HUYỀN THOẠI VỀ TẠ ĐÌNH ĐỀ
(Tiếp theo vào hết)
Hồi ký của Dương Thanh Biểu
Được hai đồng chí lãnh đạo giao nhiệm vụ tôi tự tin lên rất nhiều. Nhưng cũng lo lo vì không hiểu lần này đề xuất của mình có được chấp nhận hay không. Ra khỏi phòng anh Lê Mai thì các anh bên điều tra cũng tới để giao hồ sơ vụ án.

Sau mấy ngày nghiên cứu lại toàn bộ hồ sơ vụ án, tôi cảm thấy ý kiến của anh Lê Mai thật chính xác. Hồ sơ vụ án không có gì mới, chỉ khác là hồ sơ lần này có bản hỏi cung tổng hợp của Tạ Đình Đề. Nhưng trong bản cung tổng hợp ấy Tạ Đình Đề vẫn khai như trước đây. Tuy Tạ Đình Đề công nhận có thu lượm một số câu ca hò vè như:“Tôn Đản là chợ vua quan,/ Nhà thờ là chợ trung gian nịnh thần./ Bắc Qua là chợ thương nhân/ Vỉa hè là chợ nhân dân anh hùng” hoặc những câu châm ngôn mới có ý đả kích như:“Bây giờ chân giò quý hơn chân lý. Thực phẩm quý hơn nhân phẩm. Bằng gì cũng chẳng bằng lòng” ;“Bù giá vào lương hay bù da vào xương hay bù giá vào lưng”…

Tuy nhiên, Tạ Đình Đề vẫn khai nguyên nhân của việc làm trên đây là do bất mãn với cán bộ có chức quyền, không giải quyết chế độ cho ông ta. Như vậy, quan điểm trước đây của tôi và tại hội nghị vừa rồi là hoàn toàn xác đáng. Tôi đọc xong hồ sơ mà thấy phấn chấn, tự tin. Bởi vì mình đã nghiên cứu cẩn thận. Lập luận của mình cũng được các anh lãnh đạo đồng tình. Sau đó tôi tranh thủ báo cáo anh Phan Xuân Bá quan điểm của mình về kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án. Nghe tôi báo cáo, anh Bá rất vui, tay chém mạnh vào không khí nói rất quả quyết:

- Tớ nhất trí với quan điểm của cậu. Nhưng quan điểm này rất khác nhau giữa ta và bạn. Do vậy cần chuẩn bị kỹ để báo cáo anh Lê Mai xin ý kiến.
Tôi biết anh Lê Mai nắm được nhiều nguồn thông tin về Tạ Đình Đề nhưng chưa bộc lộ quan điểm của mình. Anh vốn là người cân nhắc đến từng lời nói nên trong trường hợp phức tạp như thế này càng thận trọng hơn. Bất chợt, tôi nghĩ, rất có thể anh Lê Mai không đồng ý với quan điểm của mình và đưa ra quan điểm khác phù hợp hơn. Trong trường hợp ấy thì mình phải chấp hành thôi.

Tôi gặp anh Lê Mai trình bày về thủ tục tố tụng của vụ án, về hành vi cụ thể của Tạ Đình Đề và những căn cứ pháp luật của việc đề nghị của Cơ quan điều tra. Tôi báo cáo sâu về động cơ mục đích hành vi của Tạ Đình Đề, về căn cứ khẳng định hành vi của Tạ Đình Đề không phạm tội như đề nghị của Cơ quan điều tra. Còn về biện pháp tập trung cải tạo thì cũng không nên đặt ra lúc này. Anh Lê Mai vừa nghe, vừa đăm chiêu suy nghĩ, có vẻ như cân nhắc từng chữ một trong khi nói với tôi:

- Mình và anh Bá đã xem kỹ báo cáo và cả ý kiến phát biểu của cậu hôm trước trong cuộc họp. Khá đấy ! - Đột nhiên, anh Lê Mai cười vui vẻ. (Vụ trưởng của tôi rất dè xẻn nụ cười, anh chỉ cười khi thật vui)- Về cơ bản mình và anh Bá nhất trí với đề xuất của cậu. Tuy nhiên, đây là vụ án rất phúc tạp về đánh giá chứng cứ và đường lối truy tố. Vả lại, hiện nay đang có các ý kiến rất khác nhau xung quanh vụ án này. Cho nên các lập luận Tạ Đình Đề không phạm tội nên sâu sắc hơn, làm rõ sự khác nhau giữa tuyên truyền chống chế độ XHCN và phản tuyên truyền, qua đó phân tích sự khác nhau giữa mục đích chống chính quyền với mục đích bất mãn. Báo cáo nên củng cố thêm về lập luận các vấn đềtrên.

