Dị nhân thề đuổi mưa bị các chuyên gia "đánh tơi tả"

08/09/2010 06:44

Trích từ: http://www.vtc.vn/2-259236/xa-hoi/di-nhan-the-duoi-mua-bi-cac-chuyen-gia-danh-toi-ta.htm - VTC News


Lời khẳng định có thể thực hiện được việc ngăn mưa (có giới hạn thời gian) trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội của nhà nghiên cứu Lý học Đông phương Nguyễn Vũ Tuấn Anh đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều ngay sau khi phát ngôn. Nhiều nhà khoa học bày tỏ sự không đồng thuận với lời tuyên bố của ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh. Thậm chí “phát ngôn gây sốc” này còn bị các chuyên gia "đánh tơi tả" vì nó quá ngạo mạn, hoang đường.

Cá nhân con người có thể làm được?

Theo GS, Viện sĩ Đào Vọng Đức, nguyên Viện trưởng Viện Vật lý, GĐ Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng con người, cá nhân con người có thể làm ảnh hưởng tới tự nhiên. GS cho rằng, việc nhà nghiên cứu Lý học Đông phương Nguyễn Vũ Tuấn Anh tuyên bố có thể “ngăn mưa, bão” trong vòng 7 ngày dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội là có cơ sở.

“Nguyễn Vũ Tuấn Anh đã từng có những dự đoán rất đúng và rất hiệu quả. Không chỉ Tuấn Anh mà tôi biết có những người khác cũng có khả năng tiên đoán này. Đây là những phương pháp mang yếu tố tâm linh mà khoa học cũng không thể lý giải. Nhưng tôi tin là có những cá nhân có thể thực hiện được việc này”, GS nói.

Cam kết không có điều kiện trao đổi

Trái ngược hoàn toàn với quan điểm của GS Đào Vọng Đức, ông Nguyễn Phúc Giác Hải - Chủ nhiệm bộ môn Thông tin dự báo, Trung tâm nghiên cứu Tiềm năng con người lại cho rằng, cá nhân con người không thể tác động tới tự nhiên. Đặc biệt, ông Hải phản bác việc nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh đưa danh dự cũng như những học thuyết của mình để làm điều kiện trao đổi trong cam kết.

“Sử Trung Quốc có ghi lại ở thời Tam Quốc, Gia Cát Khổng Minh đã lập đàn cầu gió Đông Nam để phối hợp với Tôn Quyền chống lại Tào Tháo trong trận Xích Bích. Sự kiện đó được đặt tên: “Thất tinh đàn Gia Cát cầu phong”. Chuyện là Tào Tháo muốn vượt sông Giang Nam nhưng quân sĩ của Tào không quen đi trên sông nước và Tào đã nghe theo âm mưu pháp hoại của Bàng Thống (người sau này phối hợp với Gia Cát phò giúp Lưu Bị): “Xích tất cả thuyền bè thành một khối để giảm bớt sự chòng chành”. Việc kết thuyền thành mảng được các binh sĩ của Tào cảnh báo nguy hiểm nếu như địch dùng hỏa công. Nhưng Tào Tháo cho rằng thời tiết đang là mùa Đông chỉ có gió Bắc chứ không có gió Đông Nam nên nếu có dùng hỏa công thì “tự nó đốt nó”.

Theo sách lược “Bắc cự Tào Tháo, Đông hòa Tôn Quyền” nên để thắng Tào, Khổng Minh đã quyết định dùng hỏa công để đánh Tào. Vấn đề là cần phải có gió Đông Nam mới có thể thắng được trong trận này nên Khổng Minh đã nói với Chu Du, vị tướng dưới trướng Tôn Quyền: “Tôi có thể mượn gió Đông Nam trong vài ngày”. Sau đó, Khổng Minh đã yêu cầu lập cho ông một đàn gọi là Đàn Thất Tinh. Khi lập đàn, quân sĩ phải đứng nghiêm và trong những ngày “đăng đàn”, không ai được phép lên đàn. Đến đúng ngày Đông chí thì có gió Đông Nam.

Khi quân sĩ báo cho Tào Tháo biết có gió Đông Nam, Tào đã cười mà rằng: “Hôm nay là ngày Đông Chí (21/12 dương lịch), do khí Nhất Dương sinh ra, thuộc quẻ Địa lôi phục nên có gió Đông Nam thì cũng lấy gì làm lạ” và không đề phòng.

Sau cùng thì ngày hôm đó có gió Đông Nam thật và khi bị những chiếc thuyền chứa đầy chất nổ và cỏ khô áp sát, những thuyền bè đang bị xích lại của Tào không kịp trở tay. Tào bị thua chạy.

Đó là câu chuyện nổi tiếng của Trung Quốc nhưng trong câu chuyện này, Khổng Minh có phải là người điều khiển được trời đất hay không? Tôi khẳng định là không vì nếu Khổng Minh có thể làm được thì ông ta đã ngăn được trận mưa cứu nguy cho Tư Mã Ý.

Khi dồn Tư Mã Ý vào hang Hồ Lô để phóng hỏa, Tư Mã Ý tưởng đã chết rồi nhưng vì vận số của Tư Mã Ý chưa hết nên trời đã mưa và dập tắt lửa nên Tư Mã Ý thoát nạn.

Như vậy, Khổng Minh chỉ có khả năng ngoại cảm, dự báo nhận biết được trong những ngày có gió Đông Nam và bày ra trận Xích Bích để tạo nên thắng lợi mà thôi", ông Hải nói.

