1. ĐỊNH NGHĨA.

Hối hận là nỗi buồn khi nhận ra mình đã làm nên chuyện sai lầm về mặt Đạo đức.

Trong cuộc đời, chỉ có hai hạng người không biết hối hận. Đó là những vị Thánh đã giải thoát, không còn lỗi lầm và những người cực kỳ ác độc, không hề biết tội phước là gì. Ngoài hai hạng người trên, những người bình thường sở dĩ không hối hận là do họ không biết lỗi. Nếu biết lỗi của mình, trong lòng ai cũng đều có sự hối hận thầm kín. Nhìn lại bản thân mình, chúng ta sẽ thấy không ít lần trong đời, chúng ta đã buồn và hối hận thật sự về những sai lầm mình đã gây nên.

Tùy mức độ lỗi lầm lớn hay nhỏ mà sự hối hận của chúng ta sẽ nhiều hay ít. Có khi đó là những lỗi lầm của thuở còn thơ. Khi theo chúng bạn đi chơi, bạn xúi mình làm điều không tốt ( hái trộm quả chín trong vườn người ta hay bắt trộm gà về làm thịt…), chúng ta cũng làm theo. Chuyện đã trôi qua trong dĩ vãng. Cho đến ngày biết Phật pháp, tin được luật Nhân Quả, chúng ta mới hiểu rằng việc làm thuở nhỏ của mình là sai lầm. Vì không những phạm tội trộm cắp, chúng ta còn phạm tội sát sinh. Cả hai tội đều nặng. Khi đã hiểu được đó là một điều xấu, lòng chúng ta cứ ray rứt, hối hận, buồn phiền vì chúng ta biết đó là tội và sẽ có quả báo về sau.

Hối hận của buồn phiền hoàn toàn khác với tâm tiếc rẻ vì không đạt được mục tiêu bất kỳ trong cuộc sống, nhất là những hành vi bất thiện. Thực tế, có những người luôn tỏ ra buồn phiền sau một việc làm bất thiện nào đó nhưng không phải là buồn vì hối hận mà buồn vì không thực hiện được mục đích của mình. Ví dụ, một người nọ có tính tham lam, hay lấy cắp của người khác. Một lần vì không lấy cắp được món đồ quý của ai đó nên người ấy cứ tiếc mãi trong lòng. Tâm lý đó gọi là tâm tiếc rẻ.

Trường hợp thứ hai chúng ta cũng thường gặp là hối tiếc vì đã đánh mất một cơ hội để đạt được lợi ích cho bản thân mình. Chẳng hạn, khi đi trên đường, bất ngờ thấy người ta đánh rơi một gói tiền, chúng ta vội vã chạy nhanh đến để nhặt nhưng không ngờ người khác nhanh chân hơn đã chộp mất. Về đến nhà, chúng ta vẫn còn hối tiếc vì lỡ mất cơ hội làm giàu. Sự hối tiếc đó cũng không phải là hối hận.

Như vậy, chúng ta cần phân biệt rõ ba loại tâm lý ấy. Trong đó, sự hối tiếc do tâm muốn làm việc bất thiện mà không làm được thuộc về tâm ác độc. Sự hối tiếc do đánh mất đi cơ hội cho cá nhân thì thuộc về người sống không thanh thản, tâm còn bị ràng buộc. Còn trường hợp hối hận, ray rứt, buồn phiền vì biết mình đã phạm phải lầm lỗi thuộc về người có Đạo đức.

2. TÂM HỐI HẬN LÀ DẤU HIỆU CỦA ĐẠO ĐỨC.

Chúng ta là những người có nhiều thiện căn nên tuổi đời vừa lớn đã vào chùa xuất gia. Dựa vào điều đó có thể đánh giá lúc còn nhỏ chúng ta không từng làm việc gì quá đáng để đến nỗi hối hận nhiều. Và cũng chính vì thế, chúng ta không nhìn rõ được tâm hối hận. Nhưng trong cuộc sống, trong quá trình tu hành từ nay cho đến mãi về sau, chúng ta sẽ có rất nhiều cơ hội tạo lầm lỗi. Nếu không cẩn thận giữ mình, sẽ có lúc chúng ta gây nên những tội lỗi lớn để phải thấm thía thế nào là hối hận.

Tâm hối hận là dấu hiệu của Đạo đức. Vì thế, khi đã mắc phải lỗi lầm, chúng ta phải chân thành nhận thấy điều đó để hối hận và sửa chữa. Chúng ta biết rằng, khả năng tự biết lỗi là căn bản của Trí tuệ. Người tự biết lỗi của mình phải là người có Trí tuệ. Khi tu đến mức độ cao, chúng ta có thể biết nhiều điều nhờ có Trí tuệ, nhưng điều quan trọng là phải biết được lỗi của mình. Tâm vừa khởi nhẹ một niệm tiện hay ác là chúng ta phải thấy ngay, phải đánh giá chính xác ngay về ý niệm đó liền.

Trong cuộc sống, con người thường có chung một nhược điểm là hay tự biện hộ, tự bênh vực cho mình khi làm điều gì sai trái. Ở đây, chúng ta không tự biện hộ mà phải tự trách mình, tự biết lỗi của mình. Vì thế, chúng ta nói rằng, hối hận là dấu hiệu của Đạo đức, cũng là chỗ căn bản của Trí tuệ.

Như vậy, phải tự nhận lỗi rồi mới hối hận, mới có nỗi buồn. Tiến trình ấy bắt đầu từ việc chân thành nhận lỗi nhưng tất cả đều xuất phát từ chỗ có Trí tuệ. Có thể còn một chuỗi tâm lý xuất phát tiếp theo rất vi tế mà chỉ có chúng ta mới nhận ra được. Chẳng hạn, khi trao đổi với huynh đệ về đạo lý Thiền, chúng ta cảm thấy không vừa ý nên phủ nhận ý kiến của huynh đệ và khẳng định những ý kiến của mình là đúng. Người ngoài nhìn vào chỉ thấy đó là một cuộc đàm đạo bình thường giữa hai tu sĩ với nhau về vấn đề Thiền học, nhưng nhìn sâu vào lòng, chúng ta chợt nhận ra mình đã phô trương kiến thức, tỏ ra hơn thua với huynh đệ. Tâm tỏ ra khoe khoang, hơn thua ấy không ai nhìn thấy, chỉ tự chúng ta nhận thấy. Khi biết mình vừa phạm lỗi khoe khoang, vừa phạm lỗi hơn thua- dấu hiệu của sự sa sút Đạo đức- chúng ta cảm thấy hối hận ngay.

Như vậy, chúng ta phải nhận ra được lỗi của mình chứ không chờ dư luận bên ngoài đánh giá. Người ngoài có thể không thấy lỗi của mình hoặc có khi lại đánh giá quá đáng, thiếu chính xác. Thử lấy một ví dụ rất đơn giản, chúng ta sẽ thấy rõ điều này. Một lần, vì cảm thấy mệt mỏi, chúng ta vào bếp xin một ly nước chanh. Nhưng lúc ấy nhà bếp không có ai nên chúng ta tự pha lấy. Vậy mà, có người để ý và nói với mọi người là ngày nào chúng ta cũng xuống bếp lục đồ ăn. Tự chúng ta biết là mình không có lỗi ấy nhưng người ta đã nói quá cho mình. Ở đây, chúng ta chỉ có lỗi là không nói qua với người có trách nhiệm một tiếng để có người làm chứng là mình đã không tự ý. Nhưng thực ra, lỗi đó cũng không đáng kể.