Cuối cùng, anh Lê Mai căn dặn :
-Từ ngữ dùng trong báo cáo này phải đúng liều lượng, chừng mực, nhất là đối với các vấn đề khác nhau về quan điểm giữa ta và cơ quan bạn. Đặc biệt, các dự thảo báo cáo này phải lưu giữ thật cẩn thận. Khi chưa có ý kiến kết luận của lãnh đạo Viện thì coi đây là tài liệu tuyệt mật!

Tôi biết anh Lê Mai thế nào cũng căn dặn điều đó. Bởi vì như tôi đã nói anh là người rất thận trọng mà đây là vụ án có những quan điểm không đồng thuận giữa các ngành nên càng thận trọng hơn. Anh thường căn dặn anh em chúng tôi khi soạn thảo văn bản, kết luận một vấn đề nào đó, nhất là có tội hay không đều phải viện dẫn chứng cứ đầy đủ và cụ thể. Đặc biệt, các từ ngữ dùng trong báo cáo cần chừng mực vừa phải, không nên đao to, búa lớn, không lên gân, lên cốt. Giải quyết vụ án không chỉ bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật mà cái quan trọng nữa là phải giữ được mối quan hệ tốt giữa Viện Kiểm sát với các cơ quan khác, không được tuyệt đối hóa quyền anh, quyền tôi. Anh thường căn dặn chúng tôi như thế.

Mấy ngày sau đó tôi đánh vật với báo cáo. Dự thảo được tu chỉnh lại theo hướng anh Lê Mai đã chỉ ra. Báo cáo lần này tập trung phân tích việc Tạ Đình Đề thu thập các câu ca dao hò vè chỉ xuất phát từ động cơ bất mãn cá nhân. Theo quy định của pháp luật, tuy vụ án xét xử Tạ Đình Đề trước đây đã bị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị nhưng đến nay đã gần 10 năm chưa được xét xử phúc thẩm thì đương nhiên bản án đó đã có hiệu lực pháp luật. Lẽ ra, Tạ Đình Đề phải được minh oan, được khôi phục các quyền lợi về chính trị và kinh tế. Tuy nhiên, có người không nhận thức được điều đó mà vẫn quan niệm ông là người phạm tội, nên ông bị đối xử như người có tội. Với người dân bình thường mà bị đối xử như vậy chắc họ sẽ có hành vi tiêu cực, bất mãn huống hồ Tạ Đình Đề là người có công với cách mạng thì tất yếu sẽ phát sinh bất mãn. Trong lúc đó, các tài liệu, chứng cứ minh chứng được Tạ Đình Đề làm việc đó vì mục đích chống chế độ XHCN. Còn các quan hệ của Tạ Đình Đề với các đối tượng khác thì không có căn cứ kết luận đó là hành vi phạm tội. Cuối bản báo cáo, căn cứ các quy định của pháp luật hình sự, các chứng cứ có trong hồ sơ, tôi đề nghị vụ án này không truy tố.

Dự thảo xong tôi đưa báo cáo cho anh Lê Mai đọc. Anh đọc rất chăm chú, thi thoảng chau mày, có đoạn anh đọc đi đọc lạ mấy lần. Ngồi xem anh Lê Mai đọc dự thảo báo cáo mà tôi như bị kiến đốt. Không hiểu anh sẽ quyết định bỏ đoạn nào, đồng ý đoạn nào…Anh Lê Mai xem xong nhưng chả nói điều gì, chẳng khen mà cũng không chê gì cả. Bỗng anh nhìn tôi với ánh mắt thông cảm:

- Để tớ nghiên cứu tiếp nhé. Bây giờ cậu tiếp tục nghiên cứu kỹ các bản cung, trích yếu các tài liệu để chứng minh cho quan điểm của mình. Sau đó ta bàn tiếp.
Rời khỏi phòng anh Lê Mai, lòng tôi lâng lâng sảng khoái. Thông thường, sau khi nghiên cứu các ý kiến của cấp dưới, anh Lê Mai có nhận xét ngay. Đối với báo cáo này anh đã nghe và cho ý kiến, nhưng cái quan trọng là anh chưa đưa ra ý kiến gì chứng tỏ vấn đề rất phức tạp. Sau đó ít hôm, Lê Mai đưa cho tôi bản dự thảo báo cáo đã được anh sửa chữa rất kỹ. Anh bảo tôi đọc lại và chuyển đánh máy gửi các đồng chí lãnh đạo Viện.

