kết quả từ 1 tới 20 trên 115

Ðề tài: đạo Mẫu

Threaded View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #31

    Mặc định

    Trích dẫn Nguyên văn bởi phoquang Xem Bài Gởi
    ĐẠO MẪU, ĐIỆN THẦN VÀ THẦN TÍCH

    ( Nguồn: https://www.facebook.com/quantheambo...870499/?type=3 )



    .................................................. ..........




    Nếu như gạt bỏ những sai biệt có tính địa phương, chắt lọc lấy những cái chung thì chúng ta có thể đưa ra một hệ thống điện thần Đạo Mẫu như sau:
    - NGỌC HOÀNG
    - TAM TOÀ THÁNH MẪU (Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải, Địa Tiên Thánh Mẫu)
    - NGŨ VỊ VƯƠNG QUAN (Từ Đệ Nhất đến Đệ Ngũ), thường thì người ta xếp Đức Thánh Trần vào hàng các Quan.
    - TỨ VỊ CHẦU BÀ hay tứ vị Thánh Bà là hóa thân trực tiếp của Tam Toà Thánh Mẫu.
    - NGŨ VỊ HOÀNG TỬ (gọi theo thứ tự từ Đệ Nhất tới Đệ Ngũ)
    - THẬP NHỊ VƯƠNG CÔ (gọi theo thứ tự từ l đến 12)
    - THẬP VỊ VƯƠNG CẬU (gọi theo thứ tự từ l đến 10)
    - NGŨ HỔ ( năm con hổ)
    - ÔNG LỐT (rắn)
    Các vị Thánh trong đạo Mẫu không chỉ phân thành các hàng mà còn phân thành các Phủ. Phủ trong đạo Mẫu mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Trước nhất, Phủ trong Tam Phủ, Tứ Phủ mang nghĩa rộng và bao quát, tương ứng với các miền khác nhau trong vũ trụ: Thiên phủ (miền Trời), Địa phủ (miền đất), Thoải phủ (thuỷ phủ, miền sông biển), và Nhạc phủ (miền rừng núi). Đứng đầu mỗi Phủ như vậy là một vị Thánh Mẫu: Mẫu Thượng Thiên cai quản Thiên phủ, Mẫu Địa (Địa Tiên Thánh Mẫu) cai quản Địa phủ, Mẫu Thoải cai quản Thoải phủ và Mẫu Thượng Ngàn cai quản Nhạc phủ. Giúp việc cho bốn vị Thánh Mẫu còn có nhiều vị thánh thuộc các hàng Quan, Chầu, Ông Hoàng, Cô, Cậu cũng phân theo 4 phủ như các vị thánh Mẫu kể trên.

    Hiện nay trong điện thần Thờ Mẫu đều tồn tại quan niệm Tam Phủ và Tứ Phủ. Tứ Phủ là gồm ba phủ trong Tam Phủ (Thiên, Địa, Thoải) và có thêm phủ Thượng Ngàn (Nhạc Phủ). Hiện nay chưa ai có thể trả lời chắc chắn Tam Phủ và Tứ Phủ của đạo Mẫu có từ bao giờ. Tuy nhiên, có thể tin rằng Tam Phủ có trước Tứ Phủ và việc tồn tại phủ thứ tư là Nhạc Phủ là một nét đặc thù của Đạo giáo Việt Nam.
    Có thể quan niệm Tam Phủ và Tứ Phủ đều bắt nguồn từ quan niệm vũ trụ luận nguyên sơ là Âm và Dương, dần dần yếu tố Âm trong lưỡng cực Âm Dương phân hóa thành Địa Phủ, Thoải Phủ và Nhạc Phủ.
    Tứ Phủ ứng với bốn phương, bốn miền của vũ trụ, trong đạo Mẫu biểu hiện thành bốn màu cơ bản: Thiên Phủ ứng với màu đỏ, Thoải Phủ ứng với mầu trắng, Địa Phủ ứng với màu vàng và Nhạc Phủ ứng với mầu xanh. Đó cũng là màu sắc của trang phục các vị Thánh khi giáng đồng, là màu sắc của các đồ cúng lễ. Từ các màu sắc này chúng ta có thể dễ dàng phân biệt mỗi vị thánh thuộc vào phủ nào trong hệ thống Tam Phủ, Tứ Phủ.

    Trong đạo Mẫu, nơi thờ phụng chính Thánh Mẫu Liễu Hạnh, hóa thân của Mẫu Thượng Thiên, cũng được gọi là Phủ, như Phủ Giầy (Nam Định) và Phủ Tây Hồ (Hà Nội). Cách định danh này có thể xuất phát từ quan niệm vũ trụ luận về các Phủ trong Tứ Phủ và cách định danh đương thời - cung Vua, Phủ Chúa thời Trịnh - Nguyễn.


    NGỌC HOÀNG

    Là vị Thánh cao nhất trong đạo Mẫu, có ban thờ riêng trong các đền và phủ, tuy nhiên vai trò của Ngọc Hoàng trong nghi lễ và thờ cúng, trong tâm thức dân gian thì lại rất mờ nhạt. Như mọi người đều biết, Ngọc Hoàng là thần linh cao nhất trong đạo thờ Tiên của Đạo giáo Trung Hoa, đã được gá lắp khá muộn mằn vào đạo thờ Mẫu cũng như nhiều tôn giáo tín ngưỡng khác của người Việt.


