Bi hài chốn pháp đình

Chửi bới, đuổi đánh Hội đồng xét xử, đập đầu, nhảy lầu tự tử, giả điên hay ăn vạ… là những chiêu một số đương sự và bị cáo sử dụng trước công đường.


Người đàn bà nhờ bảo vệ gọi cảnh sát bắt để được ở tù.

Buổi chiều cuối năm tại sân tòa án TP HCM, một người đàn bà luống tuổi trong dáng vẻ lếch thếch không ngớt khóc la và gọi tên vị chủ tọa phiên tòa ra mắng nhiếc. Bên cạnh, chồng của bà sau một hồi lăm lăm kiếm tìm Hội đồng xét xử cũng lăn đùng xuống đất xin được “xử tử hình” chứ không thể làm theo quyết định vừa được tuyên của bản án dân sự phúc thẩm.

Thấy bảo vệ và cán bộ tòa lại hỏi han, hai vợ chồng người này càng gào khóc to hơn và đề nghị gọi công an tới “bỏ tù chúng tôi đi, chứ xử chúng tôi trả lại tiền cho bên kia thì lấy đâu ra mà trả ”. Phải gần một giờ sau đó, khi công an phường đến khuyên can, giải thích, cả gia đình họ mới chịu bỏ về nhưng miệng vẫn không ngớt “ưu ái” gọi tên vị chủ tọa.

Còn tại những phiên tòa hình sự, mặc dù lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp luôn có mặt nhưng việc các bị cáo giở những “chiêu lạ” để đối phó với tòa không phải là hiếm.

Nguyễn Văn Tâm (16 tuổi) là công nhân ở TP HCM nhưng sau đó đuợc anh rể gọi về Bình Dương ở chung để cùng cạo mủ cao su. Trưa ngày 8/7/2006, khi thấy chị gái của người anh rể đang ngủ, và bé Thu (6 tuổi), con gái của chị này cũng đang yên giấc tại ghế salon, Tâm nảy sinh ý định đồi bại với cô bé.


Bị cáo Tâm trước khi đập đầu tự tử.

Mẹ bé Thu giật mình tỉnh dậy, không thấy con gái đâu liền đi tìm. Nghe tiếng động, Tâm vội vàng nằm xuống vờ ôm cô bé ngủ. Nhìn thấy váy của con gái tốc ngược, mẹ Thu liền gặng hỏi và cô bé đã kể lại toàn bộ sự việc. 6 ngày sau gia đình cháu bé làm đơn tố cáo đến công an, Tâm bị bắt và bị cấp sơ thẩm xử 12 năm tù về tội "hiếp dâm trẻ em".

Tại tòa phúc thẩm, biết mình bị bác đơn kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm, Tâm đã lao đầu vào cạnh bàn của Hội đồng xét xử rồi ngã vật ra trong vũng máu, nằm rên hư hử và đòi... "được xử lại" trước ánh mắt kinh ngạc của mọi người. Cũng may, do vết thương không nghiêm trọng và được cấp cứu kịp thời nên bị cáo này được di lý về trại giam ngay sau đó.

Tương tự, Võ Công Hoàng (21 tuổi, trú tại Đồng Nai) đã có hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, khi nhận mức án “tử hình” giành cho mình, bị cáo này lại “phản đối” bằng cách… nhảy lầu tự tử.


Tìm cách nhảy lầu nhưng không thành.

Nhà của Hoàng cho Công ty TNHH An Sinh thuê tầng trệt làm văn phòng giao dịch. Trưa 9/2/2007, Hoàng xuống vay tiền chị Linh, nhân viên công ty này nhưng chị Linh bảo không có. Tức giận, Hoàng lao vào bóp cổ chị đến chết rồi lấy toàn bộ trang sức trên người. Sau đó, hung thủ lôi xác nạn nhân ra mảnh đất sau nhà, lục giỏ xách lấy thêm được 600.000 đồng và một điện thoại di động.

Ngày hôm sau, do muốn thủ tiêu xác nạn nhân, Hòang mua xăng về nhà đốt. Nhưng do cái xác không cháy hết nên Hoàngdùng dao cắt rời từng bộ phận rồi cho vào bao chở đến cầu Đồng Nai phi tang.

Ngày 14/4/2008, tòa Tối cao tại TP HCM đã tuyên y án tử hình đối với Hoàng. Ngay sau đó, mặc dù chân bị xích, hai tay bị còng nhưng khi bị dẫn giải về trại giam, Hoàng bất ngờ phóng người qua cửa sổ định nhảy xuống lầu. Tuy nhiên, cảnh sát dẫn giải đã kịp thời túm được Hoàng.

