VIII.- QUỐC ĐẠO NAM PHONG

QUỐC ĐẠO NAM PHONG.
(Từ Trung Hiếu Nghĩa)

Trường hổn độn, một nền văn minh gồm có tinh thần duy vật mạnh mẻ. Cái chánh sách của loài người chạy theo duy vật đương nhiên thì mặt địa cầu nầy chưa hòa bình. Họ chỉ biết tranh sống với duy vật, chớ chưa sống với tinh thần chí Thánh, vật chất sẽ dẫn đến con đường tử lộ không phương cứu chửa. Duy có Đức CHÍ TÔN đến cứu loài người mà thôi.

May thay trong nòi giống tổ phụ chúng ta để lại một tủ thuốc, tủ thuốc ấy ngày nay lấy ra làm môn thuốc cứu cả tinh thần nhân loại trong hoàn cầu nầy và trong tủ thuốc thiêng liêng đó để làm vị cứu sanh.

Tổ phụ ta trước kia lấy lương thiện làm căn bản, lấy nhơn nghĩa làm môi giới.

Nhơn loại vì quá ỷ tài sức nương theo cái tinh thần khoa học mà làm mất cái tinh thần căn bản nhơn luân. Đương nhiên bây giờ tinh thần loài người chỉ xu hướng theo trí thức của họ. Họ có thể được cái hành vi bí mật thiêng liêng mà lập nên cơ giới phi thường ở mặt địa cầu nầy. Nhưng cơ giới ấy do nơi hóa công sản xuất ra tâm não của kẻ trí thức thông minh đặng bảo vệ sanh mạng của loài người và lập hạnh phúc cho loài người.

Trái ngược lại những hạng trí thức thông minh ở trong thời đại nầy đều nảy sanh do một tâm lý khoa học mà thành hình, rồi tâm lý khoa học ấy trở lại tàn sát sanh mạng của loài người. Hơn nữa, trước mắt chúng ta đã ngó thấy hai trận giặc trên hoàn cầu đã giết hại nhau, nên hiện giờ trên mặt địa cầu đã tự giết chết biết bao nhiêu mà kể, nên Đức CHÍ TÔN phải đến.

Đêm 21 tháng12 năm Đinh Hợi (1948) Đức CHÍ TÔN giáng cơ dạy Ông cựu Thủ Tướng Lê Văn Hoạch đem bài thi nầy qua Hồng Kông cho Ông NGUYỄN VỈNH THỤY (BẢO ĐẠI).

Thượng, Hạ nhị Thiên xử địa hoàn,
Việt Nam nhứt quốc nhứt giang sơn.
Hoàng đồ toàn bảo Thiên thi định,
Đảnh tộ trường lưu tổ nghiệp tồn.
Quốc Đạo kiêm triêu thành Đại Đạo,
Nam phong thử nhựt biến nhơn phong.
An bang liệt Thánh tùng Nghiêu Thuấn,
Văn hóa tương lai lập đại đồng.


Từ bài thi nầy rõ ràng là Đức CHÍ TÔN đến để chỉ và cho lại Quốc Đạo Nam Phong, Ngài đã đền bù sự thiệt thòi của một đất nước nhỏ bé giàu lòng tin, một cách xứng đáng.

“Quốc Đạo kiêm triêu thành Đại Đạo”

Các Tôn Giáo hiện hửu tại mặt địa cầu nầy đã mất quyền. Điều đó quyết hẳn vậy. Thiên hạ tinh thần đã loạn mà không ai cầm quyền điều khiển nên tự do sát hại với nhau.

Đức CHÍ TÔN đến, đến đặng cứu con cái của Ngài. Ngài đã làm thế nào? Chỉ tăng cường đạo đức làm giềng mối cho tâm lý loài người đặng bảo tồn sanh mạng cho cả nhân loại với phép duy tâm thì đời mới tồn tại.

Chúng ta quan sát coi nền Quốc Đạo của chúng ta có phương thế gì để làm một nền Tôn Giáo cho toàn cầu? Nền Tôn Giáo của Đức CHÍ TÔN lấy tinh thần làm căn bản, hỏi vậy tinh thần của nhơn loại hiện ở dưới quyền áp bức của văn minh vật chất, tinh thần ấy có đủ quyền năng tự vệ lấy họ chăng? Tinh thần họ có đủ lực lượng chiến thắng chăng? Nếu không quật khởi lên tự quyết, tự chủ, tự định phận đặng mà phải chịu làm nô lệ cho văn minh vật chất thì tương lai của Đạo Cao Đài sẽ ra sao?

Chẳng những phải tự bảo vệ chiến thắng mà thôi, còn phải bảo vệ chân tướng của Đạo Đức tinh thần cả loài người trở mặt ra đối với tinh thần cường liệt của CHÍ TÔN, thì tương lai nơi mặt thế nầy sẽ như thế nào?

Có điều CHÍ TÔN tạo hình thể nào đặng bảo trọng tinh thần Đạo Đức, đó là phương pháp ta nương theo đặng tạo dựng khối đức tin vững chắc bền bỉ vậy.

CHÍ TÔN đã nói cùng người Pháp:

“Từ thử một sắc dân ấy chỉ biết nô lệ chớ chưa biết vi chủ vì vậy mà ta đến bồi thường sự bất công ấy, Đạo giáo đã dạy chúng ta chí thiện, chí nhơn, đại từ, đại bi, tinh thần đó vậy. Hỏi chớ ngày nay chúng ta phải tùng hay chăng? Dám chắc giọt cam lồ ấy, tinh thần loài người đã khao khát để bảo tồn sanh mạng, bằng chẳng vậy thì nhơn loại phải tự diệt mà thôi.”

