Vị bác sĩ và thanh kiếm mạ vàng
05/09/2010 0647

- Ngay sau khi vào Đông Dương, quân đội Nhật Bản đã nhận thức một nhiệm vụ quan trọng: bằng mọi cách, phải nắm cho được giới thanh niên. Nên khi thành lập chính phủ Trần Trọng Kim, Nhật mong muốn có được một đoàn thể thanh niên hùng mạnh làm hậu thuẫn.



Tự ngàn xưa, kính trọng người hiền tài là một đặc trưng văn hoá Việt Nam. Gần ngàn năm trước, Văn miếu - Quốc tử giám đã được thành lập để tôn vinh sự học và hấp dẫn biết bao thế hệ cho đến tận bây giờ. Trong những bước thăng trầm của lịch sử, hiền tài luôn là nguyên khí quốc gia. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng truyền thống trọng dụng hiền tài của cha ông thành tư tưởng chiến lược và thực hiện một cách hiệu quả chiến lược này ngay trong thời kỳ kháng chiến cứu nước và kiến quốc sau khi cách mạng thành công.

Trong chỉ thị Tìm người tài đức đăng trên báo Cứu Quốc số 411 ra ngày 20/11/1946, Người viết: “Nước nhà cần phải kiến thiết, kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài đức. E vì chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho chính phủ biết. Báo cáo phải nói rõ: tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó”…

Lòng chân thành, tin vào con người, tin ở lòng yêu nước và khả năng tiềm ẩn của mỗi con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cuốn hút biết bao thế hệ nhân sĩ, trí thức, những người tài năng sẵn sàng từ bỏ cuộc sống sang trọng và sản nghiệp to lớn của mình, chấp nhận kham khổ hy sinh, tham gia kháng chiến và xây dựng đất nước. Đó là thế hệ trí thức tiền phong trước và sau Cách mạng tháng tám năm 1945, những dòng tộc khoa bảng Nguyễn Văn Huyên, Vi Văn Định, Tạ Quang Bửu, Phan Anh, Trần Đại Nghĩa, Trần Đức Thảo, Tôn Thất Tùng, Phạm Ngọc Thạch… Đó là thế hệ Nguyễn Hữu Thọ, Trịnh Đình Thảo, Phạm Ngọc Thuần – Phạm Ngọc Thảo, Dương Quỳnh Hoa, Nguyễn Văn Kiết, Thanh Nghị… những người đã chọn dân tộc như là lẽ sống. Đó là những thế hệ trí thức đã kiên trì vượt qua thời bao cấp khắc nghiệt, vững tin vào con đường quê hương mà mình đã chọn. Đó còn là con đường rộng thênh thang của những người trí thức trẻ với trí tuệ đỉnh cao trên con đường chấn hưng dân tộc, chấn hưng đất nước.

Khác biệt và nghị lực. Chấp nhận và hy sinh. Cống hiến và san sẻ. Phúc cho những ai chưa thấy mà tin. Đức tin ấy được hun đúc bởi bao thế hệ trí thức đã, đang và sẽ làm rạng danh dân tộc Việt.



Vì lẽ đó, lực lượng Thanh niên tiền phong ở Nam kỳ và Thanh niên tiền tuyến ở miền Trung ra đời. Cũng chính lực lượng thanh niên này góp phần quan trọng làm nên cuộc Cách mạng tháng tám ở Sài Gòn…

Lực lượng thanh niên hùng mạnh năm ấy gắn liền với bác sĩ Phạm Ngọc Thạch – một thần tượng của tuổi trẻ trí thức Sài Gòn thời đó – bác sĩ học ở Pháp về, có vợ đầm, giàu có.




Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (thứ 2 từ phải) – từ bỏ vinh hoa phú quý, vào chiến khu, tham gia kháng chiến chống Pháp. Ảnh tư liệu



Ông giao thiệp rộng, từng chữa cho Ida – một quan chức cao cấp chính quyền Nhật phụ trách thanh niên và thể thao khỏi căn bệnh nan y. Từ đó, tình bạn giữa Ida và bác sĩ Phạm Ngọc Thạch được thiết lập.

Tình thân giữa hai ông chồng khiến vợ Ida – bà Kimoura và vợ bác sĩ Phạm Ngọc Thạch – bà Marie Louise cũng trở nên thân thiết. Vì lẽ đó, khi nghe bác sĩ Phạm Ngọc Thạch gợi ý mong được tham gia chính phủ Trần Trọng Kim, tổng lãnh sự Ida vô cùng phấn khởi, gặp thống đốc Minoda báo cáo tình hình, không tiếc lời ca ngợi Phạm Ngọc Thạch.

