Hồi tui còn nhỏ, lúc đó sân vận động Lam sơn ở Vũng tàu còn đơn sơ lắm. Nếu so với các sân vận động khác của mình thời bấy giờ thì thật ra cũng giông giống nhau, có một sân bóng đá ở giữa. Đất nhiều hơn cỏ, có một đường chạy "chuẩn" 400 mét. Ở một góc sau cầu môn là hố nhảy xa, phía kia là hố nhảy cao. Góc khác có chỗ để tập thể dục dụng cụ (nghe cho oai, nơi đó có 2 vòng được cột chặt vào hai sợi dây trên cao - người ta gọi là thăng bằng trên vòng thì phải) + với chỗ hít pa-ra-phít. Có chỗ để người ta chơi bi sắt nữa (môn petanque đó).

Có một khán đài đối diện với cổng vào mái che được cho khoảng 200 người. Mỗi khi có trận bóng đá thì khán đài không đủ chỗ, người ta ngồi đầy quanh các đường biên sân.

Từ lâu dân mình có thói quen thể dục rồi, nhưng không rầm rộ như bây giờ. Hồi đó tui còn nhỏ, đang học cấp 2, thấy người ta tập thể dục thể thao thấy cũng ham, vả lại trong các môn học thì môn học thể dục tôi có ông thầy khá khó khi chấm điểm. Mà tôi có một bệnh bẩm sinh: tim lớn. Nên môn chạy tôi ít khi nào đạt điểm cao. Chạy một chút là mặt trắng bệt, đi nhiều hơn chạy.

Bởi thế tôi quyết tâm tập chạy để cải thiện "thành tích". Tui nghe người ta nói tập chạy phải tập từ sáng sớm, nên tôi xin má tôi sáng gọi tui dậy lúc 4 giờ rưỡi để tui ra sân chạy. Từ nhà ra sân cỡ 10 phút. Chạy chừng 20 - 30 phút là 5 giờ sáng. Đi về tắm rửa, vệ sinh, ôn bài một chút đi học là vừa.

Sân lúc đó thì cũng có người tập rồi, nhưng không rõ mặt người. Lúc đó mới giải phóng, gặp lúc thiếu nhiên liệu nên cúp điện thường xuyên, đèn đường, đèn công cộng hầu như không được mở. Được cái khi mình hào hứng có quyết tâm thì không gì phải ngại, phải sợ.