Ta thừa hiểu: Nòi giống Việt Nam xuất hiện ở hoàng địa Tàu, thời Ngủ Đế tương tranh (không phải Tam Hoàng Ngủ Đế) bộ lạc của Hoàng Đế chiến thắng tất cả, cho nên các vị Đế cầm đầu bộ lạc là Thanh Đế, Xích Đế, Bạch Đế, Hắc Đế đã phối hiệp bộ lạc mà đánh trả, vì vậy mà Hoàng Đế cùng đoàn tùy tùng phải giả trang chạy về phương Nam, nên ta không ái ngại nói Việt Nam nầy là sắc dân Tàu. Đất địa tổ quốc ta không phải ở đây, ở Bắc Tam Tỉnh là Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam kể luôn Đông Kinh (Tonkin) tức là Hà Nội và Hải Nam nữa là tổ quán.

Nòi giống Việt Thường là con cháu nước Lỗ mà Nho Tông xuất hiện cũng ở nước Lỗ, giống Lỗ lập Đạo Nho, chắc hẳn là Nho Tông chúng ta vi chủ. Nói vi chủ tức là của mình.

Bây giờ trở về cội nguồn Đại Đạo thì như chúng ta đã hiểu Đức CHÍ TÔN duy có một mình, Ngài phân ra mới có PHẬT MẪU, Ngài phân ra đệ nhị quyền hiệp lại đệ nhất quyền đủ quyền năng tạo ra Càn Khôn Vũ Trụ để lập gia đình cho loài người. Nhờ CHÍ TÔN phân tánh là Bí Pháp lập thành xã hội.

Mỗi cá nhân đều có nguyên do căn bản. Ngày nay nhơn loại lại xu hướng theo phương pháp vật hình, quyền năng khoa học sống không quyền lực tinh thần duy chủ,tổ phụ chúng ta sống từ Thượng Cổ đến nay ba ngàn năm (3000) một vị chí Thánh để lưu lại cho đời mực thước niêm luật xã hội nhơn quần. Ngài định phải có gia đình, có tổ tông, có xã hội. Ngài lập pháp trọn trong điều ấy từ thường dân chí Vương Đế không ai ra khỏi mặt luật. Tổ phụ chúng ta chịu Đạo Giáo để lại sự thờ phượng tông tổ gia đình chúng ta, tức nhiên thờ kẻ quá vảng, ta coi người chết như sống, chúng ta tôn sùng mạng sống của con cái người, vì loài người là Thiên Hạ mà Thiên Hạ là Trời.

Chúng ta biết nhìn nhận Trời trên mặt địa cầu, chúng ta biết thờ phượng Trời tức nhiên thờ loài người đó vậy. Đạo giáo chúng ta để lại 2.000 năm vậy điều trọng hệ là thờ Trời và thờ Người.

Buổi hổn độn nầy, khoa học dẫn đến một đường tử lộ chúng ta cần đến Đạo Giáo phô trương trên mặt địa cầu cho nhơn loại biết tự tỉnh để trụ tánh loài người lại, hưởng hoàn thuốc cứu sanh mạng họ.

Cái trí thức tinh thần khoa học ấy có làm gì cho đồng bào và thời đại nầy đặng hạnh phúc chăng? Trái lại nó làm cho đời một tấn tuồng thống khổ! Cái thảm khổ của đời mà chưa hề có ai thấu rõ tâm lý khổ não của đời đem lòng thương hại đến nhân sanh.

Từ Phật Giáo ra đời đến bây giờ tinh thần của loài người mới biết thương hại cho nhau, nơi nào có một tâm hồn ưu ái thì các Tôn Giáo đương nhiên trước kia là một hườn thuốc để cứu chửa cái bịnh thảm khổ của loài người, nhưng nay hườn thuốc ấy nó không thể trị đặng một bịnh tinh thần khoa học của họ đã sản xuất trên mặt địa cầu.

Chúng ta chỉ biết đem hai chữ nhơn nghĩa mà lập nên hạnh phúc cho họ mà thôi. Nên nay ta đem cái Đạo nhơn nghĩa mà thức tỉnh loài người đặng cho họ nhìn với nhau vì danh nhơn nghĩa hầu thương yêu nhau, dìu dắt đi đến chủ nghĩa đại đồng.

Đạo Nho phát sanh từ Vua Phục Hy là tối cổ. Ta không thể tìm đâu xa, duy biết rằng Đức KHỔNG PHU TỬ học Nho của Ông CHÂU CÔNG đặng chỉnh đốn lại Đạo Nho, khi Ngài đến tại thế nầy Đạo Nho đã làm được những gì?

Ta thấy Đạo Nho của chúng ta có Hội Thánh mà Hội Thánh ấy bí ẩn, khéo léo lạ lùng duy có một người có thể kiến thiết quốc phong của một nước mà thôi, chớ không đủ năng lực chuyển cả tâm lý toàn cầu được. Vì sự khuyết điểm ấy, Đức CHÍ TÔN mới đến lập Hội Thánh đền thờ của Ngài kêu là CAO ĐÀI, danh từ đó chỉ rõ Đền Thờ cao trọng của Ngài tại thế.

Hội Thánh Đạo Khổng lập quốc thế nào?

Ta thấy Hội Thánh của Đạo Khổng trong gia đình làm gia pháp biến sanh ra phong hóa gia nghiêm. Người Chưởng quản gia đình tức là Giáo Sư Hội Thánh của Đạo Khổng tức là Cha (kêu là chủ gia).

Trong Hương Đảng có Hội Thánh của Hương Đảng, theo cổ tục thì Ông Hương Chủ là chủ của Hội Thánh Hương Đảng.

Khởi đầu trong gia đình rồi mới tới Hương Lân, trong Hương Lân, chức Hương Chủ là lớn hơn hết rồi mới ra đến Quốc Gia, người chủ của Quốc Gia là nhà Vua.

