẹn với Bộ Y tế.

Hiện nay, khi sức khỏe không còn được như xưa nữa, cùng với việc nỗ lực truyền nghề cho cậu con trai thì mong muốn lớn nhất của ông Lê Văn Tần là được hợp tác với các nhà khoa học để điều chế ra một loại thuốc chữa rắn cắn.

“Công dụng của bài thuốc này đã được chứng minh khi hàng trăm người bị rắn cắn được chữa khỏi, nhưng mong muốn của tôi là loại thuốc này sẽ được sản xuất rộng rãi, thông dụng để nhiều người bị rắn cắn được cứu sống hơn”, ông Tần cho biết.


Địa chỉ liên hệ của ông Tần: Lê Văn Tần - xóm 6 xã Thanh Long, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Điện thoại: 0972.901.089.



Nguyên Khoa