Chỉ hồng, chỉ đỏ là dịch chữ “hồng ty”, lấy tích “ông tơ bà nguyệt”, nói lên duyên nợ vợ chồng.
Theo sách thần tiên truyện thì vào thời Nguyên Hòa nhà Đường, có một viên quan đại thần rất giầu sang, thuộc vào hàng danh gia vọng tộc. Quan đại thần họ Chung tên Thôi, tự là Hi Minh, nổi tiếng là người có tài an bang tái thế.
Chung Thôi có người con trai tên Chung Hạo, nối nghiệp nho gia, mới 12 tuổi đã thông minh đĩnh ngộ, văn hay chữ tốt, khắp triều thần ai cũng khen. Tuy còn nhỏ, nhưng Chung Hạo chắc chắn sẽ trở thành danh nhân sau này, nên các bậc danh gia vọng tộc trong nước đều ước mơ có được con gái sắc tài để kén chàng rể Đông sàng. Chung Hạo thấy mọi người ngợi khen và kính trọng nên cũng đem lòng tự phụ trước mọi ssưc đẹp kiều diễm của giai nhân. Nhiều lúc chàng rầy la quở mắng bọn quan đại thần vui đùa, giới thiệu chàng với các tiểu thơ cùng lứa tuổi: “Sau này ta sẽ tìm một nàng quốc sắc thiên hương mới chịu sánh đôi”.
Một hôm, Chung Hạo theo cha vào rừng săn bắn, mải đuổi theo một chú thỏ nên lạc vào rừng sâu, chàng đi mãi không thấy lối ra mà mỗi lúc rừng càng hoang vu. Trời tối dần, chàng định leo lên cây cao để tránh tai họa của thú rừng.
Chàng vừa nghĩ vừa đi đến trước mặt. Bỗng dưới ánh trăng nghe suối chảy róc rách, chàng đang lúc đói khát, lần đến lấy nước uống. Chàng đưa mắt nhìn xa xa, dưới ánh trăng có một bà lão tóc bạc như sương ngồi se chỉ đỏ dưới ánh trăng vàng. Chung Hạo kính cẩn nói:
_ Tiểu nhân đi săn, lạc đường vào rừng sâu không biết đường về, xin hỏi lão bà đây là nơi đâu? Tại sao lão bà lại ngồi một mình se chỉ đỏ dưới ánh trăng.
Bà lão liếc nhìn Chung Hạo rồi đáp:
_ Đây là động tiên, ta là nguyệt lão, ta đang ngồi se duyên cho các đôi vợ chồng yêu nhau dưới trần gian.
Chung Hạo nghe thế lấy làm lạ hỏi:
_ Lão bà xe như vậy mà dưới trần gian trai gái yêu nhau sao?
Nguyệt lão đáp:
_ Phải, đây là dây tơ hồng, hễ ta se nhiều thì trai gái thương nhau nhiều, se ít thì trai gái thương nhau ít. Việc yêu đương ở dưới tần gian là quyền của ta. Ta muốn se đôi trai gái nào thành vợ chồng thì đôi trai gái kết duyên và không xa lìa nhau được.
Chung Hạo động tánh tò mò hỏi:
_ Lão bà có thể cho tiểu nhân biết sau này tiểu nhân sẽ kết duyên với ai không?
Lão bà đưa mắt nhìn vào cửa động, ở đó có một ông lão đang chăm chú nhìn vào cuốn sách dày cộm, nói:
_ Đó là việc của ông tơ. Công tử nên hỏi ông già kia.
Chung Hạo bước vào cửa động, cúi chào một ông già tóc bạc phơ hỏi:
_ Xin phiền lão trượng cho biềt tiểu tử sau này được xe duyên với ai?
Ông lão hỏi:
_ Công tử tên gì? Con ai?
Chung Hạo đáp:
_ Tiểu nhân tên Chung Hạo, con quan đại thần Chung Thôi, ở tại kinh thành nhà Đường.
Ông lão lật sổ bộ, tra cứu một hồi rồi nói:
_ Sau này công tử sẽ được se duyên với con gái mụ ăn mày ở chợ Đông, ở gần kinh thành, nàng tên Tố Lan.
Chung Hạo trố mắt nghìn ông lão:
_ Tôi là con quan đại thần, giàu sang nhất thế sao lại lấy con gái mụ ăn mày làm vợ. Xin ông đừng chế nhạo tôi.
Ông lão cười:
_ Công tử đừng nóng giận. Đó là duyên trời định.
Quá sức bất bình. Chung Hạo quày quả ra đi, không một lời từ giã. Trong lúc đó ông tơ vẫn cắm đầu tra cứu sổ bộ, bà nguyệt vẫn ngồi se chỉ đỏ không lơi tay.
Chung Hạo đội sương, đội gió chạy suốt đêm trong rừng, không cần lựa chọn hướng ra. May thay, trời tờ mờ sáng, chàng gặp đội quân của triều đình đang tỏa ra tìm kiếm. Về đến tư dinh của quan đại thần, chàng buồn bã biếng ăn biếng nói khi nghĩ thân phận một công tử phong lưu, tài kiêm văn võ phải lấy con gái mụ ăn mày ở chợ Đông làm vợ thì sống để làm gì.
