Người hiến cả gia tài cho cách mạng


- Ông Đỗ Đình Thiện sinh năm Giáp Thìn (1904) tại Hà Nội. Với tài kinh doanh, gia đình ông đã chuyển qua nhiều nghề và nghề nào cũng thành công. Có thể nói gia đình ông Thiện đã hiến hết của gia tài cho cách mạng.



Kinh doanh để hoạt động cách mạng

Ông Đỗ Đình Thiện sinh năm Giáp Thìn (1904) tại Hà Nội. Năm 1927-1932, ông du học tại trường canh nông ở Toulouse (Pháp) và thời gian này ông đã gia nhập Đảng Cộng sản Pháp. Cuối năm 1931, ông bị bắt trong một lần chuyển tài liệu bí mật của Đảng cho các thủy thủ người Việt chuyển về Việt Nam. Sau khi bị đưa trở về Đông Dương, ông kết hôn với bà Trịnh Thị Điền, người mà ông đã hẹn ước.

Vợ ông cũng là người phụ nữ biết lo toan việc nhà từ tấm bé và cũng nặng lòng vì nước. Năm 1929, khi mới 17 tuổi, bà đã được đứng trong tổ chức cộng sản (Đảng Tân Việt). Sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, bà đã thoát ly gia đình xuống hoạt động cách mạng ở Hải Phòng, nhận nhiệm vụ quản lý vũ khí, tài liệu, làm giấy thuế thân, căn cước giả cho các đồng chí hoạt động, làm giao liên giữa Hà Nội – Hải Phòng - Hòn Gai.

Tháng 2/1931, bà bị mật thám bắt. Dù bị tra tấn dã man nhưng bà không hề nhận tham gia cách mạng. Bà đã tuyệt thực 7 ngày để phản đối tra tấn phụ nữ, buộc chúng phải đưa về nhà thương Phủ Doãn điều trị. Không có chứng cứ để buộc tội, tháng 11/1931, Pháp phải trả tự do cho bà. Ngay sau khi ra tù, bà tiếp tục liên hệ để tiếp tế tiền, thức ăn, giấy bút cho các đồng chí bị giam ở nhà lao Hỏa Lò, góp phần để các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Tạo vượt ngục trong đêm Noel 1931.

Bị quản thúc chặt chẽ, không trực tiếp hoạt động cách mạng được, ông bà Đỗ Đình Thiện chuyển sang làm kinh tế, trước tiên là để nuôi sống gia đình, sau đó là để ủng hộ cách mạng khi có thời cơ. Thực tế hoạt động đã cho họ hiểu rằng, để làm cách mạng cũng cần phải có tiền.

Để có tiền, bà Thiện đã nhận tơ của các thương nhân người Hoa rồi mang vào chợ Hà Đông bán kiếm lời. Còn ông Thiện chung vốn với bạn bè buôn gỗ. Dần dần, do giữ được chữ tín, bà Thiện buôn lớn dần lên, rồi mở tiệm buôn tơ ở 54 Hàng Gai (Hà Nội), ngôi nhà mẹ ông Thiện để lại.

Năm 1941, ông bà Thiện mua lại nhà máy dệt Gia Lâm của ông Hương Ký, một tư sản nổi tiếng thời bấy giờ với giá 3 vạn đồng Đông Dương, với chủ đích tạo ra những sản phẩm có giá thấp để chiếm lĩnh thị trường. Một lần, có chuyến tàu Nhật Bản chở tơ lụa nhân tạo sang bán. Lúc đó, người Việt Nam chưa biết đến sản phẩm này, nên không ai dám mua. Ông bà Thiện lại nghĩ khác: Nhật là nước phát triển, không lẽ tơ của họ lại không dùng được. Vậy là ông bà mạnh dạn mua cả tàu hàng. Khi biết ông bà có nhà máy dệt, người Nhật hết sức thân tình trong việc cung cấp nguyên liệu.



Vào những năm ấy, do canh tằm thất bát nên giá tơ tăng từng ngày. Lụa được dệt ở Gia Lâm, bán ở Hà Nội rồi gửi tàu hỏa vào bán ở Sài Gòn, thu lại nguồn lợi nhuận đáng kể.

