"Nếu ông cứ giữ hận thù với bị cáo thì quả đúng như người ta nói cứu vật vật trả ân, cứu nhân nhân trả oán", giọng vị chủ tọa đầy bức xúc. Dưới khán phòng, người đàn ông trong lớp áo tu hành bạc màu đứng trân người im lặng.

Trên gương mặt xương xẩu, ánh mắt ông Văn (37 tuổi) này lờ đờ nhìn bất động vào tấm lưng to bè của bị cáo trước mặt - Nguyễn Văn Lẹ (41tuổi). Thỉnh thoảng, mái đầu trọc đã lún phún tóc lại lắc lư làm hằn lên vết sẹo hình cánh cung, to như chiếc quạt nan úp lên thái dương của khổ chủ. Đó là hậu quả của một lần say khướt, ông Văn “tả xung hữu đột” với tất cả mọi người để cuối cùng gục ngã bởi cú hích quá đà của người đàn ông đang đứng trước vành móng ngựa.

Theo nội dung vụ án, Lẹ chơi thân với anh ruột của Văn từ hơn mười năm trước trong một “tập đoàn” chạy xe ba gác chở thuê. Tình bằng hữu giữa những con người khốn khó tuy chỉ được vun đắp bằng những lần chia sẻ cho nhau một con cá khô hay bát canh nóng, nhưng từ lâu họ xem nhau như máu mủ ruột rà.
Có lần Lẹ được bạn tâm sự về Văn - đứa em trai đang thất nghiệp, gia đình vì thế cũng gặp nhiều khó khăn, hục hặc. Nghe vậy, Lẹ kêu bạn giới thiệu Văn vào làm trong một tiệm rửa xe ở gần nhà (đường Lũy Bán Bích, quận Tân Phú). Tuy nhiên, chỉ được hơn tháng, do Văn hay uống rượu rồi quậy phá, gây gổ với nhiều người nên chủ tiệm cho nghỉ việc. Sau một thời gian thấy em tiếp tục vạ vật ở nhà, người anh đến nhà Lẹ năn nỉ xin cho Văn đi làm lại.

Vốn tính trượng nghĩa, lại thương cho hoàn cảnh của Văn, Lẹ đến xin chủ tiệm, và đứng ra bảo lãnh cho Văn, hứa sẽ giáo dục người này trở thành người tốt. Nể lời, cuối cùng ông chủ tiệm cũng đồng ý.

Giữa tháng 11/2008, trong một lần rửa xe cho khách, Văn làm bể ống nước, bị ông chủ rầy rà nên ấm ức trong lòng. Tối 23/11/2008, sau chầu nhậu bí tỷ với bạn bè, Văn quay về chỗ làm gặp ông chủ để nói chuyện “phải quấy”. Thấy Văn đã say, người chủ tiệm đứng dậy bỏ đi. Cho rằng ông chủ coi thường mình, gã say rượu bắt đầu chửi bới lung tung… khiến chủ tiệm phải gọi nhân viên kéo Văn ra ngoài, đồng thời điện cho Lẹ.

Đến nơi, thấy Văn say khướt, Lẹ yêu cầu Văn về nhà nghỉ ngơi. Tuy nhiên, Văn vẫn tiếp tục chân nam đá chân xiêu, miệng không ngớt chửi rủa ông chủ tiệm. Nói mãi không được, Lẹ bước đến kéo Văn về nhưng gã này vùng chạy rồi bất ngờ lấy cây xẻng gần đó đuổi đánh người bảo lãnh cho mình. Thấy vậy, mọi người xung quanh xông vào can ngăn, đoạt hung khí trên tay Văn. Còn Lẹ cũng ôm lấy người này đẩy ra ngoài đường khiến Văn ngã đập đầu xuống đất, bất tỉnh. Ngay sau đó Lẹ đã cùng mọi người đưa nạn nhân đi cấp cứu. Hậu quả, Văn bị chấn thương sọ não với thương tật lên đến 47%.