    TAM TOÀ THÁNH MẪU

    Mẫu là quyền năng sáng tạo vũ trụ duy nhất, nhưng lại hóa thân thành Tam vị, Tứ vị Thánh Mẫu cai quản các miền khác nhau của vũ trụ: Mẫu Thiên, Mẫu Địa, Mẫu Thoải và Mẫu Thượng Ngàn.
    Mẫu Thượng Thiên

    sáng tạo bầu trời và làm chủ quyền năng mây, mưa, sấm, chớp. Về phương diện vũ trụ quan, ta có thể thấy quan niệm về Mẫu nói chung và Mẫu Thiên nói riêng, trong quan niệm của dân gian về Tứ Pháp: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Điện, Pháp Lôi, đó là bốn vị Nữ thần tạo ra mây, mưa, sấm, chớp, vốn liên quan tới Thần mưa của tín ngưỡng nông nghiệp. Thực ra những huyền thoại và thần tích của Mẫu Thượng Thiên đều trực tiếp liên quan tới Thánh Mẫu Liễu Hạnh, là hoá thân của Mẫu Thượng Thiên, vị thần chủ cao nhất và được thờ cúng nhiều nhất trong Đạo Mẫu ở nước ta.

    Trong điện thần Tứ Phủ, Mẫu Liễu Hạnh là vị Thánh xuất hiện khá muộn, mà theo hiểu biết hiện nay sớm nhất cũng chỉ vào khoảng thế kỷ XVI, thời Hậu Lê, nhưng nhanh chóng trở thành vị Thần chủ của đạo Mẫu và được tôn vinh hơn tất cả các Thánh Mẫu khác.

    Cũng theo quan niệm dân gian, Mẫu Liễu còn có thể hóa thân vào Mẫu Thượng Ngàn trông coi miền rừng núi, hay thành Địa Tiên Thánh Mẫu - Mẹ Đất, cai quản mọi đất đai và đời sống sinh vật. Vào tới Huế, Thánh Mẫu Vân Cát (tức Mẫu Liễu) được phối thờ cùng với thánh Mẫu Thiên Ya Na nguyên gốc Chăm, là vị thần chủ của điện Hòn Chén.
    Mẫu Thượng Ngàn
    Là hóa thân của Thánh Mẫu toàn năng trông coi miền rừng núi, địa bàn chính sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số. Các đền thờ Mẫu Thượng Ngàn có ở hầu khắp mọi nơi, nhưng có hai nơi thờ phụng chính, gắn bó với hai truyền thuyết ít nhiều có khác biệt, đó là Suối Mỡ (Hà Bắc) và Bắc Lệ (Lạng Sơn).

    Khác với Mẫu Thượng Thiên (mà Liễu Hạnh công chúa là hiện thân) là người Trời, người Tiên, Mẫu Thượng Ngàn xuất xứ là người trần, tuy có là con gái hay cháu Vua Hùng. Đó là những người gắn bó với núi rừng, yêu thiên nhiên, cây cỏ, muông thú, người có phép tiên có thể mang lại yên vui, ấm no cho dân lành. Họ hiển Thánh và trở thành vị thần bảo hộ cho rừng núi, bản làng.
    Ở Tây Nguyên, tục thờ Mẫu do người Việt mang vào lại đồng nhất Mẫu Thượng Ngàn với Mẹ Âu Cơ - Mẹ Tiên, sau khi từ biệt với Bố Rồng - Lạc Long, đã mang theo 50 người con lên núi, sinh sống, phát triển thành các dân tộc thiểu số ngày nay và Mẹ Âu Cơ trở thành vị Thánh Mẫu cai quản vùng rừng núi. Bởi thế, các động Sơn Trang ở các đền Tây Nguyên thường tái hiện sự tích Lạc Long Quân và Âu Cơ.

    Mẫu Thoải

    Huyền thoại và thần tích của Mẫu Thoải tuỳ theo từng nơi có khá nhiều khác biệt, tuy nhiên, cũng có những nét chung cơ bản. Đó là vị thần trị vì vùng sông nước, xuất thân từ dòng dõi Long Vương, liên quan trực tiếp với thủy tổ dân tộc Việt buổi đầu dựng nước.

    Như vậy, trong Tam Toà Thánh Mẫu, Mẫu Thượng Thiên mà hoá thân là Thánh Mẫu Liễu Hạnh, vốn là con gái Ngọc Hoàng đã nhiều lần giáng sinh nơi trần thế. Còn lại Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải đều có nguồn gốc Sơn thần và Thuỷ thần, ít nhiều gắn bó với các nhân vật nửa lịch sử nửa huyền thoại của buổi đầu huyền sử dân tộc, như Tản Viên, Hùng Vương, Âu Cơ (Mẫu Thượng Ngàn) hay Lạc Long Vương, Kinh Dương Vương, Kinh Xuyên (Mẫu Thoải). Trong Tam Toà Thánh Mẫu ta còn thấy có sự kết hợp, đan quyện giữa tư duy mang tính vũ trụ luận (Trời, Đất, Nước), tư duy huyền thoại (Thiên Thần, Sơn Thần và Thuỷ Thần) và tư duy lịch sử (Lạc Long Quân - Âu Cơ, Hùng Vương). Đây cũng là một khía cạnh tâm lý mang đặc thù Việt Nam.


    NGŨ VỊ VƯƠNG QUAN

    Sau hàng Mẫu là Ngũ vị Quan lớn (hàng Quan), gọi tên từ Quan Đệ Nhất đến Quan Đệ Ngũ, tuy nhiên không phải là không có quan niệm về sự hiện diện của Thập vị Quan lớn thuộc hàng Quan. Thường thì 5 vị đầu hay giáng đồng hơn, có lai lịch hoặc là Thiên thần hoặc là Nhân thần, 5 vị còn lại thì ít giáng đồng, bởi vậy thần tích cũng không được rõ ràng. Ở đây một lần nữa ta lại gặp hiện tượng con số 5 và bội số 2 của con số này.