Ông Hải cũng khẳng định, không ai có thể ngăn được mưa trong 7 ngày nhân dịp Đại lễ.

Trong truyền thuyết của Việt Nam cũng đã từng lưu truyền câu chuyện về người học trò của Chu Văn An. Sau khi thực hiện lời cậy nhờ của thầy, người học trò đã làm mưa cứu đất nước thoát khỏi trận hán hán kéo dài và người học trò này sau đó đã phải trả giá bằng cái chết vì đã vi phạm đến nguyên tắc của trời, đất”, ông Hải dẫn giải.

“Nếu không có mưa thì đó là vận số của Đại lễ 1000 năm Thăng Long. Và những nhà ngoại cảm hay bản thân ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh có chăng chỉ cảm nhận được điều đó như Khổng Minh đã lợi dụng “thiên thời” trước kia”, ông Hải nói.

Ông Hải còn đưa ra một mẫu test để kiểm tra: “Quả thực nếu ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh có khả năng đó, ông có thể lập đàn cầu mưa cứu hạn cho một vùng đang khô hạn.

Trước khi đưa ra lời cam kết, ông Tuấn Anh hãy làm thử một cái test này để mọi người tin. Nhưng tôi không tin một cá nhân có thể làm được. Cùng lắm họ chỉ biết được có nắng có mưa nhưng ngay cả việc dự báo này cũng không phải lúc nào cũng làm được”, ông Hải nói.

Cũng theo ông Hải, việc đưa danh dự và những học thuyết của mình ra đánh đổi của ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh không được coi là điều kiện trao đổi. Bởi nếu mọi người không quan tâm tới học thuyết của ông Tuấn Anh thì những học thuyết đó là vô giá trị.

Hoàn toàn không đáng tin cậy

Chuyên gia phong thủy Nguyễn Tuấn Kiệt (Công ty Cổ phần Phong thủy Việt Nam) lại cho rằng lời cam kết của nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh cần được xét trên hai yếu tố tách biệt nhau gồm yếu tố khoa học và yếu tố tâm linh.

“Xét về phương diện khoa học, thời tiết là một hiện tượng của tự nhiên, có những chu kỳ vận động nhất định mà con người có thể dự đoán được những vận động chính như mùa màng, thời tiết từng thời điểm trong năm. Tuy nhiên, việc dự đoán chi tiết theo ngày chỉ có thể dự đoán bằng các phương pháp khí tượng học. Phương pháp dự đoán theo Kinh Dịch cũng cho tỷ lệ chính xác cao nhưng lại phụ thuộc vào trình độ của cá nhân người đoán.

Như vậy, có thể nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh đã dự đoán trước được trời không mưa nhưng theo luận điểm khoa học thì con người khó có thể thay đổi được thời tiết chỉ đơn giản bằng "ý nghĩ". Như vậy xét trên góc độ khoa học thì có thể loại bỏ quan điểm ông Tuấn Anh đã nêu.

Về phương diện tâm linh, theo quan điểm của Phật giáo, môi trường xã hội và tự nhiên chúng ta sinh sống cùng nhau là do cộng nghiệp được hình thành từ mọi người. Mỗi cá nhân đều có vai trò tác động đến môi trường tự nhiên theo một cách nào đó, mức độ nhiều hay ít phụ thuộc vào trình độ tâm linh của mỗi cá nhân. Có những vị tu chứng ở một cấp bậc nào đó có thể cảm hoá được tự nhiên bởi do năng lượng tâm linh của người đó có ảnh hưởng sâu sắc hơn những người khác.

Nếu quan điểm của ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh là đúng thì ông phải có một trình độ tâm linh xuất sắc, vượt trội hơn rất nhiều người khác thì mới có năng lực thay đổi môi trường tự nhiên. Điều này đã từng xảy ra với những người có năng lực chứng ngộ trong Phật giáo. Nhưng nếu là những người chứng ngộ thì đều có phẩm tính khiêm nhường và sâu sắc...

Theo tôi, xét trên hai phương diện khoa học và tâm linh thì quan điểm ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh đưa ra có phần chủ quan và ngạo mạn. Lời cam kết của ông Tuấn Anh theo tôi cần phải xem xét lại và hoàn toàn không đáng tin cậy”, phong thủy gia Nguyễn Tuấn Kiệt cho biết.

Chưa có cơ sở để chứng minh

Theo anh Phan Thanh Hiền, Chủ nhiệm CLB Thiên văn Bách khoa (http://thienvanbachkhoa.org), ý thức con người thuộc về lĩnh vực tâm lý học và tâm linh.

“Hiện nay, khoa học chưa chứng minh được ý thức có thể tác động được vào vật chất hay không. Từ xưa, con người đã từng lập đàn cầu mưa để bảo vệ mùa màng và ngăn ngừa hạn hán. Tuy nhiên chưa có cơ sở khoa học để khẳng định việc này có tác động đến thời tiết.

Việc ngăn mưa là có thể làm được. Nhưng phải đầu tư nguồn vốn tương đối lớn và quan trọng hơn là phải có đánh giá cụ thể về tác động đến môi trường. Việc nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh nói ý thức con người có thể ngăn mưa chưa có chứng cứ khoa học nên không thể khẳng định có thành công hay không”, Phan Thanh Hiền kết luận.

Thu Hiền (ghi)