Tướng Giáp và sự kiện qua lý giải của Dương Trung Quốc
24/08/2010 11:00:37

- Quyết định “đánh nhanh thắng nhanh” có bị áp lực từ đâu không; thông tin về chiến dịch Mậu Thân; quan điểm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc…, tất cả những thắc mắc của độc giả Bee.net.vn đã được Nhà sử học Dương Trung Quốc giải đáp, dựa trên những tài liệu và những buổi làm việc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.



Điện Biên Phủ: Thay đổi cách đánh dựa trên báo cáo thị sát hiện trường

Hồ Đắc Huy - Nam 27 tuổi - TP.HCM
- Thưa chú Dương Trung Quốc: Trong chiến dịch ĐBP khi đồng ý với quyết định "đánh nhanh thắng nhanh" của Cố vấn TQ, ta có bị áp lực gì của họ không, dù trước khi đi Bác Hồ có dặn Đại tướng chắc thắng mới đánh, và các vị tư lệnh đại đoàn cũng có nhiều băn khoăn.

Nhà sử học Dương Trung Quốc: - Về việc này, trong hồi ức của Đại tướng cũng có đề cập tới. Thứ nhất, khi trao nhiệm vụ chỉ huy mặt trận, Bác Hồ đã giao cho Đại tướng toàn quyền nhưng với nguyên tắc "chắc thắng mới đánh". Thứ hai, Đại tướng rất tôn trọng những ý kiến của các cố vấn nhưng quyết định thì luôn đề cao tinh thần tự chủ. Thứ ba, để thay đổi cách đánh, Đại tướng luôn lắng nghe những ý kiến của các vị tướng lĩnh ngoài trận tiền và trực tiếp tìm hiểu thực tiễn. Vì thế, khi lực lượng pháo binh đã tập kết vào vị trí chiến đấu sau rất nhiều khó khăn gian khổ để đưa pháo vào để tác chiến theo phương án "đánh nhanh thắng nhanh" theo ý kiến của cố vấn.

Nhưng ngay sau khi nghe được ý kiến của Tướng Phạm Kiệt là phái viên đi thị sát công tác chuẩn bị tác chiến bày tỏ sự lo lắng về lực lượng pháo binh có thể bị đối phương phản pháo vì chưa có công sự an toàn. Đó chính là "giọt nước tràn ly" khiến Đại tướng quyết định xem lại toàn bộ cách đánh của chiến dịch.

Những người gần Đại tướng khi đó, sau này, luôn nhắc đến một nắm ngải cứu mà Đại tướng đặt trên đầu để giảm bớt sự căng thẳng sau một đêm suy nghĩ và trao đổi với những đồng sự của mình để đi đến quyết định cuối cùng là chuyển cách đánh từ "đánh nhanh thắng nhanh" sang "đánh chắc thắng chắc".

Sau này Đại tướng cũng nói rằng, khi trao đổi lại với các cố vấn Trung Quốc thì cuối cùng họ cũng tán thành và tôn trọng quyết định của chúng ta. Như thế là Đại tướng đã thực thi đúng những quyền hạn mà Bác Hồ giao phó, đồng thời, cũng tuân thủ những nguyên lý chắc thắng mới đánh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Đại tướng Võ Nguyên Giáp.


Nguyễn Hồng Quy - Nam 20 tuổi - TP.HCM
- Đại tướng Võ Nguyên Giáp có từng đề cập đến mối quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc và Mỹ không ạ, nhất là trong những năm 1976-1995?




Nhà sử học Dương Trung Quốc: - Trong lịch sử Pháp và Mỹ là hai "đối tác lịch sử" khá đặc biệt: Có lúc là bạn, có lúc là thù. Khi đề cập đến vấn đề này, tôi thấy Đại tướng là người tư duy rất mạch lạc, trung thực với lịch sử nhưng luôn hướng tới một thiện chí, hơn là khơi sâu những hận thù.