    Trong Ngũ vị Quan lớn thì Quan Đệ Nhất và Quan Đệ Nhị có nguồn gốc Thiên thần. Quan Đệ Nhất vâng mệnh Ngọc Hoàng xuống trần cứu giúp dân lành khỏi sự quấy phá của tà quan. Quan Đệ Nhị cũng là Thiên thần xuống trần gian trấn giữ Thượng Ngàn.

    Nổi bật nhất trong hàng Quan là Quan Đệ Tam và Quan Đệ Ngũ. Hai vị này có đền thờ riêng, có thần tích và huyền thoại, đặc biệt là hay giáng đồng, nên được các tín đồ thờ cúng và tôn kính. Theo các huyền thoại lưu truyền trong dân gian cũng như lai lịch các bản văn chầu thì Quan Tam phủ là con Vua Bát Hải Đại Vương, hóa thân thành một võ tướng của Hùng Vương. Đền thờ chính của ông ở Ninh Giang, tức Đền Lảnh, ngoài ra còn có nhiều nơi thờ vọng, từ Bắc vào Nam, từ miền xuôi ngược lên vùng núi.

    Quan Đệ Ngũ còn gọi là Quan Tuần, Quan lớn Tuần Tranh. Tuỳ theo từng địa phương mà lưu truyền các huyền thoại khác nhau về quan Đệ Ngũ. Quan Tuần gốc tích là con rắn thần ở sông Đò Tranh (Hải Dương). Cũng có những nơi gắn Quan Đệ Ngũ với Cao Lỗ, một võ tướng của An Dương Vương hay chính là con trai của Trần Hưng Đạo là Trần Quốc Tảng, hiện được thờ ở Cửa Ông (Quảng Ninh) và ở Lạng Sơn.

    Các quan lớn trong văn chầu hay khi giáng đồng thường có tính cách quý phái, hùng dũng, nhân từ, hay làm những việc phúc đức nhưng cũng đáng sợ với người trần.

    Các vị đều mặc võ quan, mang kiếm hay kích, mặc võ phục nhưng mầu sắc thì tuỳ thuộc các vị thần thuộc Thoải phủ (trắng), Thiên phủ (đỏ), Nhạc phủ (xanh) hay Địa phủ (vàng). Quan Đệ Tam và Quan Đệ Ngũ đều thuộc Thoải phủ, dòng Long Vương Bát Hải.


    TỨ VỊ THÁNH BÀ HAY TỨ VỊ CHẦU BÀ

    Tứ vị Thánh Bà hay Tứ vị Chầu Bà được coi như là hóa thân, phục vụ trực tiếp của Tứ vị Thánh Mẫu. Tuy gọi là tứ vị Chầu Bà đại diện cho Tứ Phủ, nhưng số lượng các vị Chầu Bà có thể tăng lên tới 12 (3x4), tuy nhiên trong số đó, các Chầu Bà từ Đệ Nhất tới Chầu Lục cùng Chầu Bé thường giáng đồng, được mọi người biết rõ thần tích, có nơi thờ phụng riêng, còn các vị khác thì ít giáng đồng và không mấy người biết tới.

    Chầu Đệ Nhất là hóa thân của Mẫu Thượng Thiên, Chầu Đệ Nhị là hóa thân của Mẫu Thượng Ngàn, vị Thánh thống soái trong các hàng Chầu, cai quản vùng núi non, sơn cước. Khi giáng Bà mặc sắc phục Mán, màu xanh, đặc trưng cho Nhạc phủ.

    Thuộc Nhạc phủ với Chầu Đệ Nhị còn có Chầu Lục và Chầu Bé. Chầu Lục gốc người Nùng ở Hữu Lũng (Lạng Sơn), Chầu Bé được thờ thành đền riêng ở Bắc Lệ (Lạng sơn). Còn Chầu Mười gốc người Thổ, tương truyền đã có công giúp Lê Lợi đánh tan quân Liễu Thăng, trấn ải vùng Đông Bắc nước ta.

    Đền thờ chính của Chầu Mười tại Đồng Mỏ (Lạng Sơn), nhưng đền thờ vọng Bà thì có ở khắp nơi, từ Đồng Đăng, Kỳ Cùng, Thăng Long, Núi Ngự, Sài Gòn, Vũng Tàu... tới vùng thượng như Đà Lạt, Buôn Mê Thuột, Plâycu...

    Chầu Đệ Tam là hóa thân của Mẫu Thoải. Đó là vị Thánh có dáng vẻ u buồn, y phục và khăn trùm màu trắng. Chầu Đệ Tứ là vị Thánh giữ vai trò khâm sai Tứ Phủ. Tuy đứng đầu Địa phủ, cũng có khi Bà hóa thân dưới dạng Chầu Thoải phủ, mặc màu trắng, múa mái chèo; khi lại hóa thành Chầu Thiên phủ, mặc áo đỏ, múa quạt (Chầu Đệ Tứ khâm Sai Thượng Thiên).

    Chầu Đệ Ngũ ít khi giáng đồng, trần gian ít người biết tới. Tương truyền Bà là công chúa đời nhà Lý, đi tu ở miền thượng, đền thờ Bà ở Suối Lân, Lạng Sơn. Ngoài ra, người ta còn biết tới các vị Chầu khác, như Chầu Thất - Tiên La thờ ở Hưng Hà, Thái Bình, Chầu Bát Nàn ở Đồng Mỏ, Chầu Cửu ở Bỉm Sơn, Thanh Hóa (Cửu Thiên Huyền Nữ)...

    Nói chung các vị Thánh hàng Chầu phần lớn có nguồn gốc người dân tộc ở vùng núi, thuộc Nhạc phủ, dòng Tiên nữ, đối lập với các Quan thuộc dòng Long Vương Thuỷ phủ. Khi giáng đồng, các Chầu đều ăn mặc theo trang phục dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mường, nhạc chầu văn theo điệu Xá Thượng mang đặc trưng miền núi.

