Tìm hài cốt liệt sĩ bằng chiếc ’gậy thần’


- Hơn 20 năm nay, ở xã Hương Vân, huyện Hương Trà, Thừa Thiên - Huế, ông Trần Công Ngọc được nhiều người biết đến vì chuyên ăn cơm nhà vác “gậy thần” đi tìm hài cốt liệt sĩ. Đến nay, ông đã tìm được hàng trăm hài cốt liệt sĩ, đưa các anh về quê hoặc mai táng tại nghĩa trang.

Chúng tôi tìm về thượng nguồn con sông Bồ đến nhà ông Ngọc. Từ trong căn nhà cấp bốn bé nhỏ ra đón chúng tôi là một người đàn ông chừng 60 tuổi, nước da đen sạm, ông vừa trải qua gần một tháng trời ở Tây Nguyên và đang chuẩn bị đi tiếp, lần này là tìm hài cốt ở Quảng Trị.

Đi tìm hài cốt nhờ thoát bệnh ung thư

Năm 1989, ông Ngọc lập gia đình rồi lần lượt sinh 5 người con. Thời buổi bao cấp, đồng lương không đủ nuôi lũ con đông đúc, người con gái đầu lại bị bệnh viêm não, ông đành nghỉ việc để đi trầm. Đang ăn nên làm ra, đầu năm 1982 bệnh ung thư gan ập đến với ông. Ông nằm điều trị một năm ở Bệnh viện Trung ương Huế thì bệnh viện trả về. Bệnh tình không khỏi mà gia cảnh cũng kiệt quệ.



Ông Trần Công Ngọc.

Biết là rồi mình sẽ chết nhưng kinh nghiệm từ những lần đi rừng thôi thúc ông lên rừng tìm lá, rễ cây về tự chế biến làm thuốc uống.

Ông Ngọc nhớ lại: “Có một lần tui đi lấy thuốc chữa bệnh ung thư thì trời xui đất khiến đào được một loại rễ mà tôi đã tìm nát cả cánh rừng Xương hơn một năm trời không được. Đêm đó có người về báo mộng rằng phía dưới cây thuốc có hài cốt liệt sĩ. Sáng sớm tôi cầm một thanh sắt lên đâm xuống khu vực này, khi đâm thì đất rất mềm và đâm đến chừng một mét thì không xuống, tôi liền đào và phát hiện một hài cốt liệt sĩ được mai táng trong võng dù cùng nhiều dụng cụ khác”.

Ông Ngọc cho biết, sau một năm uống thuốc lá, rễ cây từ rừng Xương, nhất là khi uống rễ cây nơi tìm thấy hài cốt liệt sĩ nọ, bệnh ung thư bị đẩy lùi và cái “nghiệp” tìm hài cốt liệt sĩ của ông bắt đầu từ đây.


“Chiếc gậy thần” tìm hài cốt liệt sĩ

Để trả ơn rừng xanh cứu sống mình và tri ân người lính đã mách bảo đêm nào, hàng ngày, cơm gói muối đùm cùng một cây gậy sắt, ông lặn lội khắp nơi để khai lộ những hài cốt liệt sĩ đang nằm cô đơn đâu đó trong rừng. Bằng nhiệt huyết và kinh nghiệm bao năm tìm kiếm, ông Ngọc tìm được gần 50 hài cốt liệt sĩ xung quanh khu vực rừng Xương.

Dấu chân ông đã in trong các cánh rừng ở Thừa Thiên - Huế, sau đó ra Quảng Trị, Quảng Bình, rồi vào Bình Phước, Đắk Lắk… và cả Lào, Campuchia... Với ông, mỗi chuyến đi, đôi khi mất cả tháng trời, nhưng trèo đèo, lội suối, đói khát... không có gì khó khăn hơn là việc không gặp được hài cốt.




Ông Trần Công Ngọc cùng chiếc “gậy thần” và bằng kinh nghiệm đã tìm ra hàng trăm hài cốt liệt sĩ.

Chiếc “gậy thần” của ông Ngọc là một cây sắt dài cỡ 2m, to bằng ngón tay cái. Ông mài nhọn một đầu để dễ thọc xuống đất sâu, một đầu uốn cong thành vòng tròn. Ban đầu, đầu nhọn của gậy khi thọc trúng hài cốt thì cũng đâm xuyên qua và không phát ra tiếng. Vì thế, ông đã cải tiến bằng cách mài bớt đầu gậy để có thể phát hiện hài cốt dưới đất sâu được chính xác hơn.

"Mỗi lần thọc sâu xuống, nếu đụng hài cốt, áp tai vào đầu gậy còn lại sẽ nghe tiếng "tách’ rất rõ”, ông Ngọc cho biết.