Đầu tháng 3, TAND quận Tân Phú đã tuyên phạt Nguyễn Văn Lẹ mức án 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội “vô ý gây thương tích” và phải bồi thường cho nạn nhân 50 triệu đồng. Không đồng ý với bản án, Văn kháng cáo đề nghị phải xử án giam đối với Lẹ và tăng tiền bồi thường cho mình đến hơn 110 triệu đồng dù tại tòa sơ thẩm đã đồng ý nhận 50 triệu đồng.

Và thế là tại phiên tòa phúc thẩm này, hai người đàn ông đã đứng ở hai “chiến tuyến” khi Văn nhất định yêu cầu tòa phúc thẩm “phải bắt nó đền thêm tiền cho tôi và cho nó vào tù, chứ xử án treo như thế là không được”. Còn Lẹ, trước vẻ hung hăng của những người trong gia đình Văn, vẫn một giọng đầy cam chịu: “Xin cho tôi được ở nhà để tôi đi làm kiếm tiền nuôi sống gia đình và bồi thường cho ông ấy”...

“Bị cáo đã phải đứng ra bảo lãnh để cho anh có việc làm. Đến lúc anh say rượu quậy phá bị cáo lại đập lại người ta. Việc bị cáo làm anh bị thương đã phải chịu tội và đồng ý bồi thường cho anh 50 triệu đồng rồi… Bây giờ anh khăng khăng đòi bắt người ta phải đi tù có hợp đạo lý làm người không?”, vị chủ tọa tiếp tục chất vấn Văn. Nhưng ông này chỉ ậm ừ, vẻ bất phục.

Dưới khán phòng, hai người chị của Văn tỏ rõ thái độ bực tức khi thấy em trai đuối lý trước HĐXX. Lập tức họ nhảy lên băng ghế gần bị hại nhất, liên tục khều nhéo Văn, nhắc: “Nói đi, bảo tòa phải bắt nó đi tù mới đúng tội. Bắt nó đền tiền vì mày phải bán đất để trị thương và phải lên chùa ở…” rồi “nói tòa bắt nó đưa tiền một lần, chứ đưa lắt nhắt là ném vào mặt nó đó…”.

Như một cái máy, Văn nhắc lại toàn bộ những câu nói đã được các chị “mớm”. Được thể, những người đàn bà càng ra sức “bạo ngôn” khiến phòng xử án như náo loạn. Chỉ đến khi chủ tọa yêu cầu người thân của Văn giữ trật tự nếu không sẽ đuổi ra ngoài thì họ mới yên lặng.

Được nói lời sau cùng, Nguyễn Văn Lẹ rơm rớm nước mắt: “Tôi cũng biết anh ấy bị thương nặng nhưng hoàn cảnh tôi quá khó khăn và tôi là lao động chính trong nhà. Ngày xưa chạy xe ba gác còn đỡ, nhưng từ khi bị cấm hoạt động, tôi đã phải chuyển sang chạy xe ôm để kiếm sống. Tôi hứa nếu kiếm được nhiều tiền sẽ đưa cho anh ấy trị bệnh”.

Ngày 30/6, cho rằng bản án sơ thẩm đã tuyên với Nguyễn Văn Lẹ là hợp tình, hợp lý, tại tòa các bên đã tự thỏa thuận tiền bồi thường là đúng pháp luật... tòa án TP HCM đã giữ nguyên bản án sơ thẩm

Phiên tòa kết thúc, Nguyễn Văn Lẹ mừng rơi nước mắt khi nhận được những cái vỗ vai chia sẻ của vài “đồng nghiệp” trong nhóm xe ôm. Nhận được những ánh mắt hằn học từ gia đình bị hại, họ lầm lũi bước nhanh, thở dài tiếc nuối cho một ân tình vừa đứt đoạn.