Ông cha ta trong gia đình, Ông Hương Chủ trong Hương Thôn, Ông Vua trong nước, cả ba người ấy giữ ba giềng mối Đạo. Phụng thờ ba Tôn Giáo. Tổng số ba Tôn Giáo ấy lại là Nho Tông.

Ông Cha trong nhà thì thờ Tiên, Tằng, Tổ, Khảo, Ông là Giáo Sư, là thầy cả trong gia đình.

Ông Hương Chủ thì thờ Chư Thần, tức là cả công thần vì nước mà hy sinh cả tánh mạng được nhà Vua ân tứ làm chủ Hương Lân, nên trong Làng ta chỉ thấy có Đình thờ Thần thiên thu phụng tự mà thôi. Nên Ông Hương Chủ là Thầy Cả của Làng.

Nhà Vua thì thờ Đức CHÍ TÔN tức là NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ.Ta thấy sự tế tự Đấng CHÍ TÔN ấy lưu truyền từ đời Thượng Cổ nên hằng niên mới có tế Nam Giao, đó là tế Đức CHÍ TÔN vậy.

Ta đã thấy Đạo Nho lấy gia đình làm căn bản, bước từ tiểu gia đình là gia tộc lên đại gia đình là quốc gia, lại lấy sự khéo léo trong gia đình là phương pháp thực hành. Các phần tử trong gia tộc hiệp lại thành Tông Đường. Một gia tộc nào đủ nhơn nghĩa đạo đức thì tông đường đó để mắt nông nả cho có đủ phương pháp thi thố cả sở năng của mình, bởi chỉ trông cậy nơi mình làm cho gia đình đứng đợt được với thiên hạ một cách vinh diệu, mà hể tông đường được vinh diệu, tức nhiên người đại diện cho tông đường ấy khi ra thay mặt cho tông đường đã đào luyện trí thức, tinh thần, sở năng, sở kiến đặng thay thế tông đường cho xứng đáng trước luật quan phép nước. Làm đầu tông đường được tức nhiên trong Hương Đảng đã để dành địa vị cho danh thể cao trọng ấy rồi.

Trong Hương Thôn có mặt nào đứng đợt làm đầu Hương Thôn, mặt ấy không lẽ triều chính không biết đặng, nên danh nghĩa trong Hương Đảng liên quan mật thiết với triều đình mà hể có liên quan tất nhiên là địa vị triều đình sẽ dành để cho người cầm quyền Hương Đảng đó vậy.

Tổ chức xã hội chúng ta đi từ tiểu gia đình lên đại gia đình là quốc gia, vì cớ nên tiên nho chúng ta dầu cho để tam quyền là Ông Cha trong gia đình mà có tội đem ra giữa triều chính buộc tội là trị Đạo bất nghiêm, còn đệ nhị chủ quyền lại là trị dân không nghiêm, cũng gọi là trị Đạo bất nghiêm. Hình phạt nặng nề sẽ định án cho hai chủ quyền đệ nhị và đệ tam đó không phương chối cải.

Cái Đạo, nói tiếng Đạo mà người cầm quyền trị Đạo phải thực hành được Đạo đã không dễ thì cầm quyền trị Đạo lại càng không dễ nữa. Phải làm thế nào thi thố cho dân sự trong bổn thôn thấy tâm Thánh của mình là thay thế Đức KHỔNG PHU TỬ làm cha mẹ dân, mà chẳng vậy thôi, còn cầm quyền Thầy trong bổn thôn đó nữa. Nếu không đủ biệt tài cầm cái khối báu do CHÍ TÔN để lại mà trau dồi làm cho có giá trị, cứ do theo điều mới mẻ thì chỉ có làm cha, làm chủ bướng vậy thôi, nên cần phải biết sửa dương lại thì xã hội nầy sẽ đứng đầu hơn hết.

Cha nâng đở danh thể làm cho con thế nào thì Ông Chủ quyền của Hương Thôn cũng phải làm cho dân thế ấy, nghĩa là tâm lý của Ông cho cầm quyền gia đình trị con thế nào thì Ông chủ cầm quyền Hương Lân trị dân cũng như Cha trị con vậy.

Thượng gia đình là quốc gia, trung gia đình là Hương Đảng, hạ gia đình là tông đường, không có chi là lạ là khó, nhưng căn nguyên ấy ta không sửa lại đặng bởi ba bực: Hạ, Trung, Thượng của cơ tấn hóa thế nào thì gia đình cũng thế ấy. Cả Càn Khôn có Thượng giới, Trung giới, Hạ giới mặt luật thiên nhiên của sự tiến hóa trật tự ấy không thể tiêu hủy đặng. Nên cần phải tô điểm nam phong do tinh thần tổ phụ ta để lại làm căn bản mới đủ sức mạnh đủ cường liệt đứng đợt với toàn cầu vạn quốc. Bằng chẳng vậy thì đừng mong hưởng sớm, còn xa vời lắm.

Ngày giờ nầy, vì quốc dân xu hướng theo văn minh tân thời muốn phế bỏ hủy hoại và cũng do bởi cớ nên Đức THANH SƠN để câu thi tự hào rằng:

“Văn hóa bốn ngàn năm có sẵn,
Chi cần dị chủng đến dâng công.”


Trong phong hóa của ta gồm có: Phong hóa của nhà, phong hóa của làng, phong hóa của nước, tức là phong hóa chung của xã hội nhơn quần Việt Nam ta đó. Nho Tông đối với xã hội là gì? Tức nhiên ta thấy có luật pháp, tự cổ chí kim chưa nước nào có đặng.