Một hôm, Chung Hạo bảo với tên gia đồng cùng xuống chợ Đông để xem thử có mẹ con mụ ăn mày như ông tơ, bà nguyệt đã nói không. Khi đến nơi, quả thấy có mụ ăn mày rách rưới, hai mắt mù lòa, tay cầm bị, miệng van xin bố thí, đằng trước có một cô bé cầm tay dắt đi. Chung Hạo bảo tên gia đồng hỏi xem tên đứa bé là gì, thì được mọi người cho biết cô bé tên Tố Lan. Chung Hạo thất kinh, lòng buồn bã hơn trước, dắt tên gia đồng trở về dinh.
Một hôm, Chung Hạo nghĩ ra một cách táo bạo là giết chết con bé ăn mày kia đi để ông tơ bà nguyệt không thể se duyên chàng với con bé ăn mày kia nữa. Thế rồi, chàng lén đến chợ Đông một mình, tay cầm hòn đá lớn, thừa lúc con bé dắt mụ ăn mày đi tới cửa, chàng ném vào đầu con bé rồi cắm dầu bỏ chạy không cho ai thấy. Sau khi ném đá vào đầu con bé ăn mày, Chung Hạo cho người đi thăm dò. Bọn gia đồng về báo tin không thấy mẹ con mụ ăn mày đâu nữa, tin ấy làm cho Chung Hạo an tâm, trở lại vui vẻ nhơ cũ, trau dồi thi phú nổi tiếng là một danh nhân nơi kinh thành.
Thời gian trôi quên lãng, cho đến bảy năm sau, tại huyện Trúc Giang có con gái quan Thái úy nổi tiếng là một giai nhân sắc nước hương trời, có nghề cầm kỳ thi họa nổi tiếng, các công tử gần xa đến cầu thân nhưng chưa ai lọt được mắt xanh, nàng tên Tố Lan. Bấy giờ, Chung Hạo cũng chưa thành gia lập thất do tánh kiêu của chàng trước đây mà nhiều giai nhân đã cự tuyệt, nhân một hôm đến huyện Trúc Giang, Chung Hạo bấy lâu nghe đồn cũng muốn thử xem tiếng tăm của nàng Tố Lan có thực như mỹ nhân xuất chúng hay không. Chàng thuê một phòng trọ trước mặt phủ đường, thường ngày ăn mặc chỉnh tề, ra vào với phong độ nho sinh tuấn tú, khiến khắp vùng ai cũng chú ý.
Rồi một chiều, Chung Hạo thấy nơi ngôi biệt thự nhỏ phía phủ đường có bóng mỹ nhân tha thướt sau bức rèm the, hình như đang để ý đến chàng. Đoán chắc đó là Tố Lan, chàng tìm cách cầu thân, để được xem mặt người ngọc. Cuộc diện kiến bất ngờ xảy ra trong phòng khách của Tố Lan, trong lúc cha nàng đang bận việc công, mấy hôm chưa về. Từ ngày thấy mặt Tố Lan, Chung Hạo cảm thấy như say bởi nỗi nhớ nhung, yêu mến. Từ nét mặt hài hòa đến tánh tình hiền hậu, tài ba lỗi lạc, tất cả như ghi vào lòng chàng mối cảm hoài mà chàng chưa từng thấy trong lúc tiếp xúc với các mỹ nhân giàu sang khác. Chàng quyết định về nói với phụ thân chàng để tính đường mai mối. Quan thái úy thấy hai bên đã vừa đôi xứng lứa nên tác thành hôn nhân. Thế là Chung Hạo và nàng Tố Lan trở thành đôi uyên ương yêu nhau thắm thiết.
Một hôm, nàng Tố Lan gội đầu, Chung Hạo thấy vết thẹo lớn liền hỏi : «Người đẹp thế kia sao lại có vết thẹo như vậy?”. Tố Lan mỉm cười kể cho chồng nghe : « Lúc nhỏ thiếp là con của một bà ăn mày ở chợ Đông, trong lúc dắt mẹ đi ăn xin thì bị một chàng trai ném đá lớn vào đầu, làm thiếp ngất xỉu, nhờ bà con buôn bán cứu chữa, và hằng ngày cho tiền sinh sống. Sau đó, thân mẫu thiếp từ trần, thiếp được gửi cho quan Thái úy làm nghĩa nữ, được nuôi dưỡng tử tế, cho ăn học và giúp dưỡng phụ công việc bút nghiên nơi công đường. Trong thời gian đó, có nhiều công tử khắp nơi đến xin cầu thân nhưng dưỡng phụ thiếp không vừa ý kén rể. May mắn, chàng vừa ngỏ lời thì dưỡng phụ thiếp lại bằng lòng ngay. Chúng ta đẹp duyên ngày nay thật là duyên nợ.
Chung Hạo nghe nói nhớ lại chuyện cũ ở chợ Đông nơi kinh thành, giật mình nhớ lại tên Tố Lan cũng chính là tên cô gái ăn mày lúc trước. Chung Hạo yêu mến Tố Lan và tin tưởng vào việc thiên định, xem việc vợ chồng là duyên giai ngẫu, chàng cầm bút thảo mấy dòng thơ :

Có duyên ngàn dặm xa càng gặp
Không duyên tận mặt vẫn cách lòng
Uống trà xin trả ly không
Đô thành trống đã thì thùng về trưa
(Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ
Vô duyên đối diện bất tương phùng
Ẩm ngã trà hê hoàn ngã trãng
Đô thành huê cổ dĩ chinh đông
)