Ví dụ, ngay khi nói về chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng muốn làm rất rõ những chi tiết liên quan đến trận đánh, đặc biệt là khi bàn đến cách đánh để khẳng định tính tự chủ của quân đội ta. Nhưng ông cũng không quên nhắc đến những giúp đỡ của Chính phủ, nhân dân và quân đội Trung Quốc, trực tiếp còn có các vị cố vấn có mặt ngay trong cơ quan chỉ huy chiến dịch.

Cũng như khi nói đến các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, ông nhắc nhở không thể quên những đóng góp rất thiết thực về vật chất và tinh thần của Liên Xô và Trung Quốc, các nước Xã hội Chủ nghĩa và bạn bè Quốc tế.

Và đương nhiên, chúng ta đều biết, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc có những giai đoạn lịch sử ảm đạm gắn với cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và Tây Nam. Đại tướng là người luôn nhớ đến những bài học lịch sử nhưng cũng quan niệm rằng cái quá khứ không thay đổi được nhưng tương lai thì hoàn toàn tùy thuộc vào chúng ta. Do vậy, khi đề cập tới "vấn đề Trung Quốc" trong thời kỳ xảy ra những mối quan hệ thù địch thì ông vẫn tin rằng, hai dân tộc sẽ vượt qua được nếu những nhà lãnh đạo học được bài học của lịch sử.

Thực ra, trong 1000 năm tự chủ (được ghi nhận bằng 1000 năm Thăng Long Hà Nội), bên cạnh truyền thống đánh giặc, mỗi khi bị xâm lược, thì ông cha ta luôn coi việc gìn giữ hòa hiếu với phương Bắc là một nhiệm vụ hàng đầu (đương nhiên, chủ quyền không thể chia sẻ).


Nhà sử học Dương Trung Quốc




Còn với Mỹ, tôi nhớ lần con trai của cố Tổng thống Mỹ Kennedy đến chào Đại tướng đúng vào dịp sinh nhật lần thứ 87 (năm1998) mà tôi có may mắn được chứng kiến, câu đầu tiên Đại tướng chỉ lên trên tường nhà mình tấm ảnh chụp cùng Bác Hồ năm 1945 và nói rằng chính tấm ảnh này là do các bạn Mỹ chụp chúng tôi.

Đại tướng muốn nói đến một thời kỳ lịch sử Mỹ là đồng minh duy nhất của Việt minh, có những mối quan hệ rất chặt chẽ với Bác Hồ và Đại tướng trong thời kỳ quyết định thắng lợi cuộc cách mạng tháng 8 năm 1945 (tháng 7/1945) một đơn vị tình báo Mỹ (OSS) đã nhảy dù xuống Tân Trào cùng Việt minh thành lập Đại đội Việt - Mỹ do Đàm Quang Trung làm đại đội trưởng, Võ Nguyên Giáp là Tư lệnh và thiếu tá Thoms làm cố vấn. Đơn vị này đã bao vây quân Nhật ở Thái Nguyên, sau đó có mặt tại Hà Nội vào thời điểm tổ chức lễ Độc lập...

Rồi Đại tướng nói với con trai Kennedy rằng, quan hệ Việt - Mỹ không chỉ có những trang đen tối của cuộc chiến tranh vừa qua mà từng có những trang sử tốt đẹp là đồng minh chống phát xít. Vậy, các bạn trẻ vừa không quên cuộc chiến tranh vừa qua nhưng phải có trách nhiệm viết tiếp những trang sử tốt đẹp như nó đã từng có trong quan hệ Việt - Mỹ.


Cuộc chiến Mậu Thân: Vẫn còn khoảng trống trong lịch sử

Trần Xuân Thoan - Nam 42 tuổi - 1/138 Quang Trung - TP. Nam Định - tỉnh Nam Định
- Hiện giờ, thông tin về Chiến dịch Mậu Thân 1968 vẫn chưa tỏ rõ. Xin hỏi quan điểm dùng binh của Đại tướng trong cuộc chiến Mậu Thân 1968?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: - Trong nhận thức của tôi, đây vẫn còn là một khoảng trống lịch sử. Hình như, trong bộ hồi ức rất đồ sộ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, giai đoạn này chưa được đề cập tới.