Trời Hà Nội mấy ngày cuối đông năm 1986 mưa phùn kèm gió bấc lạnh tê tái. Tôi vừa đạp xe đến cơ quan thì anh Lê Mai bảo chuẩn bị hồ sơ để báo cáo lãnh đạo Viện. Chiếc bàn giao ban của Viện trưởng Trần Lê đã ngã màu theo thời gian dài lâu nom rất cổ kính và sang trọng. Trên bàn chỉ bày tài liệu giấy bút không có lọ hoa tươi nào. Tôi chọn cho mình chỗ ngồi cuối bàn với anh Phan Xuân Bá. Cuộc họp hôm đó có mặt đầy đủ các đồng chí lãnh đạo Viện: Nguyễn Văn Thìn, Trần Tề, Nguyễn Lư, Nguyễn Nam Thắng, dưới sự chủ trì của đồng chí Viện trưởng Trần Lê.

Vụ 2C có Vụ trưởng Lê Mai, Phó Vụ trưởng Phan Xuân Bá. Tôi cũng được dự họp để ghi chép biên bản.

Thay mặt đơn vị Vụ 2C, anh Phan Xuân Bá trình bày báo cáo đã được chuẩn bị. Báo cáo nêu rõ quan điểm của Cơ quan điều tra thể hiện tại bản kết quả điều tra vụ án số 1547-A24 ngày 29-11-1986 đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố Tạ Đình Đề về tội tuyên truyền phản cách mạng và quan điểm của Vụ 2C về Tạ Đình Đề không phạm tội như Cơ quan điều tra an ninh Bộ Nội vụ đề nghị. Trong đó, tập trung nêu lập luận về những vấn đề nghi vấn chính trị của Tạ Đình Đề, nội dung các câu ca dao, hò vè, động cơ, mục đích của hành vi thu lượm các câu ca dao hò vè ấy. Cuối cùng là những đề xuất không truy tố Tạ Đình Đề.

Nghe xong báo cáo, các đồng chí lãnh đạo Viện hỏi một số vấn đề xung quanh động cơ mục đích của Tạ Đình Đề trong việc thu thập các câu ca dao hò vè, những đặc điểm khác nhau giữa hành vi tuyên truyền chống chế độ XHCN và hành vi phản tuyên truyền cùng với lý do đề xuất không truy tố. Nghe những câu hỏi của các đồng chí lãnh đạo Viện, tôi muốn phát biểu giải trình quá. Nhưng, vì đây là cuộc họp quan trọng của lãnh đạo Viện nên tôi cũng biết thân phận mình chỉ là người điếu đóm, viết biên bản, đành lặng im ngồi nghe. Đến lượt anh Lê Mai trả lời, giải đáp từng nội dung cụ thể. Mấy hôm nay anh Lê Mai chuẩn bị rất kỹ, có lúc anh yêu cầu tôi chuyển các bản cung của bị can, lời khai các nhân chứng cho anh ấy đọc nên đã trả lời rất ngắn gọn nhưng thật sâu sắc. Các đồng chí lãnh đạo Viện phân tích thêm về nhận thức các cấu thành của tội tuyên truyền chống chế độ XHCN, về nhân thân con người Tạ Đình Đề. Ý kiến của các đồng chí lãnh đạo Viện đều thống nhất như đề xuất của Vụ 2C. Sau đó đồng chí Viện trưởng Trần Lê kết luận. Tay cầm mảnh giấy đã gạch đầu dòng các ý lớn, đồng chí Viện trưởng Trần Lê nhìn mọi người bằng ánh mắt đôn hậu nói:

- Thay mặt lãnh đạo Viện, tôi xin biểu dương Vụ 2C đã chuẩn bị tốt nội dung báo cáo vụ án, trong đó mạnh dạn nêu quan điểm xử lý vụ án. Nhìn chung, những câu hỏi mà các đồng chí Lãnh đạo Viện đặt ra đã được đồng chí Lê Mai trả lời đầy đủ. Tôi thấy cuộc họp đã thảo luận những vấn đề rất quan trọng về quan điểm đánh giá tính chất và đường lối xử lý vụ án! Ý kiến các đồng chí lãnh đạo Viện tương đối thống nhất về quan điểm xử lý vụ án này.

