kết quả từ 1 tới 15 trên 15

Ðề tài: Lên đồng sẽ bị cấm?

  1. #1

    Mặc định Lên đồng sẽ bị cấm?

    Lên đồng sẽ bị cấm?

    TP - Lên đồng có thể sẽ bị cấm - một nội dung của dự thảo Thông tư về Quy chế hoạt động văn hóa & kinh doanh dịch vụ công cộng, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch. PV Tiền Phong trao đổi với nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền xung quanh vấn đề này.



    Biểu diễn hầu đồng tại Thiên Đường Bảo Sơn cho du khách xem. Ảnh: Hồng Vĩnh


    Chịu không ít kỳ thị nhưng lên đồng vẫn có chỗ đứng trong đời sống. Theo anh vì sao?

    Lên đồng (còn gọi hầu đồng) là nghi thức hành lễ quan trọng của những người gia nhập tín ngưỡng Tứ phủ. Cần thấy rõ, đây là tín ngưỡng nội sinh, không phải du nhập kiểu như đạo Phật hay đạo Thiên chúa. Điện thần Tứ phủ đại đa số là các vai vế thánh thần thuần Việt, là các biểu tượng Mẹ, Cha cùng hệ thống các vị thần linh dân tộc. Đó là các nhân thần hay các anh hùng văn hóa được đúc kết lâu đời trong dân gian.



    Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền .
    Tín ngưỡng Tứ phủ còn sản sinh ra một thể loại âm nhạc đặc sắc, gắn bó hữu cơ với các nghi thức thờ phụng, là nghệ thuật hát văn. Bên cạnh nhu cầu niềm tin cõi tâm linh, nhu cầu thụ cảm nghệ thuật âm nhạc (hát văn) được đẩy lên tầm cao của các con nhang đệ tử.

    Từ bao đời nay, cuộc sống của nhạc sĩ thể loại hát văn (tức cung văn) luôn gắn bó mật thiết với các cuộc hầu đồng. Có rất nhiều phả hệ cung văn đồ sộ minh chứng cho sức sống mãnh liệt của hát văn trong lịch sử âm nhạc dân tộc.

    Về mặt logic, sự trường tồn của một loại hình tôn giáo tín ngưỡng đã nói lên phần nào giá trị của nó. Từ nghìn đời nay, cái mà con người cần là niềm tin để sinh tồn, bất luận nó thực hư bao nhiêu phần và hợp lý đến đâu. Niềm tin tôn giáo tín ngưỡng là vậy! Còn nếu coi những điều không có thật hay điều không thể chứng minh là nhảm nhí, là mê tín dị đoan thì chúng ta sẽ tự đối mặt với vô số vấn đề hiện tồn trong lịch sử nhân loại.

    Với vị trí quan trọng trong nghi lễ tín ngưỡng của người Việt như vậy, lên đồng nếu bị cấm sẽ tạo hiệu ứng thế nào, theo anh?

    Việc cấm lên đồng là một động thái nhạy cảm với tín ngưỡng dân tộc. Sẽ có nhiều vấn đề nảy sinh. Chẳng hạn người dân sẽ đặt câu hỏi tại sao những cuộc hành lễ tín ngưỡng ở những tôn giáo du nhập thì được phép, còn lên đồng là hành lễ tín ngưỡng thuần chất dân tộc thì bị cấm?

    Cấm hầu đồng cũng có nghĩa cắt đứt một phần thu nhập quan trọng của tầng lớp cung văn ở mọi miền đất nước. Đó cũng là cú sốc không nhỏ với những nghệ sĩ dân gian, vốn lấy lời ca tiếng đàn chầu văn làm cái nghiệp kiếm miếng cơm manh áo.

    Cũng may lệnh cấm mới chỉ quy định trong khuôn khổ lễ hội chứ chưa bao trùm không gian tín ngưỡng khác. Hy vọng dự thảo sẽ được chỉnh sửa cho phù hợp với tình hình thực tế.

    Nhưng chúng ta không thể làm ngơ trước sự biến tướng, buôn thần bán thánh đang phổ biến trong các hoạt động tín ngưỡng?

    Khái niệm buôn thần bán thánh theo tôi cần nhìn nhận đúng mức. Bản thân con người khi tìm đến một cõi tâm linh siêu phàm để trao gửi, cầu xin với một hệ nghi thức hành lễ cúng bái thì cũng có nghĩa họ đã đặt niềm tin trong một cuộc xin - cho tưởng tượng.



    Biểu diễn hầu đồng phục vụ du khách tại Thiên Đường Bảo Sơn . Ảnh: Hồng Vĩnh


    Từ thời nguyên thủy đến nay, có tôn giáo tín ngưỡng nào sinh ra mà không ít nhiều thỏa mãn nguyện vọng tư lợi của con người? Tôi cầu xin, tôi sắm lễ vật cúng bái, tôi cúng con gà, con trâu cũng là để xin thánh thần ban cho sự bình an, hạnh phúc, lợi lộc. Sự biến tướng tới mức được coi là thái quá hẳn cũng do quan niệm “trần sao âm vậy”.

    Tùy vào tầm dân trí mà người ta sẽ trao gửi, đặt cược một phần hay toàn bộ niềm tin vào việc cầu cúng, lễ bái. Trong chúng ta, từ quan chức tới dân thường có mấy ai dám tự tin rằng mình không bao giờ đặt lễ cầu xin cho bản thân?

    Cái mức độ xin- cho như thế nào là hoàn toàn tùy thuộc vào ý thức, tri thức của người tham gia tín ngưỡng. Tuy nhiên việc hành lễ tốn kém, đốt vàng mã với số lượng lớn thường dễ bị coi là buôn thần, bán thánh.

    Theo anh, phải ứng xử với những biến tướng đó ra sao?

    Cái khó là tín ngưỡng và mê tín dị đoan thường khó phân biệt. Theo tôi, không thể xác định mức độ niềm tin tín ngưỡng, càng không thể nói CẤM hay CỨ ở các hoạt động. Có chăng chỉ nên quảng bá giáo dục phổ cập thường xuyên trên các phương tiện truyền thông.

    Ví dụ, cần khẳng định tục đốt vàng mã là học từ người Trung Hoa, không mang tính đại diện cho tín ngưỡng bản địa. Người tham gia tín ngưỡng đừng hy vọng thánh thần sẽ ban phúc, lộc cho họ căn cứ vào số lượng vật phẩm mà họ sắm sửa cúng bái.

    Bởi nếu điều đó là sự thực, lẽ nào các thánh nhân cũng như quan tham nơi trần thế. Và nếu là quan tham thì họ chẳng đáng được nhang khói phụng thờ. Tôi tin rằng nếu hiểu được bản chất vấn đề, tự nhiên người dân sẽ bớt dần các hủ tục hay các khoản chi phí cúng bái tốn kém.

    Trong một xã hội văn minh, chỉ nên cấm những gì làm ảnh hưởng đến an ninh, môi trường xã hội. Ví dụ đánh nhau trọng thương trong lễ hội, hay có thể gây ra những cuộc loạn đả kiểu như cướp ấn, cướp cầu mà mọi hành động diễn ra đều có nguy cơ xâm hại thân thể con người.


    Chỉ cấm lên đồng dạng mê tín dị đoan

    Ông Lê Anh Tuyến, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ VHTTDL, Trưởng ban soạn thảo Thông tư Quy định chi tiết các quy định về lễ hội tại Quy chế Hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ công cộng, ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP, lý giải:

    “Cấm ở đây là cấm hành vi lên đồng dạng sấm truyền, nhập vào người này người nọ để phán, tuyên truyền mê tín dị đoan. Không cấm những hoạt động như liên hoan hầu đồng với sự trình diễn ca múa, âm nhạc, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa dân gian của công chúng. Chúng ta nên phân biệt hai chuyện này”.

    Điều 4, dự thảo Thông tư Quy định chi tiết các quy định về lễ hội tại Quy chế Hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ công cộng, ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP nêu rõ: “Cấm tổ chức các hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xin ấn, xóc thẻ, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức khác có tính chất mê tín dị đoan”.

