Tìm Một Ngôn Ngữ Hòa Bình



Thái Kim Lan.

Chính lời dạy của Ðức Phật là ngôn ngữ hòa bình tuyệt hảo như hòa thượng Thích Minh Châu đã nhận định trong “Những lời dạy của Ðức Phật về hòa bình, hòa hợp và giá trị con người”.

Lời dạy này đã trải qua hơn hai nghìn năm mà vẫn không mất tính hiện đại, ngược lại đã góp phần không nhỏ cho nội dung cơ bản về lý thuyết cũng như thực hành trong những phong trào hòa bình thế giới trong quá khứ cũng như trong hiện tại, nếu biết rằng Âu châu mãi đến thế kỷ thứ 19 sự vận động hòa bình mới thực sự bắt đầu.

I. Từ Tây sang Ðông

1. Ăn để mà sống hay chết? Ðánh nhau, chửi nhau để sống hay chết? Một người chủ quán ăn tại một nước Âu châu xa xôi không trả lời câu hỏi ấy trực tiếp. Ông ta treo bảng hiệu tiệm ăn của mình với nhan đề: điểm “đến hòa bình vĩnh cửu” (Zum ewigen Frieden) và đằng sau vẽ một nghĩa địa nhà thờ.

Sự nhắn gửi hóm hỉnh đầy ẩn dụ “đến nơi an nghỉ nghìn thu” ấy với các món ăn trong tiệm không biết có làm chùn bước khách hàng hay ngược lại thách thức khách ăn nên thưởng thức đến nơi đến chốn trên con đường đi đến “hòa bình vĩnh cửu”. Chỉ biết là cái nhan đề vừa bạo tợn vừa hóm hỉnh ấy đã gây sự bàn tán xôn xao trong nhóm triết gia nổi tiếng của thời Khai sáng thế kỷ 18: G. W. Leibniz và I. Kant, nhất là Kant, ông đã lấy nhan đề ấy cho một tiểu luận triết học “Về nền hòa bình vĩnh cửu” dưới hình thức của một bản hiệp ước về hòa bình [1] .

Một quyển sách triết lý đã làm nên lịch sử thế giới với những tiền đề làm nền tảng cho những phong trào hòa bình quốc tế từ thế kỷ 19 cho đến ngày hôm nay với sự thành lập Liên hiệp các dân tộc và Liên Hiệp Quốc. Khái niệm “hòa bình vĩnh cửu” không còn ý nghĩa “giấc ngủ nghìn thu” mà nói lên viễn tượng một nền hòa bình dài lâu cho cuộc sống chung và sống còn của nhân loại.

Trong tiểu luận này, vấn đề hòa bình lần đầu tiên được khảo xét một cách có hệ thống từ quan điểm của một triết gia tiêu biểu của thời Khai sáng Âu châu, một triết gia đã từng cho rằng chiến tranh là yếu tố cần thiết để con người vượt khỏi tình trạng tự nhiên thô thiển bước đến văn minh, nhưng sau cách mạng 1789 lại là người biện hộ cho hòa bình thuyết phục nhất [2] .

2. Trước đó hơn 800 năm, thế kỷ thứ 10, một thiền sư Việt Nam đã viết về một chính sách hòa bình dài lâu cho dân tộc Việt sau 1000 năm nô lệ ngoại bang, sau những trận chiến khốc liệt giành lại độc lập cho xử sở, đã viết trong một tình thế đất nước cực kỳ giao động, nguy cơ ngoại bang xâm lấn vẫn còn rình rập nơi biên cương miền Bắc, nội trị vẫn còn trên đường chập chững sơ khai. Viết trong sự tỉnh thức sáng tạo của một nhà sư nhập thế ý thức được thời cuộc và khát vọng dân tộc:

“Quốc tộ như đằng lạc
Nam thiên lý thái bình
Vô vi cư điện các
Xứ xứ tức đao binh.”

Không chỉ trong quá khứ, mà trong ngày hôm nay, người Việt có lẽ là người mong muốn được sống hòa bình nhất sau những cuộc chiến dai dẳng giành lại độc lập trên mảnh đất tổ tiên. Khát vọng hòa bình đến từ chiến tranh, nhưng cần phải có một đường hướng thực hiện hòa bình thật sự. Pháp Thuận thiền sư [3] đã lập ngôn hòa bình, không dài như tiểu luận của Kant, chỉ vẻn vẹn bốn câu thơ ngắn, chuyên chở ý niệm triết chính bảo vệ “quốc thái dân an”, từ đó đã gây được tâm thức hòa bình như một nếp sống tâm linh trong kinh nhật tụng cho mọi trái tim mong muốn hòa bình:

Phật nhật tăng huy, Pháp luân thường chuyển. Phong điều vũ thuận. Quốc thái dân an
Can qua đốn tức, tai nạn thời hưu. Thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc”.

(“Tâm đạo luôn phát triển, bánh xe chánh pháp không ngừng nghỉ, mưa gió thuận hòa, đất nước thái bình, nhân dân an lạc, mọi chiến tranh chấm dứt, mọi hoạn nạn đều tiêu sạch, cả thế giới hòa bình và mọi loài đều an vui.”)


3. Lời nguyện này không những chỉ cho những Phật tử mà có lẽ đó là lời nguyện của những người có tín ngưỡng tôn giáo, nói rõ cả nhân sinh quan và vũ trụ quan của một tôn giáo đứng trong lòng dân tộc, trong lòng thế giới liên hệ với nơi chốn sinh thành của con người. Tôn giáo ấy nhắc nhở mỗi người đóng góp một lời nguyện, một ý muốn thiện hảo vào chốn cộng sinh, giữa người và người trong một nước, giữa người và người trong thế giới, giữa nhân loại và mọi vật hữu tình trong vũ trụ.

Qua đó tương quan giữa tôn giáo và dân tộc khá rõ: một lời nguyện hòa bình, một đóng góp sức mạnh tâm linh, một quyết định nội tâm muốn xây dựng, bồi đắp và phát triển thế quân bằng giữa cá nhân và đoàn thể, vừa lợi ích cho chính sự giác ngộ bản thân đồng thời đem an lạc đến cho người đồng loại.

Nhưng từ ý niệm lý tưởng ấy, lịch sử về tương quan này đã được viết khác nhau tùy hoàn cảnh không gian và thời gian của từng dân tộc trên thế giới, và lắm khi không những nó đã mà còn đang được viết bằng máu với nước mắt, bằng đau khổ và hận thù, bằng nguyền rủa và thóa mạ, đến nỗi người trong cuộc có cảm tưởng hầu như bị phá sản tâm linh, không còn gì khác ngoài mối hoài nghi về chính lý tưởng hòa bình và khả năng hòa bình của người đồng cũng như khác tín ngưỡng, đến nỗi niềm bi quan về một thế giới hận thù trở nên thực chứng khắc khoải.

Khắc khoải đến tuyệt vọng đã đánh mất và hoài nghi rằng không thể có được một quân bằng tâm linh giữa dòng lịch sử dân tộc được lập ngôn bằng ngôn ngữ hòa bình.

4. Riêng đối với Phật tử Việt Nam, có lẽ chủ đề “tôn giáo và dân tộc” là một chủ đề “đắc địa”. Chỉ cần treo bảng tên “Ðạo Pháp và dân tộc” là có thể thao thao bất tuyệt về tương quan giữa Phật giáo và dân tộc, bởi lẽ Phật giáo thật sự đã đóng góp tích cực trước, trong và sau thời kỳ dựng nước, lịch sử Phật giáo Việt Nam gắn liền với lịch sử đất nước trong ý nghĩa tích cực so với những tôn giáo khác, đến nỗi có thể gây dị ứng tiêu cực.

Trong tất cả đa dạng sử tính, vấn đề “hòa bình trong triết lý Phật giáo” đã là một đề tài thường được đề cập tới.

Ðặt lại vấn đề “tìm một ngôn ngữ hòa bình”, bài viết nhằm giới hạn tương quan tôn giáo và dân tộc trên bình diện chính trị nằm trong khái niệm hoà bình như là một khái niệm chức năng liên hệ có ý nghĩa. Sự giới hạn này đi từ suy nghĩ: ngày hôm nay, khi đặt vấn đề “đạo pháp và dân tộc”, sự đóng góp “hòa bình” của Phật giáo cho “hòa bình” dân tộc, đất nước đáng được tìm hiểu và triển khai, không những vì nó đã là nét đặc thù của tương quan truyền thống giữa đạo pháp và dân tộc mà chính do tính hiện đại của khái niệm hòa bình trong tiến trình toàn cầu hóa ngày hôm nay, hòa bình là gạch nối phù sa giữa bản địa và hoàn cầu, cho nên bài học hòa bình ứng dụng trong lịch sử phải nên đưọc truy cập trong ngày nay.

Ðối tượng của bài viết là hòa bình và sự lập ngôn của nó chứ không phải hòa giải như một giải pháp “ngưng chiến” nhất thời, hòa bình là trạng thái ổn định cần được xây dựng và củng cố trong một xã hội, như Kant nhận định, ngưng chiến không có nghĩa là hòa bình, phải thực sự củng cố và bảo đảm được một nền hòa bình vĩnh cửu, điều đó đòi hỏi những biện pháp thi hành hòa bình, những điều kiện tiên thiên… [4]

Một trong những điều kiện ấy theo đạo Phật nằm ở chữ “Tâm” con người.

II. Ý niệm hòa bình và phương pháp luận

1. Ý niệm hòa bình


Có thể nói Phật giáo là tôn giáo thuyết giảng về hòa bình nhiều nhất đến nỗi được mệnh danh là tôn giáo của hòa bình. Ðức Phật là tấm gương tuyệt hảo của hòa bình, ngài thường được ca ngợi là người khêu gợi, ban phát hòa bình (Friedenstifter) hay sứ giả của hòa bình. Lý thuyết của ngài bao gồm con đường thực hiện một nền hòa bình vĩnh viễn, con đường đi đến giác ngộ giải phóng khỏi mọi khổ đau, chấp trước, dẫn ta đến cõi tịnh lạc Niết bàn.

Niết bàn được định nghĩa như là một trạng thái tịch tịnh, hòa bình. Nhiều đoạn trong Tương Ưng bộ kinh (A. I, 21, A. X. 60, A. IV 34, S. XL III, 12-44) diễn tả Niết bàn là trạng thái chấm dứt mọi tạo nghiệp luân hồi, chiến thắng mọi ham muốn gây thù hận, là trạng thái an lạc hoà bình (upasamânussati), như một trạng thái bất tử mà con người có thể đạt được qua sự tu chứng.

Hiểu như thế “hòa bình” là một trạng thái tâm linh, một thực chứng giác ngộ của mỗi người căn cứ vào những lời dạy và phương pháp thực hành của Ðức Phật.

Một lý thuyết hay phương pháp luận về hòa bình bao hàm những yếu tố xây dựng nền tảng hòa bình, chính những yếu tố này tự chúng là những nhân tố hòa bình, cho nên con đường mà Ðức Phật khai phá cho chúng ta bao gồm những cấp bậc tiến tới hòa bình mà mỗi người Phật tử noi gương Ðức Phật tự mình bước đi. Mỗi bước đi là một cảm nghiệm tâm linh về hòa bình, bao gồm cả 3 phạm trù chính: giới-định-tuệ.

Có thể nói hành trình tu chứng theo Phật là một khảo nghiệm rốt ráo và toàn diện ý niệm hòa bình trên 3 lãnh vực: tri thức luận, đạo đức học và hội nhập thể tính, trong đó “ngôn”, “lời” theo Phật chỉ là ngón tay chỉ mặt trăng, chỉ là một chiếc bè đưa sang sông.

Tìm “một ngôn ngữ hòa bình” trong đạo Phật do đấy phải được khảo xét với một thức tĩnh hậu cần, rằng đàng sau “ngôn ngữ hòa bình” có sự im lặng thực chứng hòa bình tuyệt đối, mà khuôn khổ bài viết không thể đi vào chi tiết.…

Chính lời dạy của Ðức Phật là ngôn ngữ hòa bình tuyệt hảo như hòa thượng Thích Minh Châu đã nhận định trong “Những lời dạy của Ðức Phật về hòa bình, hòa hợp và giá trị con người” [5] . Lời dạy này đã trải qua hơn hai nghìn năm mà vẫn không mất tính hiện đại, ngược lại đã góp phần không nhỏ cho nội dung cơ bản về lý thuyết cũng như thực hành trong những phong trào hòa bình thế giới trong quá khứ cũng như trong hiện tại, nếu biết rằng Âu châu mãi đến thế kỷ thứ 19 sự vận động hòa bình mới thực sự bắt đầu.

2. Phương pháp luận cho một ngôn ngữ hòa bình

Khi nhận định “đời là khổ” (diệu đế thứ nhất), và truy cập ra “tham sân si” là nguồn gốc của khổ não, hận thù, ganh ghét, mù quáng, (diệu đế thứ hai), đức Phật đã nói đến khả năng diệt khổ và giác ngộ trong tịnh lạc, trong hòa bình (diệu đế thứ ba và tư). Hoà bình như thế là một sản phẩm do con người tác tạo [6] bằng sự lao động tinh tấn của chính mình để diệt tận gốc những yếu tố tự nhiên tiêu cực trong bản chất thiên nhiên của con người.

Lời dạy của Ðức Phật bao gồm phương pháp canh tác mảnh đất mà Trần Thái Tông đã gọi là “địa tâm” (đất tâm) có thể làm nảy nở mầm mống hòa bình. Phương pháp này có thể nói trước hết nằm trong một tiến trình phân tích nguyên nhân tạo khổ, trong đó khẩu nghiệp là một. Khẩu nghiệp bao gồm tất cả những khả thể ngôn từ. Ngôn từ là tri thức được kết tập thành lời. Cho nên tìm ra trong ngôn ngữ thường tục những yếu tố bạo động có thể gây oán nuôi thù, như vạch cỏ tìm sâu, dần dà “chuyển”, “biến đổi” cách nhìn (chính kiến), “nâng cấp” trình độ hiểu biết (chính tư duy), bày tỏ ý kiến thâu lượm được cho người khác (công án hay truyền thông) trong một ngôn ngữ không gây bạo động, một ngôn ngữ hòa bình. [7]

Trong viễn tượng hòa bình, có thể nói phương pháp này thu gọn trong mấy chữ quen thuộc của giáo lý đạo Phật: phá chấp trước mê đắm, có nghĩa là giải tỏa tham vọng thế lực giữa người với người [8] , bởi lẽ chính dục vọng là nguồn gốc của chiến tranh: [9]

“Bằng, thắng hay thua Ta
Nghĩ vậy đấu tranh khởi
Cả ba không giao động
Bằng, thắng không khởi lên” [10]

Ðể thực hiện mảnh đất sống hòa bình trong đó “không ai thắng ai”, “không ai bằng ai” “không ai thua ai” trên cả ba bình diện: tâm lý, chính trị, đạo đức, trước hết cần vận dụng phương pháp phân tích nhằm hoá giải những đối cực “thắng – thua” “phe ta - kẻ thù” ngay trong ngôn ngữ: Thắng trận sanh thù oán, bại trận nếm khổ đau, ai bỏ thắng bỏ bại, tịch tịnh hưởng an lạc” [11] .

Hai đối cực ấy là khái niệm về “ngã” (cái tôi, chủ thể) và đối tượng của ngã hay thế giới hiện tượng khách quan. Phân tích khái niệm “NGÔ, Ðức Phật chỉ cho ta khái niệm này không đứng vững ngay trong định nghĩa của nó: “ngã cái gì trường tồn bất biết và hoàn toàn không khổ lụy”, một khái niệm như thế tự nó không đứng vững, bởi vì khi phân tích “ngã”, ta chỉ thấy “cái tôi, ngã” như một dòng ý thức biến chuyển không ngừng và đầy khổ não, cả “sắc- thọ- tưởng- hành” cũng đều như thế. Nói tóm lại, “vô ngã” và “vô thường” là bản chất của cái tôi, bởi vì trên thực tế chúng ta không tìm được một cái tôi bất biến thường còn, thoát khỏi qui luật tự nhiên sống chết.

Khái niệm “ngã” tự thân mang ít nhiều ảo tưởng chủ quan, gây trở ngại cho tu chứng và giác ngộ. Ngay cả thế giới hiện tượng bên ngoài cũng thế, chúng chỉ là những hiện tượng nằm trong định luật duyên khởi, chúng “rỗng không, không có một bản thể tự ngã và những gì liên hệ với tự ngã”, trong bản chất vô thường chúng “không phải là của tôi” (kinh vô ngã tướng).

Tiến trình liễu tri được chánh kiến “vô thường vô ngã” là một tiến trình cởi bỏ “chấp ngã” vào cái tôi chủ thể và vạn vật khách thể như hai cực tuyệt đối. Hành trình tu học (bát chánh đạo) cho ta ý thức rõ về tính tương đối của “vai trò chủ thể” nằm trong tương quan với thế giới chung quanh trong sự biến đổi không ngừng, làm giảm bớt cường độ hình ảnh “địch thủ”, “kẻ thù” ngay chính trong định kiến của ta, chuẩn bị cho một khả năng truyền thông giải phóng mọi yếu tố hận thù, dọn sạch cỏ sân hận, chuyển khẩu nghiệp dữ sang khẩu nghiệp lành, làm trù mật đất hòa bình:

“Chớ nói lời ác độc,
Nói ác bị nói lại,
Khổ thay lời phẫn nộ,
Ðao trượng phản chạm người” (Pháp cú 133)

Nó mắng tôi đánh tôi
Nó thắng tôi cướp tôi
Không ôm niềm hận ấy
Hận thù được tự nguôi

“Cỏ làm hại ruộng vườn
Sân hận hại đời người
Bố thí người lìa sân
Do vậy được quả lớn” (Pháp cú 357)

Tính hiệu lực của những lời dạy trên trên hoàn toàn dựa và cơ sở của tri thức “vô ngã vô thường”.

Còn tiếp.

http://www.phattuvietnam.net/nghienc...hoc/11287.html