Đến năm 1943, ông bà Thiện đã quyết định mua lại đồn điền Chi Nê (Lạc Thủy, Hòa Bình) từ một ông chủ người Pháp với giá 1 triệu đồng Đông Dương (tương đương khoảng 2000 lượng vàng) rộng 2000 mẫu ruộng. Là cơ sở do hai chú cháu điền chủ người Pháp H. Borel khởi tạo trong suốt 40 năm có chiều dài khoảng 13km và chiều rộng khoảng 9km, sản phẩm chính cà-phê. Đồn điền còn có 2000 mẫu ruộng, và cũng chăn nuôi nhiều gia súc với hàng nghìn con trâu, bò, cừu, dê. Trong ý định của ông bà, sẽ chuyển nhà máy dệt về đây khi chiến tranh xảy ra và đây cũng sẽ là cơ sở che dấu các cán bộ cách mạng đang bị truy lùng.





Ông Đỗ Đình Thiện


Kinh doanh phát đạt, nhưng ông bà không quên nhiệm vụ người đảm bảo tài chính cho Đảng. Căn nhà 54 Hàng Gai trở thành địa chỉ tin tưởng cho các nhà lãnh tụ cách mạng như Nguyễn Lương Bằng, Trường Chinh, Nguyễn Tạo, .... Năm 1943, ông Nguyễn Lương Bằng vượt ngục Sơn La, bắt liên lạc với ông Vũ Đình Huỳnh, rồi giả làm người buôn tơ tìm đến ông bà Thiện. Khi nghe Nguyễn Lương Bằng - vốn là bạn tù với bà Điền những ngày ở Hải Phòng - nói Đảng đang cần tiền, ông bà Thiện đã mở tủ trao ngay 3 vạn đồng Đông Dương.

Về sự kiện này, năm 1972, khi tiếp ông bà Thiện tại nhà riêng, đồng chí Trường Chinh nhắc lại “Khi nhận được số tiền 3 vạn đồng anh chị gửi cho qua anh Nguyễn Lương Bằng, quỹ Đảng chỉ còn 24 đồng”. Đầu năm 1945, đồng chí Nguyễn Lương Bằng lại viết thư gửi ông bà Đỗ Đình Thiện: “Đảng đang rất cần tiền, nếu có xin gửi ngay”. Bà Thiện đã viết giấy đưa ông Vũ Đình Huỳnh đến một hãng buôn chủ là người Hoa, bạn hàng của bà, lấy 100.000 đồng Đông Dương để chuyển cho quỹ Đảng…
Lo cơ sở in tiền quốc gia

Sau thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám, chính quyền cách mạng mới thành lập đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách. Chính trong thời điểm ngặt nghèo này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã ký Nghị định số 1 (1/9/1945) cử ông Đỗ Đình Thiện đến Ngân hàng Đông Dương rút số tiền 2,5 triệu đồng để chi vào việc khẩn cấp. Ba hôm sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Quốc lệnh số 4, Lập Quỹ Độc Lập và mở Tuần Lễ Vàng “để thu nhận các món tiền và đồ vật mà nhân dân sẵn lòng quyên góp cho chính phủ để ủng hộ nền độc lập quốc gia”.




Bà Trịnh Thị Điền

Ông Đỗ Đình Thiện được cử làm phụ trách quỹ Trung ương ở Hà Nội. Là người giữ trọng trách, ông bà Thiện đã tích cực vận động nhân dân, đặc biệt là giới công thương đóng góp vào Quỹ Độc Lập và Tuần Lễ Vàng. Bản thân ông bà đã gương mẫu, đi đầu trong đóng góp 100 nghìn đồng Đông Dương vào Quỹ Độc Lập và 100 lạng vàng vào Tuần Lễ Vàng.

Hồi đó, nhằm biểu thị lòng tin tưởng của nhân dân đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh, chống lại những âm mưu xuyên tạc của các thế lực thù địch, đồng thời để tăng ngân sách cho chính quyền cách mạng, một cuộc bán đấu giá bức tranh vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức trong buổi bế mạc Tuần Lễ Vàng (23/9/1945). Ông Đỗ Đình Thiện đã chủ động trả 1 triệu đồng để mua bức tranh. Ngay sau khi mua được, ông tuyên bố tặng lại cho thành phố Hà Nội. Vậy là cuộc đấu giá biến thành đám rước chân dung về treo ở trụ sở Ủy ban Thành phố, trở thành cuộc biểu dương lực lượng.