Sau hội kiến, thống đốc Minoda bổ nhiệm bác sĩ Phạm Ngọc Thạch làm thủ lĩnh Thanh niên tiền phong mà không ngờ rằng chính bác sĩ Phạm Ngọc Thạch cùng một số trí thức lớn thời ấy muốn tương kế tựu kế, tranh thủ lực lượng và thời cơ để giành độc lập cho đất nước.

Khi trao “thanh kiếm lệnh” cho bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, là chính Minoda đã trao cơ hội ngàn vàng cho cách mạng. Sau này, giáo sư Trần Văn Giàu đã xác nhận mối quan hệ của ông – lúc ấy là bí thư Xứ uỷ Nam kỳ – với Phạm Ngọc Thạch trước Cách mạng tháng tám: “Thạch là con một ông quan nhỏ của triều đình Huế, mẹ thuộc hoàng tộc; đã đi học ở Pháp, đậu bác sĩ, cưới vợ đầm; không làm việc cho nhà nước; mở bệnh viện tư, đắt khách, thu nhập cao; làm thầy thuốc gia đình triệu phú Hui Bôn Hoả với lương tháng 2.000 đồng (cao hơn lương bất kỳ ông đốc phủ sứ nào).

Có thừa tiền để mua mấy trăm hecta ruộng ở Đồng Tháp Mười và 80ha càphê ở gần Đà Lạt. Nghe có “ớn” không!” Prigorni nói: “Vậy mà nó tiến bộ lắm đó mày à, nó cảm tình cách mạng, nó cảm tình cộng sản nữa, đâu từ dạo nó còn ở Paris kia (…)

Thạch là một người chân chất, dễ thương, giao thiệp rộng, quen biết nhiều nhân vật thuộc các tầng lớp trên Việt, Pháp, Nhật. Cho nên anh có thể giới thiệu những người tốt cho bọn tôi bắt mối và những người không tốt cho bọn tôi dè chừng.

Bản thân anh và với anh là các đồng chí bác sĩ Nguyễn Văn Thủ, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, sinh viên “xếp bút nghiên” Huỳnh Văn Tiểng đã vận động được nhiều trí thức “bự”, từ đốc phủ Chương tới nhà kinh doanh nấu sắt đúc thép Kha Vạng Cân, từ nhà bác học Nguyễn Văn Hưởng đến ông giám đốc ngân hàng Văn Vĩ, chưa kể giáo sư khắc khổ Phạm Thiều”.

Và “kết quả” ngoài sức mong đợi của bí thư Xứ uỷ, khi chính thống đốc Nam kỳ bất ngờ yêu cầu Phạm Ngọc Thạch đứng ra tập họp thanh niên; giống như ở miền Trung, Minoda nhờ luật sư Phan Anh lập Thanh niên tiền tuyến.

Chỉ trong vòng ba tháng, số đoàn viên thanh niên ở Sài Gòn lên đến 80.000 và hơn 1,2 triệu ở Nam kỳ. Hoạt động Thanh niên tiền phong vô cùng hiệu quả, như đánh giá của bí thư Xứ uỷ: “Thanh niên tiền phong tổ chức chặt chẽ, có đội ngũ hẳn hoi, làm việc cứu đói miền Bắc, lo việc chống dịch tả trong Nam, săn sóc nạn nhân các cuộc oanh tạc của Mỹ ở Sài Gòn, tuyên truyền cổ động cho các cuộc đấu tranh giành tự do.

Chưa bao giờ có một tổ chức (do Đảng lãnh đạo) lớn như thế, hoạt động sôi nổi như vậy…”. Lực lượng cách mạng đã bừng bừng, chỉ còn chờ thời cơ…

Tin chiến sự thế giới bay về Đông Dương dồn dập. Ngày 30/4/1945, Hitler tự sát vì bại trận. Ngày 12/8/1945, Nhật đầu hàng và một tuần sau, Nhật hoàng ra lệnh cho các lực lượng chiếm đóng ở Đông Nam Á hạ súng.


Gia đình bác sĩ Phạm Ngọc Thạch trong chiến khu. Ảnh tư liệu



Ngày 15/8/1945, tướng Terauchi – tổng chỉ huy lực lượng Nam Thái Bình Dương Nhật Bản ở Sài Gòn mời đại diện lãnh đạo Thanh niên tiền phong đến tổng hành dinh của ông ta.