    Dưới hàng Chầu là hàng các ông Hoàng, được gọi tên theo thứ tự từ Ông Hoàng Đệ Nhất tới Ông Hoàng Mười, có hẳn một bản văn chầu 10 Ông Hoàng. Tương truyền, cũng như các Quan, các Ông Hoàng đều có gốc tích là con trai Long Thần Bát Hải Đại Vương ở hồ Động Đình, tuy nhiên, theo khuynh hướng địa phương hóa thì các ông Hoàng đều gắn với một nhân vật nào đó ở cõi nhân gian, những danh tướng có công dẹp giặc, những người khai sáng, mở mang cho đất nước.

    Trong số mười Ông Hoàng thì thường có sáu Ông giáng đồng, trong đó có ba Ông giáng rất thường xuyên, đó là Ông Hoàng Bơ, Ông Hoàng Bảy, và Ông Hoàng Mười. Khi giáng đồng, các Ông Hoàng có phong cách gần giống các Quan Lớn, tuy nhiên có phần hào hoa phong nhã, vui tươi và quan hệ với người trần vui vẻ hơn so với các Quan.

    Hàng Cô được gọi tên từ Cô Đệ Nhất (Cô Cả) đến cô thứ 12 (Cô Bé), đều là các thị nữ của Thánh Mẫu và các Chầu. Tuy nhiên, khi giáng đồng các Cô có thể hóa thân vào các vai trò khác nhau của Tứ Phủ. Có hẳn một bài văn chầu kể về 12 cô. Cô Đệ Nhất là thị nữ của Mẫu Thượng Thiên, ăn mặc rất đẹp, Cô Đôi là thị nữ của Mẫu Thượng Ngàn, giáng đồng với hai bông hoa cài trên mái tóc. Cô Bơ (Ba) thuộc Thuỷ phủ rất nổi tiếng, giáng đồng mặc y phục màu trắng, thắt lưng hồng, múa điệu chèo đò. Cô chữa bệnh cứu người bằng cách ban nước uống, nhưng cũng có thể gieo bệnh nếu kẻ nào dám làm trái những sở thích của Cô. Cô thứ tư là thị nữ của Chầu Đệ Tứ, cô thứ năm thuộc Chầu Đệ Ngũ, nhưng cũng có khi hóa thân với vai trò thị nữ của Mẫu Thượng Ngàn hay Thượng Thiên, cô thường xuất hiện trong các bữa tiệc, Cô thứ sáu thuộc phủ Thượng Ngàn, ăn mặc quần áo chàm, đeo túi hoa, tóc cài hoa rừng, lưng dắt con dao nhỏ, cô hay đi hái cây thuốc chữa bệnh cứu người. Cô thứ Chín là thị nữ của Mẫu Thượng Ngàn, khi giáng đồng Cô nói tiếng Mán, tiếng Mường, múa với bó hương cháy rừng rực trên tay, thêu hoa trên tấm vải. Người ta gắn cho cô trông coi Đền Sòng Sơn, một nơi rất linh thiêng. Cô Bé (Cô thứ mười hai) còn gọi là Cô Bé Bắc Lệ, Cô Bé Thượng Ngàn, có đền thờ riêng ở Bắc Lệ.

    Các Cô được gọi tên theo thứ tự như vậy, nhưng tuỳ theo địa phương, các Cô còn được gọi với các tên gắn với từng vùng, như Cô Bé Bắc Lệ, Cô Cam Đường, Cô Chín Giếng, Cô Đồng Mỏ...

    Các Cậu Quận là những người chết trẻ, từ l - 9 tuổi, hiển linh thành các bé Thánh. Người ta không biết rõ đầy đủ về 10 hay 12 vị thuộc hàng Cậu, họ là các phụ tá của các Ông Hoàng. Thường thì lần lên đồng nào cũng có giá Cậu Bơ (Ba) và Cậu Bé. Đó là những giá đồng với tính cách phóng túng, tinh nghịch, quần áo kỳ cục, lời nói ngọng ngịu của trẻ con, kèm theo các điệu múa lân hay múa hèo khá sôi nổi.
    Trong điện thần của đạo Mẫu còn có sự hiện diện của Hổ (Ngũ Hổ) và Rắn (Ông Lốt). Nơi thờ thần Ngũ Hổ ở hạ ban, phía dưới điện thờ Công Đồng, còn hình tượng ông Lốt là đôi Bạch xà nằm vắt ngang phía trên điện thờ chính. Trong quan niệm dân gian, Hổ là vị chúa cai quản rừng núi, còn Rắn thần là ở nơi sông nước. Trong hầu đồng, tuy không thường xuyên, nhưng cũng có trường hợp các vị Ngũ Hổ hay Ông Lốt (rắn) giáng đồng.

    Ngũ Hổ cai quản bốn phương và trung tâm, là con vật quyền uy, là thần chiến trận, cứu giúp các chiến tướng trong trận mạc. Trong tín ngưỡng dân gian, Hổ là kẻ thù của ác thần, tà thần, chuyên hãm hại người sống cũng như người đã chết, là vị thần linh canh cửa các ngôi đền. Trong số các ông đồng và bà đồng, một số ít người có căn Quan Lớn Hổ, khi hầu đồng họ thường được các vị thần Hổ giáng. Mọi người có thể cầu xin vị thần Hổ này giúp trừ tà gây dịch bệnh, phòng ngừa trộm cắp... Khi hầu đồng thần Ngũ Hổ, các ông đồng, bà đồng thường làm các động tác như phun lửa, nhai bó hương cháy, làm các động tác Hổ ngồi, Hổ vồ mồi...

    Trong đạo Mẫu Tứ Phủ, đây đó người ta còn nhắc tới Phủ Trần Triều, một phủ thuần tuý mang tính chất nhân Thần. Bởi thế cần xem xét Đức Thánh Trần cùng với các thuộc hạ của Ông trong hệ thống điện thần Tứ Phủ cũng như trong thực hành tín ngưỡng.

    Về phương diện điện thần, Đức Thánh Trần được coi là một vị Thánh Tứ Phủ. Trong khá nhiều đền, điện của đạo này đều có ban thờ riêng Ông cùng với các thuộc hạ. Tuy nhiên về hàng bậc cũng như phủ của Ông trong Tứ Phủ lại không dễ xác định. Ông là một nam thần. Ông thường được quy về dòng Long Vương, Bát Hải Đại Vương, thậm chí còn được đặt riêng ra thành một phủ Nhân thần, phủ Trần Triều. Về hàng bậc, có lúc Ông được đổng nhất với Vua Cha trong đối sánh với Thần Mẹ, ngày giỗ và lễ hội kèm theo của Ông cũng đồng nhất với ngày giỗ Cha ""tháng Tám giỗ Cha"" cùng với Bát Hải Đại Vương. Nơi thờ Ông ở Kiếp Bạc, có ngọn núi xèo rộng ra ôm lấy thung lũng trước mặt ngôi đền là núi Nam Tào và Bắc Đẩu. Như vậy trong tâm thức dân gian, nghiễm nhiên Ông được coi như là Ngọc Hoàng, một loại Vua Cha cao hơn, bên trên cả Thánh Mẫu. Tuy nhiên, không giống như Vua Cha Ngọc Hoàng hay Vua Cha Bát Hải, các vị chỉ ngự trên điện thần chứ không giáng đồng, các Thánh hàng Mẫu cũng chỉ giáng chứ không nhập đồng (hầu tráng mạn), còn Đức Thánh Trần và một số thuộc hạ của Ông thì lại giáng đồng chuyên để trừ tà, cứu chữa con bệnh, tạo nên hẳn một dòng Thanh đồng phân khác với hình thức hầu đồng của dòng đồng cốt thờ Mẫu. Trong thứ tự giáng đồng của những người có căn Trần Triều thì thường là sau khi Mẫu giáng, và trước các vị Thánh hàng Quan. Đấy là chưa kể hình thức lên đồng để trừ tà thường diễn ra trong dịp lễ tiết của Đức Thánh Trần ở những nơi thờ tự chính của Ông.

    Một vấn đề đặt ra là trong môi trường và điều kiện nào một quý tộc và danh tướng như Trần Quốc Tuấn đã từng lập nên những danh tích của triều đại nhà Trần sau đó lại trở thành Ông Thánh của Đạo giáo, với quyền pháp của một đạo sĩ và thày phù thủy chuyên trừ đuổi ma tà chữa bệnh cho phụ nữ và cũng dần hội nhập vào dòng tôn thờ Thánh Mẫu Tứ Phủ. Theo ý kiến của Giáo sư Trần Quốc Vượng, thời nhà Trần, bên cạnh đạo Phật, Đạo giáo khá thịnh hành, nhiều người thuộc giới quý tộc, hoàng thân cũng là những đạo sĩ, tín đồ đạo giáo, trong đó có Trần Hưng Đạo. Từ sau khi chiến thắng giặc Nguyên - Mông, được phong vương, Ông quay trở về sống ở Kiếp Bạc, vui thú với cảnh sắc thiên thiên, làm thuốc chữa bệnh cứu người. Huyền thoại về việc Ông dùng ma thuật để trừ tà Phạm Nhan chỉ là sự lịch sử hóa, huyền thoại hóa một thực tế Ông là một thầy thuốc có tài chữa bệnh hậu sản, bệnh của phụ nữ. Với lại, trong dân gian, việc chữa bệnh bằng thuốc luôn đi liền với các hành động có tính ma thuật. Bởi vậy, sau khi Trần Hưng Đạo qua đời, danh tiếng và uy tín của Ông đã được huyền thoại hóa, khoác ra ngoài cái vỏ tín ngưỡng và lưu truyền mãi về sau, cho tận tới ngày nay.

    Còn việc Ông trở thành một vị Thánh trong điện thần Tứ Phủ, thậm chí còn đồng nhất Ông với Vua Cha kề cận với Vua Cha trong đối sánh với Thánh Mẫu, thì cũng không có gì khó hiểu. Với tư cách là một vị tướng, một đạo sĩ của Đạo giáo, vốn gốc dòng họ gắn liền với miền sông nước vùng hạ lưu, lại lập những chiến công thuỷ chiến vang dội, Ông dễ được dân gian khoác thêm chiếc áo thần linh, quy về dòng thuỷ thần Long Vương, được thờ phụng cùng với Bát Hải đại vương, vị thần chuyên coi vùng sông nước và biển cả.

    Cũng cần phải phân biệt giữa thờ phụng Đức Thánh Trần với tư cách là một anh hùng dân tộc, một đạo sĩ của dòng Đạo giáo với một Đức Thánh Trần được coi như một Vua Cha trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ Phủ. Trong nhiều điện, đền thờ Mẫu Tứ Phủ có ban thờ Đức Thánh Trần, nhưng ngược lại, trong các đền thờ chính của ông ở Kiếp Bạc, Bảo Lộc, Cổ Trạch... thì hầu như không có Mẫu và điện thần thờ Mẫu. Như vậy rõ ràng việc tôn thờ Đức Thánh Trần với những đặc tính tiềm tàng của nó như đã trình bày trên, một phần đã được thu hút và hội nhập vào tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ Phủ, nhất là ở những giai đoạn muộn của nó. Điều đó cũng góp phần giải thích vì sao sự hội nhập này không diễn ra đều khắp mọi nơi. Chỉ xin đơn cử ở Phủ Giầy, nơi trung tâm của đạo Mẫu, thì trong điện thần phối tự, vai trò của Đức Thánh Trần và kể cả Vua Cha Bát Hải đại vương đều khá mờ nhạt. Trong khi đó thì Lý Bôn với vai trò là Vua Cha, vị thuỷ thần, thì có tới hai đền, một ở Tiên Hương, một ở Vân Cát, đều gọi là Đền Vua nằm kề sát phủ trong quần thể các đền của Phủ Giầy. Tháng 8 hàng năm là kỳ giỗ kỵ ở Đền Vua, giống như vua Cha ở Đền Đồng Bằng (Thái Bình) và Kiếp Bạc (Hải Dương), nơi thờ Vua Cha Bát Hải và Đức Thánh Trần.

