Khách làng chơi Liễu Vĩnh- ’ông vua chốn lầu xanh’

(Thâm cung bí sử) - Cũng vì Liễu Vĩnh nổi tiếng khắp cả nước nên thời bấy giờ, các kỹ nữ không ai không biết tiếng ông. Thậm chí, nếu như có cô kỹ nữ nào nói rằng không biết Liễu Vĩnh là ai sẽ bị chúng bạn cười cho là kẻ hủ lậu giống như thời nay người ta nói rằng không biết Micheal Jackson vậy…
Liễu Vĩnh tên thật là Tam Biến, tự là Kỳ Khanh, là người Sùng An, tỉnh Phúc Kiến. Do Liễu Vĩnh là con thứ 7 trong nhà nên còn gọi là Liễu Thất. Liễu Vĩnh làm quan tới chức Đồn điền Viên ngoại lang vì thế người ta còn gọi ông là Liễu Đồn Điền.

Ngoài ra, Liễu Vĩnh từng làm qua chức Dư hàng lệnh, Hiểu Phong Diêm trường Đại sứ (Quan cai quản ruộng muối Hiểu Phong ở Xương Quốc Châu), Giám sát Chế diêm (giám sát việc sản xuất muối).

Cũng vì thế, Liễu Vĩnh là người rất thấu hiểu tình cuộc sống khổ cực của các diêm dân. Ông từng có một bài thơ có tên là “Chử hải ca” (Bài ca nấu biển) kể lại cuộc sống vất vả của những người làm muối.

Liễu Vĩnh thuộc loại người đa tình và bốc đồng, mà một khi bốc đồng có thể chọc cho hoàng đế giận tới chết mới thôi. Việc Liễu Vĩnh cả đời lưu luyến chốn hồng nhan cũng có liên quan trực tiếp tới tính cách này của ông.

Gia tộc Liễu Vĩnh nhiều đời đỗ đạt, từ cha, chú, anh, con cho tới cháu đều đỗ tiến sĩ. Để không thua kém những người khác trong gia đình, Liễu Vĩnh cũng “sôi kinh nấu sử” chờ ngày tham dự khoa thi để được có tên trên bảng vàng.

Tuy nhiên, Liễu Vĩnh là kẻ tài hoa, đặc biệt trong việc điền từ lại không chịu kết giao với những kẻ quyền quý vì thế chẳng có bao nhiêu mối quan hệ trong xã hội thượng lưu. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn tới con đường làm quan của Liễu Vĩnh sau này.



Liễu Vĩnh tên thật là Tam Biến, tự là Kỳ Khanh, là người Sùng An, tỉnh Phúc Kiến. Do Liễu Vĩnh là con thứ 7 trong nhà nên còn gọi là Liễu Thất.

Kỳ thực, Liễu Vĩnh mặc dù là người thanh cao, song mộng ước làm quan vẫn rất lớn. Khi còn trẻ, lần đầu tiên tới trường thi, do luống cuống mà bị trượt. Tới lần thứ hai, dù đã bình tĩnh hơn song dường như vẫn chưa phát huy được hết thực tại, Liễu Vĩnh lại bị trượt.

Có lẽ lần thi trượt thứ hai này là một cú sốc rất lớn đối với Liễu Vĩnh. Tuổi trẻ bồng bột, lại không biết giữ mồm giữ miệng, Liễu Vĩnh đã viết một bài thơ oán thán cho thân phận mình, đặt tên là “Hạc xung thiên”.

Trong bài thơ này có câu rằng: “Nhẫn bả phù danh, hoán liễu thiển đê xướng” (tam dịch: nỡ lòng nào lấy cái công danh phù phiếm để đổi lấy những thú vui cuộc đời). Câu thơ này của Liễu Vĩnh coi chuyện công danh khoa cử chẳng bằng chén rượu, bài hát, những thú vui của kẻ phong lưu thời bấy giờ.

Điều này cũng có thể “suy rộng ra”, Liễu Vĩnh đang chỉ trích chế độ khoa cử của triều Đại Tống không đáng một đồng tiền, là một sản phẩm thất bại.
Viết xong bài thơ này, Liễu Vĩnh đương nhiên cảm thấy vô cùng sảng khoái, trút hết bực dọc do bị đánh trượt tới hai lần. Tuy nhiên, bài thơ của Liễu Vĩnh khiến nhiều người cảm thấy khó chịu. Trong số những người ấy, không may mắn cho Liễu Vĩnh lại có một người không thể coi thường, ấy là hoàng đế Đại Tống.

Nguyên nhân cũng vì bài “Hạc xung thiên” nổi tiếng quá nhanh, chỉ vài ngày sau đã được truyền tới kinh thành và nằm trên bàn của Tống Nhân Tông. Thực chất, Tống Nhân Tông là một kẻ rất mến trọng hiền tài.

Từ Phạm Trọng Yêm, Âu Dương Tu, Phú Bật, Vương An Thạch, Tư Mã Quang, Tô Thức… những người nổi tiếng trên văn đàn Đại Tống đều xuất hiện và có những cống hiến quan trọng trong thời kỳ Tống Nhân Tông trị vì.
Bài thơ của Liễu Vĩnh chẳng bằng một bản án, phủ định toàn bộ công tích cả đời của ông ta hay sao? Vì thế, nếu nói rằng, Tống Nhân Tông không tức giận mới là chuyện lạ.

Ba năm sau, Liễu Vĩnh lại tới kinh thành tham gia ứng thi. Lần này, Liễu Vĩnh không còn run, cũng phát huy hết được khả năng vì thế vượt qua được vòng khảo thí, chỉ chờ hoàng đế đánh dấu để ghi tên lên bảng vàng.

Không ngờ, Tống Nhân Tông khi xem trong danh sách những người đỗ năm đó nhìn thấy tên của Liễu Vĩnh. Chuyện năm xưa bỗng nhiên trở lại, Tống Nhân Tông lập tức nổi giận cầm bút gạch bỏ tên của Liễu Vĩnh, đồng thời viết sang bên cạnh:

“Đã đi uống rượu nghe hát, còn cầu công danh phù phiếm mà làm gì?” Sau đó, Liễu Vĩnh dù tiếp tục tham gia thi rất nhiều lần song vẫn không đỗ được tiến sĩ.

Một vì không có việc, hai là vì không có tiền mà một người chỉ biết viết thơ điền từ như Liễu Vĩnh thì cũng chẳng biết kiếm việc gì để làm ra tiền. Tín tới tính lui, Liễu Vĩnh đành phải tới khắp các thanh lâu kỹ viện viết các bài từ cho các cô kỹ nữ ở đây hát để kiếm chút tiền “nhuận bút”.

Tuy nhiên, là một kẻ sĩ, lại là con nhà dòng dõi, Liễu Vĩnh luôn miệng nói rằng, mình “phụng chỉ hoàng đế mà làm công việc điền từ”. Dẫu sao, Liễu Vĩnh vẫn là một từ nhân (người viết từ) xuất sắc bậc nhất trong lịch sử Trung Quốc.

Cho tới nay, Liễu Vĩnh chỉ để lại khoảng hơn 200 bài từ, tuy nhiên, ông đã dùng tới hơn 150 điệu từ mà trước đó chưa từng xuất hiện. Ngoài ra, riêng những điệu từ do ông cải biên từ các điệu cũ hoặc tự sáng tạo ra đã có tới 17-18 điệu.

Đây được coi là một cống hiến quan trọng của Liễu Vĩnh đối với việc giải phóng và thúc đẩy sự phát triển của thể loại từ, thể loại thành công nhất trong thời kỳ nhà Tống. Hơn nữa, trong các điệu từ của Liễu Vĩnh thường xuyên sử dụng các từ ngữ thông tục, thậm chí là khẩu ngữ, vì thế được lưu truyền rất rộng rãi, dễ đọc, dễ hát.

Cũng vì Liễu Vĩnh viết từ nổi tiếng khắp cả nước nên thời bấy giờ, các kỹ nữ không ai không biết tiếng ông. Thậm chí, nếu như có cô kỹ nữ nào nói rằng không biết Liễu Vĩnh là ai sẽ bị chúng bạn cười cho là kẻ hủ lậu giống như thời nay người ta nói rằng không biết Micheal Jackson vậy.

Thời bấy giờ, giới kỹ nữ trong thành còn truyền tai nhau một khẩu hiệu rằng: “Không muốn mặc gấm lụa, chỉ cần dựa vào Liễu Thất ca; Không cần chiếu của quân vương, chỉ cần được Liễu Thất gọi; Không cần vàng ngàn cân, chỉ cần được lòng Liễu Thất; Không cần gặp thần tiên, chỉ cần được quen biết với Liễu Thất”.

Được yêu chuộng như vậy, đương nhiên Liễu Vĩnh không hiếm những cuộc tình với các ca nữ nổi tiếng. Trong bài “Giang Tây nguyệt” Liễu Vĩnh viết rằng: “Trêu chọc Sư Sư là quen thuộc nhất, Hương Hương quyến rũ đa tình, Chung Chung với ta cũng là chỗ thân thiết…”

Ở đây, Sư Sư, Hương Hương, Chung Chung chính là 3 kỹ nữ nổi tiếng đương thời: Trần Sư Sư, Triệu Hương Hương và Từ Chung Chung. Thực tế thì ba người này chỉ là những người tương đối nổi tiếng, được nhiều người biết tới trong số những tình nhân không thể đếm xuể của Liễu Vĩnh mà thôi.

Vì thế, Liễu Vĩnh cả đời sống phóng túng, không giỏi làm ăn, chẳng có nhà cửa gia sản, toàn bộ cuộc sống đều do các “hồng nhan tri kỷ” này chu cấp. Nếu không vì những cô kỹ nữ đều yêu thích từ của mình, có lẽ Liễu Vĩnh đã chết đói trên phố từ lâu.

Ở chốn thanh lâu, Liễu Vĩnh có được sự tôn trọng, có tiền sống, lại có được hồng nhan tri kỷ, do vậy, cả đời Liễu Vĩnh cũng không cần tới cuộc sống hôn nhân.

Thực tế thì Liễu Vĩnh cũng có một thời gian cùng chung sống với người khác. Lúc bấy giờ, tại Giang Châu có một kỹ nữ nổi tiếng tên là Tạ Ngọc Anh. Họ Tạ không chỉ sinh đẹp mà tài năng văn chương cũng có thể gọi là hiếm có đặc biệt lại rất yêu thích những bài từ do Liễu Vĩnh viết.

Liễu Vĩnh sau đó từng đổi tên và tham gia thi mới đỗ được tiến sĩ, tuy nhiên chỉ được phong làm quan huyện Dư Hàng. Trên đường đi qua Giang Châu, theo thói quen lại lân la tới chốn thanh lâu kỹ viện mới quen biết với Tạ Ngọc Anh.

Khi vào phòng của Tạ Ngọc Anh, Liễu Vĩnh mới nhìn thấy trên giá sách có một cuốn “Các bài từ mới của Liễu Thất”. Đây là cuốn sách tập hợp những bài từ của Liễu Vĩnh do Tạ Ngọc Anh kỳ công ngồi chép lại.

Liễu Vĩnh biết rằng mình đã gặp được hồng nhan tri kỷ vì thế hai người trò chuyện rất tâm đầu ý hợp. Trước khi chia tay, Liễu Vĩnh viết một bài từ mới nói rằng sẽ không bao giờ thay đổi tình cảm với Tạ Ngọc Anh. Tạ Ngọc Anh cũng thề rằng từ nay sẽ đóng cửa không tiếp khách nữa, chỉ đợi một mình Liễu Vĩnh mà thôi.

Liễu Vĩnh trị nhậm ở Dư Hàng 3 năm, tiếp tục kết giao với rất nhiều kỹ nữ danh tiếng khác, tuy nhiên vẫn không quên được Tạ Ngọc Anh. Hết nhiệm kỳ, Liễu Vĩnh trở về kinh, trên đường qua Giang Châu lại quay lại gặp Tạ Ngọc Anh không ngờ bắt gặp việc Tạ Ngọc Anh vẫn tiếp khách.

Liễu Vĩnh giận lắm, cầm bút viết một bài lên bức tường hoa ngoài cổng thuật lại nỗi nhớ trong 3 năm xa cách, đồng thời thể hiện nỗi buồn khi Tạ Ngọc Anh không giữ lời hứa năm xưa.

Viết xong liền bỏ đi. Khi Ngọc Anh trở về, thấy bài từ của Liễu Vĩnh mới cảm thấy hối hận bèn bán hết cả gia sản lên Đông Kinh tìm Liễu Vĩnh. Sau nhiều tuần vất vả, Tạ Ngọc Anh tìm thấy Liễu Vĩnh tại nhà của Trần Sư Sư. Từ đó, hai người sống cuộc sống như vợ chồng ở ngay trong nhà của Trần Sư Sư.

Sau nhiều năm sống phóng túng ở khắp các chốn thanh lâu, cuối cùng, Liễu Vĩnh đã chết trong nhà của kỹ nữ Triệu Hương Hương. Do không vợ không con cũng chẳng có bạn bè trong giới quan lại vì thế, sau khi Liễu Vĩnh qua đời, chẳng có ai thân thích lo liệu.

Triệu Sư Sư, Trần Sư Sư cùng những ca nữ một thời gắn bó với Liễu Vĩnh bèn góp tiền để lo đám tang cho ông. Ngày đưa tang ông, toàn bộ kỹ nữ trong thành Khai Phong nghỉ tiếp khách một ngày tới tham dự tang lễ của ông.

Tạ Ngọc Anh là người thân thiết nhất với Liễu Vĩnh vì thế cũng là người đau xót nhất trước cái chết của ông. Hai tháng sau khi Liễu Vĩnh qua đời, Tạ Ngọc Anh cũng mắc bệnh mà chết.

Trần Sư Sư và Triệu Hương Hương đã chôn cất Tạ Ngọc Anh ngay cạnh mộ của Liễu Vĩnh để hoàn thành tâm nguyện của hai người khi còn sống. Là khách làng chơi mà tới khi chết còn được các kỹ nữ lo lắng, Liễu Vĩnh chẳng hổ danh là “ông vua trong chốn thanh lâu”.

Kỳ II: Khách làng chơi cả gan tranh kỹ nữ với Hoàng đế