Những ngày cách mạng mới thành công, ngôi nhà 54 Hàng Gai trở thành “Nhà khách chính phủ”, nhiều cán bộ như ông Phạm Văn Đồng, Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt, Bùi Lâm, Bùi Công Trừng, Dương Bạch Mai... đã thường xuyên qua lại, nghỉ ngơi, làm việc, tiếp khách. Phái đoàn Nam Bộ, Phái đoàn phụ nữ Nam Bộ cũng được đón tiếp chu đáo tại đây. Rồi ông bà còn đứng ra giúp Chính phủ tiếp các vị khách đặc biệt như cụ Huỳnh Thúc Kháng, Cựu hoàng Bảo Đại, Hoàng Thân Xuphanuvong (Lào).

Là trí thức được đào tạo ở Pháp, lại thành đạt, nổi tiếng trong kinh doanh, ông Đỗ Đình Thiện được cử là thành viên của Hội đồng quản trị Đại học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông đã tài trợ tiền cho việc tổ chức một lớp đào tạo hàng trăm cán bộ thanh niên trong ba tháng.

Cũng trong thời gian này, ông bà đã dành Nhà in Tô-panh của mình để cho Chính phủ in tiền. Từ tháng 3 năm 1946, quân Tưởng và Pháp liên tục gây hấn, khiêu khích tìm mọi cách phá hoại cơ sở cách mạng của ta. Để bảo đảm cho việc in tiền, đồng chí Lê Văn Hiến, lúc này là Bộ trưởng Tài Chính, ra lệnh sơ tán một bộ phận của nhà in lên đóng tại đồn điền Chi Nê của gia đình ông Đỗ Đình Thiện. Tháng 11/1946, tình hình căng thẳng hơn, để bảo vệ cho việc in tiền, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ra lệnh tháo dỡ, vận chuyển toàn bộ máy móc còn lại ở Hà Nội lên đồn điền Chi Nê.

Tại đây, gia đình ông đã dành một địa điểm thích hợp, đồng thời cho mượn nhà xưởng, máy điện, nước của đồn điền Chi Nê cùng một số kho tàng để đặt nhà máy in. Được sự giúp đỡ của gia đình ông Đỗ Đình Thiện, nhà máy in tiền sớm ổn định được cuộc sống và tổ chức, nhanh chóng tiếp tục sản xuất, in tiền phục vụ công cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong chuyến công tác vào Thanh Hóa đầu năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dừng chân nghỉ tại đồn điền này.

Phát hiện cơ sở in tiền, ngày 24/2/1947, máy bay Pháp đã oanh tạc đồn điền này. Trong hồi ký của mình, Bộ trưởng Lê Văn Hiến viết: “Số thiệt hại về người và máy móc thì không có gì nhưng về vật liệu trong đó thì cũng khá quan trọng, kể cũng đến non hai triệu đồng,.... hai vựa cà phê của ông Đỗ Đình Thiện bị tiêu ra tro, cháy trong 1 tuần lễ vẫn chưa tắt. Trong cuộc kháng chiến này, sự hi sinh của gia đình Đỗ Đình Thiện đối với quốc gia rất lớn, một sự nghiệp to tiêu tan không mấy chốc".

Khi được báo cáo về sự oanh tạc của máy bay Pháp vào đồn điền Chi Nê, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi cho gia đình ông Đỗ Đình Thiện: "Chú thím Thiện. Được tin chú thím, nhà Hiền và các cháu đều bình an, tôi rất vui lòng. Mất của cải không sợ. "Còn trời còn nước còn non, thì còn của cải bà con họ Hồ". Kháng chiến thành công, ta làm ra của khác, chắc chắn hơn”.

Chỉ ít ngày sau trận oanh tạc của máy bay Pháp vào đồn điền Chi Nê, ông Đỗ Đình Thiện đã đưa cả gia đình lên chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến. Đồn điền Chi Nê được giao lại cho Ban Kinh Tài của Đảng quản lý. Như vậy, có thể nói gia đình ông Thiện đã hiến hết của gia tài cho cách mạng.

Vân Hằng