Và chúng ta cũng biết rằng, đây là một khúc ngoặt rất quan trọng của lịch sử chiến tranh ở Việt Nam nhìn nhận cả về phía chúng ta (cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước) và cả đối phương. Giờ đây, ngay trên sách báo của ta cũng đã nói đến những tổn thất nặng nề về lực lượng trước và sau chiến dịch và nhiều vấn đề khác, nhưng tổng thể thì ngay cả giới sử học phương Tây (bao gồm Hoa Kỳ) đều thừa nhận cuộc tổng tiến công và nổi dậy năm 1968 đã gây kinh hoàng đối với Mỹ về khả năng điều động lực lượng và đồng loạt tấn công vào phần lớn các đô thị và căn cứ quân sự ở Việt Nam, kể cả tòa Đại sứ Mỹ ở giữa Sài Gòn của lực lượng vũ trang cách mạng.

Tuy chịu tổn thất về lực lượng nhưng nó đã đè bẹp ý chí tiếp tục cuộc chiến tranh ở Việt Nam và Mỹ hiểu rằng, không thể có được thắng lợi bằng quân sự. Nó cũng tác động mạnh mẽ vào dư luận Mỹ và thế giới. Do vậy, sau Tết Mậu Thân, Mỹ phải chấp nhận bước vào cuộc đàm phán tại Paris rồi tiến đến việc rút quân khỏi miền Nam, thực hiện Việt Nam hóa chiến tranh, dẫn đến điều tất yếu là Sài Gòn sụp đổ. Đương nhiên, bài học Mậu Thân cũng mang lại nhiều bài học sâu sắc cho giai đoạn tiếp theo của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Chiến dịch Hồ Chí Minh: Tổng tư lệnh

Tú Linh - Nam 26 tuổi - Hà Nội
- Cháu không được rõ lắm về vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Bác có thể giúp cháu hiểu hơn về vấn đề này không ạ?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: - Chiến dịch Hồ Chí Minh có một tầm vóc vô cùng to lớn. Nó không chỉ là một chiến dịch có quy mô rộng lớn về quân sự mà còn là một chiến dịch mang tính chiến lược quyết định sự thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hoàn thành trọn vẹn mục tiêu thống nhất đất nước. Với tầm vóc như vậy, có thể nói toàn bộ bộ máy lãnh đạo đất nước và mọi nguồn lực của dân tộc đều dốc sức cho thắng lợi chung.

Với cương vị Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, đương nhiên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp phải là người chịu trách nhiệm cao nhất trong việc chỉ huy các lực lượng vũ trang phối hợp tác chiến, theo chỉ đạo của Đảng. Người ta có thể nhắc tới những đóng góp cũng rất to lớn của các vị tướng lĩnh trên các chiến trường khác nhau nhưng sự chỉ đạo của Bộ Tổng tư lệnh vẫn mang vai trò của một người chịu trách nhiệm cao nhất về quân sự.

Liên quan đến vấn đề này, tôi muốn nhắc tới một kỷ niệm liên quan đến tác phẩm mang tính tổng kết của Đại tướng "Tổng hành dinh trong mùa xuân đại thắng", ông đã cho phép tạp chí "Xưa và Nay" của tôi công bố một số đoạn vào năm 1995 trước khi cuốn sách được xuất bản 5 năm.

Trong đoạn kết, khi viết về cảm xúc chiến thắng, ông nhắc lại tên tuổi tất cả những nhà lãnh đạo, các vị tướng lĩnh tham dự cuộc chiến tranh giải phóng này. Ông yêu cầu tôi chọn một số tấm ảnh minh họa và rất hài lòng khi chúng tôi tìm được tấm ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng chia tay nhau trước khi ra chiến trường bên cây đào đang nở hoa và ảnh ông cùng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh "xoay trần" dưới sàn nhà cùng nghiên cứu bản đồ tác chiến... Và đương nhiên, trong tất cả những điều ông viết ra luôn thấy có bóng dáng Bác Hồ.