Đạo Nho có thất thập nhị hiền và Tam Thiên đồ đệ. CHÍ TÔN đến lập Hội Thánh có: Nhứt Phật, Tam Tiên, Tam Thập lục Thánh, Thất Thập nhị hiền,Tam Thiên Đồ Đệ, rõ ràng là Hội Thánh của Đạo Nho. Hiện giờ ta nhận thấy Ngài áp dụng nền Chánh trị của nhà Châu đặng lập chánh trị của Đạo, làm cho cả cơ quan yếu thiết của Đạo Cao Đài ra thiệt tướng đặng đủ năng lực chuyển thế, ta không có gì mà nghi ngờ nữa cả. Cái nền nhơn nghĩa của chúng ta nó có thể làm môi giới cho các chủng tộc trên thế giới, Đạo nhơn nghĩa của chúng ta là một căn bản của quốc thể cho nước Việt Nam và có thể thành quốc đạo được.

Nếu ta tìm tàng sự ảnh hưởng Nho Tông đối với nền chánh trị của nước Trung Hoa tối cổ vững chắc mạnh mẽ phi thường, nếu có nghiêng đổ là tại họ phế cổ tùng kim làm cho hủy hoại nền chánh trị tối cổ quí báu mạnh mẽ khi xưa. Phương pháp chánh trị Càn Khôn cũng vậy. Còn nước Việt Nam là nòi giống Trung Hoa của người Tàu thì chúng ta đã có nền chánh trị về Tông Đường đó muốn thiên hạ hiệp lại đại đồng thì ít ra các Tông Đường phải hiệp trước đã, phải đi từ cái nhỏ mà đến cái lớn.

Đạo nhơn luân khởi thủy từ hôn nhơn mà Nho phong đã định cho cha mẹ vi chủ, nếu để cho đứa con vi chủ thì chỉ có hư mà thôi, nếu gia đình hư tức nhiên sẽ có ảnh hưởng tới xã hội.

Ấy vậy căn bản phong hóa của Việt Nam ta do nơi đạo nhơn luân nơi gia đình, dù ai thuyết minh phong hóa như thế nào đi nữa nguyên căn tinh túy cũng vẫn do nơi gia đình mà thôi.

Chúng ta lấy Nho phong làm căn bản, phục sanh hồn nước đã điêu tàn cho nó phục sanh lại làm sống quốc hồn của mình trong bốn ngàn năm về trước. Như nó thành tướng chừng đó chúng ta không muốn bán cũng có kẻ mua, chẳng phải một nước Việt Nam nầy thôi mà toàn cầu vạn quốc nài mua đó vậy.

Nếu Đạo Cao Đài không xuất hiện đặng chỉnh đốn lại, sợ e cả nhơn loại trên mặt địa cầu sẽ thành ra ác thú.

Hỏi thử ngày giờ gần đây, ta thấy cái hại trong nước là tại làm sao?

Cả Đạo nhơn luân điên đảo, phong cách suy đồi, không còn nguyên hình tướng nữa, đã thay đổi ra thô tục gớm ghiết. Nên khi Cao Đài xuất hiện đã áp dụng tôn chỉ Nho Tông chuyển thế. Đức LÝ GIÁO TÔNG Ngài lập chức Chánh Trị Sự và Phó Trị Sự rồi Ngài lại nhờ Đức HỘ PHÁP lập chức Thông Sự hiệp thành Bàn Trị Sự tức Hội Thánh em. Vậy mơ vộng của Đức LÝ để Chánh Trị Sự làm gì?

Đức LÝ có ý đem qui cũ Đạo vào đệ nhị chủ quyền, đặng phục hồi lại y như trước. Ngài quyết định hơn nữa là để vị chức sắc ấy nắm quyền Hội Thánh tức là vào Thánh Thể của Đức CHÍ TÔN. Ý muốn là vậy, mà thử hỏi Bàn Trị Sự toàn thể quốc gia ta ngày kia có đủ năng lực và đủ tinh thần đạo đức để chỉnh đốn xã hội ta trong hương thôn, lần lần sửa lại theo tổ chức tối cổ của quốc gia xã hội ta trước được không? Đương buổi nầy thiên hạ đang thống khổ tâm hồn nếu họ thấy chánh sách của ta đạt được họ sẽ lấy và đồ theo, mà lấy trong tay Cao Đài họ không thẹn mặt.

Chúng ta thấy trong ba quyền, duy có quyền Chúa là trên hết, sau biến tướng đến quyền Cha, quyền Thầy. Ấy là đạo Tam Cang: Phu Tử, Sư Đệ, Quân Thần. Đạo Tam Cang ảnh hưởng sâu sắc trong Đạo Cao Đài. Nên Huấn Từ của Đức HỘ PHÁP ngày 12 tháng 7 năm Mậu Tý (1948) đã có dạy “Bổn phận phải đào tạo mãi cho thành Thánh Thể của Đức CHÍ TÔN, tức là tạo Ông Trời tại thế nầy cho ra tướng, nếu không có Ông Trời tại thế gian nầy, chúng ta sẽ khổ não, thế gian sẽ bị tiêu diệt, vì con đường tấn hóa về vật hình sẽ xô đẩy nhơn loại đi đến đâu chưa biết , mặt địa cầu nầy nhơn loại sẽ mất bảy hay tám phần mười nếu Đạo không thành chơn giáo.”

Vậy ta hãy đặt vấn đề ngay chỗ thành chơn giáo? Tại sao phải thành chơn giáo? Chơn giáo là gì mà phải thành? Và từ trước tới nay chưa được chơn giáo hay chăng? Chúng ta có quyền tìm hiểu mà thấu đáo dễ dàng hơn là phơi bày thì chẳng hóa ra mình tự “mèo khen mèo dài đuôi hay sao?” Chúng ta chỉ cần biết Đức CHÍ TÔN chủ quyền Chơn Đạo, đã phân quyền một cách quá khéo léo.

Thể pháp thì giao cho Đức HỘ PHÁP. Bí Pháp thì giao cho Chưởng Pháp CHUẨN ĐỀ Bồ Tát. Chơn pháp thì giao cho GIÁO TÔNG DI LẠC Vương Phật.