Tôi cảm thấy tự tin hơn khi nghe Viện trưởng nói. Tôi nhìn lướt qua thấy các đồng chí lãnh đạo Viện đều gật đầu, đồng tình với lời phát biểu của Viện trưởng, kể cả những ý kiến biểu dương Vụ 2C. Lòng tôi rộn ràng, phấn khởi. Bỗng đồng chí Viện trưởng Trần Lê vừa cười vừa nhìn chúng tôi động viên: « Biểu dương Vụ 2C đã có nhiều cố gắng trong việc nghiên cứu, đề xuất giải quyết vụ án này nhưng cũng góp một số ý nhỏ là: Nếu như vụ án này được kết thúc trong giai đoạn hết lệnh gia hạn tạm giam là tốt nhất, không cần thiết phải kéo dài đến giai đoạn gia hạn giam đặc biệt. Chứng tỏ vụ án này cũng khá phức tạp ».

Tôi liếc sang anh Lê Mai và anh Phan Xuân Bá thấy hai người gật gật đầu. Ý kiến đồng chí Viện trưởng nhận xét rất đúng. Vấn đề này khi nghiên cứu gia hạn giam đặc biệt Vụ 2C đã đặt ra nhưng cũng chưa được giải quyết rốt ráo. Đồng chí Viện trưởng nhìn vào mảnh giấy đã chuẩn bị sẵn và tiếp tục:

- Trước đây, chúng ta đã đưa vụ án Tạ Đình Đề ra truy tố về tội kinh tế nhưng đã bị Tòa án thành phố Hà Nội xét xử, tuyên bố Tạ Đình Đề không phạm tội, tha bổng tại phiên tòa. Mặc dù việc xét xử đó đã được Viện Kiểm sát tối cao kháng nghị nhưng đến nay, thời gian đã lâu nhưng vẫn chưa được Tòa án xét xử phúc thẩm. Theo quy định của pháp luật thì bản án sơ thẩm đó không được xét xử phúc thẩm thì đương nhiên có hiệu lực pháp luật. Nếu lần này chúng ta cứ tiếp tục tuy tố và với chứng cứ còn yếu, chưa rõ ràng như Vụ 2C báo cáo và các đồng chí lãnh đạo Viện phát biểu thì liệu có ai dám nói rằng Tòa án sẽ tuyên Tạ Đình Đề có tội.

Dừng mấy giây, Viện trưởng nói tiếp :
- Tôi đồng tình với ý kiến của các đồng chí lãnh đạo Viện, đối với vụ án này thì không nên truy tố, xét xử. Tuy nhiên, đây là quan điểm của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Còn quan điểm của Cơ quan điều tra lại khác biệt. Vì vậy, Vụ 2C tiếp tục trao đổi với Cơ quan điều tra, đồng thời chuẩn bị các báo cáo để Viện trưởng ký gửi các cơ quan cấp trên và tiếp tục trao đổi lại với lãnh đạo Bộ Nội vụ, tạo sự thống nhất cao giữa các ngành, các cấp!

Nhân đây, xin phác họa đôi nét về Viện trưởng Trần Lê: Đồng chí Trần Lê, tên khai sinh là Lê Tuệ. Sinh ngày 5/2/1921 tại xã Tam An, huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Năm 1938, Trần Lê tham gia tổ chức Đoàn Thanh niên dân chủ, hoạt động trong phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Năm 1941, đồng chí hoạt động trong phong trào Việt Minh tại Quảng Nam. Năm 1943, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Bình Định và được bầu là Đại biểu Quốc hội khóa I. Tháng 3 năm 1949, Khu ủy Liên khu 5 được thành lập, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ khu 5. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, cán bộ chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc, đồng chí được giao nhiệm vụ ở lại làm Bí thư Ban Cán sự Đảng cục Nam Trung bộ, Bí thư Khu ủy Khu VI. Đầu năm 1976, đồng chí được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, đồng chí được bầu làm Uỷ viên Ban chấp Trung ương Đảng và là đại biểu Quốc hội khóa VII. Tháng 4 năm 1981, đồng chí được bầu làm Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (1981 – 1987). Năm 1982, đồng chí được bầu vào Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa V. Đồng chí được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huy hiệu 6o năm tuổi Đảng và nhiều huân huy chương cao quý khác.

Ngày 08/01/1987, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trần Lê đã có văn bản trả lời Bộ Công an. Trong đó có đoạn viết:

Hành vi của Đề lượm lặt những câu ca dao tục ngữ, bản kiến nghị của nhóm chống Đảng Đặng Kim Giang, xuyên tạc chính sách, nói xấu một số cán bộ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, phổ biến lại cho nhiều người khác nghe là do động cơ bất mãn với cán bộ lãnh đạo kể cả cấp trên và cấp dưới trong quan hệ đối xử với y.
Nhưng Bộ Luật Hình sự quy định tội “ Tuyên truyền chống chế độ xã hộ chủ nghĩa” trong Điều 82 là có ý thức chống lại chính quyền nhân dân (vì mục đích phản cách mạng, còn nếu chỉ vì lạc hậu, bất mãn thì chưa quy vào động cơ chống chế độ xã hội chủ nghĩa).
Tóm tại, trong các vấn đề cần thẩm tra xem xét đối với Tạ Đình Đề thì hành vi phản tuyên truyền tương đối rõ hơn nhưng nếu quy cả cho động cơ chống đối chế độ thì cũng chưa ổn. Vì đây là những vấn đề trừu tượng. Đề đã không thừa nhận là chống đối chế độ thì Tòa án cũng khó chấp nhận việc quy cho Đề có động cơ ấy để vận dụng Điều 82 Bộ Luật Hình sự.
Nay tiếp tục giam Đề để khai thác về tội gián điệp hiện hành cũng không tiến triển được, nếu không có chứng cứ gì mà chỉ hỏi cung thì không ổn. Vì vậy, chúng tôi thấy không cần đưa việc này ra truy tố, xét xử.
Thời gian sau đó Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục gửi báo cáo đến nhiều cấp và đồng thời tổ chức nhiều cuộc họp với các ngành. Trong đó có nhiều cuộc họp bị kéo dài do có nhiều quan điểm khác nhau giữa các ngành. Cuối cùng, quan điểm của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao được nhiều cơ quan, ban ngành và nhất là cơ quan cấp cao nhất đồng ý. Tuy nhiên, từ khi Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có quan điểm chính thức về đường lối xử lý đối với Tạ Đình Đề đến lúc các ngành nhất trí thực hiện cũng gần một năm trời. Đây là thời gian đấu tranh rất gay go và phức tạp, nhiều lúc phải thể hiện thái độ kiên quyết, nhưng nội dung lập luận phải có lý có tình. Ngày 07/12/1987, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã quyết định trả tự do đối với Tạ Đình Đề. Đến đây, vụ án Tạ Đình Đề cũng được khép lại.
Từ vụ án Tạ Đình Đề trên đây và nhiều vụ án khác, đồng chí Viện trưởng Trần Lê luôn căn dặn anh em trong Ngành Kiểm sát: Phải cầm nắm chức năng nhiệm vụ của công tác kiểm sát cho vững, quán triệt tính Đảng, tính giai cấp và nguyên tắc pháp chế trong công tác kiểm sát, nêu cao lương tâm trách nhiệm của người cán bộ kiểm sát thì mới hoàn thành nhiệm vụ của Ngành do Đảng và nhân dân giao phó. Muốn vậy, anh chị em phải quan tâm nâng cao trình độ, kiến thức, rèn luyện tay nghề, giữ gìn đạo đức phẩm chất cách mạng.
Vụ án Tạ Đình Đề dần dần cũng lắng đi trong tâm trí người dân, nhưng các huyền thoại về Tạ Đình Đề càng được dư luận đồn thổi thêm. Nhất là sau ngày ông mất được Chủ Tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam quyết định truy tặng Huân chương Độc lập hạng 3. Các phương tiện thông tin đại chúng hồi đó cũng đăng tải nhiều câu chuyện huyền thoại về Tạ Đình Đề.

Riêng tôi, sau khi vụ án được giải quyết, tình cờ gặp được ông. Đó là một kỷ niệm khó quên của cuộc đời mình.