Thế nhưng, những chiêu “đại náo” chốn pháp đình trên vẫn không thể so sánh được với Nguyễn Bảo Tuấn (31 tuổi), nhân vật được xem là “Chí Phèo thời hiện đại” bởi hành vi người này phản đối phiên xét xử mình.

Ngay từ khi bị dẫn giải từ trại giam, Tuấn đã không chịu mặc quần áo mà la hét cắn vào tay cảnh sát khiến họ phải vất vả lắm mới cưỡng chế được. Thế nhưng, chỉ một lúc sau, người này lại tiếp tục lôi mảnh thủy tinh đã thủ sẵn từ trước rạch vào cổ mình tóe máu.


Các chiến sĩ công an vã mồ hôi khống chế chàng "Chí Phèo" tại phòng xử án.

Chưa dừng lại ở đó, khi bước vào phòng xử án, Tuấn luôn miệng mắng chửi cảnh sát vì đã “làm đau tay” và không chịu mặc áo. Nhưng khi được nới lỏng tay, bị cáo liền vùng bỏ chạy khiến gần 20 cảnh sát phải thay phiên nhau liên tục canh giữ. Thấy Tuấn vi phạm nội quy, Hội đồng xét xử cho cách ly sang phòng bên để xử vắng mặt. Tại đây, Tuấn giở chiêu “giả chết” nằm im thin thít mặc "thế sự xung quanh" và mức án 4 năm tù tòa tuyên phạt.

Sau đó, Tuấn kháng cáo kêu oan. Tại phiên xét xử phúc thẩm, Tuấn “ngoan ngoãn” trình bày: “Ở phòng cách ly, do loa phát thanh của TAND quận 5 bị hư nên tôi nghe câu được câu mất, và tôi không được tranh luận hay nói lời sau cùng”.

Cuối cùng, xét thấy cấp sơ thẩm đã có sai sót về mặt tố tụng nên tòa phúc thẩm đã hủy phần bản án về người này để xử lại. Hôm đó, trên đường dẫn giải về trại giam, Tuấn cười rất tươi.

Một kiểu “quậy” khác được xem là “trí tuệ” và nhẹ nhàng nhất nhưng lại khiến Hội đồng xét xử thật sự bối rối khi quyết định bản án giành cho bị cáo.

Hơn 10 năm trước, Phan Huy Cường cùng đồng bọn đã thực hiện hàng chục vụ cướp táo bạo gây hoang mang trong xã hội. Trong đó, băng cướp này đã dàn cảnh giết giã man một người tài xế xe ôm để cướp xe. Năm 2002, công an đã bắt được toàn bộ thành viên của nhóm này. Vị “đại ca” sau đó đã bị tòa tuyên phạt án tử hình. Riêng “nhị ca” Cường trốn thoát và chỉ bị bắt theo lệnh truy nã.

Quá trình điều tra, Cường khai nhận tất cả hành vi phạm tội. Nhưng khi xét xử, bị cáo bỗng nhiên bị bệnh "ngây ngô" khiến cơ quan tố tụng phải trưng cầu giám định tâm thần. Tuy nhiên, kết quả xác định Cường "có biểu hiện bệnh giả chủ ý, không phải điều trị, có thể đem ra xét xử theo luật định".


Mặc cho HĐXX "độc thoại", Cường vẫn đứng bẻ tay cười ỏn ẻn.

Tại phiên tòa ngày 23/9/08, Cường vẫn giữ nguyên thái độ bất hợp tác. Suốt phiên xử, người này không trả lời câu hỏi nào của Hội đồng xét xử, mà chỉ đứng ngẩn ngơ nhìn trần nhà, bẻ tay, cười... mặc cho vị chủ tọa công bố các tài liệu, chứng cứ và bản cung mà mình đã nhận tội trước đó.

Cuối cùng, thấy Cường vẫn thể hiện bệnh“điên”, Hội đồng xét xử đành căn cứ vào hồ sơ vụ án mà tuyên phạt người này mức án chung thân về các tội "giết người" và "cướp tài sản". Thế nhưng, chỉ vài ngày sau trong trại giam, “người điên” này đã nhờ bạn tù viết đơn kháng cáo.

Tại phiên phúc thẩm, Cường tiếp tục “diễn” lại những hành vi như phiên tòa trước. Sau một hồi thẩm vấn không đến đâu vì bị cáo nhất định không mở miệng mà cứ… cười ỏn ẻn, Hội đồng xét xử buộc phải hoãn buổi làm việc để đưa Cường đi “kiểm tra sức khỏe” lại lần nữa cho... "chắc ăn”. Cũng như phiên tòa trước, bước khỏi phòng xử, Cường cúi đầu, cười mỉm.

(vnexpress)