Khởi nguyên hầu đồng là chữa bệnh

Giadinh.net - Theo TS Nguyễn Mạnh Cường (Viện Tôn giáo) thì hầu đồng là một nét văn hóa tín ngưỡng nằm trong danh sách cần được giữ gìn và bảo tồn. Việc người dân ngấm ngầm tham gia các hoạt động đồng bóng cũng như ra mặt xa lánh nó khiến “đồng bóng” trở thành một từ có vẻ nhập nhằng và lén lút.

Tuy nhiên, “cái gì cũng có căn nguyên của nó”, TS Cường nói, hiểu được căn nguyên có lẽ sẽ khiến hoạt động đồng bóng được trở về đúng nghĩa ban đầu, không bị màn hương khói của sự mê tín che phủ và được nhìn nhận theo đúng giá trị của nó.


Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Cường.


Vừa thành kính vừa kỳ thị

Có chứng kiến cảnh người dân hầu đồng mới thấy được sự kỳ thị bên ngoài mà người ta dành cho nó chẳng có nghĩa gì trong việc nó vẫn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong đời sống tâm linh của người Việt. Người ta bỏ ra chục triệu đồng để hầu đồng, trong khi nếu tính giá trị vật chất đổi lại họ không được gì cả. Cứ đến mùa xuân, các đình chùa kín lịch lên đồng nhưng vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân. Họ thậm chí xô xát để giành lịch hầu đồng. Đối với những cô đồng cậu bóng, người ta luôn giữ thái độ “kính nhi viễn chi”, các cô đồng cậu bóng dù coi hầu đồng là lẽ sống vẫn không khỏi tự kỳ thị chính mình. Nó không những tạo nên sự thiếu cân bằng trong niềm tin mà còn khiến cả một nét văn hóa vốn rất đáng yêu trở thành một sự hoài nghi và đáng sợ.


Giá chèo thuyền quen thuộc của các cô đồng.


Đúng là mê tín thì không trừ tầng lớp, mặc dù có sự quy định về sự văn minh nhưng đến chiếu hầu đồng, có thể thấy rất nhiều những phụ nữ quyền lực đang miệt mài bôi son đánh phấn. Và khi họ đã ngồi lên chiếu hầu đồng thì không còn sự phân biệt nữa. Vì hầu đồng xuất phát từ tín ngưỡng thờ mẫu nên khi những người phụ nữ này ngồi lên chiếu đồng, họ đều trở thành những người phụ nữ rất đẹp, có quyền năng và thương yêu các con. Nếu hỏi họ rằng, họ có thấy thoải mái không khi đi hầu đồng thì tất cả đều hào hứng mà nói rằng, họ thấy vô cùng hạnh phúc khi làm điều đó và đó là phút thăng hoa của họ, mọi suy nghĩ buồn phiền tan đi hết, thấy như khí huyết đất trời chảy tràn trong người và sau một thời gian, khi về đến nhà thấy bệnh tật đỡ đi nhiều, thậm chí khỏi hẳn, công việc thì cứ tự đến, suôn sẻ đủ đường...


Những mã văn hóa của lửa trong tín ngưỡng Mẫu.


Có thật là hầu đồng mang lại cho người ta những điều diệu kỳ như vậy? Ai nói là có và ai nói là không? Tuy nhiên, có một điều mà các nhà nghiên cứu có thể nói đó là khởi nguyên, hầu đồng là để chữa bệnh. Các cô đồng thì không tranh cãi về điều đó, họ thực hành tín ngưỡng của mình một cách tự nhiên từ bao đời nay đã thế. Tuy nhiên, những thay đổi và lầm lẫn trong thực hành dần dần đã khiến hầu đồng trở thành một màn mây mê tín dị đoan với những mã tín ngưỡng không biết từ đâu ra. Người ta vung tiền một cách không tiếc tay nhưng rút cục chẳng để làm gì. Ít người còn thực sự trân trọng hầu đồng, có chăng họ chỉ coi đó như là một tín ngưỡng huyền bí và nhiều người cho rằng đó là điều vớ vẩn.


Phút thăng hoa của cô đồng


Nằm dưới “lớp bụi” mê tín

“Hầu đồng tại nhiều nơi bây giờ không còn là hầu đồng nữa, nó tạm bợ và sai lệch, ai cũng có thể hầu đồng chứ không như ngày xưa, những người có thể hầu đồng là những người phải có một cái “căn”, một sự quy định về cấu tạo não và sự hiểu biết về giải phẫu sinh lý”, TS Cung Khắc Lược (từng công tác tại Viện Hán nôm) nói: “Bây giờ nhiều người hầu đồng thậm chí không biết nhảy, họ chỉ nhún nhún, những cái nhún nhàm chán và không có nghĩa gì cả”.

Theo ông, các cô đồng mang bản chất của các saman (những thầy phù thủy chữa bệnh bằng phương pháp xuất hồn). Hầu đồng xuất hiện từ thời mẫu hệ, nhân vật được thờ được gọi là mẫu, “thế nhưng khi cô đồng hóa thân thành mẫu thì mẫu đó không chỉ đơn thuần là một người phụ nữ nữa, đó là hình ảnh của kết tinh đất, nước, của cây cỏ, hoa, lá, thóc, gạo..., những điều tốt đẹp của những gì mang tính mẫu”- TS Lược giải thích. Những nhân vật này hiểu biết nhiều, thường là thầy thuốc nên trong các buổi hầu đồng thực sự, các cô đồng thường quăng ra những túi thuốc nhỏ cho các nhụ (tức là con, là tất cả những người ngồi xung quanh) và nhờ những túi thuốc đó mà họ khỏi bệnh.


Điệu múa... may


TS Nguyễn Mạnh Cường cho biết thêm, yếu tố quan trọng tiếp theo trong hầu đồng là âm nhạc: “Những giai điệu đó khiến người ta thăng hoa và quên đi mọi muộn phiền trong cuộc sống, trong khi yếu tố ý chí con người đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc chữa bệnh thì việc thăng hoa này giúp người ta vượt qua được điều đó. Thế giới họ cho rằng chính âm nhạc đẻ ra tôn giáo, điều này đặc biệt đúng với người Ấn Độ. Và với người Việt thì hát văn chính là lựa chọn của họ”.

Các vũ điệu hầu đồng cũng đóng một vai trò không nhỏ vào mục đích chữa bệnh của hầu đồng. Dù cho cơ chế thăng hoa có khó hiểu thế nào thì khi nhìn các vũ điệu hầu đồng người ta cũng có thể đặt câu hỏi: Tại sao người ta lại nhảy thế này mà không phải là một cách nào khác? Nếu ai đã từng học yoga thì sẽ biết đến điệu nhảy có tác dụng chống lão hóa và có tác dụng chữa rất nhiều bệnh mà người tập yoga nào cũng dành ít nhất 15 phút trong ngày để tập.


Tín đồ của tín ngưỡng hầu đồng luôn nhập cuộc rất mê say.


Điệu nhảy này tác động lên cột sống, lên nội tạng của cơ thể và giúp khí huyết lưu thông, từ đó nhiều bệnh được tác động và giữ cho con người thon thả vui vẻ. Mặc dù hầu đồng mang tính tín ngưỡng nhưng chúng ta có thể nhìn thấy sự tương đồng đó trong các điệu nhảy của các cô đồng. Đương nhiên nó kỳ bí hơn nhiều vì đã bị các mã hóa ngoằn nghèo của nhiều thế hệ và nhiều sự giao thoa văn hóa nhưng nếu một mực từ chối việc các cô đồng thấy khỏe khoắn nhiều sau khi hầu bóng thì có lẽ hơi quá cực đoan.

“Chính vì cơ chế xuất nhập tự nhiên của hầu đồng nên các hoạt động hầu đồng nhìn chung phải được diễn ra ở những nơi nước non thanh tịnh xinh đẹp, nơi nhân vật mang tên Mẫu, kết tinh của đất trời, lúa, gạo, ở dạng đẹp nhất, nhân hậu nhất, không bị những mục đích ngoại thân làm biến tướng”, TS Lược nói. Nhưng bây giờ người ta hầu đồng khắp nơi và không phải nơi nào hầu đồng cũng mang lại lợi ích cho con người.


Ném tiền


Nguyễn Ninh