Hồi ấy, tổng hành dinh của quân đội Nhật đóng ở nhà chú Hoả, đầu đường Armand Rousseau (nay là đường Hùng Vương). Ở toà nhà này, tối hôm ấy đã diễn ra một cuộc gặp gỡ lịch sử.

Khác với vẻ quyền uy ngất trời thường ngày, tướng Terauchi lau nước mắt, báo tin Nhật hoàng đã tuyên bố đầu hàng đồng minh vô điều kiện, rồi nói: “Hôm nay, tôi mời hai đại diện Thanh niên tiền phong đến thương lượng, vì tôi biết rất rõ, phía sau các ông là những người cộng sản…

Từ sự kỳ vọng của thống đốc Minoda, các ông đã lớn mạnh đến không ngờ, đã đi những bước quá xa. Đây chính là lực lượng nắm thực quyền ở Sài Gòn và Nam kỳ. Thật khó khăn để tôi phải thừa nhận một sự thật đau đớn, rằng Nhật đã bại trận. Quân đồng minh sắp vào Đông Dương, sẽ trả thù chúng tôi không chùn tay. Cuộc tắm máu tàn khốc chắc chắn sẽ diễn ra. Các ông có cách nào giúp chúng tôi…”

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch hiểu sức nặng của 85.000 quân Nhật ở Sài Gòn đang cần được tiếp tế, giải giáp hồi hương và một số sĩ quan cần được trốn thoát khỏi sự trừng trị của quân đồng minh đang đè lên đôi vai của viên tướng bại trận.

Đáp lại bằng một tinh thần thượng võ, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch nói: “Chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ những người thất thế trong khả năng của mình. Chúng tôi có thể giúp các ông trốn vào rừng núi hiểm trở và đảm bảo tiếp tế đầy đủ… Chúng tôi chỉ yêu cầu quân đội Nhật hai điều thôi.

Một là không được can thiệp vào công cuộc giành độc lập của chúng tôi. Hai là các ông giao vũ khí cho chúng tôi, thay vì để cho quân đội Anh – Ấn giải giáp”.

Sau phút bàn bạc, tư lệnh quân đội Nhật Terauchi đồng ý giao số vũ khí tịch thu của Pháp cho thủ lĩnh Thanh niên tiền phong, rồi trao thanh kiếm mạ vàng dài sáu tấc và một khẩu súng ốp cẩm thạch cho Phạm Ngọc Thạch: “Để ghi dấu cuộc gặp gỡ hôm nay, tôi xin tặng bác sĩ thanh kiếm và khẩu súng này làm kỷ niệm. Đây là truyền thống võ sĩ đạo của tổ phụ tôi để lại!”

“Để ghi dấu cuộc gặp gỡ hôm nay, tôi xin tặng bác sĩ thanh kiếm và khẩu súng này làm kỷ niệm. Đây là truyền thống võ sĩ đạo của tổ phụ tôi để lại!”

Và thời cơ ngàn năm có một đã đến. Ngày 25/8/1945, hưởng ứng lời kêu gọi của Xứ uỷ, bà con từ các vùng ngoại thành kéo về Sài Gòn biểu tình đông nghẹt các con đường.

Khẩu hiệu “Độc lập hay là chết!” được viết đủ ba thứ tiếng Việt, Anh, Pháp treo đầy đường, khắp phố… Thật là một cuộc cách mạng kỳ diệu, lạ lùng.

Nếu ngày ấy, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch không khôn ngoan, mềm dẻo tranh thủ sự trung lập của quân Nhật, thì với 85.000 quân Thiên hoàng ở Sài Gòn, với số vũ khí có được trong tay, trong sự cùng đường, phẫn uất vì bại trận, rất có thể đội quân ấy sẽ kháng cự, sẽ xả súng bắn vào đoàn người biểu tình. Và chắc chắn, đó sẽ là cuộc tắm máu tàn khốc của lịch sử.

Năm tháng trôi qua, thanh kiếm mạ vàng và khẩu súng ốp cẩm thạch của tư lệnh quân đội Nhật hoàng tặng cho Phạm Ngọc Thạch giờ ở nơi đâu, không bảo tàng nào còn lưu giữ.

Nhưng không vì thế mà quyền lực của Phạm Ngọc Thạch mất đi. Đó là quyền lực có sức lan toả mãnh liệt từ lòng ái quốc, tài năng, lòng trong sáng, nhiệt tình của ông dành cho cuộc đời đến hơi thở cuối cùng.

(Theo SGTT)