“Thần y” lộng hành gây họa!
12:45, 07/09/2010




Mặc dù ánh sáng khoa học đã soi rọi đến từng ngõ ngách của cuộc sống, trong đó y học nói riêng đã làm rõ cơ chế, nguyên nhân gây ra bệnh tật cùng các phương pháp điều trị. Nhưng vẫn có những "thần y", chữa bệnh bằng những cách kỳ quái, thậm chí có những cách còn trực tiếp gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Và nhiều bệnh nhân vẫn tin tưởng, chầu chực, cầu khẩn để mong được "thần y" chữa lành…



“Thần y”… nokia!

Mới chỉ đầu năm ngoái thôi, người dân thị xã Buôn Hồ, huyện Krông Buk nói riêng và người dân tỉnh Đắk Lắk nói chung, hầu như ít nhiều ai cũng có lần nghe đồn về một phụ nữ, chủ một sạp bán trầu cau, đồ cúng bái ở chợ trung tâm thị xã Buôn Hồ, bất ngờ được "thánh" trên núi Ngũ Hành Sơn, là Tôn Nữ Hoàng Anh (?!) nhập vào người rồi ban cho quyền năng chữa lành tất cả các loại bệnh, từ ung thư đến tiểu đường, từ xơ gan đến HIV, nghĩa là những bệnh mà y học hiện đại hầu như... bó tay. Điều đặc biệt nhất là bà "thần y" này chữa bệnh bằng... điện thoại di động, thế mới oách!

"Thần y" tên thật là Phạm Thị Kim Oanh, nhưng thường được gọi là bà Tám Bin. Ngoài ra, bà còn được kêu bằng bà Tám “chập mạch" vì bà có đứa con phát triển không bình thường. Bản thân bà cũng thế. Trước khi trở thành... "thần y", gặp ai bà cũng mời xem bói. Năm nay khoảng 60 tuổi, "thần y" Tám “chập mạch” da ngăm đen, hình dáng đẫy đà, tóc tém. Vì bệnh nhân đến đông quá nên "thần y" phải lên lịch chữa bệnh: Thứ Hai chữa bại liệt, thứ Ba chữa bệnh do ma nhập, thứ Tư chữa bệnh câm, thứ Năm chữa bệnh cho trẻ em, thứ Sáu và thứ Bảy chữa bệnh nan y, Chủ nhật chữa mắt. Và vì đã là "thánh" nên bà Tám “chập mạch” chữa bệnh không lấy tiền, chỉ nhận hoa quả, nhang đèn và phong bì "công đức" thôi!

Ông Nguyễn Văn Thịnh, một nạn nhân của "thần y", phải chuyển về điều trị ở Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Saigon ITO, kể: "Mỗi ngày có hàng trăm người từ nhiều nơi tụ tập về nhà bà Tám ở khối 10, thị xã Buôn Hồ để chữa bệnh. Tui do vác nặng nên bị cụp xương sống, nghe lời đồn nên thuê xe đến gặp bả. Mất 2 ngày chầu chực, tui mới được bả chữa".

Vẫn theo ông Thịnh, thì sau khi hỏi han qua loa vài câu về triệu chứng, "thần y" Tám “chập mạch” cầm chiếc điện thoại hiệu Nokia, đời... hồi đó, chĩa vào mặt, vào lưng ông rồi bấm phím toanh toách. Chưa hết, "thần y" còn chĩa điện thoại vào mặt ông và thổi phù phù nữa. Trời ạ! Cuối cùng, bà rót một ly nước đựng trong chiếc bình cáu bẩn, đặt dưới chân bàn thờ cho ông uống. "Thần y" giải thích: "Thánh theo sóng điện thoại vào người, đau đâu hết đó. Ông ra bàn thờ thắp nhang vái cảm tạ thánh đi".

Sau 3 lần chữa, tốn hết mớ trái cây, nhang đèn cùng 300 nghìn tiền công đức mà đau vẫn hoàn đau, con trai ông Thịnh đang học đại học ở TP HCM hay tin, nên đã đưa ông về, vào bệnh viện. Kết quả chẩn đoán ông bị thoát vị đĩa đệm đốt sống.

Bà Mai Thị Ngọc Nga, ở Quảng Ngãi, trong thư phản ảnh gửi Chuyên đề ANTG, viết: "Bữa tui đến, có khoảng gần 60 người cơm nắm cơm gói chờ được "thần y" chữa bệnh. Hễ người này vừa đặt nhang đèn, hoa quả lên bàn thờ, vái lạy xong thì một người đàn ông tuổi trên 40, có lẽ là người nhà của "thánh", liền lập tức bê ngay vào trong lấy chỗ cho người khác cúng".