    Như vậy, có sự không rõ ràng ở đây: Cứ lên đồng là cấm, hay chỉ “các hoạt động lên đồng có tính chất mê tín dị đoan” mới cấm? Điều này cơ quan quản lý phải xác định rõ. Ngay quan niệm thế nào là mê tín dị đoan cũng đủ gây tranh cãi.

    Chính ông Tuyến cũng cho biết: “Hành vi tổ chức hoạt động lên đồng đã nằm trong quy định xử phạt của Nghị định 75/2010/NĐ-CP với mức phạt từ 1 triệu đến 3 triệu đồng (có hiệu lực từ ngày 1-9-2010)”.



    Đỗ Huyền
    Thực hiện
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  2. #2

    Mặc định

    Đọc xong bài viết htnb thấy rất buồn.
    Vì:
    - Một hoạt động cần thiết của tín ngưỡng nội sinh thì bị cấm, bị phạt. Còn tín ngưỡng ngoại lai lại được cổ vũ.
    -Thần , Thánh ko làm gì sai. Có sai là sai ở người trần chúng ta...
    -Nhìn lại 1 số đồng Thày htnb được biết. Tất cả trong số họ, về bản chất đều ko phải là người tham tiền, ko thuộc dạng người đểu giả ,lừa gạt. Có chăng, có lúc họ chưa xác định đúng công việc họ được Thánh cho phép và chưa cho phép làm mà thôi.
    -Nên chăng, khi tổ chức hầu đồng, người hầu đồng có thể phải nộp lệ phí 1 đến 3 triệu và buổi hầu đồng được diễn ra chọn vẹn. Việc dương có thể nhìn thấy được, việc âm đâu có nhìn thấy được.
    Những đồng Thày xuất thân họ đều có công ăn việc làm, có thu nhập tử tế, nhiều người trốn cũng ko xong. Đâu phải họ muốn ra làm để lừa gạt mọi người đâu. Chấp nhận ra làm Thày là chấp nhận thị phi. Miệng lưỡi thế gian nói sao ra vậy, bảo con rồ ,con rở, con điên cũng phải chịu. Được mất là ngang nhau đâu phải ai cũng muốn đánh đổi. Lại nói 1 lần nữa: " Muốn cũng không được, không muốn cũng không xong" . Đừng tưởng qui y vào cửa Phật mà đã thoát.
    Htnb xin chúc tất cả các đồng Thày cứ bình tâm, việc đâu có đó. Ngày xưa người ta còn ra lệnh đập đền, phá chùa, bỏ tượng nữa sao.
    NAM MÔ PHẬT BÀ QUAN ÂM CỨU KHỔ CỨU NẠN!
    Last edited by hoctronhobe; 10-09-2010 at 01:02 PM. Lý do: Sai chính tả từ trọn vẹn

  3. #3

    Mặc định

    TT cũng hiễu tâm trạng của htnb. Đọc xong TT cũng buồn lắm. Không biết nói sao.
    Nam Mô Đại Từ Đại Bi cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát.
    Nam mô a di đa bà dạ
    Đa tha già đa dạ
    Đa địa dạ tha
    A di rị đô bà tỳ
    A di rị đa tất đam bà tỳ
    A di rị đa tỳ ca lan đá
    A di rị đa tỳ ca lan đa già di nị
    Già già na, chỉ đa ca lệ
    Ta bà ha.
    ______________南武一大柏地

  4. #4

    Mặc định

    HTNB đã đề cập đến việc nộp lệ phí 1 đến 3 triệu để buổi hầu được diễn ra trọn vẹn. NHƯNG. Giờ đây khi nhớ đến những số phận đang bị hành , bị đầy dở điên dở dại kia, biết hẳn hoi mà không có tiền ra làm lễ, suốt kiếp này hay cả các kiếp sau vẫn điên điên, dại dại mà thấy ngậm ngùi. Những nhà làm ra luật pháp họ chưa chắc đã hiểu họ đã đưa ra cái gì. Sản phẩm của họ giết đi nhiều số phận vốn đã quá đắng cay.
    Buộc lòng htnb phải đưa ra 1 số địa chỉ cụ thể, không hy vọng gì nhiều, chỉ là 1 cái gì rất rất cụ thể để mọi người thử nhìn vào.
    _ Nhà cô Hồng, chồng là Phương thôn phương xá, xã phương xá, cẩm khê, phú thọ. Cô bị hành đến nỗi; gội đầu bằng phân lợn, tắm bằng nước đái, tối thì ngủ ở bãi tha ma. Bố chồng, Bố đẻ gì thì cô cũng chửi tuốt luốt, cho các cụ ăn chả thiếu thứ gì. Cái ao gần nhà sâu là thế , bẩn là thế cô vẫn lội chỉ hở mỗi cái mũi, không biết bơi mà không chết mới lạ chứ.
    _Bao nhiêu năm như vậy, đói khổ, bẩn thỉu vẫn đi bán bánh cuốn mà nhiều khi không biết tính tiền. Loanh qoanh thế nào mà cô lên tận yên bái, ngã ở cổng nhà Thày. Họ đón lên nhưng nhà nghèo quá không có tiền ra trình đồng. Bố chồng cũng quá nghèo cuối cùng họ thế chấp nhà vay 20tr để làm lễ. Bây giờ ai hỏi thăm nhà cô Hồng người ta sẽ bảo " Hỏi thăm Cô Hồng 1 bước lên tiên à".
    Lên Vân hội , trấn yên, yên bái. Cô này khoảng dưới 30 tuổi , đã được nghe kể nhưng htnb chưa gặp mặt. Năm ngoái htnb lên làm lễ, nhìn thấy đôi mắt cô này quá âm u, hỏi mọi người mới biết,chính là cô mà mọi người hay kể. Cô ấy từng bị đầy rất nặng. Cởi quần, cởi áo chạy nhông nhông ngoài đường. Vào nhà Thày thì nhảy ngay xuống hố phân lợn ngập cả cổ, gia đình quá nghèo không có tiền. Thương tình, Thày bảo họ làm 1 cái lễ mọn xin khất. Cô ấy khỏi, lấy chồng, sinh con, hai vợ chồng xuống Hà nội làm. Khi htnb nhìn thấy thì cô ấy đã bị lại, lại bỏ chồng, bỏ con, bỏ công việc. Lại rồ rồi nhưng không có tiền trình đồng, mở phủ. Ở xã này tôi còn gặp mấy trường hợp nữa rất khốn khổ, nhiều tuổi rồi,vay cũng không ai cho vay để mà làm.
    Ai đã lên đền Cô Bé Đông Cuông ?.Không biết mọi người thấy sao, Còn htnb nhìn thấy ở đây bao số phận quá thê thảm. Cả già lẫn trẻ, cả ông lẫn bà, khòng kheo có,ngồi vật vạ trước cổng đền. Người nhẹ còn tỉnh táo, người nặng thì ánh mắt hoang dại,đẫn đờ,sắc lạnh. Xin mọi người đừng nghĩ họ điên. Họ không điên đâu. Có tiền trình đồng mở phủ là họ khỏi hết đấy. Người mở cửa đền là 1 cô gái cực kỳ đặc biệt, HTNB chưa từng gặp ai như thế bao giờ. Chân tay khòng kheo, vẫn có nhận thức, vẫn biết bảo mọi người đặt tiền lẻ rồi xin 9 ngụm nước để uống. Nhưng nhìn kĩ thì cô gái này không ra người dương, không ra người âm và cũng không phải dạng người đang bị hành, bị đày ở ngoài kia.
    Chỉ vì không có tiền,hết kiếp này họ khốn khổ, bẩn thỉu, hồn phiêu phách lạc. Lúc chết rồi, không biết hồn họ có biết đường mà vào cho đúng cửa hay là lại khổ muôn vàn kiếp sau.
    Cũng xin nói với mọi người. HTNB chưa làm thày, việc buôn bán cũng bận rộn, rất ít thời gian để được đi đó, đi đây. Khi được đi đâu đó, những số phận ấy thường làm htnb bận tâm.
    Cuối cùng điều htnb muốn gửi đến những nhà làm luật là: ĐỪNG TẠO THÊM NỖI ĐAU CHO NHỮNG NGƯỜI VỐN ĐÃ QUÁ KHỔ ĐAU. 1 đến 3 triệu có khi là cả cuộc đời của họ, nhà nước thu của thày, thì Thày thu của những con người khổ đau này thôi.
    Còn việc vì sao Thày họ giàu HTNB xin nói vào dịp khác.

