'Còn sức là còn bắt cướp'

Bất chấp cơn mưa nặng hạt của Sài Gòn, với một bàn chân còn băng bó sau vụ bắt cướp gần đây, "hiệp sĩ" Nguyễn Văn Minh Tiến đã cùng anh Nguyễn Thanh Hải chia sẻ về những đam mê, kỷ niệm trong hơn 10 năm truy bắt tội phạm. Gần 1.500 câu hỏi của độc giả đã gửi tới 2 anh.


"Gia đình và bạn bè đều ủng hộ nhiệt tình công việc bắt cướp của chúng tôi".

- Tôi thật sự hâm mộ các anh, nhưng tôi cũng chưa thật hiểu "từ đâu mà các anh có những hành động dũng cảm xả thân vì cộng đồng như vậy". Tôi rất muốn các anh sẽ là tấm gương cho thế hệ trẻ ngày nay về hành động xả thân vì sự bình yên của cộng đồng. Các anh có thể nói rõ hơn xuất phát từ động cơ nào mà các anh hành động tuyệt vời như vậy? (Lê Phương, 39 tuổi, Đồng Nai)

- Anh Nguyễn Văn Minh Tiến: Từ nhỏ tôi đã chứng kiến nhiều gia đình trong xã hội có hoàn cảnh rất nghèo và bị nhiều loại tội phạm trộm cắp và cướp giật hoành hành. Vì vậy, tôi quyết tâm phải làm một việc gì đó, thậm chí là phải xả thân vì cộng đồng. Nhân đây, tôi xin gửi tới các bạn trẻ một lời nhắn nhủ, mình là thanh niên của một đất nước tươi đẹp và hòa bình thì mình phải có những hành động thiết thực để đóng góp làm cho xã hội này tốt đẹp hơn.

- Anh Nguyễn Thanh Hải: Là một người đàn ông, phải chứng kiến nạn nhân đau đớn, khóc lóc giữa đường chỉ vì bọn tội phạm cướp giật vừa ra tay cướp đi của cải quý giá nhất của họ thì tôi đã cầm lòng không được. Vì vậy tôi đã quyết tâm đuổi theo bọn tội phạm để có thể bắt được chúng, thu hồi tài sản cho người dân, xem như một phần giúp đỡ nhỏ của mình, mong sẽ làm giảm nhẹ một phần thiệt hại và đau đớn cho họ.

* Ảnh hành trình bắt cướp của các 'hiệp sĩ'

- Tôi là công dân Việt Nam, cũng có tinh thần phòng chống tội phạm. Bản thân tôi xém mất tài sản và từng chứng kiến những phụ nữ bị cướp giật thậm chí còn bị tại nạn do bọn cướp gây ra. Tôi là người có cương vị trong xã hội, tuy nhiên rất đam mê và kính phục những thành tích của các anh. Cho hỏi, nếu muốn tham gia câu lạc bộ của các anh thì tôi cần hội đủ điều kiện gì? (Nguyễn Ngọc Sơn, 40 tuổi, TP HCM)

- Anh Tiến: Chào độc giả, tôi rất vui vì nhận được câu hỏi thú vị của các bạn. Theo tôi, điều kiện đầu tiên cần phải có là sức khỏe, khiêm tốn, hòa đồng, thật thà. Điều thứ hai, bạn cũng rất cần phải có sự tin tưởng của gia đình và vợ con. Nếu những người thân yêu của mình không đồng ý cho mình xả thân thì rất khó để làm được những việc này.

- Anh Hải: Chào anh, nếu anh muốn tham gia câu lạc bộ phòng chống tội phạm phường Phú Hòa thì liên lạc với Hải chứ không cần điều kiện gì hết. Độc giả cứ đến gặp Hải tại UBND phường Phú Hòa (thị xã Thủ Dầu Một - Bình Dương) nhé.


Anh Tiến suy tư trước một câu hỏi.

- Em thấy thời nay rất hiếm có những người dám xả thân cho xã hội như hai anh. Em mong đất nước có nhiều hơn nữa những anh hùng trong tương lai tại mọi miền. Trong công việc thầm lặng của các anh, có tổ chức nào hay doanh nghiệp nào hỗ trợ cho cuộc sống thường ngày của các anh hay không? (Hoang Hung, 29 tuổi, TP HCM)

- Anh Tiến: Bây giờ chưa có một nhà doanh nghiệp hoặc Mạnh Thường Quân hoặc tổ chức nào hỗ trợ cho hoạt động của chúng tôi. Những kinh phí hoàn toàn do anh em lao động phổ thông hùn lại để hoạt động. Nếu có góp được kinh phí nhiều thì anh em hoạt động nhiều hơn, còn lúc khó khăn, góp được ít thì cũng chỉ có thể hoạt động ít. Trong đất nước mình, rất nhiều người muốn xả thân chứ không phải mình nhóm “hiệp sĩ đường phố” của tôi, vì mình chưa có dịp gặp họ.

- Hai anh nghĩ gì khi tôi thấy cuộc sống bên ngoài ngày càng có nhiều người quá thờ ơ và vô cảm với cái xấu? Họ dường như sợ ảnh hưởng đến mình và không quan tâm, giúp đỡ người gặp nạn trên đường phố. (Minh Lam, 53 tuổi, TP HCM)

- Anh Hải: Nhiều lúc tôi nghĩ lại cũng buồn, mỗi lần đuổi theo cướp, tri hô mà không ai phụ giúp. Họ sợ trả thù nên thờ ơ không giúp đỡ. Mọi người không nên sợ hãi, khi ra đường nếu gặp cướp hãy chung tay góp sức ngăn chặn thì bọn cướp sẽ không còn đất sống.

- Trong cuộc đấu tranh này, đôi khi các anh đơn độc. Tâm lý thờ ơ, nhắm mắt cho qua của dân ta ngày càng nặng thì việc làm của các anh là rất đáng quý. Liệu có khi nào các anh buồn nản muốn bỏ cuộc vì cô độc, vì khó khăn, vì bị thương chưa? (Nguyễn Việt, 28 tuổi, Cà Mau)

- Anh Tiến: Trong 13 năm tham gia bắt cướp mình đã hai lần bị thương khá nặng, không bao giờ suy nghĩ tới chuyện bỏ cuộc, vì việc làm này rất thiết thực cho xã hội hiện nay. Hoàn cảnh anh em trong đội và gia đình cũng khó khăn, nhưng quyết tâm vượt qua, động viên anh em để hoạt động của đội được duy trì.

- Chào “hiệp sĩ đường phố”, đầu tiên tôi xin gửi đến anh những lời chúc tốt đẹp nhất, sau có câu hỏi mong giao lưu với anh: Anh có thấy rằng hành động của mình là "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" không? Nếu trinh sát Sài Gòn mời anh vào đội, anh sẽ tham gia chứ? Một lần nữa chúc anh Tiến - một Supermen của Sài Gòn - vui vẻ và gia đình êm ấp hạnh phúc... (Văn Minh, 32 tuổi, TP HCM)

- Anh Tiến: Chắc chắn là không, bởi vì mình là một thanh niên của đất nước, xã hội hiện tại đẹp và hòa bình. Mình phải có những cử chỉ và hành động đẹp với xã hội, thì sẽ góp phần cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Nếu lực lượng trinh sát hoặc công an mời vào ngành, tôi sẵn sàng tham gia với mong muốn góp sức bảo vệ cho xã hội bình yên. Hiện tại, giữa tôi với lực lượng công an phối hợp rất chặt chẽ để tấn công tội phạm. Được như ngày hôm nay là nhờ các anh và các bạn trong lực lượng trinh sát truyền đạt kinh nghiệm.


Anh Hải: "Mê bắt cướp đã ăn vào máu nên không bỏ được".

- Chính các anh là người góp phần nhỏ cho xã hội ngày càng bình yên hơn, nhưng công sức của các anh bỏ ra là rất lớn và nguy hiểm. Vậy cho em hỏi: Vợ con các anh có ủng hộ công việc của các anh không? Khi anh dành nhiều thời gian ngoài đường, gia đình có xáo trộn gì không? (Nguyễn Tiến Dũng, 34 tuổi, Hà Nội)

- Anh Tiến: Vợ con tôi rất ủng hộ tôi vì tôi làm việc này từ trước khi có gia đình. Người yêu của tôi rất thông cảm và chấp nhận công việc này nên chúng tôi đã thành vợ chồng.

- Tôi là một độc giả ở Hà Nội, theo dõi và đọc rất nhiều bài viết về những chiến tích của các anh tôi vô cùng ngưỡng mộ và khâm phục. Mỗi lần đọc báo khi thấy những cái tít "Hiệp sĩ săn bắt cướp...." là tôi đọc đầu tiên. Dõi theo những chiến công của các anh tôi thấy mình sống cần có trách nhiệm với xã hội nhiều hơn. Có khi nào áp lực cơm áo gạo tiền khiến anh có suy nghĩ là sẽ bỏ công việc của một hiệp sĩ để chăm lo cho gia đình không? (Phạm Tân, 58 tuổi)

- Anh Tiến: Chăm lo cho gia đình, nhưng cháu cũng phải lo cho xã hội. Việc lo cho gia đình được cháu sắp xếp trong thời gian nhất định mỗi ngày, còn lại cháu cùng anh em rong duổi trên đường phố. Hiện tại, gia đình cháu và nhiều đồng đội cũng đang khó khăn về kinh tế, nhưng cháu quyết tâm không bỏ công việc làm có ích cho xã hội.

- Người gần gũi nhất là vợ các anh, các chị ấy cảm thấy thế nào với công việc đầy nguy hiểm mà các anh đang làm? Các chị có thấy khó chịu và lo lắng khi các anh ngày ngày cứ lang thang ngoài đường săn lùng cướp không? (Nguyễn Ngọc Anh Huy, 24 tuổi, Quảng Bình)

-Anh Hải: Lúc nào đi về cũng bị vợ "rầy", suốt ngày ăn no rồi đi lông nhông ngoài đường, về nhà mặt mũi đen thui. Nhiều lúc cảm thấy cũng buồn, nhưng mà đam mê bắt cướp đã ăn vào máu nên không bỏ được.

- Nhìn các anh thật tuyệt vời, tôi rất cảm động về những hành động quả cảm của các anh. Tôi rất tò mò muốn biết cuộc sống gia đình hàng ngày của các anh như thế nào? (Lê Thị Thùy Nga, 23 tuổi, 50 Bắc Hải, quận 10, TP HCM)

- Anh Hải: Vợ tôi là giáo viên cấp 2. Chúng tôi mới có một cô con gái. Tôi làm buôn bán vật liệu xây dựng, công việc chủ yếu làm việc qua điện thoại nên có nhiều thời gian tham gia hoạt động bắt cướp. Những người trong đội của chúng tôi các làm công việc khác nhau. Người là xe ôm, người buôn bán…, nhưng anh em đều tranh thủ thời gian tham gia vào bất cứ khi nào có thể. Những khi đi trên đường phát hiện đối tượng, tôi gọi điện cho các đồng đội hỗ trợ cùng.

- Khi anh bắt cướp lỡ xảy ra chuyện gì, người đầu tiên anh nghĩ là ai? (Le Quan, 29 tuổi, Bàu Cát)

- Anh Tiến: Vợ và con là người tôi nghĩ đến đầu tiên, kế đến là gia đình và cha mẹ.

- Các anh có bị tội phạm trả thù không? Vợ con các anh có bị liên luỵ nhiều không? (Pham Ngoc Tai, 24 tuổi, Vĩnh Phúc Phúc)

- Anh Hải: Nhiều lần bị bọn tội phạm nhắn tin đe dọa. Có lần tôi nhận được tin nhắn: "Có người mướn tao bắn máy ở đằng sau, mạng mày 50 triệu đồng", nhưng tôi không sợ trả thù.

Rất nhiều lần vợ con tôi bị bọn chúng gọi vào điện thoại bàn hăm dọa, đòi giết cả nhà. Nhưng tôi không sợ, sau lưng tôi còn có nhiều người ủng hộ.

- Có nhiều người cho rằng hành động nghĩa hiệp của 2 bạn thời nay là "dở hơi". Tôi muốn biết cha mẹ, anh chị em, những người thân của Hải và Tiến nói gì về công việc của 2 bạn? (Phượng Loan, 40 tuổi, Cà Mau)

- Anh Tiến: Gia đình của mình và anh em, bạn bè và xã hội đều ủng hộ nhiệt tình công việc bắt cướp của tôi. Đây chính là động lực để tôi theo đuổi công việc này đến cùng.

- Anh Hải: Thật ra vợ tôi rất không đồng ý với việc làm của tôi. Tôi mới chỉ thuyết phục được cô ấy đồng ý cho tôi bắt cướp vài tháng nay thôi. Thời gian trước, biết cô ấy không bằng lòng, tôi phải chờ cô ấy đi dạy rồi "trốn" ra khỏi nhà để tham gia với đồng đội. Còn có hôm, tôi lấy cớ đi thu tiền hàng (vật liệu xây dựng) để "hành động".

- Thu nhập chính của các bạn là gì ? (Phùng Nam Việt, 55 tuổi, 40a Hồ Tùng Mậ, Hà Nội)

- Anh Tiến: Thu nhập chính của tôi là từ công việc nhận trang trí nội thất.

- Anh Hải: Tôi sống bằng nghề kinh doanh vật liệu xây dựng. Đồng đội tôi thì mỗi người một nghề, chạy xe ôm, buôn bán máy vi tính, làm nem nướng... Dĩ nhiên không có thu nhập từ việc bắt tội phạm rồi, nhưng vì đam mê tất cả chúng tôi đều sẵn sàng chống lại cái xấu.



- Chào anh Hải, tôi từng bị 5-6 tên đạp ngã lúc đang điều khiển chiếc xe gắn máy Airblade. Chúng đánh đập tôi và cướp xe, lúc đó là 6h sáng tại khu vực gần cầu Phú Lâm - Thuận An… Tôi sực nhớ đến các anh SBC nhưng không có cách liên lạc để nhờ trợ giúp. Mong anh Hải có thể cho một vài thông tin để khi gặp kẻ xấu tại khu vực lân cận Thủ Dầu Một có thể liên hệ để được trợ giúp từ các anh. Rất cảm ơn anh. (Hoàng Thanh Hữu, 36 tuổi, Bình Dương)

- Anh Hải: Trong trường hợp cần thiết bạn hãy liện hệ theo số điện thoại Công an phường Phú Hòa 0650.3833.205 cho gặp anh Hải bắt cướp.

- Nếu tội phạm là một phụ nữ cướp giật, anh có ra tay giống như với tội phạm nam không? (Phạm Hữu Tình, 30 tuổi, Đồng Nai)

- Anh Hải: Tội phạm nào tôi cũng truy đuổi như nhau, nếu bắt được thì nam hay nữ chúng tôi đều giao cho công an địa phương xử lý.

- Ở Bình Dương, đội của anh Hải có mấy người? Anh hãy kể những ấn tượng về các chiến hữu của anh? (Thuận Hồng, 32 tuổi, Ninh Thuận).

- Anh Hải: Đội của tôi hiện giờ có 15 người tham gia. Có anh Trần Hoàng Anh mập lùn, nhưng mà rất gan dạ. Khi gặp bọn cướp thì anh rất quyết liệt truy đuổi đến cùng. Và hầu hết các anh trong đội đều rất dũng cảm.

- Anh có nghĩ là chính quyền nên có những đặc quyền dành cho những người như anh không? Ví dụ chi phí xe cộ, có còi đặc chủng, có giấy sử dụng vũ khí trấn áp tội phạm? (Quang Minh, 27 tuổi, Thái Nguyên)

- Anh Tiến: Cũng có nghĩ tới và tôi đang làm thủ tục để xin các cấp có thẩm quyền hỗ trợ cho đội của tôi một số trang thiết bị để anh em có thể hoạt động được tốt và an toàn hơn.

- Em là fan hâm mộ của anh từ lâu, ngày nào cũng lên VnExpress để xem tin tức, và thật đáng khâm phục khi đọc những dòng tin tức nói về anh. Em từng 2 lần bắt cướp ngoài đường, vậy em muốn theo anh rong đuổi để trả bình yên về cho bà con trên từng con phố được không ạ? (Nguyễn Trọng Đức, 27 tuổi, Bình Dương)

- Anh Tiến: Tất nhiên rồi. Nếu em muốn theo anh, thứ nhất em phải làm tư tưởng với gia đình xem mọi người có đồng ý cho em theo anh không. Thứ hai, em cũng cần phải có những đức tính khiêm tốn, thật thà và hòa đồng. Nếu em làm được những điều đó, hãy liên hệ với anh theo số điện thoại: 0979797973.

- Tôi rất khâm phục các anh. Các anh là gương sáng trong sự nghiệp giữ gìn an toàn, trật tự xã hội của đất nước. Tuy nhiên, các anh làm việc có thù lao không? (Đinh Tiến Hoàng, 26 tuổi, Hà Nội)

- Anh Hải: Chúng tôi làm việc hoàn toàn không có thù lao, hàng ngày phải bỏ tiền túi ra đổ xăng cùng đồng đội đi tuần tra. Nhưng muốn giúp sức cho xã hội để đẩy lùi tệ nạn trôm cướp nên hàng ngày vẫn lang thang trên đường.

- Chào anh Hải, thương hiệu “hiệp sĩ SBC” bắt nguồn từ đâu? Anh hãy kể về những pha chiến đấu của anh cứu đồng đội thoát khỏi lưỡi hái tử thần của bọn tội phạm? (Nhân Quang, 21 tuổi, Hà Tĩnh)

- Anh Hải: Năm 1996, tôi đang đi gom tiền bán hàng thì gặp anh Cáy, Phó công an phường Phú Hòa, truy đuổi hai tên cướp đi xe Nova. Thấy vậy tôi liền truy đuổi bọn chúng, đến đường quốc lộ 13 thì có hai chiếc xe tốc hành chạy song song, tôi len vào giữa mới qua mặt được hai tên cướp. Tiếp đó tôi ép và đạp hai tên cướp ngã xuống. Tài xế xe tốc hành cầm cây sắt xuống định đánh tôi và tôi la lên "cướp cướp" thì anh này mới ngưng lại. Sau đó, phụ tôi bắt hai tên cướp giải về công an phường Phú Thọ giải quyết. Từ đó, tôi được người dân phong danh hiệu là “Hiệp sĩ SBS”.

Đầu năm 2008 tôi và đồng đội bắt hai tên cướp xe, thì hai đồng đội tôi bị chúng móc dao ra chống trả. Tôi liền đá văng dao và cùng anh em nhanh chóng khống chế và bắt hai tên cướp giải về Công an phường Phú Hòa.



- Chào anh Hải, có khi nào anh sợ khi về tối bọn tội phạm đánh trộm anh không? (Thanh Loan, 17 tuổi, Hưng Yên)

- Anh Hải: Nếu sợ thì tôi đã không còn làm công việc này từ lâu rồi.

- Chào anh! Em sống ở HN nhiều khi gặp những cảnh bất bình em cũng không chịu được. Bí quyết của các anh có thể giữ mãi được lòng đam mê bắt cướp vậy? Những lúc đối diện với bọn đạo chích nhiễm HIV thì các anh thường tiếp cận thế nào? (Nguyễn Văn Bảo, 28 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội)

- Anh Tiến: Hiện tại xã hội đang cần những việc làm thiết thực như mình nên mình quyết tâm giữ mãi lòng đam mê bắt cướp.

Đối với tội phạm, thứ nhất mình dùng sự nhanh nhẹn và trí tuệ trên mọi tình huống để cảm hoá đối tượng. Nếu không được, thì mình mới dùng tới sự dũng cảm và võ thuật để khống chế.

- Nhìn hình thấy các anh rất oai phong. Với tướng tá đẹp lại luôn có hành động nghĩa hiệp, chắc các anh được nhiều người yêu mến. Có khi nào các anh gặp tình huống khó xử như nhận được sự giãi bày tình cảm đặc biệt từ phái đẹp không? (Quốc Hùng, 25 tuổi, Bình Dương)

- Anh Tiến: Không, vì mình làm việc này là phải khôn khéo, trên mọi tình huống. Có thể là tội phạm nam không trả thù được mình và dùng "mỹ nhân kế" thì sao?

- Nếu có những cô gái trẻ "hâm mộ" quá, các anh xử lý thế nào? (Bích Hạnh, 20 tuổi, Hà Nội)

- Anh Hải: Tôi cũng được nhiều cô gái trẻ hâm mộ. Có lúc vợ cũng ghen hỏi số điện thoại này của ai. Tôi cũng thành thật nói là của người hâm mộ bắt cướp. Đồng nghiệp của tôi cũng được nhiều người hâm mộ tương tự.

- Anh Tiến: Có nhiều cô hâm mộ muốn được chia những vui buồn của mình với tôi. Lúc rảnh rỗi cũng gọi nhau đi uống cà phê.

- Các Hiệp sĩ SBC đã lần nào bị bọn cướp trả thù chưa? (Nguyen Linh, 29 tuổi, Nam Hà)

- Anh Hải: Hăm dọa thì nhiều, tuy nhiên việc trả thù thì vẫn chưa diễn ra. Dù có trả thù thì chúng tôi cũng không sợ.

- Tôi được biết có lần bọn tội phạm đã nhắn các tin nhắn đe dọa anh Hải. Anh cho biết tâm trạng của mình ra sao khi tiếp nhận những tin nhắn này? (Nguyên Hồng, 35 tuổi, quận 1, TP HCM)

- Anh Hải: Tôi chỉ nghĩ đơn giản đó là những tin nhắn đùa.

- Anh Tiến có lời khuyên gì cho phụ nữ chúng tôi mỗi lần khi lưu thông trên đường, nhất là khi trời tối và vắng người? (Nguyễn Thị Bình Giang, 30 tuổi, Xuân La, Tây Hồ, HN)

- Anh Tiến: Phụ nữ chính là những đối tượng mà bọn tội phạm nhắm vào. Vì thế các chị em nên chú ý những điều sau để tránh những rủi ro. Thứ nhất, đang lưu thông trên đường phải để ý những tài sản quý giá như dây chuyền, giỏ xách, điện thoại, xe... Thứ hai, thấy có người chạy qua mặt mình rồi thả ga chậm lại cho mình qua mặt, phải để ý những người này vì tội phạm thường trước lúc ra tay là phải theo dõi những người đi đường có những đồ vật có giá trị gì rồi lên phương án thực hiện hành vi phạm tội. Ngoài ra các chị em cũng cần để ý đến những "chiêu" của bọn tội phạm như: dàn cảnh đụng xe, va quẹt hoặc giả... đánh ghen để nạn nhân bỏ chạy rồi ra tay cướp xe.

- Chào anh Hải, em rất khâm phục các anh. Em muốn hỏi khi anh bắt cướp nếu chúng rất manh động thì điều gì làm anh có thêm dũng khí? (Doan Trieu Ha, 24 tuổi, Yên Bái)

- Anh Hải: Lúc đó, tôi dùng mưu trí, quyết bắt cho bằng được. Vì cái ác không thể chiến thắng cái thiện.

- Các anh đuổi bắt cướp không may đụng phải người đi đường bị tai nạn, thì các anh có bị xử lý không vậy? (Lê Thành Hưng, 25 tuổi, Khánh Hòa)

- Anh Hải: Nếu xảy ra tai nạn, thì mình vẫn phải chở nạn nhân đi bệnh viện và lo thuốc thang. Còn tên cướp vẫn có các đồng đội khác truy đuổi.



- Anh có lời khuyên gì cho những người ủng hộ hai anh, luôn muốn bắt cướp và mang lại sự bình yên cho xã hội. (Tấn Thành, 36 tuổi, Cần Thơ)

- Anh Hải: Tôi rất mừng vì có nhiều người cũng có tinh thần như tôi và mong ngày càng nhiều người nghĩa hiệp sẵn sàng chiến đấu với kẻ xấu để cho xã hội của chúng ta ngày càng trong sạch, an toàn.

- Nếu tôi bị cướp giữa đường và có một người nào đó chạy tới tự xưng là hiệp sĩ và đuổi theo tên cướp. Và thế là tên cướp và hiệp sĩ cùng mất tích với tài sản của tôi. Vậy xin cho hỏi 2 hiệp sĩ làm sao để tôi phân biệt được đâu là hiệp sĩ thật và đâu là dỏm? Và việc lợi dụng danh nghĩa hiệp sĩ để làm bậy thì các anh nghĩ sao? (Võ Trọng Tấn, 30 tuổi, Quy Nhơn , Bình Định)

- Anh Tiến: Trước lúc chúng tôi đi tuần tra, bắt cướp thường đã phân công công việc. Nếu có nạn nhân bị cướp giật đồ, sẽ có một người đứng lại để mời nạn nhân đi cùng đến công an gần nhất để trình báo sự việc. Số đồng đội còn lại trong nhóm (từ 1 đến 3 người) sẽ đuổi theo tên cướp để truy bắt và khống chế, thu tang vật để đưa về cơ quan công an trả lại tang vật cho nạn nhân. Do vậy, các bạn sẽ dễ dàng nhận ra không phải là thành viên trong nhóm chúng tôi nếu xảy ra trường hợp như bạn nêu. Nếu có trường hợp tội phạm dùng danh nghĩa chúng tôi để chiếm đoạt tài sản của nạn nhân thì đó đúng là một điều xúc phạm đến danh dự và uy tín của nhóm chúng tôi.

- Anh Hải: Khi hoạt động chúng tôi thường đi theo nhóm và phối hợp với nhau để bắt cướp và giúp đỡ nạn nhân, đồng thời kêu nạn nhân cùng đến công an phường để trình báo sự việc, cần phải có người bị hại thì cơ quan chức năng mới khởi tố được tên cướp. Trong trường hợp này, bạn nên hô hoán người dân cùng tham gia đuổi theo những tên kia hoặc gọi điện thoại ngay cho công an để nhờ hỗ trợ.

- Chào anh Tiến, tại sao anh không gia nhập vào lực lượng công an? Người dân cần có những công an mang phẩm chất như anh. Cho phép em được chia sẻ cùng anh những khó khăn đời thường, anh đang cần gì nhất? Thật sự cảm phục anh (Lê Đức Hoà, 38 tuổi, Vũng Tàu)

- Anh Tiến: Thứ nhất, mình đã lớn tuổi, lực lượng công an chỉ tuyển thanh niên từ 18 đến 27 tuổi, mình đã quá tuổi. Hiện tại, đội của mình là 16 người nhưng chỉ có 3 chiếc xe không đủ để hoạt động. Nếu bạn muốn chung sức về việc làm của đội mình thì liên hệ với mình theo số điện thoại đã ghi ở trên.

- Theo các anh thì khi thấy cướp trên đường mà mình muốn ra tay để bắt cướp, mọi người đi đường có sẵn sàng giúp đỡ không ạ? Và để tránh trường hợp hiểu nhầm mình là cướp thì kinh nghiệm của các anh là gì ạ? (Hoang Phuong, 20 tuổi, Thủ Khoa Huân, Bến Thành)

- Anh Hải: Người dân xung quanh cũng có người ra giúp đỡ nhưng cũng có người sợ trả thù nên làm ngơ. Để tránh hiểu nhầm thì cứ bắt được cướp rồi nhờ người dân cùng áp giải về công an thì mọi chuyện sẽ rõ.

- Nếu có thể thành lập một quỹ để giúp đỡ các anh trong việc SBC, các anh cần những gì? (Trí, 26 tuổi, TPHCM)

- Anh Tiến: Mình cảm ơn bạn rất nhiều. Nếu có được một quỹ để cho anh em trong đội giảm bớt thời gian lao động phổ thông kiếm tiền thì thời gian đó anh em sẽ đi tuần tra nhiều hơn.

- Nếu đươc mời vào ngành làm cảnh sát cơ động chẳng hạn thì 2 anh thấy sao. (Japansabishii, 28 tuổi, Hanoi)

- Anh Hải: Tôi không muốn vào làm ngành công an. Tôi muốn làm công việc này với tinh thần của một người dân bình thường.

- Anh Tiến: Công việc này không chỉ riêng lực lượng công an mới làm được, mà lực lượng chính là nhân dân. Mình muốn phong trào này được mọi người dân chung tay với mình và lực lượng công an để giảm bớt các loại tội phạm.

- Anh Tiến ước mơ của anh sau này là gì? (Le Phuc, 28 tuổi, 2/195 Thien Phuoc, Tân Bình, TP HCM)

- Anh Tiến: Mình muốn có một sức khoẻ bền bỉ để làm việc lâu dài.

- Chào 2 anh! Tôi không có ý nghĩ sẽ phỏng vấn với 2 anh. Nhưng thật sự 2 anh có bao giờ nghĩ rằng mình sẽ mở rộng địa bàn hoạt động không? Vì ngay cả chính bản thân tôi từng bị cướp và cũng từng bắt cướp nhưng tôi thấy mình không thể làm được nhiều. (Nguyễn Tuấn Huy, 31 tuổi, 205 Kha Vạn Cân, phường Linh Tây, quận Thủ Đức TP HCM)

- Anh Hải: Chúng tôi muốn có thêm thật nhiều người tham gia vào CLB để có thể mở rộng địa bàn, triệt phá thêm nhiều vụ cướp.

- Anh Tiến: Rất muốn, nhưng muốn mở rộng địa bàn hoạt động phải cần có kinh phí cộng với sự ủng hộ của lực lượng công an. Một mình tôi không thể làm được.

- Câu hỏi thứ 2 tôi xin được hỏi anh Hải, nhiệm vụ này của đội SBC Bình Dương theo tôi được biết là các thành viên tham gia đều tự nguyện, vậy giả sử chỉ còn một mình anh thì anh có còn duy trì đội SBC nữa không khi mà còn công việc kinh doanh cũng bận rộn ở nhà? (Phạm Trung Dũng, 25 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội)

- Anh Hải: Từ năm 1997 chỉ có một mình tôi làm công việc này. Đến năm 2008 thì mới có thêm các anh em hỗ trợ. Nếu chỉ còn một mình thì tôi vẫn tiếp tục tham gia như lúc đầu.

- Cảm giác của bạn như thế nào khi đối diện với những tên cướp có vũ khí?(Vu Thai Dung, 45 tuổi, 120 Tran Hung Dao, quuận 1, TP HCM)

- Anh Tiến: Cảm giác của mình đối với tội phạm là phải bình tĩnh, nhanh và có võ thuật.

- Anh Hải: Mình sẽ dùng mưu trí, quyết bắt cho bằng được, trả lại tài sản cho người bị hại.

- Em nghĩ tụi cướp thường dùng xe độ, như vậy sẽ rất khó cho mấy anh đuổi theo. Vậy xe của mấy anh có "độ" không? (Hải, 20 tuổi, Bình Dương)

- Anh Hải: Xe mình không "độ", nhưng mình gan dạ đeo bám sẽ có thời cơ thuận lợi để mình vượt lên trước.

- Anh Tiến: Có, nhiều lúc phải "độ" xe để có thể theo kịp những chiếc xe "độ" của bọn cướp.

- Là người chuyên đi bắt cướp giật, các anh có thể chỉ cho người dân chúng em biết đâu là dấu hiệu để nhận biết cướp? (Đoàn Thế Tín, 21 tuổi, 366 Lê Văn Việt, quận 9).

- Anh Hải: Nếu bạn thực sự cần những kinh nghiệm để nhận biết bọn tội phạm thì hãy liên lạc trực tiếp với anh nhé.

- Anh Tiến: Thường thường bọn cướp giật có nhiều dấu hiệu hoặc biểu hiện khác với người thường. Giả sử, bạn đang nghe điện thoại thì có một hoặc hai thanh niên ngó về phía bạn để theo dõi chiếc điện thoại bạn cầm trên tay, dấu hiệu đó rất có thể là bọn cướp giật.

- Có bao giờ Tiến và Hải bắt nhầm cướp chưa? (Jonny, 32 tuổi, Thái Lan)

- Anh Hải: Chưa, việc bắt cướp trên đường đều là mình thấy quả tang nên không bao giờ bắt nhầm.

- Anh Tiến: Chưa bao giờ, vì khi có dấu hiệu nghi vấn mình theo dõi, khi tên cướp ra tay mình mới truy bắt. Bắt cướp hầu như là quả tang nên không có trường hợp nhầm lẫn.

- Các anh có từng đánh bọn cướp khi nó chống cự không? (Danh, 48 tuổi, 16 Nguyễn Cửu Đàm, Tân Sơn Nhì, Tân Phú, TP HCM).

- Anh Tiến: Nếu đối tượng cướp giật phạm tội quả tang bị khống chế mà cầm hung khí hoặc chống trả, thì bắt buộc chúng tôi phải dùng tới các biện pháp võ thuật để khống chế đối tượng, giao cho cơ quan công an.

- Anh Hải: Có, nếu đối tượng cướp chống cự buộc chúng tôi phải sử dụng võ thuật.

- Tôi có được đọc rất nhiều bài viết về các chiến công của các anh. Khi tham gia bắt đối tượng, anh thường có suy nghĩ gì lúc đó? Có không ít ý kiến nói không ủng hộ phong trào bắt cướp của các anh. Các anh có ý kiến gì về việc này? Dù thế nào đi nữa, tôi cũng rất ủng hộ việc làm của các anh. (Thu Lan, 30 tuổi, Hà Nội)

- Anh Tiến: Cũng cần phải nói rõ, những người có suy nghĩ trái ngược với tôi, không đồng ý với việc làm của chúng tôi thì phải xem lại họ là ai và bản thân người đó như thế nào. Còn việc làm của tôi là được chính quyền và nhân dân ủng hộ nhiệt tình nên tôi sẽ không từ bỏ công việc này.

- Anh Hải: Tôi cũng đồng ý với anh Tiến, trên thực tế cũng có người không đồng ý với công việc của chúng tôi. Nhưng quả thật, chúng tôi làm những việc này không vì lợi ích riêng của mình mà chỉ mong muốn cho xã hội thêm bình yên, có thể mang đến niềm vui nho nhỏ cho mọi người.



- Đã bao giờ các anh có ý nghĩ mình sẽ dừng công việc này lại chưa? (Japansabishii, 28 tuổi, Hanoi)

- Anh Hải: Hiện nay chưa nghĩ đến, bây giờ vẫn sẽ làm việc này cho đến khi sức khoẻ không cho phép nữa thì ngừng lại.

- Anh Tiến: Tôi chưa nghĩ đến việc nghỉ ngơi. Đến thời điểm không thể bắt cướp được thì tôi mới nghỉ.

- Nếu có một người mến mộ hành động dũng cảm của các anh và muốn tặng các thành viên trong đội mỗi người một con "chiến mã" đã "độ" rất công phu (xe Dream Thái soắn nòng lên code 150cc) các anh đồng ý nhé? (Nguyễn Ái Quốc, 26 tuổi, đường Nguyễn Trãi - Thanh Xuân - Hà Nội)

- Anh Tiến: Xin cảm ơn bạn. Nếu thực sự nhận được sự hỗ trợ của bạn hoặc ai đó thì bạn và những người đó đã có một phần chung sức với chúng tôi để trấn áp tội phạm cướp giật trên đường phố.

- Tôi rất ngưỡng mộ các anh, và xin chỉ giúp những người như tôi hoặc những người đi đường khi thấy cướp giật thì nên làm gì? Hoặc truy bắt thì phải làm sao cho hiệu quả? Xin các anh chia sẻ. Cảm ơn. (Bùi Huy Dung, 24 tuổi, Đồng Nai)

- Anh Hải: Khi thấy bọn cướp giật thì phải vừa truy hô cho người đi đường biết vừa truy đuổi theo. Khi truy bắt, nếu phát hiện chúng có vũ khí, thì mình la lên cho người dân hỗ trợ, đông người sẽ tóm được.

- Hỏi anh Tiến, một ngày các anh dành bao nhiêu thời gian cho công việc mưu sinh và bao nhiêu thời gian cho công việc nghĩa hiệp? (Phạm Việt Hùng, 34 tuổi, Gò Vấp, TP HCM)

- Anh Tiến: Mình xin trả lời với bạn vì mình làm công việc tự do không có tổ chức nào nên thời gian vô chừng. Hiện tại mình có mẹ ở phường 16, Gò Vấp, nếu có dịp mình với bạn sẽ uống cà phê. Liên hệ với mình qua điện thoại.

- Mình là Trường trước đây là giám đốc nhân sự ở công ty máy tính Nguyễn Hoàng, đã gặp và làm việc với Tiến nhiều lần rồi, và mất số điện thoại của Tiến. Tiến có thể cho mình số điện thoại lại được không? (Cung Hồng Trường, 45 tuổi, 44/11 Phạm Văn Hai, phường 2, quận Tân Bình).

- Anh Tiến: Cảm ơn anh, số điện thoại của em là 0979797973. Em nhận ra anh rồi.

- Trong các lần bắt cướp, nếu tội phạm là người thân của mình, các anh xử lý thế nào? Mong nhận được chia sẻ. (Tài, 20 tuổi, TP HCM)

- Anh Tiến: Nếu có trường hợp này thì tôi vẫn xử lý thẳng tay như bọn tội phạm khác.

- Anh Hải: Đã có rất nhiều lần chúng tôi bắt được "người quen" bởi tên cướp chính là hàng xóm hoặc quen biết trước đó. Mặc dù họ xuống nước năn nỉ nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm dẫn giải về cơ quan công an. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mất không ít thời gian giải thích với họ về trách nhiệm phải chịu trước pháp luật và họ thực sự cần thiết phải được răn đe, giáo dục để trở thành người tốt. Đó cũng là cách giúp đỡ cho chính bản thân họ.

- Các anh là "hiệp sĩ" từng tạo được nhiều sự khiếp đảm cho giới tội phạm. Hành động dũng cảm của các anh được nhiều người biết đến, thực sự các anh thật dũng cảm, tôi rất trân trọng điều ấy... Tôi muốn biết, các anh đã trải qua huấn luyện chưa? Nếu chưa, các anh có bao giờ nghĩ hành động dũng cảm đó nếu có sơ xuất có thể gây nguy hiểm cho người đi đường, nạn nhân, hay thậm chí là "kẻ cướp", và chính các anh nữa...? (Võ Kiến Nam, 32 tuổi, Hà Nội)

- Anh Hải: Tôi chưa bao giờ trải qua huấn luyện mà chỉ tay không bắt cướp, dần dần rút ra kinh nghiệm cho bản thân. Có lúc tôi cũng nghĩ nếu mình sơ xuất sẽ gây nguy hiểm cho cho tôi và người đi đường. Thậm chí là cả bọn cướp trong khi tháo chạy cũng có thể gặp tai nạn. Nhưng trong mọi tình huống tôi đều thận trọng và khéo léo để đảm bảo an toàn cho mọi người.

- Anh Tiến: Trước đây tôi là công an. Vì bệnh nên tôi phải rời bỏ ngành. Vì vậy tôi đã được huấn luyện trong thời gian còn trong ngành.

- Các anh dũng cảm bắt cướp vậy có được phép sử dụng vũ khí không? Các anh làm gì khi bọn cướp có súng? (Ho Thanh Tân, 34 tuổi, 30 đường 13 quận 7).

- Anh Hải: Chúng tôi không được sử dụng bất kỳ công cụ hỗ trợ nào. Mình lấy kinh nghiệm và dùng mưu trí để khống chế.

- Anh Tiến: Không được dùng súng hay các vũ khí khác nhưng với sự bình tĩnh và gan dạ, đôi khi lại mạnh mẽ hơn súng.

- Chào anh Tiến. Khi bắt được tội phạm và bọn chúng muốn mua chuộc anh bằng một số tiền lớn, tâm lý của anh lúc đó sẽ như thế nào? Có lúc nào anh cảm thấy bị lay chuyển không? (Võ Thành Trung, 25 tuổi, Guang zhou,China)

- Anh Tiến: Không bao giờ tôi bị lay chuyển về việc này. Nếu muốn có nhiều tiền thì tôi đã làm kinh doanh chứ không tham gia vào chuyện này.

- Anh có dự định thành lập quỹ để hỗ trợ tài chính cho nhóm hay không? Khi nào thực hiện? Bằng cách nào có thể đóng góp được? (Quỳnh Thi, 29 tuổi, TP HCM)

- Anh Hải: Tôi chưa nghĩ đến chuyện đó, mọi chi phí bây giờ đều do tôi chi ra cho các anh em trong đội.

- Các anh đã bao giờ để vuột mất tên tội phạm nào chưa? (Trần Vũ Thúy Hải, 22 tuổi, Tân Bình, TP HCM)

- Anh Tiến: Nếu khống chế được tội phạm, thì chưa bao giờ đối tượng chạy thoát, trừ khi trong lúc đang truy đuổi, xe bị hư giữa đường thì đối tượng có thể chạy thoát.

- Anh Hải: Cũng có lúc truy đuổi đối tượng không thành. Mới đây, có hai tên bẻ khoá trộm xe, anh em truy đuổi không thành thì hôm sau, khi trộm thêm chiếc xe Honda khác bị chính anh em bắt.

- Xin hỏi riêng anh Hải, tôi rất quan tâm đến việc anh đã bắt được những tên đinh tặc. Theo tôi nghĩ đây là một việc rất khó khăn vì chúng ta không biết được thời điểm chúng đi rải và rất khó thấy chúng trực tiếp rải những miếng tam giác rất nhỏ. Bắt được bọn chúng là do tình cờ anh đi tuần tra gặp hay anh đã lên kế hoạch gì trước để theo dõi bọn đinh tặc? (007, 26 tuổi, Bình Dương)

- Anh Hải: Việc này đã được lên kế hoạch trước 2 tháng. Để bắt quả tang được bọn đinh tặc còn khó hơn bắt cướp. Các anh em phải theo dõi ngày đêm vì chúng rải đinh rất kín.

- Em là thanh niên trẻ, rất cảm động và muốn làm được như các anh. Nhưng khi gặp những vụ cướp giật thì em chỉ biết đứng nhìn vì một phần quá bất ngờ và cũng không biết làm gì lúc đó. Em mong được các anh truyền đạt lại một số kinh nghiệm để mọi người có thể tự bảo vệ mình cũng như giúp đỡ người khác khi gặp nạn? (Nguyễn Thái, 36 tuổi, Long An)

- Anh Hải: Khi gặp tình huống cướp giật trên đường thì bạn nên bình tĩnh và hô to cướp cướp để mọi người cùng truy đuổi.

- Thưa anh Tiến, em rất cảm phục trước những hành động dũng cảm của anh. Em có một số câu hỏi như sau: Anh có hay thường xuyên luyện tập võ nghệ để bắt cướp khi nó chống trả và khi cướp dùng hung khí thì anh giải quyết như thế nào? (Tạ Toàn, 29 tuổi, Vũng Tàu)

- Anh Tiến: Việc làm này đòi hỏi phải có sức khỏe, nhanh nhẹn, trí tuệ nên ngày nào tôi cũng văn ôn, võ luyện.



- Tại sao anh công khai số điện thoại rất đẹp của anh với công chúng vậy, anh không sợ bọn xấu quấy rầy anh sao? (Huynh Van Minh, 22 tuổi, 147 Vo Van Tan, quan 3)

- Anh Tiến: Cảm ơn bạn, mình là người thật, việc thật nên không giấu giếm. Nếu mình sợ thì mình không thể nào làm được việc này. Vì các bạn xin số điện thoại của mình, nên mình tự tin cho số điện thoại. Nếu có người nào không có lòng tôn trọng mà quấy phá số điện thoại của mình thì mình sẽ báo cơ quan pháp luật vào cuộc để ngăn chặn.

- Cả 2 anh đều rất đẹp trai, lại thêm khí khái anh hùng, riêng anh Tiến rất có tướng tài tử. Nếu có người mời 2 anh đóng phim, 2 anh có chịu không? Chắc bộ phim về các anh sẽ rất ăn khách đấy. (Lê Anh Tuấn, 30 tuổi, Berlin, Đức)

- Anh Tiến: Cảm ơn bạn rất nhiều về lời khen này. Nếu có hãng phim nào đó mời thì tôi và anh Hải sẽ sẵn sàng hợp tác.

- Có khi nào 2 anh thấy cướp mà không bắt không? (Van Chien, 25 tuổi, Q1)

- Anh Hải: Cứ gặp bọn cướp trên đường là sẵn sàng bắt và gọi các anh em hỗ trợ. Có lần đang đi trên đường chở vợ đi công chuyện thấy bọn cướp tôi bỏ cả vợ và con ở đường để đuổi theo bắt cho bằng được. Giao cho công an xong mới quay lại đón vợ con.

- Anh Tiến: Đã làm nghề này khi gặp bọn cướp thì không thể không bắt. Có khi chở cả vợ đuổi theo bọn chúng.

- Câu hỏi của tôi hơi khác đối tượng một chút. Tôi muốn biết cơ quan chức năng tạo những điều kiện gì thuận lợi để hỗ trợ các anh bắt cướp. Ví dụ như xe máy, công cụ bảo vệ (áo chống đạn),... (Nguyễn Minh Cường, 28 tuổi, 83 Nguyễn Văn Lượng, Gò Vấp)

- Anh Hải: Những lần bắt được cướp bọn tôi được công an tặng giấy khen, bằng khen cùng với một số tiền, tuy ít ỏi nhưng những điều đó cũng làm chúng tôi tự hào.

- Anh Tiến: Không có hỗ trợ, nhưng trong những lần bắt cướp thì chúng tôi được công an địa phương tích cực phối hợp.

- Trước hết xin cảm ơn các anh về những việc các anh đã làm, tôi xin hỏi các anh có nguyện vọng gì hay ước mong gì trong cuộc sống hiện nay? (Nguyen Huu Hung, 40 tuổi, 532 Doi Can, Ba Dinh, Ha Noi)

- Anh Tiến: Tôi có một nguyện vọng là sự bình yên và sức khỏe cho vợ con và gia đình.

- Anh Hải: Tôi mong muốn người dân cả nước hãy có những hành động thiết thực để mang lại cuộc sống bình yên hơn cho xã hội.

- Xin hỏi anh Tiến, trong hành trình “tiêu diệt” cái ác cho xã hội, có trường hợp nào anh cảm thấy đáng tiếc nhất? (Hoàng Gia Minh, 30 tuổi, Nha Trang)

- Anh Tiến: Những trường hợp đáng tiếc nhất là đang truy đuổi đối tượng xe bị hư giữa đường, không khống chế được tội phạm và không trả đồ bị cướp giật lại cho bị hại.

- Các anh có biết câu chúc nổi tiếng của Bác Hồ cho lực lượng phòng cháy chữa cháy không? Bác nói là: "Chúc các chú luôn thất nghiệp". Thử tưởng tượng, nếu Bác cũng gửi lời chúc như thế cho các anh thì các anh nghĩ sao? (Phạm Việt Hùng, 34 tuổi, 218 Thống Nhất, Gò Vấp, TP HCM)

- Anh Tiến: Rất cám ơn bạn, nếu mình có lời chúc như thế thì đất nước và xã hội hiện tại sẽ rất bình yên.

- Phần thưởng lớn nhất và mất mát lớn nhất của các anh là gì? Xin chân thành cảm ơn các anh! (Tho, 24 tuổi, Hàn Quốc)

- Anh Hải: Phần thưởng lớn nhất của tôi là được người dân yêu quý. Còn về mất mát thì tôi nghĩ cũng ảnh hưởng ít nhiều tới công việc làm ăn của tôi. Nhiều khi vội đi bắt cướp giao hàng trễ giờ, người ta bỏ ngang luôn và mất hợp đồng.

- Anh Tiến: Phần thưởng lớn nhất của tôi là được lãnh đạo cấp cao trong nước trực tiếp trao giấy khen và chụp hình lưu niệm. Tôi cũng rất vui khi được người dân kêu mình bằng cái tên rất gần gũi là "Hiệp sĩ bắt cướp". Còn mất mát thì tôi nghĩ mình không mất mát gì.

- Thưa, cho em hỏi một câu trong những tình huống tội phạm có vũ khí nóng chống trả thì các hiệp sĩ xử trí ra sao ạ? (Phan Hoàng Long, 24 tuổi, Bình Chiểu, Thủ Đức)

- Anh Tiến: Trong trường hợp này, mình phải quyết tâm khống chế tội phạm bằng mọi cách. Dĩ nhiên tôi phải không e ngại thì mới theo đuổi được việc này.

- Anh Hải: Thật ra năm 1999, tôi từng bắt được một tên trộm có súng trong người. Sau này mới biết hắn đột nhập vào nhà vị cán bộ địa phương trộm tivi, thấy khẩu súng trong ngăn bàn liền lấy luôn. Đêm đó, thấy dáng vẻ khả nghi, tôi đến kiểm tra và phát hiện cây súng giấu trong bụng hắn. Nhưng cuối cùng đã khuất phục được tên này về công an phường.

- Chào anh Minh Tiến, em thường xuyên đọc các thông tin trên Internet và được biết rất nhiều chiến tích săn bắt cướp của anh. Em muốn hỏi anh là có phải ngày nào các anh cũng đi xe trên đường như vậy để bắt cướp hay không? (Lê Bá Công, 21 tuổi, Hà Nam)

- Anh Tiến: Đúng. Ngoài giờ làm việc để kiếm tiền nuôi sống gia đình, còn dư thời gian, anh cùng những anh em trong đội đi tuần tra hàng ngày trên đường phố.

- Thực ra tôi không sinh sống ở trong nước nhưng là độc giả của VnExpress tôi luôn theo dõi và ngưỡng mộ các anh. Có bao giờ các anh chùn buớc trước hàng vạn điều nguy hiểm rình rập mình (tai nạn, trả thù, bệnh tật)? Gia đình có phản ứng gì với việc các anh làm? Xin chúc các anh và gia đình luôn mạnh khỏe bình an, hy vọng nhà nước sẽ có chính sách thoả đáng với các anh - những người con gang thép. (Ngyễn Thế Năng, 47 tuổi, Mỹ)

- Anh Tiến: Xin cảm ơn anh. Những điều anh vừa nói lúc nào cũng treo lơ lửng trước mặt nhưng tôi đã quyết tâm và chấp nhận.

- Anh Hải: Không bao giờ tôi e ngại đến việc trả thù. Nếu sợ thì tôi đã chia tay với công việc này rồi.

- Giữa anh Nguyễn Thanh Hải và anh Nguyễn Văn Minh Tiến có mối giao hảo rất tốt trong nhiều năm qua. Xin anh Hải và anh Tiến cho bạn đọc biết, các anh đã học hỏi lẫn nhau những gì để nâng kinh nghiệm trong quá trình theo dõi, truy bắt tội phạm? (Minh Tâm, 30 tuổi, Thủ Dầu Một, Bình Dương)

- Anh Hải: Chúng tôi thường xuyên gặp gỡ để hàn huyên và kể cho nhau nghe những vụ bắt cướp và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.

- Anh Tiến: Do chúng tôi cùng chung chí hướng nên quả thực những lần gặp gỡ rất có ích cho công việc. Cảm ơn bạn!

- Nếu có thể, các anh sẽ muốn nói điều gì đến những người đang có ý định phạm tội (dù vì bất kỳ mục đích nào). (Đặng Trung Kiên, 21 tuổi, Philippines)

- Anh Hải: Tôi muốn nhắn nhủ đến những người này rằng, đừng bao giờ có ý định phạm tội. Hãy là một công dân tốt để giúp ích cho xã hội.

- Anh Tiến: Khuyên những người có ý định phạm tội hãy suy nghĩ kỹ lại những hành động mình chuẩn bị làm. Nếu bạn phạm tội rồi thì bản án đối với bạn là nhẹ, nhưng còn lý lịch của bạn sẽ làm hại đến con và cháu của bạn sau này.

- Là những hình tượng mới của người dân, gia đình các anh có gặp những phiền toái hay thuận lợi gì không khi ai cũng biết đến các anh? (Tran Duy, 30 tuổi, TP HCM)

- Anh Tiến: Theo tôi những người dân làm ăn chân chính và có lòng nghĩa hiệp rất quý mến và tạo mọi điều kiện để tôi và anh em truy bắt tội phạm.

- Anh Hải: Thật ra gia đình cũng ảnh hưởng không ít vì công việc có phần đặc biệt này. Nhiều lúc vợ chồng con cái đang say ngủ cũng có điện thoại kêu tôi đi bắt cướp. Hoặc cũng có lần tôi bắt gặp những cái nhìn không mấy thiện cảm của gia đình những tên tội phạm mà tôi đã bắt.

- Anh Tiến thân yêu! Em rất ngưỡng mộ những hành động của các anh! Nếu một ngày nào đó em vào Sài Gòn, em có thể liên lạc và gặp mặt anh được không? Thân! (Nguyễn Thuý Hằng, 26 tuổi, Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội)

- Anh Tiến: Nếu có dịp vào Sài Gòn, hãy liên hệ với anh qua số điện thoại đã được ghi ở trên.

- Anh đã hai lần bị thương nặng, vậy các chi phí chữa trị có tổ chức nào hỗ trợ cho các anh không? Nếu bị thương nặng và là gánh nặng cho gia đình và xã hội thì anh nghĩ gì? (Trinh Hữu Tuyến, 30 tuổi, Gò Vấp)

- Anh Tiến: Các cơ quan nhà nước lo toàn bộ viện phí nên tôi không phải lo lắng nhiều về việc đó.

- Tôi thuộc thế hệ trước, nay đã 58 tuổi, tôi rất khâm phục và cám ơn lòng dũng cảm, ý chí chiến thắng kẻ bạo nghịch, bảo về tài sản của nhân dân của các anh. Tuy nhiên việc làm tốt của các anh rất nguy hiểm đến tính mạng và hệ luỵ nhiều đến gia đình, người thân. Câu hỏi của tôi là: Sự phối hợp và bảo vệ của các cơ quan công an địa phương cũng như sự quan tâm của chính quyền địa phương đối với những người dám xả thân như các anh trong các hoạt động SBC? (Nguyễn Hữu Hưng, 58 tuổi, 31 Triệu Việt Vương Hà Nội)

- Anh Tiến: Xin cảm ơn anh. Giữa cơ quan công an và các đội SBC với tôi có sự phối hợp rất tốt.

- Anh đã lập được rất nhiều chiến công hiển hách và cũng đã có đôi lần bị thương và nằm viện. Trong thời gian vừa qua chính quyền nơi anh sống có giúp đỡ anh và gia đình anh gì không? (Nguyễn Thị Bình Giang, 30 tuổi, Tây Hồ, HN)

- Anh Hải: Trong thời gian tôi nằm viện, lãnh đạo các ngành các cấp và người dân từ nhiều tỉnh miền nam đến thăm và tặng quà. Tôi cũng gửi lời cảm ơn đến các vị lãnh đạo và bà con luôn quan tâm, yêu quý.



- Tôi rất khâm phục hành động nghĩa hiệp của các anh. Tình hình tội phạm đường phố ở nước ta đang ngày càng phức tạp, các anh có kế hoạch đào tạo thêm các "dũng sĩ diệt cướp" không ? Chúc các anh mạnh khoẻ. (Hoàng Văn Mạnh, 20 tuổi, Tiền Giang)

- Anh Hải: Nhiều địa phương đã cử người đến học hỏi về mô hình CLB phòng chống tội phạm phường Phú Hoà. Chúng tôi mong muốn cả nước có thêm nhiều những CLB giống chúng tôi để bọn cướp không còn đất sống.

- Hiện nay trên tuyến đường quận 10, TP HCM, từ lâu có một nhóm mà đứng đầu là một nữ quái, chuyên giả vờ dàn cảnh nhận người quen, va quẹt xe để đánh cướp người đi đường. Nhóm người này hoạt động đã lâu rồi, thường đi từng nhóm, tiêu biểu là một nữ quái tên Hương (cư dân mạng thường gọi là Hương mắt lồi). Đây là một chiêu thức cướp rất tinh vi. Cho hỏi anh Tiến đã nghe về vụ việc này chưa và có cách nào xử lý đám này. Địa bàn chúng là khu vực quận 10, đường 3/2, Hùng Vương và xung quanh. Cảm ơn anh! (Nguyễn Văn Thể, 28 tuổi, phường 12, Tân Bình).

- Anh Tiến: Thứ nhất, mình cũng chưa nghe tới băng giàn cảnh nhận người quen để cướp. Thứ hai, mình cũng xin bạn nếu có gặp những đối tượng này hãy cho tôi biết bảng số xe và thời gian hoạt động trên các tuyến đường. Hãy liên hệ với cơ quan công an gần nhất hoặc có thể liên lạc với tôi qua điện thoại.

- Anh Tiến cho em hỏi anh có định mở một trường dạy bắt cướp không? Để có thêm nhiều hiệp sĩ giống anh giúp dân vậy đó. Em cảm ơn anh. Chúc anh khoẻ mạnh để bắt cướp dài dài nha. (Võ Minh, 20 tuổi, TP HCM)

- Anh Tiến: Xin nói riêng với bạn, chuyện này mình có nghĩ tới, nhưng không biết có làm được hay không. Để có thể mở được trường, cần có sự đồng ý của cơ quan pháp luật, tiếp đó là nguồn kinh phí để có thể duy trì hoạt động của trường.

- Thật đáng khen cho những hành động vì mọi người, trong quá trình làm việc các anh gặp khó khăn lớn nhất là gì? Nhân buổi nói chuyện này anh có lời nhắn nhủ nào với giới trẻ cũng như mong một sự hỗ trợ nào khác từ chính quyền không? (Thái Hòa, 24 tuổi, TP HCM)

- Anh Tiến: Mình xin nhắn nhủ tới các bạn trẻ mình là một người thanh niên Việt Nam, mình phải có những hành động, việc làm tốt và thiết thực cho đất nước và xã hội hiện nay.

- Cho mình đề nghị lấy hôm nay là ngày truyền thống của "Hỉệp sĩ đường phố" để các anh giao lưu với bạn đọc và cũng là ngày để anh em trong câu lạc bộ họp mặt truyền thống được không ạ? (Phạm Việt Hùng, 34 tuổi, 218 Thống Nhất, Gò Vấp, TP HCM)

- Anh Tiến: Vì hôm nay là ngày truyền thống và ngày thành lập 65 năm CAND và 5 năm phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, dĩ nhiên là được.

- Anh Hải: Rất cảm ơn bạn có ý tưởng này.

- Cám ơn và cầu chúc 2 anh, các anh em trong đội SBC cùng gia đình sức khoẻ, may mắn. Mong các anh vẫn luôn luôn và mãi mãi là Superman, là các chiến sĩ SBC của người dân, là nỗi ám ảnh của bọn tội phạm. Chân thành cám ơn báo điện tử VnExpress đã tạo cơ hội cho tôi và mọi người giao lưu với các anh. (Lưugiahuy, 33 tuổi, 606 Trần Hưng Đạo, quận 5)

- Anh Hải: Cảm ơn lời chúc của bạn đến tôi và những đồng đội. Chúng tôi sẽ cố gắng bắt thật nhiều cướp, tiếp tục góp một phần nhỏ bé cho xã hội ngày càng tươi đẹp hơn.

- Anh Tiến: Xin chân thành cảm ơn tình cảm các bạn đã dành cho chúng tôi. Tôi và anh em sẽ cố gắng đáp lại tình cảm của các bạn.

VnExpress