Ngày này năm xưa: 200 năm trận huyết chiến Borodino

Cập nhật lúc 41 PM, 02/09/2012

(ĐVO) Cách đây 200 năm, trận chiến đẫm máu nhất trong Chiến tranh Nga-Pháp 1812 đã diễn ra ở Borodino. Sau trận đánh này, đội quân “bách chiến, bách thắng” của Napoleon bị trọng thương và sau đó phải "ôm đầu máu tháo chạy" khỏi nước Nga.


Một góc trận huyết chiến Borodino. Ảnh eng.wikipedia.org
Lễ kỷ niệm 200 năm trận Borodino

Hoạt động kỷ niệm Chiến tranh Nga-Pháp 1812 được tổ chức hàng năm vào đầu tháng 9 tại làng Borodino. Trận Borodino là trận đánh lớn nhất của Cuộc chiến tranh Nga-Pháp năm 1812, trong khi người Pháp gọi là trận chiến sông Moskva.

Tổng thống Nga Vladimir tham gia lễ kỷ niệm 200 năm trận Borodino và đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm những người lính anh hùng. Theo chương trình đã được dự kiến, Tổng thống Putin tiếp khách nước ngoài, đại diện các câu lạc bộ lịch sử quân sự và tham quan Bảo tàng Borodino. Đến tham dự lễ kỷ niệm 200 năm trận Borodino, có nhiều vị khách đến Pháp, Áo, Ba Lan và các nước châu Âu khác, cũng như các nghệ sĩ, các học giả, các nhà sử học và hậu duệ của những người anh hùng trong Cuộc chiến tranh yêu nước vĩ đại 1812.

Phục dựng trận Borodino với sự tham dự của 3.000 người, Ảnh latimes.com
Nhân dịp kỷ niệm 200 năm trận đánh Borodino, trận chiến này được phục dựng vào ngày 2/9/2012, với sự tham dự của khoảng 3 nghìn người.

Trận Borodino diễn ra vào ngày 7/9/1812. Đây được coi là trận chiến đẫm máu nhất trong các cuộc chiến tranh xâm lược của Napoléon Bonaparte, với sự tham gia của trên 25 vạn binh sỹ của cả hai bên.

Trận đánh lịch sử này kéo dài chỉ vỏn vẹn trong một ngày với thiệt hại nặng nề cho cả đôi bên. Sau đó, vì những lý do chiến thuật, quân đội Nga - sau khi tuyên bố thắng trận - đã tự động rút lui để nhường đường cho quân Pháp tiến vào cố đô Moskva.

Trận đánh khốc liệt nhất trước Chiến tranh thế giới thứ I

Hơn nửa triệu tinh binh của đại quân Napoléon hành quân qua phía tây nước Nga và giành chiến thắng trong một số trận nhỏ và một trận đánh lớn ở Smolensk vào 16-18/8/1812.

Napoelon mưu toan đánh gãy xương sống quân chủ lực Nga trong trận
quyết chiến Borodino. Ảnh eng.wikipedia,org
Thế nhưng trận huyết chiến Borodino ngày 7/9/1812 mới là trận đánh khốc liệt nhất. Lúc đầu, do có ưu thế về lực lượng, nên quân Pháp đã chiếm được thôn Borodino, nhưng không phát huy được chiến quả do quân Nga đánh trả dữ dội.

Quân đội Nga đã liên tiếp đánh lui các đợt tấn công ác liệt của quân Pháp. Trong đợt công kích lần thứ 6, Napoléon tập trung trên một khu vực rộng 1,5 km tới 100 khẩu pháo, và 4,5 vạn quân. Quân Nga có khoảng 1,5 vạn quân và 200 khẩu pháo đã kháng cự lại một cách rất quyết liệt.

Sau khi chiếm được một số khu vực phòng ngự, quân Pháp tập trung lực lượng mở đợt tiến công và chiếm được khu vực phía Tây thôn Semenovski. Tại đây, trận địa pháo của Raevski đã ở trước mặt quân Pháp. Napoléon tung hầu hết lực lượng dự bị.

Nguyên soái Nguyên soái Kutuzov lệnh cho kỵ binh Nga tiến công đánh
vào cánh trái quân Pháp, Ảnh eng.wikipedia.org
Trước tình thế nguy hiểm đó, Nguyên soái Kutuzov đã có một quyết định kịp thời: lệnh cho kỵ binh Nga của tướng Platov tiến công đánh vào cánh trái quân Pháp, đồng thời sử dụng đội kỵ binh Kazak tiến công đoàn xe vận tải của đối phương. Kỵ binh Nga đã chọc thủng được đội hình quân Pháp và gây ra sự hoảng loạn ở hậu phương, buộc Napoléon phải điều lực lượng về cánh trái để duy trì cuộc tiến công vào trận địa pháo Raevski và không tung đội cận vệ vào trận chiến.

