Phần 1: Cha Trời Mẹ Đất theo quan niệm các nước

MẸ ĐẤT - MẸ THIÊN NHIÊN


Mẹ Thiên Nhiên hay Mẹ Đất là tên gọi nhân cách hóa thế giới tự nhiên, đã sản sinh và nuôi dưỡng tất cả vạn vật và chúng sinh trên thế giới này, giống như thiên chức của một người Mẹ.



Khái niệm Mẹ Đất hay Mẹ Thiên Nhiên đã tồn tại từ rất lâu trong lịch sử loài người, các nền văn minh cổ của người Inca (châu Mỹ), Assyria, Babylon (Lưỡng Hà), Slavo, Roman, Greek (châu Âu), Ấn Độ, Trung Hoa (châu Á) đều có nhắc đến hình tượng Mẹ Đất. Khi ngôn ngữ ra đời thì các dân tộc đã có cách gọi khác nhau về khái niệm Mẹ Đất.

MẸ ĐẤT TRONG NỀN VĂN HÓA PHƯƠNG TÂY

Người phương Tây gọi Mẹ Thiên Nhiên (Mother Nature), xuất phát từ nguồn gốc tiếng Latinh chữ Natura có nghĩa là sinh sản.

Tiếng Anh thời Trung Cổ dùng Mother Eorth, sau đó là Mother Earth, để nhân cách hóa cho Mẹ Đất. Trong khi đó các nước Bắc Âu thì gọi là Jord Earth, có nghĩa là Nữ thần cai trị Trái Đất.

Trong tiếng Hy Lạp cổ đại khoảng 500 năm trước Công Nguyên đã dùng từ Mother Gaia với ý nghĩa là Mẹ Đất. Thần thoại Hy Lạp đã miêu tả Demeter nguyên mẫu là một vị nữ thần mùa màng, mang lại nguồn sống cho mọi sinh vật trên thế gian, và có đầy đủ quyền năng tượng trưng cho Mẹ Đất.

Theo quan niệm Kitô giáo thời Trung cổ, khái niệm Mẹ Đất không mang ý nghĩa của một Nữ Thần, mà chỉ là hình tượng nhân cách hóa cho Trần Gian, là một thế giới nằm ở giữa, thấp hơn Thiên Đàng và cao hơn Địa Ngục, tất cả đều do Cha Trời sinh ra.

MẸ ĐẤT TRONG NỀN VĂN HÓA CHÂU MỸ

Nền văn minh của người bản địa Algonquin ở Bắc Mỹ cho rằng có một bà Mẹ Tổ, sản sinh ra nguồn nước và mùa màng nuôi sống các loài sinh vật trên Trái Đất. Trong nền văn minh của người Inca ở Nam Mỹ có tên gọi Parchmama để gọi một nữ thần chúa tể của mùa màng và lương thực. Hơn nữa, tiếng Inca, Parchmama còn mang ý nghĩa như là Mẹ sinh ra vũ trụ.

Nếu Parchmama tượng trưng cho Mẹ Đất thì người Inca tôn vinh Inti là Cha Trời, là hai biểu tượng tối cao nắm quyền cai quản thế giới.

ĐẾ THIÊN ĐẾ THÍCH

Đến đất nước Camphuchia ngày nay, du khách thường đến thăm khu đền Angkor Thom và Angkor Vat, là hai khu di tích cổ xây dựng hoàn toàn bằng đá, được liệt vào một trong những kỳ quan của thế giới, giống như Kim Tự Tháp của Ai Cập, Điện Parthenon của Hy Lạp, Vạn Lý Trường Thành của Trung Hoa, vv . . .

Đền Angkor Vat được xây dựng vào đầu thế kỷ 12 để thờ Thần Visnu, gọi là Đế Thiên (Trời).


Angkor Vat

Đền Angkor Thom được xây dựng vào cuối thế kỷ 12. Nhưng Angkor Thom thì không còn là kiến trúc của tôn giáo Hindu nữa, mà nó lại mang nét kiến trúc của nền văn hóa Phật giáo. Đặc trưng của đền Angkor Thom là những nụ cười Bayon rất hiền hậu, và gọi là Đế Thích (Mẹ).


Angkor Thom

Mặc dù lịch sử dân tộc Khmer có nhiều cách lý giải về nguồn gốc của việc xây dựng hai ngôi đền này, nhưng xét về ý nghĩa tự nhiên, thì Angkor Vat tượng trưng cho Cha Trời, và Angkor Thom tượng trưng cho Mẹ Đất.

LINGA VÀ YONI

Khi nghiên cứu văn hóa tín ngưỡng Champa, người ta chú ý đến hai linh vật thờ luôn xuất hiện ở những nơi thờ tự cung kính nhất, đó là Linga (bộ phận sinh dục Nam) và Yoni (bộ phận sinh dục Nữ).


Linga ở Mỹ Sơn (Quảng Nam)

Bắt nguồn từ Ấn Độ giáo, thờ thần Shiva là Thượng đế Tối cao, là đấng sản sinh của thế giới. Thần Shiva hóa thân thành Âm và Dương, Âm biểu tượng của Mẹ và Dương biểu tượng của Cha, hình thành nên khái niệm của Cha Trời (Linga) và Mẹ Đất (Yoni), là nguồn gốc của tạo hóa. Do đó nếu bỏ qua về hình tướng của các linh vật này, thì chúng ta có thể hiểu thấu đáo về quan niệm thờ Cha Trời và Mẹ Đất chính là nguồn gốc của vũ trụ.


Yoni ở Mỹ Sơn (Quảng Nam)

KẾT LUẬN

Các dân tộc khác nhau trên thế giới, mang nét văn hóa tín ngưỡng riêng biệt, có trình độ phát triển khác nhau qua từng thời kỳ, nhưng đều có một quan niệm rất chung nhau về nguồn gốc của loài người, nguồn gốc của vũ trụ, và đều cho rằng được sinh ra từ hai chủ thể đầu tiên là Cha Trời và Mẹ Đất.

Các tôn giáo về sau ra đời tuy có cách giải thích khác nhau về nguồn gốc của vũ trụ, nhưng đều có điểm chung khuyên con người tu tập tiến hóa để cuối cùng quay về nơi xuất phát, trở về nơi mình sinh ra, trở về ngôi nhà của chính mình, nơi đó có Cha và Mẹ đang chờ đợi.