    Cùng với Đức Thánh Trần, con trai, hai vương cô và các vị tướng của Ông cũng có thể giáng đồng, tuy những trường hợp như vậy rất hãn hữu. Con trai của Trần Hưng Đạo là Trần Quốc Tảng thờ ở đền Cửa Ông (Quảng Ninh), tướng Phạm Ngũ Lão thờ ở đền Phù Ủng (Bắc Ninh), đặc biệt là người con gái là Vương Cô Đệ Nhất và Vương Cô Đệ Nhị được nhập vào hàng Cô của đạo Tứ Phủ, luôn luôn hầu cận hai bên Thánh Cha .

    Ở phần trên, chúng tôi cố gắng hệ thống lại điện thần của Đạo Mẫu Tứ Phủ mang tính chung và ước lệ nhất. Tuy nhiên, với các địa phương thì trên cái khung chung đó, sự sai biệt mang sắc thái địa phương là một thực tế hiển nhiên. Nói chung, điện thần và phối tự trong các đền Mẫu ở Nam Bộ không có mấy sai biệt (ở đây chỉ nói đền thờ Mẫu Tứ Phủ, còn các đền thờ khác Mẫu khác như Bà Đen, Bà Chúa Xứ thì không thuộc hệ thống này) so với các đền thờ Mẫu ở Bắc Bộ. Có chăng trong điện thần ta thấy có thêm một số các vị Thánh địa phương, như Lê Văn Duyệt, được coi như là một vị Thánh hàng Quan, có vai trò trừ ma tà như Quan Tuần, Đức Thánh Trần ở ngoài Bắc. Bà Chúa Xứ cũng có lúc giáng đồng trong các đền thờ Mẫu Tứ Phủ, được coi như vị Thánh Mẫu hàng Chúa (Chầu)...

    Điện thần ở Điện Hòn Chén, trung tâm thờ Mẫu ở Huế cũng như một số ngôi đền khác, về cơ bản vẫn là Thờ Mẫu Tứ Phủ, tuy nhiên sắc thái địa phương thì thể hiện rõ rệt hơn. Trước nhất, nếu như trong điện thờ Tam vị Thánh Mẫu, Mẫu Thượng Thiên hay Mẫu Liễu ngồi chính giữa, thì trong tất cả các đền ở Huế thay bằng Thánh Mẫu Thiên Ya Na, một nữ thần nguồn gốc Chăm (Mẹ Xứ Sở) đã bị Việt hóa. Hai bên tả và hữu của Mẫu Thiên Ya Na là Mẫu Thoải và Mẫu Thượng Ngàn. Có một số ít ngôi đền, trong đó có Hòn Chén thì có ban thờ Thánh Mẫu Liễu cùng với Quế Hoa và Quỳnh Hoa được thờ thấp hơn phía trước Tam vị Thánh Mẫu đã kể trên. Hàng các vị Thánh Bà (hàng Chầu) được gọi theo tên Ngũ Hành: Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ: Đệ Nhất Kim Tinh thần nữ, Đệ Nhị Mộc Tinh thần nữ, Đệ Tam Thuỷ Tinh thần nữ, Đệ Tứ Hoả Tinh thần nữ và Đệ Ngũ Thổ Tinh thần nữ. Trong hàng thất thánh (7 vị Thánh) tương đương như hàng quan thì ở Huế có thờ Vua Đồng Khánh, nguyên là tín đồ Đạo Mẫu, là vị vua đầu tiên thừa nhận tính chính thống của Đạo Mẫu, người bỏ tiền của ra để xây dựng và tôn tạo các điện Hòn Chén thờ Mẫu ở Huế. Trong khá nhiều ngôi đền, điện, bên cạnh tượng Ngọc hoàng như các đền ngoài Bắc, thì thường có thêm tượng Quan Thế Âm, ban thờ Quan Thánh, thậm chí có nơi còn thờ Bản Thổ Thành Hoàng...

    Như vậy là điện thần thờ Mẫu cao nhất ở Huế về cơ bản vẫn là Mẫu Tứ Phủ, nhưng vị Thánh Mẫu cao nhất, Thánh Mẫu Thiên Ya Na thì lại là kết quả của sự giao thoa văn hóa Việt - Chăm. Thực ra, ở người Việt, người Chăm, Khơme và nhiều dân tộc khác ở Việt Nam và Đông Á đều có nét văn hóa chung là tôn thờ nữ thần, tôn vinh vị thần cội nguồn của đất nước và dân tộc là Nữ thần, gọi là Thánh mẫu - Thần Mẹ. Nếu người Việt có Tam Toà Thánh Mẫu, Mẫu Liễu được tôn vinh là Mẫu Nghi Thiên Hạ, thì người Chăm có vị thần xứ sở Pô Inư Nưgar, Thiên Ya Na. Khi vượt sông Gianh vào đất trung và nam Trung Bộ, người Việt đã tiếp thu và Việt hóa nhiều yếu tố văn hóa Chăm, trong đó có Nữ thần Xứ sở, Bà Mẹ xứ sở của Chăm thành Mẫu của người Việt. Tục thờ Mẫu ở Hòn Chén và Tháp Bà (Nha Trang) chính là thể hiện quá trình hỗn hợp dung và giao lưu văn hóa đó.

    Ở miền Bắc cũng như trong Nam, bên cạnh các đền thờ Mẫu Tam Phủ, Tứ phủ, mà điện thần của nó chúng tôi đã giới thiệu ở trên, thì còn tồn tại một hình thức tín ngưỡng thờ Mẫu thần nằm ngoài hệ thống Mẫu Tam Phủ, được gọi với những tên, như Bà Chúa (Bà chúa Xứ), Bà Đen hay Linh Sơn Thánh Mẫu, thờ Bà (Tháp Bà ở Nha Trang) Bà Chúa Tiên, Bà Chúa Ngọc, Bà Chúa Động, Bà Thủy, Bà Hoả, Bà Thiên Hậu, Tống Hậu, các đền thờ Vương Mẫu (Mẹ Thánh Gióng), Quốc Mẫu (đền thờ Mẹ Âu Cơ) và Thánh Mẫu khác (Ỷ Lan). Tuy với những tên gọi khác nhau, nhưng đều có nguồn cỗi chung từ tục thờ các Nữ thần. Tuy nhiên, không phải nữ thần nào cũng thành Bà, thành Chúa và đặc biệt là thành Mẫu. Chúng tôi cũng đã tiến hành khảo sát một số đền thờ Mẫu cũng thuộc loại trên ở miền Bắc, như Đền thờ Vương Mẫu (Mẹ Thánh Gióng) ở Phù Đổng, đền thờ Ỷ Lan Thánh Mẫu ờ Dương Xá, Gia Lâm, đền thờ Tống Hậu Quốc Mẫu ở Hải Hậu (Nam Định)... Trên cơ sở những khảo sát như vậy, bước đầu có nhận xét sau:

    - Việc thờ Mẫu kể trên nẩy sinh và phát triển trên cơ sở thờ Nữ thần, nó thuộc loại hình tín ngưỡng thờ thần mà có người gọi là Thần Đạo, một đạo mang bản sắc Việt Nam rõ rệt nhất.

    - Tuy không hoàn toàn thuộc Đạo Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ, một biến thể của đạo giáo Việt Nam, nhưng giữa tục thờ Mẫu này và đạo Mẫu Tứ Phủ có những nền tảng chung là tôn thờ Nữ thần và thờ Mẫu thần, có sự thâm nhập và ảnh hưởng qua lại, trong đó nổi bật là tục thờ Mẫu thần và Nữ thần đều tiếp thu ảnh hưởng trở lại của Mẫu Tam phủ, Tứ Phủ, thể hiện qua điện thờ, nghi lễ thờ cúng, tục lên đồng và lễ hội.


    Từ việc xem xét hệ thống điện thần đạo Mẫu có thể rút ra một số nhận xét sau:

    l. Hệ thống thần linh Tam phủ, Tứ Phủ gồm các Thiên thần và nhân thần, là các vị thần linh có nguồn gốc nhân thần hay thiên thần. Tuy nhiên, xu hướng ""nhân thần hoá"" và ""lịch sử hoá"" là xu hướng chính trong quá trình ""thêu dệt"" nên thần tích các vị Thánh này. Vị Thánh Mẫu Liễu Hạnh ra đời chậm trễ nhất trong số các Thánh Mẫu, nhưng thần tích của Bà cũng được người đời ""trần thế hóa"", ""địa phương hóa"" và ""lịch sử hóa"" một cách khá trọn vẹn, để từ đó Bà bước lên ngôi thứ cao nhất trong điện thần Tứ Phủ. Còn biết bao vị thần khác đều có nguồn gốc xuất thân, lý lịch ""nhập thể" với bao công lao, kỳ tích, gắn liền với lịch sử giữ nước và dựng nước của dân tộc, tạo cho nó trờ thành một biểu tượng của lòng yêu nước mang đầy tính tâm linh. Cũng chính vì thế họ đều là các phúc thần, có thể xua đuổi các tà mà, mang lại tài, lộc, sức khoẻ cho con người.

    2. Các thần linh Tứ Phủ còn được phân thành một bên là các nữ thần và bên kia là nam thần, tuy thứ bậc chính của mỗi vị Thánh trong điện thần phụ thuộc vào việc họ thuộc hàng nào từ trên xuống dưới, như Thánh Mẫu - Vua Cha, các Quan, các Chầu, Ông Hoàng, các Cô Cậu hay thuộc phủ nào mà họ cai quản: Thiên phủ, Thuỷ phủ, Nhạc phủ hay Địa phủ. Về phương diện hữu thức là như vậy, nhưng nếu chúng ta đi sâu vào tầng vô thức thì việc phân chia trên lại bao hàm một ý nghĩa sâu xa nào đó.

    Tuy là đạo thờ Mẫu, và Mẫu là vị thần có quyền năng sáng tạo tối thượng, nhưng trong điện thần, các vị thần vẫn chia thành dòng Cha và dòng Mẹ. Thánh Mẫu với các hoá thân trực tiếp là các Chầu và những người giúp việc là các Cô. Còn bên kia là Vua Cha và thuộc dòng Vua Cha là các quan, các Ông Hoàng và Cậu. Tất nhiên, sau này trong quan niệm dân gian, tuy Mẫu là một, là ""nhất thể"" nhưng lại hoá thân thành "tam vị"" Thiên, Địa, Thuỷ, hay Vua Cha cũng chỉ có một, sau lại chia thành Vua Cha Thuỷ phủ, Vua Cha Nhạc phủ, Vua Cha Thiên phủ, Vua Cha Địa phủ. Nhưng cuối cùng, thuỷ tổ của Thánh Mẫu vẫn là dòng Tiên, còn thuỷ tổ của Vua Cha vẫn là dòng Long Vương - dòng Rồng, mà cái đó người Việt đã khái quát trong huyền thoại suy nguyên: Lạc Long Quân và Âu Cơ. Cũng bởi lẽ đó, hội thờ Đức Thánh Tiên Mẫu tức Giỗ Mẹ vào tháng ba, còn ngày hội Vua Cha tức giỗ Cha vào tháng Tám “Tháng tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ”

    Một khía cạnh khác của giới tính các thần linh trong điện thờ Tứ Phủ là số lượng các vị Thánh trong mỗi hàng. Thuộc dòng Mẫu - Mẹ, ta thường thấy Tứ vị Thánh Mẫu, Tứ vị Chầu Bà, rồi cũng có thể tăng lên Bát vị Chầu Bà, thậm chí 12 vị Chầu. Đối với hàng Cô, ta cũng thường gặp các con số 4, 6, 8, 12. Như vậy, thuộc dòng Thánh Mẫu, ta thấy số lượng các vị thần trong mỗi hàng là chẵn: 4,6,8,12. Còn với dòng Vua Cha, Nam thần, thì có Ngũ vị tôn Ông, rồi Thập vị Tôn Ông, Ngũ vị Ông Hoàng hay Thập vị Ông hoàng, tức là con số lẻ và bội số của nó, tức 5 và 10...

    Có thể giải thích hiện tượng các con số này từ quan niệm dân gian về con số thiêng, trong đó con số lẻ là con số ""cơ"" (cố định) gắn với dương, đực, đàn ông, nam tính, còn con số chẵn là con số ""ngẫu"" (không cố định), gắn với âm, cái, nữ tính. Đây là những con số mang tính biểu tượng, thiêng liêng , thể hiện tính lưỡng phân lưỡng hợp giữa dòng vua Cha và các Nam thần, Thánh Mẫu và các Nữ thần.

    3. Từ việc xem xét hệ thống điện thần, tên gọi mỗi vị thần linh, cách thức bài trí thờ cúng trong các đền, điện, ta thấy toát lên những biểu tượng mang ý nghĩa vũ trụ quan, nhân sinh quan sâu sắc. Trước nhất, điện thần Tứ Phủ là một mô thức vũ trụ thu nhỏ với hai cặp Thiên - Địa, Rừng Núi - Sông Nước (Sơn - Thủy), trong đó cặp Thiên - Địa (dương - âm, đực - cái) là cặp trụ cột của hệ thống Tứ Phủ. Cũng từ đây gắn với các quan niệm về tứ phương, ngũ phương, ngũ hành (Bà Mộc, Bà Thủy, Bà Hoả, Bà Kim, Bà Thổ). Trong một vũ trụ được quan niệm như vậy Mẫu - Mẹ, nữ tính thâu tóm quyền năng sáng tạo, sinh sôi và bảo trữ. Đó là một vũ trụ mang tính ""nhất nguyên"" (nguyên lý Mẫu) nhưng ""lưỡng cực" (âm - dương, nữ tính - nam tính). Ở đây một lần nữa chúng ta thấy việc thờ nữ thần chính là cách nhân hoá việc thờ các lực lượng tự nhiên.

    Ở tầm vĩ mô, Tam phủ, Tứ Phủ đồng nhất với vũ trụ, trời đất, còn ở tầm vi mô, Tứ Phủ lại mô phỏng như một gia tộc, theo quan niệm truyền thống ""nhân thân tiểu thiên địa"". Hơn thế nữa, đó còn là một gia tộc đã được cung đình hóa. Cao nhất có Cha - Mẹ, Vua Cha - Thánh Mẫu, có các quan, các Chúa, các Ông Hoàng, có các Cô, các Cậu... Lễ tiết thì có “tháng giỗ Cha , tháng giỗ Mẹ”. Cô, Cậu đều là các vị thánh hiển linh từ những chàng trai, cô gái chết trẻ, mà không phải khó khăn lắm để có thể nhận ra một hình thức thờ Bà cô, Ông mãnh của bất cứ gia tộc, dòng họ nào.
    Cung đình hóa một điện thần là điều dễ nhận biết nhất, thông qua cách thức bài trí, hệ thống xưng hô, trang phục của các linh tượng và của các vị Thánh khi giáng đồng. Đấy là chưa kể, các thần tích của khá nhiều vị Thánh đều được gắn cho các chức vị, nào là công chúa, hoàng tử của các triều đình kể từ thời Hùng Vương đến sau này, nào là các quan văn, quan võ lừng danh một thời. Cách bài trí nào "tam toà"", "lục viện"", y hệt triều đình phong kiến nhà Nguyễn. Tất cả những cái đó đều nói lên một điều khi con người tạo ra thần thánh cho mình thì chính mô thức xã hội con người lại trở thành hệ quy chiếu cho ""xã hội"" thần thánh.


    Kính chào bác ạ! kiến thức bác chia sẻ sẽ giúp nhiều nhân giả hiểu thêm về đạo mẫu. Có điều này xin bổ sung ạ! Bác có Biết Mẫu Hoàng Thiên, Mẫu Bán Thiên, Mẫu Cửu Trùng Thiên. Đền thờ quan Đệ Tam là Lảnh Giang Hà Nam. Ông rất giỏi Đầu ông ở Hưng Yên Thân Hà Nam Phủ Lý. Quan đệ tứ Khâm Sai kề cận Ngọc Hoàng chuyên dân sớ sách nhanh chóng. đã xuống tứ phủ làm Việc .
    Thân Ái!
    Last edited by huyuitcs; 02-01-2017 at 10:31 PM.
    Ngọc Bất Trác Bất Thành Khí - Nhân Bất Học Bất Tri Lý

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •