Tác phẩm này Kinhvotu đã đọc rất nhiều lần nhưng vẩn thấy hay nên hôm nay poste lên để chia sẽ cùng các bạn. Mong rằng sau khi đọc cuốn sách này mỗi người chúng ta sẽ có một cái nhìn mới về một tác phẩm đã quá quen thuộc : TÂY DU KÝ của NGÔ THỪA ÂN.

I. ĐƯỜNG TĂNG ! ANH LÀ AI ?

NĂM MÀ MỘT

Tây du ký là câu chuyện trường thiên về hành trình qua phương Tây thỉnh kinh của năm thầy trò: Tam Tạng, Tề Thiên, Bát Giới, Sa Tăng, và con Long Mã.

Thông thường, người ta sơ ý, chỉ kể có bốn, quên đi con ngựa, nguyên là con rồng ngọc (ngọc long), thái tử thứ ba, con của Tây Hải Long Vương Ngao Nhuận. Quên kể đến ngựa rồng, phải chăng vì vai trò đỡ chân cho Đường Tăng của Ngọc Long Tam thái tử hình như có vẻ lu mờ? Hay quên kể, vì không thấy ở Tây du ký tản mác ẩn ngữ nơi này, rải rác ẩn dụ nơi kia, mà ngòi bút của Ngô Thừa Ân đã ung dung viết như giỡn chơi, như bông đùa, mà ý hàm tàng thì rất thực. Và nên hiểu chỗ thực trong cái hư của Tây du ký, nét nghiêm trang trong vẻ bỡn cợt của Ngô Thừa Ân như thế nào?

Tây du ký là truyện xuất thế gian, do đó không có dấu ấn của Nho giáo, vì Nho giáo về cơ bản là đạo nhập thế, thuộc phạm vi hình nhi hạ học mà ngày nay Cao Đài gọi là ngoại giáo công truyền (exoterism).

Đọc Tây du mà bảo Ngô Thừa Ân có cái gọi là tư tưởng chống Trời, chống thiên tử, tức là đã quên đi ngay từ ban đầu câu chuyện xuất gia, thỉnh kinh vốn đã hàm ngụ ý ngoại thế gian pháp.[1]

Tây du nào có chống ai đâu, vì Tây du là câu chuyện ngụ ngôn, đem chuyện thỉnh kinh để diễn bày tư tưởng thiền học giải thoát trong đạo Lão, đạo Phật, thuộc phạm vi hình nhi thượng học mà ngày nay Cao Đài gọi là nội giáo tâm truyền (esoterism).

Muốn đọc Tây du, hiểu Ngô Thừa Ân, cần thiết biết đọc giữa hai hàng chữ, nắm lấy bốn chữ ý tại ngôn ngoại (ý ở ngoài lời).

Như chép ở kinh Viên giác, Phật bảo lấy ngón tay chỉ trăng, nếu đã thấy mặt trăng thì có thể biết rằng phương tiện để chỉ trăng rốt cuộc chẳng phải là mặt trăng. Trang Tử khuyên: «Có nơm vì cá, đặng cá hãy quên nơm. Có dò vì thỏ, đặng thỏ hãy quên dò. Có lời vì ý, đặng ý hãy quên lời.»

Thế thì, vượt lên trên mọi hư cấu văn chương của Tây du ký với tài hí lộng chữ nghĩa của Ngô Thừa Ân, cuộc thỉnh kinh của Đường Tăng thực chất là chi? Đường Tăng là ai đó? Nước Thiên Trúc với chùa Lôi Âm ở đâu?

Sẽ là sửng sốt nếu nói rằng Đường Tăng vẫn còn đang thỉnh kinh dù đã thỉnh kinh xong rồi từ vạn cổ. Tề Thiên đã hàng phục xong thiên ma vạn quỷ, đã cởi được kim cô niệt đầu, đã được Phật Tổ tán thán là Đấu Chiến Thắng Phật ở giữa bửu điện trang nghiêm của chùa Lôi Âm, nhưng Tề Thiên vẫn còn đang và vẫn sẽ còn tiếp tục vất vả đánh nhau với yêu tinh ma quái. Mãi mãi cuộc chiến đấu vẫn chưa xong. Tề Thiên nào đã thành Phật? Tề Thiên nào chưa thành Phật? Yêu ma nào đã quy hàng? Yêu ma nào còn chưa ngừng dấy động phong ba? Nước Thiên Trúc với chùa Lôi Âm không ở về phương Tây, và cũng không phải là một địa danh trên bản đồ kim cổ. Vậy, cuộc thỉnh kinh đi về phương trời nào viễn xứ?

Nên ta thử hỏi lớn tiếng rằng: Đường Tăng! Anh là ai? Câu hỏi ấy phải chăng xấc xược? Sao lại dám xưng hô với Đường Tăng là... Anh? Ta cứ hỏi nữa: Đường Tăng! Anh là ai?

Cũng là ta hỏi chính ta đó thôi. Mỗi một người trong chúng ta đều là Đường Tăng. Mỗi thời đại của quá khứ, hiện tại và vị lai đều có Đường Tăng, đều vẫn đã, đang và sẽ còn tiếp tục thỉnh kinh. Cuộc thỉnh kinh chính là hành trình đầy trắc trở của mỗi người trong chúng ta truy tầm Chân lý - tìm cái mà Lão Tử gượng cho là Đạo, gọi tên là Xích tử chi tâm, Phật mệnh danh là Bổn lai diện mục, và Cao Đài ngày nay bảo là Nhân bản hay Thượng Đế tính - vốn dĩ đã sẵn tàng ẩn trong mỗi con người.

Đi về đâu để có được Chân lý đó? Thiên Trúc ư? Hà xứ tại? Thưa rằng nước Thiên Trúc ấy nào có đâu xa và con đường thỉnh kinh cũng chẳng phải là hành trình từ phương Đông qua phương Tây diệu vợi. Vương Dương Minh bảo: Vũ trụ là tâm ta, tâm ta là vũ trụ. Ngô Thừa Ân ám chỉ: Thiên Trúc là thân ta, thân ta là Thiên Trúc. Kinh báu chùa Lôi Âm là hình ảnh tượng trưng cho Chân lý, nó nằm trong tự thân nội thể con người. Cuộc thỉnh kinh vì vậy là con đường quy hướng về nội tâm của mỗi người, là hành trình phản tỉnh nội cầu, quay lại nhìn vào chính nội thân của mình, tìm thấy trong chính ta cái chân lý: Người là một thiêng liêng tại thế, cùng với Trời đồng thể linh quang (ánh sáng thiêng liêng).

Do đó phải nói rằng bộ phim Tây du ký hai mươi lăm tập của nữ đạo diễn Trung Quốc Dương Khiết đã rất tài tình khi nhạc mở đầu cho phim là bài hát «Con đường nào ta đi...» Con đường thỉnh kinh là đường trở về nội tâm. Trên con đường cô đơn đó, ta là Đường Tăng, và ta cũng là Tề Thiên, Sa Tăng, Bát Giới, Long Mã. Như vậy cuộc thỉnh kinh phải bắt buộc đủ bộ năm thầy trò. Thiếu một là không được! Nhưng năm mà một: là một con người với năm phương diện.

Long Mã

Con ngựa mà vua Đường cấp cho Đường Tăng bắt buộc phải chết đi, để đem thay bằng ngựa thần, ngựa rồng. Ngựa là xác thân. Ngựa thần là xác thân cương kiện. Một tinh thần minh mẫn trong một xác thân tráng kiện. Con người đi tìm Chân lý, tìm Đạo, cần có xác thân vững vàng, khoẻ mạnh. Không có ngựa tốt thì Đường Tăng không tới được Lôi Âm. Người mà thể xác bịnh hoạn, tinh thần ươn hèn thì làm sao có thể quyết tâm chiến đấu để đạt tới Chân lý, đạt Đạo?

Sa Tăng

Sa Tăng là tánh cần cù, nhẫn nại. Ngô Thừa Ân bắt Sa Tăng phải nhọc nhằn gánh hành lý là lẽ ấy. Tề Thiên mấy bận giận Thầy, mấy phen đào nhiệm, từng quay về Thủy Liêm động quê xưa; Bát Giới nào có thua, đã trăm lần ngàn lượt cứ lẻo nhẻo đòi chia của, rồi mạnh ai đường nấy, chàng về cố thổ lấy vợ cho xong. Chỉ riêng có Sa Tăng suốt cuộc hành trình thiên ma bách chiết, vào yêu ra quỷ, một lòng một dạ quảy hành trang tiến tới. Không một lời thối lui. Không một lòng biến đổi. Sa Tăng là hình ảnh của tinh tấn, trì thủ, tâm bất thối chuyển. Dù khó khăn đến đâu, đã quyết rồi, thì cứ đi tới. Khí giới của Sa Tăng vì thế là bảo trượng có đầu dẹp và bén nhọn, để mà dễ dàng găm chặt vào, ghim chặt vào. Chí đã định rồi thì không biến đổi, lòng đã quyết rồi thì chẳng chuyển lay. Pháp danh của Sa Tăng vì thế là Ngộ Tịnh: tịnh để mà khắc chế cái động, cái chưa thanh tịnh; tịnh để mà kham nhẫn, chịu đựng.


Sa Tăng


Bát Giới

Bát Giới

Bát Giới là tánh tham. Tham ăn, tham ngủ, tham của, tham sắc và tham nịnh nọt cho được lợi về mình. Khí giới của họ Trư vì thế phải bắt buộc là đinh ba, là cào cỏ, để mà vơ vào cho nhiều, cho vừa lòng tham dục. Bát giới là sự tập hợp những bản năng rất vật dục và tầm thường nơi con người. Có lẽ vì thế mà pháp danh của chàng là Ngộ Năng.[2]

Tề Thiên

Tề Thiên là trí, lý trí. Bộ phim Tây du của nữ đạo diễn Trung Quốc Dương Khiết cho thấy đạo diễn dường như đã hiểu được vai trò quan trọng của Tề Thiên. Lý trí phải dẫn dắt, phải soi đường cho hành động. Thế nên, trong phim, luôn luôn vai Tề Thiên đều đi trước, để dẫn đầu mấy thầy trò.

Lý trí ưa nổi loạn, ngang tàng phách lối, chẳng chịu thua kém nhường nhịn ai. Cho nên Tề Thiên coi mình to ngang với Trời (Tề Thiên: bằng Trời), và muốn lên trời xuống biển, quậy phá đều làm được tất, không chút đắn đo, chẳng hề ngần ngại. Đối với Trời vẫn tự xưng «Lão Tôn» là tánh kiêu căng. Trước mặt Trời vẫn nghinh ngang, đứng xổng lưng không chịu quỳ, ăn nói lôi thôi bất kể tôn ti trật tự, đó là tượng trưng cho đầu óc duy lý của những người muốn phủ nhận Thượng Đế.

Lý trí ưa phân biện, cho nên TềYthiên mới có con mắt lửa tròng vàng, nhìn một cái là thấy rõ bản chất và hiện tượng, biết ngay ai đúng là căn tiên cốt phật, ai đậy che dáng quỷ hình ma. Lý trí cũng thích đả phá, ưa đả kích, cho nên khí giới của Tề Thiên phải là thiết bổng (gậy sắt), để mà đập phá. Pháp danh của Tề Thiên vì thế là Ngộ Không: Không (sunyata) để mà siêu vượt lên mọi đối đãi của thế giới sắc tướng và thế giới phi sắc tướng.

Lý trí, tư tưởng đã suy xét, đã vận động thì ôi thôi, thiên biến vạn hóa. Cho nên thiết bổng của Tề Thiên khi nặng thì nặng vô cùng, mà lúc nhẹ thì nhẹ hơn mảy lông, muốn to nhỏ ngắn dài tùy ý, nhét gọn lỗ tai cũng xong, thế nào cũng được. Đó cũng là tư duy, ngôn ngữ, lý lẽ của con người. Hay cũng nó. Dở cũng nó. Bóp méo, vo tròn đều được cả. Đó vốn là nghề của chàng.

Lý trí vì những «thuộc tính» như thế nên cần thiết phải được uốn nắn luôn luôn cho hợp với kỷ cương, khuôn phép. Tề Thiên bởi vậy mà phải đội kim cô. Tuy nhiên, khi về tới chùa Lôi Âm, thành Phật rồi, không cần cởi, vòng kim cô tự lúc nào đã biến mất. Cái trí con người khi đã thuần dưỡng thì không cần kỷ luật nó vẫn vận động đúng. Giống như trẻ con mới đi học, tập viết phải có giấy kẻ hàng đôi, đến chừng lớn lên viết giỏi rồi, giấy chẳng vạch hàng kẻ ô vẫn dễ dàng viết ngay ngắn.

Cái trí của con người còn có một đặc điểm là xẹt rất lẹ, phóng rất nhanh, cực nhanh. Ngồi ở Sài Gòn mà có thể lan man nghĩ ngợi tới tận đâu đâu, như chu du năm châu dạo cùng bốn biển; chuyện mấy chục năm quá khứ, chớp mắt một cái là cả cuốn phim dĩ vãng trường thiên vùn vụt hiện về. Diễn tả ý này, truyện Tây du bảo Tề Thiên có được phép cân đẩu vân, «mỗi cân đẩu vân đi được mười vạn tám nghìn dặm» [TDK I 1982: 63]. Con số 108.000 dặm ngoài ý nghĩa tượng số học [3] còn nhằm ám chỉ tốc độ khủng khiếp của tư tưởng con người.

DỦ LAN - LÊ ANH DŨNG
(Còn Tiếp)