Như vậy, trong việc đánh giá lỗi lầm, chúng ta không bỏ qua dư luận vì có khi người ta gợi ý hoặc chỉ ra lỗi mình rất hay nhưng cũng không quá coi trọng dư luận. Tốt nhất là chúng ta tự biết lỗi mình để hối hận và vượt qua.

Một khi đã xuất hiện nỗi buồn hối hận về một lỗi lầm mình đã gây nên, chúng ta sẽ tâm niệm, ước ao rằng mình đã không làm điều sai lầm đó. Thậm chí, chúng ta còn ước ao thời gian quay lại để mình không làm việc sai lầm đó nữa. Đây chính là Nhân lành để về sau chúng ta không bao giờ lặp lại lỗi lầm cũ. Chúng ta không thể quay ngược thời gian, trở về quá khứ để làm lại từ đầu, nhưng nếu tâm vẫn hướng về quá khứ và ước mình chưa bao giờ làm chuyện không hay đó thì tâm niệm ấy sẽ thành Nhân tốt cho vị lai và chắc chắn chúng ta sẽ không phạm lỗi lầm ấy nữa.

Ví dụ, khi còn nhỏ, chúng ta đã từng nói dối cha mẹ xin tiền mua sách vở nhưng lại mang tiền đi chơi, ăn uống với bạn bè. Khi lớn lên, biết Phật pháp, nghĩ lại chúng ta thấy thương cha, thương mẹ vô cùng. Từ chỗ hối hận, chúng ta ước ao giá như lúc đó mình đừng nói dối, giá như lúc ấy mình lo học nhiều hơn, thương cha mẹ nhiều hơn… Chính ý nghĩ về quá khứ đó đã biến thành cái Nhân của vị lai. Qua kiếp sau, chắc chắn chúng ta sẽ trở thành một người con ngoan, một người con hiếu thảo.

Có những người sống một đời mà chưa từng hối hận. Đó thường là những người ác độc. Vì sao như vậy ? Vì chỉ có những bậc Thánh, những người đã giải thoát mới không có lỗi lầm để không hối hận. Còn tất cả chúng ta, sống trên cuộc đời này không ai không từng có lầm lỗi. Chỉ có những người có tâm ác độc mới không biết được phải trái, đúng sai, không biết tội phước nên chưa bao giờ hối hận.

3. GIÁC NGỘ ĐƯỢC ĐẠO LÝ MỚI CÓ THỂ HỐI HẬN LẦM LỖI CŨ

Sở dĩ có thể hối hận được lầm lỗi cũ là do chúng ta giác ngộ được đạo lý. Chẳng hạn, trước đây, khi chưa biết được tội phước, chúng ta có thể phạm tội sát sanh khá nặng ( sẵn sàng giết heo, giết bò phục vụ cho đám cưới, đám tang… khi có người nhờ đến ). Khi học được đạo lý, chúng ta mới thấy rằng muôn loài đều cần sự sống và cũng hiểu được nỗi đau đớn của con vật khi bị giết. Vì thế, chúng ta cứ hối hận không nguôi.

Như vậy, nhờ biết được đạo lý, biết được nhân quả mà chúng ta biết hối hận. Khi hiểu được đạo lý, chúng ta sẽ biết so sánh cái thiện của đạo lý đã học với cái bất thiện mình đã phạm phải. Vì thế, mỗi khi học được những điều hay, lẽ phải, chúng ta thường xuất hiện tâm hối hận. Không ít người trong chúng ta khi bắt đầu biết Phật pháp cứ buồn phiền, hối hận mãi vì trước đây đã có sự đối xử không đúng với mọi người; với cha mẹ, anh chị em trong gia đình... Khi đã đi tu, mỗi ngày trôi qua, khám phá ra được một đạo lý, chúng ta quay nhìn lại quá khứ, càng hối hận hơn vì những lầm lỗi cũ. Cứ thế, trong suốt cuộc đời dài dặc này, con người đã vấp không biết bao nhiêu lầm lỗi nên cứ phải hối hận hoài.

Chúng ta còn nhớ trường hợp vua Asoka ( vua A Dục ) vì tin sự cao cả của Phật pháp đã biết hối hận và tạo nên công đức. Trước kia, ông là một Hoàng tử ác độc. Vua cha có nhiều Hoàng tử nhưng trong đó Asoka là người hung dữ nhất. Nghĩ rằng Asoka là người hung dữ sau này sẽ làm loạn hại những người anh em khi ông qua đời nên nhà vua đã sai Hoàng tử cầm quân ra ngoài trấn biên giới. Nghe lời vua cha, Asoka lên đường. Khi trấn quân biên giới, với tính tình nóng nảy, ác độc, ông đã muốn đem quân xâm chiếm nước người. Nhưng vì chưa có lệnh vua cha, hơn nữa, đạo quân vua cha giao cho cũng không đủ mạnh nên Asoka không dám làm loạn. Đó cũng là dụng ý của nhà vua. Đưa Asoka ra biên giới, vua cha cũng đã tính kỹ mọi đường. Khi ông nằm xuống, Asoka sẽ không về kịp, Hoàng tử được chọn kế vị ngôi vua sẽ đăng quang kịp thời. Khi về đến nơi, mọi việc đã đâu vào đó, Asoka sẽ không dám làm loạn. Vua cha tính toán thật chu đáo nhưng không ngờ Asoka còn nhanh hơn ông tưởng. Nghe tin cấp báo vua cha hấp hối, ông ta kéo quân về ngay lập tức. Về tới kinh thành, ông giết sạch các anh em của mình một cách dã man và lên làm vua.

Một ông vua lên ngôi bằng hành động độc ác như vậy chắc chắn không thể “trị quốc, bình thiên hạ” được vì người dân nghĩ rằng ông ta lên làm vua được là nhờ giết bao nhiêu anh em mình. Như vậy, để cuộc đời sung sướng, họ cũng phải giành giật với người này, phải giết hại người kia. Vì thế, khắp nơi trong nước, dân chúng đã nổi loạn. Cuối cùng, vua Asoka đã tỉnh ngộ và quay về với Phật pháp. Có hai thuyết nói về sự tỉnh ngộ của ông.

Thuyết thứ nhất kể rằng: Vì ông là con người có hành động nổi tiếng tàn bạo nên trong nước dân cứ nổi loạn liên tục. Nơi này trộm cướp nổi lên, nơi kia xảy ra lừa đảo, giết người… Ông bèn xây một nhà ngục giao cho một tay chủ ngục ác độc có nhiều thuộc hạ hành hình tội nhân cai quản. Hồi đó, xã hội không có sự công bằng. Người phạm tội gì cũng bị quăng vào ngục hành hạ cho đến chết. Ông cho chủ ngục quyền sinh, quyền sát. Tay chủ ngục cũng là kẻ độc ác nên ai đã vào ngục, không mong ngày được trở ra. Trong khi đó, nhà vua chỉ lo đem quân đi xâm lược các nước láng giềng. Ông cất quân đánh nước này, thôn tính nước kia, mở rộng đế quốc Ấn Độ. Lúc bấy giờ, lục địa Ấn Độ trở thành một vương quốc thống nhất là nhờ tài cầm quân, nhờ sự tàn bạo của vua Asoka.

Một lần, có một Sa môn - một nhà sư Phật giáo- không hiểu thế nào lại vào thẳng trong ngục. Tên cai ngục tưởng là tội nhân mới được bên ngoài gởi vào để trừng phạt. Nhưng khi được hỏi đến, ông ta ngơ ngẩn không biết cách trả lời, hắn bực mình ném ông vào chảo dầu đang sôi. Trong chảo dầu, ông vẫn giặt giũ, tắm rửa, kỳ cọ thoải mái. Tên chủ ngục kinh ngạc đứng nhìn. Hắn thấy nhà sư thỉnh thoảng bay lên không trung rồi lại hụp xuống tiếp tục tắm. Cai ngục chạy vào báo cho vua Asoka biết chuyện kỳ lạ và mời nhà vua ra xem. Vua A Dục vội vàng chạy đến xem và vô cùng ngạc nhiên khi thấy vị Tỳ kheo nghiêm trang cất mình giữa hư không. Lúc đó, tâm hồn ông bỗng nhiên bị lay động. Từ trước đến nay, ông không tin trong cuộc đời này có những chuyện thần thánh nên đã đối xử tàn bạo với mọi người. Hành động tàn bạo đầu tiên là giết anh em mình để giành ngôi vua, sau đó là đem quân xâm lược khắp nơi, chém giết con người một cách tàn bạo để giành đất đai. Hôm nay, chứng kiến sự kiện lạ ấy, ông tin rằng cuộc đời có chuyện thần thánh và cảm thấy lòng mình xao động. Ngay lúc đó, vị Tỳ kheo đã thuyết pháp cho ông. Nhà vua bừng tỉnh, thấy được lỗi lầm của mình và quỳ xuống xin sám hối. Vị Tỳ kheo khuyên nhà vua nên dùng đạo đức để cai trị dân, không nên dùng những hình phạt nghiêm khắc, tàn bạo như vậy. Vua thỉnh vị Tỳ kheo về cung điện và dần dần ra lệnh sửa đổi luật pháp cho khoan thư hơn.

Khi thấy vua cùng vị Tỳ kheo đi khỏi ngục, tay chủ ngục níu vị Tỳ kheo lại và nói:

- Tâu Đại Vương, Đại Vương có luật là ai vào đây là không thể ra.

Vua Asoka nói:

- “Đúng. Và ngươi phải là người như vậy.

Nói xong, ông túm lấy tay chủ ngục quăng vào chảo dầu. Đó là hành động độc ác cuối cùng của ông khi bắt đầu gặp được Phật pháp. Sau đó, ông thỉnh vị Tỳ kheo về cung để học hỏi Phật pháp. Đây cũng là duyên may cho đạo Phật vì Asoka truyền bá Phật pháp mạnh mẽ sau khi ông đã dùng bạo lực đánh chiếm các nước khác và xây dựng một đất nước thống nhất. Bởi vậy, cả lục địa Ấn Độ thời đó đều theo Phật. Có thể nói, bạo lực đi trước, Phật pháp đi sau. Dựa vào uy lực của vua mà đạo Phật tràn lan khắp Ấn Độ và người đạo Phật cũng tùy hỷ trước việc ông xâm lăng cũng như trước những chiến công của ông. Và quả báo cũng đã tới. Vào thế kỷ thứ XIII, quân Hồi vào giết hết người theo đạo Phật tại Ấn Độ. Nhà sư bị giết, đền đài bị đập phá nên đạo Phật biến mất. Chỉ còn những nước lân cận như Tây Tạng, Tích Lan, Hồi giáo không đặt chân tới được nên Phật pháp còn tồn tại. Đó cũng là Nhân quả vì người ta đã truyền bá đạo Phật bằng con đường bạo lực mà người theo đạo Phật vẫn tùy hỷ.

Thuyết thứ hai nói về Kalinga. Sau một trận chiến khủng khiếp, xác người chết đầy đồng, đàn bà trẻ con chết đầy đường…, chợt có đội quân cưỡi ngựa đến báo tin cho nhà vua biết Hoàng hậu ở nhà hạ sinh được một Hoàng tử. Nghe tin báo, ông vui mừng khôn xiết. Tình cha con trỗi dậy đã làm cho những tình cảm khác sống dậy trong ông. Nhìn những đứa trẻ chết trên bãi chiến trường cùng với những người mẹ của nó, rồi những cụ già chết la liệt trong chiến tranh, ông hối hận và kéo quân về. Trên đường về, ông gặp một vị Tỳ kheo. Vị Tỳ kheo đã thuyết pháp, giáo hóa cho ông. Từ đó, ông hồi đầu về với Phật pháp. Thuyết này không có sức thuyết phục lắm nhưng cũng cho chúng ta biết vào thời đó đã có một vị Thánh nhân, một vị Tỳ kheo chứng Đạo đủ sức cảm hoá một ông vua bách chiến, bách thắng như vua A Dục để ông ta trở về với đạo Phật.

Như vậy, khi tin được sự cao cả của Phật pháp, chúng ta mới biết hối hận. Nếu không cúi đầu trước sự cao cả của Phật pháp, chúng ta sẽ không thấy được những lỗi lầm mình đã phạm trước đây.

Đọc lại một câu chuyện trong Góp nhặt cát đá, chúng ta sẽ thấy hối hận còn xuất phát từ đâu. Chuyện kể rằng, một vị Thiền Sư đang tụng kinh thì một tên cướp xông vào. Hắn gí dao vào cổ Thiền Sư và bảo ông đưa tiền. Ông cũng bình tĩnh tụng kinh, không nhúc nhích gì và chỉ cho tên cướp biết tiền để trong tủ. Sau đó, ông vẫn tiếp tục tụng kinh. Khi tên cướp lấy tiền xong quay đi, ông mới ngừng tụng kinh và nói: “Nhận tiền xong phải cám ơn”. Hắn nói :“Cám ơn”, rồi đi thẳng. Ông vẫn tiếp tục tụng như không có gì xảy ra. Sau khi cướp tiền của vị Thiền Sư, tên cướp lại đến cướp thêm ở nơi khác và bị công an bắt. Hắn cũng hối hận và thật lòng khai ra những vụ trộm cướp hắn đã thực hiện, trong đó có vụ cướp tiền của vị Thiền Sư. Công an giải hắn đến chùa và hỏi vị Sư : “Thưa Ngài, có phải là tên này đã vào đây chỉa dao vào cổ Ngài và lấy tiền của Ngài không?”. Vị Thiền Sư trả lời: “Không. Tôi có cho và nó có cám ơn”. Nhờ câu nói ấy nên tên cướp được giảm án vì người ta nghĩ hắn chưa đến độ táng tận lương tâm dám vào chùa cướp của. Khi ra tù, hắn đã đến chùa xin xuất gia, làm đệ tử vị Thiền Sư ấy.

Trong trường hợp này, điều gì đã làm cho tên cướp hối hận ? Đó chính là lòng từ bi, cao thượng của vị Thiền Sư. Trong cuộc đời, có những người làm việc ác vì họ chưa từng gặp điều cao cả, cao thượng, chưa gặp được tình thương yêu. Họ thấy xung quanh mình luôn tồn tại những điều ác độc, con người chỉ biết tranh giành nhau mà sống; kẻ mạnh, lắm mưu mô xảo quyệt sẽ thắng kẻ yếu đuối, lành hiền. Họ không tin có nhân quả. Sống như vậy cho đến khi bắt gặp tình thương yêu, sự cao thượng từ người khác, họ cảm thấy hạnh phúc và chợt nhận ra thế gian này đâu chỉ toàn là điều ác độc, quanh họ vẫn còn đầy tình thương yêu. Sống trong tình thương yêu của con người, họ hối hận và muốn mãi mãi được tắm trong tình thương yêu đó.

Trong cuộc sống, có thể chúng ta sẽ gặp rất nhiều người xấu. Qua câu chuyện này, chúng ta hiểu được họ vẫn có thể còn biết khởi tâm hối hận và cố gắng dùng tình thương để cảm hóa họ. Lúc nào chúng ta cũng phải giữ tâm thương yêu. Chỉ có tâm thương yêu, không ganh ghét đố kỵ, không hơn thua kiêu kỳ mới có thể cảm hoá được người xấu. Chính lòng thương yêu của chúng ta sẽ làm cho họ có niềm tin vào cuộc sống, con người và biết hối hận để quay về với nẻo thiện. Để làm được điều đó, chúng ta phải huân tập tâm Từ bi thật sâu đậm. Ngoài những lời nói, trong tâm chúng ta phải thật sự có tình thương yêu. Chúng ta phải hiểu rằng, cho người khác niềm tin vào sự cao cả, niềm tin ở điều thiện, niềm tin vào tình thương yêu để họ biết hối hận, là một công đức lớn.

Một điều rất hay nữa là hối hận có thể rửa được tội. Có Thầy kể rằng, khi còn nhỏ chưa biết Phật pháp, đọc sách của ông Krisnamurti - người Ấn Độ từng đi giảng khắp Tây Phương- người ấy không hiểu gì cả nên tỏ ra không thích. Sự không hiểu ấy một phần do người viết, một phần do người dịch chuyển ngữ không thích hợp với văn Việt nên câu văn tối nghĩa. Sau này, khi lên Đại học, học qua lý thuyết dịch, Thầy mới hiểu ra điều ấy. Nghĩa là người dịch phải dịch nghĩa chứ không phải dịch chữ. Chẳng hạn, I go to school ( dịch theo chữ là Tôi đi tới trường ) nhưng nghĩa lại là Tôi đi học. Một câu văn theo nguyên văn có khi dài dòng, phức tạp, người dịch phải tìm ra nghĩa rồi chuyển sang câu văn tiếng Việt cho dễ hiểu. Đó cũng là lý do khiến Thầy không hiểu và không thích ông Krisnamurti. Khi nói chuyện trao đổi đạo lý với mọi người, Thầy đã bài bác ông ta. Cho đến khi gặp được Phật pháp, học được Thiền, Thầy mới chợt tỉnh là mình đã bài bác nhầm một bậc Thánh. Ông quả thật là một bậc Đạo Sư đã giác ngộ. Khi hiểu ra điều đó, vị Thầy ấy cứ hối hận, ray rứt mãi. Khoảng được nửa năm, một đêm trong giấc mơ, Thầy thấy ông hiện ra, gương mặt sáng như ánh trăng rằm nhìn mình cười tha thứ rồi biến mất. Khi thức giấc dậy, sự hối hận giày vò Thầy suốt nửa năm qua đã tan biến. Thầy hiểu rằng, tâm hối hận của mình đã được chứng minh và Thầy đã rửa được tâm bất thiện trong quá khứ.

Như vậy, Hối hận là một tâm niệm vô cùng quý giá. Nếu sống mà không biết hối hận, chúng ta không bao giờ rửa được sự bất thiện mình đã gây ra trong quá khứ.

Cách đây không lâu, trong một tài liệu giảng về Phật giáo Nam Tông, một vị Sư Nam Tông đã cho rằng : Tâm hối hận là tâm bất thiện. Và ông đã kể ra một câu chuyện để chứng minh điều đó. Thời Đức Phật, có một vị Tỳ kheo vì mến mộ Phật pháp nên đã xuất gia. Vị Tỳ kheo này là con một, xuất thân từ một gia đình giàu có, đã có vợ nhưng chưa có con. Khi gặp Phật, người ấy đã theo Phật đi tu. Một hôm, khi trở về thăm lại gia đình, cha mẹ ông nói cho ông biết tài sản của gia đình rất lớn. Ông là con một, nếu đi tu mà không để lại một đứa con nào nghĩa là gia đình coi như tuyệt tự. Theo luật pháp Ấn Độ thời bấy giờ, khi cha mẹ ông chết, tài sản của gia đình sẽ bị sung vào công quỹ nếu như ông không để lại đứa con nối dõi. Cha mẹ ông muốn ông phải để lại một đứa con. Thương cha mẹ và bị thuyết phục quá, vị Tỳ kheo xiêu lòng ăn ở lại với vợ được một đứa con rồi ra đi.

Thời đó Phật chưa có chế giới, chỉ có người đi tu tự biết làm Sa môn là phải giữ phạm hạnh. Người tu phải sống theo lương tâm mình. Bởi vậy, khi để lại một đứa con, vị Tỳ kheo không thấy mình phạm quy. Nhưng thẳm sâu trong lương tâm, ông biết mình đã phạm sai lầm nên vô cùng hối hận. Nỗi buồn phiền ấy day dứt mãi trong lòng ông lúc trở lại Tăng đoàn. Sau đó, ông lâm bệnh rất nặng. Nghe tin ông bệnh, Đức Phật đến thăm và hỏi rõ sự tình (thực ra, Ngài đã biết hết mọi điều). Vị Tỳ kheo thành thật trình bày sự việc và sám hối. Lúc bấy giờ, Đức Phật thuyết một bài pháp để vị Tỳ kheo hiểu được lỗi lầm và ca ngợi đời sống phạm hạnh. Sau đó, Đức Phật cũng chế ra giới luật. Nhờ Phật thuyết pháp, an ủi nên tâm hối hận của vị Tỳ kheo biến mất. Ông trở lại tiến tu và về sau cũng chứng Đạo.

Kể chuyện này, vị Sư Nam Tông muốn kết luận: Tâm hối hận là tâm bất thiện. Chúng ta biết rằng, Phật giáo Nam Tông vốn có truyền thống bảo thủ, người trước nói sao, người sau nói vậy, nếu nói trái sẽ bị phê bình là ngoại đạo. Vì vậy, bên Nam Tông Nguyên thủy nhìn các thầy Đại Thừa như là người ngoại đạo Bà La Môn, không phải đạo Phật, mặc dù họ vẫn thờ Phật. Cho nên, có thể câu kết luận tâm hối hận là tâm bất thiện ấy không phải của vị Sư kia mà của một vị Sư trước đó. Vị Sư này nghe người trước mình nói như vậy nên nói lại. Cũng có nghĩa là điều đó đã được truyền qua mấy ngàn năm rồi. Điều đáng ngạc nhiên là câu kết luận sai lầm này đã được giữ cho đến ngày hôm nay.

Thật ra, đạo Phật có nhiều Tông phái. Tông phái nào cũng cho mình là chân lý, là đúng đạo Phật. Đây là điều mà chúng ta phải tỉnh táo xét lại. Dù đi theo bất cứ Tông phái nào( Nam Tông, Bắc Tông Đại thừa hay Khất Sĩ…), chúng ta cũng không bao giờ được tin một cách mù quáng. Chẳng hạn, dù Bắc Tông Đại thừa không sử dụng cuốn Chân lý của Đức Minh Đăng Quang bên Khất Sĩ vì có nhiều điểm không hợp với Tam Tạng Kinh điển, nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, đạo hạnh của Đức Minh Đăng Quang rất tuyệt vời và cuốn Chân lý cũng có nhiều điểm hay. Thời đó, Ngài không có dịp tham khảo hết Tam Tạng Kinh điển nên có những điều Ngài đoán giảng theo suy nghĩ của mình, không phù hợp với Tam Tạng Kinh điển. Hơn nữa, lúc bấy giờ đạo Phật chưa chấn hưng nên sách chưa nhiều, ai hiểu thế nào cứ giải thích thế ấy nên có khi không phù hợp với Giáo điển. Đó cũng là điều dễ hiểu.

Ở đây, chúng ta xem nỗi buồn là một hệ quả, nỗi buồn của hối hận là nỗi buồn vô cùng cao đẹp. Nếu nỗi buồn do ích kỷ là sự xao động tầm thường, thì nỗi buồn vì lỗi lầm là nỗi buồn có khả năng thanh lọc, làm sáng tâm mình và rửa được những tội lỗi. Chúng ta phải hiểu rằng, trong con người vốn có nhiều tình cảm. Nếu tình cảm được sử dụng đúng chỗ sẽ làm tăng trưởng được thiện pháp, giúp con người đi dần về phía giải thoát. Ngược lại, những tình cảm được đặt không đúng chỗ sẽ đưa chúng ta đi dần về phía ràng buộc.

Ví dụ, tâm xót xa vốn thuộc trạng thái động. Khi thấy một người nào đó khổ, chúng ta khởi tâm xót xa thì sự xót xa đó gọi là bi, là thương xót trước nỗi khổ của người khác. Đây là một tình cảm động, nhưng lòng bi ấy cho thấy thiện pháp trong chúng ta đang tăng trưởng, tâm hồn chúng ta trở nên cao thượng và đang đi dần về phía giải thoát. Trong trường hợp này, nếu giữ tâm cho tịnh, chúng ta lại rơi vào tâm ích kỷ. Còn trường hợp xót xa cho chính bản thân mình (như than thân trách phận) là tình cảm động nhưng khiến ta đi về phía ràng buộc luân hồi, vì đó là cái động của sự ích kỷ.

Hoặc tình thương yêu cũng là tình cảm “động”. Nếu vướng vào tình yêu đôi lứa, chúng ta sẽ bị ràng buộc, phiền não rồi đi về phía sinh tử luân hồi. Nhưng cũng tình thương yêu ấy nếu đem ra chan rải khắp thế gian, thương yêu tất cả chúng sinh, chúng ta sẽ đi về phía giải thoát. Bởi vậy, nếu được sử dụng đúng chỗ, tình cảm sẽ giúp cho tâm hồn thăng hoa, cao thượng hơn. Chúng ta đừng sợ những tình cảm ấy làm tâm mình xao động. Không phải lúc nào cũng giữ tâm mình phẳng lặng, yên tĩnh như cát, như đá là chúng ta đã tu tốt. Thấy người khác khổ mà không xót xa, nhìn thấy chúng sinh mà không khởi lòng thương yêu, đó không phải là người tu theo đạo Phật. Chúng ta dám khẳng định chắc chắn như vậy.

Tương tự như thế, người tu hành phải sống hiền lành, không bao giờ được hung dữ nhưng sự hung dữ nếu sử dụng đúng chỗ cũng là một điều hay. Nếu có duyên, chúng ta sẽ tìm hiểu chữ “dữ” này và như thế nào là “dữ” đúng chỗ trong Phật pháp.

Khi biết so sánh đạo lý cao xa với việc làm sai lầm của mình, chúng ta sẽ xuất hiện tâm hối hận. Cứ mỗi ngày tìm ra được điều gì mới, chúng ta càng hối hận vì trước đây mình đã không biết được điều này, đã ứng xử sai lầm. Khi đã hối hận, ngoài việc xảy ra tâm niệm ước ao mình đừng làm điều ấy trong quá khứ, chúng ta còn phát sinh một tâm lý khác là muốn tạo công đức. Hối hận lỗi cũ có thể giúp chúng ta tạo nên công đức mới như một sự chuộc lỗi.

Nói đến điều này, chúng ta không thể không nhắc đến câu chuyện người kiếm sĩ đào con đường hầm trong Góp nhặt cát đá. Vì đây là câu chuyện tiêu biểu cho việc muốn tạo công đức để chuộc lại lỗi lầm sau khi hối hận của con người. Chuyện kể về một kiếm sĩ theo tinh thần võ sĩ đạo của Nhật. Vì phải lòng người vợ của một viên quan, ông ta đã giết viên quan đó và mang người vợ đi. Khi sống gần nhau, ông mới phát hiện ra người đàn bà mà ông thương yêu bấy lâu để phải làm nên tội lỗi ấy lại là một người đàn bà tầm thường, tham lam và ích kỷ. Ông đã từ bỏ người đàn bà đó và ra đi trong nỗi hối hận khôn nguôi. Đểø chuộc lại tội lỗi của mình, ông đã phát tâm đục một con đường hầm đi xuyên qua núi để người dân địa phương qua lại không phải bỏ mạng trên đường đèo.

Người con trai của viên quan nọ sau một thời gian học kiếm thuật đã tìm đến ông để trả thù. Cuối cùng, người thanh niên gặp được người đàn ông ấy trong lúc ông ta đang ngồi đục đá trong hang núi. Người con trai của viên quan nói: “Ngươi hãy quay lại cầm kiếm đấu với ta, ta không muốn giết kẻ thù từ phía sau lưng”. Người học kiếm thuật thường quân tử như vậy. Họ không muốn làm việc hèn hạ. Ông già vẫn tiếp tục ngồi đục đá, không quay lại mà trả lời: “Cậu hãy đợi tôi đục xong con đường hầm này, tôi sẽ dâng mạng sống của tôi cho cậu”. Người kia không biết làm sao vì giết người ta sau lưng thì không phải là người quân tử. Hơn nữa, việc đục con đường hầm này cho mọi người đi của ông ta cũng là điều tốt, không nên ngăn cản. Anh ta cầm gươm ngồi chờ ông già đục xong con đường. Ban ngày, ông đi xin ăn, chiều tối lại về đục. Người thanh niên cứ lẽo đẽo cầm gươm đi theo. Thời gian trôi qua, cảm thấy ngồi chờ ông già đục đường như thế cũng buồn, người thanh niên bèn làm phụ ông. Hai người cứ sống với nhau như vậy suốt bao nhiêu năm. Khi đường hầm được hoàn thành, người kiếm sĩ già cầm cây gươm đưa cho người thanh niên và nói: “Đầu tôi đây, cậu hãy cắt đi !”. Người kia quỳ xuống: “Làm sao con có thể cắt đầu Thầy được”. Câu chuyện đã kết thúc một cách rất cảm động.

Như vậy, nhờ tâm hối hận, qua bao nhiêu năm làm phước, ông đã tẩy sạch hết tội lỗi, tẩy sạch hết tâm bất thiện của mình trong quá khứ khiến người từng coi ông là kẻ thù đã nhận ông làm Thầy.

Chúng ta biết rằng, tội lỗi được cấu thành phải có hai yếu tố: Bên ngoài là tội làm tổn hại chúng sinh, bên trong là tâm bất thiện. Cái hay của tâm hối hận là vừa xóa được sự bất thiện trong tâm vừa xóa được phần tội bên ngoài. Trường hợp ông kiếm sĩ già trong câu chuyện này là một ví dụ tiêu biểu. Bao nhiêu năm trời hối hận, lại tạo được phước nên sự bất thiện trong tâm ông đã bị xóa sạch và tội bên ngoài, tội giết viên quan ngày xưa cũng được xoá đi phần lớn. Người con trai viên quan kia không giết ông để trả thù đã chứng minh điều đó. Có thể kiếp sau ông sẽ bị trả quả báo nhưng chắc chắn sẽ trả một cách nhẹ nhàng.

Tin Nhân Quả cũng giúp cho chúng ta biết hối hận, nhất là khi thấy mình gặp nghiệp quả không may. Vì tin Nhân Quả, khi gieo Nhân, chúng ta suy luận được quả báo nên biết hối hận, biết nhận ra được lỗi của mình. Do đó, trong suốt cuộc đời làm việc đạo, chúng ta cố gắng truyền cho người khác niềm tin về Nhân Quả. Đó cũng là cách làm cho đạo đức tăng trưởng trong cuộc đời này và làm cho mọi người được lợi ích.

Trường hợp nhận quả báo, chúng ta suy luận ngược lại cái Nhân mình đã gieo và cũng phát sinh tâm hối hận. Ví dụ, một người nọ không may gặp tai nạn phải mất một cánh tay. Khi ngồi suy luận Nhân Quả, người ấy nghĩ đời trước chắc mình đã làm điều gì ác với người khác nên đời này mới gặp quả báo như vậy. Vì tin Nhân Quả nên bây giờ người ấy hối hận và chắc chắn suốt quãng đời còn lại, họ không dám làm điều ác nữa.

4. NHỮNG CÁCH CHUỘC LỖI.

Thông thường, người ta có ba cách chuộc lỗi:

Thứ nhất là chuộc lỗi với đối tượng mà mình đã phạm. Chẳng hạn, khi lỡ nặng lời với người nào đó, chúng ta đến gặp họ để xin lỗi. Hoặc một lần nào đó không kiềm được lòng tham, lỡ lấy cắp của người ta một vật gì đó, chúng ta hối hận tìm đến họ xin lỗi. Như vậy, chúng ta đã chuộc lỗi với đối tượng mà mình đã phạm. Khi chuộc lỗi với họ, lỗi trong tâm chúng ta sẽ hết.

Trong cuộc đời có rất nhiều tình huống để chúng ta phạm lỗi. Có những trường hợp đối tượng mình đã phạm không còn nữa để mà xin lỗi. Lúc ấy, chúng ta cũng có thể chuộc lỗi bằng cách phát lồ trước Đại chúng. Đây là một nghi thức rất hay trong đạo Phật. Khi có lầm lỗi, chúng ta ra trước Đại chúng nói lên lỗi của mình, tâm bất thiện về lỗi đó sẽ không còn nữa. Phát lồ với Đại chúng là biểu hiện rất cao lòng can đảm của người phạm lỗi.

Cách thứ ba là chuộc lỗi bằng cách lễ Phật. Có những lỗi lầm không tiện nói với người mình đã phạm lỗi, cũng không có cơ hội để phát lồ với Đại chúng, chúng ta chỉ có thể thiết tha trình bày lỗi và ăn năn sám hối với đấng tối cao là Đức Phật. Ví dụ, khi phát hiện ra trong mình còn tồn tại tính tham lam, chúng ta không biết thổ lộ, sám hối cùng ai. Những tâm niệm rất tế đó, chúng ta chỉ có thể quỳ lạy trước Phật mà sám hối. Vì Đức Phật là đấng tuyệt đối hoàn hảo về công đức, trí tuệ, từ bi… Lòng tôn kính Phật, công đức lạy Phật sẽ làm phước của chúng ta tăng trưởng và tội lỗi của chúng ta vơi đi rất nhiều. Khi lễ lạy Phật, chúng ta luôn hướng về tội lỗi của mình, lỗi sẽ được xóa đi rất nhanh. Nhưng điều quan trọng là chúng ta phải biết đúng lỗi, có tác ý đúng lỗi và hướng về lỗi đó mà ân hận. Có như vậy, chúng ta mới vượt qua được lỗi lầm.

Ngoài ra, trong đạo Phật còn có nghi thức sám hối định kỳ, mỗi tháng sám hối hai lần. Đây cũng là nghi thức rất có ý nghĩa. Vì không ai sống mà không có lầm lỗi. Mỗi ngày trôi qua, chúng ta đều có thể phạm lỗi lầm. Nếu cứ nửa tháng được sám hối một lần, tâm hồn ta sẽ trở nên thanh thản. Nhưng vấn đề là sử dụng nghi thức sám hối như thế nào. Hiện nay, có nhiều nghi thức sám hối : Hồng Danh, Lương Hoàng sám, Thủy sám… Ở một số chùa, các vị Thầy lớn cũng đặt thêm những nghi thức sám hối khác.

Nhìn chung, nghi thức sám hối đều có hai ý nghĩa: kể lỗi và lạy Phật. Hai việc làm này rất đúng trong việc sám hối nên hầu hết các vị Tổ đặt ra các bài sám đều dựa trên hai ý nghĩa này. Trong đó, bài tụng Lương Hoàng sám rất hay. Khi tụng, người sám hối phải kể tội từng li, từng tí. Như vậy, họ sẽ nhìn lỗi mình kỹ lưỡng hơn. Ví dụ, xung quanh việc ăn cắp, chúng ta phải thấy rõ: ăn cắp là môt cái tội, xúi người ta ăn cắp cũng là một cái tội, thấy người ta ăn cắp mà mình tùy hỷ cũng là một cái tội… Trong tâm, chúng ta phải nhìn thấy từng lỗi như vậy để sám hối, lạy Phật rất nhiều.

Nghi thức chung đang sử dụng hiện nay chỉ sám hối lỗi tổng quát rồi lạy Phật. (sám hối Hồng Danh, người sám hối phải lạy 89 lạy, còn phần kể tội, kể lỗi không nhiều). Hơn nữa, văn kinh bài sám hối lại bằng chữ Nho nên rất khó hiểu. Sở dĩ nghi thức sám hối này được phổ biến vì không quá dài như những bài sám khác, vừa đủ thời gian cho Phật tử tụng. Trong cuốn Những bài kinh tụng do chùa Phật Quang ấn hành có soạn một bài sám hối ngắn để Phật tử có thời gian tụng. Trước hết, bài sám hối ca ngợi Đức Phật. Mỗi đoạn ca ngợi một đức tính của Phật trong sáu câu (như trí tuệ, từ bi, sự thanh tịnh… ). Sau mỗi đoạn ca ngợi Phật, người tụng lạy Phật một lạy. Cứ thế, khi ca ngợi Phật xong, chúng ta đối chiếu lại lỗi của mình, kể lỗi mình và tiếp tục lạy Phật. Ví dụ,

Từ chấp ngã ban đầu

Biến thành tâm ích kỷ

Chỉ nghĩ lợi phần mình

Mà quên đi tất cả

Bây giờ con ăn năn

Xin nguyện chừa lỗi trước.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (1 lạy)

Như vậy, suốt bài kinh, chúng ta lạy khoảng mười lăm lạy. Bài sám hối vừa gọn vừa dễ hiểu, dễ tụng lại được phước.

Nói tóm lại, có nhiều cách chuộc lỗi. Nhưng áp dụng nghi thức phát lồ hàng tháng cho từng người sẽ hiệu quả hơn. Vì khi Đại chúng tập trung, từng người có lỗi lên phát lồ sám hối, họ sẽ có dịp nhìn thẳng vào lỗi của mình.

5. TÂM HỐI HẬN TẠO NÊN CÔNG ĐỨC.

Trong chúng ta, không ai vừa hối hận lại vừa kiêu mạn. Vì hối hận chỉ phát sinh khi chúng ta đã phạm lỗi lầm. Bởi vậy, tâm hối hận sẽ giúp chúng ta phát khởi tâm khiêm hạ. Ngoài việc xóa lỗi, hối hận còn tạo nền tảng đạo đức cho tâm khiêm hạ. Đây là một lợi ích lớn của tâm hối hận.

Ví dụ, một người tài giỏi dễ phát sinh tâm kiêu mạn. Hệ quả tất yếu của tâm kiêu mạn là ô nhiễm. Do tâm bị ô nhiễm nên chúng ta tạo ra lỗi lầm. Khi đã phạm lỗi lầm và thấy được lỗi lầm, chúng ta sẽ hối hận. Khi đã biết hối hận, trong chúng ta sẽ xuất hiện tâm khiêm hạ. Đó là quá trình tất yếu. Nhưng từ tâm kiêu mạn, một người tài giỏi học được tâm khiêm hạ phải trải qua quá trình gần cả một đời người. Trong suốt quá trình đó, đôi khi chúng ta phải trả bằng sự đau khổ, tan vỡ, phải trả bằng những giá rất đắt mới học được sự khiêm hạ. Đôi khi thấy người tài giỏi mà kiêu mạn, chư Phật, chư Bồ Tát đẩy họ vào lầm lỗi để họ học được đức khiêm hạ. Đây là điều rất đáng sợ. Bởi vậy, ngay từ đầu chúng ta phải cẩn thận kiểm soát tâm mình, đừng để kiêu mạn phát sinh. Đó cũng là lý do vì sao khi học môn Tâm lý Đạo đức, chúng ta lại bắt đầu bằng bài Khiêm hạ.

Những người kiêu mạn sau này thường bị phạm phải lỗi lầm. Nhờ có lỗi lầm, họ biết hối hận và nhờ hối hận, họ học được hạnh khiêm hạ. Đó là điều đáng quý. Lỗi lầm có thể nặng, có thể làm chúng ta đau khổ, ray rứt nhưng điều quan trọng là cuối cùng chúng ta đã học được hạnh khiêm hạ từ lầm lỗi ấy. Chúng ta biết rằng, với con người, kết quả đạt được sau khi đã trải qua bao đắng cay, chấp nhận bao nhiêu điều mất mát là điều quý giá nhất. Bởi vậy, đôi khi chúng ta cũng nên “cảm ơn lầm lỗi”.

Khi chưa có lỗi lớn, chúng ta phải biết sám hối những lỗi nhỏ để ngăn ngừa dần. Lỗi nhỏ mà không được nhìn ra, không hối hận, không sám hối sẽ đưa chúng ta đến lỗi lớn. Như vậy, cách tốt nhất để tránh lỗi lớn là biết cẩn thận sám hối từng lỗi nhỏ.

6. BẤT HỐI.

Bất hối là không còn hối hận. Khi Thiền định, sắp vào sơ thiền, phá được năm triền cái ( tham ái, sân hận, thùy miên, trạo hối, nghi ngờ), chúng ta sẽ không còn bị tâm hối hận giày vò nữa vì lúc này, tâm được thanh tịnh. Như vậy, tâm bất hối có được là do Thiền định. Mặt khác, người không lầm lỗi cũng sẽ không còn hối hận. Vậy, Thiền định đưa đến bất hối và không có lỗi cũng đưa đến bất hối. Ở đây, chúng ta phải hiểu một điều là Thiền định có nghĩa là không còn lỗi. Người muốn đạt được Thiền định phải là người có đạo đức rất chuẩn mực, không có lỗi lầm. Chính đời sống trong sạch như băng tuyết mới giúp chúng ta đạt được Thiền định. Lâu nay, nhiều người lầm tưởng cứ ca ngợi một pháp môn nào đó, thực hiện được pháp môn nào đó sẽ đạt được Thiền định. Thực ra, muốn có được Thiền định, chúng ta phải bắt đầu bằng đạo đức.

Thiền định đưa đến bất hối. Chính Đức Phật đã nói điều này. Phá được năm triền cái để vào Sơ thiền, chúng ta sẽ đạt được bất hối. Khi phạm lỗi lầm, chúng ta liền biết lỗi và không tái phạm nhưng trong tâm không có hối hận. Ngay bây giờ, khi chưa chứng được nội tâm vắng lặng, chúng ta phải cố gắng tẩy sạch lỗi. Trong việc tẩy sạch lỗi có một điều quan trọng là chúng ta phải sống một đời hết sức vị tha, không vì bản thân mình.

Trong cuộc đời, không ai thật sự đã hết lỗi, trừ những vị Thánh giải thoát. Vì vậy, chúng ta nên khéo giữ gìn tâm hối hận để giữ được Đạo đức. Điều ấy mới nghe qua tưởng chừng vô lý nhưng đó là sự thật. Vì hối hận là một nỗi buồn, nhưng là một nỗi buồn rất đẹp và cao cả. Chúng ta đừng nghĩ mình học Đạo, sống trong môi trường Đạo thì không có lỗi. Hãy nhìn sâu vào tâm mình, chúng ta sẽ nhìn thấy tất cả những vô minh trong đó. Đó chính là lỗi. Khi hiểu rằng lỗi mình chưa hết, chúng ta phải cố gắng giữ tâm hối hận để giữ được Đạo đức. Giữ tâm hối hận cũng như giữ một pháp môn Thiền định: giữ một câu niệm Phật, giữ phương pháp điều hòa hơi thở… Lúc nào chúng ta cũng xét lỗi mình để hối hận. Hễ lỗi này tan rồi, chúng ta tìm lỗi khác để tiếp tục hối hận. Cứ như thế cho đến khi tội lỗi tan ra, tan ra, chúng ta sẽ đạt được cái bất hối của Thiền định. Như vậy, hối hận cũng có thể được xem là một pháp môn để chúng ta nhập được vào định.

Những lỗi lớn, tâm hối hận dễ thấy. Nhưng những lỗi vi tế, tâm hối hận khó thấy hơn. Tuy nhiên, chúng ta cố gắng giữ tâm hối hận vì tham, sân, si, mạn chưa bao giờ thật sự đã được nhỗ sạch gốc. Trong chúng ta, không ai dám khẳng định là mình đã chấm dứt được tham, sân, si. Khi tin rằng mình còn tham, sân, si, mạn, chúng ta luôn luôn hối hận về bốn điều này để dần dần tẩy rửa chúng. Chúng ta biết rằng, lỗi chỉ tiếp tục tồn tại và phát triển khi chúng ta không hối hận về nó. Một khi đã biết lỗi và hối hận, lỗi sẽ không phát triển được nữa. Đó cũng là một cách để xóa được tội.

Chúng ta đã từng nghe bài kệ: “Tánh tội vốn không do tâm tạo, tâm nếu diệt rồi tội sạch trong, tội trong tâm diệt cũng là không, như thế mới là chân sám hối”. Bài kệ còn nhiều điểm phải bàn. Trước hết, nói “tánh tội không do tâm tạo” cũng có thể chấp nhận được. Thực ra, tội làm ra bên ngoài không có thật nhưng do tâm bất thiện khởi lên nên mới tạo tội ra bên ngoài. Nhưng cho rằng: “tâm nếu diệt rồi tội sạch trong”- diệt cái bất thiện bên trong rồi thì cái tội bên ngoài mất- là điều cần phải xem lại. Có khi tâm bất thiện đã rửa được nhưng tác hại đã gây ra cho người khác vẫn còn nguyên vẹn. Người tạo tội vẫn phải chịu trả quả báo. Chúng ta phải hiểu tội làm bên ngoài và tâm bất thiện có sự khác nhau. Tâm thanh tịnh nghĩa là cái bất thiện bên trong không còn nữa nhưng tội mình đã gây ra cho chúng sinh bên ngoài vẫn còn đó, quả báo vẫn còn chờ đó. Bởi vậy, câu nói : “Tâm nếu diệt rồi tội sạch trong” là không chính xác. Người viết câu này muốn đi tìm chân sám hối bằng cách giữ tâm thanh thản. Sợ hối hận là cái “động”, không phù hợp với Đạo nên họ đưa ra một bài kệ giúp người học đi tìm tâm thanh thản mà không tìm tâm hối hận. Thực ra, đi tìm tâm thanh thản sớm quá mà bỏ qua hối hận, buồn phiền là một điều tai hại. Nếu không có hối hận, tội của chúng ta sẽ không bao giờ hết. Chừng nào trả xong quả báo, chừng đó tội tác hại chúng sinh bên ngoài mới hết. Vậy, không có con đường nào làm hết tâm bất thiện bằng con đường hối hận. Phải nhìn thấy lỗi và hối hận vì mình đã gây ra lỗi ấy thì bất thiện sẽ không còn.

Như vậy, đừng bao giờ chủ quan tin mọi điều mình đã học là đúng. Chúng ta phải cảnh giác với điều bài kệ đã nêu, đừng vội tìm sự thanh thản khi tâm bất thiện chưa thật sự hết. Trong cuộc đời tu hành, chúng ta cứ mạnh dạn đi tìm sự buồn phiền của hối hận. Vì đó là một nỗi buồn rất đẹp, nỗi buồn làm sáng lên nhân cách của mình, làm cho tâm mình trở nên cao thượng hơn. Nhờ vậy mà chúng ta sẽ được giải thoát. Có nhiều pháp môn dạy chúng ta vội vàng đi tìm sự thanh thản, bỏ qua việc tẩy trừ tâm bất thiện. Đó là điều nguy hiểm. Chúng ta phải ghi nhớ một điều: Cái tội của tâm được xem là hết khi sự hối hận được cố ý giữ gìn cho đến khi tự tan biến. Nhưng quả báo vẫn phải trả.

Ví dụ, khi đã lỡ tay tát huynh đệ một cái, chúng ta biết mình sân và hối hận hết ngày này sang ngày khác. Nỗi hối hận cứ giày vò mình mãi, không lúc nào buông. Đến một ngày nào đó, chúng ta cố gắng giữ mà không giữ được nữa. Đó là lúc hối hận đã tự tan biến, cũng là lúc tội mình đã hết. Cái bất thiện đã tan, cái tội đối với huynh đệ bên ngoài cũng xóa được một nửa. Tâm hối hận rất hay. Vì thế, khi có lỗi, chúng ta cố gắng giữ tâm hối hận cho kỹ, đừng buông, đừng quên nó. Đến khi không giữ được nữa nghĩa là tội đã tan và chúng ta đã thành công.

7. KHI CHỈ LỖI CHO NGƯỜI.

Sau này khi lớn lên, chúng ta sẽ có sư đệ hoặc đệ tử. Khi thấy họ phạm lỗi lầm, chúng ta phải chỉ dạy. Chừng nào nhận thấy người có lỗi thật sự khởi lên niềm hối hận, chừng đó chúng ta mới tin họ đã nhận lỗi. Để nhận biết điều này, chúng ta phải dựa vào kinh nghiệm. Khi chỉ lỗi, phân tích lỗi cho đệ tử, nhìn trên nét mặt họ thấy nỗi buồn của hối hận hiện lên, chúng ta biết ngay người ấy đã nhận ra lỗi. Ngược lại, khi phân tích lỗi cho đệ tử nghe, họ chỉ vâng dạ và chắp tay cung kính nhưng nét mặt vẫn tỉnh, không có vẻ gì buồn bã hay xúc động, chúng ta biết rằng người ấy chưa nhận ra lỗi, chỉ giả vờ cho qua chuyện.

Khi phân tích lỗi rất kỹ, rất khéo mà người có lỗi vẫn không nhận ra lỗi, không hối hận, chúng ta phải xem lại. Một là do thiện căn của người có lỗi ít quá. Nếu có thiện căn lớn, họ sẽ nhận lỗi rất nhanh. Ngược lại, nếu thiện căn ít, họ khó nhận ra lỗi của mình. Hai là do cách chỉ lỗi hoặc do đức độ, trí tuệ của mình. Nếu có đức lớn, chúng ta sẽ giúp người ta nhận ra lỗi nhanh hơn. Nếu đức độ và trí tuệ kém, sự chỉ lỗi của mình không những không thuyết phục được người có lỗi thậm chí còn gây cho họ sự chán nản, bất bình.

Bởi vậy, khi chỉ lỗi cho người mà không đem lại kết quả, chúng ta phải xét lại hai nguyên nhân để khắc phục. Nếu đức độ, trí tuệ của mình còn kém, chúng ta phải tu tập thêm tâm từ bi, phải lạy Phật thật nhiều để tăng đức độ. Nếu cảm thấy mình đã có đủ những điều kiện ấy nhưng người có lỗi vẫn không chịu hối hận, chúng ta biết họ thiện căn thấp quá nên khó tu. Với những người như vậy, chúng ta khoan độ cho xuất gia, giữ họ tu tại gia thêm. Nói tóm lại, sự cảm hoá lệ thụôc vào thiện tâm của người có lỗi và đức độ của người chỉ lỗi.

Sưu tầm từ Zezo Không Vô