Chẳng hiểu có sự sắp đặt nào trước hay không, mà người bệnh khi gửi xe ở bãi giữ xe, hoặc vào ăn uống ở những hàng quán quanh đó, sẽ được nghe những mẩu chuyện, đại loại như: "Con bé Năm ở Đồng Nai, câm từ hồi nhỏ. Sau khi được "thánh" chữa", nó mượn điện thoại gọi ngay về nhà, nói chuyện... như sáo (?!)", hoặc: "Ông Chín ở Nha Trang bị ung thư gan giai đoạn cuối, bệnh viện nào cũng chê. Bữa tới đây, ổng phải có người khiêng. Vậy mà chỉ 3 lần được "thánh" chữa, ổng ra quán tui, nhậu... phà phà 2 xị rượu đế, khỏe re".

Vẫn theo bà Nga, sau khi nghe bà khai bệnh, "thần y" phán: "Ngươi bị vong nhập. Cái vong này mạnh lắm nhưng không sao. Gặp ta thì vong nào cũng phải chạy". Nói dứt lời, "thần y" nhảy loi choi như con khỉ mắc phong quanh người bệnh, vừa nhảy vừa niệm thần chú. Một lát, có lẽ mệt, "thần y" cầm lon nước yến để cạnh bàn thờ, nốc cái ực rồi móc điếu thuốc Con Ngựa (White Horse) ra, mồi lửa, hít một hơi dài. Bà Nga, viết tiếp: "Chỉ tội nghiệp cho những người ở xa, nằm ngồi vật vạ trong những chiếc lều bạt che tạm. Chỉ tính riêng tiền giữ xe, tiền bán cơm ăn, nước uống, hoa quả, nhang đèn cho "bệnh nhân", mỗi ngày bà Tám cũng kiếm cả triệu đồng".


Công an Đồng Tháp chuẩn bị vớt xác nạn nhân bị "thầy" Tuấn cắt đầu luyện "linh đan".


Trước sự phản ảnh của người dân về hành vi chữa bệnh theo kiểu mê tín dị đoan của bà Oanh, Công an thị xã Buôn Hồ đã mời bà lên làm việc. Sau đó, bà đã viết cam kết chấm dứt. Tuy nhiên, sau một thời gian đi khỏi địa phương, bà lại quay về và lại lén lút hành nghề. Một cán bộ lãnh đạo thị xã Buôn Hồ cho biết, chính quyền địa phương kiên quyết dẹp bỏ tụ điểm chữa bệnh này, đồng thời giao cho Lực lượng Công an kiểm tra ráo riết để bà Oanh không còn cơ hội tái phạm.

Trên đây chỉ là một trong hàng trăm "thánh", "cậu", "ngài", "mẫu"..., đã và đang hành nghề chữa bệnh theo kiểu mê tín dị đoan ở nhiều địa phương trong cả nước. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đại đa số các "thần y" đều là người ít học, và nguyên nhân trở thành "thần y", là sau một cơn bạo bệnh, được "ngài" nào đó nhập vào, hoặc nằm mơ thấy "ngài" về, ban cho quyền năng chữa lành các loại bệnh tật.

Có "thần y" còn thêu dệt cho mình một huyền thoại, chẳng hạn như đi làm ruộng, cuốc phải bộ xương người, sau khi rửa ráy bộ xương sạch sẽ rồi cúng bái, chôn cất, thì được "ngài độ". Cách chữa bệnh của các loại "thần y" này cũng rất kinh dị: Dùng lửa dí vào thân thể bệnh nhân để đuổi "tà", dùng dao cắt vào chỗ đau, đấm đá, dẫm đạp lên người bệnh nhân để "trục vong". Nhẹ nhàng nhất là cho uống nước tàn nhang, nước tro đốt từ những lá bùa!

Thậm chí có "thánh" còn cắt đầu bệnh nhân như đã xảy ra trước đây ở tỉnh Đồng Tháp, và Tòa án Nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã tuyên phạt Trần Văn Tuấn mức án tử hình, phạt Trần Thị Thể án tù chung thân vì hành nghề mê tín dị đoan gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Cả hai là thầy cúng. Khi có 4 phụ nữ đến xin giải hạn, yểm bùa, Tuấn và Thể đã giết những người này, cắt đầu để "luyện linh đan".

Về phía bệnh nhân, phần lớn cũng là những người mắc bệnh nan y, hoặc bị các dạng bệnh tâm thần. Theo một khảo sát của Bệnh viện Tâm thần TP HCM thì trước khi đến bệnh viện, có bệnh nhân đã từng đến tìm các "thánh", các "cậu", các "mẫu". Bác sĩ Đào Trần Thái, chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần - Đại học Y Dược TP HCM, cho biết: "Điều đặc biệt là một số bệnh nhân vừa điều trị Tây y, lại vừa tiếp tục nhờ "thần y" chữa rồi khi ổn định, có người vẫn cứ tin rằng mình lành là do "thánh", chứ không phải do thuốc".