Nhà sử học Dương Trung Quốc nói về kỷ niệm làm việc với Đại tướng

Trịnh Hải - Nam 20 tuổi - Hà Nội
Bác có thể kể cho cháu 1 vài kỷ niệm về những lần được làm việc với Đại tướng được không ạ? Đại tướng đã chuẩn bị như thế nào trước những cuộc gặp quan trọng, cụ thể là cuộc gặp cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: - Lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với Đại tướng cách đây đã hơn 20 năm, khi đó tôi là Phó Viện trưởng Viện Sử học, nhận nhiệm vụ sang giúp Đại tướng về mặt tư liệu, chuẩn bị cho chuyến đi thăm Ấn Độ.

Ấn tượng đầu tiên là thấy ông rất chủ động xóa bỏ khoảng cách thế hệ bằng sự tin cậy và rất bình đẳng khi trao đổi những vấn đề chuyên môn. Ông đưa ra yêu cầu hãy trao đổi về chi tiết và đề nghị tôi đóng vai ông để viết một bài phát biểu tại Ấn Độ có liên quan đến Bác Hồ. Tôi vừa phấn khởi, vừa lo lăn lưng vào viết lách rồi gửi cho ông. Ông nhắn rằng, bài viết rất tốt vả cảm ơn sự giúp đỡ của tôi. Nhưng sau này, tôi được đọc bài phát biểu của ông thì không thấy chút dấu vết nào của mình cả.

Kể từ đó, thỉnh thoảng ông lại gọi tôi đến trao đổi và khi nhắc lại bài diễn văn trên, ông nói rằng, sự chuẩn bị của tôi rất có ích. Tôi hiểu, đấy là sự động viên. Nhưng sau này có điều kiện làm việc với ông, tôi hiểu rằng ông luôn luôn lắng nghe người khác, quanh ông có rất nhiều nhà chuyên môn thường xuyên được ông tham khảo.

Chuẩn bị bất kỳ việc gì, ông cũng tham khảo ý kiến của nhiều người nhưng khi đã phát biểu hay viết thì đó thực sự là ý kiến của ông. Chúng ta biết rằng, nhiều hồi ký của ông do những người khác chắp bút nhưng ngay những người chắp bút (như nhà văn Hữu Mai, bác Phạm Chi Nhân...) được ghi danh đầy đủ đều có cảm nhận rằng, giữa người chắp bút và nhân chứng gần như là một.

Lần Đại tướng gặp con trai Kennedy cũng vậy, ông gọi tôi đến trước nửa giờ đưa ra từng chi tiết nhỏ: Nên xưng hô như nào khi khách kém mình đúng nửa thế kỷ tuổi, nên nhắc gì đến quan hệ Việt - Mỹ trong lịch sử... Tôi nêu lên một vài ý kiến và suy nghĩ của mình. Sau đó, tôi thấy nhiều ý kiến của mình được ông sử dụng.

Bởi lẽ ông còn là Chủ tịch danh dự Hội Sử học nên tôi còn có nhiều cơ hội làm việc với ông. Và trong công việc, ông luôn tôn trọng ý kiến của tập thể. Chẳng hạn, là Chủ tịch danh dự nên khi có yêu cầu của Hội, ông rất quan tâm chỉ đạo và bảo ban, kể cả chấp hành những đề nghị của Hội đối với ông. Chúng ta biết rằng, gần đây Đại tướng vẫn quan tâm đến những vấn đề thời sự, lắng nghe dư luận và bày tỏ quan điểm của mình...

Hội Sử học chúng tôi đã có lần nhận được thư của ông bày tỏ ý kiến về việc có nên lấy lại tên cho thủ đô là Thăng Long hay không? Ông vừa phát biểu ý kiến của mình và đề nghị suy xét kỹ trước khi đưa ra ý kiến cuối cùng để đề đạt lên các cơ quan có trách nhiệm. Ông luôn nhắc tới ý thức trách nhiệm bao gồm cả tính kỷ luật lẫn tinh thần dám nghĩ dám làm.




Bee.net.vn