Rồi Đức CHÍ TÔN đến để thức tỉnh nhơn sanh nên mới có câu Ngài nói với nhà Vua: “Nam Phong thử nhựt biến nhơn phong” là thêm ý rằng Tổ Phụ chúng bây để lại cho bây một phong hóa nó sẽ biến thành phong hóa của toàn nhơn loại vậy.

Đức CHÍ TÔN đến độ rổi, lập giáo rồi lại bắt minh thệ. Hỏi tại sao Ngài lại bắt minh thệ buộc con cái phải hiệp đồng cùng nhau, mỗi người có một chút đức tin, Thầy bảo qui đức tin ấy lại, phải có tâm đức tin tưởng, yêu ái lẫn nhau, phải nhìn nhận có Thầy, có đức tin nơi Thầy. Hại thay! Có nhiều đứa con của Ngài cũng nghe, cũng tìm Đạo, cũng thọ giáo, cũng minh thệ đủ phép tắc biết bao nhiêu khi mới đến cùng Thầy, quì dưới chơn Thầy, mà hễ ra khỏi chơn Ngài rồi thì lại phản phúc Ngài và con cái của Ngài.

Riêng Đạo Thánh thì các Tông Đồ chối Chúa, còn Đức CHUẨN ĐỀ Bồ Tát lúc sanh tiền có cho biết như vầy: “Tới đây tôi làm cho lòi ra Trung, nịnh, phản.”

Đoán xét qua thì Tam Cang không thể thiếu được nên Nho Tông cần trong cơ chuyển thế. Do đó mà câu kinh nhựt tụng đã chỉ dạy ngay điều nầy: “Khai nhơn tâm tất bổn, ư đốc thân chi hiếu, thọ quốc mạch tất tiên, ư trí Chúa chi trung”.

Nếu tìm tinh túy của Đạo Tam Cang tức là tìm sự thâm thúy của tính chất Trung, Hiếu, Nghĩa đó vậy. Nguồn gốc Trung, Hiếu, Nghĩa do ở tình ái phát hiện, đó là cái tình độc nhứt có liên quan mật thiết với Chơn Linh. Đến đổi ta thấy hình trạng nó như trẻ sơ sinh kia vậy. Vì tình ái xuất hiện ra tướng diện nên nó gần với Thánh, một khi giải thể rồi lên tầng thứ bảy là chắc chắn được giải thoát, đạt vị bởi nó gần với Thánh.

Tại sao trung? Tại vì tình ái cao thượng dồi dào đối với quốc gia nòi giống lên đến nhiệt độ nó quá vĩ đại. Nếu ta thấy một vị công thần liều mạng sống đặng bảo vệ cho quốc dân, Trung ấy chưa phải là trung với Vua mà trung với nước chớ. Có điều Vua là tượng trưng cho nước, cho nên trung với Vua tức là trung với nước, mà có trung đặng là vì quyền năng ái chúng, ái quốc nuôi trong tinh thần nhiệt liệt, nên tình ái ấy vi chủ tinh thần.

Tới hiếu, tại sao có hiếu? Bởi các chơn hồn sáng suốt cao siêu có sẵn hai điều hiếu:

1-Hiếu với Đấng Tạo Đoan Chơn Linh.

2-Hiếu với Đấng Tạo Đoan Chơn Thần.

Bởi có hiếu trước với hai Đấng ấy, biết trọng quyền năng tạo hóa chơn linh và chơn thần thì tự nhiên phải biết nhìn Đấng Tạo Hóa hình hài của mình đồng thể chớ. Tâm hiếu tự nhiên mà phát hiện vì nó có sẵn, mà hễ có sẳn tâm hiếu tức nhiên phải là Chơn Linh cao trọng thấu đáo được nguyên do đâu mình đến và là con của ai? Đã hiểu rằng mình có hiếu với Đấng Tạo Sanh Chơn Linh và Chơn Thần như thế nào rồi thì đến hiếu với Đấng tạo sanh hình hài đã sẳn có rồi vậy. Nên hiếu không thể dạy được, hoặc có hiếu, hoặc không hiếu mà thôi.

Bây giờ tới nghĩa. Tại sao có nghĩa?Tại sao nghĩa lại hiện tướng trên tánh đức của một Chơn Linh cao trọng?

Nơi cõi hư linh mỗi người có một gia tộc, một đại nghiệp, anh em đông biết bao nhiêu, biết đâu trong 24 chuyến thuyền Bát Nhã chở các nguyên nhân hạ trần đặng làm bạn và độ rỗi các hóa nhân và quỉ nhân lại không có chúng ta ngồi chung trong đó? Đã từng chia đau sớt khổ cùng nhau, chẳng những trong thế giới nầy mà còn trong các thế giới khác nữa, đã từng chung sống cùng nhau, cái thâm tình vĩ đại đã nhiều….

Ban sơ, nơi cõi Hư linh thọ nhứt điểm linh đến thế nầy tạo ngôi vị, làm bạn với biết bao nhiêu Chơn Linh khác, dầu nguyên do của mình là thảo mộc hay thú cầm cũng phải có nhiều bạn, chừng nào đạt đến địa vị mới biết bạn nhiều. Người nghĩa ta có nhiều ở mặt thế nầy, lo tìm người nghĩa đặng tương liên cấu hiệp tâm tình trong cảnh khổ não truân chuyên, chịu hình thử thách nầy.

Tìm mà vẫn lo ngại sợ lầm, bất kỳ gặp ai dù là kẻ thù cũng tưởng là người nghĩa, nếu rủi ở bất nghĩa cùng nhau, về cõi Thiêng Liêng sẽ hổ thẹn, hối hận muôn phần. Đối với nhơn loại ta đã sẵn có đại nghĩa đó, đi tìm nghĩa tức là đi tìm bạn, dù nơi cõi Hư Linh hay tại thế đại nghĩa vẫn còn lưu lại, ta không từ chối được. Cho nên hễ đi tìm nghĩa thì không còn phân biệt ai là người nghĩa, ai là người thù. Hỏi ta tìm nghĩa ở đâu trước nhứt, tìm thân tộc anh em, sau mới ra toàn thiên hạ được.

Trung, Hiếu, Nghĩa là ba tánh chất của một vị Thánh, nên Tiên Nho tầm hiền thì duy lựa trong ba tánh đức đó.

Ta cũng nên nghiệm xem những dẫn dụ điển hình rồi tầm từ cái lý cho đến hình trạng tức là cái chơn của nó, mà Đức HỘ PHÁP đã treo những tấm gương sáng để chỉ dạy giúp cho chúng ta đúc kết tạo thành khuôn thước căn bản như vầy: “Từ khi Bần Đạo đến đây, ai xô cũng không ngả, đuổi cũng không đi, dầu còn dầu mất, dầu nên hư Đức CHÍ TÔN bảo Bần Đạo ngồi nơi đây, ở nơi đây dầu cho vì mạng lịnh ấy mà mảnh thân nầy có phải bị tiêu diệt để bảo trọng nền quốc Đạo thì Bần Đạo cũng không bước ra khỏi đây một bước.

Đức CHÍ TÔN bảo ở, dầu sống chết, ngồi nơi đây ôm chân Ngài mà thôi”.

Thêm một dẫn dụ:

“Đức Chúa Jesus Christ trong buổi ấy đã được ĐẠI TỪ PHỤ nhìn nhận là con yêu dấu của Ngài vì cớ cho nên Ngài có quyền xưng là con của Đức CHÍ TÔN, Ngài có quyền kêu Đức CHÍ TÔN bằng Cha, đã chẳng phải Ngài dụng quyền ấy mà thôi, Ngài lại càng muốn toàn cả nhơn loại hưởng đặc ân được làm con của Đức CHÍ TÔN như Ngài, vì cớ cho nên Đạo Thiên Chúa đã truyền bá toàn mặt địa cầu nầy.

Chúng ta ngó thấy ba năm Ngài hành Đạo, Ngài đã bị cái quyền Đạo Giáo tức nhiên với cái quyền lực của Moise khủng bố, bắt buộc chẳng khác nào như chúng ta đã bị, Thiên Chúa Giáo cũng đã bị mà thôi, giờ phút nầy cũng chưa dứt khủng bố bắt Đạo và bắt Ngài do toàn quyền Herode Antipas của nước Palestine xử tử Ngài.

Chúng ta ngó thấy thời buổi ấy gần ngày lễ trọng hệ của Đạo Pose, ngày lễ ấy người tù nhân được tha án tử hình, trong hai người tướng cướp giết người cướp của tàn hại nhơn sanh không biết là bao nhiêu, bị án tử hình đem ra giữa quốc dân Juifs, tức nhiên dân Do Thái. Trong hai người nầy cướp của sát nhân là Baraba, còn Jesus Christ chúng lên án: “Mê hoặc quốc dân phiến loạn”.

Hỏi vậy quốc dân muốn tha ai. Dân Do Thái nói tha Baraba, giết Jesus Christ.

Ba năm truyền bá không lâu giữa nước Israel buổi nọ bị thâu chiếm thuộc địa do dân Romain tức nhiên dân La Mã. Sự truyền giáo của Ngài không có đắc lực mảy may nào cả nên buổi ấy đã lên án Ngài là kẻ trộm, kẻ cướp đồng án với kẻ sát nhân nên đóng đinh Ngài lên cây Thánh Giá như kẻ tội nhơn tử hình kia vậy.

Cái hiếu của Ngài đến giờ chót đối với Đức CHÍ TÔN đã trọn, còn Đức CHÍ TÔN nếu không phải giữ nghĩa với đứa con yêu dấu, con hiếu hạnh của Ngài thì cái chết của Jesus Christ bất quá như kẻ tù nhân chết mà thôi, có đâu lên phẩm vị Giáo Chủ ngồi trên Ngai Thiêng Liêng vô cùng quí báu trên mặt địa cầu nầy gần 2.000 năm.”


Còn đây là dẫn dụ khác:

Hớn THỌ ĐÌNH HẦU QUAN VÂN TRƯỜNG buổi nọ là một vị tướng của Thục tức là LƯU BỊ. Ta thấy đại nghĩa của Ngài Trung, Cang, Nghĩa, Khí của Ngài nhứt là bằng hửu chi giao tình nghĩa đối với bạn hửu của Ngài dám chắc dầu chúng ta dân tộc Việt Nam hằng chịu ảnh hưởng văn hóa của Nho Tông chưa có được người nào đã giống như Ngài vậy.

Tâm trung nghĩa chẳng vì sang mà theo Tào chỉ chuộng Hớn, Nghĩa chẳng vì bạn buổi khổ não truân chuyên mà phụ rải tình nhau, trung và nghĩa ấy hi hửu. Nói đến chí khí của Ngài, Bần Đạo tưởng không luận hết: Ngài bất sát hạ mã chi nhơn, truyện sách lưu lại rằng Ngài suýt bị HẠ HẦU ĐÔN giết vì nó biết cái sở yếu của Ngài mà lợi dụng nếu không có TRƯƠNG LIÊU đến cứu.

Hỏi Ngài lập chí với bộ sách Xuân Thu mà thôi, người sau có tặng Ngài đôi liễng:

“Chí tại Xuân Thu, Công tại Hớn,

Trung đồng nhựt nguyệt nghĩa đồng Thiên.

Bần Đạo dám quả quyết Ngài không phải là Thiên Phong mà chính là người của vạn linh bầu cử, cho nên Đức CHÍ TÔN mở Đạo là cơ quan hiệp nhứt vạn linh, để Đấng ấy là một Trấn oai nghiêm đặng làm quan Trạng sư cho vạn linh đạt kiếp”.

Chúng ta đã mục kiến những dẫn chứng làm cho tinh thần thêm cường liệt thắm thiết làm sao! Đạo Tam Cang đã rõ nét tô điểm cho giá trị con người và từ những điển hình thay cho ngọn đuốc thiêng để hồi quang phản chiếu tự soi rọi mà thấy được phẩm chất giá trị của mình xứng đáng với sở năng, sở hành của nó.

Cũng bởi nền Đại Đạo lấy tôn chỉ Nho Tông chuyển thế, nên phải bắt đầu thực hiện từ chỗ tu thân: nam là Tam Cang, Ngũ Thường, nữ là Tam Tùng, Tứ Đức.

Song đó chỉ là thể của Nhơn Đạo hửu hình nếu hằng ngày tâm niệm có bấy nhiêu thì làm sao trọn vẹn được.

Trong Thế Đạo phải phân tích ra làm hai pháp lý: Một là Thể Pháp Thế Đạo. Hai là Bí Pháp Thế Đạo, Tam Cang Ngũ Thường, Tam Tùng Tứ Đức là thể đặng làm sở hành cho một Thể Pháp Thế Đạo. Lấy đó làm chánh đề mà đi. Bây giờ muốn giữ Tam Cang, Ngũ Thường phải làm thế nào? Quân Thần Cang: Thì Vua là kẻ chăn dân, vậy bổn phận ấy là phải lập trên những hành tàng để cứu giúp dân cho khỏi điều thống khổ ấy là công việc của cơ quan Phước Thiện. Tôi phải tỏ dạ trung thành đặng vừa giúp Vua mà làm cho bá tánh an cư lạc nghiệp, tức là bổn phận của hàng Thánh Thể.

Phụ Tử Cang: Cha là người thay quyền CHÍ TÔN trong một tiểu gia đình tức nhiên là phải biết mình có bổn phận giáo hóa dưỡng nuôi, tức nhiên là một Hội Thánh trong một gia đình. Vậy con phải trọn hiếu không làm điều nhục tổ, hổ tông, ấy là bổn phận của Tín Đồ hay nói đúng hơn là một Môn Đệ xứng đáng của Đức CHÍ TÔN.

Phu Thê Cang: Chồng là người cầm lề giữ lái đặng đưa một tiểu gia đình đến chổ đạo đức thanh bạch ấy là bổn phận của cơ quan Hành Chánh đó vậy. Vợ là người tùng theo chồng để giúp an sự nghiệp, tạo nên hạnh phúc của gia đình, tức là bổn phận của Bảo Cô Quân. Còn Ngũ Thường thì:

Nhơn: Là phải biết nghĩa đồng sanh, biết tình đồng hưởng âm dương chi khí, chẳng để lòng sái loạn chơn truyền tức là phải trọn dâng theo luật công bình bác ái.

Nghĩa: Là phải biết trọn phận người để tạo nên danh trọng giá cao giữ nên phẩm hạnh mà nhìn rõ của chung đồng hưởng.

Lễ: Là giữ hạnh nết đứng đắn để tạo nên một nhơn phẩm, biết nhường, biết nhịn giữ trọn hạnh Đạo đó vậy.

Trí: Là phải thông hiểu việc thế mà đi chẳng để tên tuổi phải bị lời chê tiếng nhẽ, phải trọn vâng Luật Pháp Chơn Truyền.

Tín: Là phải đúng lời, đúng hẹn, danh chánh, ngôn thuận, thuyết hành phải được giống in nhau tức là phải trọn thệ đó vậy.

Về Tam Tùng, Tứ Đức là phần của nữ phái:

Tùng Phụ: Như người con gái phải giữ tiết trinh cũng như kẻ Tín Đồ giữ tròn danh Đạo.

Tùng Phu: Như bóng tùy hình phải ví mình như một trong Thánh Thể tùng Hội Thánh.

Tùng Tử: Là phải vì đám hậu sanh mà quên mình đặng tạo thành sự nghiệp tương lai cho chúng tức nhiên là bổn phận của Chức Sắc.

Công, Dung, Ngôn , Hạnh: Là việc làm cho Nhơn Sanh thoát khổ, lời nói để đưa đường giáo hóa, hành vi cử chỉ đặng treo gương mặt thế, phải biết nâng cao giá trị của Thánh Thể CHÍ TÔN, nết na đầm thấm, giữ trọn thương yêu, làm nền móng cho Đại Đồng thế giới.

Đó là mặt Thể Pháp Thế Đạo, còn mặt Bí Pháp Thế Đạo tức là phương giúp đời an nhàn đạo đức và trở nên tận thiện, tận mỹ.

Chúng ta chỉ nói ở đây là Thế Đạo của Nhơn Luân mà thôi, còn Thiên Đạo là nếu chúng ta chịu tội tình phép huyền vi vô đối của Càn Khôn Vũ Trụ buộc cả Tông Đường tổ tông từ trước phải chịu cho ta, làm chứng cho ta, chúng ta phải biết các Đấng nhập Vào NGỌC HƯ CUNG tức nhiên các Đẳng linh hồn ấy đã đoạt kiếp được, có những kẻ đến thế nhập vào pháp thân mà họ đã tạo căn quả thì cả Tông Đường họ khổ não lắm.

Tông Đường Thiêng Liêng thường ở NGỌC HƯ CUNG, cao trọng hơn hết là Tông Đường của QUAN ÂM Bồ Tát, cao trọng thứ nhì là Tông Đường của ĐỊA TẠNG VƯƠNG Bồ tát, Tông Đường thứ ba là Đức DI LẠC, còn nhiều Tông Đường, mỗi người đều có Tông Đường đặng ngồi ở đây là chờ ta.

Chúng ta đã ngó thấy Càn Khôn Vũ Trụ nắm quyền lực làm cho chúng ta sợ hơn hết là làm cho Tông Đường ta phải chịu khổ, trước cái thương của Tông Đường ta ấy là cái hình phạt vĩ đại ở cảnh Thiêng Liêng, đến khi mãn kiếp trở về đoạt được cái thương hay là cái khổ của Tông Đường thì mình đau khổ vô cùng, hình phạt ấy vĩ đại lắm, nên các Chơn Hồn đều sợ sệt hơn hết.

Ngày mình không còn ở Tông Đường của Đức CHÍ TÔN là ngày mình bị nhục, tưởng sống mà thân mình trả đặng nợ hay chưa cũng không đáng sợ, trong Tông Đường của mình bị nhục mới đáng sợ.

Đức HỘ PHÁP đã có điều căn dặn cần thiết: “Coi chừng mở con mắt cho lớn, phải nhặc nhiệm khôn khéo, đừng để ma dắt lối, quỉ đem đường, nó dùng mưu chước đặng phá hoại cả cơ nghiệp của chúng ta, nó quyết định thâu chiếm lại”.

Cũng vì nguyên do đó mà nhiều nơi đã thấy được nên dùng trí thức để phối hợp và mơ vọng về được cùng CHÍ TÔN lại vô tình biến Bí Pháp Chơn Truyền của CHÍ TÔN trở thành một trường dị đoan mê tín, hoặc giả muốn được ca ngợi là những trang hiếu hạnh trung thành cùng Đức CHÍ TÔN mà nhập vào cơ Phong Thần hay Phong Thánh.

Đức CHÍ TÔN đã bảo rằng các con làm không được đâu việc đó hãy để Thầy làm mới được. Vì Ngài đến chỉnh lại Nho Tông đặng chuyển thế, còn phải chấn hưng cả Phật Giáo để đưa nhân loại đến chủ nghĩa Đại Đồng. Nên ngôi vị GIÁO TÔNG chẳng của riêng ai hay riêng cho nước nào mà GIÁO TÔNG cả toàn cầu đó vậy.Ngài buộc phải áp dụng theo Nho Tông là tạo lập Tông Đường trước đã, hễ có chủ quyền của Tông Đường mới lần lên tới chủ quyền Quốc Đạo, tức là GIÁO TÔNG DI LẠC Vương Phật.

Chủ quyền có mới thực hiện mục đích của Đạo Cao Đài là: Công bằng, bác ái, vị tha, ưu nhơn, ái vật, cải thiện dân sinh làm cho đại đồng thiên hạ.

Muốn hiện tượng mục đích nầy thì chúng ta phải: hy sinh, can đảm, khôn ngoan, sáng suốt, vững tâm, bền chí, nhẫn nại.

Nhưng hiện giờ GIÁO TÔNG DI LẠC ở đâu mà tính? Trong khi Bí Pháp của CHÍ TÔN đã giao cho Phật CHUẨN ĐỀ để giữ cửa Thiêng Liêng. Nên bất cứ một Chơn Linh nào muốn kiến diện Đức DI LẠC dù cho xuất hồn, xuất vía đi khắp cùng các cảnh giới cũng chẳng tìm gặp Đức DI LẠC được. Hỏi tại sao? Có gì là khó khăn đâu, bởi cửa Thiêng Liêng muốn vào tận Hổn Ngươn Thượng Thiên phải ngang qua cửa ải của Phật CHUẨN ĐỀ. Một vị Phật có những 24 đầu 18 tay kinh khiếp, lúc cười không biết Ông muốn biến mấy tay, khi khóc không biết Ông muốn hiện mấy đầu.

Có khi cả đầu, tay Ông chuyển hết không chừng. Đố ai biết được tâm lý của Phật CHUẨN ĐỀ kể cả cho dù Môn Đồ của Ông đi nữa?

Có biết được là biết tâm tánh từ bi bác ái của Phật mà thôi. Cũng may là Phật CHUẨN ĐỀ, một vị Phật nhân chứng công bằng đối với Đức D LẠC cho nên chúng ta khỏi đi tìm Đức DI LẠC làm chi cho xa xôi. Chỉ biết rằng Ông ở Cung Phật vừa ý thì Ông ở Cung Tăng cũng vừa dạ đó thôi.

Biết đâu những lúc năng du, Đức DI LẠC chẳng ghé qua HẠO NHIÊN PHÁP THIÊN?

Thử hỏi cung nầy do chính quyền năng Đức CHÍ TÔN định nắm quyền trị thế mà bảo sao Đức GIÁO TÔNG DI LẠC không đến hiệp một để định thế Nho Tông?

Và ta có quyền khẳng định một cách hợp lý là Quốc Đạo Nam Phong phải cần những ai có tâm: Trung, Hiếu, Nghĩa giúp cho triều Đức DI LẠC Vương Phật.

Còn Thánh Thơ Đức HỘ PHÁP thì kêu con cái của Đức CHÍ TÔN hãy hùn vốn với Đức Ngài mà đánh ván mẽ chót, một ván cầu âu.

Ai dám đánh ván cầu âu thì hùn vốn, cái vốn sẵn có của Tổ Phụ ta để lại chính là Trung, Hiếu, Nghĩa, lấy nó đặng làm phương tiện gầy dựng Quốc Đạo Nam Phong.

Nếu làm đặng dù cho Đức DI LẠC Vương Phật chưa có tới trong buổi nầy, thì Đức CHUẨN ĐỀ Bồ Tát cũng phải xử công bằng minh chứng, vì Đức Phật đã có dạy:

“Thanh quang rọi khắp nơi trần thế,
Sử Đạo ghi Trung, Hiếu, Nghĩa thành!”


http://www-personal.usyd.edu.au/~cda...mCung/bpnc.htm