Chết vì "thần y"

Khó có thể thống kê hết được số nạn nhân chết vì những cách chữa bệnh kỳ quái, kinh hoàng của các "thần y" bởi lẽ nhiều gia đình, khi thân nhân của mình từ trần, thì thường nghĩ rằng do "số mệnh", hoặc vì sự dọa dẫm của "thánh", rằng "thánh gọi về hầu ngài", nếu làm lớn chuyện thì "thánh" sẽ vật cả 3 đời", nên họ lặng lẽ mang về chôn cất. Vì thế, phần lớn những vụ việc bị phát hiện thường là bởi sự tố giác của người dân địa phương.

Bà Nguyễn Thị X., 61 tuổi, ở Long An bị bệnh tâm thần. Gia đình đã đưa đi điều trị ở nhiều nơi nhưng bệnh tình không mấy thuyên giảm. Nghe nói có "thầy" Tuấn - tức Võ Anh Tuấn, sinh năm 1954 ở thị xã Tân An, tỉnh Long An, được "thánh" nhập, ban cho quyền năng chữa lành bách bệnh nên gia đình đưa bà đến, nhờ "thầy" chữa.

Sau khi tiếp xúc với bệnh nhân, "thầy" Tuấn phán rằng bà bị "người cõi dưới theo ám". Và để đuổi "người cõi dưới", "thầy" Tuấn bắt bà X. ngồi xuống, rồi nói người nhà trói chặt bà lại. Tiếp theo, "thầy" dùng vải trùm kín người bà và đốt lửa lên... xông! Kết quả bà X. bỏng nặng, tử vong sau đó còn "thầy" Tuấn bị Tòa an Nhân dân tỉnh Long An xử phạt 4 năm tù về tội hành nghề mê tín dị đoan, gây hậu quả nghiêm trọng.

Một trường hợp khác: Thấy con mình là cháu T. bị bệnh tiêu chảy cấp, thay vì đưa cháu vào bệnh viện, vợ chồng anh H. ở huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh đã chở con mình đến gặp "thầy" Châu Thị Nhâm ở huyện Hòa Thành, Tây Ninh.

Sau khi phán rằng cháu T. bị "vong" nhập, "thầy" Châu Thị Nhâm cho cháu uống nước tro đốt từ mấy lá bùa. Được vài ngày, cháu T. chết vì trụy tim mạch do mất nước, rối loạn điện giải. Thế nhưng, "thầy" vẫn mạnh miệng tuyên bố với vợ chồng anh H., rằng: "Hồn chỉ mới ngao du địa phủ thôi nên gia đình đừng lo. Ta gọi sống lại cái một nhưng phải làm đúng theo lời ta dặn là khi đem xác về, không được cho ai hay, không được chôn cất. Cả hai vợ chồng phải thay phiên nhau nằm cạnh xác đúng 7 ngày 7 đêm để truyền dương khí vào cho xác thì xác sẽ sống".

Thương con, vợ chồng anh H. răm rắp làm theo chỉ định của "thầy". Tuy nhiên, một người hàng xóm do thấy vắng mặt cháu T. nên qua chơi, hỏi thăm và phát hiện. Kết quả là "thầy" Nhâm được Cơ quan Công an cho "nhập kho" vì chữa bệnh bằng mê tín dị đoan, dẫn đến hậu quả chết người.

Một "thầy" nữa cũng có cách chữa bệnh rất kinh hoàng là thầy Cao Ngọc Võ. Trước kia, "thầy" là công nhân trong một công ty sản xuất giấy ở quận Thủ Đức, TP HCM rồi sau đó, "thầy" về nhà làm ruộng. Khoảng giữa năm 2004, "thầy" tuyên bố rằng mình được "Mẫu mẹ Chín thượng ngàn" nhập vào, và mở điểm chữa bệnh bằng phương pháp lên đồng, nhập cốt. Tướng thầy thấp, nhỏ, da ngăm đen, gần miệng có một nốt ruồi khá lớn. Bất cứ người bệnh nào đến gặp thầy, cũng đều nghe thầy phán: "Có bệnh mà không nghĩ đến thầy, chỉ nghĩ thuốc men thôi. Mấy thằng bác sĩ làm sao rành cõi trên, cõi dưới. Nếu gặp thầy ngay từ đầu thì đâu có ra nông nỗi này".

Sau màn giáo đầu, là đến màn trục ma, khử quỷ. Theo lời kể của những người hàng xóm quanh điểm chữa bệnh của "thầy", đầu tiên thầy thắp nhang lên bàn thờ, miệng đọc thần chú. Sau đó, thầy chẩn bệnh bằng cách dùng móng tay, bấm mạnh lên các khớp, hoặc co ngón tay trỏ lại, gõ mạnh vào trán, vào ngực, vào lưng bệnh nhân. Chẳng cần siêu âm, X-quang, xét nghiệm chi hết, "thầy" phán như đinh đóng cột: "Có vong nhập vào. Vong này mạnh lắm. Không khéo nó còn làm cho liệt nằm một chỗ. Muốn trục vong, phải... bạo lực thôi".


Nơi chữa bệnh của "thần y" Nguyễn Thị Chí và Lưu Thị Trọng ở Phù Mỹ, Bình Định.


Rồi thầy kêu bệnh nhân quỳ trước bàn thờ để thầy lên đồng, đọc bùa, trục vong. Khi "Mẫu mẹ Chín thượng ngàn" đã nhập vào "thầy", "thầy" tự đấm ngực mình mấy cái rồi thoi thẳng vào ngực bệnh nhân một cú như trời giáng, miệng thầy quát: "Xác không biết mày là ai, nhưng tao biết mày nè. Đ.M mày, mày có ra không thì nói".

Chưa hết, sau cú đấm ấy, "thầy" còn đá vào lưng, vào mông, vào đùi người bệnh thêm vài phát nữa. Cuối cùng, "thầy" hớp miếng nước lạnh, phun phì phì vào mặt người bệnh và đeo vào cổ người bệnh một sợi "dây bùa" bằng chỉ màu vàng, có mấy khoanh đỏ. Cứ mỗi lần "trục vong" như thế, tùy theo từng thân chủ, "thầy" lấy 300 đến 500 nghìn đồng. Cá biệt có trường hợp "thầy" lấy cả triệu.

Hàng xóm của "thầy" cho biết: Nhiều người lúc đến còn tự đi được, nhưng lúc ra thân nhân phải dìu ra. Khi bị Công an phường Linh Xuân, quận Thủ Đức mời lên làm việc, "thầy" Võ thừa nhận hành nghề mê tín dị đoan từ năm 2004. Trong khi "chữa bệnh", "thầy" có tát người bệnh vài cái nhẹ nhàng thôi, cho bệnh nhân... tỉnh chứ "thầy" không lên đồng, và "thầy" cam kết không tái phạm.

"Chữa" cho "thần y" bằng cách nào?

Như chúng tôi đã nói ở trên, ngoài một số bệnh nhân tìm đến "thánh" là do mắc bệnh nan y, và họ đến theo kiểu "còn nước còn tát", thì khá nhiều người bệnh tìm "thánh" có nguyên nhân từ bệnh tâm thần. Một trong những đặc trưng của bệnh tâm thần là người bệnh đôi khi biểu lộ những lời nói, hành động rất kỳ bí. Do thiếu kiến thức, thân nhân họ dễ dàng tin vào lời phán của các "thần y", là họ bị "vong nhập", "người cõi dưới đè", "người cõi trên mượn xác"...

Tiến sĩ Đào Đại Cường, giảng viên khoa Dược, Đại học Y Dược TP HCM, cho biết ông đã từng tiến hành kiểm nghiệm nhiều loại "thần dược" của các "thần y" do người nhà bệnh nhân mang đến. Kết quả nếu không là nước lã, hoặc nước tàn tro, tàn nhang thì cũng là nước ngâm với vài loại lá, rễ cây vớ vẩn. Có trường hợp "nước thánh" là nước lã, pha với thuốc kháng viêm Dexamethasone hàm lượng cao. Chả thế mà bệnh nhân bị thấp khớp, được "thánh" cho uống nước, vài tiếng sau đã có thể tự đi lại. Thế là lạy thánh mớ bái, phục thánh như phục thần!

Để cho những loại "thần y" này không còn đất sống, ngoài việc kiên quyết xử lý hành chính, xử lý hình sự nếu "thần y" gây ra hậu quả nghiêm trọng, đưa ra kiểm điểm trước dân để "thần y" tự thú nhận hành vi bịp bợm, thì mạng lưới y tế tuyến cơ sở cũng cần phải phát huy tích cực vai trò của mình: Một sự thăm viếng, động viên, giải thích thấu đáo cho người bệnh, cho thân nhân người bệnh về nguyên nhân, cơ chế gây bệnh và phương pháp điều trị sẽ góp phần rất lớn trong việc chấm dứt những trò lừa đảo mê tín dị đoan




V.C