Hai người “bố” chăm sóc linh hồn những bào thai xấu số


- “Nhiều thai nhi đã thành hình, cân nặng hơn 2kg, vẫn bị cha mẹ từ bỏ. Có những em bé trắng đẹp lắm, chúng tôi liệm mà lòng đau thắt, cứ bế các con vào lòng mà khóc...”, người đàn ông chuyên lo hậu sự cho các bào thai bị bỏ rơi tâm sự.

Ở nơi ấy các em có tình thương…




“Bố” Phụng (áo trắng) và “bố” Lễ trong phút thảnh thơi hiếm hoi.


Cao nguyên lại thêm một mùa khô, gió hiu hiu mang cái lạnh ùa về, những sinh linh bé bỏng ở nghĩa trang nhi đồng TP Pleiku, Gia Lai, lại đón thêm những đợt rét mới. Bao mùa đông rồi, các em được sưởi ấm bởi những nén nhang của hai người cha không cùng huyết thống: “bố” Phụng (40 tuổi) và “bố” Lễ (44 tuổi). “Có những chiếc xe mang theo bọc ni lông đến nơi, rồi vứt một cái lại phóng xe vút đi...” anh Phụng nghẹn ngào.



12 giờ đêm, chưa kịp chìm vào giấc ngủ, tiếng điện thoại réo lên gọi “bố” Phụng dậy, chạy xe vào TP đưa một sinh linh bé bỏng về nghĩa trang… Hôm nay, từ 7 giờ sáng đến bây giờ “bố” đã phải ngược xuôi 5 chuyến vào thành phố mang các con về nghĩa trang. Vậy mà, 6 giờ tối, mới nâng chén cơm lên miệng, “bố” lại đã nhận một cuộc gọi mới. Đầu dây bên kia nói vội vã, cụt lủn: “lại có nữa rồi”. Hôm nay trời khá rét, phải nhanh lên kẻo con bị lạnh - như một quán tính, anh Phụng tự nói với mình rồi bỏ bát đũa xuống, lên xe…



Lấy một chai rượu đã chuẩn bị sẵn, anh rửa hài nhi 6 tháng tuổi cẩn thận, nhẹ nhàng lau, rồi quấn một chiếc khăn trắng vào người bé. Nhẹ nhàng bỏ vàng mã, trà vào tiểu sành, đặt bé vào trong và miệng lầm rầm liệm cho bé. Chỉ trong vòng hơn chục phút, anh đã làm xong cái việc mà người cùng huyết thống vẫn thường gọi là “trọn đạo, trọn tình” cho một thai nhi xấu số bị cha mẹ bỏ rơi. Một công việc anh không hề muốn, nhưng vẫn phải làm.



Hơn 7 năm nay, những người hay đến nghĩa trang TP Pleiku đã quá quen thuộc với 2 người đàn ông “kì dị”, lúc thì xây mộ, lúc nhổ cỏ, thắp nhang… Các anh chỉ nói mình tên Phụng và Lễ: “Gọi như vậy là được rồi, mình cũng chỉ làm việc nên làm, xã hội cần thôi chứ không có gì to tát đâu. Chỉ mong sao, tình trạng nạo phá thai giảm đi là chúng tôi thấy hạnh phúc, đó mới là việc làm rất cần…”, anh Phụng khiêm tốn trả lời, quyết không nói đầy đủ tên họ.



Các anh kể, chỉ có ngày mùng 1-2 Tết âm lịch hàng năm là các anh ở nhà ăn Tết, còn 363 ngày còn lại, ngày nắng cũng như ngày mưa, các anh đều có mặt ở nghĩa trang. “Gắn bó lâu cũng thấy quen, ngày nào không ra là khó chịu lắm. Mưa to, gió lớn lòng lại cứ thấy lo và nóng ruột hơn nên chúng tôi lại chạy ra đây, không ở lâu thì cũng thắp một nén nhang cho các con rồi về mới yên tâm”, anh Lễ tâm sự.



Hai anh cho biết, nghĩa trang bào thai này ra đời từ năm 1990. Đến nay đã có hơn 12 vạn thai nhi được chôn cất tại đây. 7 năm chăm lo giấc ngủ cho những sinh linh tội nghiệp, riêng anh Phụng cũng đã bế trên tay và lo hậu sự cho hơn 5.000 thai nhi. “Trước kia có ngày lên đến hơn 20 thai nhi được đưa về đây. Nhưng vài năm trở lại đây thì số lượng đã giảm, chỉ còn trung bình mỗi ngày 4-10 thai nhi bị bỏ”, anh Phụng cho biết.



Nói đến đây, anh Lễ lại nghẹn ngào: “Cô không biết đâu, có nhiều thai nhi đã thành hình người, cân nặng hơn 2kg nhưng vẫn bị cha mẹ từ bỏ. Có những em bé trắng và đẹp lắm, chúng tôi liệm mà lòng đau thắt, bế vào lòng mà khóc. Vậy mà…”.



Hai tâm hồn vĩ đại




Việc làm không lương của các anh âm thầm nhưng vĩ đại. Vĩ đại hơn khi chúng tôi biết cuộc sống gia đình các anh còn khá vất vả, vừa gánh vác việc nhà (người nuôi 3 con, người nuôi 4 đứa con), vừa gánh vác việc xã hội.




Nghĩa trang hài nhi nằm trong khuôn viên nghĩa trang TP Pleiku



Trước đó các anh cũng lăn lộn với đủ thứ nghề lao động chân tay, nhưng duyên phận đẩy cả hai anh về làm nghề nhổ cỏ thuê tại nghĩa trang TP Pleiku. Rồi các anh kiêm luôn nghề xây, quét sơn, trông nom mộ khi được gia chủ thuê.



Vất vả là vậy, nhưng các anh không nỡ lòng nhìn những bịch ni lông đen, bên trong có các thai nhi đã bốc mùi được cha mẹ các em mang đến nghĩa trang vứt, nên lại nâng niu đưa đi chôn cất. Cứ như vậy, công việc ngấm sâu vào máu lúc nào không hay. “Lúc đầu còn khó khăn, anh em tôi phải đi ăn trộm cả chậu hoa, bát nhang ở khắp nơi trong nghĩa trang này về đặt các em vào đó để chôn”, anh Phụng nhớ lại.



Việc làm của các anh may mắn được một nhà hảo tâm biết và tài trợ tiền mua tiểu sành, xây mộ cho các em. “Trước đây để lo hậu sự cho mỗi em hết 50 nghìn. Nhưng nay cũng đã lên đến hơn 300 nghìn, bây giờ người này đã chuyển vào TPHCM và không còn tài trợ nữa”, anh Lễ cho biết.



Hiện tại, để lo hậu sự cho các em, một phần các anh được một số nhà hảo tâm giúp đỡ, một phần các anh phải tự trích từ phần thu nhập vốn ít ỏi của mình ra. “Mình cũng lấy mộ lớn để làm mộ nhỏ thôi, lâu lâu có ai cho dăm chục, một trăm để mình uống nước thì mình lại dành để lo cho các em”, anh Phụng nói.



Ngoài ra các anh còn cho số điện thoại của mình tại các điểm phá thai, để khi có sinh linh xấu số nào là các anh có mặt; để có thể kịp thời can ngăn những cô gái lỡ dại định bỏ đứa con trong bụng, với lời hứa sẽ nuôi họ cho đến khi họ sinh con ra, cho họ 5 triệu làm vốn và sẽ nhận nuôi con nếu họ không muốn nuôi...

“Chúng tôi đã cứu được 6 cháu bé, nhận làm con nuôi và gửi vào chùa. Để có được 5 triệu cho những cô gái này, chúng tôi phải đi xin khắp nơi, nhiều lúc phải đi vay để cho họ”, dù vậy nhưng cả hai anh đều vui vẻ.

Khi được hỏi về khó khăn, các anh cho biết, mưa gió, đêm hôm các anh cũng không ngại. Nhưng hơn một năm trở lại đây, một số đối tượng nghiện hút dạt về nghĩa trang để chích hút và lắc, nên đêm nào phải chạy xe qua nghĩa trang để mang các em về chôn là các anh lại thấy sợ. “Mình chỉ sợ không may mình đang loay hoay đào huyệt mà chúng đánh lén là không kịp trở tay”, nói là vậy, nhưng các anh vẫn vượt qua nỗi lo đó bởi các anh tin, với việc làm của mình, các anh luôn được các “con” che chở.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:



1. Anh Nguyễn Văn Lễ, tổ 15, phường hội phú, hẻm 36 Trương Mạnh Trinh, TP Pleiku, Gia Lai (đt: 0914460394)hoặc anh Nguyễn Phước Phụng, tổ 11, đường Nguyễn Thiếp, phường Diên Hồng, TP Pleiku, Gia Lai

Mã số 43.



2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội)

Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã)
Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490
Email: quynhanai@dantri.com.vn

* Tài khoản VNĐ:

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK: 10 201 0000 220 639

Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm


* Tài khoản USD:

Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK : 045 137 195 6482

SWIFT Code: BFTVVNVX

Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank)



* Tài khoản VNĐ tại VietComBank:

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK: 0451 001 944 487

Tại: Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thành Công

3. Văn phòng đại diện của báo:

VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122



VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725


VP HCM: 40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6 quận Bình Thạnh. Tel: 08. 35107. 331


VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269
Thiên Thư
(Dân trí)