Ấy là một ngày của mùa hè năm 1998, tôi đến thăm Thượng tướng, giáo sư Hoàng Minh Thảo để chào tạm biệt ông trước khi nhận nhiệm vụ mới tại Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình.
Khi nghe tin tôi đến thăm, Thượng tướng, giáo sư ra tận cổng đón vào. Căn phòng làm việc của ông gọn nhỏ nhưng được bày trí ngăn nắp, Thượng tướng, giáo sư chỉ vào tập tài liệu dày cộp đặt trên bàn nói với tôi:

- Dạo này nghỉ hưu nhưng tớ lại được cử vào thành viên Hội đồng giáo sư cấp Nhà nước nên cũng rất bận. Mà này, nghe bảo cậu được cử về làm Viện trưởng Viện Kiểm sát Ninh Bình à?

Tôi đón chén nước trà Thái phả hương thơm lừng, nhìn Thượng tướng, giáo sư trả lời:
- Vâng. Em mới nhận được quyết định bác ạ. Hôm nay em đến chào tạm biệt hai bác và gia đình. Em chúc hai bác và gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc!…

Tôi chưa nói xong thì Thượng tướng, giáo sư đã động viên:

- Cậu đi luân chuyển theo chủ trương của Trung ương ấy mà. Tuy về đó có vất và nhưng cũng rất tốt. Làm việc ở cơ quan Trung ương bây giờ về địa phương để hiểu thêm thực tiễn, đây là cách đào tạo, sử dụng cán bộ rất cơ bản.

Chúng tôi đang say sưa chuyện trò thì có một người khách đang đi vào nhà Thượng tướng. Người khách có dáng gầy gò, chân đi đôi dép lê màu nâu. Đôi mắt ông trũng sâu vẻ mệt mỏi. Thượng tướng, giáo sư nhận ra người quen đứng dậy đón và bắt tay, kéo ghế mời ngồi. Tôi cũng bắt tay người khách. Tôi ngờ ngợ về người khách này, hình như mình đã gặp ông ở đâu và cũng rất lâu rồi.Thượng tướng, giáo sư rót nước mời và chỉ tay về phía tôi giới thiệu:

- Đây là đồng chí Dương Thanh Biểu, Vụ trưởng Vụ An ninh, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Trước đây chúng tôi cùng chiến đấu ở Tây Nguyên và bây giờ cũng là cựu binh Tây Nguyên.

Ông chỉ tay về phía người khách:

- Còn đây là anh Tạ Đình Đề. Năm 1948, tôi là Phó tư lệnh Quân khu Ba. Anh Đề là Phó Ban tình báo. Anh em chúng tôi thường ra phố tản cư ăn uống với nhau. Có hôm, gặp cảnh một số anh em cán bộ dọa nạt quần chúng anh Tạ Đình Đề nhảy vào can thiệp. Có khi còn to tiếng, rồi xô đẩy. Tôi phải ra tay can thiệp đấy. Đúng vậy không anh Đề?

Nghe giáo sư giới thiệu, tôi thấy bất ngờ quá liền đứng dậy bắt tay bác Đề và nói:
- Kính chào bác Đề. Hơn 10 năm, nay mới được gặp lại bác, một con người đã để lại cho đời nhiều câu chuyện huyền thoại. Kính chúc bác và gia đình khỏe mạnh, hạnh phúc.

Bác Đề nắm chặt tay tôi, lắc mạnh như người thân lâu ngày mới gặp lại và nhìn sang Thượng tướng, giáo sư nói như kể lể:

- Báo cáo Thượng tướng, giáo sư, tôi cũng là người đã để lại cho Viện Kiểm sát nhiều phiền muộn!

Nói rồi, ông quay về phía tôi:
- Tôi đã gặp anh Biểu cách đây hơn 10 năm rồi. Cuộc đời trôi nhanh thật!
Tôi nắm chặt đôi bàn tay gầy gò của ông và nhớ lại. Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quyết định trả tự do cho ông được ít hôm, tôi được giao nhiệm vụ tiếp Tạ Đình Đề khi ông đến Viện gửi đơn khiếu nại .Tôi nói:
-Thực ra tôi đã gặp bác cách đây hơn 20 năm, khi được đi dự phiên tòa xét xử vụ án về bác từ năm 1976

Bác Đề nhìn tôi và giáo sư nói:

- Sau khi được tha vào cuối năm 1987, tôi đến Viện Kiểm sát tối cao để gửi đơn khiếu nại. Chính anh Biểu là người tiếp tôi và khuyên tôi những việc cần làm và cần tránh. Hôm đó, tôi nói đúng như trong đơn. Nếu không có Viện Kiểm sát tối cao thì chắc tôi bị đối xử bất công thêm một lần nữa, có khi bị tù mọt gông đấy. Chúng tôi có tội tình gì mà bắt giam như vậy. Nhân đây, tôi có đề nghị Viện Kiểm sát tối cao hãy thực thi đúng pháp luật. Viện Kiểm sát làm tốt là người dân lương thiện chúng tôi được nhờ!

Thượng tướng, giáo sư góp lời:
- Công việc của Viện Kiểm sát nhân dân là hết sức quan trọng. Trước đây chúng ta đã chiến đấu anh dũng để giải phóng, bảo vệ Tây Nguyên, giải phóng bảo vệ Tổ quốc, bây giờ các đồng chí đang làm nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm. Thực chất đây cũng là trận tuyến, một trận tuyến không có tiếng súng. Đối với bọn tội phạm thì kiên quyết đấu tranh xử lý theo đúng pháp luật. Nhưng đối với người dân lương thiện mà bị oan cũng phải kiên quyết bảo vệ. Có lẽ cái khổ sở nhất của con người là bị oan. Nhưng niềm hạnh phúc nhất của con người cũng chính là nỗi oan được phân giải. Tôi không phải dân nhà luật nên chỉ nôm na vậy không hiểu có đúng không?

Tôi nhìn Thượng tướng và bác Đề liên tưởng tới sự việc cách đây hơn 10 năm. Nếu lúc đó mình và rất nhiều người nữa trong Ngành Kiểm sát không kiên quyết, khách quan thì con người đang ngồi trước mặt đây chẳng biết số phận rẽ về lối nào. Tôi nói trong sự cảm thông và chia sẻ với ông Tạ Đình Đề:

- Trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, Viện Kiểm sát cũng đã làm được rất nhiều việc, góp phần cùng các ngành giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, nhưng đây là lĩnh vực cũng còn nhiều khiếm khuyết mà sắp tới toàn ngành phải cố gắng hơn mới đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Việc liên quan đến bác Đề trước đây cũng có sự đấu tranh quyết liệt giữa hai quan điểm trái chiều nhau là có tội hay không có tội đấy. Nhưng rất may, cái đúng đã được ủng hộ và thực thi bác ạ!

Thượng tướng, giáo sư nhìn tôi hỏi:
- Còn vụ án trước đây xét xử không tội, sau đó có kháng nghị của Viện Kiểm sát thì thế nào? Từ đó đến nay sao không xét xử? Không chỉ những người liên quan như anh Đề mà chúng tôi cũng đang chờ xem phiên tòa tiếp theo thế nào đấy.
Tôi giải thích:
- Thưa hai bác! Vụ án tuy có kháng nghị của Viện Kiểm sát nhưng sau đó các ngành thấy bản án sơ thẩm tuyên bố Tạ Đình Đề không phạm tội là đúng nên không xét xử phúc thẩm nữa. Theo tôi hiểu, có lẽ các ngành nghĩ rằng nếu tiếp tục xét xử thì sẽ không có lợi về mặt trật tự xã hội.

Thượng tướng, giáo sư nghe tôi nói nhưng có vẻ chưa hài lòng. Tuy vậy, ông cũng cười, giọng xuê xoa:
- Lâu lâu mới gặp nhau mà chỉ trao đổi việc này thì căng thẳng quá nhỉ. Thôi, sự việc cũng xảy ra lâu rồi, cố quên đi để sống cho thoải mái, sống lâu, sống khỏe hơn.
Chúng tôi lại cười, lại kể chuyện vui trong hương thơm của chén chè Thái nóng hổi.
Sau buổi đó, chúng tôi không gặp nhau nữa. Bỗng một hôm gần Tết âm lịch năm 1998, tôi được Thượng tướng, giáo sư thông báo bác Đề đã trút hơi thở cuối cùng để về với cõi vĩnh hằng. Ông mất ngày 29.2.1998, để lại cho đời những huyền thoại lung linh và những ký ức đau buồn. Sau này tôi được nghe Thượng tướng Hoàng Minh Thảo kể lại rằng: Thể theo nguyện vọng của bè bạn, đồng đội, anh em và gia đình, thi hài Tạ Đình Đề được quàn tại Nhà Tang lễ Bộ Quốc phòng. Nơi đó, không gian rộng rãi, trang trọng. Bạn bè, đồng đội, học trò, bà con Hà Nội đến tiễn đưa ông khá đông. Những chiến sĩ Biệt động Hà Nội năm nào nay râu tóc bạc phơ, chống gậy đến nhìn ông lần cuối. Các chiến sĩ Liên khu 3: Trung đoàn 52 Tây Tiến, Trung đoàn 66 chủ lực của Liên khu, Trung đoàn 48 Thăng Long... đều cử đại diện đến đưa tiễn ông. Người ta còn thấy các vị tướng từng công tác, chiến đấu cùng ông: Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, Trung tướng Nguyễn Hoà...đến chào vĩnh biệt con người huyền thoại này. Chỉ tiếc Lưu Quang Vũ, Phan Lạc Hoa, nhiều anh em được ông cưu mang trong lúc khó khăn, trong lúc bệnh tật hiểm nghèo không có mặt tiễn ông.

Ban Tổ chức tang lễ tiễn đưa anh hôm đó là Tổng cục Đường sắt. Song, người đọc điếu văn lại là Thiếu tướng Văn Phác. Bài điếu văn của Thiếu tướng Văn Phác, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Tây Tiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hoá, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Hà Nội tiễn Tạ Đình Đề về nơi an nghỉ cuối cùng khá dài, xúc động. Đoạn cuối của bài điếu có câu:

“... Anh Tạ Đình Đề ơi! Xin anh hãy yên nghỉ cùng với những chuyện như huyền thoại đẹp về anh...”.

Tạ Đình Đề mất đi nhưng vẫn để lại cho đời nhiều giai thoại làm nức lòng người. Đó là gì nếu không phải là sự đề cao, tôn vinh sự thông minh, tài giỏi của con người Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống bọn đế quốc thực dân xâm lược và lũ tay sai bán nước. Sau này, thật không may cho ông bị vướng vào vòng lao lý, nhưng cũng vì vậy mà tên tuổi Tạ Đình Đề càng được bàn luận, thêu dệt nhiều hơn trong xã hội ta.

Để tôn vinh sự tài giỏi của Đại tướng Võ Nguyên Gíap và Tạ Đình Đề, nhà thơ Bút Tre ( nguyên Trưởng Ty Văn hóa- Thông tin tỉnh Vĩnh Phú) đã có thơ rằng:

“Hoan hô Đại tướng Võ Nguyên,
Giáp ta thắng trận Điện Biên trở về.
Hoan hô anh Tạ Đình Đề,
Trước đi theo địch nay về với ta.”

Khi Tạ Đình Đề bị bắt, người ta đọc:

“Hoan hô anh Tạ Đình Đề
Trước ở với Bác nay về trại giam”.

Nghe thật tức cười nhưng chảy nước mắt. Xót xa, cay đắng quá cuộc đời ông. Nhưng, vượt lên tất cả vẫn là niềm yêu thương, quý trọng một nhân cách, một tinh thần, một tấm lòng người cận vệ trung thành rất mực của Bác Hồ kính yêu của nhân dân ta: Tạ Đình Đề!

Bài học nào cho vụ án này đây? Câu trả lời mãi mãi thuộc về những người có trách nhiệm Cầm cân nẩy mực của chúng ta! Có lẽ đọc xong những mẩu chuyện trên đây có người lại hỏi: Không hiểu Tạ Đình Đề đã được giải oan hay chưa? Những giai thoại về Tạ Đình Đề bao giờ cũng có hậu. Cứ như mô típ chuyện cổ tích dân gian vậy. Sau 9 năm ông mất, căn cứ vào thành tích tham gia kháng chiến chống Pháp và xây dựng Đất nước của ông, ngày 11-5-2007 Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết đã ký Quyết định truy tặng Tạ Đình Đề Huân chương Độc lập Hạng Ba.

Cuối cùng, người có công với Tổ quốc đã được Đảng và Nhân dân ta tôn vinh ghi nhận. Tuy muộn nhưng cũng là một kết quả có hậu cho Tạ Đình Đề. Hồi tưởng về vụ án Tạ Đình Đề, tôi thấy lòng mình dâng dâng nhiều cảm xúc khó tả. Tôi bước ra ngoài. Đêm đã khuya. Nhìn lên bầu trời muôn vàn ngôi sao lấp lánh trong thăm thẳm màn đêm bao la. Tạ Đình Đề, vâng, ông là một trong những ngôi sao trên bầu trời Đất nước. Tôi như đang thấy ông cười, ông thì thầm tâm sự với tôi từ một cõi xa xăm nào đó. Tạ Đình Đề, tôi gọi tên ông và nước mắt chảy ra trên má lúc nào không hay…