Chuyên gia khí tượng "mổ" dị nhân "ngăn mây, đuổi mưa"
Thứ Ba, 07/09/2010 --- cập nhật 03:21 GMT+7


“Đã mưa thì chẳng còn cách nào ngăn được. Như tôi đã nói, việc “bắn mây ngăn mưa” còn phải có nhiều thời gian, nghiên cứu, thực hành, đào tạo… Vì vậy theo tôi, nên có nhiều phương án tổ chức Đại lễ”.



GS. TSKH Nguyễn Đức Ngữ, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn (KTTV) vừa trao đổi với chúng tôi về thời tiết dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, xoay quanh vấn đề “bắn mây ngăn mưa”.
- Thưa ông, dư luận đang quan tâm nhiều đến vấn đề “bắn mây ngăn mưa” dịp Đại lễ, tuy Chính phủ đã quyết định không thực hiện việc này nữa, nhưng vẫn có những ý kiến xung quanh vấn đề này được đưa ra như: nếu phương án được duyệt thì cũng không khả thi do thời gian còn lại quá ngắn, hay số tiền chi phí bắn mây ngăn mưa không tới 1 tỷ USD như dự kiến ban đầu mà rẻ hơn nhiều… Về phía ông, một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong ngành KTTV, ông có ý kiến gì về việc “bắn mây ngăn mưa”?



GS.TSKH Nguyễn Đức Ngữ (Ảnh: GD&TĐ)



Việc người ta làm tan mây để bảo vệ vùng cần thiết - về nguyên lý thì không vấn đề gì cả và có nhiều cách để làm. Ví dụ bắn đại bác đốt nóng khối mây để mây tan không mưa; dùng tên lửa bắn hóa chất nhằm tăng hạt nhân liên kết làm cho nước trong mây ngưng kết nhanh gây ra mưa sớm hơn.

Như vậy, có thể thấy, có 2 cách: làm bốc hơi hoặc làm mưa sớm đối với những đám mây chưa đến vùng cần bảo vệ hay ở ngoài rìa của vùng cần bảo vệ.

Nhưng không phải mọi loại mây đều làm được như vậy, chỉ làm được đối với khối mây cục bộ thôi, còn mây trên diện rộng, có tính hệ thống trên cả vùng lớn Bắc – Nam thì không thể phá được, đối với mây bão cũng vậy, không "phá" được!

Đó là tôi nói về nguyên lý, còn về kỹ thuật thực hành thì không hề đơn giản. Muốn “phá” mây, người ta phải tiến hành quan trắc đám mây, nghiên cứu bằng ra-đa thời tiết, quan trắc thời điểm nào, vị trí nào có thể bắn mây, đánh giá tình trạng nhiệt độ, độ ẩm, hơi nước, tình trạng đối lưu trong mây… Trên thực tế, tỷ lệ thành công của việc “phá” mây rất thấp. Nếu không có sự quan trắc chính xác thì có khi còn… mưa rất to!

Đối với những trường hợp như mưa rào thì có thể “phá” được nhưng những trường hợp khác như tôi nói ở trên (vùng mây diện rộng, mây bão – PV) thì cần phải tính toán, cân nhắc.



Thời tiết đẹp góp phần quan trọng cho thành công trong Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (Ảnh: internet)



- Vậy với điều kiện của Việt Nam hiện nay thì việc bắn mây ngăn mưa có khả thi không, theo ông?
Ở Việt Nam chúng ta chưa làm bao giờ, nên về thực hành thì ta chưa có kinh nghiệm. Lần ta làm mưa nhân tạo cũng là chuyên gia Trung Quốc sang giúp chứ bản thân ta chưa có thời gian nghiên cứu.

Cần phải có thời gian nghiên cứu, hợp tác với chuyên gia nước ngoài cùng họ đào tạo cán bộ. Cần có thời gian để thực hành thế nào, bay thế nào, rắc bột hóa chất thế nào, quan trắc mây ra sao, vùng nào cần bắn mây, thời gian bắn mây lúc nào…

Có thể nói, trong điều kiện hiện nay thì Việt Nam làm ngay việc bắn mây ngăn mưa là chưa được.

- Mới đây, có một nhà nghiên cứu lý học Đông Phương của Việt Nam khẳng định với chúng tôi là dưới sự tác động ý thức của bản thân, ông này hoàn toàn có thể thực hiện được việc “ngăn mưa, bão” trong vòng 7 ngày dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Một trong những lý lẽ nhà nghiên cứu này đưa ra là: “Các nhà khoa học trong thí nghiệm vật lý lượng tử đã thừa nhận rằng ý thức con người tác động được đến các hạt proton. Mà cơn bão, mưa hay nắng cũng là cấu trúc của những hạt proton nên suy luận ra ý thức con người có thể tác động đến các hiện tượng thời tiết này. Đó chính là nguyên lý lý thuyết tôi khẳng định mình có thể quyết định mưa hay không…”. Về ý tưởng này ông có suy nghĩ gì?

Tôi không biết gì về nhà nghiên cứu này, nhưng những điều tôi vừa nghe tôi thấy chỉ là lý thuyết, vấn đề là thực hành như thế nào.

Nếu cho rằng ý thức con người quyết định được cơn bão, mưa hay nắng thì sao lại không “đuổi” được mấy cơn bão vừa rồi đi để cứu Việt Nam? Hay sao không “phá” trận mưa lớn tại Hà Nội ngày 13/7 vừa rồi?

Nếu chỉ nghe nói lý thuyết thì sẽ gây rối loạn, mơ hồ - còn thực hành thế nào thì lại chưa làm.

- Ông đã bao giờ nghe ý tưởng nào về việc ngăn mưa chưa?

Ngày tôi còn làm Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn, có người gửi thư cho tôi nói có thể dự báo mưa được trong cả năm và chính xác là ngày nào. Tuy nhiên, tôi không bày tỏ ý kiến gì vì thực chất quan trọng là họ đã làm được gì cho đất nước chưa? Nếu có khả năng như thế sao “ông” không ngăn biến đối khí hậu, sao “ông” không ngăn việc trái đất đang nóng lên đi?

- Thưa ông, Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội đang đến rất gần, vậy không thực hiện phương án “bắn mây ngăn mưa” thì theo ông cần làm gì để Đại lễ diễn ra thuận lợi trong thời tiết đẹp?

Hiện nay chúng ta đã có dự báo thời tiết hạn dài, hạn vừa, và dự báo cực ngắn (1-3 tiếng), tuy nhiên cũng phải nói rằng tỷ lệ xác xuất độ chính xác không cao lắm đâu. Đã mưa – chẳng còn cách nào ngăn được. Như tôi đã nói, việc “bắn mây ngăn mưa” còn phải có nhiều thời gian, nghiên cứu, thực hành, đào tạo…

Vì vậy theo tôi, nên có nhiều phương án tổ chức Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, ví dụ như mưa điểm này ta có thể chuyển đến điểm khác để tổ chức sự kiện hoặc dời thời gian cử hành sự kiện…

- Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho chúng tôi!

Theo VTC.vn