Đến 14 giờ ngày 7/9/1812, Napoléon đưa đội dự bị cuối cùng vào chiến đấu và chiếm được trận địa pháo Raevski. Lúc đó, quân Nga đã bỏ khu vực phòng ngự ở cánh trái và trung tâm lên chiếm lĩnh trận địa mới cách đó từ 1 đến 1,5 km. Như vậy, quân Nga mặc dù bị mất một số khu vực nhưng vẫn giữ được vững đội hình chiến đấu. Trong khi đó quân Pháp sau nhiều lần công kích, lực lượng bị tiêu hao quá lớn buộc Napoléon phải ngừng công kích, ra lệnh cho quân Pháp rút về vị trí xuất phát tiến công.

Trận chiến Borodino giằng co đến mức Napoleon đã không dám sử dụng 37.000 quân thuộc lực lượng cận vệ vì sợ rằng trận đánh sẽ còn tiếp diễn trong nhiều ngày sau đó.

Theo thống kê của nhà sử học Adam Zamoyski, quân đội Pháp đã có 28.085 binh sĩ thiệt mạng và bị thương. Quân đội Nga mất 45.000 quân, trong đó có 48 tướng. Tổng cộng thiệt hại cho cả hai bên là 73.000 quân, tức gần 1/4 tổng số quân được hai bên huy động cho trận đánh.

Đánh giá về trận chiến Borodino, Napoleon phải thừa nhận: “-Trong số tất cả những trận đánh của tôi, khủng khiếp nhất là trận gần Moskva. Người Pháp đã tỏ ra xứng đáng với chiến thắng, còn người Nga thì có quyền tự gọi mình là những nhà vô địch”.
Quân đội Napoleon “ôm đầu máu tháo chạy” khỏi nước Nga

Tuy đẩy lùi quân Pháp về vị trí xuất phát, nhưng Nguyên soái Kutuzov vẫn cho rằng lực lượng chủ lực của quân đội Nga cần được bảo toàn, chờ thời cơ dành chiến thắng quyết định và rút quân khỏi Borodino. Ông khẳng định: "Mất Moskva nhưng nước Nga vẫn còn. Nhiệm vụ đầu tiên là bảo toàn quân đội. Bằng cách rút khỏi Moskva, chúng ta chuẩn bị mồ chôn quân thù”.

Với quân nhu trống rỗng và đường tiếp tế bị trải dài quá mức, đại quân của Napoléon I sau chiến thắng trong trận huyết chiến ở Borodino đã tiến quân đến cố đô Moskva vào ngày 14/7/1812. Quân Pháp chỉ chiếm được một thành Moskva hoang tàn đã bị quân Nga đốt trụi trước khi rút lui. Sau trận đánh này quân xâm lược tinh nhuệ của Pháp đã bị tiêu hao sinh lực đáng kể, không đủ khả năng để tiếp tục đánh chiếm các vùng đất khác của Đế chế Nga.

Đúng như Kutuzov dự đoán, trận Borodino mở đầu sự sụp đổ của chế độ độc tài Napoléon. Do bị tiêu hao binh lực sau trận Borodino quân Pháp không thể tiếp tục tiến sâu hơn nữa, Napoleon quyết định dừng lại ở Moskva để chờ viện binh và lương thực. Nhưng dự định đó đã bị phá sản khi mọi nguồn lương thực và viện binh của Pháp đều bị các cánh quân du kích của Nga chặn đánh, tiêu diệt.


Napoléon ra lệnh rút quân khỏi Moskva vào ngày 19/10, tháo chạy khỏi nước Nga. Ảnh eng.wikipedia.org
Thiếu nơi đồn trú mùa đông, Napoléon ra lệnh rút quân khỏi Moskva vào ngày 19/10, tháo chạy khỏi nước Nga theo con đường cũ Smolensk.

Trên đường rút lui, Lực lượng Pháp bị thiệt hại nặng nề vì thiếu ăn, thiếu mặc, luôn luôn bị quân Nga phục kích và bị “Đại tướng Mùa Đông” hành hạ. Đa số quân Pháp đã chết vì đói, vì lạnh, vì bệnh tật trong mùa đông cực kỳ khắc nghiệt ở nước Nga. Một số lớn bị bắt làm tù binh. Chiến dịch xâm lược nước Nga của Napoleon đã hoàn toàn thất bại.

Như vậy, tuy cả hai bên đều tuyên bố thắng trận tại Borodino, nhưng sau trận đánh đẫm máu này, chỉ có Quân đội Nga là có thể tồn tại.

Đại văn hào Nga Lev Nikolayevich Tolstoy - người đã tái hiện rất thành công về trận đánh Borodino trong tác phẩm "Chiến tranh và Hòa bình" - viết: “-Sức mạnh tinh thần của quân đội Pháp… đã tiêu tan. Đây không phải là một chiến thắng được tính bằng những mảnh vải buộc vào các cây gậy mà ta gọi là quân kỳ, hay là bằng những khoảng đất chiếm được. Đây là một thắng lợi về tinh thần, nó chứng minh sức mạnh của quân Nga và sự bất lực của quân thù”.



Minh Bích (tổng hợp)