  5. #5

    Mặc định

    thật buồn mấy người cần cần cấm thì ko làm .đạo mẫu phổ biến kháp noi vậy mà đi cấm.đây là nét van hóa đạc trưng của bắc việt .nghe hát chầu van rất hay .sợ ràng mất đi nét van hóa này thôi..

  6. #6

    Mặc định

    Chuyên gia lễ hội Bùi Quang Thắng: Không thể cấm lên đồng
    Theo Báo Yên Bái - hôm qua

    PGS.TS Bùi Quang Thắng - chuyên gia tổ chức lễ hội, cho rằng, cấm lên đồng là diệt đi một đặc sản văn hoá của dân tộc.



    Một giá đồng bình dân tại lễ hội đền Lảnh Giang 2008.


    Là chuyên gia tổ chức những lễ hội lấy lên đồng làm trung tâm, khi lệnh cấm lên đồng có hiệu lực sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công việc của anh?
    Không quan trọng. Không có việc này thì làm việc khác. Chỉ buồn một điều, họ ra một quyết định nhưng không tính đến tác động của nó.
    Đến lễ hội đền Kiếp Bạc tôi làm năm 2005, tuy không ai nói với ai, nhưng việc lên đồng gần như đã được khai thông. Giờ lại định cấm. Các tín ngưỡng tôn giáo khác không cấm, trong khi tín ngưỡng tôn giáo dân tộc xịn thì lại cấm.
    Biết đâu chính những lễ hội hầu đồng do anh tổ chức đã góp phần dẫn tới ý tưởng cấm cản của nhà quản lý?
    Tôi chỉ làm cho lễ hội có tổ chức hơn, vì bản thân lễ hội là các festival lên đồng rồi. Không phải lễ hội nào cũng có lên đồng, nhưng có những lễ hội chuyên về lên đồng như hội đền Đồng Bằng (Thái Bình), đền ông Hoàng Mười (Hà Tĩnh), đền Kiếp Bạc (Hải Dương), đền Lảnh Giang (Hà Nam), Bảo Hà (Lao Cai), Phủ Giày (Nam Định)…
    Còn những lễ hội khác anh chả phải cấm, nó có đâu! Cấm là diệt đi một đặc sản văn hoá rất đáng quý của dân tộc, xứng đáng công nhận thậm chí là một di sản văn hoá.
    Những năm 1960 từng cấm lên đồng, mà nó vẫn sống. Hầu đồng trong dịp lễ hội là sinh hoạt rất có tính văn hoá, có chiều dày lịch sử, tạo nên sự kiện cho người dân, chẳng hại gì cả.
    Đừng nhầm lẫn gọi hồn hay xem bói của những người có năng lực đặc biệt với hầu đồng. Khác nhau hoàn toàn.
    Anh có đóng góp cụ thể gì cho dự thảo thông tư?
    Tôi thấy có sự nhầm lẫn đáng tiếc ở chỗ có những thứ rất khác nhau nhưng lại gộp vào một phạm trù. Ví dụ, các sự kiện chính trị không thể quy vào “các loại lễ hội” như trong điều 2 thông tư quy định. Những sự kiện, festival mà các tỉnh chạy được tài trợ để quảng bá cho địa phương mà không lấy ngân sách của nhà nước cũng không phải câu chuyện quá lớn để Quốc hội phải bàn.
    Lễ hội truyền thống là sinh hoạt văn hoá hiển nhiên, thường xuyên của cộng đồng. Việc anh ra quy chế cấm đoán phải chăng là do anh lẫn lộn mê tín, hủ tục với tín ngưỡng.
    Nhà quản lý có thể giải thích họ chỉ cấm lên đồng mang tính chất mê tín dị đoan? Theo anh làm thế nào để phân biệt lên đồng mê tín dị đoan và không mê tín dị đoan?
    Không bao giờ phân biệt được. Không bao giờ thấy ở lên đồng có bói toán, sấm truyền. Đấy là một dạng khác. Gọi hồn (một dạng shaman) không liên quan gì đến tín ngưỡng hầu đồng. Người hầu đồng không hề dám nói thánh nhập vào người. Cùng lắm người ta bảo: Mình chỉ là giá đỡ để thánh đạp qua vai mình đi thôi. Làm gì có chuyện phán truyền.
    Thực tế cuối mỗi giá đồng, vẫn thấy người lên đồng trả lời các câu hỏi của con nhang đệ tử?
    Đấy là một cách diễn, đóng vai. Và họ toàn nói những điều tốt lành. Chẳng hạn, khai chầu, ông chủ đền bao giờ cũng lên thì thầm với người hầu đồng, và người ta mới nói cho một câu: Năm nay chúc cho nhà đền khang trang, làm ăn tốt đẹp…
    Có hẳn một lễ hội để xin ấn mà xin ấn trong lễ hội bây giờ cũng có khả năng bị cấm. Theo anh có nên cấm?
    Mỗi lễ hội có cái độc đáo của nó. Cấm làm gì! Tôi cá là không thể cấm được. Bởi nếu anh kiểm tra, anh phạt người ta nhiều lắm 15 triệu, thì người ta tổ chức lễ hội lãi hàng tỉ bạc, chả có vấn đề gì cả. Khi lễ hội đã giao cho cộng đồng quản lý, thì kiểm điểm ai?
    Anh thử ước tính thiệt hại kinh tế một khi lệnh cấm lên đồng ở lễ hội ban ra?
    Ví dụ lễ hội Kiếp Bạc, tôi biết khoản doanh thu hằng năm từ tiền công đức mà nhà nước có thể kiểm soát được là 11 tỷ đồng. Cán bộ nhân dân ở xã thu các khoản khác không tính. Ông bà đồng vui tính lắm, phấn khởi là phát tiền thoải mái. Các bạn đến thấy đời sống vùng đấy rất khá.
    Việc làm ăn đã thành hệ thống. Đã có hầu đồng phải có cung văn, làm vàng mã, bán lễ vật, các dịch vụ xung quanh. Nếu tính thiệt hại kinh tế không biết bao mà kể. Đánh vào đấy là đánh vào chính đời sống của nhân dân.
    Dự thảo thông tư về quy chế hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ công cộng cũng cấm “phục hồi hủ tục trái với thuần phong mỹ tục Việt Nam”. Một chuyên gia về văn hoá như anh có thể giới hạn khái niệm “thuần phong mỹ tục Việt Nam”?
    Khái niệm này hoàn toàn mang tính chủ quan. Cái mà hôm qua anh cho là lạc hậu và muốn bỏ đi, thì đến ngày kia lại thành đặc sản văn hoá. Ví dụ xiên lình (xiên lình - hành động của những người có khả năng đặc biệt, chịu được những nỗi đau cơ thể như xiên vật nhọn vào má) có thời ta bảo là mê tín dị đoan, lừa đảo và cấm. Nhưng khi kinh tế phát triển, đời sống nâng lên, khách du lịch vào, thì lại là sản phẩm du lịch độc đáo.
    Giá trị của văn hoá phi vật thể không phụ thuộc vào nhận định của bất kỳ ai, mà tuỳ thuộc nhu cầu của người tiêu dùng. Thời kỳ này họ thích tiêu dùng loại hàng hoá này, đến thời kỳ khác thích loại hàng hoá khác. Ai có thể khẳng định cái này giá trị, cái kia phản giá trị? Thuần phong mỹ tục là gì?
    Tôi cho rằng không được đưa vào văn bản pháp quy những khái niệm có tính chất hoa mỹ như thế. Pháp quy là phải: 1. Cấm cái A. 2. Cấm cái B. 3. Cấm cái C. Không bao giờ lại cấm cái “trái với thuần phong mỹ tục”.
    Nhìn ra các nước, có luật nào cấm cái trái với thuần phong mỹ tục đâu? Ngay như xóc thẻ, như một trò chơi cho vui, đảm bảo chả có lá thẻ nào xấu cả. Cái này Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản làm rầm rầm, sao Việt Nam lại cấm?
    (Theo TPO)
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  7. #7

    Mặc định

    Hầu bóng, một phức thể văn hóa



    TP - Nếu cấm lên đồng, hầu bóng ở nơi đền phủ mà lại cổ động lên đồng trong lễ hội, khu du lịch thì đó là việc làm khó hiểu của nhà quản lý văn hóa. Nên để yên hầu bóng trong đền phủ với những người có căn có cốt.



    Múa cờ xung trận - giá đồng ông hoàng Mười.

    Một phức thể văn hóa

    Hầu bóng, lên đồng khác hẳn gọi hồn. Diễn xướng hầu bóng giống một chiếu chèo thuở xưa, chỉ có điều hầu bóng là tín ngưỡng tâm linh còn hát chèo là loại hình giải trí, văn nghệ.

    Hầu bóng có nhạc hát, múa (diễn), trang phục cho các giá cũng rất đặc biệt về nghệ thuật trang trí. Trong 36 giá đồng điệu múa khác nhau, lời hát văn, y phục cũng khác nhau. Một thầy đồng hoặc cô đồng độc diễn qua các giá cho thấy điều đó: Giá quan giá chầu chân bước nghiêm cẩn khép nép, giá cô bé nhí nhảnh chân sáo, giá ông hoàng thì khoáng hoạt. Tất cả đều có qui phạm. Một thầy đồng có thể diễn 36 vai khác nhau trong nhiều giờ.

    Người theo cửa phủ phải nhiều năm hầu thánh rồi thuộc nằm lòng các vai quan, vai cô, vai cậu, vai ông hoàng bà chúa mới có thể ngồi đồng. Có người phải mất 20 năm mới có thể ngồi giá. Học là học theo lối dân gian như thế.

    Hầu đồng cũng có hội thân thiết với nhau dù chẳng có hội trưởng. Trong giá hầu, tứ trụ là những người phục vụ cho thầy đồng, đều là người giỏi hầu đồng cả. Tứ trụ gồm bốn người ngồi bốn bên- người lo thay xiêm y, người lo đốt nhang rót rượu sắp lễ, người lo tung khăn trùm đầu cho giá hồi cung, người lo việc ban phát lộc cho con nhang đệ tử. Khi ông hoàng bà chúa cô cậu dùng trà thưởng rượu, hút thuốc thì nâng quạt che chắn kín đáo. Cho nên có lúc thầy đồng lại làm tứ trụ cho người khác trong một lần hầu đồng khác.

    Các nhà nghiên cứu hầu như đã làm rõ được giá trị văn hóa trong tín ngưỡng hầu bóng, xem ra chẳng cần bàn lại. Còn chuyện lợi dụng hầu bóng hành nghề mê tín lại là chuyện khác. Cho nên bàn chuyện cấm hầu bóng lúc này xem ra hơi thừa? Nếu cấm hầu bóng, lên đồng trong các điện thờ nhưng lại ủng hộ hầu bóng, diễn xướng tại những khu vui chơi du lịch thì là chuyện lạ đời.

    Thánh trong hầu đồng

    Có câu “là người chứ có phải thánh đâu”. Trong quan niệm đó, thánh là sự toàn mĩ. Người được ví như thánh thì tốt đẹp từ lúc sinh ra đến khi khuất núi. Thánh như vậy khác xa thánh trong tín ngưỡng dân gian.

    Trong hầu bóng, xem kĩ các giá hầu mới thấy thánh trong Tứ phủ thật sự rất đời. Và qua các giá đồng từ giá chầu, giá quan, giá ông hoàng bà chúa, đến giá cô bé, chuyện các vị thánh dâng rượu, vểnh râu cáo dùng trà chuốc rượu, thuốc xái diễn ra trong từng giá đồng. Thánh cũng thích nghe nịnh. Khi cung văn đàn ngọt, hát câu chầu lọt tai là thánh sướng rên, chau mày vỗ gối, rút tiền thưởng kịp thời.

    Trong tín ngưỡng hầu đồng, thánh giống như con người ngoài đời- ngoài công quả thì cũng đầy tật xấu, mà chẳng cần giấu diếm ai.

    Những người theo tín ngưỡng này thường có căn cốt tự nhiên. Không phải ai cũng theo hầu đồng được. Người có căn có cốt, nghe tiếng đàn, lời hát chầu là như bị thôi miên. Những người như thế gọi là có căn đồng bóng.

    Một người hầu đồng tâm sự: “Mỗi năm ít nhất phải hầu đồng một lần thì công việc mới xuôn sẻ, nếu không trong người cứ bứt rứt”. Hầu đồng giống như một cuộc tắm rửa toàn diện về mặt tinh thần, đa phần nằm ở lớp người buôn bán. Tín ngưỡng đối với họ như là nhu cầu tự thân vậy.

    Bài, ảnh: Đỗ Đức
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  8. #8

    Mặc định

    Kính thưa các sư huynh!
    HTNB là người, được qua trải nghiệm thực tế khi hầu đồng và thường xuyên bị nhập đồng. HTNB xin bổ xung 1 chút như sau:
    - Việc có căn cốt tự nhiên, không phải ai cũng theo hầu đồng được là đúng.
    -Người có căn cốt khi nghe tiếng đàn, tiếng hát chầu văn như bị thôi miên cũng đúng nhưng chưa đủ. HTNB không cần nghe,vẫn bị nhập như thường.
    -Đồng bóng vì sao?: Vì trong đầu thường bị khó chịu, không phải cái đầu của riêng mình. Họ điều khiển mình. Và họ thường xuyên ở đấy, khi nhiều ,khi ít.
    - Người nổi đồng bây giờ, quá nhiều là công chức nhà nước, người các cơ quan, doanh nghiệp. Không sớm thì muộn cũng phải bỏ việc. HTNB là 1 ví dụ, Cô đồng ngân Việt trì làm ở sở tài chính , cô đồng lưu làm ở công ty dược...
    - Không phải là 1 nhu cầu, mà bắt buộc phải làm , phải theo nếu không muốn rồ điên. Những người không biết đường, rồ điên hàng chục năm chứ không ít, bao giờ biết hàng phục thì thôi. Mà cũng chưa thôi. Lập đền , lập phủ, làm đồng Thày rồi mà làm sai hoặc tham lam quá vẫn bị hành, không cho ngồi ô tô, bắt đi bộ nắng chang chang như thế hàng chục km. Về nhà còn cứ tự tay tát vào mặt, về phải làm lễ xin còn khổ... Hình phạt rất đáng sợ, không như mọi người nhìn ngon lành bên ngoài đâu.
    Các bóng ,các giá về ngự đồng khi hầu bóng, chính là họ đang về sống cuộc sống thực đấy. "Xa giá, hồi cung" cũng là lúc khăn phủ diện được trùm lên. Đây là thời điểm giá này ra, đến giá sau bắt đầu vào, con đồng nhận thức được hết. Những người không có căn, ra hầu đồng cứ trơ trơ như cồ đá, dù có biểu diễn giỏi đến mấy nhìn vẫn biết chứ.
    Một chút vậy thôi, gửi các huynh!

  9. #9

    Mặc định

    Còn nữa ạ!
    Người có căn cơ thì rất nhiều. Người căn cơ làm Thày không nhiều đâu. Những thanh đồng đạo quan này khi hầu khác với người có căn bình thường. Để làm đồng Thày còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố khác nữa các Sư huynh ạ!

  10. #10

    Mặc định

    Các Huynh Đệ Tỷ Muội an tâm!
    Ở ta là thế! Cứ la lên là thế, khi bị la lại thì sửa.

    SAI ĐÂU (thì) SỬA ĐẤY

    (nhưng) SỬA ĐÂU (lại) SAI ĐẤY

    (và có khi) SAI ĐẤY (chả thấy) SỬA ĐÂU!

    hic!

  11. #11

    Mặc định

    Cấm lên đồng, đốt mã, có phạm luật?
    Tác giả: Khánh Linh


    "Không thể có tín ngưỡng chỉ giữ ở trong tâm, mà niềm tin ấy phải được thể hiện trong những hành động cụ thể"- GS Ngô Đức Thịnh.




    Có phạm luật không?

    Chuyện nghị định 75 cấm phạt tiền việc đốt đồ mã, tổ chức hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức khác có tính chất mê tín dị đoan không khỏi khiến những người yêu và hiểu văn hóa dân tộc bức xúc. Nhớ lại trong cuộc trò chuyện từ đầu tháng 7/2010 với VietNamNet, GS Ngô Đức Thịnh, chuyên gia hàng đầu đã đi sâu nghiên cứu đạo Mẫu nhiều năm rất "nỗ lực" giải thích bản chất của lên đồng, tại sao đã có thời nhà nước cấm lên đồng nhưng không thể cấm nổi, dân vẫn tìm mọi cách để thực hiện việc lên đồng, kể cả phải chịu đi tù, chịu tịch thu tài sản?

    Gặp lại GS Ngô Đức Thịnh khi nghị định đã chính thức có hiệu lực, ông thú thật là rất thất vọng, không thể không lên tiếng, rằng "Riêng hỏi tôi về chủ đề này thì bất cứ ai muốn gặp tôi đều sắp xếp thời gian, không thể để người ta ứng xử với tín ngưỡng dân gian như thế". Lần này GS không nói nhiều về bản thân lên đồng, mà nhấn mạnh đến "tự do tín ngưỡng", khái niệm luôn được nhấn mạnh trong Hiến pháp. "Đảng và Nhà nước khẳng định tôn trọng tự do tín ngưỡng của người dân, nhưng lại ngăn cản việc thực hành tín ngưỡng đó, thì có mâu thuẫn không? Có phạm luật không", ông Thịnh băn khoăn.

    Quả thật, không thể có tín ngưỡng chỉ giữ ở trong tâm, mà niềm tin ấy phải được thể hiện trong những hành động cụ thể. Với những người theo đạo Mẫu, họ có niềm tin vững chắc rằng người chết đi có linh hồn, tin có những người hiển thánh (như đức Thánh Trần chẳng hạn), và họ muốn thông quann với các vị thần, thánh đó để cầu xin. Các ông đồng bà đồng chính là những người giúp họ thực hiện được nguyện vọng đó. "Nói thẳng ra là các vị thánh sẽ "nhập" vào ông đồng, bà đồng để đáp lại lời mong, cầu tài lộc, sức khỏe... của những người tham dự nghi lễ hầu đồng đó", ông Thịnh giải thích.



    Nghe GS Thịnh giải thích xong, lại thấy Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VH-TT&DL) trả lời trên báo Tiền phong rằng "Cái mà chúng tôi muốn loại bỏ là lên đồng phán truyền, là nhân danh thần thánh, nhân danh linh hồn để phán xét", thì không biết phải hiểu thế nào nữa? Thế nào là nhân danh thần thánh, nhân danh linh hồn để phán xét, khi bản chất của lên đồng chính là sự hóa thân? Các ông đồng, bà đồng lúc đó nào còn là bản thân họ, họ đã trở thành những vị thần, vị thánh.

    "Không thể gọi đó là nhân danh, Lẽ dĩ nhiên, cũng phải hiểu là mỗi ông đồng, bà đồng sẽ có "căn" của một số vị thần, vị thánh mà thôi, không phải muốn hóa thân thành vị thánh nào cũng được. Chưa kể còn tùy thuộc vào thời điểm lên đồng, vào đầu năm, giữa năm hay cuối năm.", GS Thịnh nhấn mạnh.

    Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền còn lưu ý rằng tín ngưỡng Tứ phủ (Đạo Mẫu) là tín ngưỡng mang tính bản địa rõ nét, thuần Việt, hoàn toàn không phải du nhập từ bên ngoài như Phật giáo, Nho giáo, Thiên Chúa giáo... Những vị thần của tín ngưỡng đa số là nhân thần Việt Nam, "là những anh linh sông núi, người có công giúp dân khai phá đất đai, người có công chống giặc giữ nước từ thời Hùng Vương đến nay. Đây là tín ngưỡng giản dị của người dân, không cần có pháp chủ. Niềm tin vào tín ngưỡng chính là liều thuốc tinh thần tạo dựng nguồn sống cho con người. Khi có niềm tin, con người sẽ chịu đựng được mọi tai ương, tật ách".

    Sao cầu siêu thì được, còn lên đồng lại bị cấm?



    Câu hỏi cơ bản phải đặt ra ngay từ đầu đối với những người làm nghị định, là nếu cấm lên đồng phán truyền, thì lên đồng nào sẽ được tổ chức? Dường như, trong cách hiểu của những người thay mặt Bộ VH - TT - DL, cũng là thay mặt chính phủ, soạn thảo nghị định này, lên đồng "không mê tín dị đoan" sẽ chỉ còn là hát múa, chỉ còn lại âm nhạc chầu văn? Có nghĩa là, không cấm lên đồng, nhưng chỉ cho giữ "phần xác" của lên đồng thôi, còn "phần hồn" làm nên giá trị và sức sống trường tồn của lên đồng trong tín ngưỡng dân gian thì loại bỏ đi.
    Ở đây có sự khó hiểu, không thể lý giải nổi: Không cấm lên đồng nhưng lại cấm "nhập thần" vốn là bản chất của hiện tượng lên đồng? Những giá đồng bao gồm múa kèm theo phán truyền thì nghị định cho phép múa và hát, vậy thì cấm cái gì? Chắc chắn các nhà soạn thảo đã không hiểu mình cấm cái gì và cho phép cái gì được tồn tại khi lý giải như thế. Có phải ý tứ của họ là: chỉ cho phép diễn xướng như diễn các giá đồng trong các vở chèo vốn mang tính giễu nhại, phê phán chuyện lên đồng? Nếu thế thì có nghĩa là cấm tiệt, chỉ được giễu nhại phê phán mà thôi, nhưng điều này lại vi phạm quyền tự do tín ngưỡng như GS Ngô Văn Thịnh đã chỉ rõ.

    Sự bất công còn thể hiện ở chỗ, tại sao lại cấm đoán một hoạt động của đạo Mẫu, tín ngưỡng bản địa của chính chúng ta? Nói như ông Hiền là "cái ngoại lai sao không cấm, lại cấm cái nhà mình?". GS Thịnh thì "chất vấn" về sự bình đẳng giữa các tôn giáo tín ngưỡng, khi hiện nay chính quyền tham dự rất nhiều các lễ, đại lễ cầu siêu, trong khi cầu siêu cũng dựa trên sự thừa nhận "người chết đi, nhưng linh hồn còn lại". "Một bên cầu cho linh hồn con người được siêu thoát, bên kia cầu để chữa bệnh, cầu đem lại điều may mắn, tài lộc, sao cầu siêu thì được còn lên đồng lại bị cấm?", GS Thịnh "trăn trở".



    Chợt nghĩ, không biết những người ban hành lệnh cấm có để ý rằng, việc phối thờ rất phổ biến ở Việt Nam? Trong các chùa vẫn hiện diện các ban thờ, các điện thờ thần, thánh bên đạo Mẫu. Đã có sự dung hợp rất "hòa bình" của tôn giáo du nhập với tín ngưỡng dân gian bản địa đấy chứ. Bản thân người đi lễ, không chỉ dân mà cả quan, dám chắc không mấy ai để ý họ đang thắp hương, đốt vàng mã, đồ mã cho Phật hay cho thần, thánh đâu.

    Sẽ không ai phản đối nếu nhà nước cấm hay phạt tiền việc lợi dụng lên đồng, lợi dụng niềm tin để trục lợi, làm tổn hại đến cá nhân, đến cộng đồng, đến quốc gia. Nhưng vì thế mà cấm "phần hồn" của lên đồng thì chịu không sao hiểu nổi.

    Có lẽ, lại phải quay lại dẫn lời GS Ngô Đức Thịnh, "Có việc cấm vô lý này là do nhận thức về tín ngưỡng không chính xác, không đầy đủ. Quan không nhận thức đúng về tín ngưỡng, nên đưa ra lệnh cấm tùy tiện, hồ đồ. Còn dân không hiểu đúng về tín ngưỡng, nên hành động lệch lạc. Tín ngưỡng của dân, do người dân sáng tạo, nhưng vì ta đã từng cấm đoán, khiến bị đứt đoạn, nên mới tuột khỏi tay họ".

    Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền thì tha thiết "Ngày xưa đã từng sai, giờ xin đừng lặp lại vết xe đổ".
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  12. #12

    Mặc định

    Quy định lên đồng "phán truyền" hơn cả lên đồng?
    Tác giả: Khánh Linh
    Bài đã được xuất bản.: 16/09/2010 09:00 GMT+7

    Làm gì có luật nói thế này cũng đúng mà nói ngược lại cũng...đúng? Nói một cách khác dễ hiểu hơn, thì: Tôi thích thế đấy, tôi bảo không mê tín là không mê tín; tôi bảo đó là mê tín thì dứt khoát là mê tín rồi, có thích cãi nhau với cối xay gió không thì bảo?



    Nghị định 75 có "quy định nếu tổ chức hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức khác có tính chất mê tín dị đoan sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng 3.000.000 đồng". Nếu không có sự "nói lại cho rõ" ý của Vụ trưởng Pháp chế Lê Anh Tuyến (Bộ VH - TT - DL), dư luận dễ hiểu mệnh đề trên theo nghĩa, cứ tổ chức hoạt động lên đồng là bị phạt tiền.

    Nhưng theo giải thích của Vụ trưởng thì hóa ra chỉ lên đồng có tính chất mê tín dị đoan mới bị cấm và phạt tiền, ngoài phạt tiền còn bị tịch thu tang vật và phương tiện vi phạm, tịch thu sung công quỹ số tiền thu bất chính.

    Nghĩa là trên thực tế có 2 loại lên đồng: Lên đồng không mang tính mê tín dị đoan, loại này được phép tồn tại và ứng vào điểm tự do tín ngưỡng của luật pháp đã quy định và lên đồng có tính chất mê tín dị đoan, loại này không được phép tồn tại và nếu phát hiện thì bị xử phạt theo nghị định 75.

    Xem ra tư duy có vẻ logic, vấn đề là làm sao phân biệt được đâu là lên đồng không mê tín dị đoạn và đâu là lên đồng mê tín dị đoan?

    Nếu người ra quy định còn không rõ thì những người thi hành nghị định sẽ cãi chày cãi cối dẫn đến nhập nhèm thì sao?

    Có lẽ cùng một hiện tượng lên đồng nhưng người ta hoàn toàn có thể khép vào tội mê tín dị đoan để xử phạt cũng được và ngược lại, có thể tha bổng vì cho rằng nó không mê tín dị đoan. Điểm này sẽ dẫn đến việc người dân vò đầu bứt tai cãi nhau tưng bừng: nghị định nói vậy mà không phải vậy! Còn mục tiêu tốt đẹp của nghị định là dẹp bỏ những biến tướng đồng cốt quàng xiên, chỉ chấp nhận lên đồng như một hệ quả của văn hóa Việt Nam thì dứt khoát không thể thu được hiệu quả trên thực tế.

    Vả lại, làm gì có luật lệ nói thế này cũng đúng mà nói ngược lại cũng...đúng được? Nói một cách khác dễ hiểu hơn, dân dã hơn thì có nghĩa như sau: Tôi thích thế đấy, tôi bảo không mê tín là không mê tín; tôi bảo đó là mê tín thì dứt khoát là mê tín rồi, có thích cãi nhau với cối xay gió không thì bảo?



    Xin dẫn thí dụ ngay: Nghị định đã có hiệu lực rồi, nhưng việc tổ chức lên đồng vẫn diễn ra nhộn nhịp vào ngay cuối tuần trước ở Nam Định. Vậy các nhà soạn thảo nghị định cũng như những người thực thi nghị định có thể cho người dân biết đây là hoạt động lên đồng không mê tín dị đoan hay nó thuộc loại lên đồng đó có mê tín dị đoan?

    Không trả lời được câu hỏi này có nghĩa là nghị định đã bất lực trước thực tế.

    Khó nhỉ, thế này thì khó thật đấy chứ chả chơi. Hay thế này đi cho tiện: Nếu lên đồng được sở VHTT&DL cấp phép thì đó là lên đồng hợp pháp còn lại là...cấm tuốt? Trao quách quyền quyết định đúng hay sai, mê tín hay không mê tín cho Sở quyết định. Bộ sẽ ngồi ghế quan tòa phúc thẩm, nếu thấy dân kêu sở vi phạm quyền tự do tín ngưỡng thì sẽ kết luận sở làm sai. Vừa được lòng dân vừa ra oai với cấp dưới, kiểu gì thì cũng có lợi!

    Có vẻ như bàn cách cấm đồng cốt, cấm nhập thần nên nghị định cũng có vẻ...nhập thần, nhập thánh ?

    Những đứa con ngoài giá thú của Nghị đinh...

    Lẽ dĩ nhiên, trên thực tế, những giá đồng đã "sống" cùng người dân bao đời nay, chứng tỏ nó có sức sống mạnh mẽ trong dân, không dễ gì vì một nghị định xử phạt mà bị tiêu biến. Nghĩa là người dân vẫn thực hành nghi lễ lên đồng vì nhu cầu tất yếu của họ, nhìn từ góc độ pháp luật thì họ không tuân thủ pháp luật, bất chấp pháp luật; nhìn từ phía quản lý thì luật đã có điều gì đó không phù hợp thực tế.

    Nếu những người thực thi pháp luật ở địa phương am hiểu văn hóa, hiểu được bản chất của lên đồng, họ sẽ không "gây khó dễ" với những ông đồng, bà đồng chân chính, dù những ông đồng bà đồng ấy khi "nhập thần" thì không thể không phán truyền.

    Lý tưởng hơn nữa, họ sẽ dùng nghị định để xử phạt những người lợi dụng lòng tin của dân chúng để trục lợi, phán bảo những điều không có thật, để gây thiệt hại cho cá nhân hay cộng đồng.

    Nhưng e rằng sẽ rất ít những trường hợp lý tưởng như thế. Ngoài lý do bởi nhận thức của người thực thi pháp luật ở địa phương không đủ (ở trung ương còn không hiểu đúng, sao trách được ở địa phương?), còn có một lý do khác "tế nhị" hơn nhiều. Nghị định đã quy định như thế, dại gì chúng tôi không áp dụng? Lỗi có phải của chúng tôi đâu, chúng tôi vẫn đang làm đúng theo luật, theo nghị định.

    Với những trường hợp này, lại có hai khả năng xảy ra:

    - Hoặc các ông đồng, bà đồng cứ liều hoạt động, chẳng may bị bắt gặp thì đành bấm bụng mà "bỏ của chạy lấy người", cùng lắm là nộp phạt 1 đến 3 triệu đồng. Những ông đồng bà cốt thật thà thì sẽ thiệt, còn những ông đồng bà cốt quàng xiên thì chả có gì phải lo: khoản phí tổn nộp phạt đã có dân hầu đồng gánh chịu. Gọi là dân nhưng thiếu gì quan chức đến hầu đồng, xá gì vài triệu bạc bọ?



    - Hoặc các ông đồng, bà đồng sẽ phải tổ chức lên đồng một cách lén lút. Họ không làm gì sai, nhưng vì pháp luật sai, nên họ thành những người... sai luật. Sai luật thì khó mà đường đường chính chính được lắm. Thế là trở lại với những ngày xa xưa "ấu trĩ", khi những ông đồng, bà đồng và những người tin và theo nghi lễ ấy trở thành người không đàng hoàng, dù nếu nhận thức đúng thì họ chẳng có gì sai.

    Họ theo đạo Mẫu, thì cũng như những người khác theo đạo Phật, đạo Thiên Chúa giáo, đạo Tin lành...i, nhưng vì họ bị đối xử không công bằng, nên họ phải giấu diếm, lén lút. Trường hợp này chắc chắn sẽ xảy ra và như thế chúng ta đã vô tình biến những người đàng hoàng tử tế thành những kẻ lén lút trốn tránh nghị định.

    Còn nữa, GS Ngô Đức Thịnh đã nhiều lần "bức xúc" chia sẻ: Nghị định "sai trái" này sẽ sinh ra một lực lượng những người đứng giữa "vừa ăn tiền của dân, vừa lừa dối nhà nước". Họ thu tiền của dân rồi "điều đình" với những người có nhiệm vụ thực thi pháp luật, để việc lên đồng được diễn ra công khai. Với lực lượng này thì nhà nước càng cấm nhiều, họ sẽ càng thu lợi nhiều.

    Kết quả là, Nhà nước không thu được tiền, luật pháp cũng không được tuân thủ. Người dân chắc chắn cảm thấy ức chế, nhưng đôi khi họ sẽ chọn chi tiền cho những người "môi giới" kia, để họ được yên ổn tổ chức nghi lễ công khai. Vậy là, lẽ ra họ không làm gì sai, nhưng vì pháp luật sai, mà họ phải sai tới 2 lần (vừa phạm luật, vừa "chạy" để không bị quy kết phạm luật).

    Phân tích sơ qua đủ thấy, một đạo luật chưa đúng sẽ đẻ ra vô số những tệ nạn ngoài ý muốn của những nhà làm luật, chính những đứa con ngoài giá thú của nghị định này mới thực sự tác động sâu rộng trong xã hội. Nói như nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền là sẽ "gây sốc trong xã hội", mà trước hết là sốc trong những người hiểu văn hóa. Những người soạn thảo và ban hành nghị định dường như đã không nghĩ đến hệ quả phức tạp này?

    Chỉ vài điểm nhỏ của một điều đã nhiều bất cập đến thế, không biết nếu để xã hội mổ xẻ cả nghị định, sẽ còn bao nhiêu điều cần sửa? Nên chăng Chính phủ sẽ rút lại nghị định để điều chỉnh, đó sẽ là cách ứng xử văn minh nhất.
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  13. #13

    Mặc định

    Bỏ lối "lên đồng" trong việc ra quyết sách
    Tác giả: Lê Nguyên Long
    Bài đã được xuất bản.: 18/09/2010 06:00 GMT+7


    Liệu có bất nhất không khi ngoài mặt, trên văn bản giấy tờ thì hô hào cấm, trong khi đó giới quan chức lại là những người thường xuyên có các hoạt động cầu cúng nhất, đặt niềm tin nhiều nhất vào các ông thầy bói và các thần tài phù hộ cho gia sản của mình?



    Thời gian gần đây, cùng với nhiều vấn đề nóng bỏng khác, dư luận xã hội lại nóng lên với các nghị định, quy định của Nhà nước ban ra đối với hiện tượng lên đồng, hiện tượng đốt vàng mã, cũng như các hiện tượng được xếp chung vào phạm trù mê tín dị đoan. Nhà nước thì có vẻ quyết tâm, ít nhất là trên bề mặt giấy tờ và việc ban hành các nghị định, ngăn chặn các hiện tượng được cho là tiêu cực đó để làm trong sạch và lành mạnh xã hội.

    Trong khi đó, dư luận xã hội, trên báo chí cũng như ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực này thì có vẻ không đồng tình. Và phản ứng mang tính tức thì của dư luận là sự bất bình trước cung cách quản lí chung lâu nay của nhà nước, đó là chủ trương "không quản lí được thì cấm."

    Dân trí cao hơn, sao lại mê tín hơn?

    Quản lí xã hội bằng pháp luật, làm trong sạch và lành mạnh xã hội là một việc đáng hoan nghênh. Song, khi ban ra các chính sách, nghị định quy định về một hiện tượng xã hội nào đó thì trước hết phải tìm hiểu cái căn nguyên sinh ra cái hiện tượng đó và đâu là đối tượng chính của nó.

    Dễ thấy một điều rằng tệ nạn mê tín dị đoan chỉ sinh ra trong một xã hội mà trình độ dân trí còn thấp, con người ta không dám tin vào sức mạnh và năng lực của mình nên trở nên "tha hoá," theo cái nghĩa là chuyển niềm tin ấy sang một lực lượng khác bên ngoài bản thân; lực lượng ấy thường là một sức mạnh siêu nhiên bí ẩn nào đó được cho là có tác dụng chi phối đời sống, vận mệnh của chính mình.

    Xã hội càng phát triển, dân trí càng cao, hiểu biết về thế giới càng lớn thì sự "tha hoá" ấy càng giảm, người dân càng bớt mê tín dị đoan hơn.

    Song không chỉ có vậy. Thực tiễn đời sống hiện nay dường như đang chứng minh điều ngược lại. Đời sống người dân rõ ràng cao hơn trước, dân trí chắc chắn cũng được nâng cao hơn xưa rất nhiều. Sự phát triển của khoa học kĩ thuật, sự phổ cập internet, sự phát triển của truyền thông báo chí khiến lượng thông tin và kiến thức của người dân, hiểu biết của người dân về thế giới tăng cao và phát triển mạnh mẽ. Nhưng dường như người dân Việt Nam hiện nay đang ngày càng trở nên mê tín hơn bao giờ hết. Vậy còn nguyên nhân gì nữa?


    Giới làm ăn buôn bán rất tin vào thần may rủi, vào bói toán, vào ngày đẹp, giờ đẹp, số điện thoại đẹp, biển số xe đẹp,.. Ảnh minh họa

    Không nghi ngờ gì nữa, mặc dù dân trí được nâng lên, người dân được tiếp cận với lượng thông tin khổng lồ, hiểu biết về thế giới tăng vượt bậc, song trong vấn đề mê tín dị đoan đang bàn đến ở đây, còn một nguyên nhân tối quan trọng nữa chưa được giải quyết: đó là người dân cảm thấy bất an, không được bảo vệ đầy đủ.
    Đó là sự bảo vệ của luật pháp, sự bảo vệ của công bằng, của sự minh bạch trong tất cả các hoạt động học tập, lao động, làm ăn, trong tất cả các sinh hoạt hàng ngày của đời sống xã hội. Nói cách khác, đó là sự bảo vệ của một xã hội minh bạch, được quản lí trên cơ sở pháp quyền.

    Sự bất an đó thường là của hai đối tượng chủ yếu sau đây trong xã hội: thứ nhất là những người có thân phận "nhỏ bé," theo nghĩa là những người nghèo, cố gắng nhiều nhưng vẫn không thoát ra khỏi cái nghèo, kết hợp với trình độ hiểu biết thấp. Họ dựa vào bói toán, mê tín như là một sức mạnh bên ngoài đến giúp đỡ đồng thời như là một sự an ủi cho cuộc sống còn nhiều khổ đau vất vả của chính mình; đối tượng này thường là ở nông thôn.

    Nhưng quan trọng hơn, còn có đối tượng thứ hai, đó chính là tầng lớp giàu có, cụ thể hơn, đó là lớp quan chức và giới làm ăn, buôn bán. Việc kiếm tiền không dựa trên năng lực mà dựa trên quyền lực, chức vị là lí do chính khiến cho giới quan chức trong bộ máy chính quyền tìm đến với bói toán, mê tín với mong muốn các lực lượng siêu nhiên đó bảo vệ cho cái ghế quyền lực và cái tài sản bất chính của mình.

    Việc làm ăn kinh doanh buôn bán không dựa trên các mối quan hệ lành mạnh mà bị chi phối bởi những quan hệ ngầm, những bước đi lắt léo của một xã hội còn thiếu minh bạch, luật thì cả rừng nhưng tất cả là luật rừng, là lí do chính khiến giới làm ăn buôn bán phải tin và rất tin vào thần may rủi, vào bói toán, vào ngày đẹp, giờ đẹp, số điện thoại đẹp, biển số xe đẹp,...

    Dễ thấy một điều là người dân bình thường, với giả thiết là có một trình độ dân trí bình thường trong xã hội, và làm ăn một cách chân chính, tâm không bị chi phối bởi lo lắng về những hành động mờ ám, những khoản thu mờ ám,... thì rất ít khi tin vào bói toán, cầu cúng.

    Không quản được thì cấm?

    Cấm các hiện tượng mê tín dị đoan để làm lành mạnh xã hội là một chủ trương đáng hoan nghênh. Khi người ta cấm các hoạt động lên đồng, hẳn trong đầu óc các vị lãnh đạo nghĩ rằng lên đồng cũng là một hiện tượng của sự mê tín dị đoan đó.

    Liệu lên đồng có phải là mê tín dị đoan không? Rõ ràng là ở nhiều nơi, sự lạm dụng hiện tượng lên đồng để lừa đảo người dân nghèo và ít học là có thật. Song từ những trường hợp cụ thể diễn ra ở một số nơi nào đó không thể quy tất cả các hiện tượng lên đồng đều là nhảm nhí.

    Việc lên tiếng của các chuyên gia, các nhà khoa học trong lĩnh vực này phản đối nghị định 75 về việc cấm lên đồng là minh chứng đầu tiên và dễ thấy nhất cho thấy lên đồng có lí do tồn tại của nó.


    Một cảnh lên đồng
    Bên cạnh đó, thế giới quả là rộng lớn và có nhiều điều huyền bí mà năng lực, trí tuệ của con người trong một thời điểm nhất định không thể lí giải hết được. Lên đồng, nhập hồn, thần giao cách cảm, ngoại cảm, hay một thuật ngữ mang tính khoa học hơn là cảm xạ học, là những hiện tượng như vậy. Chưa hiểu được nó thì phải tìm hiểu nó, đặc biệt là đầu tư về mặt khoa học, chứ không phải chưa hiểu được nó, không quản lí được nó thì cấm đoán.
    Không phải ngẫu nhiên mà lên đồng là một hiện tượng thú vị của văn hoá Việt Nam nói riêng và văn hoá Á đông nói chung rất thu hút được sự chú ý của các nhà khoa học, các nhà xã hội học đến từ thế giới Âu Mĩ. Đã có những nhà nghiên cứu về văn hoá ở Việt Nam sang cộng tác với các nhà khoa học Mĩ để làm và đã làm thành công luận án về đề tài này.

    Hơn nữa, liệu có cấm được không khi các hiện tượng đó liên quan đến vấn đề tâm linh, khi giới quan chức lại chính là những đệ tử trung thành nhất với dị đoan bói toán? Liệu có bất nhất không khi ngoài mặt, trên văn bản giấy tờ thì hô hào cấm, trong khi đó giới quan chức lại là những người thường xuyên có các hoạt động cầu cúng nhất, đặt niềm tin nhiều nhất vào các ông thầy bói và các thần tài phù hộ cho gia sản của mình?

    Khiến dân đủ tin vào mình và hệ thống công quyền

    Tất cả các phân tích ở trên để đi đến một số vấn đề rằng: Thứ nhất, phải bỏ ngay lối quản lí xã hội theo kiểu không quản lí được thì cấm.

    Thứ nữa, có những vấn đề không dễ gì ngày một ngày hai dùng các biện pháp hành chính hay bạo lực, trấn áp, ra văn bản luật pháp hay nghị định này kia là có thể cấm được, đặc biệt đó là các vấn đề thuộc về văn hoá tâm linh. Các vấn đề đó phải giải quyết trong dài hạn với các biện pháp thích hợp. Điều này buộc nhà quản lí xã hội phải có tầm hiểu biết và tầm nhìn xa.

    Theo đó, chỉ có thể giải quyết nó bằng việc nâng cao dân trí, và đặc biệt vô cùng cấp bách trong thời điểm hiện nay, đó là có các biện pháp, chính sách cụ thể để xây dựng một nhà nước pháp quyền, quản lí xã hội bằng pháp luật, mọi mối quan hệ trong xã hội đều trở nên minh bạch và lành mạnh. Phải làm thế nào để mọi công dân trong xã hội trong quá trình lao động, làm ăn, sinh sống đều cảm thấy an tâm rằng mình được pháp luật bảo vệ, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, hạn chế tối đa việc bị chi phối và phụ thuộc vào những mối quan hệ ngầm mờ ám.


    Nâng cao dân trí và xây dựng nhà nước pháp quyền là những biện pháp đúng đắn để cho mỗi người dân có đủ hiểu biết để đánh giá hiện tượng nào là mê tín dị đoan. Ảnh minh họa

    Nâng cao dân trí và xây dựng nhà nước pháp quyền là những biện pháp đúng đắn để cho mỗi người dân có đủ niềm tin vào chính mình và vào hệ thống công quyền, có đủ hiểu biết để đánh giá hiện tượng nào là mê tín dị đoan, hiện tượng nào là lợi dụng sự cả tin ngây thơ của dân đen để kiếm chác, hiện tượng nào là thuộc về giá trị văn hoá, hiện tượng nào là hiện tượng thuộc về lĩnh vực khoa học cần được các ngành khoa học hữu quan chú ý tìm hiểu.
    Nâng cao dân trí, xây dựng nhà nước pháp quyền tiến tới một xã hội dân chủ thực sự là cả một quá trình dài nhưng không thể không làm ngay, là giải pháp đối với không chỉ các hiện tượng bói toán hay lên đồng nói trên, mà còn là chìa khoá để giải quyết nhiều vấn nạn nhức nhối khác trong xã hội Việt Nam hiện nay.

    Và để làm được điều đó thì trước hết, các nhà quản lí lãnh đạo phải từ bỏ thói tự mê, thói "mê tín" của chính mình. Muốn vậy, bộ máy công quyền phải tạo ra một chế tài để tăng cường hơn nữa sự phản biện cũng như sự giám sát của người dân, để những người cầm quyền không còn "được chiều như chiều vong" nữa.

    Các nhà quản lí xã hội cũng phải tự nâng cao "quan trí" để đủ sáng suốt trong việc ban hành luật lệ, quy định, tránh tình trạng đưa ra các quyết sách theo lối "lên đồng."
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  14. #14

    Mặc định

    Bài viết này đúng là cái toa thuốc hay.
    Nhà Tần thời xưa chỉ dùng chử Pháp thôi mà đã có thể thống nhất thiên hà.
    Nếu mà đạt được cả hai mặt Dân Trí và Pháp Luật thì không khó khăn trở
    Thành một cường quốc Đông Nam Á!!!

  15. #15

    Mặc định

    bài viết của ông Lê Nguyên Long trên kia cứ như kiểu vừa đấm vừa xoa ý nhỉ

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. ***Lưu Bị mới là người "thanh lý" Quan Vũ?***
    By cuonphong in forum Lịch sử, giai thoại, truyền thuyết của các nước khác
    Trả lời: 23
    Bài mới gởi: 05-08-2011, 04:47 AM
  2. THAM ÁI
    By splen in forum Tản mạn nhân sinh
    Trả lời: 4
    Bài mới gởi: 01-12-2010, 10:40 AM
  3. Hầu đồng trăm triệu
    By Bin571 in forum Đạo Mẫu,Đạo Tứ phủ
    Trả lời: 6
    Bài mới gởi: 22-09-2010, 11:10 AM
  4. GIANG HỒ DẬY SÓNG !!!!
    By minhbanking in forum Chuyện thời sự, xã hội
    Trả lời: 4
    Bài mới gởi: 14-08-2010, 11:31 AM
  5. Rải vàng mã khi đưa tang sẽ bị phạt?
    By Bin571 in forum Tâm linh – Tín ngưỡng – Siêu hình học – Ngoại cảm
    Trả lời: 15
    Bài mới gởi: 04-08-2010, 02:56 PM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •