Đạo là gi ? Cao Đài là gì ? Tu là gi?

1) CAO-ÐÀI là gì ?.


Tại sao gọi là Ðạo Cao-Ðài ?

- Vì Ðấng Giáo Chủ sáng lập ra nền Ðạo nầy chính là Ðức Ngọc-Hoàng Thượng-Ðế tá danh (mượn tên) CAO-ÐÀI để mở Ðạo tại xứ Việt-Nam,nằm trên bán đảo Ðông Dương, miền Nam nước Trung Hoa,vào năm Bính Dần (1926) bằng huyền diệu cơ bút, theo phương pháp Thông-linh-học (spiritisme) chớ không giáng phàm bằng xác thân hữu hình.

-Hai chữ CAO-ÐÀI có nghĩa rất giản dị là cái Ðài,cái Ngôi ở trên không trung cao tột, tuyệt vời, là nơi Ðức Ngọc Hoàng Thượng-Ðế,Chúa tể Càn-khôn thế-giới, ngự trị cùng với chư Phật Tiên,Thánh,Thần.

Có bài thi cổ truyền lại :

Linh Tiêu nhất tháp thị Cao-Ðài,
Ðại Hội quần Tiên thử ngọc giai,
Vạn trượng hào quang tùng thử xuất;
Cổ nhân bửu cảnh lạc Thiên-Thai.

Lược giải :
Nơi Ðiện Linh Tiêu trên Thiên Ðình có một ngôi tháp gọi là Cao Ðài. Quần Tiên thường nhóm Ðại Hội ở trước bệ ngọc đó, hào quang muôn trượng do đó mà chiếu ra. Tên xưa của cảnh nầy là \"Lạc Thiên Thai\". (Cao Ðài sơ giải của cụ Huệ Lương,tr31).

Bởi Ngài là một Ðấng vô hình, vô tướng, vô thể, vô danh, vô thinh,vô sắc, nên không có xác phàm hữu hình, hữu sắc, để cho người phàm nhìn thấy, rờ đụng, nghe ngóng tâm hơi được.
- Hai chữ CAO ÐÀI là một danh từ trừu tượng vô-vi, một danh từ giải thoát toàn diện, không dính dáng với danh xưng của một dân tộc nào ở thế gian, mang tánh cách đại đồng nhơn loại, khác hơn tên của các Ðấng Giáo-chủ các Tôn-Giáo thời xưa như đức Thích-Ca,Lão-Tử, Khổng-Tử, Jésus, Mahomet .v.v....

"Cao Ðài là cái đài cao,
"Vượt lên tất cả đón rào ngăn che.

(Quảng-Ðức Chơn-Tiên)

Cùng một ý thức đó, Ðức Chí-Tôn Thượng-Ðế không cho chư môn sanh tạc tượng, vẽ hình để thờ Ngài, mà chỉ dạy vẽ hình một con Mắt (Thiên Nhãn) để tượng trưng thờ Ngài mà thôi.
Một là ý-nghĩa Ngôi độc nhứt của Ðấng Tạo-hóa duy nhứt, Chúa tể Càn-khôn Vũ-trụ.
Còn Con Mắt tượng trưng cho ánh sáng Ðại-Linh-Quang của Ngài hào quang vô cùng rực rỡ chói lòa, chiếu khắp cả Càn-khôn Vũ-trụ.
Ý nghĩa tại sao thờ con Mắt là thờ đức Thượng-Ðế sẽ được giải thích ở phần sau.

2) Ðạo là gì ?

Còn chữ Ðạo mà người đời thường gọi chung cho Ðạo Cao Ðài, Ðạo Phật, Ðạo Thiên Chúa .v.v...Có ý-nghĩa là Tôn giáo: Cao Ðài Giáo, Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo .v.v...Có Hội-Thánh, Giáo Hội, có Chức sắc để điều hành các tổ chức quản trị, hành chánh và qui điều luật lệ hầu hướng dẫn tín đồ noi theo, để tránh gây những điều ác đức,tội lỗi, và phải làm những việc lành cùng khuyến khích làm những việc từ thiện phước đức.
Chữ Ðạo (viết chữ hoa) ,vốn vô vi,vô hình,vô tướng,vô sắc vô thinh. Theo Giáo-Lý Cao Ðài, Ðạo cũng là Thượng-Ðế là Tạo-Hóa, không thể dùng ngôn ngữ văn tự mà tả ra được, cho nên Ðức Lão Tử mới gượng đặt tên là Ðạo. Ðạo là cái lý tuyệt đối rất huyền diệu của Trời Ðất, không thể dùng một danh từ tương đối nhị nguyên mà gọi tên được,nếu Ðạo mà có thể gọi được thì không phải là Ðạo Thường ,cái Ðạo vĩnh cửu ,bất biến tuyệt đối nữa.

"Ðạo khả Ðạo,phi thường Ðạo,
"Danh khả danh, phi thường Danh.
"Vô danh,Thiên Ðịa chi thỉ,
"Hữu danh,vạn vật chi mẫu.

(Ðạo Ðức Kinh ,Q.I )

tạm dịch :
"Ðạo (mà ta) có thể gọi được,không (còn) phải là Ðạo Thường
"Danh (mà ta) có thể gọi được, không (còn) phải là danh Thường.
"Không tên là gốc của Trời Ðất.
"Có tên là Mẹ của vạn vật\".
(Nguyễn Duy Cần dịch).

Có bài thi rằng :

"Ðạo rộng bao la chẳng bóng hình ,
"Không màu không sắc,cũng không thinh,
"Trang bằng im-ẩn thông cùng khắp;
"Trống rỗng không không chẳng đảo chinh ".

(đàn Chiếu-Minh)

Thánh Giáo Cao Ðài dạy :Ðạo là Hư Vô chi khí, là Tiên Thiên Chánh Khí có trước khi tạo Thiên lập Ðịa. Trong buổi hồng mông Vô Cực, có một Nguyên lý thiên nhiên, tuyệt diệu, tuyệt huyền, rồi lại có thêm cái Nguyên Khí tự nhiên nữa. LÝ với KHI ấy tức là Âm với Dương.
Trong buổi hồng nguyên thời đại LÝ KHI ấy lại lần lần ngưng kết với nhau mà đông tụ lâu đời nhiều kiếp thành ra một Khối Ðại Linh Quang rất đầy đủ các sự tốt đẹp, chừng đúng ngày giờ, khối ấy mới nổ tung ra một tiếng vang lừng dữ dội (mà khoa học ngày nay gọi là BIG-BANG) làm cho rung động cả không gian bèn có Một Ðiểm Linh Quang ,từ trong tiếng nổ ấy văng ra mà lăn tròn quây quần giữa chốn không trung, bắn tủa hào quang rất chiếu diệu rạng ngời, trùng trùng điệp điệp, rực rỡ chói lòa khắp cả mọi nơi. Ấy chính là Ngôi Chúa Tể của Càn Khôn Vũ-trụ đã biến hóa ra vậy.
Vũ-trụ từ đây mới bắt đầu có Ngôi Thái-Cực trọn lành,trọn tốt, toàn tri, toàn năng, thiên biến vạn hóa, vô tận vô cùng, nắm trọng quyền hành thống chưởng cả Càn-khôn Vũ-trụ và lấy cơ thể Âm Dương mà phân thanh biện trược, làm máy động tịnh để gom tụ cái Khí Hư Vô để hóa sanh muôn loài vạn vật. Máy âm dương ấy cứ vần vần xoay chuyển, không ngừng nghỉ một giờ khắc nào để dưỡng dục chúng sanh, bảo tồn Thiên địa Ðại Thừa Chơn Giáo, tr.175) .Vậy Ðạo là Hư Vô Chi Khí.

Trước đó, lúc mới khai Ðạo năm 1926 Ðức Chí-Tôn có giải về chữ Ðạo rất giản dị như sau :
* Ðạo là gì ? Sao gọi là Ðạo ?

- Ðạo tức là con đường để cho Tiên,Thánh đọa trần do theo đó mà phục hồi cựu vị .- Ðạo là đường của các nhơn phẩm do theo đó mà lánh khỏi luân hồi. Nếu chẳng phải do theo Ðạo thì các bậc ấy đều lạc bước mà mất hết ngôi phẩm. Ðạo ý nghĩa rất sâu xa, nhưng phải hiểu trước bao nhiêu đó rồi mới học các nghĩa huyền-bí khác cho đích xác đặng. (TNHT,tr.119/1972).

Về Ðạo Pháp "Cao Ðài "có huyền nghĩa là Côn-Lôn-Ðảnh hay là Nê-Huờn-Cung nơi đỉnh đầu con người thuộc về Thượng Ðơn-Ðiền. (Ðại-Thừa Chơn-Giáo).

" Thử hỏi CAO ÐÀI ở chốn nao ?,
Người tu trở lại, trở về đâu ?
Phải chăng tìm đến Cao Ðài Thượng,
Ðài Thượng Vô-vi tại đỉnh đầu ! ".


Cao Ðài là chỗ cao nhứt của mỗi chúng sanh,đức Thượng Ðế thường ngự nơi đó.Có chúng sanh tức là có Cao Ðài, không có Cao Ðài thì không có chúng sanh, mà không có chúng sanh thì không có Phật,Tiên, Thánh, Thần chi cả.
(Ðông Phương Lão Tổ)

Ai chưa xây đắp Cao Ðài thì hãy xây đắp,ai chưa tìm thấy Cao Ðài thì hãy tìm thấy,ai chưa gõ cửa Cao Ðài thì hãy gõ cửa, vì Cao Ðài là tâm của Vũ-trụ, là Thần, là gốc của con người. Cái có tên mà không tên,vì muôn loài vận vật đều sanh ra bởi đó,mà đó không bởi đâu sanh. Chính tên Cao Ðài cũng chỉ là tạm mượn, để chỉ cái gốc của con người cao quí nhứt, mà con người gọi là tâm linh,là Nê-hoàn, là Ngọc-châu Viên-giác, Liên Hoa Cung.
(Ðức Như-Ý Ðạo-Thoàn Chơn-Nhơn)

Danh từ Ðại Ðạo hay Cao Ðài xuất hiện trong thời kỳ nầy, thời kỳ Tam-nguơn Hạ-thế, không phải riêng cho nội bộ Cao Ðài mà phải toàn thể "Vạn Giáo Ðồng Nhứt Lý".
Ðạo không phải là Tôn-giáo, mà là "Ðạo Cứu Ðời" , Ðời là nhơn loại là con người.
Các Tôn-giáo hiện có, chỉ là các cấu tử, chớ chưa phải là Ðạo là Tôn-giáo cứu thế.
(Giáo Tông Lý Thái Bạch)
*
Cao Ðài không Cao Ðài, đó chính thị là Cao Ðài, Cao Ðài không tự nó phát sinh riêng cho Việt Nam hay bất cứ nước nào, không là của người nầy hay kẻ kia, không là Tây Ninh hay Bến Tre, không là Truyền Giáo hay Tiên Thiên -Cao Ðài là Cao Ðài thế thôi, chơn lý tự nó phủ nhận chơn lý.
(Giáo Tông Lý Thái Bạch)

3. Tu là gì ?

Người đời mỗi khi nghe nói đến chữ Tu là liên tưởng đến những người tu hành xuất gia, lìa bỏ gia đình cha mẹ, vợ chồng con cháu,vào Chùa Thất mà ở luôn nơi đó để tụng kinh gõ mõ hôm sớm công phu, phế hết nhơn sự.- Tu thì phải cạo đầu, mặc áo nâu sồng, bô vải, ăn uống đạm bạc khắc khổ. Ðó là hàng đại chí, đại tâm đã quyết chí xuất gia hiến thân tu học để cầu tự giác và giác tha thuộc hàng tu Ðại Thừa.

Mỗi khi nghe nói đến tu hay thấy người nào tu là cho rằng người đó phải là thật hiền lành,ôn nhu hòa ái, phúc hậu, không được làm điều gì sai quấy và khi bắt gặp những vị đó rủi ro có một vài sơ hở lỗi lầm, thì không dễ dàng khoan dung, vậy thì quá khắc khe.
Nhưng thật ra, nghĩa của chữ Tu rất giản dị Tu là sửa là trau giồi, là rèn đúc và bồi bổ những gì sai trái lầm lỗi, trước kia vì vô minh, mê muội chưa hiểu biết tội lỗi của mình đã gây ra.

TU là sửa, là trừ bỏ những gì đã trật đã sai, những thói hư tật xấu,hũ lậu phàm phu, u-trệ xưa nay, để trở nên con người Thánh thiện tánh nết hiền hòa,phúc hậu, tốt đẹp khả ái , từ hoà .
TU đó là rèn luyện thân tâm để trở nên con người đạo đức thuần thành, diệt trừ những tánh tham sân tật đố, ích kỷ độc tôn, độc đoán. Tu phải :
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Trừ cho được cái tên ảo vọng,
Trừ cho xong mầm móng lợi quyền,
Căn trần kết tập vô biên,
Thấy, làm, nghe, nói,đảo điên rán trừ .
Trừ ích kỷ riêng tư tính toán ,
Trừ mưu đồ độc đoán, độc tôn,
Cái mầm vị kỷ bảo tồn,
Có nhân , có quả, dập dồn nào sai \".

. . . . . . . . . . . . . . . . (Ðông Phương Lão Tổ)

TU phải mở rộng lòng từ bi, bác ái vị tha, thương người mến vật, giúp đỡ tùy theo khả năng, phương tiện để ban vui cứu khổ cho nhơn loại.
Sau cùng Tu cũng là bồi bổ những gì đã bị mất mát ở thân tâm để phục hồi sức khỏe và thần lực cho được dồi dào tráng kiện.
Ðó là bước lên lãnh vực Tu-luyện, nên Tu ở phần nầy là bồi bổ Tinh,Khí,Thần là 3 món báu (tam bửu) sẵn có ở trong thân con người cho được sung mãn đầy đủ ,để giúp người tu thân hành đạo được sáng suốt hầu hoàn thành sứ mạng vi nhân tại thế cho xứng đáng địa vị tam tài của con người \"Thiên hạ tối linh\". Thánh hiền xưa đều chú trọng ở công-phu "Bảo Tinh,Dưỡng Khí,Tồn Thần\" là mục đích của người Tu-luyện cuối cùng, để cầu tu giải thoát, trở về hiệp nhứt cùng Ðức Chí Tôn Thượng Ðế.

Trong quyển Ðại Thừa Chơn Giáo,trang 19 Thầy có dạy :
TU là bồi bổ Tinh,Khí,Thần cho đầy đủ, đức tánh cho hoàn toàn, bỏ nhơn dục tầm đường thiên lý thuận mạng, giữ thanh tịnh ôn hòa, chỗ nào sứt mẻ hư hao thì tô bồi cho đầy đủ .
LUYÊN là trau giồi cho sáng suốt hoàn toàn, giũa mài, rèn đúc trơn tru khéo léo .
Tu mà không Luyện thì chẳng khác chi một cục sắt không rèn làm sao thành một món khí giới ? Luyện là rèn, thì chẳng khác nào một cục sắt đó còn đương vô dụng, Luyện nó phải nướng cho nó cháy, rồi đập giũa, cạo gọt rèn đúc mới thành cái khí giới.
Người tu cũng thế, muốn cho huệ mạng tròn đầy sáng suốt, thì cần phải phanh-luyện, mài giũa ngày đêm cho thành Kim Thân, Phật Tử. - Ấy là phương pháp Tu-luyện.
Trong Ðại Thừa Chơn Giáo , Ðức Chí Tôn Thượng Ðế có dạy chữ tu như vầy :

Tu không biểu mặc đồ dà,
Cạo râu thí phát, bỏ nhà lìa con !
Ông bà cha mẹ đương còn ,
Phải lo báo đáp cho tròn hiếu trung,
Vợ chồng trọn nghĩa thỉ chung,
Giữ như sen mọc dưới bùn không dơ.
Làm như dốt nát dại khờ,
Ðừng cho kẻ thế rằng ngờ mình tu !
. . . . . . . . . . . . . . . . .
Ðại Thừa cắt ái ly gia,
Ly gia chẳng phải bỏ nhà đi đâu.
. . . . . . . . . . . . . .
Chớ nên ẩn núp núi xa,
Xưa nay các Ðạo hiểu ra rất lầm.
Ðạo đâu ? Ðạo ở nơi tâm
Thì đâu có phải kiếm tìm đâu xa !.


Thuyết trình: Chí-Dũng