Sau 20 năm, ông Ngọc đã tìm kiếm được hàng trăm hài cốt liệt sĩ. Không ít gia đình được ông giúp tìm thấy hài cốt thân nhân, họ đã bật khóc, mang ơn ông suốt đời.

Có gia đình trả ơn ông cả chục triệu đồng, người đề nghị mua xe máy cho ông, có người cho tiền xây dựng lại nhà cửa nhưng ông chưa bao giờ nhận của ai cái gì. Với ông Ngọc, việc tìm hài cốt liệt sĩ là nghĩa tình của người còn sống với người đã mất, vì niềm vui thanh bình cho thế hệ sau.


Gặp rắn trong hài cốt

Để tìm được hài cốt liệt sĩ, không ít lần ông Ngọc đối diện với cái chết. Một chuyến đi của ông kéo dài cả tháng trời nơi rừng sâu nước độc, không ít lần ông đã phải chịu đói, chịu khát nhưng khi phát hiện được hài cốt thì ông lấy cho bằng được mới về.

Ông Ngọc nhớ lại câu chuyện cách đây bốn năm, trong một lần cùng thân nhân liệt sĩ đi tìm hài cốt ở khu vực biên giới Việt - Lào, khi đã cất bốc xong 7 hài cốt trong một căn hầm và chuẩn bị về thì linh tính mách bảo ông là còn một hài cốt nữa.

Trời đã tối, ông nhất quyết ở lại ngày mai đào tiếp. Ngày hôm sau, mặc cho trời mưa tầm tã, ông ra lệnh cho mọi người phải lấy cho bằng được. Đến lúc qua sông, lũ kéo về, ông bị nước cuốn trôi nhưng may mắn níu được vào cây, mọi người phải dùng dây kéo lên.




Bằng khen ghi nhận thành tích của ông Ngọc trong việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.

Một chuyến đi để lại cho ông kỷ niệm khó quên nữa là gặp rắn trong hài cốt. “Cách đây 3 năm tui cùng cán bộ xã, huyện đi khai quật hài cốt liệt sĩ ở khu vực Khen Rờn thuộc huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế. Sau khi đào được khoảng 1m thì tìm thấy hài cốt được gói rất kỹ bởi một cái tăng và buộc xung quanh rất nhiều dây. Điều lạ là, hài cốt này được chôn bằng đá từ trên xuống và có rất nhiều hang.

Để lấy hài cốt, tui xuống dùng dao cắt tăng và các nuộc dây, bỗng thấy phía trong đụng đậy, tui nghĩ là chuột. Khi cắt đến phần ngực thì 6 con rắn hổ mang chúa bò ra xông thẳng vào người. Thấy vậy, anh em ở trên, người nắm tay, người nắm áo kéo lên. Mọi người trong đoàn chạy tán loạn. Để tiếp tục lấy hài cốt, tui chặt một cái cây chẻ đôi phần dưới, kẹp rắn vào và đưa chúng lên đi ra xa thả. Nhưng khi tiếp tục xuống lấy thì hai con rắn quay lại và một lúc sau chúng tự bò đi”.


Trải qua hơn 20 năm đi tìm hài cốt liệt sĩ, mọi khó khăn gian khổ ông đều vượt qua, chỉ có một việc làm ông rơi nước mắt, đó là khi tìm được các anh nhưng không có tên, có tuổi.

Ông Ngọc nghẹn ngào: “Các anh sinh ra được cha mẹ đặt tên nhưng giờ tìm thấy không tên không tuổi, muốn đưa các anh về với người thân nhưng không thể. Mỗi lần đưa các về anh về nghĩa trang đặt cái bia liệt sĩ vô danh, xót lắm”.

Bà Hồ Thị Diệp, vợ ông Ngọc, kể: “Từ khi ông đi tìm kiếm mộ liệt sĩ đến nay, công việc gia đình ông không làm cái gì cả, lâu lâu ông còn đưa người về nhà ăn ở. Ban đầu vợ chồng cũng hay lời ra tiếng vào nhưng dần dần tôi hiểu ra được việc ông làm. Mặc dù gia đình nghèo thật nhưng đem lại niềm vui cho mọi người, xoa dịu được phần nào nỗi đau của những người mẹ, người vợ, anh… có người thân chết trong chiến tranh, tui cùng các con vui lắm”.

Ước nguyện duy nhất của ông Ngọc hiện nay là thành lập được một câu lạc bộ đi tìm đồng đội. Thông qua câu lạc bộ, sẽ tìm kiếm được nhiều hài cốt liệt sĩ hơn, việc kêu gọi các nhà hảo tâm đóng góp để có kinh phí thực hiện những chuyến đi xa tìm kiếm các anh cũng sẽ dễ dàng hơn.

Đắc Thành