Các nhà khoa học nói gì về "dị nhân đuổi mưa"?
07/09/2010 1326

- Các nhà khoa học khí tượng, nghiên cứu tiềm năng con người khi được hỏi ý kiến đều tỏ ra nghi ngờ "dị nhân ngăn mây, đuổi mưa" Nguyễn Vũ Tuấn Anh. Thậm chí có người còn nói, "ông Tuấn Anh nên thử nghiệm trước..."


LTS: Mấy ngày gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm tới thông tin ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh , hiện được báo chí đặt biệt danh "dị nhân ngăn mây, đuổi mưa. Nhà nghiên cứu Lý học Đông phương này khẳng định, dưới sự tác động ý thức của bản thân, ông hoàn toàn có thể thực hiện được việc “ngăn mưa, bão” trong vòng 7 ngày dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Phát biểu trên một tờ báo, ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh giải thích nguyên lý: "Các nhà khoa học trong thí nghiệm vật lý lượng tử đã thừa nhận rằng ý thức con người tác động được đến các hạt proton. Mà cơn bão, mưa hay nắng cũng là cấu trúc của những hạt proton nên suy luận ra ý thức con người có thể tác động đến các hiện tượng thời tiết này. Đó chính là nguyên lý lý thuyết tôi khẳng định mình có thể quyết định mưa hay không. Tất nhiên vẫn có thể xảy ra xác suất đúng hay khả năng sai. Nhưng tôi tin vào khả năng của mình qua nhiều lần dự báo thành công trước đó".

Để rộng đường dư luận, cũng để tìm hiểu rõ hơn về nguyên lý và khả năng thực tế của tuyên bố này, PV Bee đã có cuộc trao đổi ngắn với một số nhà khoa học khí tượng thủy văn, tâm linh.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải, Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người

Có thể dự báo chứ không thể điều khiển mưa bão

Khả năng hô phong hoán vũ của con người vẫn được những câu chuyện dân gian truyền miệng cho đến ngày nay. Lịch sử cũng ghi nhận câu chuyện Gia Cát Khổng Minh mượn gió Đông Nam để đánh thắng Chu Du. Tuy nhiên, đằng sau vẻ huyền bí như lập đàn uy nghiêm, người đời không biết rằng, Khổng Minh là rất am hiểu về khí tượng. Ông biết chắc ngày giờ đó có gió Đông Nam thổi nên mới nghĩ ra kế này. Thực chất câu chuyện này là biết trước chứ không phải điều khiển được gió.


Ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh khẳng định sẽ ngăn mưa ngày Đại lễ


Xét dưới góc độ tâm linh, nếu lập đàn cầu xin mưa thuận gió hòa thì người đứng ra lập và xin phải là người rất có uy tín (kiểu như vua, người đứng đầu địa phương...). Còn một cá nhân bình thường làm thì không có mấy tác dụng.

Cá nhân tôi cho rằng, có thể ông Tuấn Anh là người có khả năng dự báo và biến dự báo đó thành hiện thực chứ không thể điều khiển mưa bão như ông tuyên bố.


GS Lê Đình Quang, tác giả của dự án làm mưa nhân tạo năm 2002 và ý tưởng ngăn, chuyển hướng bão


Dưới góc độ khoa học thì không thuyết phục

Việc ngăn mưa không phải là câu chuyện mới đối với thế giới. Rất nhiều nước đã thực hiện việc này để phục vụ cho những ngày trọng đại của mình. Năm 1980, thời điểm diễn ra Olympic Moscow, các nhà khí tượng của Đài không trung ương Liên Xô đã thực hiện việc chống mây, ngăn mưa thành công. Vài năm sau đó, tôi có sang cơ sở nghiên cứu này để tiếp thu kiến thức và kinh nghiệm làm mưa nhân tạo của họ.

Về cơ bản, việc ngăn mưa có cơ sở lý thuyết hoàn toàn giống với việc làm mưa nhân tạo. Chỉ có điều, thay vì làm mưa ở chỗ này, các nhà khoa học sẽ cố tình gây mưa ở chỗ khác để tạo điều kiện thời tiết thuận lợi cho một khu vực nào đó cần diễn ra những nghi lễ quan trọng.

Người ta có thể dùng dàn phun (giống như giàn tên lửa) để rải những hóa chất như muối bạc, cacbonic rắn lên mây để chúng tạo mưa. Đây cũng là nguyên lý là giảm cường độ bão hay chuyển hướng bão mà tôi đã từng đề cập.

Việc dùng tác động ý thức của bản thân để “ngăn mưa, bão” theo tôi không hợp với lý thuyết vật lý trên và xem ra có vẻ hơi hoang đường. Tôi khẳng định, phương pháp này không thể chứng minh được bằng vật lý.

Tuy nhiên, vấn đề ngoại cảm là một vấn đề rất nhạy cảm và khó đoán trước, vì thế nếu có thể, ông Tuấn Anh nên thử nghiệm trước. Nếu thành công thì hãy tính đến chuyện tiếp theo.

TS Phạm Đức Thi, Trung tâm KHCN Khí tượng Thủy văn và Môi trường (Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam)

Không phê phán nhưng cũng không tin tưởng

Bản chất của ngăn mưa là dùng khối lượng năng lượng lớn để xua đám mây từ chỗ này sang chỗ khác. Tuy nhiên, với khu vực diễn ra đại lễ 1000 năm Thăng Long rất rộng thì nhu cầu năng lượng là cực kỳ lớn. Thế mới có con số gần 1 tỷ USD để thực hiện công việc này.

Song, cần khẳng định, với trình độ khoa học hiện nay, việc ngăn mưa bão là điều hoàn toàn có thể. Tôi đã chứng kiến tại Nga, người ta đã áp dụng phổ biến phương pháp ngăn mưa đá cho các nông trường trồng nho.

Những ý tưởng kiểu như thế này tôi đã tiếp xúc rất nhiều. Khi tôi còn công tác tại Tổng cục Khí tượng Thủy văn, có rất nhiều người mang hồ sơ, đề án đến trình bày nhưng chúng tôi đành phải từ chối. Sở dĩ phải từ chối bởi chỉ cần đọc và thẩm định cũng đã mất rất nhiều thời gian, chưa kể đó là những dự án có vẻ mang tính hoang tưởng.

Bản thân tôi không dám phê phán cách thức ngăn mưa của ông Tuấn Anh nhưng cũng không tin tưởng lắm vào phương pháp này.


Thu Ba (ghi)