Chuyện ít người biết về Tuyên ngôn độc lập
Thứ Năm, 02/09/2010 --- cập nhật 09:19 GMT+7


Bản Tuyên ngôn độc lập mở đầu bằng một đoạn trích dẫn từ Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Mỹ.

.

Điều mà nhiều người chưa biết là Bác đã trích nguyên văn câu ấy từ văn bản hay lấy từ trí nhớ của mình và Bác đã làm những việc đó như thế nào trong quá trình viết tuyên ngôn.

Một trong những người đặt ra câu hỏi đó là nhà sử học, nhà văn Mỹ Lady Borton. Nguyên là một giáo viên dạy toán nên cách nghiên cứu lịch sử của bà có sự cẩn trọng, logic và chặt chẽ đến từng chi tiết, có độ rõ ràng và tin cậy cao. Bà đã tìm gặp trực tiếp những người Mỹ từng tiếp xúc với Hồ Chủ tịch trong thời gian đó. Bà cũng là người đầu tiên khẳng định: Hồ Chí Minh không chỉ trích dẫn mà còn có ý thức thay đổi từ ngữ ở bản dịch theo chủ kiến của mình.


Bác Hồ đọc bản tuyên ngôn độc lập tại Ba Đình ngày 2/9/1945.


Cẩn trọng đến từng chi tiết
Năm 1997, Lady Borton tìm gặp một nhân chứng quan trọng: Charles Fenn, nhân viên đầu tiên của phái bộ OSS (Cơ quan tình báo chiến lược, tiền thân của CIA) tiếp xúc với Hồ Chí Minh tháng 3/1945. Hồi đó, Charles Fenn được phái đến phái bộ OSS đóng tại Côn Minh (Trung Quốc). Cùng thời gian ấy, Hồ Chí Minh đích thân đưa một phi công Mỹ - người được Việt Minh cứu thoát sau khi bị quân Nhật bắn hạ lúc ném bom phát xít ở Đông Dương - sang Côn Minh để trao trả cho Đồng minh.

Trong ký ức của Charles Fenn, Hồ Chí Minh là “một ông già rất nhiệt tình, thường mặc một bộ đồ xuềnh xoàng, đã long một chiếc khuy áo”. Hai người gặp nhau vài lần trong tháng 3 và về sau họ còn duy trì liên hệ thư từ, điện thoại… Trong thư đề tháng 8/1945 gửi Charles Fenn, Hồ Chủ tịch viết: “Tôi tin rằng ông và nhân dân Mỹ vĩ đại sẽ luôn luôn ủng hộ chúng tôi... Tôi cũng tin rằng sớm hay muộn chúng tôi sẽ đạt được mục đích của mình, bởi vì mục đích đó là chính nghĩa. Và đất nước chúng tôi sẽ độc lập…”.

Khi viết Tuyên ngôn độc lập, theo bà Lady Borton, Hồ Chí Minh đã kiểm tra lại từng chi tiết, cẩn trọng “như một nhà báo, nhà văn chuyên nghiệp”. Ông gọi điện thoại cho Charles Fenn nhờ kiểm tra lại nội dung Tuyên ngôn độc lập 1776 của Mỹ. Charles Fenn kể: “Tôi vào thư viện soát lại, rồi tôi gọi điện cho Lucius lời văn chính xác” (Lucius là bí danh của Hồ Chí Minh khi làm việc với OSS do Charles Fenn đặt).


Bản Tuyên ngôn độc lập do Bác Hồ đọc ngày 2/9/1945.


Một tác phẩm chính luận xuất sắc
Nhiều người Mỹ từng gặp Hồ Chí Minh đều khẳng định “ông Hồ” sử dụng Anh ngữ rất thành thạo. Thậm chí Archimedes L.A. Patti còn kể về bữa ăn của ông với Hồ Chí Minh và những lãnh tụ Việt Minh khác tại 48 Hàng Ngang: “Câu chuyện diễn ra bằng tiếng Pháp, thỉnh thoảng có xen lẫn một vài từ tiếng Anh. Tôi thấy chỉ mình ông Hồ biết tiếng Anh nhưng ít sử dụng để mọi người đều có thể tham gia”.

Sau này, Thiếu tá Alison Thomas - người cầm đầu tổ Con Nai của OSS nhảy dù xuống Tân Trào giúp đỡ Việt Minh - còn kể với sử gia Lady Borton rằng khi họ vừa nhảy dù xuống giữa cánh đồng, còn đang lúng túng giữa quân đội Việt Minh và những người dân địa phương thì Hồ Chí Minh xuất hiện. “Ông nói với tôi bằng tiếng Anh rất giỏi. Sau ngày đó, ông gửi đến một bức thư viết tay cũng bằng tiếng Anh, dưới ký tên “Hồ”. Tôi nhớ mãi câu đầu tiên trong thư đó: “Xin gửi chai rượu để các bạn khai trương nhà mới”… Đời tôi đã gặp nhiều người rất thông minh nhưng tôi chưa từng gặp người nào thông minh như Hồ Chí Minh” - ông kể.

Với vốn tiếng Anh hoàn hảo của mình, Bác Hồ đã dịch và trích dẫn Tuyên ngôn độc lập của Mỹ nhưng có sự điều chỉnh để thể hiện quan điểm riêng. Bà Lady Borton là sử gia Mỹ đầu tiên chỉ ra điều đó. Bản của Mỹ viết rằng: “We hold these Truths to be self-evident, that all Men are created equal, that they are endowed by their Creator with certain unalienable Rights, that among these are Life, Liberty, and the pursuit of Happiness” (*), nghĩa là “Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người (all men) sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Từ “men” ở đây được hiểu là những người đàn ông Mỹ da trắng thời đó.

Trong khi đó, câu mở đầu của bản Tuyên ngôn độc lập, Bác Hồ viết: “Hỡi đồng bào cả nước. Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng”. Khi dịch từ “men” sang tiếng Việt, Bác Hồ chọn nghĩa “con người” thì theo bà Lady Borton, lời kêu gọi “Hỡi đồng bào cả nước” rõ ràng đã nói lên một ý không thể dịch một cách đơn giản sang tiếng Anh. Bà cho rằng đó là cách chọn chữ rất hay của Hồ Chủ tịch: “Nó khiến ta liên tưởng đến huyền thoại gốc gác của Việt Nam trong đó Âu Cơ đẻ một bọc trăm trứng… “Đồng bào” ở đây có nghĩa là tất cả nhân dân Việt Nam. Tuyên ngôn độc lập 1945 còn rất nhiều từ ngữ mang tính tập hợp toàn dân như “dân”, “nhân dân”, “dân tộc”. Không có một sự phân biệt nào”.

Bản tuyên ngôn của Mỹ ra đời năm 1776. Năm 1870, đàn ông da màu mới có quyền đi bỏ phiếu. Với phụ nữ, sự thừa nhận về chính trị còn muộn hơn nữa, năm 1923. Còn tại Việt Nam, năm 1945, xã hội vẫn nặng ý thức Nho giáo trọng nam khinh nữ. Vì vậy bà Lady Borton khẳng định với bản tuyên ngôn nổi tiếng, “Hồ Chí Minh đã tuyên bố độc lập cho phụ nữ Việt Nam”, “Tự do và bình đẳng cho toàn thể người dân”.

Chấp bút ở 48 Hàng Ngang


Bà Hồ Thị Minh Hồ
Trong thời gian viết bản Tuyên ngôn độc lập, Bác Hồ đã ngụ ở nhà của vị tư sản Trịnh Văn Bô ở 48 Hàng Ngang, từ ngày 24/8 đến 27/9. Ông Trịnh Văn Bô là chủ hãng tơ lụa nổi tiếng Phúc Lợi, gia đình làm ăn rất phát đạt, những năm 20 thế kỷ trước đã đặt quan hệ mua bán với thương nhân sáu nước trên thế giới.

Ngoài việc kinh doanh, vợ chồng ông rất chịu khó làm từ thiện, thường xuyên quyên tiền, vàng hỗ trợ đồng bào bị đói rét, lũ lụt, bom đạn... Có lẽ chính vì vậy mà vợ chồng ông được cách mạng “chọn mặt gửi vàng”, nhờ lo chỗ ăn ở cho một số cán bộ sắp về Hà Nội.

Bà quả phụ Trịnh Văn Bô, tức bà Hoàng Thị Minh Hồ, năm nay 96 tuổi kể lúc đó bà chưa biết đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những ngày đầu bà không rõ “ông cụ” ở nhà mình làm gì, chỉ tới ngày lễ độc lập 2-9 bà mới biết một trong những công việc trọng đại Bác Hồ thực hiện khi ấy là viết bản tuyên ngôn lịch sử.

Trong thời gian ở nhà ông bà Trịnh Văn Bô, Bác tiếp ba vị khách quan trọng người Mỹ, trong đó có Archimedes L.A. Patti, Chỉ huy phái bộ OSS của Mỹ tới Việt Nam tiếp xúc với Việt Minh năm ấy. Ông này là nhân chứng quan trọng cho mối bang giao Việt-Mỹ từ thuở còn trứng nước, năm 1945.



Theo Pháp Luật TPHCM